1. Tuổi còn đang phát triển thể chất được, nên cân bằng 1 nửa thời gian học chữ, 1 nửa thời gian tập thể lực để có bộ khung cân đối khoẻ mạnh. Sự cao to chỉ đến từ dinh dưỡng tốt và vận động nhiều ở ngoài trời. Hoà nhập quốc tế, càng cao càng tốt.
Sau 22 tuổi thì gần như mọi nỗ lực về thay đổi chiều cao tầm vóc cơ thể là không thể, trong khi đó hoàn toàn có thể học thêm kỹ năng hoặc kiến thức. Do vậy, biết cái gì để ưu tiên trong giai đoạn nào là 1 sự thông minh. Vận động nhiều cũng giúp trẻ không bị cận thị, việc đeo kính cũng rất bất lợi trong cuộc sống thường nhật. Cái này cha mẹ thầy cô phải đổi nhận thức, bắt trẻ học chữ từ sáng tới tối là 1 việc làm rất ác, với thế hệ sau của dân tộc mình.
2. Đang là sinh viên, phải sắm cho được cái bằng IELTS cỡ 6.0 trở lên và bằng lái xe ô tô. Tới 600 câu lý thuyết, còn trẻ dễ thuộc hơn già. Bằng IELTS 6.5 thì dễ hơn nhiều so với các môn thi ĐH ở VN. Thi tú tài mà 3 môn bạn nào cỡ 20 điểm trở lên thì bằng IELTS 6.5 dễ như trở bàn tay.
Giấy tờ nào cần có thì tranh thủ làm sớm, sau này đi làm lu bu, đỡ tốn thời gian học. Và quan trọng hơn là cơ hội đến, mình sẽ nắm bắt được, bỏ thói quen nước tới chân mới nhảy, khi cần mới cuống cuồng học. Chuẩn bị sớm sẽ bỏ được 2 chữ “giá như” ra khỏi từ điển cuộc đời.
3. Tầm nhìn thay đổi theo thời gian. Từng có lúc giấc mơ của ông bà mình với câu thơ “đường ta rộng thênh thang tám thước”, vì khắp nơi trên đất nước, con đường nào cũng nhỏ, thiết kế để đi bộ hoặc xe đạp mà. Phố nhỏ, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, hẻm nhỏ. Con đường làng thì quanh co quanh co và cũng nhỏ xíu xiu. Vì thế, 1 con đường bề ngang 8 thước đã là đại lộ, đó là cảm xúc thời đại, không trách được họ. Nhưng mình thế hệ khác, đại lộ phải là 50 mét mặt đường, thậm chí 100 mét để chừa dải phân cách giữa, sau này mở rộng tiện lợi, hai bên đường chỉ trồng cây xanh, nhà cửa công trình cơ quan….chỉ được lùi vô từ lề đường cỡ 100 mét nữa, chừa cho rộng ra, biết đâu sau này cần, không cần giải toả. Làm gì cũng tính đến tương lai rất giàu có phồn vinh, bản thân mình lẫn dân tộc đều sẽ rất khá, nên phải chuẩn bị tâm thế, nghĩ lớn và lớn hơn nữa.
Dân tộc mình trăm triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, nhưng đứng 42 về kinh tế, tương lai sẽ có vị trí đúng như dân số, nếu mỗi người dân nghĩ lớn. Dân trí bắt đầu tốt rồi, bây giờ là dân khí, tức khí phách, hào khí, khí chất của mỗi người. Khi dân khí tốt lên, thì người ta sẽ nghĩ lớn, hào sảng, nghĩ cho nhau, nghĩ cho cộng đồng, nghĩ chung, nghĩ đẹp….
4. Bài viết rất hay của bạn Hưng Hưng Vũ, một idol của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Giá như ngày ấy…
Hôm bữa mấy anh chị trong hội có ghé xưởng Hưng Hưng chơi. Khu vực Hưng Hưng ở là một làng biển nhỏ, không có tuyến đường xe buýt cũng không có taxi. Vì cách trung tâm tới 40km nên gọi xe đến rất lâu, đa phần taxi lẫn xe dịch vụ không chịu đi. Nhu cầu đi lại ở vịnh Vân Phong lớn, các nhà xe luôn kín lịch nên họ không mặn mà gì.
