Làm thế nào để người thân tin và nghe theo Phật?
Hỏi đáp sau Phóng sinh-Trong Suốt-Hà Nội T8/2018
Một bạn: Em chào Thầy ạ, chào mọi người ạ. Em muốn hỏi Thầy là, được biết đến Phật pháp là điều rất tuyệt vời, làm cho mọi người thoát tâm, thoát khổ. Thế nhưng làm sao để gieo được cho những người thân xung quanh?
Thầy Trong Suốt: Ừ, trong trường hợp của em thì sao? Em muốn lan toả ra cho ai?
Bạn đó: Cho chồng, con. Và bạn bè xung quanh nữa ạ.
Thầy Trong Suốt: Rồi, mong muốn lan toả cái tốt cho người xung quanh là mong muốn rất tốt, đúng không? Muốn điều tốt cho mọi người mà. Đấy, chồng, rồi con, rồi người thân của mình. Tuy nhiên, trước khi mình lan toả mình phải xem mình có cái gì để lan toả chứ! Đúng không? Đầu tiên phải thế đã chứ. Con có gì để lan toả, nói thầy nghe.
Bạn đó: Ví dụ con biết được Phật pháp rất là tốt, và con ngồi nghe một đoạn của Thầy thôi thì con cũng biết là môi trường đến để được nghe những lời Thầy chỉ dạy tốt, thì cũng muốn lan toả. Như hôm nay là con đến buổi đầu tiên.
Thầy Trong Suốt: Liệu con về nói chồng con có nghe không? Cứ đoán thử xem. Tối nay về nói chồng: “Anh, em có biết ông Thầy ông ấy nói hay lắm. Phóng sinh, rồi nói chuyện hay lắm, anh ơi đến nhé”. Anh có đến không?
Bạn đó: Cũng chưa chắc ạ.
Thầy Trong Suốt: Theo con vì sao lại chưa chắc?
Bạn đó: Bởi vì anh ấy cũng là một người đang sống rất thói thường, bình thường ở ngoài đời thôi. Có khi rủ đi uống bia với cả cà phê với bạn thì đi ngay. Nhưng mà đi phóng sinh hay đi để tiếp cận những điều tốt đẹp như này có khi cũng là hơi hơi khó.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi.
Bạn đó: Thế cho nên con muốn hỏi câu hỏi đấy để Thầy có thể cho con cái cách.
Thầy Trong Suốt: Rồi, được. Bây giờ con về nói với chồng là: “Em biết ở cái quán trên đường Minh Khai, ở đấy có viên ngọc trai đẹp lắm, anh đến nhé”. Theo con anh ấy có đến không?
Bạn đó: Không, hiện tại bây giờ thì cũng không thể đến được.
Thầy Trong Suốt: Nhưng chắc là không, đúng không? Tại vì sao?
Hai lý do:
- Một là, viên ngọc trai đấy ích gì cho tôi? Đúng là trên đời viên ngọc trai đẹp thật, nhưng mà ích lợi gì cho tôi, đúng không? Ích thì viên ngọc trai ích cho quán chứ ích gì cho tôi.
- Và thứ hai là, chắc gì đã là ngọc thật, ngọc giả thì sao, đúng không? Viên ngọc trai to bằng cái sọ người, tin nổi không? “Em biết… chính mắt em nhìn thấy nhé, viên ngọc trai to như này này, anh đến đi, đẹp lắm”. Anh có đến không? Chưa chắc, ngọc giả thì sao? “Đời nào có viên ngọc trai to như này, làm gì có, em chắc là bị lừa rồi, chắc là lừa rồi”.
Như vậy, nếu con muốn thuyết phục một người nào đấy cái con nhìn thấy là đáng tin thì nó phải giải quyết được hai vấn đề mà người ta quan tâm.
- Thứ nhất là: đấy là đồ thật không? Hay đồ dởm, đúng chưa?
- Và hai là ích lợi gì cho tôi hay không?
Đồ thật cũng có thể, nhưng tôi đến làm gì, vì nó có ích cho tôi đâu? Nếu con không làm được hai điều đấy, thì việc anh ấy đến khả năng là thấp, đúng không? Anh ấy là một trong tất cả những người xung quanh con ấy, là thấp.
Đấy, thì giống như con nói về thầy thôi: “Ờ, em có một ông Thầy tên là Trong Suốt. Ông ấy rất tử tế, giảng Pháp rất hay, anh đến nghe đi”. Người ta sẽ hỏi con hai điều:
- Một là, chắc gì ông đã tử tế thật, bây giờ cuộc đời này bao nhiêu người giả mạo đúng không? Nói những điều hay lẽ phải nhưng mà sống chắc gì đã ổn.
- Đấy, thứ hai là, ừ thì cho là ông ấy tử tế đi, thì cái ông ấy nói ích lợi gì cho anh, cho tôi?
Đấy, nếu con giải quyết được hai cái đấy thì con mới gọi là lan truyền được, con mới toả ra xung quanh được, còn nếu không con làm không thể giúp được.

Bây giờ từng cái một, thứ nhất là làm sao người ta biết được là ông thầy này giả hay thật? Tức là ông thầy này tử tế hay không, con biết được không? Nếu tự nhiên ngồi thế này không thể biết được.
Nhưng, nếu về nhà con làm theo lời thầy nói một thời gian, con thấy nó thực sự là có trí tuệ, thực sự là có tình thương, đặc biệt quan trọng nhất là nó thay đổi cuộc sống của con, làm con trở nên hạnh phúc hơn. Nó đúng đắn chưa đủ nhé, mà nó phải làm cho con thay đổi, để con hạnh phúc hơn. Nếu con thấy nó đúng, xong nó lại thay đổi đời con, thì tự nhiên cái thầy nói ra con sẽ thấy ông thầy này có ích thật sự, là người có giá trị cho mình, đúng không?
Còn ông ấy nói điều đúng đắn, mà mình cũng chẳng đổi gì thì chưa chắc ông ấy đã có giá trị, đúng chưa? Mình không nên lan truyền một điều mà chính mình cũng không thấy có giá trị. Vì thế, nên con muốn lan truyền thì việc đầu tiên là con phải thay đổi bởi những lời thầy nói đã.
Nhờ những cái thầy nói, chia sẻ, mà cuộc sống con thay đổi, con yêu thương mọi người hơn, con rộng lượng hơn, chính con hạnh phúc hơn, con biết cách sống hơn với môi trường xung quanh, con bớt bám chấp đi và con tăng trưởng yêu thương lên, con bớt bắt mọi thứ theo ý mình, con có nhiều trí tuệ hơn… Tất cả những thứ đấy nó thể hiện ở chính con người của con. Lúc đấy, thì ông thầy mới đáng tin. Ở trước thời điểm đấy thì thực ra chỉ nghe tham khảo thôi, chưa đáng tin.
Khi mà lời thầy nói đã thực sự lay chuyển và thay đổi cuộc đời con, đấy là lúc mà con có thể nói với mọi người được, là đến với ông thầy này đi, vì ông thầy đấy thực có giá trị. Vì sao? Không phải vì tôi nghe người khác nói là ông có giá trị, mà chính tôi đã kiểm nghiệm và tôi đã sống theo cách đấy và đã thay đổi, làm cho tôi thấy cuộc sống nó đầy giá trị hơn, hiểu biết hơn, yêu thương hơn, tử tế hơn, ích lợi cho mọi người xung quanh hơn, ít gây phiền hà cho mọi người khác hơn. Đấy là một, đúng chưa?
Còn nếu không thì con chẳng thể nào nói cho người ta là thầy này tử tế hay không được. Và như vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tại vì không thể ngay lập tức mà ngay buổi ngày hôm nay về con thay đổi được. Con sẽ có thay đổi nhưng đồng thời con phải rất kiên nhẫn. Cứ kiên nhẫn thực hành theo cái thầy nói đến khi con thực sự thấy nó giá trị, chính con cảm nhận điều đó được bằng trái tim của con. Lúc đấy mới là lúc nên chia sẻ với người khác. Còn nếu không đôi khi là mình vô trách nhiệm, thật đấy. Đôi khi là mình cũng chẳng biết là ông ấy tốt hay không, mình giới thiệu cho bạn mình, xong rồi bạn mình đến bị lừa. Nhỡ thế thì sao? Đầy, bây giờ đầy người sống thế mà. Đấy, vì thế nên con phải kiểm nghiệm đã. Con phải kiểm nghiệm.
Thế như vậy là nếu chồng con thấy con thay đổi thật sự, ngày xưa về hay càu nhàu, bây giờ không càu nhàu nữa, đúng không? Đấy, ví dụ, ngày xưa anh đi về muộn mình hay càu nhàu, bây giờ anh đi về muộn thấy mặt mình vui vẻ. À, có một điều gì đó thay đổi bên trong cô ấy. Hai mươi năm rồi cô ấy chẳng thay đổi thế mà bây giờ cô ấy đi đâu đấy về, nghe ai đấy nói mà cô ấy trở thành một người khác. À như vậy, cái chỗ mà cô ấy đến, chắc chắn phải có giá trị gì đấy.
Đấy, anh ấy phải cảm nhận điều đấy. Lúc đấy bắt đầu mới nên nói với chồng. Lúc đầu chưa nên nói, lúc đầu nói xong thậm chí ông ấy còn nghi ngờ, đúng không? Lại đi theo mấy cái ông giáo điều, đúng không? Thế, xong rồi vân vân và vân vân, rất nhiều điều nghi ngờ. Tại vì xã hội giờ đồ giả rất nhiều.
Đấy là lúc con có thể nói với mọi người được, là: “Hãy đến với ông thầy này đi, vì chính tôi đã kiểm nghiệm, tôi đã sống theo cách đấy và đã thay đổi!”
Thứ hai là gì, chưa đủ, con thay đổi rồi thì mới làm cho người ta thấy là: “À, ông thầy có giá trị thật sự”, nhưng mà ích gì cho tôi không? Không có ích thì cả con thay đổi xong rồi thì ông ấy cũng không đến vì không ích gì cho tôi. Đi uống một buổi cà phê với bạn, thu được rất nhiều thông tin, tăng trưởng tình bè bạn. Còn ông thầy ích gì cho tôi, đúng chưa? Vì thế con thay đổi vẫn chưa đủ.
Muốn giúp người cần phải có phương tiện
Nếu con muốn giúp thật sự thì con phải có phương tiện, hay là con phải có phương pháp, có cách để làm người ta nhận thức ra. Ví dụ thế này nhé, con nói là “Anh ơi, đi theo cái này về sẽ tốt lên”. Ông ấy bảo: “Anh là người tốt rồi, anh thấy anh là người rất tốt, tại sao phải tốt lên làm gì?”, đúng không? Xong, thế là thôi. Đúng là con tốt lên thật, nhưng mà anh ấy cũng tốt mà. Đấy gọi là không có phương tiện.
Như vậy muốn giúp người ấy, mình tốt chưa đủ. Giúp mình thì mình tốt là đủ rồi. Nhưng mà giúp người có cái thứ hai là phương tiện.
Phương tiện là gì? Là những phương pháp phù hợp với họ, giúp họ thay đổi.
Ví dụ thế này, nếu anh ấy làm kinh doanh chẳng hạn, có thể nói thế này: “Em có ông Thầy, ông ấy cũng kinh doanh, rất là bận, công ty ông ấy cũng có đến hai ngàn người, nhưng mà em thấy ông ấy rất là vui vẻ, thoải mái. Công ty vẫn thành đạt và ông ấy rất là tự do, thảnh thơi. Không những thế, ông ấy lại còn chia sẻ bí kíp đấy cho người khác. Anh đến nghe không?”
Thế là ông chồng bảo: “Ừ”. Vì ông ấy cũng kinh doanh, bận bù đầu. Ông ấy cũng đông nhân viên, đang có bài toán quản lý giải không xong, thế mà có ông thầy lại chia sẻ Phật pháp lại có cả phương tiện nữa, cách giải quyết vấn đề nữa, thế là ông ấy sẽ đến.
Hoặc là, hai vợ chồng đang giận, đang rất là căng thẳng với nhau, đúng không? Mình nói là: “Em có ông Thầy ông ấy chỉ cho em cách mà bây giờ chẳng giận anh nữa. Nhưng mà em thấy anh vẫn giận em, hôm nào đến nghe thử xem cách của ông ấy là gì mà lại hiệu quả như vậy”.
Đấy, phương tiện là những cách mà hợp với người ta, đánh đúng cái người ta cần. Nếu con không đưa được cho người ta cái người ta cần, thì người ta cũng không thấy cảm hứng gì đâu. Nên con không thể lan toả theo kiểu là có ông thầy tốt lắm, đến đi được, không phải.
- Một, đầu tiên, quan trọng nhất là con phải thay đổi đã, con thay đổi thực sự đã. Khi con thay đổi thực sự thì sao, nghĩa là ông thầy đấy có giá trị. Con thay đổi mà.
- Thứ hai là con phải tìm hiểu xem người nào cần nghe câu gì, đừng nói câu tốt chung chung nữa.
Ví dụ, bác này già rồi: “Ông Thầy này có phương pháp để chết một cách rất bình an xong lại dễ dàng siêu thoát”, đấy phải nói câu đấy cơ mới đến, chứ bảo ông thầy dậy cách yêu đương thì sao? Bác nghe xong có đến không? Đúng rồi yêu đương rất tốt, nhưng mà tôi già rồi, tôi không có nhu cầu nữa, đúng chưa? Ông thầy dậy con rất tốt, nhưng mà mình có trẻ con đâu. Nhưng với bà mẹ thì sao, mình lại nói là gì? “Ông Thầy này có phương pháp dạy con rất tốt”, bà mẹ mà, đúng chưa?
Như vậy để quay lại câu chuyện con thực sự muốn giúp người, muốn lan toả ấy thì không vội, mình không cần vội, sáu tháng nữa không sao hết. Mình hãy giành sáu tháng đấy để sửa chính mình, để cho mình thực sự cảm nhận giá trị của ông thầy đấy. Đây không phải chỉ nói thầy đâu, mà tất cả các ông thầy trên đời mà thực sự có giá trị thì mình cũng phải kiểm nghiệm đã, kiểm tra đã.
Sau đấy thì mình sẽ tìm cách lan toả đến xung quanh. Nhưng mà mình lan toả xung quanh trên tinh thần là có phương tiện. Nghĩa là mình nói cái điều ích lợi cho người đấy, chứ đừng nói cái tốt chung chung: Ông thầy này rất là từ bi, tử tế, tốt bụng… Không cần! Thầy không cần mọi người nói câu đấy với thầy. Chỉ cần là: “Ông ấy giúp anh vấn đề của anh”. Hay là giúp chị giải quyết được vấn đề của chị, có thể là con cái, có thể là vợ chồng, có thể là bố mẹ, có thể là bệnh tật, sức khoẻ, cái gì cũng được. Thầy có khoảng mấy chục buổi trà đàm đấy nhỉ? Trong đấy có tất cả các vấn đề như vậy đã nói, hoặc là thật sự có cách giải quyết.
Đấy, thứ hai là, thầy là người thực tiễn, thầy vào đời chứ không phải thầy là người ở trong chùa. Nên là nếu người đấy xuất hiện trước mặt, cái người mà con dẫn đến ấy thì chắc chắn sẽ giúp được bằng phương tiện. Đang sắp phá sản thì có cái cách giúp, đang bị vong nhập đúng không? Chồng đánh đập nhiều lắm, nhóm mình ở đây vô số chuyện nhỉ? Ở đây những ai gặp thầy và được thầy giúp xong giơ tay nào, được giúp xong đã, giải quyết xong vấn đề của mình mới tin theo giơ tay xem nào?
(Các bạn giơ tay)
Một bạn: Cũng khá nhiều.
Thầy Trong Suốt: Những ai chỉ đơn giản là mình thấy ông thầy tử tế quá đi theo, giơ tay xem nào, tốt chung chung phổ biến, giơ tay? Ngay cả học trò của thầy mà chỉ đi theo thầy đơn giản vì ông ấy là người tốt ấy, thì thế đâu có gì hay đâu.
Vì sao? Vì là khi mình thấy một người nào tốt và đi theo thì cũng tốt thôi, nhưng mà mình không thật sự muốn sửa mình. Còn nếu mình đi theo một người thầy giống thầy thuốc ấy, là vì ông ấy có thuốc chữa bệnh cho mình ấy, thì mới quý, vì mình thực sự muốn sửa mình. “Ông thầy thuốc này giỏi lắm, tôi đến nhà ông ấy chơi”, chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng mà, “tôi có vấn đề và ông ấy có loại thuốc chữa cho tôi”, thì khi đấy mình sẽ sửa mình hết sức và sẽ sửa được.
Nên đấy là cách mà ông thầy này đối xử với học trò, tìm giúp học trò chữa bệnh. Không đơn thuần là cần một số người đến quý mình, thích mình. Nên nếu thật sự con được lợi từ ông thầy này chẳng hạn, thì hẵng quan tâm đến việc đi theo với cả chia sẻ. Còn trước thời điểm đấy, có thể hai tháng, ba tháng… Đừng! Thầy không cần con phải chia sẻ cho ai hết, không nên làm vội, vì con thiếu hai cái điều thầy vừa nói ấy làm sao làm nổi! Con muốn làm cũng không làm nổi chứ. Chỉ có những người rất nể con sẽ đi nghe.
Đấy, một là mình phải thực sự tăng trưởng được trí tuệ, phải thay đổi được cách sống của mình thật sự, chứ không phải mình có một mớ giáo điều mới về chia sẻ với người khác. Điều đấy rất là vô nghĩa. Không, thầy không định truyền cho một mớ giáo điều. Mình phải thực sự thay đổi nhờ cái sự chia sẻ của ông thầy. Sau đó, mình tiếp tục tìm cái phương tiện phù hợp để chia sẻ và lan toả những người xung quanh. Nên là, cái mong muốn chia sẻ của con rất tốt. Nhưng mà con đường phía trước là rất chông gai, nếu con thật sự muốn thì con phải làm hai điều đấy.
Bạn đó: Vầng.
Thầy Trong Suốt: Sẵn sàng không?
Bạn đó: Vâng ạ. Con vẫn nhớ hai cái điều đấy và cũng cố gắng.
Thầy Trong Suốt: Được, tốt, rất tốt.
(Mọi người vỗ tay)
1. Mình phải thực sự tăng trưởng được trí tuệ, phải thay đổi được cách sống của mình.
2. Muốn giúp người thì cần có phương pháp phù hợp với họ, giúp họ thay đổi, ích lợi cho họ.
Làm sao để giúp, khuyên, thuyết phục người khác dễ dàng hơn?
Một bạn nam: Dạ, em xin phép hỏi Thầy. Thực ra em cũng tìm đến con đường có đức tin với Phật, con đường để thoát được một thời gian, nên thấy cũng rất là vui vẻ, cũng hiểu được ra nhiều chuyện.
Những người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cũng có nhiều người như em cách đây hai, ba năm, người ta gặp rất nhiều chuyện khó chịu, khó ở rồi buồn, hờn giận. Đôi khi muốn giúp họ, nói cho họ cách để vượt qua, nhưng mình đưa những thứ liên quan đến tâm linh, đức tin thì họ không nghe. Cảm giác như đối với họ, những thứ đó là không có thực tế.
Có cách nào để mình đưa cái đó cho họ một cách dễ dàng nhất, nói sao cho họ dễ nghe nhất, dễ tin nhất ạ?
Thầy Trong Suốt:
Phải có thực chứng
Mình muốn giúp được người khác, đặc biệt là về đạo Phật, thì mình phải có thực chứng. Thực chứng mới là quan trọng, không phải lời nói là quan trọng. Và cái trạng thái của người nói là quan trọng. Cái mình nói ra ở trạng thái nào quan trọng hơn là mình nói câu gì.
Ví dụ nhé, người em họ đến gặp mình: “Anh ơi, bây giờ em bị chủ nợ đòi dọa giết em”.
Mình bảo: “Ôi, vô thường có gì đâu!”. Đấy, nhưng vấn đề là mình nói ở trạng thái nào.
Nó bảo thêm: “Anh ạ, chủ nợ bảo em đi đến đâu, nó sẽ đốt nhà người đấy”. Mình run luôn vì nhà mình mà! (Thầy cười to). Thế là trông thì mình nói là có gì đâu, nhưng mà người mình run run thế này này. Như vậy là mình không có thực chứng, em họ thấy mình run là bỏ về luôn. Đúng chưa?
