ĐỪNG CHỈ BIẾT LÀM CÁI GƯƠNG SOI
Nói đến gương soi, tôi nghĩ chắc quý vị nào cũng biết.
Vì hằng ngày, ít nhiều gì chúng ta cũng dùng đến chiếc gương để soi.
Và chiếc gương đã mang đến cho chúng ta rất nhiều sự thuận lợi.
Ví dụ như :
Khi vào tiệm tóc, làm tóc xong, hay hớt tóc xong, ….chúng ta cũng nhìn qua chiếc gương để xem thử có đẹp hay không ?
Bởi vì đôi mắt của ta thì không có thấy được tất cả mọi nơi trên cơ thể, do đó phải cần nhờ đến chiếc gương để hỗ trợ, thì ta mới nhìn được trọn vẹn.
Hay khi đi đường, đến những khúc cua nguy hiểm, quý vị cũng thấy người ta đặt những gương cầu lồi, để soi chiếu được cung đường bị khuất, giúp người tham gia giao thông đi được an toàn…..
Do đó phải nói, chiếc gương đã đem lại lợi ích rất lớn cho con người. Tuy nhiên
Điểm hạn chế của chiếc gương là gì?
Đó là chúng chỉ soi chiếu được các vật đối diện, trước mặt, hay bên ngoài chúng…..
Mà chúng không có khả năng tự soi chiếu chính mình.
Qua điểm này người tu chúng ta có thể rút ra được một bài học kinh nghiệm quý giá như sau :
Thường thì con người chúng ta có thể thấy lỗi được người khác, nhưng ít ai có thể đủ dũng cảm để tự mình nhìn lại chính mình….
Vì sự cố chấp và bảo thủ, … nhiều người họ luôn nghĩ rằng họ luôn là đúng, và không bao giờ sai, không bao giờ đi trật…..
Nhưng còn phàm phu thì ai dám chắc được mình là người đi đúng…..
Ai dám chắc mình là người không bị lỗi lầm, ….
Do đó sự thận trọng và luôn nhìn lại chính mình trên bước đường tu tập là điều vô cùng quan trọng để giúp một người tu đi đến đích an toàn.
Nên một điểm hết sức quan trọng mỗi ngày của một người tu, đó là hãy dành thời gian tĩnh tâm để xem lại mình còn sai sót ở điểm nào, chưa hoàn thiện ở điểm nào, có đang chấp vào một tà kiến nào không, có đang tu sai đường hay không …..?
Hãy luôn thận trọng như thế….
Những người họ cứ nghĩ họ hoằng pháp được nhiều, chia sẻ được nhiều giáo pháp, hay ấn tống được nhiều bộ kinh, làm được nhiều việc phước thiện …..
Là họ đã giỏi rồi, hay là họ luôn luôn đúng…..
Nhưng thật ra họ vẫn còn phạm tục, chết vẫn luân hồi sinh tử như thường, và những việc họ làm được chỉ làm tăng tâm chấp ngã mà thôi (nếu không biết buông bỏ…).
Do đó, sự khiêm tốn, khiêm hạ, sự dè dặt cẩn thận, luôn thấy mình còn thấp kém nhỏ bé, còn dở, …..là điều rất cần thiết và quan trọng với người tu đạo.
Và trước khi nói người khác điều gì thì hãy nên nhìn lại chính mình trước.
- Bạn nói tôi tu sai, thì hãy quay lại xem bạn tu đúng chưa ?
- Bạn nói tôi nhiều chuyện, thì hãy quay lại xem bạn đã im lặng được chưa ?
- Bạn nói tôi keo kiệt, thì hãy quay lại xem tâm bạn đã rộng rãi thích bố thí chưa ?
- Bạn nói tôi truyền bá kinh điển sai, thì hãy xem bạn đang truyền bá những gì, có đúng hay không ?
- ……………
Đừng chỉ biết làm cái gương soi, chỉ soi chiếu được người khác, vật khác.
Còn chính mình thì mù tịt, dính bụi ở đâu, bẩn ở đâu, người ta bôi những thứ dơ bẩn phía sau làm bị dính bẩn hôi thối…. Mà chẳng hay chẳng biết…. Thì thật đáng thương quá.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
Xem thêm: