Đi phóng sinh mà còn ăn thịt động vật?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Một bạn hỏi: Bé hay hỏi mẹ là: “Mẹ ơi, sao mẹ đi phóng sinh mà mẹ còn ăn động vật hả mẹ? Mẹ không yêu động vật à?”. Em nghe nói vậy thì trong lòng em hiểu, nhưng nói ra làm sao cho bé hiểu thì mình lại không nói thật, mình lại lỡ nói dối. Mình bảo là “Mẹ không ăn được món này, nên mẹ chọn món này. Mẹ chọn để mẹ ăn tạm”. Mình về suy nghĩ thì thấy là mình nói dối con. Bây giờ không biết làm sao để nói, vì bé cũng hỏi nhiều lần...
Thầy Trong Suốt:
Thứ nhất, mình phải đối xử với trẻ con như là đối xử với người lớn. Tránh tất cả những chuyện nói dối nó, nói lừa phỉnh nó, nói ngược lại với sự thật. Vì mình đối xử với đứa bé thế nào thì ra đứa bé như thế.
Mình đối xử với nó như đứa bé trí tuệ và hiểu biết thì nó rơi vào trong đời mình là một đứa bé trí tuệ và hiểu biết, sống cạnh mình. Mình đối xử với đứa bé như thằng trẻ con không biết gì, lừa phỉnh nó, thì suốt ngày mình gặp một đứa bé chỉ biết lừa phỉnh thôi.
Hãy là người bạn trung thực của con
Nên là, đầu tiên, thái độ đối xử với con cái phải như bạn, trung thực với nó như một người bạn, chứ không phải như một đứa bé chẳng biết gì, để mình lừa như thế nào thì lừa, phỉnh như thế nào thì phỉnh. Phải như một người bạn trung thực.
Đấy, nên đổi thái độ với con cái: “Đây là một người bạn trung thực của tôi. Tôi sẽ là người bạn trung thực của họ”. Mình muốn con không nói dối mình, xong mình suốt ngày nói dối nó thì đương nhiên nó sẽ nói dối mình, đúng chưa? Mình muốn con không lừa phỉnh mình, nhưng mà suốt ngày mình lừa phỉnh nó thì nó sẽ lừa phỉnh lại mình. Thay đổi thái độ đi!
Một, thay đổi thái độ thành “Hãy là người bạn trung thực của con!”. Người bạn chưa đủ, mà phải trung thực nữa. Mình nói những cảm nhận, suy nghĩ thực sự của mình cho nó biết. Đấy là người bạn trung thực. Đấy! Có một thái độ đối xử khác với trẻ con. Sau đó, con xem lại tại sao mình ăn mặn, mình trả lời một cách trung thực cho nó nghe.
Chị đó: Mình nghĩ là bé còn nhỏ quá, nó chưa hiểu.
Thầy Trong Suốt: Cái sai là ở đấy. Nadhi 5 tuổi, đúng không? Thầy nói về giác ngộ, nói về cứu độ chúng sinh, nói về vạn pháp là ảo ảnh của tâm, nói về mọi thứ là vô ngã với nó từ bây giờ rồi. Đừng coi thường nó vì nghĩ nó không hiểu. Có thể là nó không hiểu được 100%, nhưng mà cái tinh thần chính nó sẽ hiểu. Cái đấy mới là quan trọng và nó sẽ trở nên trí tuệ hơn nhiều so với việc mình cứ che che giấu giấu. Thế thôi! Trả lời một cách trung thực là tại sao mình ăn mặn. Đúng không?
Ăn mặn không có nghĩa là không thương-Ăn chay không có nghĩa là thương
Bảo là: “Mẹ thấy ăn mặn là không có gì sai hết”, nói thẳng luôn. Nói thẳng với con luôn là:
“Ăn mặn không có nghĩa là không thương. Ăn chay không có nghĩa là thương”.
Thầy giảng đi giảng lại mấy cái đấy rồi. Đã là người, để nuôi sinh mạng này, thân thể các con có mấy kilogram thịt, các con phải nuôi cái thịt đấy thì con phải ăn uống, con phải có đủ các loại chất để nuôi thân thể này. Đúng chưa?
Vì thế con ăn uống thức ăn mặn hay không mặn đều là bình thường hết, vì nếu không có thì làm sao mình duy trì được sinh mạng. Khi ăn mặn hoặc ăn chay thì con đều làm chúng sinh chết. Quan trọng không phải là chay hay mặn, quan trọng là con phải thấy mình có trách nhiệm với những vật con ăn vào. Con phải biết ơn nó và con phải tìm cách cứu nó thoát khỏi đau khổ, khi có thể. Đấy mới là cách ăn đúng đắn, chứ không phải chay – mặn là đúng đắn.
Chay không đúng hơn mặn, mặn không đúng hơn chay. Ăn với lòng từ bi, biết ơn, và mong muốn cứu độ các chúng sinh khác thoát khỏi đau khổ mới là đúng. Đấy, nói thẳng với con như thế. Đối xử với nó như một người lớn luôn, trung thực. “Tuy rằng mẹ ăn mặn nhưng mẹ luôn luôn mong muốn cứu những con vật đấy ra khỏi luân hồi. Mẹ đã thề nguyện rằng sẽ tu hành giác ngộ để cứu nó ra”. Khác hẳn chứ!
Đừng tưởng đứa bé không hiểu. Nó mấy tuổi rồi?
Chị đó: Dạ 4 tuổi.
Thầy Trong Suốt: 4 tuổi là quá hiểu rồi. Thầy có một lớp học trò toàn trẻ con gọi là Nhi đồng Trong Suốt. 4 tuổi là được học rồi. Học cái gì? Học nhân quả, vô thường, bất toại nguyện, thân người khó được. Học tất, học duyên sinh các loại, học hết rồi. Nhớ là 4 tuổi thôi, năm ngoái học rồi, đúng không? (Mọi người cười) Kinh không? Mà đấy có phải chỉ là Nadhi con thầy đâu, mà một lớp 15 đứa, từ 4 tuổi trở lên.
Nên đừng coi thường trẻ con. Trẻ con rất là hiểu biết. Mà quan trọng nhất là mình đối xử với nó theo kiểu nào thì nó sẽ thành đứa bé như thế. Đấy, bà mẹ này (Thầy chỉ bác Lan) đối xử với con theo kiểu là: “Con cứ làm sai đi, mẹ lo hết cho” thì ra đứa bé vô trách nhiệm. Mình đối xử với nó như một đứa trẻ con: “Con cứ làm gì thì làm, để mẹ chịu trách nhiệm cho” thì ra đứa bé như thế nào?
Thì ra đứa bé vô trách nhiệm, chứ còn gì nữa. Mấy đứa vô trách nhiệm, chứ không phải một đứa đâu. Mấy đứa con vô trách nhiệm liền thì chứng tỏ mình dạy sai, có vấn đề trong cách dạy của mình. “Con cứ sai đi, để mẹ chịu hết cho. Con cứ làm mọi chuyện đi, rồi trả nợ thì mẹ trả nợ cho. Con cứ vay nợ đi, rồi mẹ trả nợ cho” – thì sẽ tạo ra những đứa bé chỉ suốt ngày vay nợ thôi, vô trách nhiệm còn gì nữa.
Hãy nhớ là, đối xử với con như thế nào thì ra một đứa con như thế. Hãy đối xử với nó như một người bạn trung thực. Kể cho nó nghe cảm xúc và suy nghĩ của mình. Nó sẽ học rất nhanh. Cái hay ở chỗ đấy. Thậm chí nó còn là thầy của mình luôn. Học xong, nó áp dụng nguyên tắc còn giỏi hơn mình. Trông mà xem! Vì người lớn bị nhiễu loạn rồi, quá nhiều nguyên tắc, còn trẻ con chỉ một nguyên tắc áp dụng thôi thì nó sâu sắc hơn nhiều và nó mạnh mẽ hơn nhiều. Và dũng cảm để con nó khác mình, hiểu không? Rồi, tặng quà cho bạn đi chứ!
Hãy đối xử với nó như một người bạn trung thực.
Hãy là người bạn trung thực của con.
Khi thầy dạy Nadhi kiểu đấy thì ngay cả mẹ thầy, cũng tu hành, mà phát hoảng luôn, sợ sau này nó không bình thường. Đấy, mẹ thầy là người tu hành rồi, mà thái độ không nói thẳng với thầy, nhưng thầy nhìn là biết, là sợ sau này nó không bình thường. Nó không bình thường theo kiểu là nó không làm theo mẫu chuẩn của xã hội – mẹ thầy sợ điều đấy.
Nhưng thầy chấp nhận con mình chẳng giống xã hội luôn. Đã là người tu hành giác ngộ thì làm sao giống xã hội được nữa. Làm sao bắt nó giống xã hội được nữa, vì xã hội này chỉ đi theo luân hồi thôi. Nên là, nếu các con dạy con mình điều đấy thì phải có một sự dũng cảm. Nếu các con muốn con mình không có ngũ độc, mà các con không có sự dũng cảm thì sao mà làm được? Con phải dũng cảm thôi! Con dũng cảm để con mình khác người. Nếu các con có dũng cảm đấy thì mới dạy con được. Các con, nếu muốn dạy con tử tế, ra hồn ấy, thì cần có một loại dũng cảm để con mình nó khác người. Còn muốn con mình giống tất cả mọi người ấy, thì chỉ ra đứa con đầy ngũ độc thôi. Hiểu không?
Sau này con khác người thì con có sợ không? Con khác với các bạn con có sợ không? (Thầy hỏi Nadhi)
Nadhi: Dạ không.
Thầy Trong Suốt: Vì sao lại không sợ? Khác hẳn cả lớp luôn. Các bạn không ai chơi với con nữa thì con có sợ không?
Nadhi: Dạ không.
Thầy Trong Suốt: Vì sao?
Nadhi: Vì con không cần.
Thầy Trong Suốt: Không cần à? (Thầy và mọi người cười) Thấy chưa? “Tại sao phải chê tôi. Tôi cần gì điều đấy!”. Tôi làm điều đúng mới quan trọng hay tôi làm điều mà tất cả mọi người đều thừa nhận là quan trọng?
Nadhi, làm điều mình cho là đúng quan trọng hơn, hay làm điều tất cả mọi người thừa nhận và đồng ý là quan trọng hơn? Trả lời ba xem nào! Theo con, làm cái gì quan trọng hơn? Một bên là, mình làm điều mình biết là đúng luôn, nhưng chẳng ai vỗ tay cho mình hết. Một bên là, mình làm điều mình thấy không đúng lắm nhưng cả lớp đồng ý, cả lớp vỗ tay, khen ngợi con. Con chọn bên nào?
Nadhi: Dạ làm điều đúng nhất.
Thầy Trong Suốt: Thấy chưa! Dạy luôn bây giờ thế đi, đúng không? Đừng để sau này lớn lên, nó phải lưỡng lự giữa hai lựa chọn đó nữa. Mình chấp nhận đó là cách sống của mình và của nó.
Bạn nữ đó: Dạ thấy bé nó khôn quá, thưa Thầy.
Thầy Trong Suốt: Quá mừng. Nó khôn là đáng mừng chứ. (Thầy cười) Con, vấn đề của con là cái mẫu đấy – phải giống. Bố mẹ ở Việt Nam hay nghĩ là con mình phải giống thế giới, giống thiên hạ. Con mình khác những đứa khác là không nên. Nó khôn hơn đứa khác là không nên luôn. Việt Nam là thế đấy. Khôn thì sao? Nó khôn là đáng mừng, phải ăn mừng mới đúng. Con phải chấp nhận là con mình khác người. Mà như thế con mới dạy được đứa bé trung thực với chính nó. Còn nếu không con sẽ dạy ra những đứa bé giả vờ, giả vịt.
Khôn quá là tốt thôi. Ăn mừng đi. (Mọi người cười) Có đứa con khôn quá mà vẫn cứ lo.
Chị đó: Phóng sinh xong thì nó hỏi mẹ: “Mẹ vừa đi phóng sinh xong mà mẹ ăn động vật ạ? Mẹ không yêu động vật ạ?” Thì mình nghĩ nó nhỏ quá nên mình nói dối.
Thầy Trong Suốt: Bảo nó là phóng sinh không phải thể hiện tình yêu động vật đâu. Phóng sinh là cứu con vật sắp chết.
“Con nhầm rồi. Mẹ phóng sinh không phải để mẹ thể hiện tình yêu động vật. Mẹ phóng sinh để mẹ cứu các con vật sắp chết, nếu mẹ không làm điều đấy, nó sẽ bị giết. Đấy là động cơ của phóng sinh.
Động cơ của phóng sinh là cứu độ, cứu những người sắp chết và con vật sắp chết, chứ không phải là thể hiện tình yêu. Tình yêu không thể hiện bằng việc gì khác ngoài việc mình làm điều tốt cho con vật đấy.
Nếu mẹ ăn con vật đấy mà mẹ biết ơn nó và cầu nguyện, hứa là sẽ tái sinh để cứu độ nó, thì mẹ đang làm điều tốt cho nó chứ không phải điều xấu cho nó. Ăn nó mà làm điều tốt cho nó.
Ngược lại, nếu con ăn một đồ ăn chay mà con chẳng biết ơn những người trồng rau cho con, con chẳng mong muốn cứu ai hết thì con sẽ không làm điều tốt cho ai hết. Thì con mới sai, mẹ mới là đúng”.
Đấy, phải nói cho nó suy nghĩ của mình. Chứ còn thầy chưa bao giờ nghĩ rằng “phóng sinh là để thể hiện tình yêu động vật” cả. Không bao giờ nghĩ như vậy. Yêu là gì? Yêu thực sự đến từ hành động. Anh yêu em mà suốt ngày anh lừa em thì sao gọi là anh yêu em? Anh yêu em chỉ có nghĩa khi anh làm điều tốt với em. Trẻ con đừng có lừa nó, mình phải thẳng thắn với nó thì mới sống với nó được, mới dạy đứa con nên hồn được.
Chị đó: Ngay từ nhỏ mình đã dạy trung thực với trẻ…
Thầy Trong Suốt: Tốt. Em như thế là rất tốt.
Chị đó: Không dối trẻ điều gì.
Thầy Trong Suốt: Nên trung thực. Đừng cho nó là kém, không biết gì. 4 tuổi đã biết nhiều rồi. Thậm chí nó chưa biết thì nó vẫn có thể hiểu mang máng, nó hiểu được ý của mình.
Chị đó: Trẻ tự suy nghĩ phóng sinh là yêu động vật. Mình bị bám chấp vào cái đấy.
Thầy Trong Suốt: Không, đấy là nó nghĩ thế, chứ không phải đứa nào cũng như thế. Đấy là một đứa bé nó nghĩ thế thôi. Mình chỉ cho nó. Thầy có dạy con mình phóng sinh là yêu động vật đâu, không phải!
Đừng dạy con là “hãy yêu người khác”. Hãy dạy con làm điều tốt cho người khác. Cái đấy mới đúng. Đừng dạy con “hãy yêu động vật”, mà dạy con phóng sinh. Không cẩn thận thì sẽ là đạo đức giả đấy.
Con rất yêu động vật. Yêu động vật là thế nào? Trả lời đi xem nào! Con rất yêu động vật, nhưng có con muỗi đốt phát thì đập chết ngay. Yêu động vật gì đâu! Yêu động vật là tha cho động vật chứ, đúng không?
Nadhi, nếu muỗi đốt con thì con có đập chết nó không?
Nadhi: Không ạ.
Thầy Trong Suốt: Vì sao?
Nadhi: Vì con muỗi là một chúng sinh.
Thầy Trong Suốt: Vì con muỗi là một chúng sinh như mình, đúng không? Đấy, ví dụ thế.
Mẹ phóng sinh không phải để thể hiện tình yêu động vật. Mẹ phóng sinh để cứu các con vật sắp chết, nếu mẹ không làm điều đấy, nó sẽ bị giết. Đấy là động cơ của phóng sinh.
Nếu mẹ ăn con vật đã chết đấy mà mẹ biết ơn nó và cầu nguyện, hứa là sẽ tái sinh để cứu độ nó, thì mẹ đang làm điều tốt cho nó.