“Anh bảo là vô thường có gì đâu mà sao anh run thế?”. Đấy, tại vì mình không thực sự có thực chứng khi mình nói câu đấy ra bằng lý luận, đúng chưa?
Ngược lại, mình tu hành ba năm ở trình độ cao, em họ cũng đến gặp mình bảo: “Anh ơi, chết rồi anh ơi, lại một bọn côn đồ mới đòi giết em!”.
Mình bảo: “Ừ vô thường có gì đâu!”. Mình cũng nói câu đấy.
Nó lại bảo là: “Nó bảo em đến nhà ai nó đốt nhà người đấy”.
Mình bảo: “Ừ mời vào đây nói chuyện xem thế nào, xem có giúp được gì không”. Mình vui vẻ vì, vì mình không sợ nữa.
Đứa em mới thấy: “Ừ đúng rồi, cái người này đúng là đáng phục thật! Nghe tin đốt nhà mà thấy mặt chả biến sắc, lại còn vui vẻ bảo mời vào hỏi xem có giúp được nó cái gì không”. Thế là mình có thực chứng. Như vậy nó sẽ tin mình không? Sẽ tin mình chứ!
Như vậy cùng một câu là: “Vô thường có gì đâu!” giống nhau. Thế mà lúc mình chưa có thực chứng chẳng ai tin, khi thực chứng rồi nó tự tin. Nên vấn đề của em đi giúp người ta, không phải là mình có lý luận. Không phải! Không phải là do mình hiểu đạo Phật, mình đã biết các nguyên tắc. Cũng không phải nốt! Mình có thực chứng, nó đã ngấm vào trái tim, cách sống, trí tuệ của mình, khi đấy em lan tỏa rất dễ cho người khác.
Giống như một người cầm cái nến đến gặp em bảo: “Anh ơi, nhà em tối quá. Cho em xin ít ánh sáng!”. Thì mình phải có lửa mới truyền được – “Em vào đây, ngồi đây anh sẽ miêu tả cho em về lửa! Anh sẽ miêu tả cho em thế nào là cây nến có lửa”. Làm sao để cây nến người ta sáng được? Người ta chỉ sáng được nếu mình có lửa trong tay. “Vào đây, nhà anh đầy bật lửa, bật lên một phát là sáng luôn”. Khi mình có lửa thì mới truyền được lửa. Khi mình không có lửa, mình có miêu tả cả ngày thì cây nến của người ta cũng không sáng được.
Nên là mấu chốt của việc đi giúp người, không phải mình nói cái gì mà mình nói từ trạng thái nào, có thực chứng hay không thực chứng, có trải qua kinh nghiệm của mình hay không trải qua kinh nghiệm của mình. Nên cái em cần bây giờ chưa phải là đi khuyên mọi người, bây giờ em chưa khuyên được đâu! Tốt nhất bây giờ đến em chia sẻ thì được, nghĩa là: “Tôi thấy thế này, anh tin hay không thì tùy”. Đấy, chia sẻ thì OK, tốt. Em chia sẻ trong một trạng thái hoàn toàn không bám chấp, họ tin hay không thì tùy, thế là xong. Họ có thể ra về chẳng tin mình thì cũng chẳng sao cả. Mình không bám chấp vào việc họ phải tin mình.
Càng muốn giúp người, càng phải tu hành tiến bộ
Và mình dành thời gian để mình tu tập cho đúng, để khi có thực chứng mình sẽ có sức mạnh trong trạng thái sống. Nó lan tỏa từ trạng thái của mình ra, chứ không phải lan tỏa từ lời nói của mình ra. Sự bình tĩnh, ánh mắt tự tin của mình, sự quan tâm yêu thương thực sự của mình, nó rung động trái tim người khác chứ không phải bằng lời nói. Đến lúc ấy thì em sẽ làm được việc đấy. Em càng muốn giúp người, thì mình càng phải tu hành tiến bộ. Mình không thể giúp người nếu mình không có thực chứng. Giống như mình không thể nhảy xuống sông cứu người nếu mình bơi không giỏi. Nếu bơi chỉ ngang ngang người ta thôi thì không cứu được đâu, mình phải là cao thủ về bơi.
