Dịch bệnh dưới góc cạnh sức khoẻ và tâm linh
Khi nói đến “dịch bệnh” thì đó luôn luôn là một trận chiến liên tục giữa con người và các loài vi sinh trong lịch sử hàng chục NGHÌN năm nay.
Cộng đồng vi sinh trên cơ thể con người
Giống như “đất nước Việt Nam có 54 dân tộc và 63 tỉnh thành” hay “hợp chủng quốc Hoa Kỳ có 50 tiểu bang”, khoa học gần đây đã khám phá rằng cấu tạo của mỗi cơ thể con người chúng ta không chỉ đơn giản là sự tập hợp của 37 nghìn tỉ (trillion) tế bào do bố mẹ tạo ra mà còn có thêm một số lượng đông đảo HƠN GẤP 10 LẦN gồm các vi trùng (bacteria) và virút (virus) ký sinh, sống chung thành một “cộng đồng”. “Cộng đồng” này gọi là hệ vi sinh vật người (microbiome) và các sinh vật bé nhỏ này đã gắn chặt với chúng ta từ thời tiền sử cho đến tận bây giờ và vẫn sẽ như thế trong tương lai.
Gọi cơ thể con người là một “vũ trụ thu nhỏ” cũng đúng, là vì trung bình trên mỗi cơ thể con người chúng ta có gần 40 nghìn tỉ (con) vi trùng và khoảng đâu đó dao động từ 200 đến 400 nghìn tỉ (con) virút, nghĩa là nhiều hơn cả số lượng 100 nghìn triệu ngôi sao trong Ngân Hà (Milky Way) của chúng ta. Riêng cộng đồng virút này cũng có tên dịch từ chữ “human virome”, gọi chung tiếng Việt là “virút người”. Điều đặc biệt đó là số lượng, chủng loại virút trong mỗi người đều khác nhau và THAY ĐỔI LIÊN TỤC tùy theo ăn uống, cách sống, tuổi tác, nơi sinh sống và cả thời điểm khí hậu trong năm.
Tại sao chúng ta bệnh?
Một con người khỏe mạnh là khi “cộng đồng” gồm 37 nghìn tỷ tế bào + 40 nghìn tỉ vi trùng và 400 nghìn tỉ virút này chung sống hòa bình và cân bằng với nhau. Một trong những lý do khiến con người bị bệnh đó là khi “cộng đồng vi sinh” này mất cân bằng, ví dụ như chúng bị tiêu diệt bởi hóa chất, thuốc men hay bị vi trùng / virút lạ độc hại xâm nhập và phát triển, lấn át các vi trùng / virút “tốt” có lợi. Những người “ở sạch” hay “siêu sạch”, lạm dụng nước rửa tay hay xà phòng có tính sát khuẩn cũng vô tình tự tay tiêu diệt “cộng đồng vi sinh” của chính mình, gây mất cân bằng vi sinh, hạ thấp đề kháng nên cũng khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh.
Lợi ích của virus trên cơ thể
Dĩ nhiên, dù hiểu biết của chúng ta về các loài virút đến nay vẫn còn rất hạn chế và nhiều loại virút lạ vẫn chưa được khám phá hết, nhưng hầu hết các vi trùng và virút sống trên cơ thể chúng ta đều là những sinh vật CÓ LỢI. Chúng hỗ trợ các tế bào và vi khuẩn, giúp chúng ta trong tất cả các hoạt động gọi là “đời sống hàng ngày” (daily life) như: tiêu hóa thức ăn, trao đổi dưỡng chất, tăng cường đề kháng, ngăn ngừa ung thư, chữa lành vết thương, điều hòa nội tiết, thanh lọc tẩy độc … thậm chí thay đổi gen (DNA / ADN) giúp cải thiện “nòi giống” chúng ta trong việc thụ tinh và sinh sản.
Chẳng hạn người ta phát hiện rằng cho tới 100-200 triệu năm trước thì đa số loài vật trên Trái Đất vẫn phải đẻ TRỨNG, nghĩa là khi sinh sản thì các bào thai bị “đẩy” ra ngoài khỏi cơ thể mẹ thành những quả trứng mong manh rồi mới tự phát triển lên. Nhưng sau đó, có một loài virus bí ẩn đã giúp tạo ra cái “dây rốn” (umbilical cord) tiến bộ hơn để các loài động vật (trong đó có người tiền sử) có thể giữ lại bào thai trong bụng mẹ. Đây là 1 chức năng mới vừa an toàn hơn, cung cấp dưỡng chất tốt hơn mà máu huyết bào thai vẫn không gây ảnh hưởng đến cơ thể mẹ.
