GIỮ TÂM CHÁNH NIỆM LÀ NHƯ THẾ NÀO ?
Để hiểu như thế nào là giữ tâm chánh niệm, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu :
Chánh niệm là gì :
Niệm có rất nhiều nghĩa, một vài nghĩa cơ bản như : Nghĩ, nhớ, mong.
Hay cũng có nghĩa là chuyên tâm nghĩ ngợi.
Còn chánh có nghĩa là gì ?
Chánh là từ trong miền Nam hay gọi, còn ngoài miền Bắc thì gọi là chính.
Chánh hay chính có nghĩa là :
Đúng, thích đáng, đúng theo nguyên tắc, phù hợp với đạo lý nhân quả, thuần nhất, không pha tạp.
Vậy chánh niệm có nghĩa là :
Giữ tâm chỉ suy nghĩ về những điều đúng, những điều thích hợp, những điều cao đẹp cao thượng, những điều thiện lành phù hợp với nhân quả, trong sạch thanh tịnh.
Ngược lại với giữ tâm chánh nhiệm, đó là giữ tâm tà niệm.
Ví dụ về người giữ tâm chánh niệm :
Đó là họ thường suy nghĩ đến những vấn đề như từ thiện để giúp ích cho con người, nghĩ cách để cứu trợ bão lụt, nghĩ cách để làm cho tâm tính con người trở nên lương thiện tốt đẹp hơn, nghĩ về những công việc chân chính như nghĩ về các cách thức để trị bệnh cho con người, nghĩ làm sao để đưa Phật Pháp đến với tất cả chúng sinh……..
Thường giữ tâm biết rõ thân tâm đang trong trạng thái như thế nào, thường có sự nhận thức bản chất cuộc đời là Khổ, Vô Thường, và Vô Ngã ………
Người giữ tâm như thế, gọi là người đang giữ tâm chánh niệm.
Thường thì khi còn là phàm phu, tức chưa đắc đạo rốt ráo. Thì hầu như ai ai trong chúng ta, cũng đều phải suy nghĩ, tư duy, tưởng tượng,…. Đến nhiều vấn đề trong cuộc sống mỗi ngày, và không thể nào dứt được các ý niệm.
Và rất nhiều trong số những suy nghĩ đó là tà, là xấu ác, là những điều không hợp với đạo lý, không đúng với nhân quả, còn những điều chân chính thì ít.
Tâm thích suy nghĩ về những điều xấu và để hành động như nói trên, đây gọi là người giữ tâm tà niệm.
Thế nào là giữ tâm tà niệm?
Tà là lệch, cong, không ngay thẳng, gian, quái dị, không bình thường, xấu ác, bất chính.
Vậy người giữ tâm tà niệm đó là :
Trong tâm họ thường luôn suy nghĩ đến những điều xấu ác, bất chính, gian dối, thiếu sự chính trực,…..
Ví dụ như : Họ thường suy nghĩ về dâm dục, rồi đi truyền bá những phim đồi trụy dâm dục, nghĩ về những cách tham lam trộm cắp tài sản của người, nghĩ về những cách thức để sát hại các sinh mạng, nghĩ xấu người khác, nghĩ về cách để hãm hại người khác, nghĩ về những sự ăn chơi thác loạn, nghĩ về những sự nhậu nhẹt, nghiện ngập bê tha, nghĩ về việc để đi chơi cờ bạc, cá độ,…..
Lấy vài ví dụ để các vị dễ hiểu :
Ví dụ 1 :
Có một cậu thanh niên trẻ tuổi, tầm 25, 26 tuổi.
Khi cậu đi tắm biển, vô tình nhìn thấy một cô gái xinh xắn, đang trong bộ đồ bơi nhìn rất đáng yêu.
Khi tắm biển xong rồi, về tới nhà, nhưng tâm hồn cậu ấy, cứ thơ thẩn nghĩ về cô gái trong bộ đồ bơi xinh xắn ấy, tâm lúc đó lại còn khởi những dục niệm.
Nếu là một người có tu hành, khi nhìn trường hợp của cậu ấy, thì biết ngay, cậu này đang không giữ được tâm chánh niệm, tức đã để cho tâm của mình hướng tà.
Tâm mà cứ để cho chúng hướng tà, và không có sự kiểm soát, thôi thúc, thì đây chính là phàm phu.
Còn có kiểm soát có thôi thúc, thì đây chính là người đang tu hành.
Điểm khác biệt nằm ở chỗ đó.
Ví dụ 2 :
Ngày hôm nay chúng ta đi làm việc ở nơi công sở.
Nhưng tới nơi làm, do đi làm trễ, bị người quản lý lập cho một tờ biên bản xử phạt, chứ không có bỏ qua, tha thứ.
Thế là cả ngày hôm đó, người ấy cứ nghĩ xấu về người quản lý, thậm chí còn khởi những tâm sân giận, oán trách, chửi thầm trong tâm,…
Thì đấy là đang không giữ được tâm chánh niệm rồi, đã có tà niệm lẫn vào trong đó.
Còn nếu là người biết tu, trong trường hợp này, sẽ tự nhìn lỗi về mình, sau đó buông bỏ tâm oán trách, hay giận dữ, đưa tâm trở lại trạng thái như mới đi làm lúc sáng sớm.
Làm được như vậy, thì người này đang rất có bản lĩnh trong tu hành đó.
Hai ví dụ trên, chỉ mới nêu ra vài suy nghĩ tà niệm, còn trong thực tế, thì con người thường hay khởi lên vô số tà niệm.
Và đa số, con người sẽ làm theo những suy nghĩ tà ấy, dần dần khiến họ tạo nghiệp xấu ác, đưa đẩy vào con đường của sự đoạ lạc trầm luân, phàm Thánh từ đây tách biệt.
Do đó với một người biết tu, thì hằng ngày quý vị phải thường xem xét những suy nghĩ của chính mình, rồi thanh lọc chúng, buông bỏ đi những tâm niệm xấu, chỉ giữ lại những điều tốt, những suy nghĩ tích cực.
Và cuối cùng, là buông luôn tất cả các ý niệm, để đạt được một nội tâm thanh tịnh vắng lặng hoàn toàn, đây chính là cảnh giới thấy đạo của Bậc tu chứng, thường tịch vắng lặng, nhưng tâm luôn sáng tỏ.
Trong Bát Chánh Đạo, thì Chánh Niệm nằm ở chi phần thứ 7, trước Chánh Định.
Do đó quý vị muốn có kết quả tu tập tốt, muốn tăng trưởng được nhiều phước lành.
Thì tâm cần phải giữ chánh niệm.
Nếu hằng ngày quan sát thấy tâm thường khởi tà niệm, thì quý vị nên sám hối dễ buông bỏ.
Đưa tâm trở về chánh niệm.
Và ngay cả từng ý niệm khởi phải buông luôn, phải đặt xuống thì ta mới đạt được một nội tâm thanh tịnh, an lạc, thường sáng tỏ.
Chúc các vị luôn giữ được tâm chánh niệm.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa