Giữa đường gặp chuyện bất bình – sửa cái gì trước?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Một bạn: Thưa thầy, trước đây em thấy có chuyện bất bình thì em hay can thiệp. Nhưng mới đây có nghe một câu trong tu nói là: “Mình lo tốt phần mình, không nên quan tâm về chuyện người khác”. Bây giờ em đang phân vân, mong Thầy giải đáp giúp cho em.
Thầy Trong Suốt: Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha, đúng không? Em phải lo sửa mình trước rồi lo sửa người sau. Nếu em lo sửa người trước thì em sẽ không lo sửa mình nữa. Đấy! Giữa đường gặp chuyện bất bình, thì đầu tiên, mình sửa cái gì trước biết không?
Dung: Dạ sửa mình.
Thầy Trong Suốt: Sửa cái gì của mình?
Dung: Là sửa những cái sai của họ.
Thầy Trong Suốt: Sửa cái gì trước?
Dung: Nhìn cái sai của họ để sửa mình.
Thầy Trong Suốt: Sai!
Giữa đường gặp chuyện bất bình, đầu tiên phải sửa cái bất bình trong em trước.
Bất bình là chẳng hiểu gì nhân quả, chẳng hiểu gì vô thường.
Đấy! Thế là giữa đường gặp chuyện bất bình, việc đầu tiên là sửa bất bình. Sửa xong rồi thì giúp người là OK. Sửa chưa xong thì cứ sửa đã. Đấy, nếu muốn đi vào con đường Trong Suốt, quan điểm của thầy là như vậy.
Tất cả những trạng thái như bất bình, bực tức, khó chịu đều là hậu quả của vô minh.
Mình sửa vô minh đã, sau đó mình lao vào giúp người không vấn đề gì. Thầy không bảo là không nên giúp người, nhưng thầy nói là giúp người trong những trạng thái bất bình là sai rồi, là vô minh rồi. Vì sao?
Chuyện gì xảy ra cũng có lý của nó hết. Hay nhà Phật nói là có nhân quả của nó.
Mình chẳng thấy bất bình gì cả, giúp thì cứ giúp, chứ sao lại bất bình, đúng không? Chẳng hạn thầy ngồi ở đây, có người đến trước mặt thầy, hắt cả cốc nước vào mặt. Thấy bất bình không?
Mọi người: Dạ không.
Thầy Trong Suốt: Bất bình làm gì! Cái gì chẳng có nhân quả của nó. Chắc hôm trước thầy hắt bao nhiêu vào mặt của vợ rồi. Nghĩ thế trong đầu là được. Chắc là thầy đã hắt cái gì đó vào mặt ai đó rồi, không đời này thì đời trước. Thế là thầy không bất bình vì người ta hắt nước vào mặt thầy.
Nhưng mà mình hỏi là, mình có nên ngăn cản không? Có chứ! Mình ngăn cản để tránh người khác làm điều xấu, hoặc tránh việc họ làm hại người khác mà. Vẫn ngăn cản như thường, nhưng mà không phải trong trạng thái bất bình. Bất bình là một trạng thái tinh thần không đồng ý với cái đang là, cái đang xảy ra. Mà cái đang xảy ra là theo nhân quả của nó, đúng đắn của nó. Em không cần phải có một trạng thái tâm lý bất bình.
Đấy, phải để ý cái chỗ này. Cái thầy đang phê phán là trạng thái tâm lý bất bình do vô minh, thiếu hiểu biết, lòng sân hận. Bất bình chính là sân hận, như nhà Phật vẫn nói đấy. Cái thầy đang phê phán là sự sân hận trong lòng em khi gặp chuyện bất bình. Chứ thầy không phê phán em can thiệp vào nó.
- Em không bất bình và can thiệp một cách trí tuệ, bình tĩnh, sáng suốt – đấy là điều tốt.
- Em bất bình và can thiệp một cách thô bạo, thiếu hiểu biết, nóng vội – thì là điều xấu.
Thế thôi! Tóm lại, giữa đường gặp chuyện bất bình thì việc đầu tiên phải sửa là cái gì? Nghĩ ra không? Sửa cái gì?
Dung: Dạ, sửa bất bình ạ.
Thầy Trong Suốt: À, đúng rồi. Giữa đường gặp chuyện bất bình không phải là đi nhảy bổ vào sửa những người sai đấy, mà sửa bất bình trước. Sửa bằng cái gì? Trí tuệ của Phật pháp. Trí tuệ về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện. Xong rồi quay ra sửa người ta không muộn.
Ngược lại, chỉ lo sửa người mà không lo sửa mình, thì ra cái gì? Ra cái gì biết không?
Chỉ lo sửa người mà không lo sửa mình thì chỉ ra một kẻ bất bình mà thôi. Đúng chưa?
Suốt ngày bất bình hết chuyện này đến chuyện khác thì không phải là kẻ bất bình à?
Chỉ lo sửa người có bao giờ xong không? Có hết không? Không, suốt ngày bất bình.
Chỉ lo sửa người mà không lo sửa mình, suốt đời chỉ là một kẻ bất bình mà thôi.
Không trách lỗi của người
Thường trách lỗi của mình
Lỗi người là lỗi mình
Thì sẽ hết vô minhLỗi người, suy cho cùng, là cách nhìn của mình.
Bất bình của mình là vấn đề của mình.
Hai vợ chồng cãi nhau thì có ai có lỗi không? Mình nhìn vào bất bình thì vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề là cách nhìn của mình sai. Vợ chồng người ta cãi nhau là nhân quả của người ta, mình bất bình là mình sai rồi.
Sau khi sửa xong bất bình, mình vẫn nên nhảy vào mình giúp, vì lúc đấy mình bắt đầu có sự sáng suốt, bắt đầu biết cách làm người ta bớt khổ. Đấy, thì vẫn phải giúp! Nhưng lúc đấy mình không giúp trong bất bình nữa, mình giúp trong sáng suốt. Mình không giúp trong sân hận nữa, mình giúp trong bình tĩnh. Em hiểu không? Đó là cách.
Nếu em chưa phải là người biết cách sửa mình thì lo sửa mình đã, đừng chăm chăm sửa người vội. Phải lo tìm đường đi đã. Tìm đường, tìm thầy sửa mình.
Sau đó giúp người trong bình tĩnh và sáng suốt.
Nếu chưa biết cách sửa mình, hãy tìm đường, tìm thầy giúp sửa mình trước đã.
Xem thêm: