NHÀO NẶN con hay GIÚP con nên người?
Ảo giác các bố mẹ thường hay mắc phải
Một bạn: Dạ chào Thầy, chào mọi người. Đây là lần đầu tiên em biết về Trà đàm Trong Suốt thông qua một người bạn của em. Tụi em cũng hay nói chuyện với nhau, nhất là phụ nữ đã lập gia đình thì có rất nhiều vướng mắc, những mâu thuẫn, xung đột về con cái, gia đình, công việc. Trong lòng em có nhiều vướng mắc nên hôm nay em đến đây cùng với chồng và con trai.
Trước thì em không đi làm, sau khoảng ba năm rưỡi thì em đi làm. Công việc của em rất bận nên em không có thời gian lo cho gia đình, con cái. Nói chung mọi việc trong gia đình thì em không làm được, trách nhiệm làm vợ và làm mẹ, vì em tập trung vào công việc hết trơn.
Sau 1 năm rưỡi thì vợ chồng em bắt đầu có những cuộc cãi vã. Nhiều lúc em cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và không có sự đồng cảm. Bây giờ có ông xã ngồi bên cạnh thì em cũng có thể nói về vấn đề đó, không sao cả. Do không có thời gian nhiều để nói chuyện cùng nhau nên ngay từ đầu quan điểm chăm sóc và nuôi dạy con của mỗi người đã rất trái ngược. Khi em đi làm thì em không chăm sóc, dạy con được nữa, thì nhiều cái dồn nén thêm và đỉnh điểm là vợ chồng cãi nhau, rồi ghen tuông.
Thầy Trong Suốt: Ai ghen? Em ghen hay chồng ghen?
Bạn đó: (Cười) Chồng em ghen.
Thầy Trong Suốt: Hai vấn đề, đúng không? Một là dạy con không đồng quan điểm. Hai là chồng ghen.
Rồi! Rất tốt! Em có nghe câu ngạn ngữ “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà…”?. Ở đây có ai biết câu đấy không ạ? Em biết không? Chứng tỏ là em với chồng mải nhìn nhau quá. (Một bạn cười) Đấy! Mải nhìn mặt nhau quá nên không biết câu ngạn ngữ quan trọng đấy, bí kíp của hạnh phúc trong tình yêu là: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà…”. Bạn nào biết?
Chồng bạn đó: Xin phép! Mình là chồng.
Thầy Trong Suốt: À rồi! Mời anh phát biểu!
Bạn đó: Cái này mình biết: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là hai người cùng nhìn về một hướng”.
Thầy Trong Suốt: Chuẩn! Đấy! (Thầy cười) Tặng một quyển lịch cho anh. Anh giới thiệu một chút đi!
Bạn đó: Xin chào tất cả mọi người! Hôm nay thực ra mình không có ý định đến đây để nghe mà tại vì thằng nhóc đòi đi theo mẹ, nên vợ kêu: “Ba chở đi luôn”. Mình hy vọng là đến đây thì mình sẽ… tại vì mình là tín đồ của Phật Giáo.
Thầy Trong Suốt: Rồi! Rất tốt! Như vậy vấn đề của anh là ghen hay là dạy con?
Bạn đó: Không! Thật sự mình rất là ít ghen! Mình để cho vợ thoải mái chứ, làm sao vợ lại nói mình hay ghen tuông được. Mình không thừa nhận điều đó. Mình cực kỳ tôn trọng vợ, vợ đi làm mình cũng để cho vợ thoải mái tại vì đó là công việc mà.
Thầy Trong Suốt: Rồi! Bức xúc lớn nhất của anh với vợ là gì?
Bạn đó: Nói chung thì đâu có bức xúc gì vợ đâu.
Thầy Trong Suốt: Hả? Chỉ vợ bức xúc với mình và còn mình không bức xúc tý tẹo nào?
Bạn đó: Chắc là do mình hay cưng thằng nhóc nên là vợ mình mới nói cho con tự lập thế này, thế kia. Mình nghĩ nó còn nhỏ nên từ từ lớn rồi dạy nó dần dần cũng được. Mình vẫn hay nói với vợ, mình là thầy giáo, mình dạy biết bao nhiêu học trò trở thành bác sĩ, kỹ sư thì con mình thì mình biết cách dạy chứ, nhưng mà nhiều khi cháu nó còn nhỏ quá. Mâu thuẫn trong gia đình về chuyện dạy con như vậy thôi…
Thầy Trong Suốt: Rất hay! Rất hay! Mời vợ nói quan điểm dạy con của em?
Bạn vợ: À! Ngay từ đầu quan điểm của em thì nuôi con thứ nhất là thuận theo tự nhiên và phải tôn trọng con. Nhưng chồng em lúc nào cũng sợ con bị ốm, con bị đau, con bị té, con bị ngã… Sợ! Nói chung là nỗi sợ của chồng em quá lớn. Sợ thả con một mình có vấn đề gì đó, sợ con không ăn được nhiều… Có rất – rất nhiều vấn đề em với chồng đều trái quan điểm.
Thầy Trong Suốt: Anh ấy thì muốn dạy con theo chuẩn, đúng không? Còn em thì muốn dạy nó tự nhiên hơn, đúng không?
Bạn vợ: Dạ vâng! Em cũng không biết cái chuẩn của chồng em là bao nhiêu nữa?
Thầy Trong Suốt: Rồi! Chuẩn thì vô hạn đúng không? Thế nào là một người vợ tốt? Theo các bạn thì có vô hạn không? Thế nào là một đứa con tử tế? Được! Thế là vấn đề đã được nhìn thấy rồi đấy. Chồng em có một số chuẩn và em thì quan điểm tự nhiên hơn. Bây giờ câu chuyện là phải làm thế nào? Chẳng lẽ lại vì đứa con mà lại bất hoà. Đúng không? Rồi! Dễ! Quá dễ!
Bạn vợ: Vâng! Quá dễ nhưng mà em nghĩ không thể.
Thầy Trong Suốt: Rất dễ! Nghe xem đã rồi tính.
Ở đây dễ hay khó là ở cách nhìn. Em cứ ngồi thoải mái đi! Vấn đề chung của các cặp vợ chồng là cho rằng đứa bé do mình nặn ra. Nghĩa là,mình đẻ ra nó là một phần rồi, nhưng mình còn nặn ra nó trong tương lai, nó thế nào là do mình dạy. Đấy! Vợ chồng toàn nghĩ thế thôi: “Nó thành người thế nào là do mình dạy”. Còn sự thật là đến khi đứa bé khoảng 30 tuổi thì sẽ biết có do mình dạy hay không. Người Việt Nam có câu là: “Cha mẹ sinh con…” gì?
Một vài bạn: Trời sinh tính.
Thầy Trong Suốt: Trời sinh tính! Đứa bé, bản chất, nó không phải là tác phẩm do mình nặn ra. Nếu mình hiểu nhân quả nhé, thì đứa bé là người có ân hoặc có oán với mình, đến với nhà mình. Thế thôi! Nếu có ân và ân ấy đủ lớn thì đến để báo ân; nếu có oán, oán đủ lớn thì đến trả thù. Đứa bé chỉ là một chúng sinh trong vô vàn các chúng sinh khác có ân oán đến với mình thôi. Chứ nó không phải là do mình nặn ra, tính cách của nó không phải do mình sinh ra và tương lai của nó có phải do mình quyết định không?
Một bạn: Dạ không!
Thầy Trong Suốt: Không luôn! Như vậy nghĩa là ngay cả cái hình hài của nó cũng chẳng phải do mình tạo ra nốt. Bằng chứng là nó có cao như mình muốn đâu, khoẻ như mình muốn đâu, tính cách nó càng không – càng chứng minh được. Bố một tính, mẹ một tính, con một tính khác. Đấy! Và thứ ba là tương lai của nó có phải do mình quyết không? Là do nhân quả, nghiệp lực của nó.
Thế mình có vai trò gì? Mình có vai trò đưa nó một đoạn đường, lúc nó yếu ấy, không có ai chăm sóc, không có ai bảo vệ thì mình giúp nó có đủ ăn uống, có sự bảo vệ cần thiết. Lúc nó bắt đầu nhận thức được thì mình chia sẻ với nó cái gì là đúng, cái gì là sai theo quan điểm của mình. Nhưng mà nó có nghe mình không thì cũng không chắc nhé, đúng không? Bố mẹ dạy một đằng còn con sống một nẻo. Có bao giờ xảy ra chuyện đấy không?
Một bạn: Dạ có!
Thầy Trong Suốt: Có đầy gia đình bố mẹ rất lương thiện mà con là trộm cắp, ăn cướp. Bố mẹ hết sức vị tha mà con cực kỳ ích kỷ. Đúng không? Mình đừng nghĩ là mình dạy đứa bé vị tha là nó vị tha đâu. Mình dạy nó vị tha nhưng nó lớn lên ích kỷ, chuyện bình thường. Bố mẹ cực kỳ trí tuệ thông minh mà đẻ ra đứa con học rất dốt. Đấy!
Tất cả cái đấy nếu mọi người chịu khó quan sát trong xã hội thì rất nhiều luôn. Nên cái ảo giác mình tin là gì? Mình tạo nên tính cách của nó, mình quyết định tương lai của nó – đó là ảo giác. Các bạn, bố mẹ ở đây không phải là người tạo ra tính cách của đứa bé và càng không phải là người tạo ra tương lai của đứa bé. Đứa bé có nghiệp lực riêng, nghiệp lực đấy của nó quyết định mạnh hơn nhiều cái mà các bạn tạo ra.
Thậm chí có gia đình bố mẹ bỏ con đi từ sớm mà đứa bé vẫn nên người như thường. Chứ đừng nghĩ là ở cạnh bố mẹ mới nên người. Có gia đình bố bỏ đi từ sớm, con thành tổng thống. Đấy! Tổng thống Mỹ đấy! Có gia đình mẹ bỏ đi sớm, con lớn lên trở thành nhà bác học.
Như vậy chúng ta quá ảo tưởng về chính mình. Tin rằng mình nặn ra đứa bé này, nặn ra tính cách của nó và nặn ra tương lai của nó. Hoàn toàn là ảo giác. Phải hiểu rằng, đứa bé có nghiệp lực riêng, tính cách nó không phải do mình nặn và tương lai của nó càng không phải do mình nặn. Khi mình có cái nhìn đấy, mình bắt đầu dạy đứa bé theo kiểu khác.
Ngày xưa mình dạy theo kiểu gì? Là mình hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm về cuộc đời nó. Nhưng không phải, nó mới là người chịu trách nhiệm về cuộc đời nó. Mình chỉ làm được những điều căn bản bố mẹ cần làm thôi: Cho ăn uống khi nó yếu này, bảo vệ nó khi nó chưa đủ lớn và chia sẻ cái mình cho là đúng, là sai với nó. Nhớ là chia sẻ chứ không phải là ép buộc nó học theo kiểu của mình. Đấy! Thế thì vai trò của ông bố, bà mẹ có thể nói tóm lại một câu là gì: “Không cô… thì sao?”. Có ai nhớ không? “…thì chợ…”
Một bạn: Vẫn đông.
Thầy Trong Suốt: Cô đi…
Một bạn: Lấy chồng.
Thầy Trong Suốt: Lấy chồng thì…
Một bạn: Chợ vẫn vui.
Thầy Trong Suốt: Chợ vẫn vui. Không có bố mẹ thì con vẫn lớn nên người. Bố mẹ có ly tán, mỗi người đi theo một chồng, một vợ, thì đứa con vẫn theo nghiệp lực của nó mà nên người. Đấy! Nên ở đây điều đầu tiên là ông bố, bà mẹ bỏ bớt cái tôi của mình xuống, bớt cái tầm quan trọng của mình xuống. Đừng đặt cho mình cái tầm quan trọng quá lố là người nặn ra tính cách, tương lai của đứa bé. Mà mình phải hiểu là gì? Nó có nghiệp lực riêng, không cần mình.
Giả sử mình tai nạn chết sớm, nó vẫn nên người bình thường. Đầy gia đình đấy, bố mất sớm, mẹ mất sớm,con trở thành người đàng hoàng. Để mình thấy rằng là gì? Tương lai của nó ấy, phần lớn là quyết định bởi nhân quả hay nhà Phật gọi là “nghiệp lực”, chứ không phải là sự nhào nặn của bố mẹ. Nghĩa là, trách nhiệm của mình không phải là nhào nặn đứa con. Đứa con là cục bột, mình cứ nhào thôi, mình nhào thành tai thỏ xong rồi mặt người, rồi chân tay khỉ… Làm sao nhào được! Nó sẽ thành đứa bé kiểu của nó. Không nhào được đâu!
Nên là đừng có ngồi nghĩ chuyện nhào con nữa. Hãy nghĩ chuyện giúp con nên người! Thay vì mình nghĩ là tạo cho con nên người, thì hãy nghĩ giúp con nên người. Cái cây có sức sống của riêng nó. Mình là hoa hồng, chồng mình hoa huệ, nhưng con mình thì có thể là hoa mười giờ. Đúng không? (Thầy và mọi người cười) Mỗi cây có một sức sống riêng. Hay con mình có thể là hoa gì nữa nhỉ? Hoa súng! (Cười) Chồng hồng, vợ huệ, con súng là bình thường. Thế nên là, mình phải giúp nó nên người chứ không phải dạy cho nó nên người. Không làm được đâu! Cái người mà dạy cho con nên người – làm được mười mấy năm xong lớn lên… – là vô cùng thất vọng vì nó làm trái điều bố mẹ nó dạy.
Quan điểm rằng kiểm soát được tương lai đứa con – đấy là quan điểm sai lầm và kiểu dạy học như thế thì chỉ có mình thất vọng thôi. Con thì áp lực, còn mình thất vọng. Thế nên mình phải quan điểm là giúp nó nên người. À, đấy là quan điểm mới! Phải dạy con nên người – quan điểm châu Á truyền thống nhé. Đặc biệt người Việt Nam mình quan tâm là phải dạy con nên người. Nhưng phải hiểu đứa con có sức sống riêng, cách sống riêng, tính cách riêng, mình chỉ giúp nó nên người mà thôi.
Như vậy thì thế nào? Giúp nó nên người thì không phải là mình ép nó theo khuôn của mình được. Mình xem nó là cái gì chứ, đúng không? Mình muốn trồng cái cây thì mình phải xem nó là cây chuối hay là cây hoa súng? Chuối thì mình phải trồng kiểu khác chứ, hoa súng mình trồng kiểu khác. Nên phải xem đứa bé là ai, trước khi mình ép nó theo kiểu của mình phải xem nó là ai đã! Đấy! Xem nó là ai? Xem nó xu hướng như thế nào?
Thầy có hai đứa con. Đứa con trai của thầy có thể nói là khác hẳn thầy, nó cũng chẳng giống mẹ. Thầy là người rất nghiêm túc, trách nhiệm, làm gì quyết liệt đến cùng, quan tâm giúp mọi người, v.v… từ hồi bé tí luôn. Nhưng nó, có thể nói, đặc điểm duy nhất là rất lầy. (Mọi người cười) Kinh khủng lầy luôn! Mọi người hiểu lầy là gì không ạ?
“Con ơi lấy cho ba cái kính”. “Không lấy đâu!” – Lắc lắc thế này, “không lấy đâu”. Thế thôi! Lầy mà! Nó chẳng làm theo lời bố mẹ luôn. Nadhi! Con lắc thử cho mọi người xem nào!
Nadhi: Dạ!
Thầy Trong Suốt: Thể hiện đi! Bình thường con hay làm thế nào nếu mẹ nói lên nhà lấy cho mẹ cái kính?
Nadhi: Con chẳng lấy đâu.
Thầy Trong Suốt: “Chẳng lấy đâu!”, đấy! Lắc lắc lắc… Đấy! Thấy lắc chưa? Đấy! Như vậy làm sao nó có tính cách giống mình hồi nhỏ, giống mình hồi lớn cũng khó. Thế phải làm thế nào bây giờ? Ca này khó đây, đúng không? Vì nó không có cái bản tính giống mình. Mình dạy nó trách nhiệm nó không nghe. Đó là ví dụ. Mình không thể ép nó theo mẫu nào hết. Mình phải xem nó là ai để dạy nó như thế nào. Đúng không?
5 bản tính căn bản của con người
Ví dụ, khi mình thấy như vậy mình bảo: “À! Như vậy cái cậu bé này, nó không có cái tính nhà Phật gọi là Nghiệp bộ”. Nhà Phật chia con người ra làm 5 loại bản tính: Loại thứ nhất là… Hơi dài mọi người nghe tý không?
Một bạn: Dạ nghe!
Thầy Trong Suốt: Nhưng nên nghe để biết dạy con. Nghe nhé! Đây là 5 bộ tên rất hay:
Hiểu con rồi mới giúp con
Đấy! Như vậy là mình hiểu mình, hiểu người rất quan trọng. Nhân chuyện dạy con nhưng mà mình nói một cái rất quan trọng. Khi mình dạy đứa con cũng thế thôi, hay dạy nhân viên của mình cũng là một loại dạy, đầu tiên, mình phải hiểu là mình giúp nó nên người. Vì mình giúp nó nên người chứ không phải mình nặn nó nên người, thì phải hiểu xem nó là loại gì, giống cây gì đã! Quan sát đã.
Đầu tiên, bố mẹ không phải là cố nặn con theo mẫu của mình. Giống thầy không thể dạy thằng cu theo kiểu mẫu thầy được. Nó không có những tố chất đấy, nặn thế nào được? Bố mẹ hay quan điểm là nặn con theo kiểu mình muốn. Sai ngay từ đầu rồi! Đầu tiên phải xem nó theo kiểu nào, sau đấy mình giúp nó. Giúp nó làm gì? Giúp nó phát huy điểm mạnh của nó và hạn chế bớt điểm yếu. Đấy! Đấy là cách dạy con thông minh. Ví dụ thằng cu nhà thầy, nó có tính nhanh chán, rất nhanh chán, mở miệng ra là kêu gì?
Nadhi: Chán!
Thầy Trong Suốt: “Chán!” (Mọi người cười) Đúng không? Đúng chưa? Thế thì nó không có nghiệp bộ, không có tính làm bằng được đến cùng. Vậy thì mình dạy nó thế nào?
Thứ nhất là, mình chia nhỏ việc và thưởng trên đường đi. Nghĩa là đoạn đường ngắn, thưởng ngay. Chứ bảo: “Con hãy cố gắng cuối năm nay ba thưởng cho con một cái gì đó”. Thôi! Đảm bảo nó chỉ làm ba ngày, nó chẳng quan tâm đến phần thưởng nữa. (Mọi người cười) Khi mình chia đều phần thưởng ra làm khoảng 20 chặng, mỗi chặng một tuần, xong rồi “Cuối tuần ba thưởng cái gì đấy!” thì nó còn làm được.
Nghĩa là với đứa bé như vậy mình dạy theo kiểu nghiệp bộ là hỏng rồi. Dạy nó là: “Con phải đạt mục tiêu này, mục tiêu kia”, nhưng mà nó có quan tâm đâu. Nó rất nhanh chán. Vậy thì mình chia mục tiêu ra làm rất nhiều phần, đủ giữ được sự hào hứng ấy trên cả đường đi luôn. Đấy là ví dụ cách dạy con. Khi mình hiểu đứa con, mình giúp nó nên người bằng cách gì? Chia cái đích thật xa thành những cái đích thật là nhỏ để nó có được hứng thú. Đấy là một ví dụ về việc mình hiểu con, mình sẽ dạy theo kiểu gì.
Còn mình là kiểu có mục tiêu, mình làm đến cùng, có bằng được. Xong mình cứ tưởng là con mình cũng thế, có phải khổ không? Có phải dạy nó không được không? Xong vợ chồng cãi nhau. Đấy! “Anh dạy con kiểu gì mà mãi nó…?”. Xong mình lại bị chạm tự ái. Đúng không? Lúc đấy vấn đề không còn là con mình là đứa thế nào nữa, mà chỉ còn là ai đúng ai sai thôi. Cãi nhau xem là vợ đúng hay chồng đúng. Khi mà cãi nhau cho đúng là mình đã quên mất đứa con rồi.
