ĐẠO ÔNG BÀ
Hỏi: Trước khi các tôn giáo ngoại vào Việt Nam thì chúng ta theo đạo gì?
Rất xưa, cũng như nhiều tộc người khác, chúng ta thờ các vật tổ, về sau thì tín ngưỡng thờ cúng gia tiên đã trở thành gần như một tôn giáo phổ quát, thường gọi là ĐẠO ÔNG BÀ.
Một tôn giáo đầy đủ thường được xét ở mấy vấn đề:
- – Có Giáo chủ
- – Có Giáo lý
- – Có Giáo đồ
- – Có Giáo sỹ
- – Có Giáo đường
- – Có Giáo hội
- – Có Nghi thức thờ phượng.
Đạo ông bà không phát triển theo mô thức trên, nhưng ăn sâu trong tâm thức người Việt với hình thức thờ phượng là lễ hiến cúng cho tiền nhân đã khuất thể hiện mối tri ân GIAO CẢM HUYẾT THỐNG.
Nhiều dân tộc có tục tưởng nhớ người đã khuất, nhưng trong tâm thức Việt thì nó là một điều đặc biệt. Người Việt rất coi trọng việc cúng tế vào ngày tang và kỷ niệm ngày mất gọi là giỗ và “giáo đường” là ban thờ gia tiên.
Một nét đặc biệt, người Việt phân biệt “ông Vải” chỉ về gia tiên nói chung, “ông Mãnh” chỉ về gia tiên mất lúc còn trẻ chưa thành thân và việc cúng khấn cũng khác.
Nét đặc biệt nữa là, không chỉ vào ngày giỗ mà việc hiến cúng cho tổ tiên còn được thực hiện vào các ngày Sóc, Vọng trong tháng âm lịch và các Tết Mùa đặc trưng nông nghiệp lúa nước như tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tết Hàn thực, tết Trung thu, tết Cơm mới.
Không chỉ như vậy, khi trong nhà có việc trọng hệ như sinh con, cưới hỏi, làm nhà, đi xa, thi cử, đỗ đạt, ốm lâu không khỏi, tai nạn bất ngờ… người Việt đều dâng hương kính cáo tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ hoặc để tạ ơn.
Vì không có hệ thống giáo lý quy chuẩn nên mỗi vùng, mỗi gia tộc, mỗi gia đình thờ và cúng có khác nhau. Các gia tộc lớn có từ đường chung và có nhà thờ chi họ, hằng năm con cháu đóng góp duy tu và tế theo mùa, cách hai ba năm có kỳ đại tế, gia đình tôi bây giờ vẫn duy trì như vậy, ở nghĩa trang dòng họ thì có lễ chặp mả hằng năm.
Một điều đặc biệt khác là người Việt dung hòa việc thờ cúng gia tiên đã mất với việc thờ các chư thần bản thổ – đây là một nét đặc sắc. Người ta quan niệm đất trời có chư Thiên chư Thần quản trị, người ở phải xin phép nên tôn nhang thờ.
Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên là nét văn hóa trân quý của người Việt.
Đề tài này mà nói thì dài và nhiều điều thú vị, tôi tạm dừng ở đây.

Dong Nguyen
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tập tục mang đậm nét văn hóa của người Việt.
Hồng Ngọc Ruby Caravigne
Con cảm ơn cô đã giúp con gọi tên trạng thái TRI ÂN GIAO CẢM HUYẾT THỐNG. Với con điều đó hơi bất ngờ nhưng lại chân thực hơn sự ngưỡng vọng, kính trọng, mang ơn.
Liên Hương Lena
Vì GIAO CẢM HUYẾT THỐNG nên không phân biệt nam hay nữ, bên ngoại hay bên nội, có huyết thống [ADN] là nên thờ tự chu đáo nội ngoại đôi bên, tránh kỳ thị.
Khanh Nguyen
Bài viết đúng với thực trạng bao năm nay theo chuyền thống gia đình người việt ở các vùng nông thôn và thành thị
Vui Nguyen
Một nửa cháu rất tò mò về nghi thức, văn cúng. Cũng là nhớ ơn tổ tiên.
Một nửa cháu thực sự sợ hãi những ngày cúng giỗ.
Ở quê cúng xôi thịt sát sinh ăn uống …
Ông nội cháu trước nói một năm phải làm một cái giỗ to, mời tất cả người thân thuộc trong làng đến ăn để trả nợ miệng. Khi đó cỗ giỗ to những mười mấy hai chục mâm.
Giờ ông cao tuổi nói mọi người làm sao cũng được. Nhưng vẫn là anh em họ hàng đến ăn giỗ, lại rượu thịt.
Cháu nhìn mâm cơm cúng thật sự đau lòng. Lại nhớ đến những lời Phật dạy trong kinh Địa Tạng
Dong Nguyen
Đất có lề, quê có thói
Nhập gia tùy tục
Sống đâu âu đấy
Nguyen An Vinh Dong Nguyen
Gặp làng hủ tục thì lãnh đủ hả.
Nhân Sống Xin cảm ơn c. Đạo gia tiên là cao cả. Ông tiền lại thân sinh ông tổ. Trời cao còn cao cao mãi…
Ngô Nhật Đăng
Riêng Việt Nam phải đủ cả hai vợ chồng khi làm lễ gia tiên cúng ông bà gọi là “đồng tế” nên ngày xưa các cụ chưa tới 70 mà đảm nhận việc cúng ông bà được phép tục huyền nếu vợ đã mất chỉ để “đồng tế”
Phú Hòa Đặng Ngọc
Gìn giữ tiếng thơm cho tổ tiên, gia tộc là một nét đẹp văn hoá người Việt, tiếc thay hiện nay không còn được như trước..
Đỗ Tuấn Anh
3 trụ cột quan trọng nhất theo cháu là : Giáo Lý, Tu Sỹ, Nghi Lễ. Trọng tâm nhất vẫn là Tu Sỹ vì hiện đại, nhiều cá nhân đã đạt đến một trình độ giác ngộ rất cao mà bước qua mọi sự phân chia giáo lý và cởi bỏ các nghi thức rườm rà mang tính chất văn hóa địa phương, dân tộc