Giáng Thần Thuật
* Nguồn gốc
– Giáng Thần Thuật là một thuật ngữ dùng chỉ về các hoạt động mang tính chất tâm linh, giao tiếp tương thông có việc tương tác giữa chơn hồn nơi Trung Giới và Thượng Giới với vật hoặc người nơi thế gian hữu tình.
– Từ xa xưa, việc giao tiếp với thế giới vô hình đã được con người dùng rất nhiều phương thức để thực hiện giao tiếp học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tồn tại, tri thức giữa các cõi giới với nhau. Mục từ này chia sẻ những hình thức cơ bản phổ thông, được sử dụng rộng rãi xưa nay.
* Các hình thức thông công với chư anh linh Tam Giới
1. Tự khai mở Huyền Quang Khiếu
– Đó là hành giả để Thân Tâm hiệp nhất với Điểm Linh Quang thiên lương nơi mình. Tự nhiên thông tri lẽ huyền vi màu nhiệm của Thiên Địa Nhân. Có thể cảm ứng được với Tam Giới.
– Chỉ có tự bản thân hành giả thực hành quán chiếu nội tại của bản thân, gọi là Hồi Quang Phản Chiếu thì mới mở được Khiếu này. Mọi hình thức mang tính bên ngoài tác động đều là không phải. Vì chẳng ai ăn dùm người khác để họ được no bao giờ.
…………………………….
2. Giao tiếp qua Cơ Bút
– Cơ Bút là một chiếc giỏ tre được bao bằng vải kín quanh giỏ, ở giữa có một thanh gỗ nhỏ bắt ngang, kéo dài ra ngoài. Nơi cuối cán thanh gỗ bên ngoài có gắn một chiếc bút.
– Có hai người làm đồng tử đặt tay bên hông giỏ tre, khi có điển lực của một anh linh giáng nhập Cơ Bút thì chiếc giỏ sẽ được di chuyển để đầu bút nơi cuối cơ sẽ viết chữ trên mặt phẳng.
– Chỗ đầu bút này, nếu không có mực thì là viết chữ bóng trên cát hoặc trên giấy, có một người Độc Điển Tự sẽ nhìn theo nét chữ bóng ấy rồi đọc chữ ấy lên cho một người khác ghi chép lại, người này gọi là Điển Ký.
– Để thực hiện phương thức này, một buổi đàn cơ bút cần có các nhân sự chủ yếu:
— 1 Chứng Pháp Đàn: Là người có tâm đức, nguyện hành, mục đích rõ ràng khi mời anh linh giáng cơ để cầu hỏi việc.
— 1 Hộ Pháp Trấn Đàn: Là người gìn giữ bảo vệ trật tự pháp đàn, không để sự hữu hình hay vô vi gây quấy rối làm mất thanh tịnh nơi đàn.
— 2 Đồng Tử: Là hai người tịnh tâm để dẫn khí thông hiệp với anh linh giáng nhập nơi Cơ Bút.
— 1 Độc Điển Tự: Là người đọc lên chữ mình thấy cơ bút chạy viết thành chữ bóng
— 1 Điển Ký: Là người ghi chép lại các chữ cái và ghép thành câu từ có nghĩa
— 1 Thị Giả: Là người lo việc nhang đèn, trà, quả…
Như vậy một buổi đàn cơ cần có tối thiểu 7 người như liệt kê giữ các vị trí quan trọng. Ngoài ra, những ai tham dự đều phải yên tịnh, các câu hỏi được chuẩn bị ra giấy sẵn từ trước, người Chứng Pháp Đàn sẽ là người đọc các câu hỏi ấy lên khi có chư vị anh linh giáng nhập chia sẻ.
– Nếu đàn cơ không đủ 7 người, chỉ có vài người thì những người tham gia sẽ phải chia ra kiêm nhiệm nhiều vị trí cùng lúc, rất mệt và nguy hiểm.
