Đức Nhật Thiên Tử – Đức Thái Dương Thiên Tử
(Đức Tỳ Lô Giá Na – Đức Đại Nhật Như Lai)
* Nguồn gốc
– Đức Thái Dương Thiên Tử là một trong Thập Nhị Khai Thiên.
– Khởi nguyên vũ trụ, khi Tam Giới đã được hình thành hoàn chỉnh. Lúc bấy giờ, để cho sự sống được vận hành khắp Tam Giới được thuận lẽ tự nhiên với chu kỳ không gian và thời gian, chư vị Tam Tôn Khởi Nguyên tạo tác nên 12 vị Thiên Tử gieo mầm và cai quản các yếu tố khác nhau tạo nên vạn loại vạn linh. Các vị ấy được gọi là Thập Nhị Khai Thiên, 12 vị Thiên Tử khai mở sự vận hành của Tam Giới.
– Các vị Thập Nhị Khai Thiên tương ứng với tính chất Tứ Tượng Bát Quái Cửu Cung như sau:
- Nhật Thiên Tử – Thái Dương Tử – Thái Dương
- Nguyệt Thiên Tử – Thái Âm Tử – Thái Âm
- Quang Thiên Tử – Kim Quang Tử – Thiếu Dương
- Âm Thiên Tử – Quang Âm Tử – Thiếu Âm
- Phong Thiên Tử – Thiên Không Tử – Tốn
- Hỏa Thiên Tử – Diễm Quang Tử – Ly
- Lôi Thiên Tử – Huyền Minh Tử – Chấn
- Mộc Thiên Tử – Diệu Hương Tử – Cấn
- Thủy Thiên Tử – Thanh Tịnh Tử – Khảm
- Địa Thiên Tử – Ngọc Liên Tử – Khôn
- Kim Thiên Tử – Thái Tinh Tử – Càn
- Ái Thiên Tử – Từ Ái Tử – Đoài
– Đức Nhật Thiên Tử là vị Thiên Tử cai quản Thái Dương, còn được biết đến với tôn danh Thái Dương Tử, đại biểu cho Thái Dương trong Tứ Tượng Bát Quái.
– Ngài thường được biết đến phổ biến ở nhiều tôn giáo, thường giữ vị trí là vị Thần tối cao trong tín ngưỡng đa Thần với các tôn danh như:
- Thái Dương Thiên Tử
- Thái Dương Thiên
- Thái Dương Tử
- Thái Dương Thần Minh
- Thái Dương Minh Minh Châu Quang Thiên
- Thái Dương Thánh Minh
- Thái Dương Đại Thiên Tử
- Thái Dương Đại Đế
- Thái Đế
- Thái Nhất Quân
- Nhật Thiên Tử
- Nhật Quang Bồ Tát
- Đông Hoàng Thái Nhất
- Đông Quân
- Đại Nhật Như Lai
- Tì Lư Giá Na Phật
- Tì Lư Tiên
- Ông Mặt Trời
- Thần Helios
* Hình dạng và tính chất đặc trưng
– Nhật Thiên Tử là hiện thân của mặt trời, ánh sáng kim quang thiên nhiên soi rọi khắp đại vũ trụ.
– Người thường thị hiện thân ảnh nam nhân dạng trẻ trung độ tuổi chừng ba mươi. Gương mặt trang nghiêm thanh tĩnh hiền từ.
Thân ảnh Ngài có màu trắng ngà, hoặc hoàng kim, cơ bắp vừa đủ rắn chắc, không to lớn như các vị Hộ Pháp Kim Cương.
Ngài khoác dải lụa trắng nhẹ nhàng phất phơ trong gió, ngực trần, quần dài ống rộng, đôi khi quấn váy ngắn hoặc dài kiểu phục trang Hy Lạp.
Phục sức trên thân Ngài như là mũ miện, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, thắt lưng… toàn là hoàng kim, được kết tinh từ ánh sáng vàng rực rỡ.
Trên đầu Ngài phát ra vầng hào quang chiếu diệu lung linh đẹp đẽ của ánh hồng nghê. Nhưng chúng ta thường khó thấy được sự chuyển màu từ tím đến trắng, chủ yếu là nhìn thấy vầng hào quang óng ánh vàng rực rỡ điểm xuyết mấy tia sáng trắng, cam, đỏ, tím.
Toàn thân Ngài lan tỏa ánh sáng kim quang rực rỡ.
– Các Pháp Bảo thường thấy Ngài mang theo là:
Pháp Luân Thường Chuyển, Bảo Châu, Huệ Đăng, Trí Huệ Kiếm, Thánh Hỏa, Lý Lạp Cầm, Thiên Bình, Kim Cung, Như Ý Tiên Xa, Tứ Mã Thiên Xa.