Hưng Hưng biết trước chuyện này nên ngồi họp anh em, bố trí đầy đủ cả. A chạy xe đỏ, B chạy xe xanh, C chạy xe đen, D chạy xe nâu để đón và tiễn, nhưng tới ngày cuối, chuyện không như tính toán. Xe nâu đi va vào đá bị vỡ lốc máy, phải kéo đi gara sửa, D phải đi theo để làm bảo hiểm. Còn B thì đau bụng dữ dội phải đi bệnh viện cấp cứu, A biết lái xe nên phải chở bạn đến bệnh viện và trực ở đó. Thừa 1 chiếc xe và thiếu tài, lúc đó Hưng Hưng nghĩ giá mình biết lái xe, mọi thứ đã tốt hơn. Mình có thể lái chiếc 7 chỗ này và chở mọi người đi cho kịp giờ tàu xe máy bay. Hưng Hưng tự trách bản thân mình, sao mấy năm học ĐH và cả mấy năm ra trường, sao không đi học bằng lái nhỉ. Nhưng ngồi nghĩ lại, xuất phát điểm nghèo khó, chiếc xe máy tay ga đã là ước mơ rất lớn rồi, đã phải vay tiền mua rồi, thì chuyện có xe ô tô là chuyện viển vông. Hưng Hưng và rất nhiều người xung quanh nghĩ vậy. Có lần, Hưng Hưng và hội bạn thân mắng mỏ thằng T (bạn cùng phòng trọ) thậm tệ, vì tội nó đã có bằng lái xe ô tô và bằng IELTS ngay từ năm 3 ĐH. Lý luận của bọn mình lúc đó là T vớ vẩn, trèo cao té đau, chơi nổi, con nhà nghèo rách hơn xơ mướp mà mơ tưởng chuyện sắm ô tô với học bổng du học. Ai trong nhóm cũng nghĩ, nếu có xe là do cha mẹ mua cho, đi du học cũng do cha mẹ tài trợ. Bọn mình chỉ chăm chỉ học để tốt nghiệp ĐH, bám thủ đô kiếm cơm, không thì theo chân giới trẻ cả nước “tiến về Sài Gòn” xin việc, lương dăm bảy triệu được rồi, không thì chạy Grab Bike hay shipper.
T sau này lấy ngay học bổng đi Thuỵ Điển tu nghiệp, lúc đó, một tập đoàn Thuỵ Điển dán thông báo trên trường, họ cần 1 kỹ sư xây dựng, khoẻ mạnh cao trên 1.75 và có bằng IELTS 7.0, nhưng không mấy người trong trường mình có 2 tiêu chuẩn này. T có bằng lái nên sang châu Âu, nó đổi giấy phép và lái xe vi vu khắp các nước, nhìn trên FB rất thích, nhưng đám bạn mình thì không LIKE. Hưng nhớ lại vụ uống chè vỉa hè Hà Nội xưa, thấy mình thật là ấu trĩ. Mọi thứ, Hưng Hưng thấy là do mình. Kết quả thế nào là do tư duy mình cả. Như 2 em Hoàng Nam hay Minh Thông, các em đều sinh năm 95-96 hết, con nhà nông dân miền Tây, lúc gặp mình thì tài khoản tụi nó chỉ có dăm ba triệu, ấy vậy mà sau khi đi Israel về, đứa nào cũng có cổ phần trong công ty, được chia lãi, rồi mua được xe ô tô ngon lành. Tụi nó lúc nhỏ học vừa phải, dành thời gian chơi thể thao nhiều nên đứa nào cũng cao to, không đứa nào cận thị. Rồi 2 đứa nó khôn, lúc sinh viên đã thủ cái IELTS 6.5 trong người, nên hôm bữa Bộ Nông Nghiệp có chương trình tài trợ tập huấn ở châu Âu, 2 đứa nó nộp hồ sơ phát đậu ngay, chỉ chờ hết dịch là sang châu Âu học 1 tháng. Hưng Hưng thì cứ tự mình giới hạn mình nên CƠ HỘI ĐẾN, CŨNG KHÔNG LẤY ĐƯỢC. Nghĩ lại thấy chán gì đâu, thanh xuân của mình trôi qua nhạt nhẽo trong phòng trọ và mấy quán cà phê.
Nay Hưng Hưng sửa sai, bằng cách vào trường dạy lái xe Thăng Long ở Nha Trang học. Xe thì của ông bà Nhật, của bạn Lee Sung, của Mỉn Thung….có đầy nhà, Hưng Hưng phải chăm chỉ luyện tập để lái và mua 1 chiếc. Cuối năm 2021 Hưng Hưng lấy vợ rồi, có em bé mà chở đi xe máy dưới trời nắng gắt hay mưa gió, cũng tội.
Thế hệ trẻ chúng mình, cần nghĩ thoáng lên thôi.
Cuối năm 2021 lấy vợ mà chưa có cô dâu, có ai chịu về vịnh Vân Phong lấy chàng trai biển cả Hưng Hưng hem?