Mỗi chủng virút người có phạm vi sinh sống trong bộ phận khác nhau, ví dụ ngoài da, cơ quan sinh dục hay trong máu (hệ tuần hoàn) thì có các loài tiêu biểu như Adenoviridae, Baculaviridae, Myoviridae, Poxviridae, Polyomaviridae, Papilliomaviridae, Retroviridae, Siphoviridae v.v… Ở ruột (hệ tiêu hóa) thì có Circoviridae, Picobimaviridae, Reoviridae, Virgaviridae v.v… Riêng hệ thần kinh có thêm Bornaviridae bên cạnh nhóm Herpesviridae và Flaviviridae vốn cũng phổ biến trong máu và ruột. Đặc biệt ở phổi (hệ hô hấp) thì có thêm Iridoviridae, Phycodnaviridae, Orthomyxoviridae (cúm influenza) và … Coronaviridae ( = “corona virus”) !
Nguồn gốc “gia phả của Corona virus”
Tuy chỉ mới được khám phá vào thập niên 1960, “ông tổ” của các loài “Corona virus” ngày nay được cho là đã xuất hiện sớm nhất cách đây 10000 năm, nghĩa là vào khoảng 8000 năm Trước Công Nguyên. Song song với thời điểm các nền văn minh con người bắt đầu phát triển và giao lưu thông thương với nhau như văn hóa Lưỡng Hà bên Trung Đông (Mesopotamia ~ 3100 năm TCN) hay “văn hóa Hoàng Hà ở Trung Hoa” (1000 năm trước triều đại Trung Hoa đầu tiên là nhà Hạ 2070 ~ 1600 năm TCN), Corona virus đã biến thể thành 04 nhóm chính khác nhau, đó là:
- – Alpha (2400 năm TCN)
- – Beta (3300 năm TCN)
- – Gamma (2800 năm TCN) và
- – Delta (3000 năm TCN).
Hầu hết các động vật có xương sống, máu nóng và biết bay là những chủ nguồn gen lây nhiễm và phát tán lý tưởng cho corona virus. Trong đó, dơi chứa họ hàng Alpha và Beta corona virus, và các loài chim thường có Gamma và Delta corona virus. Alpha và Beta là 2 nhóm corona virus chính gây ra các bệnh hô hấp mỗi năm cho con người như cảm, cúm, sổ mũi, ho sốt, viêm phổi cấp v.v… Ngoài dơi, các loài gặm nhấm (rodents) như chuột, chồn (làm cà phê) hay tê tê (con trút) cũng có thể tích trữ mầm corona virus. Các gia cầm và gia súc khác như heo, bò, chó, lạc đà, gà, vịt … đều là những vật chủ trung gian (intermediate hosts) phổ biến có thể lây nhiễm corona rồi truyền qua cho người (zoonotic).
Trong các đại dịch Corona nguy hiểm cho con người gần đây như SARS (2002-2003), MERS (2012-2013) và mới nhất là COVID-19 (tên chính thức cho “virus Vũ Hán 2019-2020” hay nCoV-2019), tất cả thủ phạm gây bệnh đều là những biến thể của nhóm Beta corona virus. Trong khi đó, các chủng Alpha corona lây cho người (HCoV) như “-229E” (xuất hiện cách đây 200 năm), “-NL63” (cách đây 500-800 năm), “-OC43” (từ cuối thế kỷ 19) và “-HKU1” (từ thập niên 1950) vẫn lây nhiễm và gây bệnh cho con người “đều đều” QUANH NĂM.
Như vậy, chúng ta thấy rằng dịch corona virus không phải là một cái gì đó “mới đây” mà đã diễn ra liên tục từ lâu lắm rồi !
Triết lý ăn uống trong Tâm linh
Nhìn chung, bệnh tật phần lớn đến từ cách mà chúng ta ĂN UỐNG mỗi bữa và hàng ngày (họa từ miệng mà ra). Dĩ nhiên, bệnh tật có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau (vệ sinh, di truyền, lây nhiễm, vận động v.v…), nhưng nếu chúng ta đi chợ và ăn uống tốt thì sẽ loại trừ bớt đi một nguy cơ lớn một cách dễ dàng – ai lại không muốn điều đó, có phải không nào?
Cho nên trước khi dạy dỗ tôi về tâm linh, các sư phụ ngày xưa đã có một số luật lệ mà tôi vẫn tuân thủ để giữ cho cơ thể thanh sạch và khỏe mạnh cho đến ngày nay và tôi xin phép chia sẻ với các bạn thành 5 nguyên tắc tóm gọn ở đây:
1) Chay hay mặn?
Về tính “khoa học” hay “đạo lý” trong việc “ăn chay” vs “ăn mặn”, đã có nhiều bài viết bởi nhiều tác giả và tôi không cần nhắc lại, bàn luận hay tranh cãi ở đây. Các sư phụ tôi (trong Mật Tông và các tôn giáo khác) không bắt buộc tôi nhất thiết phải “ăn chay trường” hay “ăn chay mùng” (đầu tháng + giữa tháng theo mùa trăng). Thèm “chay” lúc nào thì cứ việc ăn chay lúc đó. Thích “ăn mặn” thì cứ việc thoải mái, bởi vì cơ thể con người vốn đã tiến hóa thích nghi với việc “ăn mặn” bao lâu nay, nên để có đầy đủ dưỡng chất cho một sức khỏe tốt thì việc ăn thịt động vật là không thể tránh khỏi.
2) Cân bằng
Tôi thuộc nhóm “ĂN TẠP”, chay mặn có đủ, với tỷ lệ khoảng 75% là rau củ quả (tươi hoặc nấu chín) và 25% là thịt các loại, phần lớn là như vậy. Tôi xem mọi thức ăn như là “thuốc” nên phải cân bằng về “âm dương” lẫn liều lượng, sau khi đã tìm hiểu kỹ càng về thành phần (ingredients) cũng như đặc tính dược lý của chúng trong Đông Y lẫn Tây Y. Đồ bổ dưỡng ăn nhiều quá cũng không tốt, và thỉnh thoảng cần phải ăn những thức ăn giúp “hóa giải” những cái “quá bổ dưỡng” ấy. Không những đổi món, tôi cũng liên tục ĐA DẠNG HÓA nguồn thức ăn. Ví dụ, nếu hôm nay tôi ăn phở ở tiệm A thì ngày hôm sau nếu muốn ăn phở nữa thì tôi sẽ không ăn ở tiệm A, mà sẽ ăn ở một tiệm B khác. Điều này cũng áp dụng trong việc đi chợ – luôn thay đổi chợ để đa dạng hóa nguồn đồ ăn.
3) “Cấm ăn thịt linh vật”
Đây là điều cấm kỵ rất quan trọng. “Linh vật” là những con thú xuất hiện trên các đền đài, lăng tẩm và bàn thờ không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới, bao gồm: chó, mèo, rùa, cò (hạc), rắn, khỉ, ngựa, voi … Mở rộng hơn, bất cứ con vật nào có hình dạng giống nhóm “Tứ linh” (Long, Lân, Quy, Phụng) trong văn hóa Á Đông cũng bị cấm ăn: thằn lằn, kỳ đà, kỳ nhông, ba ba, cá sấu, trăn, lươn, con công, nhiều loại chim, gà rừng đuôi dài v.v… Những động vật hoang dã, động vật có hình dáng kỳ lạ (quái thú) hoặc từa tựa họ hàng giống với “linh vật” cũng bị cấm ăn: dơi, kền kền, nhím, tê tê, chồn, cáo, hổ, báo, gấu, côn trùng …
4) Thịt được ăn
là hầu hết các động vật mà loài người đã thuần hóa và nuôi thành gia súc hoặc đánh bắt tự nhiên có lịch sử hàng ngàn năm qua như heo, bò, gà, vịt, dê, trừu (cừu), hải sản (tôm, cá, cua, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, ốc, hến) … Người Ấn Độ không ăn thịt bò hay người Hồi Giáo tránh ăn thịt heo thì đó là những quy định mang tính “vùng miền, địa phương” hay “tôn giáo”, không áp dụng cho đa số mọi người còn lại trên thế giới.
5) Không tra tấn, hành hạ động vật trước khi ăn thịt chúng
Mọi động vật trước khi ăn thịt (hay làm “sushi”) đều phải được giết chết. Không để chúng phải chứng kiến cảnh đồng loại bị giết chết. Không để chúng hấp hối hay cử động (dù chỉ là “phản xạ”) khi chúng ta ăn thịt chúng. Hành động nhân đạo nhất là hãy cho chúng “ân huệ” để được chết thật nhanh và không đau đớn trước khi bị làm thịt.
Tóm lại, tôi không chắc các bạn có “tu thành chánh quả” trong đạo của mình hay không, nhưng nếu các bạn ăn uống theo đúng những nguyên tắc nói trên thì tôi tin rằng không những giúp các bạn giữ gìn giới luật mà các bạn cũng sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo (để suy nghĩ thông minh và quyết định sáng suốt), giúp cân bằng và tăng cường hệ đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh.
Ai cũng biết muốn có “tất cả” trong cuộc sống thì đầu tiên phải có SỨC KHỎE, bắt đầu từ việc ĂN UỐNG. Và khi muốn hướng đến cuộc sống tâm linh hay nghiên cứu tâm linh thì đầu tiên phải “ăn uống có đạo đức” – nhất là việc từ bỏ và tránh xa những thói quen ăn uống “kém văn minh” và “man rợ”.
[CCT]