Đức Dao Trì (Diêu Trì) Kim Mẫu –
Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu – Đức Từ Mẫu
Nguồn gốc
– Thuở khởi nguyên vũ trụ, trước khi Thiên Địa Tam Giới hình thành, từ khí Hư Vô phát xuất một khối ánh sáng vĩ đại mang năng lượng vô cùng vô tận gọi là Đại Linh Quang hay Thái Cực Quang, tạm gọi là Cội Đạo. Lúc bấy giờ, trong vũ trụ xuất hiện các Đấng Thiêng Liêng tối cao tối trọng, tận thiện tận mỹ đầu tiên mà muôn sinh tôn kính gọi là các Đấng Tam Tôn Khởi Nguyên, hay Đấng Tam Tôn Đạo Nguyên.
- + Hư Vô chi Khí biến thân thành Đức Hồng Quân Lão Tổ, còn được biết đến là Đức Thái Thượng Đạo Quân, Đức Từ Tôn.
- + Thái Cực Quang biến thân thành Đức Đại La Thiên Đế, còn được biết đến là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ.
- + Thái Cực Quang khi phân thành Lưỡng Nghi cũng biến hiện nên Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu, còn được biết đến là Đức Dao Trì Kim Mẫu, Đức Từ Mẫu.
– Đức Dao Trì Kim Mẫu xuất hiện tượng trưng cho sự hóa sinh muôn vật khắp cả Tam Giới từ sự vận hành kết hợp của Bát Quái Cửu Cung. Quá trình này diễn ra như sau:
+ Thuở Hỗn Độn sơ khai khi chưa có chi trong vũ trụ. Một tiếng nổ lớn phát khởi, liền đó xuất hiện khối ánh sáng linh quang Thái Cực Cội Đạo. Khối ánh sáng ấy phân hóa biến thành hai lằn khí Âm Quang và Dương Quang, gọi là Lưỡng Nghi.
+ Lưỡng Nghi tương hiệp hóa thành Tứ Tượng là Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm. Tứ Tượng kết hợp, điều hòa mà hình thành Bát Quái gồm Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài và trung ương là Hư Vô nên gọi là Bát Quái Cửu Cung.
+ Bát Quái Cửu Cung kết hợp với nhau sinh biến vô cùng vô tận, tạo thành vòng tuần hoàn phát triển không ngừng nghỉ, gọi là Vô Cực. Bát Quái này biến hóa nên muôn hình vạn trạng, muôn loài sinh vật tạo thành Đại Vũ Trụ với các cõi giới khác nhau được xếp chung thành Tam Giới.
+ Khí thanh nhẹ ở gần với khối Đại Linh Quang Cội Đạo, hiển hóa nên các cõi giới vô hình thanh khiết, gọi là Thượng Giới. Khí trọng trược lắng đọng, ở xa Cội Đạo, kết tụ thành các tinh cầu, tinh vân hữu hình, gọi là Hạ Giới. Giữa Hạ Giới và Thượng Giới là khoảng không gian dung hòa giữa thanh tịnh và trọng trược, gọi là Trung Giới.
Các tôn danh tiêu biểu
Tùy theo văn hóa, ngôn ngữ, cách hiểu của từng vùng miền, dân tộc mà Người có những tôn danh khác nhau, ý chỉ về một trong hai nguyên tố hình thành nên muôn loài là khí Âm.
1. Đức Cửu Thiên Huyền Nữ, Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu, Đức Cửu Thiên Nương Nương
Ba tôn danh trên có ý nghĩa là người mẹ huyền diệu, người phụ nữ huyền diệu nơi chín tầng Trời ở Thượng Giới. Chín tầng Trời này gọi là Cửu Thiên hay Cửu Trùng Thiên. Có hằng hà sa số các cõi Thiên Giới, Thiên Cung khác trong Cửu Trùng Thiên này.
2. Đức Tây Vương Mẫu
Theo sự vận hành nhật nguyệt, tứ phương tám hướng trong tự nhiên Thiên Địa, hướng ta thấy mặt trời xuất hiện là Đông, tượng trưng Dương. Hướng ta thấy mặt trời lặn là Tây, tượng trưng cho Âm. Vậy nên vị cai quản khối Âm Quang được gọi với tôn danh là Đức Tây Vương Mẫu.
3. Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Diêu Trì Thánh Mẫu, Đức Diêu Trì Nương Nương
Nơi Tạo Hóa Huyền Thiên có một ao sen được kết tinh từ khí chất huyền ảo lấp lánh, trân quý như ngọc gọi là Diêu Trì Cung. Hướng Tây thì thuộc hành Kim trong Ngũ Hành. Người là vị cai quản ở hướng Tây, ngự nơi Diêu Trì Cung, nên được muôn sinh tôn kính gọi là Đức Diêu Trì Kim Mẫu hay Diêu Trì Thánh Mẫu.
4. Đức Phật Mẫu
Phật là từ ngữ chỉ về sự quang minh, tuệ giác, vô nhiễm như nhiên vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Người là vị đã tạo tác nên muôn vạn loài, vạn linh, nên tôn kính xưng tán Người là Đức Phật Mẫu.
5. Đức Từ Mẫu, Đức Vô Cực Lão Mẫu, Đức Mẹ Thiên Nhiên, Đức Mẹ Muôn Loài
Bốn tôn danh trên ý chỉ về việc muôn sinh vạn loại đều do hai khí Âm Quang, Dương Quang mà sinh thành. Thế nên gọi hai khí vĩ đại ấy là Đức Từ Phụ tượng trưng cho Dương Quang, ngôi Thái Cực và Đức Từ Mẫu tượng trưng cho Âm Quang, ngôi Vô Cực vậy.
6. Các tôn danh khác
Sau khi xuất hiện, vào thời Hậu Thiên, Người lại phân tánh chiết linh thêm nhiều vị cao trọng khác nhau nhằm thuận duyên hóa độ muôn sinh khắp Tam Giới, gìn giữ trật tự vận hành vũ trụ ở những khía cạnh chuyên biệt. Có thể kể đến là:
- Đức Shiva Cổ Phật,
- Đức Tự Tại Thiên Vương,
- Đức Từ Hàng Đạo Nhân,
- Đức Quan Âm Bồ Tát,
- Đức Địa Hoàng Nữ Oa,
- Đức Ngọc Nữ Phu Nhân,
- Đức Phật Mẫu Maha Mayadevi,
- Đức Thánh Mẫu Maria,
- Đức Thánh Mẫu Gaia,
- Đức Thánh Mẫu Terra,
- Đức Thánh Mẫu Isis,
- Đức Địa Hoàn Thánh Mẫu.
* Hình dáng tôn nghiêm của Đức Từ Mẫu
– Tùy vào trường hợp, hoàn cảnh nhân duyên mà Người thị hiện những hình tướng khác nhau, trong đó tiểu biểu là hai hình tượng thân ảnh sau đây.
o Khi Người thị hiện thân ảnh là Đức Dao Trì Kim Mẫu
– Người mang dáng dấp một phu nhân trung niên, gương mặt phúc hậu đầy nét từ bi của người mẹ hiền từ khiến ai tiếp cận đối diện cũng đều có cảm xúc thân thương mãnh liệt.
– Toàn thân Người khoác Đạo Bào màu hoàng kim, như ánh bình minh sáng trong ấm áp. Trên đạo bào ấy lại điểm xuyết họa tiết là những đóa sen trắng tinh khôi, hàm tiếu có, mãn khai có.
– Mái tóc đen tuyền của Người được búi lên gọn gàng, trên búi tóc là một Liên Hoa Quan có hình hoa sen hoàng kim mãn khai, giữa đóa sen này là một Thánh Tượng Thiên Nhãn sáng soi ba tầng minh khí. Giắt ngang Liên Hoa Quan còn có một Phượng trâm là một chiếc trâm cài hoàng kim khắc hình Phụng Vũ Cửu Thiên, hình phụng hoàng đang xòe cánh, mấy dải đuôi uốn lượn thả dài xuống đầu tóc. Phủ choàng qua búi tóc là một dải khăn lụa mỏng như mây khói thả dài ra sau lưng.
– Người thường xuất hiện với Cửu Nương Dao Trì Cung và chư vị Hỉ Lạc Thiên Nữ, có chim Thanh Loan và Phụng Hoàng đi cùng hộ giá.
o Khi Người thị hiện thân ảnh là Đức Lão Mẫu
Người mang dáng dấp của một lão bà đầu tóc bạc phơ, dáng người dịu dàng thanh thoát, trên đỉnh đầu là búi tóc quả đào, có giắt một chiếc trâm cài hình đóa sen mãn khai, giữa đóa sen ấy là biểu tượng Thiên Nhãn hằng sáng soi mấy vầng minh khí..
– Gương mặt hiền từ phúc hậu của người mẹ hiền, toàn thân tỏa ra an lạc khí ấm áp từ ái khiến cho những ai hữu duyên vừa nhìn thấy đều cảm động mãnh liệt. Đó là cảm tình của sự tái ngộ người mẹ hiền từ bao năm xa cách. Nhìn vào gương mặt ấy, chúng sinh sẽ thấy phảng phất những nét gần gũi giống với người mẹ ruột đã sinh thành, dưỡng dục mình nơi thế gian.
– Toàn thân của Người khoác đạo bào Bạch Tuyết Đào Tiên mà trên ấy có ẩn hiện hình ảnh những quả Đào Tiên chín mọng cùng với hoa sen trắng, màu trắng tinh khôi thuần khiết, tỏa ra một vầng minh khí an lạc dịu dàng. Đạo bào của Người có mười hai lớp bồng bềnh như mây khói, áo rộng dài tay, có mấy dải lụa trắng nhẹ bay phấp phới.
– Người thường mang bên mình một chiếc gậy gỗ mộc mạc giản dị, trên gậy ấy có khi được giắt một bầu hồ lô chứa linh dược của Dao Trì Cung.
* Trách nhiệm nơi thiêng liêng của Đức Từ Mẫu
– Đức Diêu Trì Kim Mẫu an ngự tại Bát Cảnh Cung, bên trong Diêu Trì Cung, thuộc tầng Tạo Hóa Huyền Thiên nơi Thượng Giới. Nơi Ngọc Hư Cung, trên Bạch Ngọc Đài, vào những dịp đặc biệt thiết triều hội hiệp chư Thánh Tiên Phật thì Ngài xuất hiện ở ngôi Vô Cực, ngôi Âm Quang, gần ngôi Dương Quang Thái Cực vậy.
– Đức Diêu Trì Kim Mẫu cai quản cơ Tạo Hóa, dưỡng dục vạn linh, dưới quyền của Người có hằng hà sa số các vị Thánh Tiên Phật gìn giữ cho vòng xoay luân hồi nhân quả của muôn sinh được vận hành ổn định.
– Tại Kim Bàn, Người thường hành pháp kết hợp hai khí Âm Dương trong Thiên Địa tạo nên hồn phách, tức thần thức, thể trí của vạn loại sinh linh trong Tam Giới. Phần thể trí này còn gọi là Khí trong Tam Bảo của Nhân bao gồm Tinh, Khí, Thần. Việc tạo nên hồn phách từ hai khí Âm Dương kết hợp, rồi lại lấy một điểm sáng từ khối Đại Linh Quang mà nung kết thành thần trí của muôn sinh là công nghiệp vĩ đại của Người từ thuở Khai Thiên Lập Địa.
– Trước mặt Người có đồ hình Bát Quái Cửu Cung Đồ Thiên, là một hình bát giác có 8 cạnh đều, ở mỗi cạnh có một ký hiệu của một Cung, lần lượt theo thứ tự ngược chiều kim đồng hồ là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, ở giữa là Hư Vô Thái Cực. Phía trên đồ hình này là khối năng lượng sinh quang, có màu sắc trắng vàng óng ánh với những đốm sáng lấp lánh từ bên ngoài quy tụ về khối năng lượng này. Từ đây lại phát xuất ra muôn hình vạn trạng chư linh trong Tam Giới theo Bát Đẳng Chơn Hồn là Vật Chất, Thảo Mộc, Cầm Thú, Nhân, Thần, Thánh, Tiên, Phật.
– Người ngồi trên đóa sen Bạch Tuyết Kim Liên có màu trắng tinh khôi với những đường chỉ gân nơi cánh hoa sắc vàng óng ánh. Mỗi khi Người xuất hiện thường có chư vị Hỷ Lạc Thiên Nữ đi trước báo tin, có vị Linh Thú Thanh Loan nâng đỡ đóa sen Người ngồi. Theo thị giả cho Người là 9 vị Nữ Phật, gọi chung là Cửu Nương Diêu Trì Cung phụ trách cơ Tạo Hóa, dưỡng dục và duy trì vòng tuần hoàn sinh diệt của Tam Giới.