Hai vợ chồng cùng nhìn về một hướng, nhìn về đâu? Cùng nhìn xem đứa con thuộc kiểu thế nào. Đấy là nhìn một hướng. Dạy con đấy! Dạy con không phải là cãi xem bố mẹ đúng hay sai, mà cùng nhìn về hướng đứa con, xem nó là đứa bé thế nào để có phương pháp phù hợp. Hai vợ chồng cùng nhau bàn cách nào hợp với đứa con này nhất, chứ không phải con hàng xóm nhất. Đúng không?
Hàng xóm họ có một đứa con khác, nó có tố chất khác, mình không thể dạy cách dạy của con hàng xóm được. Hai vợ chồng cùng nhìn vào con xem: “À! Bây giờ mình phải xem đứa bé là kiểu người nào?”. Đấy! Nó có tham lam hay là nó tinh tế không? Nó có cứng cỏi, khuôn mẫu không? v.v… Đấy! Nên việc đầu tiên là gì? Đầu tiên là xem giống cây ấy là cây gì. Mình là hoa hồng, chồng là hoa huệ, nhưng con mình hoa gì?
Một bạn: Hoa súng.
Thầy Trong Suốt: Hoa súng cơ. Hay là hoa xương rồng, cũng được. Xương rồng như thế kiểu khác, gai góc, nên là gì?… Ở nhà thầy chẳng hạn, rõ ràng thằng cu nhà thầy nó không giống thầy về mặt tính cách, khác hẳn luôn. Đấy! Khác hẳn luôn và mình không dạy nó theo kiểu mà mình được dạy.
Việt Nam mình chỉ có hai kiểu dạy thôi: Hoặc là mình dạy con theo kiểu mình đã từng được dạy từ bé. Bố mẹ người Việt Nam thường là 90% dạy con theo kiểu hồi bé bố mẹ mình dạy mình thế nào, mình dạy hệt như thế. Một cách tự nhiên nó thế. Bố mẹ mình bắt mình nhiều, thì mình ép nhiều; bố mẹ mình không ép nhiều thì mình cũng không ép nhiều. Mình không biết phải dạy thế nào.
Kiểu dạy thứ hai là nghiên cứu phương pháp mới để dạy. Việt Nam chỉ có hai kiểu thế thôi. Cái kiểu thứ nhất thì sai chắc rồi. Kiểu thứ nhất là kiểu ngày xưa, hoàn cảnh môi trường, xã hội khác hoàn toàn. Dạy kiểu đấy lớn lên đứa bé sẽ không hòa nhập nổi với xã hội mới. Bây giờ nó khác!
Ngày xưa cứ răm rắp vâng lời là tốt, bây giờ cứ răm rắp vâng lời là không tốt. Không có chính kiến riêng của nó là không tốt. Ngày xưa cứ ra về chào hỏi lễ phép gọi là đứa bé tốt, nhưng nó chỉ là cái máy, chẳng có gì tốt cả. Mình dạy kiểu ngày xưa chắc chắn là không thành công.
Thế thì dạy kiểu mới thì sao? Dạy kiểu gì thì kiểu, mình vẫn phải quan sát đứa bé để xem nó là cái giống cây gì? Cần bổ sung dưỡng chất gì? Cần làm thêm cái gì? Cắt tỉa bớt cái gì? Và xác định là: Không phải mình nặn nên nó, mình chỉ giúp nó thôi. Mình giúp trong sức lực của mình thôi. Mình chỉ có từng này trí tuệ, từng này thời gian và tiền bạc, mình giúp nó trong sức của mình. Thế thôi! Xong! Và phần còn lại là phần của nó, trách nhiệm của nó. Kể cả nó bé hay lớn. Nó lớn lên kiểu nhân quả, nghiệp lực của riêng nó, chứ mình không ép buộc theo kiểu của mình.
Đấy! Bằng cách đấy thì sao? Hai vợ chồng thay vì cãi nhau sai hay đúng thì xác định xem là mình có bao nhiêu thời gian, công sức, mình dạy đúng mức của mình. Và đứa bé là thế nào mình dạy kiểu ấy. Đứa bé tăng động dạy khác. Đứa bé điềm tĩnh dạy khác. Đấy! Thì cách đấy là cách tốt nhất.
Và như vậy, dần dần hai vợ chồng thành hai người bàn bạc, chứ không phải là “Tôi có khuôn mẫu của tôi, còn cô có khuôn mẫu của cô”, hai bên choảng nhau xem khuôn nào chuẩn hơn. Cuối cùng cả hai khuôn đều gì? Méo cong méo queo. Đúng chưa? “Tôi có khuôn của tôi, cô có khuôn của cô”, nhưng đứa bé nó kiểu khác, tại sao phải ép các khuôn kia vào. Chúng ta cùng nhau xem đứa bé kiểu gì. Xong bàn nhau, tự nhiên có phải hai vợ chồng cùng một hướng không? Đấy! Đấy là cách.
Hai người, thay vì đem khuôn mẫu của mình vào, mà chắc chắn là mẫu là sai rồi, khuôn mẫu làm sao đúng được, đứa bé kiểu khác, thì ngồi bàn với nhau. Nên ở đây không quan trọng là nó phải tự nhiên hay nó phải khuôn phép. Nó là đứa bé nào đầu tiên chứ! Cái đứa bé mà cần khuôn phép thì phải khuôn phép chứ, mà đứa bé cần tự nhiên phải tự nhiên chứ. Không phải lúc nào cũng tự nhiên, hay không phải lúc nào cũng khuôn phép. Đấy! Đấy là cách đầu tiên. Đầu tiên mình xác định như vậy thì hai vợ chồng bắt đầu có quan điểm hợp tác để dạy con, chứ không phải là ai đúng nữa.
Chúng ta cãi nhau bởi vì sao? Không phải vì con đâu! Chúng ta tưởng là cãi nhau vì con, đúng không? Không phải đâu! Cãi nhau vì cái tôi chúng ta không chịu nổi người kia. Đúng là câu đầu tiên là vì con thật, câu đầu tiên của chúng ta: “Hãy vì con nhé!”. Câu thứ hai là gì? “Nhưng mà em mới là chuẩn. Cách của anh sai rồi!” Ông chồng chịu nổi không? Chịu nổi không? Làm sao chịu nổi? “Bằng chứng gì bảo tôi sai? Cách cô chắc gì đã chuẩn? Cách tôi mới đỉnh đây này”. Thế là đến câu thứ ba thì còn là vì con nữa không? Câu thứ ba hoàn toàn là cái tôi nào đúng thôi. Choảng nhau xem cái nào đúng.
Đấy! Nên là buổi này biết vậy. Và con không nhất thiết phải giống bố mẹ. Con có thể hoàn toàn khác bố mẹ. Điều quan trọng là mình xác định là con mình có thể hoàn toàn khác chính mình và mọi người. Điều đấy rất quan trọng. Nó không nhất thiết phải đúng mẫu của mình, đúng kiểu của mình. Nó có thể là đứa bé hoàn toàn theo kiểu của riêng nó. Đấy là cách dạy, cách hiểu đúng nhất.
Mình là Kim cương, vợ mình là Liên hoa, con mình lại là Phật bộ, đau lòng không? Đau lòng phết đấy! Con mình chẳng giống ai cả. Chẳng giống mình, chẳng giống vợ mình. Thầy với vợ thế đấy. Thầy và vợ là kiểu khác hẳn nhau, cuối cùng con mình nó một kiểu mới luôn.
Không sao! Nó lớn theo kiểu của nó, nó làm theo kiểu của nó. Nó thành công hoặc thất bại cũng kiểu của nó. Mình giúp nó bằng toàn bộ trí tuệ, hiểu biết và tài sản mình có thể đưa cho nó được, mình giúp nó. Thế thôi! Mình có bao nhiêu tiền? Cho nó học trường nào? v.v… Đấy là giúp nó đấy! Ăn đồ ăn gì? Bổ dưỡng như thế nào? Là giúp nó, chứ mình không thể nào uốn nắn, nặn nhào cuộc đời nó được.
