Đức Phong Thiên Tử – Thiên Không Thiên Tử
* Nguồn gốc
Đức Phong Thiên Tử là vị Thiên Tử cai quản về không khí, gió, hơi thở và lớp không khí bao bọc các cõi giới khác nhau.
Quyền năng của Ngài còn mang tính chất là sợi dây liên kết, thông hiệp các lý sự tồn tại trong Trời Đất với nhau trong tình hòa hiệp.
Đối với tiểu vũ trụ của sinh vật, Phong Đức hay Phong Đại tượng trưng cho luồng khí lưu của hơi thở, năng lượng sống, một trong Tứ Đại Giả Hợp tạo nên sinh vật sống.
Ngài còn được biết đến với tôn danh là Đức Thiên Không Thiên Tử.
Đức Phong Thiên Tử là một trong Thập Nhị Khai Thiên, xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa, đại biểu cho Tốn Cung trong Bát Quái Cửu Cung phát khởi càn khôn vũ trụ.
Các hình tượng tương đồng và những tên gọi khác của Ngài là:
- Đức Chánh Thần Hermes của Thần Thoại Hi Lạp
- Đức Cổ Thần Prana với các tôn danh khác là Anila, Vayana, Tanuna, Pavana trong Ấn Giáo
- Đức Thống Lãnh Thiên Sứ Auriel hay Uriel ở Thiên Quốc.
………………………
* Hình dáng và tính chất đặc trưng
Ngài thường thị hiện thân ảnh thanh niên chừng hơn hai mươi tuổi với mái tóc dài thả tự do phấp phơi trong gió. Thân Ngài khoác đạo bào trắng tinh khôi bắt chéo một bên. Sau lưng Ngài là hai cặp cánh to lớn, mỗi bên chân cũng có cặp cánh nhỏ.
Tánh đức của Ngài là hòa đồng nhân ái, hòa hiệp vạn linh cùng Chí Linh, thường lạc, thanh tịnh và vô nhiễm.
Ngài thường mang theo Khai Minh Phiến, Tốn Cung Pháp Luân Thường Chuyển, Phong Đại. Có đóa hoa Thiên Điểu nâng đỡ mỗi bước chân của Ngài. Các vị Hộ Pháp thường theo Ngài là Phong Thần, Long Thần, Hỉ Lạc Thiên.
Nơi nào muốn phát sinh được sự sống của sinh vật đều cần phải có không khí trong không gian sống và dòng khí lưu luân chuyển để sự sống nơi ấy được duy trì hô hấp. Vì thế quyền năng của Đức Phong Thiên Tử cũng được xem là khởi nguồn cho sinh vật ở các cõi Hạ Giới.
* Các Pháp Bảo và thị giả của Ngài:
– Khai Minh Phiến:
Là một cây quạt lông vũ, mỗi khi quạt một cái có thể tạo nên Minh Kính Pháp Giới. Pháp giới này cho người ta nhìn thấy được các nhân duyên nghiệp quả của mình, thiện ác đã từng nói nghĩ làm nơi kiếp sinh, nhờ đó mà có thể giúp cho người ta nhận thức được lẽ thiện ác àm sám hối ửa mình. Tính chất này giống với Minh Kính Đài và Hồi Tâm Kính.
Khai Minh Phiến còn có thể phẩy một cái liền tạo nên một thông đạo dẫn cho chư linh xuyên không gian đến nơi cần đến một cách nhanh chóng.
Tất nhiên quạt này có thể tạo nên các dòng khí lưu, các loại gió thanh nhẹ dịu mát hay ấm áp, từ những làn gió nhẹ như hơi thở giúp thanh tẩy trược khí tà khí, trị bệnh, hồi phục chữa lành thân tâm cho đến những trận đại cuồng phong, gió lốc vòi rồng với sức công phá vô cùng kinh khủng.
– Tốn Cung Pháp Luân Thường Chuyển:
Đây là bánh xe pháp luân trên ấy có ký hiệu của Cung Tốn. Bảo pháp này biểu trưng cho quyền năng thường hằng không ngừng nghỉ của Ngài giúp cho sự vận hành của Đại Vũ Trụ được liên kết các lý sự nhân duyên với nhau, duy trì cân bằng ổn định, thường tinh tấn.
– Phong Đại:
Là một cái túi gió, túi này có thể thu hút lấy các luồng khí lưu, luồng gió như là tà khí, cuồng phong… để ổn định lại không gian không còn bị hỗn loạn. Có thu hút thì cũng có thể thả ra những gì đã được túi thu hút vào.
– Phi Long:
Là một Long Thần mang dáng dấp của chuồn chuồn, cũng có thể hiểu là chuồn chuồn ở hiện thế tu luyện thành tựu mà hóa long thì thành Phi Long này. Đầu có lông vũ bao phủ, có một cặp cánh lông vũ nơi mang tai, trên trán có một sừng, có lông mao mềm mịn óng ánh trên lưng trải dài từ đầu cổ cho đến hết đuôi. Trên thân có 3 cặp chân khớp ở phần đầu thân, có hai cặp cánh mỏng trên lưng, thân có vảy rồng. Đuôi có lông vũ xòe ra như kiểu đuôi chim.
Phi Long này có thể tạo nên những dòng khí lưu, thanh phong tiêu trừ uế trược, gió lốc hay cuồng phong.
Phi Long có thể hộ trì cho người tu được thân tâm an tĩnh, vô nhiễm trước các tà khí, khí độc, ma chướng bệnh tật.
….………………..
* Kinh điển có liên quan đến Tốn Cung – Thanh Phong Cung:
– Thanh Phong Tâm Chú:
Nam mô Tâm Thân vô nhiễm tự thanh phong
Câu chú này do Đức Thiên Không Thiên Tử chứng pháp.
Thân là tứ đại giả hợp, cảm xúc cảm tình cũng là vô thường do các lý sự nhân duyên tác động đến thân trong từng thời điểm khác nhau mà cảm tình phát sinh khác nhau. Tâm Thân cũng giống như làn gió thanh sạch giữa đời vậy, nhẹ nhàng phiêu lãng trong không trung, tự do tự tại bất nhiễm. Người trì niệm câu chú này thì tự nhiên đối với các thế sự thường tình dễ rung động cảm ứng với mình, cũng dễ dàng gác qua một bên không vướng chấp bận lòng với các thế sự tình trường như thế.
Đối với các loại bệnh tật, các loại chấp niệm phiền não thế gian, hễ người nào trì tụng câu chú này thường xuyên thì tự nhiên thấy nhẹ lòng lắm vậy, chẳng có lý do gì để bám víu vào các việc, vật mang tính hư huyễn có đó rồi mất đó theo dòng thời gian luân chuyển.
Đối với chư linh thể dù đã mất đi thân xác tứ đại giả hiệp, mà vẫn còn vướng chấp các đau khổ do vọng cầu bất đắc mà khổ thì khi nghe thấy, cảm ứng được với câu chú này, nếu có thể tự mình trì tụng nữa thì thực là diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn. Người ta sẽ tự nhận thức rõ ràng rằng thân đã không còn, giờ thần thức cũng như làn gió giữa đời vậy, sao lại phải vướng chấp, gió thì tự do tự tại phiêu bồng khắp nơi mà. Như vậy mà họ tự cởi bỏ được các vướng chấp của mình, có thể tự chuyển sinh an lạc, có thể thong dong tự tại như làn gió thanh khiết thiện lành.
….………………..
– Tâm Thân Thanh Tịnh Chú Thanh Phong Cung
Ý nghĩa con đường tu dưỡng theo tánh đức của Thiên Không Thiên Tử, phát triển đặc trưng của Tốn Cung trong Bát Quái Cửu Cung của mỗi người.
- Người sống ở đời có tâm chân thành, tốt đẹp thì lòng thành ấy cảm ứng được với trời đất
- Người ấy có sự hòa đồng nhân ái, thân thiết với cả vạn linh và chí linh, vạn loại sinh tồn từ thấp kém đến cao trọng
- Tùy vào mối duyên với thiện lành – ác trược, xấu – tốt, hay – dở cũng đều có cách ứng xử sao cho hợp lẽ Đạo mà đem ánh sáng yêu thương đến mọi người
- Khi tinh thần của người ấy đã Tịnh lặng, thanh tịnh hoàn toàn thì lúc ấy sẽ thấu hiểu, thông tri vạn vật vạn linh, thấu triệt thiên địa, hòa hiệp xem ta như vạn vật, vạn vật như ta.
- Người trì luyện chú này, tức nhiên là người luyện Tâm, Thân mình được thanh tịnh, hòa hiệp với vạn vật vạn linh thì chẳng còn sợ nhiễm trần, chẳng sợ cám dỗ, chẳng nhiễm bụi trần. Bệnh tật, ma chướng, tà pháp đều không xâm hại được.
- Con đường trở về với nguồn cội của mình thanh nhẹ vô cùng, cho nên Tâm đã hiệp với vô sắc tướng, mọi công danh lợi lộc ràng buộc của thế tục đều là phù du, cứ thong dong, tiêu diêu tự tại giữa đời mà mỉm cười với thế tục.
- Phong tiết ý chỉ về sự liêm khiết, trong sáng, chân thật, tiết hạnh thanh tao cao quý của bậc hiền nhân xứng đáng với chữ Hiền luôn trong sạch vẹn toàn với giới luật của yêu thương và hòa đồng.
- Đó là bậc hành giả đáng trọng vốn dĩ đã hòa hiệp được với căn tánh trọn lành đầy đủ tính thiên lương của Trời Đất trong kiếp sanh của mình. Cũng là thành quả tốt đẹp của quá trình đào luyện Thân – Tâm trong việc sửa mình sao cho trọn lành, thánh thiện, trong sáng giữa đời.
….……