– Tùy theo nhân duyên nghiệp quả thiện lành của một cá thể, nhóm hội hay dân tộc nào đó có sự hướng thiện nhất định, lúc bấy giờ Đức Từ Mẫu có thể xuất hiện dạy Đạo cho muôn sinh thông qua hình thức giáng linh nhập thần cho cơ bút dạy Đạo.
Thánh lễ Đức Dao Trì Kim Mẫu được chọn là ngày rằm tháng 8 hằng năm, tức ngày 15 tháng 8 nguyệt lịch thiết lễ tri ân công đức Người đã sinh thành, dưỡng dục vạn linh từ thuở Khai Thiên Lập Địa.
Kinh điển – Thi văn
* Kinh sách
Một số Kinh sách có đề cập đến công đức của Đức Từ Mẫu đang được lưu truyền phổ thông trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ :
– Phật Mẫu Chân Kinh
– Kinh Tán Tụng Công Đức Dao Trì Kim Mẫu
– Kinh Ngọc Lộ Kim Bàn
– Cửu Thiên Thập Nhị Kinh
– Di Lạc Chân Kinh
* Các bài thơ được Đức Từ Mẫu giáng điển
Nơi Diêu Trì dập dìu loan hạc
Bầu rượu Tiên cung nhạc thưởng ban
Vạn linh chung hiệp Thiên Đàng
Mẹ mừng con trẻ mấy hàng ngọc sa.
Kim Mẫu Nương Nương
__
Kinh Tiểu Tường
Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín
Hư Vô Thiên đến thính Phật điều
Ngọc Hư Đại Hội ngự triều
Thiều quang nhị bá Thiên Kiều để chân
Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn
Cực Lạc Quan đẹp phận Tây Quy
Vào Lôi Âm kiến A Di
Bộ Công Di Lặc Tam Kỳ độ sinh
Ao Thất Bửu gội mình sạch tục
Ngôi Liên Đài quả phúc Già Lam
Vạn linh trỗi tiếng mừng thầm
Thiên Thơ Phật tạo độ phàm giải căn.
__
Kinh Đệ Cửu Cửu
Nơi Kim Bàn vàn vàn nguyên chất
Tạo hình hài các bậc Nguyên Nhân
Cung Trí Giác trụ tinh thần
Hoàn hư màu nhiệm thoát trần đăng Tiên.
__________
Diêu độ phàm phu chiếu ánh linh
Trì Thiên Mẫu thích thị thâm tình
Kim quang độ tận phàm chân phách
Mẫu địa chưởng an phục Thánh hình.
__
Diêu thượng huyền linh ngự Cửu Thiên
Trì danh thọ sắc phổ Chân Truyền
Phật tâm độ chúng tiêu oan trái
Mẫu hóa quần sinh định nghiệp duyên.
Bài thơ về Cửu Thiên Huyền Nữ.
Cửu kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên
Thiên Thiên Cửu Phẩm đắc cao huyền
Huyền linh tác thế Thần Tiên Nữ
Nữ hảo thiện căn đạt Cửu Thiên.
– Bài cơ bút nói về duyên của Người từng xuất hiện dạy Đạo trong lịch sử từ thời Hiên Viên Huỳnh Đế.
– Các quý vị nữ nhân có tín tâm, thiện hành hồi hướng về đường tu tâm dưỡng tánh, tu hành nghiêm túc sao cho trở nên chân thật vô cùng, tận thiện tận mỹ thì hiển nhiên khi mạng chung sẽ được công quả viên mãn, trở thành các vị Nữ Thần Tiên nơi Cửu Thiên cao trọng.
– Bài thơ này được dạy qua cơ bút, được lưu giữ trong tủ sách Cao Đài Đại Đạo.
…………..