Đấy! Nếu mà các bạn ở đây muốn nặn nhào rồi sẽ thấy thất vọng thôi. Sẽ thất vọng là chắc! Làm trái với sự thật, con mình nó có nghiệp riêng của nó mà lại bắt theo kiểu của mình. Đấy! Hai bạn đồng ý không? Hợp tác đi! Bây giờ hai người bỏ hai quan niệm của mình, bỏ cái cách của mình sang bên và xem đứa bé thế nào,và với cái tính cách này mình nên làm gì? Thầy ví dụ đấy, nếu nó không phải là đứa đặt mục tiêu cuối cùng lên trên hết, giống như là bố mình, thì phải chia nhỏ ra. Hai bên đồng ý ngay, đúng không? Còn nếu không thì vợ lại dạy theo kiểu phải đặt mục tiêu lên trên hết, thế là dạy con suốt ngày là: “Con phải!”.
Có hai kiểu dạy người Việt Nam thường phổ biến là: Một là “con phải”, cứ đúng mẫu là con phải dậy sớm, con phải chào ông, chào bà, con phải… thế là một đống “phải” hết. Đấy là dạy theo kiểu Kim cương, nghĩa là cứ đúng mẫu mà làm. Chẳng may gặp phải đứa Liên hoa thì thôi rồi.
Đấy! Cách dạy ấy mà gặp đúng đứa Kim cương thì rất hợp. Nếu con mình là đứa Kim cương, dạy kiểu đấy rất chuẩn luôn, nó cứ phải là sẽ xong. Gặp đứa Liên hoa là thích phá khuôn mẫu, thích tìm tòi, sáng tạo. Cảm thấy gò bó, thúc ép,xong kiểu gì nó cũng phá tan. Loại đấy là loại “Con phải”. Đấy! “Con phải” nên là rất nhiều mẫu.
Loại thứ hai là đặt cho con mục tiêu và bắt con tự giác. Đấy! Đặt cho mục tiêu bắt con tự giác. Nếu đứa bé nào Nghiệp bộ thì nó sẽ tự giác, nhưng nó không phải Nghiệp bộ thì nó tự giác không? Không! Thế là thôi rồi! Hỏng! Thấy nó không tự giác, suốt ngày phiền lòng. “Cháu nhà tôi thông minh lắm nhưng không tự giác gì cả”. Nghe quen không? Thông minh nhưng mà nó lười lắm. Đấy! Việt Nam mình gặp thầy toàn nói câu đấy: “Ôi con em thông minh lắm”, đứa thì bảo thông minh nhưng không tự giác, đứa thì thông minh mà thuộc loại lười. Nhưng vì sao? Vì nó có phải thuộc loại tự giác, thuộc loại chăm chỉ đâu mà dạy kiểu đấy.
Trong số những người ngồi đây sẽ có những người mở trường dạy trẻ em cũng thế thôi, mình không thể nào cứng nhắc được. Mình bắt đầu bằng việc đứa bé là ai. Đấy! Khi mình biết được đứa bé là ai ấy, thì có những cái rất chung, mình dạy chung cho tất cả bọn nó, nhưng mà sẽ có những cái mình bao dung, mình không bắt nó theo, vì đơn giản nó không làm được kiểu đó. Nếu có thời gian thì dạy mỗi đứa bé những phương hướng riêng để cho nó chọn, chọn cách để hoàn thành mục tiêu.
Nhưng mà quay lại câu chuyện của hai bạn, vợ chồng đơn giản là ngồi bàn với nhau, phân tích đứa bé, đúng không? Một bên là bác sĩ Đông y, một bên là bác sĩ Tây y. Đấy! Bây giờ có bệnh nhân chung thì chúng ta cùng chữa, chuẩn hơn là mỗi người đổ một đống thuốc, xong hy vọng đứa bé sẽ uống theo kiểu của mình. Đúng không? Đấy! Cách là thế! Rồi!
Hỏi đáp thực hành thiền và Tâm linh – Trong Suốt (Đà Nẵng 7/2018)