Đức Krishna Cổ Phật – Đức Từ Ái Thiên Vương
Đức Krishna, được hiểu như là vị Thần của tình yêu thương, hòa bình nhân ái.
Nguồn gốc
– Đức Từ Tôn Hồng Quân Lão Tổ, thuở xưa khi Ngài truyền Đạo ở Ấn Độ chính là Đức Vishnu Cổ Phật. Lúc bấy giờ, Ngài phân tánh hóa sanh thành Đức Krishna là vị Phật tượng trưng cho tình yêu thương, sự cứu rỗi, sự đâm chồi nảy lộc của mầm sống mới sau khi trải qua hoại diệt. Vì thế, tôn danh Krishna còn được hiểu như là nhân tố huyền nhiệm của sự sống, tia sáng hy vọng ánh lên trong bóng tối.
– Trong các nền văn hóa, tín ngưỡng Á Đông, Ngài còn được biết đến với tôn danh Từ Ái Thiên Vương. Đối với người dùng tiếng Hán, người ta diễn dịch tôn danh Ngài thành Đại Hắc Thiên, xuất phát từ một vài hình tượng thân ảnh sắc đen của Ngài. Nhưng tôn danh Đại Hắc Thiên thì không nói lên được ý nghĩa căn tánh của Ngài là từ ái, lại còn gây nên nhầm lẫn với một vị Thần Phúc Lộc của Mật Giáo trong nhóm Thất Phúc Thần được tín ngưỡng ở Nhật.
Hình dạng, tính chất đặc trưng
– Đức Krishna Cổ Phật thường thị hiện thân ảnh một thiếu niên nam nhân độ chừng 16 tuổi, làn da màu xanh da trời. Mái tóc đen tuyền được Ngài búi quả đào trên đỉnh đầu, phần còn lại xõa dài phía sau hơi xoăn. Ngài khoác trên mình quần dài alibaba màu vàng đất, phần thân đề ngực trần, trên đầu đội chiếc mũ quấn vải nhỏ có gắn chiếc lông công và viên ngọc màu xanh ngọc bích.
– Hai tay Ngài thường cầm ống sáo tre tượng trưng cho niềm an vui, những cảm xúc tâm tình của muôn sinh trong vũ trụ. Đôi khi Ngài cũng cầm đàn lyre hoặc cái trống nhỏ, đàn hát nhảy múa mang đến niềm an vui, phúc lạc cho xung quanh.
– Xung quanh Ngài là bạn bè muông thú đùa vui biểu trưng cho sự vô ưu vô tư hồn nhiên, tình thương và hòa thuận muôn loài sinh linh. Các vị Linh Thú đồng hành cùng Ngài thường có Thất Đầu Xà, Kim Sí Điểu, Sư Tử Vương và Khổng Tước.
– Ngài thường an ngự trên đóa sen mãn khai, sắc trắng tinh khôi điểm xuyết sắc hồng nơi chóp cánh sen. Có vị Linh Thú Thất Đầu Xà màu xám xanh nâng đỡ đài sen dưới chân Ngài, tượng trưng cho thất tình lục dục của chúng sinh.
Ngài đứng trên ấy thổi sáo là biểu tượng của việc lòng từ ái bao la chế ngự thất tình lục dục, đem tất thảy tâm tình của muôn sinh hòa nên khúc nhạc an nhiên hòa ái đại đồng như sự vận hành rung động có sinh diệt, có thăng trầm của vạn loại vạn linh trong vũ trụ. Điểm này giống với câu liễn nơi Bạch Ngọc Kinh là:
“Bát Hồn tư mặc ca Huỳnh Lão
Vạn vật đồng thanh niệm Chí Tôn.”
– Đức Krishna Cổ Phật luôn giữ nét mặt tươi vui, hòa đồng thân thiện, Ngài chỉ thay đổi sắc diện nước da của mình trong một số hoàn cảnh như sau:
- + Khi Ngài thị hiện thân ảnh sắc xanh da trời là biểu trưng đặc biệt của sự kết nối trí tuệ, âm nhạc và văn hóa nghệ thuật.
- + Khi Ngài thị hiện thân ảnh sắc xám đen là biểu trưng của sự diệt trừ tà tính, bất thiện, tranh đấu để tái tạo lại hòa bình trong tình yêu thương hòa ái.