– Các vị Hộ Pháp, Thị Giả, Linh Thú thường thấy theo Ngài là:
Thiên Ca, Thiên Nhạc, Thiên Vũ, Càn Thát Bà, Nhật Quang Tinh Linh, Kim Cương Hộ Pháp, Long Thần, Kim Câu, Thiên Mã, Thiên Nga, Kim Quang Thú, Thái Dương Điểu, Kim Sí Điểu.
Kim Ô là chú quạ vàng, biểu trưng của ánh sáng bình minh.
Kim Câu là chú ngựa vàng, là biểu trưng của ánh sáng mặt trời phát xạ nên đường cầu vồng nhiều màu khi Kim Câu di chuyển.
– Đức hạnh của Đức Thái Dương Tử chính là thanh tĩnh tự tại, vô nhiễm, trường tồn, vĩ đại, hằng hữu thường biến, quang minh, tiêu trừ tối tăm u ám, khử ám hồi minh.
Hằng hữu vì thái dương luôn hiện hữu trong không gian, có thể hiểu là bất diệt trường tồn.
Thường biến vì hình bóng và ánh sáng mặt trời tuy trường tồn nhưng chỉ thấy được khi mây trời quang đãng, khi có nhiều mây mù che phủ trên bầu trời chỗ người nhìn thì khó mà thấy được ánh thái dương. Thêm nữa, do trái đất xoay quanh mặt trời và tự xoay quanh trục của mình nên chúng ta nhìn thấy có ngày và đêm thường xuyên luân chuyển. Về việc này, chúng ta thường nghe nói: “Mặt Trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây”, kỳ thực Mặt Trời đứng yên tự tại, chỉ có trái đất chúng ta đang di chuyển và tự xoay khiến vị trí góc nhìn của chúng ta thay đổi thôi.
– Những nơi nào có ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh các lý sự âm dương của các thuộc tính khác nhau, tạo nên sự vận hành sinh diệt của các lý sự ấy.
– Quyền năng của Đức Nhật Thiên Tử được xem là khởi nguồn cho các sự vận hành của lý nhân duyên vậy.
– Ở các vùng miền văn hóa dân tộc, ngôn ngữ khác nhau thì Đức Nhật Thiên Tử có các tôn danh và hình ảnh thị hiện khác nhau. Từ đó việc khắc họa ảnh tượng của Ngài cũng đa dạng phong phú vô cùng.
* Thái Dương Thánh Kinh tán ca
Ngưỡng vọng Thái Dương Thiên Tử
Có thể đứng hoặc ngồi, quỳ tùy ý nhìn hướng về ánh mặt trời ở hướng Đông, hành lễ Thái Dương Triều Bái 3 lần 9 gật.
Sau đó tụng niệm bài Thái Dương Thánh Kinh Tán Ca 9 lần.
Tụng xong thì niệm 9 lần câu niệm tôn danh của Đức Thái Dương Thiên Tử.
Khuyến khích vừa niệm vừa bái lễ Ngài.
Khi thiết lập đàn lễ trì tụng kinh điển tán ca, nên có nước trà, nước trắng, rượu, hoa, quả, nhang, đèn nến đầy đủ. Mỗi loại đều giản tiện nhất có thể là được. Nếu không thuận lợi chuẩn bị các thứ lễ vật ấy thì tùy tiện sao phù hợp hoàn cảnh công phu hay thiết đàn lễ.
Chủ yếu vẫn là Thành Tâm thì đáng quý.
….………..
Kinh thi tán ca: Theo giọng Nam Xuân
Thái Dương Minh Minh Chư Quang Thiên
Tứ Đại Thần Minh Chánh Càn Khôn
Thái Dương xuất hiện bầu trời sáng
Sớm tối lưu hành không nghỉ ngưng
Lặng lẽ thời gian thong thả trôi
Ai hay ai biết chết từng hồi
Không vì vui sống mà già cỗi
Biếng nhác buồn đời cũng vậy thôi
Thái Dương Thần đến trước muôn nhà
Gõ cửa kêu người thức tỉnh đa
Hễ có ai hay hô một tiếng
Đáp lời tỉnh thức giữa ta bà
Nếu vầng Dương khuất chìm sau núi
Đêm hết qua ngày vẫn ngủ yên
Khi ấy bình minh không rạng rỡ
Chúng sinh đói khổ thảm muôn phần
Nếu Thương Thiên chẳng có vầng Dương
Không có ngày đêm, không ấm thường
Không người, muông thú, hay lương cốc
Đại Địa đìu hiu vạn sự không
Ai biết quang âm lẽ chuyển luân
Thịnh suy sinh tử lắm vô chừng
Chư Thần Phúc Lộc người tôn kính
Mà lại không hay Thần Thái Dương
Mười Chín Tháng Ba Vía Thái Dương
Nhà ai tưởng nhớ thắp đăng hương
Thường hành thiện đức gieo nhân tốt
Già trẻ trong nhà đặng thiện lương
Thái Dương Minh Minh Chư Quang Thiên
Truyền khắp nhân gian hay biết tình
Mỗi sớm thường nhìn niệm chín biến
Ngày ngày bệnh tật tự tiêu tan
Thường hành trì niệm bồi công đức
Tu dưỡng tín tâm, Thần khả minh
Mãn kiếp chuyển sinh miền Tịnh Thổ
Cửu Huyền Thất Tổ đặng siêu sinh
Nam mô Thái Dương Thánh Minh thường chiếu độ tận vạn linh (Niệm 9 lần)
Thiên la Thần。Địa la Thần。
Nhân li nan。Nan li thân。
Nhất thiết tai ương hóa vi trần。
….………………….
Chú giải ngắn gọn:
- Thái Dương: Mặt trời
- Minh Minh: thường chiếu sáng
- Chư: trợ từ chỉ rõ về đối tượng nào đó
- Quang Thiên: Vị Thiên Tử chủ quản ánh sáng
- Tứ Đại Thần Minh: Một trong 4 vị Đại Thần Minh thời Khai Thiên Lập Địa là Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm. Ngoài ra Tứ Đại Thần Minh còn chỉ về 4 vị cai quản bốn yếu tố lớn là Địa, Thuỷ, Hoả, Phong.
- Chánh: ý chỉ về vị Chánh Thần
- Càn Khôn: Đại Vũ Trụ bao la vô cùng tận
- Đăng hương: nhang đèn
- Thần khả minh: tâm trí, tâm thần, trí não tinh thần có thể sáng suốt.
- Quang âm: ngày đêm, sáng tối, vô thường luân chuyển.
- Cửu Huyền Thất Tổ: xem bài Cửu Huyền Thất Tổ
- Thiên la Thần: Tất thảy các Thần trên bầu trời
- Địa la Thần: Tất thảy các thần trên mặt đất
- Nhân li nan, Nan li thân: Người xa tai nạn, nạn xa thân
- Nhất thiết tai ương hóa vi trần: Tất thảy mọi tai họa đều hóa thành cát bụi hư không.
….……………………..
Thái Dương Minh Minh Chư Quang Thiên
Tứ Đại Thần Minh Chánh Càn Khôn
Đức Thái Dương Thiên Tử là vị thần chủ quản ánh sáng, là mặt trời sáng soi, là một trong 4 vị Đại Thần Minh thuở Khai Thiên Lập Địa.
Đức Thái Dương Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Đại Nhật Như Lai.
….…………
19.03 Nguyệt Lịch là ngày Lễ Vía của Đức Thái Dương Thiên Tử.
….………………
Ngày qua ngày, ánh thái dương soi tỏ muôn vật, vừa đem sự sống cho muôn sinh, lại giúp cho muôn sinh tăng trưởng, và tiến dần về sự già cỗi chết chóc. Người chẳng vì yêu thương ai biết vui sống, hay vì ghét bỏ ai lười biếng mà khiến vòng sinh tử của người đó thay đổi, vẫn cứ lặng lẽ tuần hành nhắc nhở vòng tuần hoàn sinh thành trụ hoại diệt của muôn sinh.
Người đời thường thích thờ cúng bái lễ các vị thần ban phúc lộc, hay là may mắn bình an cuộc đời, mà ít ai hay biết rằng có vị Thần Thái Dương ngày ngày vẫn quan tâm nuôi dưỡng coi sóc sự sống của họ. Nếu Thái Dương Thần không có trên bầu trời, mãi ngủ yên không thức dậy thì mặt đất chìm trong bóng tối lạnh lẽo, rồi muôn vật không sinh sôi nảy nở được nữa thì tự nhiên dần dần chìm vào sự đìu hiu cô quạnh, thành bình địa trơ trọi.
Giữa cuộc đời hư huyễn, nếu ai có thể nhận thức được lẽ vô thường, trân quý từng ngày nắng sớm mình còn được thở, rồi tự tâm thức tỉnh về sự tồn tại của mình, sống lương thiện, hành thiện nghiệp, giữ gìn thân tâm thiện lương, tịnh hóa các nghiệp khởi sinh của thân tâm. Tự nhiên người ấy được mạnh khỏe, thường an vui, gia đạo cũng bình yên và khi chết thì được chuyển sinh cõi lành.
Thêm nữa, người nào tu tập nghiêm túc, hành thiện nghiệp nhiều, thì có thể cứu độ cho tất thảy Cửu Huyền Thất Tổ của mình được siêu sinh luôn vậy.
….………………………………
Thánh Ngôn
Thánh Ngôn của Đức Thái Dương Tiên Tử giáng cơ dạy Đạo. Ngài còn được biết đến là Đức Đại Nhật Như Lai, Đức Tỳ Lô Giá Na Phật
Đức Đại Nhật Như Lai giáng cơ dạy Đạo
Ngày 18.03.Canh Tý
Bần Đạo mừng chư hiền sĩ đến dự đàn.
Thái cổ khởi nguyên tạo vạn linh
Dương quang biến chiếu hóa muôn hình
Thiên không rạng rỡ màu kim bạc
Tử khí dệt thành ánh nhật minh.
Bần Đạo hỏi chư hiền sĩ làm sao để phân chân ngụy?
Vào thời Mạt Kiếp có trùng trùng điệp điệp các loại bàng môn khó phân thật giả, đúng sai. Người có căn cơ thâm sâu mới may duyên tìm thấy Chân Đạo.
Chân Đạo là đáng quý. Người cầu Đạo là cầu tâm chớ chẳng phải cầu lấy cái hình tướng giả tạm nghe chư hiền sĩ.
Thường quán chiếu nội tâm để tìm đường giải thoát. Các loại bàng môn dù có hình thức cao siêu đến mức nào cũng không thoát khỏi bốn chữ: thuật, lưu, động, tĩnh. Chẳng có pháp Chánh Truyền thì tu mãn kiếp cũng chẳng đắc thành Đạo Quả.
Tu mà không thay đổi phàm tánh, trí tuệ không phát triển, vậy Bần Đạo hỏi chư hiền sĩ sau này thoát xác đi đường nào về Cửu Trùng Thiên?
Từ bi trí tuệ, quán xét nội tâm sẽ giúp chư hiền sĩ phân chân ngụy nghe.
Vậy chư hiền sĩ đã ngộ ra Chân Pháp chưa?
- Thuật là tu pháp thuật, vẽ phù luyện chú.
- Lưu là nay đây mai đó, bói toán đoán mệnh đi khắp tứ phương, coi bốn bể là nhà.
- Động là thái dược làm thuốc, đi quyền luyện cước, đao kiếm bất xâm.
- Tĩnh là ngồi thiền tĩnh tọa, tâm thân thường thanh tịnh.
Vậy hỏi chư hiền sĩ trong bốn chữ, hãy tìm Chân Pháp?
Nếu tìm ra được Chân Pháp trong bốn chữ ấy thì chúng sinh đỡ khổ biết bao. Cười.
Bần Đạo lại hỏi chư hiền sĩ tu khổ hay không tu khổ?
Vậy tu là để liễu khổ. Khổ trước sướng sau hay khổ sau sướng trước tùy tâm chư hiền sĩ định đoạt cho số kiếp của chính mình.
Lại có điều thế này. Chúng sinh thường cầu bằng an nhưng tâm tính không nghĩ đến việc tạo công lập đức thì chư Thiên Tiên Phật ban ân bằng cách nào há chư hiền sĩ?
Cũng giống như mua bánh mà không có tiền, thì làm sao có bánh mà ăn há chư hiền sĩ?
Bần Đạo nói đến đây. Bình an cùng chư hiền.
Thăng.
* Đại Nhật Như Lai Thần Chú Phạn Ngữ
Om Namo Bhagavate Sarvate Gate, Varsuddhani Rajaya, Ta Tha Ga Ta Ya Arahate Sam Yak Sam Buddhaya, Ta Dya Tha Om Sodhani Sodhani Sarva Papam, Vishodani Suddhe Visuddhe, Sarwa Karma Avarana Visudhani Ya Soha.
….…………………………………
* Hình tượng Thái Dương Thiên Tử trong văn hóa nghệ thuật:
– Tượng Thần Mặt Trời Helios ở Hy Lạp được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 2-3 trước Công Nguyên là một trong bảy kỳ quang vĩ đại của thế giới cổ đại. Pho tượng cao hơn 30m, được làm bằng đồng thau ở hải cảng, biểu trưng cho niềm tự hào vì được thần Mặt Trời bảo vệ của người Hy Lạp. Về sau, pho tượng này bị phá hủy và phân rã thành đồng nguyên liệu.
– Trong Thần Thoại Hy Lạp, Thần Ánh Sáng Apollo cũng được đồng hóa với Thần Mặt Trời nhưng việc ấy có chút nhầm lẫn. Ánh Sáng và Mặt Trời vẫn có sự khác biệt lắm vậy.
Tam Giới Toàn Thư
Ngoc Mai 12 vị Thiên Tử đã có 5 vị thăng cấp còn lại 7 vị phải không ạ?
TGTT Đâu có cấp gì mà thăng với không thăng nè bạn. Chư vị ấy đã ở vị trí bất khả tư nghị bất thoái chuyển từ thuở khởi nguyên rồi