Em hãy thực chứng đi, rồi vài năm nữa, có vội đâu, có muộn đâu! Nếu em định giúp người thực sự ấy, em xác định luôn mục tiêu đời em là giác ngộ đi. Khi em xác định là “đời tôi, mục tiêu của tôi là giác ngộ” thì em cứu được nhiều người nhất. Đặt hẳn mục tiêu rất cao vào, đừng đặt mục tiêu là: “Tôi sẽ tiến bộ một chút”, không phải. “Tôi sẽ thực tâm rèn luyện và đạt đến sự giác ngộ, tôi sẽ cứu người bằng giác ngộ!”. Đấy là cái cứu người mạnh mẽ nhất trên đời.
Giúp mẹ tin vào Phật Pháp
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Một bạn: Thưa Sư phụ, con xin hỏi cho một bạn tên Mai, lúc nãy bạn về trước bạn nhờ con hỏi giúp. Mẹ của bạn Mai hay thấy đau khổ, vì thế con cái trong gia đình muốn khuyên mẹ là sống thanh thản, khuyên mẹ nghe theo Phật Pháp, nhưng mẹ lại từ chối, không muốn lắng nghe vì mẹ không tin vào Phật Pháp và cho rằng đó là mê tín dị đoan. Vậy tìm cách nào để giúp mẹ, chữa lành cho mẹ, giúp mẹ sống bình an hơn và để mẹ tin sâu vào Phật Pháp hơn?
Thầy Trong Suốt: Muốn tin Phật Pháp, đúng không? Thế mẹ có tin bạn ấy không?
Bạn đó: Dạ mẹ không tin lời con cái trong gia đình ạ.
Thầy Trong Suốt: Chịu rồi. Không có cách nào để giúp hết. Mình muốn giúp người ta thì phải cho người ta một sự tin tưởng. Nếu người ta chẳng tin mình thì giúp người ta thế nào được? Có buồn cười không? Giống như các em ngồi đây mà các em không tin thầy thì thầy giúp các em được không?
Làm mẹ tin mình trước
Việc đầu tiên là, bạn ấy phải làm cho mẹ tin mình đã, chứ đừng làm mẹ tin Phật Pháp. Rất nhiều đứa con mắc cái lỗi đấy. Việc đầu tiên không phải là mẹ tin Phật Pháp mà là mẹ tin mình. Mẹ đã không tin mình thì nói gì làm sao mẹ nghe, làm sao mẹ tin? Nên vấn đề không phải là mẹ tin Phật hay không, mà mẹ tin bạn ấy không? Nếu may mắn mẹ tin Phật rồi thì thôi, khỏi phải nói nữa. Nếu mẹ chưa tin Phật, mà mình bảo mẹ tin Phật đi. Trong khi mình thì chẳng đáng tin, mẹ có nghe không?
Mọi người: Không ạ.
Thầy Trong Suốt: Mẹ không tin Phật, xong mình bảo mẹ hãy tin Phật đi, nhưng mình lại chẳng đáng tin đối với mẹ, thì mẹ nghe lời mình không? Chẳng bao giờ chuyện đấy xảy ra đâu! Cách duy nhất là bạn ấy phải làm mẹ phải tin bạn ấy đã, bằng cách sống, bằng thái độ sống, bằng sự bình an và trí tuệ trong chính bạn ấy làm cho mẹ có thể tin tưởng. Mất ba năm đi! Chuyện đấy dài đấy, chứ không phải chuyện ngắn đâu.
Nhưng như vậy là đứa con có trách nhiệm. Đứa con giúp mẹ mà có trách nhiệm là đứa con phải làm mẹ thấy rõ và làm mẹ tin vào cách sống của nó, và bạn ấy phải xác định là mất ba năm. Vì bạn ấy sửa xong, để mẹ bạn ấy thấy đáng tin, thì cũng phải mất ba năm, nhưng ba năm đấy đáng bỏ ra. Còn nếu bạn ấy không làm thế thì chẳng biết đến khi nào mẹ bạn ấy tin vào Phật cả. Hiểu chưa? Thế thì phần quà tặng cho bạn Mai hay tặng cho bạn này? (Thầy cười)
Bạn đó: Em nhận giúp ạ.
Thầy Trong Suốt: Em nhận giúp thì được.
Xem thêm: Giúp người thân bớt mê tín như thế nào?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018