- + Khi Ngài xuất hiện với chiếc thìa to lớn trên tay, trông như một mái chèo bằng gỗ, thân sắc nâu sẫm là lúc thế giới hỗn loạn trên bờ hoại diệt. Chiếc thìa ấy dùng khuấy động vũ trụ pháp giới trông như bát sữa để phân định thanh trược, thiện và bất thiện, hoặc dùng như mái chèo con thuyền từ cứu khổ chúng sinh trong sự hỗn loạn hoại diệt giữa dòng khổ hải. Ngài dùng chiếc thìa ấy đón lấy chúng sinh nào hữu duyên, hữu tình thực tâm chân thành hồi hướng về bến bờ giác ngộ giải thoát.
– Tam Tôn Hỗn Nguyên Tam Thế Phật bao gồm ba vị là Đức Brahma Cổ Phật, Đức Shiva Cổ Phật và Đức Krishna Cổ Phật. Nơi tầng Thượng Thiên Hỗn Nguyên, ba vị Tam Thế Phật này cai quản sự vận hành của Tam Thế Thời Luân với ba giai đoạn trạng thái trong một chu kỳ vận mệnh của chúng sinh khắp Tam Giới.
- + Đức Brahma Cổ Phật cai quản về sự sáng tạo, sản sinh những điều mới mẻ và phát triển của các lý sự, chúng sinh muôn loài khác nhau.
- + Đức Shiva Cổ Phật cai quản về sự hủy diệt, quá trình già cỗi dần tiến về diệt vong của những điều cũ, để có thể phát sinh những điều mới tinh tấn hơn, tốt đẹp hơn những điều cũ đã bị bào mòn, hư hoại theo thời gian.
- + Đức Krishna Cổ Phật cai quản về sự trường tồn, bảo lưu những điều tốt đẹp được tồn tại lâu dài theo thời gian, để chuẩn bị cho sự tái sinh, hay sản sinh các lý sự mới tốt đẹp hơn những điều xưa cũ đã hao mòn, không còn phù hợp.
Đức Từ Ái Thiên Vương trong các nền văn hóa, tín ngưỡng
* Đức Krishna và Thất Đầu Xà Kaliya trong Ấn Giáo
Trong truyền thuyết Ấn Giáo, có vị Xà Vương Kaliya trú ngụ ở dòng sông Yamun, khiến cho nguồn nước nơi này nhiễm độc nặng nề. Chẳng có sinh vật nào sống được ở trong khu vực ấy, duy chỉ có loài cây Kadamba có thể sinh trưởng được ở gần bờ sông.
Đức Krishna lúc còn nhỏ, cùng chơi đùa với đám trẻ ở gần bờ sông. Đồ chơi của mấy đứa trẻ vô tình văng lên vướng vào tán cây Kadamba, Đức Krishna leo lên lấy nhưng lại rung cây nên món đồ chơi ấy rớt xuống sông, Ngài bèn lao theo. Xà Vương Kaliya thấy động nên xuất hiện, cuốn lấy Đức Krishna. Ngài liền dùng thần lực thoát được, nhảy lên đầu Kaliya, múa hát trên ấy khiến Xà Vương bất lực, chẳng thể nào gây hại được, lại bị Ngài dẫm trên đầu đến mức ngất ngư.
Lúc bấy giờ, những vương phi của Kaliya xuất hiện cầu xin Đức Krishna tha mạng cho Kaliya. Xà Vương hứa sẽ chuyển đi nơi khác, không gây hại cho bất kỳ ai nữa.
* Đức Krishna trong hình tượng Tam Thế Phật ở Tòa Thánh Tây Ninh
Hiện nay, trên nóc Bát Quái Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh, Cao Đài Đại Đạo có đặt tôn tượng của ba vị Tam Thế Phật.
- – Vị đứng trên chim Thiên Nga là Đức Brahma Phật, là vị nắm quyền sáng tạo, sản sinh muôn loài sinh vật. Ngài là một hóa thân của Đức Từ Phụ Ngọc Hoàng Thượng Đế.