…………………………….
3. Tra Sách
– Là hình thức dựa trên các bài thuyết giảng đã có sẵn trong sách, tập tài liệu tổng hợp. Người muốn hỏi việc gì, cần tịnh tâm cầu nguyện rồi lật ra một trang sách bất kỳ. Nội dung ở trang đó chính là lời thuyết giảng, gợi ý nhắc nhở cho việc muốn hỏi. – Phương thức này cũng khá hay, được dân gian Việt Nam làm thành một nét văn hóa khi dùng tập thơ Truyện Kiều của ngài Nguyễn Du để tra thông tin. Hình thức này, khi làm với tập thơ truyện Kiều thì còn được gọi là Bói Kiều.
…………………………….
4. Xin Thẻ Xăm
– Các quẻ xăm đã được quy định với các bài thơ, lời dạy tương ứng các số thứ tự trên thẻ xăm ấy. Người tín giả muốn hỏi xin việc gì thì cần thành tâm cầu nguyện, sau đó bốc ra một thẻ xăm, nhìn số trên ấy rồi xem qua các bài giảng tương ứng với số ấy chính là việc được chư vị nhắc nhở, giải đáp.
…………………………….
5. Xin Thẻ Âm Dương, Xin Keo
– Thẻ Âm Dương, Keo này chính là 2 mảnh gỗ, hoặc đá, hoặc ngọc… được khắc thành hai đồ hình tượng Dương và Tượng Âm, mỗi tượng này lại có 2 mặt tròn lồi và mặt phẳng. Khi xin quẻ này, người tín giả thành tâm cầu nguyện, rồi cầm 2 thẻ ấy thả ra mặt bàn, nếu tượng hình Âm Dương cùng là 2 mặt tròn lồi, hoặc 2 mặt phẳng thì là quẻ xin được thuận lợi. Nếu ra hai mặt là 1 tròn và 1 phẳng thì không nên, quẻ không được thuận lợi.
– Hình thức này khá đơn giản vì người xin sự dẫn duyên đã định hướng sẵn cho mình một việc cụ thể, chỉ là khi làm thì nên hay không mà thôi.
…………………………….
6. Bốc Thăm các biểu tượng được ấn định sẵn.
Phương thức này có thể dùng các vật để làm thăm như: quả banh nhỏ có màu sắc khác nhau hoặc ghi chữ trên ấy, những viên châu với màu sắc khác nhau, những lá thăm, thẻ xăm nhỏ gọn bằng nhau có viết chữ lên các sự lựa chọn được quy định sẵn.
Sau đó các Thăm này sẽ được đặt trong một chiếc bát, hủ lọ, thùng hay chuông mà người bốc thăm sẽ không nhìn thấy được các Thăm ấy.
Tịnh tâm cầu nguyện, rồi bốc lên một hoặc nhiều Thăm theo thứ tự mỗi lần bốc 1 cái tùy theo sự lựa chọn nhiều hay ít.
Hình thức này cũng khá đơn giản, nhưng tín tâm mãnh liệt sẽ linh ứng kì diệu.
…………………………….
7. Chấp Bút
– Người Đồng Tử đồng thời là người Điển Ký. Ghi chép lại các việc mà chư anh linh giáng dạy.
– Đồng Tử tịnh tâm, cầu nguyện việc mình muốn hỏi, sau đó nhắm mắt lại, khi có điển anh linh giáng nhập sẽ tự viết chữ được mà không cần nhìn.
– Hoặc cầu nguyện, khi có điển giáng nhập thì tay sẽ viết được chữ nhanh lẹ, mà những điều viết ra đó bản thân Đồng Tử không hề biết, không hề nghĩ tới khi viết.
– Phương thức này khá nguy hiểm do có thể bị phàm điển, tự biên tự diễn của đồng tử nếu không thực sự có điển thiêng giáng nhập.
…………………………….
