“Thấy bản chất của phiền não mới có tuệ giác, chạy trốn sao giác ngộ?”
❓ HỎI:
Con chào Thầy, hôm nay con vô tình đọc được một câu nói của thiền sư Ajahn Chah làm con nảy sinh thắc mắc, mong Thầy giải thích giúp cho con, câu nói ấy như thế này:
“…Đức Phật nói rằng bậc giác ngộ là người đã xa lìa phiền não. Điều đó không có nghĩa là họ chạy trốn phiền não. Họ chẳng bao giờ làm như thế cả. Phiền não vẫn nằm đấy.
Đức Phật so sánh điều này với lá sen trong hồ nước. Lá sen và nước cùng có mặt. Lá và nước tiếp xúc với nhau nhưng lá không ướt. Nước có thể ví như phiền não và lá sen là tâm giải thoát. Tâm của người hành thiền thì không chạy đây đó. Nó nằm yên tại một chỗ. Khi tốt và xấu, hạnh phúc và đau khổ đến, người hành thiền chỉ đơn thuần nhận biết mà không để chúng thấm ướt tâm. Nói cách khác người hành thiền không dính mắc vào cái gì cả…” – Thầy Ajahn Chah
Câu làm con thắc mắc ở đây là: “Đức Phật nói rằng bậc giác ngộ là người đã xa lìa phiền não. Điều đó không có nghĩa là họ chạy trốn phiền não. Họ chẳng bao giờ làm như thế cả. Phiền não vẫn nằm đấy.”
Con được biết là đức Phật có danh hiệu là Araham – người đã diệt sạch mọi phiền não trong tâm và cả tiền khiên tật trong quá khứ, nhưng ở đây tại sao vị thiền sư này nói “phiền não vẫn nằm đấy” là sao con không hiểu?
Và vị ấy còn so sánh “phiền não như nước và lá sen trong hồ, nước và lá sen cùng có mặt, cùng tiếp xúc với nhau nhưng nước không làm ướt lá sen”. Có phải là ở đây ý của vị thiền sư này muốn nói là Đức Phật vẫn không tránh khỏi phiền não phiền não vẫn khởi lên, nhưng phiền não vẫn không làm ảnh hưởng đến tâm giải thoát của ngài? Tức là Đức Phật vẫn còn phiền não?
Con xin cám ơn Thầy, mong Thầy giải tỏa thắc mắc nghi ngờ trong tâm con!
✅TRẢ LỜI:
Thầy lại có ví dụ khác để con hiểu lời nói của Thiền sư Ajahn Chah.
Ví như một vị Thần Y, biết rõ mọi tính dược: chất này độc, chất này bổ; chất này âm, chất này dương, chất này hàn, chất này nhiệt, v.v… nhưng không loại bỏ chất nào dù là chất độc vì vị ấy biết sử dụng các dược tính này đúng lúc đúng chỗ nên không những không bị ngộ độc mà còn đem lại lợi ích.
Cũng vậy, người mê bị đắm chìm trong phiền não, còn người trí lấy phiền não làm bài học giác ngộ. Chạy trốn phiền não thì làm sao thấy được bản chất phiền não mà giác ngộ?
Thấy ra bản chất phiền não mới có tuệ giác, con chỉ muốn giải thoát khỏi phiền nào thì làm sao có được tuệ giác?
Con đừng lý luận, cứ tới đó là biết ngay thôi…
-Thầy Viên Minh –