Ngọc Lộ Kim Bàn Cửu Thiên Huyền Mẫu
Ngọc ẩn kì thư ngọc ẩn quang
Lộ thiên chiếu diệu lộ thiên đàng
Kim quang tương đắc kim quang hiển
Bàn Đạo diệu ngôn bàn Đạo an
Cửu kiếp cư trần cửu kiếp tu
Thiên thu quy Đạo thiên thu nhàn
Huyền linh ngự giáng huyền linh thuyết
Mẫu thuyết Chân Kinh Mẫu thuyết hoàn
– Bài này được Đức Từ Mẫu giáng điển khi Huyền Quang Pháp Sư biên soạn quyển Ngọc Lộ Kim Bàn hoàn tất. – hiện được lưu giữ trong Tàng Kinh Các của Cửu Thiên Môn (Cửu Thiên Chân Phái)
– Bài thơ nói về nội dung của Kinh Ngọc Lộ Kim Bàn ẩn tàng Đạo Pháp vi diệu, lý âm dương, vận hành của Tam Giới từ thuở khai thiên lập địa cho đến thời kì mạt Pháp.
– Trải qua các giai đoạn thăng trầm, thành trụ hoại diệt của Đạo Pháp, người hành giả tu Đạo vẫn được chứng pháp nếu biết gìn giữ tâm tánh lương thiện thuần khiết, chăm chỉ chuyên cần thiện hành, tịnh Tam Nghiệp Thân Khẩu Ý cho trọn vẹn. Đức Từ Mẫu đã thuyết đầy đủ diệu ngôn trong bản kinh ấy.
…………..
Bài thơ dạy về chữ Tâm
Gắng sức trau dồi một chữ Tâm
Đạo đời muôn việc chẳng sai lầm
Tâm Thành ắt đạt đường tu vững
Tâm Chánh mới mong mối Đạo cầm
Tâm Ái nhân sanh an bốn biển
Tâm Hòa thiên hạ trị muôn năm
Đường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn
Có buổi hoài công bước Đạo tầm.
– Đây là bài thơ nhắc nhở chư hành giả tu tâm dưỡng tánh. Người tu cần có thành tâm, chánh tâm, gìn giữ hòa ái thì đường tu tập mới mong có thành tựu.
– Dù cho trong cửa Đạo, khoác áo phẩm vị Tiên Thánh nơi mình mà Tâm Tánh không trọn vẹn thì đến cuối buổi mãn kiếp cũng là uổng phí một kiếp sinh may duyên gặp Đạo vậy.
– Thường trau dồi Tâm mình, quán chiếu thân tâm mỗi ngày thì về lâu về dài ắt đường tu vững vàng, không còn lo vướng mắc chướng ngại, tránh việc phạm các sai lầm đáng tiếc.
– Bài thơ này được dạy qua cơ bút, được lưu giữ trong tủ sách Cao Đài Đại Đạo
……………
Đức Diêu Trì Kim Mẫu trong các nền văn hóa, tín ngưỡng
* Sự nhầm lẫn giữa chư vị Thánh Mẫu Ngũ Hành với Đức Dao Trì Kim Mẫu
– Trong dân gian, những nơi tin thờ năm vị Ngũ Hành Thánh Mẫu, hay thờ một vị Thánh Mẫu nào đó thì người ta thường dễ nhầm lẫn Đức Dao Trì Kim Mẫu với hai vị là Đức Thổ Địa Thánh Mẫu và Đức Kim Ngọc Thánh Mẫu trong hệ thống Ngũ Hành Thánh Mẫu.
– Ngũ Hành Thánh Mẫu là chư vị Chánh Thần, Thường là bốn phẩm vị như Địa Thần, Nhân Thần, Thiên Thần, Địa Thánh cai quản một vùng lãnh thổ nhỏ tương ứng với một thành phố, tỉnh, hay quận huyện, khu phố. Các vị này cũng giống như chư vị Thổ Công, Phúc Lộc Thần, Môn Thần, Xí Thần, Táo Thần vậy. Mỗi vị sẽ phụ trách cai quản độ duyên, tương tác với chúng sinh ở một khía cạnh cuộc sống nhất định như:
— Thổ Địa Thánh Mẫu
Giống với vị Thổ Công, chư vị Nữ Chánh Thần này phụ trách về việc gìn giữ sự trù phú của cuộc đất đó, chăm lo sức khỏe, thọ mạng khi sinh và tử của muôn sinh nơi đó.
— Hải Triều Thánh Mẫu, Thủy Triều Thánh Mẫu
Vị Nữ Thủy Thần nơi vùng sông nước được gọi là Thủy Triều Thánh Mẫu. Vị Nữ Thủy Thần nơi vùng biển thì được gọi là Hải Triều Thánh Mẫu. Chư vị này gìn giữ mực nước được ổn định điều hòa, nguồn nước trong sạch tinh khiết đảm bảo muôn sinh được sống sung túc an toàn trong khu vực ấy.
