Đức Nguyệt Thiên Tử – Thái Âm Tinh Quân – Thái Âm Thiên Tử – Thái Âm Nương Nương
* Nguồn gốc
– Khởi nguyên vũ trụ, khi Tam Giới đã được hình thành hoàn chỉnh. Lúc bấy giờ, để cho sự sống được vận hành khắp Tam Giới được thuận lẽ tự nhiên với chu kỳ không gian và thời gian, chư vị Tam Tôn Khởi Nguyên tạo tác nên 12 vị Thiên Tử gieo mầm và cai quản các yếu tố khác nhau tạo nên vạn loại vạn linh. Chư vị ấy được gọi là Thập Nhị Khai Thiên, 12 vị Thiên Tử khai mở sự vận hành Tam Giới.
– Đức Nguyệt Thiên Tử là vị Thiên Tử cai quản Nguyệt Tinh, còn được biết đến với tôn danh Thái Âm Thiên Tử, đại biểu cho Thái Âm trong Tứ Tượng Bát Quái.
– Đức Nguyệt Thiên Tử cai quản về khí âm hàn, hơi lạnh, năng lượng phản quang do ánh sáng chiếu rọi lên các lý sự mà có thể nhìn thấy được các lý sự ấy giữa bóng tối. Năng lượng phản quang tỷ lệ thuận với độ mạnh yếu của ánh sáng chiếu rọi vào lý sự mà phát sinh quang mang khác nhau.
– Quyền năng của Đức Nguyệt Thiên Tử được xem là sự thức tỉnh sau một chu kỳ nghỉ ngơi của vạn vật.
– Đối với sự sống trên địa hoàn này thì năng lượng của Nguyệt Thiên Tử còn giúp cho thủy triều được vận hành, các dòng chảy luân chuyển thường hằng muôn vật không ngừng thay đổi, sinh sôi và hoại diệt.
– Ngoài ra, ánh trăng sáng còn giúp cho người đi rừng, đi biển ban đêm được nhìn thấy đường mà tránh những nơi nguy hiểm.
– Ngày 15 tháng 8 Nguyệt Lịch được dùng làm Ngày Vía kỷ niệm của Ngài.
* Các tôn danh của Ngài
– Đức Nguyệt Thiên Tử được biết đến với các tôn danh khác như:
- Đức Thái Âm Tinh Quân
- Đức Thái Âm Nương Nương
- Đức Thái Âm Thiên Tử
- Đức Nguyệt Cung Tinh Quân
- Đức Nguyệt Thần
– Các tôn danh đặc biệt được dùng trong các nghi thức tế lễ long trọng:
- — Thượng Thanh Nguyệt Phủ Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Hoàng Quân
- — Nguyệt Cung Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Nguyên Quân
- — Thái Âm Nguyên Quân Hiếu Đạo Minh Vương Linh Bảo Tịnh Minh Hoàng Tố Thiên Tôn
* Hình dạng và các hoạt động đặc trưng của Ngài
– Đức Nguyệt Thiên Tử được xem là một trong những hóa thân từ rất sớm của Đức Từ Mẫu. Thế nên ở Ngài chúng ta sẽ thấy được các tính chất đặc trưng của Đức Từ Mẫu khá rõ nét như đức từ bi, thương xót chúng sinh, lặng lẽ thanh tịch.
– Đức Nguyệt Thiên Tử thường được biết đến với thị hiện thân ảnh phu nhân, tiên nữ dạng độ tuổi chừng bốn mươi, gương mặt đầy đặn tươi đẹp. Mái tóc búi quả đào trên đỉnh đầu, phần đuôi tóc thả dài sau lưng. Toàn thân khoác đạo bào bạch vân thanh khiết, có mấy dải lụa khoác ở hai cánh tay tung bay phấp phới. Ngài thường xuất hiện ngao du những nơi có ánh trăng sáng tỏ trên bầu trời đêm thanh tĩnh. Khi tham dự triều lễ, Ngài thường có mũ miện trên đầu, tóc giắt trâm loan phụng, tay cầm ngọc giản hoặc ngọc như ý có hình dạng giống nấm linh chi.
– Ngoài ra, Đức Thái Âm Tinh Quân cũng có thị hiện thân ảnh là nam nhân dạng độ tuổi trung niên, thân khoác đạo bào trắng, có đội mũ miện và tay cầm ngọc giản. Đây là hình ảnh trong Cửu Diệu Tinh Quân Đạo Gia thường thờ cúng.
* Các vị Thị Giả thường theo Ngài:
– Ca Ngâm Thiên:
Chư Thiên chuyên về ca ngâm thi kinh, thần chú
– Vũ Nhạc Thiên:
Chư Thiên chuyên về hòa tấu âm nhạc và múa.
– Bố Hoa Thiên:
Chư Thiên chuyên về rải hoa làm không khí thanh tịnh trong lành thơm ngọt, làm hoa đua nở khoe hương sắc.
– Nguyệt Quang Điểu:
Là vị Linh Thú thuộc giống chim có đuôi dài, khắp thân hình là lông vũ màu trắng ngà, thân phát ánh sáng trắng dịu nhẹ như ánh trăng. Thường xuất hiện giữa đêm tối thì tạo nên ánh sáng mờ ảo như ánh trăng.
