Gieo nhân gì để khi ra đi nhẹ nhàng an lạc?- CsNH
Có những người đến lúc gần mất ở tuổi già, nhưng không thể mất, dù lúc đó cơ thể đã dần hư hoại phải nằm một chỗ.
Và báo con cháu rất khổ, do việc đi tiêu đi tiểu một chỗ, nhiều khi đầu óc bị lú lẫn nữa lại càng khổ hơn,….
Nghĩ đến cảnh già mà như thế, tôi cũng thấy rất ngán, nên nay tôi viết bài này để giúp các Phật tử biết cách tu tập hầu mong tuổi già ra đi được nhẹ nhàng, chứ không có nằm một chỗ báo con cái khổ.
Một người nếu muốn tuổi trẻ có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, đến khi tuổi già sức yếu, thì ra đi nhẹ nhàng.
Để có được một cuộc sống tự tại như thế thì quý vị có thể tu 5 nhân cơ bản dưới đây :
5 nhân để sự ra đi nhẹ nhàng an lạc
Thứ nhất :
Phải tu tập phép quán niệm sự vô thường của thân xác mỗi ngày :
Hằng ngày quý vị phải tự quán chiếu, phải tự thấy được rằng thân xác này được tạo thành bởi tứ đại (đất nước gió lửa), có mà không thật có, và chúng đang chịu sự chi phối bởi vô thường (tức sẽ bị hủy hoại, tan rã, chứ không có thường còn mãi).
Khi quán niệm được như thế, thì tâm sẽ rời bỏ sự chấp thân, buông bỏ sự bám víu vào xác thân, nên dần có sự tự tại.
Thứ hai :
Phải sống một cuộc đời đầy lợi ích và tốt đẹp :
Cần tu tập quán niệm tâm từ bi mỗi ngày, luôn thương người yêu các con vật, phải biết ăn chay (dù là ăn chay kì cũng được), và mỗi ngày sống phải biết làm lợi ích cho chúng sinh.
Làm một cách tự nguyện, trách nhiệm và vô tư mà không có sự chấp công kể công.
Vì sự cống hiến càng nhiều, thì sự mắt nợ chúng sinh càng giảm, nên giờ ra đi sẽ dễ dàng hơn.
Thứ ba :
Thường quán niệm tài sản, quyến thuộc chỉ là vật ngoài thân, để xả bỏ tâm dính mắt, luyến tiếc :
Nhiều người đã phải rất vất vả cả đời mới làm nên được nhiều tài sản.
Thế là họ quý tài sản thái quá, thành ra có tâm dính mắt, tâm này sẽ trói buộc họ lúc tuổi già, cứ nằm mãi mà không ra đi được, vì sợ ra đi thì rời xa của cái, nên cứ bám giữ trong ý nghĩ .
Thân quyến cũng thế, vợ con chồng hay cha mẹ….. những mối quan hệ này mặc dù rất gần gũi, nhưng cũng chỉ là thứ bên ngoài, chết ta cũng không mang theo được.
Do đó quý vị không nên ái luyến thương yêu gia đình thái quá, thành ra cản trở giờ phút ra đi ở tuổi già.
Thứ tư :
Thường ngày phải giữ kỹ năm giới và tu tập các pháp môn để phát triển sức định của tâm :
Giữ năm giới thì quý vị đã biết rồi, đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo (tức không gieo khẩu nghiệp), và không nghiện ngập.
Giữ được năm giới cơ bản này sẽ chặn đứng được rất nhiều việc ác trong cuộc đời các vị.
Nếu kết hợp với việc tu tập các pháp môn để phát triển sức định tâm như lần chuỗi trì danh hiệu Phật, ngồi thiền chú tâm quán sát thân tâm, đi thiền hành, hay giữ sự tỉnh giác trong đời sống,…..
Khi sức định đã có, thì giờ ra đi của quý vị lúc cuối đời rất là tự tại.
Thứ năm :
Cần thấy rõ cái chết là điều mà tất cả chúng sinh phải trải qua, để từ đó tâm cần nên có sự chuẩn bị và chấp nhận ra đi bất cứ lúc nào khi vô thường đến :
Do đó tâm không nên khởi ý niệm tham sống sợ chết, mà phải xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, xem sống ở cõi đời như là một cuộc dạo chơi trần thế.
Quý vị nào quán niệm và làm được 5 điều như kể trên, thì có thể sẽ rất tự tại khi ra đi ở tuổi già đó, ra đi nhẹ nhàng, mà không có nằm báo con cái khổ.
Và sau khi mất lại còn có nhiều phúc duyên để tái sinh về những cảnh giới cao .
Do vậy các vị phải nên cố gắng, đặc biệt là các vị đã lớn tuổi.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Tìm hiểu thêm tại: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Chia Sẻ Hạnh Phúc.
Khi thân cận người có hạnh phúc thì chúng ta không khỏi cảm thấy yêu đời.
Cho nên nếu muốn thật sự thương yêu ai thì nên bắt đầu bằng cách biết sống với hạnh phúc. Nhất là con cái sẽ cũng biết hạnh phúc vì chúng nó sẽ bắt chước theo cha mẹ.
Muốn hạnh phúc thì nên bớt tham lam và tri túc, không nóng giận và biết tha thứ, và khai mở trí huệ bằng cách học với đấng hiền thánh.
Yêu thương chân thật bắt đầu với biết sống trong hạnh phúc để có thể chia sẻ với người thân yêu. Chúng ta có thể khiến thế giới tốt hơn bằng cách nuôi dưỡng các tư tưởng tốt lành và mau loại trừ các tư tưởng bại hoại.
Thích Vĩnh Hóa