8. Huyền Cơ
– Là việc thông công nhờ vào một tờ giấy trắng đã được gấp đôi lại, sau đó đặt nơi bàn thờ. Các tín giả có măt ở đó tịnh tâm cầu nguyện về một việc mà mọi người cùng chung ý muốn được dạy, thuyết giảng. Sau khi tụng kinh và cầu nguyện xong, kết thúc buổi lễ sẽ có một người đại diện lên thỉnh tờ giấy ấy và khi mở ra trên giấy trắng đã có chữ viết xuất hiện. Phương pháp này rất khó, đòi hỏi mọi người thma gia phải đồng tâm cùng chí, lại phải có tín tâm rất mạnh, môi trường pháp đàn rất thanh tịnh thì mới thực hiện được.
…………………………….
9. Bàn Cơ
– Đây là phương thức dùng Cơ là một vật có hình tròn, hoặc đầu có mũi nhọn để chỉ điểm từng chữ một trên một bàn, hoặc tờ giấy lớn, mảnh vải lớn có khắc sẵn, ghi sẵn bảng chữ cái và các thanh dấu, dấu câu.
– Khi muốn cầu nguyện, hỏi thăm việc gì, thì người Đồng Tử cần tịnh tâm, đặt tay lên Cơ, nhắm mắt lại khấn nguyện. Khi có điển giáng nhập thì Cơ sẽ chuyển động trên bàn có chữ, và dừng lại ở chữ nào thì sẽ có người đọc, viết lại chữ đó, từng chữ cái một, rồi ghép lại thành câu, từ có ý nghĩa.
– Phương pháp này cũng khó thực hiện, nên có đầy đủ các vị trí như đã nêu ở mục số 2. Cơ Bút. Nếu không rất dễ bị giả và tự kỷ ám thị.
…………………………….
10. Mặc Khải
– Là việc một người có đủ duyên, tinh thần tốt, có nguyện ý rõ ràng, thiện hành, sẽ được chư anh linh thông điển bằng tâm thức, nghe được những lời nhắc nhở từ tâm thức chứ không phải bằng âm thanh hữu vi mà tai thường nghe được.
– Phương pháp này cũng khá nguy hiểm, rất dễ bị giả mạo hoặc tự kỷ ám thị.
…………………………….
11. Hữu Vô Linh Phù
– Là hai tấm thẻ linh phù có ghi sẵn chữ có / không. Nên / không nên. Được / không được.
– Tịnh tâm cầu nguyện rồi đặt hai lá phù ấy trong tay, rồi bắt ra một lá bất kỳ để biết việc mình sắp làm là nên hay không nên, được hay không được.
– Giống như xin Keo, hình thức này khá đơn giản, có tín tâm tốt sẽ thực hiện hiệu quả.
…………………………….
12. Tam Túc Bàn
– Là cái bàn có ba chân. Đồng Tử là một hoặc hai hoặc ba người cùng ngồi ghế quanh bàn, đặt tay lên mặt bàn cầu nguyện. Khi có điển thiêng của chư vị anh linh giáng nhập thì bàn sẽ được nhấc lên từng chân, rồi gõ xuống mặt đất. Người cầu cơ sẽ quy ước chân nào, gõ mấy cái là tương ứng với chữ cái nào trong bảng chữ cái. Ví dụ như Chân số 1 gõ 1 cái là chữ A, 2 cái là chữ B, 3 cái là chữ C… Chân số 2 gõ 1 cái là chữ E, 2 cái là chữ F…
– Phương thức này rất khó và rất lâu mới có thể có được một bài được ráp thành câu chữ đầy đủ.
…………………………….
Ảnh chụp mái vòm Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh – Đạo Cao Đài.
Mỗi số tương ứng với 1 hình thức thông công ở bài viết.
Hình người có râu chỉ về người Đồng Tử
Hình Thiên Nhãn chỉ về Minh Triết, Chân Như, Đạo.