- – Vị đứng trên Giao Long là Đức Shiva Phật, là vị nắm quyền hủy diệt cái cũ xấu ác, bất thiện để tạo thời đại mới. Ngài là một hóa thân của Đức Từ Mẫu Dao Trì Kim Mẫu.
- – Vị đứng trên Thất Đầu Xà là Đức Krishna Phật, thân xanh tay thổi sáo, là vị nắm quyền tái sinh cái mới từ cái cũ bị hủy diệt, người đem niềm tin và hy vọng vào hòa bình, cuộc đời an vui, phúc lạc cho sự sống mới hình thành. Ngài là một hóa thân của Đức Vishnu Phật, tức Đức Từ Tôn Hồng Quân Lão Tổ.
Đức Krishna Phật và Đức Jesus Christ, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tương truyền có mối liên hệ đặc biệt.
- – Ngài Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại, tự Tử Trước từng nhìn thấy trên tay và chân của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc những vết bớt trông giống như vết đóng đinh. Có thể hiểu rằng đó là ấn ký để lại thời Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá.
- – Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lúc sinh tiền từng có một giai đoạn lấy bút hiệu là Ái Dân Trước Tác. Hình tượng Đức Chúa Jesus nơi Cực Lạc Quốc lại chính là Đức Đa Ái Sinh Phật.
- – Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc được đắp tượng thờ nơi Hiệp Thiên Đài trong nội điện Tòa Thánh cũng ngự trên Thất Đầu Xà, giống với hình tượng Đức Krishna Phật trên nóc Bát Quái Đài đã nhắc tới bên trên.
Phương thức tương thông, cảm ứng
Chư tín giả, hành giả tu Đạo có thể trì tụng bài tán ca sau đây để hồi hướng về Đức Krishna và Đức Rama, đồng thời có thể cảm nhận và hiểu hơn về niềm an lạc, vô ưu vô tư cùng lòng từ bi hòa ái với muôn loài của các Đấng Thiêng Liêng.
Tán Ca Mantra với Đức Krishna và Rama
Hare Krishna Hare Krishna
Krishna Krishna Hare Hare
Hare Rama Hare Rama
Rama Rama Hare Hare
Hare Krishna Hare Krishna
Krishna Krishna Krishna Krishna
Hare Hare Hare Hare
Hare Rama Hare Rama
Rama Rama Rama Rama
Hare Hare Hare Hare
Nhân một đàn lễ cầu nguyện cho tình thương hòa ái chan rưới khắp muôn phương và thấy Ngài thị hiện trong thân ảnh nước da xám đen, tay cầm chiếc thìa lớn vẫy chào từ ái…
15.01.2020 Nguyệt Lịch. Lễ Rằm Thượng Nguyện.
Mọi người có thể cùng ca ngâm bài Tán Ca Mantra này để cảm nhận và hiểu hơn về niềm an lạc, vô ưu vô tư và từ ái cho muôn loài.
Có thể hát theo giai điệu của clip trong link, phiên bản khác 1 chút so với bản mình chia sẻ.

Bạn đọc comment:
Padmashri Trần Krishna, Rama là một trong nhiều tên của Thượng Đế. Krishna là thực thể thu hút những thực thể khác… Rama là nước, phúc lạc..
Rina Maha Padmashri Trần ngài này gọi cho đúng thì cha phạm thiên
Vy Nguyễn nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo.
Gi Tran Theo mình 3 vị thần tối cao trong đạo bà la môn không nên gọi là phật. Có thời gian rất dài phật đạo và balamon cạnh tranh nhau vô cùng gay gắt.
TGTT Thần hay Phật ở đây là do cách gọi thôi bạn, chớ không nói về phẩm cấp tu luyện hay sự tồn tại của linh hồn
Gi Tran Cách gọi, vậy ad thử gọi di đà là chúa, giê xu là phật xem.
TGTT Đức Chúa A Di Đà, Đức Phật Jesus. Có vấn đề gì đâu bạn?
Gi Tran Haha, cách gọi nó phản ánh nhiều vấn đề, không phải ngẫu nhiên mà phật và chúa được phân biệt rõ ràng trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác.
Cả 2 vị kia đều là bậc toàn năng. Nhưng cách gọi khác nhau vì phía sau họ là quan điển khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Gọi không đúng không khác gì không tôn trọng họ. Kiểu như bạn là nam nhưng có người lại khen bạn đẹp gái vậy.
Đạo Ngọc Gi Tran bạn thân mến, mỗi người trong chúng ta, ở cái xã hội, cái thế giới hữu hình hữu hoại này đều có cái riêng của bản thân, và tất cả đều làm cái mà họ cho là đúng. Vâng, vì họ nghĩ họ đúng nên họ mới làm điều đó, và bạn thấy không trúng ý bạn muốn nên bạn cho rằng, và tìm lý lẽ để chứng minh bản thân mình đúng, và họ sai.
Các chư vị cũng vậy thôi, mỗi vị có một hạnh nguyện độ sanh riêng, và họ làm những gì tốt nhất để thực hiện điều đó. Tầm trí tuệ của các chư vị thì bạn làm sao hiểu thấu mà nói rằng giáo lý của họ đối lập nhau. Không, là do bạn nghĩ bằng cái trí của bản thân mình thôi.
Bạn nói ba vị thần tối cao của đạo này không nên được gọi là Phật, vì sao bạn nghĩ vậy? Vì bạn tin và đứng về phía Phật giáo nên bạn bài xích phía bên kia chăng? Có khi nào bạn thử, và đặt được mình ở cái Trung Đạo thiệt sự để mà nhìn ngắm và hiểu về hạnh đức của các Ngài không ạ? Khó lắm chăng?
Bạn có biết các câu chuyện về Mẹ Quán Âm thị hiện hình tướng để cứu độ cho người hữu duyên gặp nạn nước, lửa hông? Lúc đó người bị nạn có ai gọi Ngài là Quán Âm đâu bạn, họ chỉ coi, gọi Ngài đúng với hình dáng mà Ngài thị hiện ra, như là cô gái, bà lão, cậu bé, chàng thanh niên, v.v… Nhiều lắm bạn ạ, nhưng Ngài ấy có quan tâm bạn gọi Ngài là gì không?? Không hề, Ngài chỉ biết rằng cứu giúp nạn giả lúc khổ đau là làm đúng hạnh nguyện của Ngài. Về sau vô tình lúc nào đó nạn giả ngộ ra ai cứu mình thì ngộ chứ Ngài cũng không đi giải thích đâu bạn ơi.
Nói cho nhiều thì Chúa, hay Phật, hay danh hiệu Thần là ở tại thời điểm truyền giáo thì vị Giáo chủ ấy thuận theo phong hóa và căn cơ của chúng sanh mà độ. Bạn có biết được đâu rằng cách đây vài thập niên cái danh từ ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH còn chưa được ai mường tượng ra thì bạn đi nói với họ từ ấy liệu có ai hiểu??
Cho nên đừng có vội phản bác điều người khác nói và cho mình là đúng, mà nên vội vàng tìm hiểu thêm về cái mà mình tiếp thu kìa. Hoặc sau khi mình nói xong để chứng minh bạn sai nhưng bạn vẫn cho là bạn đúng thì rõ ràng là mình nói sai rồi. Sai so với kiến thức, tri thức hiện tại của bạn.
Bình luận của bạn từ cả năm trước nhưng tới nay mình mới thấy. Nên nói thử xem bạn có thay đổi quan điểm chưa. nếu chưa thì chúc bạn cuối tuần vui vẻ nhe.
Thanh Minh Đức Shiva Phật ngự trên con Thất đầu xà, Ngài có nước da xanh đen. Còn Đức Krishna Phật nhự trên con Giao long, và đang thổi sáo thưa Ad.
TGTT Dễ lắm bạn, bạn có thể tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Google.com là miễn phí.
Tất nhiên không phải gg luôn đúng nên mới nói là bạn tham khảo thêm nhiều nguồn khác để có cái nhìn rõ ràng với mọi vật, đừng nói theo việc do mình thấy ai đó nói vậy nên mình tin vậy răm rắp
覃興 Brahma, shiva là thần của ấn độ giáo mà, có phải phật giáo đâu?
TGTT Bà La Môn cũng thuộc về Đạo Phật.
Thích Ca Giáo cũng thuộc về Đạo Phật và ra đời sau Bà La Môn.
Bạn hiểu rõ về điều này chứ?