– Ngọc Thố, Nguyệt Thố:
Là vị Linh Thú thỏ trắng. Hình ảnh thường được dùng vẽ tranh là thỏ trắng giã thuốc, làm bánh nếp ở Cung Trăng
– Bạch Ngọc Thiềm:
Là Cóc có thân trắng ngà. Biểu tượng của bình yên phúc lộc.
– Dạ Oanh:
Là những chú chim nhỏ ca hát vào ban đêm, dẫn đường cho người đi lạc rừng vào ban đêm tìm được đường ra. Làm cho đêm đen bớt phần cô tịch vì tiếng chim hót líu lo mang thêm sinh khí cho xung quanh.
– Dạ Xoa:
Là các Quỷ Thần có tu tập, có thần thông nhất định, thân ảnh thường có màu xám đen. Có đủ nam nữ. Nam nhân thường có thân hình to cao cơ bắp, nữ nhân thì tuyệt sắc. Họ thường xuất hiện trong việc hộ trì người tu tập trước các tà linh tinh quái, cũng có khi họ thử thách lòng tu dưỡng của hành giả.
* Các Pháp Khí Ngài thường mang theo bên mình:
– Nguyệt Quang Kính:
Là tấm gương tròn đường kính cỡ chừng 3 tấc (30cm) có thể phát ra ánh sáng trắng vàng dịu nhẹ như ánh trăng. Kính này có thể dùng biến hiện tạo nên một hiện tướng trăng tròn giữa bầu trời đêm không trăng hoặc ở những nơi không có ánh trăng chiếu rọi đến. Ánh sáng của gương này mang đầy đủ các tính chất giống như ánh trăng, khi chúng sinh được gương ấy chiếu vào thì có thể làm phát huy tinh thần tư duy sáng tạo, phát sinh những cảm tình đặc biệt, các loài sinh vật dễ sinh sôi nảy nở, thủy triều dâng cao, nước chảy nhanh và mạnh hơn bình thường.
– Âm Dương Kính:
Là tấm gương đặc biệt hễ chiếu vào vật gì thì có thể giúp nhìn thấy rõ nhân duyên căn cốt của vật ấy rõ ràng minh bạch không thuật pháp nào có thể ngụy trang được.
– Bạch Ngọc Cữu Xử:
Là bộ dụng cụ gồm chày và cối bằng bạch ngọc, dùng giã thuốc, nghiền linh dược, trộn bột làm bánh quế hoa, bánh nếp. Đôi khi cũng được hiển hóa thành pháp khí trong chiến đấu.
– Bạch Vân Lăng:
Là dải lụa màu trắng ngà, có thể tạo nên mây khói, sương giá, thiết lập nên các pháp giới được bao phủ bởi mây khói âm hàn mát lạnh.
– Quế Hoa Ngọc Chi:
Là một cành hoa quế, được Ngài dùng để ban bố an lạc khí trong chúc phúc, hương thơm dịu ngọt làm chúng sinh tiếp cận được sảng khoái tinh thần, xua đuổi tiêu trừ tà khí ác trược, sớm phục hồi thân tâm khỏi những thương tổn.
– Linh Tê Cẩm Nang:
Là một chiếc túi gấm trong đó có hoa mộc và các loại hương thảo khác, có thể dùng để an định thần trí, giúp thu giữ để bảo vệ hồn phách của những chơn hồn quá yếu ớt hỗn loạn
– Nghê Thường Y:
Là bộ đạo bào có ánh sáng cửu sắc cầu vồng. Nơi Ngài xuất hiện sẽ lan tỏa vầng minh khí cửu sắc an lạc.
* Quảng Hàn Cung:
* Quảng Hàn Cung và chư vị thường được biết đến:
– Đức Nguyệt Thiên Tử tọa ngự ở Nguyệt Cung, tức Quảng Hàn Cung hay còn gọi là Thiềm Cung, là phần Thượng Giới nơi Nguyệt Tinh Cầu. Ở Nguyệt Tinh Cầu còn có Bạch Vân Động và các thắng cảnh khác nữa của chư vị Thánh Tiên an ngự tĩnh tu.
– Đức Hằng Nga Tiên Tử hay Thường Nga Tiên Tử là một vị Tiên Tử ở Quảng Hàn Cung. Một số nơi người ta đồng hóa hai vị là Đức Thái Âm Thiên Tử và Đức Hằng Nga Tiên Tử là một vị, thực ra vẫn có sự khác biệt:
+ Đức Thái Âm Thiên Tử là vị xuất hiện từ khi khai thiên lập địa, cai quản cả Nguyệt Tinh Cầu.
+ Đức Hằng Nga Tiên Tử là một vị Tiên Nữ xuất hiện về sau này, được nhắc đến trong thần tích Thường Nga Bôn Nguyệt kể về việc nàng Thường Nga uống được thuốc trường sinh do Đức Tây Vương Mẫu ban cho, độ kiếp thành tiên nhập vào Tiên Tịch ở Quảng Hàn Cung, về sau được nhiều người xưng tán là vị Tiên Tử chấp chưởng Quảng Hàn Cung. Tôn danh Thường Nga Tiên Tử, Quảng Hàn Tiên Tử hay Nguyệt Cung Tiên Tử.
– Hình ảnh Hằng Nga Tiên Tử quen thuộc với cung trăng, thỏ và Lễ Trung Thu.. Cung Trăng hay Quảng Hàn Cung xuất hiện trong văn hóa tín ngưỡng khá quen với mọi người, được biết đến như là nơi cư ngụ của chư vị:
Đức Bạch Vân Tiên Trưởng, Đức Bạch Vân Đạo Sĩ, Đức Bạch Vân Hòa Thượng, Đức Hằng Nga Tiên Tử, Đức Nguyệt Tâm Chân Nhân, Đức Nguyệt Hạ Lão Nhân, Đức Nguyệt Lão, Đức Nguyệt Bà Bà… Chư vị này mỗi khi xuất hiện thường làm không khí có hương hoa phảng phất, mát mẻ, thanh tĩnh, và đầy chất thơ. Thế nên họ thường được gán ghép giống như các vị Thần Minh chuyên về công việc hộ trì văn hóa nghệ thuật, giác ngộ chân thiện mỹ được đề cao nhất là tính mỹ thuật, nét đẹp thuần lương thanh tĩnh.
* Thái Âm Thánh Kinh
Đây là một bản kinh tán tụng công đức của Đức Thái Âm Tinh Quân, do Đức Văn Tuyên Đế Quân giáng cơ ban Kinh thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Kinh văn:
Mong ơn Trời, Phật, Thánh, Tiên, Thần
Độ lê thứ hồng trần đặng an
Thái Âm chiếu diệu huy hoàng
Hào quang ánh giọi muôn ngàn dặm xa.
Đêm tăm tối giang hà tỏ rạng
Cơn bão bùng yến sáng rọi đường
Những người đi biển cậy nương
Tránh nơi cồn cạn, khỏi vương lụy sầu.
Soi khắp cả vực sâu hang thẳm
Giúp cỏ cây sung mãn đơm hoa
Xét xem trung chánh gian tà
Cứu người nạn khỏi tai qua công nhiều.
Nhờ ân đức thủy triều vận chuyển
Suối, rạch, nguồn, sông, biển, thông lưu
Làm cho minh mẫn trí nhu
Lương tâm sáng láng cần ưu việc lành.
Nay đệ tử lòng thành khẩn nguyện
Xui chúng sanh tu luyện tánh tình
Cầu siêu thất tổ U Minh
Thoát vòng biển khổ ngục hình lưng vơi.
Cửu Huyền đặng khỏi nơi khổ não
Cùng gia trung an hảo, khương ninh
Ơn Trên phổ tế sanh linh
Muôn loài nhuần gội Thánh minh đức dày.
Có thể niệm 1 trong các câu sau 9 lần:
— Nam mô Thượng Thanh Nguyệt Phủ Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Hoàng Quân
— Nam mô Nguyệt Cung Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Nguyên Quân
— Nam mô Thái Âm Nguyên Quân Hiếu Đạo Minh Vương Linh Bảo Tịnh Minh Hoàng Tố Thiên Tôn
* Thái Âm Tinh Quân Thánh Kinh của Đạo Gia được dùng ở các Đạo Quán Trung Quốc từ xa xưa:
Kinh văn:
Thái Âm Bồ Tát hướng Đông lai.
Thập Trọng Địa Ngục, Cửu Trọng Khai
Thập vạn bát thiên chư Bồ Tát
Chư Phật Bồ Tát lưỡng biên bài
Chư tôn Phật kính vô vân địa
Xuất thủy liên hoa mãn địa khai
Đầu đái thất tằng châu bảo tháp
Sa bà thế giới nhãn quang minh
Nhất Phật báo đáp Thiên Địa ân
Nhị Phật báo đáp Phụ Mẫu ân
Tại sanh phụ mẫu tăng phúc thọ
Quá thế phụ mẫu tảo siêu thăng
Nhật thường thất biến Thái Âm Kinh
Vĩnh thế bất nhập Địa Ngục Môn
Lâm chung chi thời sanh Tịnh Thổ
Cửu Huyền Thất Tổ tận siêu sanh
Nam mô Phật
Nam mô Pháp
Nam mô Tăng
Nam Mô Hồng Quân Lão Tổ Cửu Thiên Cảm Ứng Từ Tôn (12 lần)
(Cũng có thể niệm thêm 1 trong các câu sau 9 lần:
— Nam mô Thượng Thanh Nguyệt Phủ Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Hoàng Quân
— Nam mô Nguyệt Cung Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Nguyên Quân
— Nam mô Thái Âm Nguyên Quân Hiếu Đạo Minh Vương Linh Bảo Tịnh Minh Hoàng Tố Thiên Tôn)
Thiên la Thần
Địa la Thần
Nhân li nan
Nan li thân
Nhất thiết tai ương hóa vi trần
Tam Giới Toàn Thư 11
Tam Giới Toàn Thư – 1756520617873833-1760301937495701