Đừng bao giờ chê việc phước nhỏ
Phước báu giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với sự may mắn, hạnh phúc và tốt đẹp của con người .
Tuy nhiên nhiều người đã không biết điều này, và họ rất coi nhẹ việc làm phước tích phước.
- Tại sao người này xinh đẹp, trong khi người kia lại xấu xí?
- Tại sao người này thông minh học giỏi còn người kia lại ngu đần?
- Tại sao người này phú quý giàu có, triệu phú, còn người kia một đồng kiếm cũng không ra ?
- Tại sao người kia an ổn, sống thọ, chết nhẹ nhàng, còn người kia lại chết sớm mà còn bị tai nạn thảm khốc ?
- ………….
Tất cả những sự sai khác này đều do phước nghiệp của người ấy đã từng tạo ra mà thôi.
Họ hơn nhau ở chỗ, một người cả đời và nhiều đời nhiều kiếp biết tu tâm thiện, biết làm nhiều việc phước, con người kia thì luôn sống trong vô minh, tạo nhiều nghiệp ác, cũng chẳng có làm việc phước đức gì cả.
Và hôm nay tôi muốn đề cập đến vấn đề đó là :
” Đừng bao giờ chê việc phước nhỏ mà không làm “
Khi tôi khuyên một người làm phước, thì họ thường hay nói với tôi rằng :
Thôi, để sau này con giàu rồi làm, chứ giờ nghèo quá mà làm gì.
Trong khi đó cơ hội làm phước trong cuộc đời của anh ta khá nhiều, nhưng anh đều chê nhỏ rồi bỏ qua.
Đây là một điều rất đáng tiếc.
Nếu chú ý, quý vị sẽ thấy :
Những cái lớn cái to tát, thấy vậy chứ nó bắt nguồn từ những cái nhỏ, từ những điều nhỏ nhặt.
Ví dụ :
Nhìn một hạt ớt xiêm, chúng ta đều thấy nó rất là nhỏ nhoi, nhưng quý vị hãy gieo trồng nó một cách đàng hoàng xem sao.
Và khi cây lớn lên: Ôi, thật là nhiều quả ớt xiêm làm sao !
Nhưng lúc đó có ai nào ngờ, cây ớt sim này lại bắt nguồn từ một hạt ớt xiêm hết sức nhỏ nhoi năm xưa.
Một ví dụ khác :
Ngọn lửa nhỏ
Có một người sống trong một căn nhà tranh, cùng với rất nhiều đồ đạc và dụng cụ, của cải cả đời làm được chứa trong căn nhà tranh ấy.
Rồi có một buổi tối nọ, khi đang ngồi trong nhà, lúc đó anh ta đang hút thuốc, hút được nửa điếu, anh không thích hút nữa, và ném điếu thuốc xuống sàn, sau đó anh bỏ ra ngoài đi dạo.
Không ngờ một tiếng sau, căn nhà của anh đã bị bốc cháy, do tàn thuốc khi rơi xuống đất gặp phải tờ giấy lau mỏng.
Khi ném tàn thuốc xuống sàn, anh cứ nghĩ rằng, tàn thuốc là cái nhỏ.
Nhưng đâu ngờ rằng, cái nhỏ này đã thành cái to, và rồi thiêu rụi cả một căn nhà với nhiều tài sản, của cải trong đó.
Qua hai ví dụ kể trên, như rút ra một bài học kinh nghiệm là :
Quý vị đừng nên xem thường điều nhỏ.
Mà như chủ đề hôm nay tôi đề cập đến : Đó là việc phước nhỏ.
Cuộc sống luôn tạo ra cho chúng ta rất nhiều cơ hội để làm việc phước, để giúp chúng ta thay đổi số phận.
Thế mà nhiều người đã bỏ qua.
Vậy làm việc phước nhỏ như thế nào đây ?
Có rất nhiều cách, ta có thể dùng cái thân, cái miệng và cái ý để làm (thân, khẩu, ý tạo phước).
Dùng cái thân để làm như sau :
- Phụ người mang một thùng mì cho người bị đói đến nhà người kẹt lũ lụt.
- Trồng cây, để trái đất thêm màu xanh.
- Không vứt rác bừa bãi mà còn dọn rác để môi trường xanh sạch đẹp.
- Lấy một ít tiền bỏ vào thùng phước điền cúng dường chùa.
- Hay trao cho các em bé nghèo đói vài cái bánh chưng chay, sách vở học tập.
…………….
Đây là việc làm phước bằng thân.
Vậy làm phước bằng khẩu thì như thế nào ?
Đó là miệng thường khuyên người làm việc lành, lánh việc dữ, sống ích lợi cho cuộc đời, tốt đẹp cho xã hội, khuyên họ hãy cố gắng tu hành để liễu sanh thoát tử nữa thì sẽ rất tốt.
Vậy làm phước bằng ý nghĩ thì như thế nào ?
Đó là tâm ý thường khởi sự hoan hỉ trước những việc tốt việc lành mà người khác làm được, chứ không nên khởi tâm đố kỵ.
Tâm ý thường vui vẻ vô tư, chứ không nên buồn bực, bi quan, âu sầu, chán nản, và sân hận….
Vì khi các vị lạc quan vui vẻ, thì người khác nhìn vào sẽ sinh tâm thoải mái, phước lành tạo ra từ đây.
Tâm ý không nên chất chứa những tâm bất thiện, hãy duy trì những tâm tốt, những hạt giống thiện lành.
Và phải rất chú trọng, đề phòng đến những hạt giống bất thiện dù nhỏ đang còn nằm tìm ẩn trong tâm.
Và khi những việc phước nhỏ quý vị đã tích lũy qua nhiều năm tháng, thì chúng sẽ biến thành quả phúc vô cùng lớn cho các vị ở tương lai.
Giúp thay đổi cuộc đời của quý vị, biến từ đau khổ để trở nên an vui hạnh phúc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
Xem thêm:
- Cách tích tập giúp tăng trưởng Phước Báu Công Đức nhanh
- Cách định lượng phước báu tự thân
- Khi phước báu suy tổn