– Kim Ngọc Thánh Mẫu, Hoàng Kim Thánh Mẫu
Là chư vị Chánh Phúc Thần thị hiện nữ nhân dạng, cai quản về an lạc khí, phúc lộc của muôn sinh trong khu vực mình giữ trách nhiệm độ duyên.
– Hỏa Diễm Thánh Mẫu
Chư vị này gìn giữ hơi ấm áp, mối quan hệ tình cảm, ẩm thực có liên quan đến bếp núc. Có thể hiểu quý vị này như là Bà Táo hoặc Nữ Táo Thần cũng được.
– Thảo Mộc Thánh Mẫu
Quý vị này thì gìn giữ sự sinh trưởng của cây cối thảo mộc sinh sống trực tiếp trong khu vực mình cai quản để có phần lương thực nuôi dưỡng và thảo dược cứu chữa bệnh tật cho muôn sinh nơi ấy.
* Ngũ Hành Thánh Mẫu là danh từ chung chỉ về các nhóm chư vị Nữ Chánh Thần, hoặc Chánh Thần thị hiện hình dáng Nữ Nhân Dạng nên được dân trong khu vực tôn kính gọi là Thánh Mẫu. Các vị ấy khác biệt hoàn toàn với Đức Dao Trì Thánh Mẫu.
Mô tả sai lệch Đức Tây Vương Mẫu trong Sơn Hải Kinh.
Sự sai lệch về cách hiểu, quan điểm của dân gian Trung Quốc về Đức Tây Vương Mẫu thông qua các ghi chép khuyết danh của Sơn Hải Kinh.
Các sai lệch ấy như vầy:
Mô tả Đức Tây Vương Mẫu là bà già khó tính, cai quản thập hình, thích hành phạt người, không thích chuyện tình yêu đôi lứa.
Mô tả Đức Tây Vương Mẫu có thân hình với bộ lông vằn của cọp, tiếng gầm dũng mãnh khiến vạn loại khiếp sợ, có răng nanh dài, có sừng, có đuôi.
Tuy nói rằng Đức Tây Vương Mẫu là vị cai quản Thần Tiên nơi Cửu Trùng Thiên nhưng với mô tả tính cách và hình dạng như thế thì có khác gì yêu quái thích hại người đâu. Đây là sự hiểu lầm nghiêm trọng.
Từ việc lấy Sơn Hải Kinh tham khảo mà có nhiều bộ truyện, phim xây dựng hình tượng Đức Tây Vương Mẫu là bà già khó tính, ghét chuyện tình yêu đôi lứa, thích trừng phạt, thị uy, đày chư Thần Tiên trên Thiên Đình xuống Hạ Giới nếu họ làm gì trái ý bà. Việc như thế là một dạng tạo nghiệp dữ vì vô minh vậy. Không thực sự tìm hiểu kỹ, không hiểu, không thấy không biết nhưng lại cố tình viết và dàn dựng hình tượng chư vị đáng kính trở nên kì cục phàm tục, để nhiều người hiểu sai, đó là nghiệp dữ.
Sau này, Đạo Giáo phát triển ở Trung Quốc cũng đã có sự công bố truyền tải sự thật đúng đắn về Đức Tây Vương Mẫu là hình tượng Đức Mẹ hiền từ. Nhưng vấn đề truyền bá sự thật thì cũng có người tin thuyết này, có người tin thuyết kia. Có người mù quáng tin vào tài liệu dân gian mà không tin Chánh Đạo, tin vào sự khó tính và dữ dằn của Đức Tây Vương Mẫu chớ không chịu tin vào sự thật về đức tính từ bi hiền lương của Người. Thì thôi, coi như nhân duyên mỗi người có bao nhiêu thì biết nhiêu vậy.
Tam Giới Toàn Thư
Bạn đọc comment:
Amy Vĩnh Hòang Ad cho mình hỏi,đức Thánh Mẫu mình hay thấy trong các chùa miếu khoác đạo bào màu đen,đứng trên quả địa cầu,được đề danh là Diêu Trì Kim Mẫu. Vậy có giống với đức Dao Trì Kim Mẫu trong bài hay ko ạ?
Thu Ho Amy Vĩnh Hòang cũng là 1 đấy ạ !