Đánh thức những phẩm chất bên trong con bạn
Nếu mình hay phạt con, đứa bé sẽ lớn lên luôn trong sự thiếu thốn tình thương. Đứa bé lớn lên và tìm một người vợ người chồng vì sự thiếu thốn tình thương hay tìm cách được tôn vinh hay ca ngợi để có cảm giác được chấp nhận. Nó lúc nào cũng sống trong thiếu thốn. Nhưng nếu bạn yêu thương nó vô điều kiện, con có không thành công thì con vẫn là người có giá trị, bố mẹ vẫn yêu thương con như thường thì đứa bé sẽ lớn lên mà không bị thiếu thốn tình thương.
Phẩm chất của bạn không phụ thuộc vào thành công bên ngoài. Nhưng nếu không cẩn thận, bạn sẽ dạy con rằng:
“Phẩm chất của con, giá trị của con phụ thuộc vào cái bên ngoài: điểm số, thành công, vị trí…”
Chính các bạn ở đây chắc chắn cũng đã lớn lên mà thiếu thốn tình thương sẵn nên mới nói với con:
“Nếu con không làm cái này cái kia thì mẹ không yêu con nữa.”
Làm sao có thể làm con hạnh phúc khi sống như vậy? Bố mẹ luôn yêu con mà không phụ thuộc vào giá trị hay thành công bên ngoài của con. Đứa bé sẽ lớn lên rất tự tin.
Con trai của Trong Suốt hay bị mẹ ở nhà mắng nên trở thành đứa bé rất nhút nhát. Trong Suốt nói với vợ rằng, hãy khen nó rằng nó là đứa bé ngoan và tự giác.
- Khi mình nói với nó rằng: “Con hư thế, con thiếu tự giác thế!”, đứa bé sẽ tin nó chính là người như vậy vì điều đó do chính mẹ nói.
- Ngược lại, mẹ có thể nói là: “Con luôn là đứa bé ngoan và tự giác nhưng việc này thì chưa tự giác cho lắm.” Khi mẹ bắt đầu làm điều đó, thì vài tháng sau bé đi học được cô khen là “Con thuyết trình rất giỏi, rất tự tin!”.
Mình nói đứa bé là như thế nào, nó sẽ tin như vậy.
Chỉ đơn giản đổi cách nói chuyện, đứa bé sẽ thay đổi.
Đó là cách bố mẹ nên dạy con.
Đừng nên nói với nó rằng nó không ra gì, mà hãy đánh thức những phẩm chất bên trong của nó.
Khi mình nói con là đứa bé ngoan và tự giác, không nhất thiết nó đang là đứa trẻ ngoan và tự giác mà mình đang đánh thức tiềm năng ngoan và tự giác bên trong nó.
Điều đó sẽ đánh bật sự tự ti bên trong nó.
Bố mẹ hãy nói những lời yêu thương và làm nhiệm vụ đánh thức tiềm năng bên trong nó. Đừng tạo cho nó cảm giác bị coi thường. “Đến người thân của tôi còn coi thường” – nếu đứa bé có cảm giác như vậy thì ra xã hội nó sẽ luôn cảm thấy dễ bị coi thường. Khi mình chê nó như thế nào thì nó sẽ nghĩ nó là người như vậy. Các bạn nghĩ mình là ai thì sẽ hành xử như người đấy, đứa bé càng như thế. Mình đã từng gây tổn thương cho nó, thì bây giờ hãy chữa lành cho đứa bé.
Trích trà đàm: “Nuôi dạy con theo tinh thần Phật pháp để có một đứa trẻ trí tuệ” – Phần 2 – Đà Nẵng, 5/2017
Danh sách toàn bộ các buổi trà đàm có thể tìm thấy ở đây:
*
Ai cũng có thể đạt an lạc và hạnh phúc ngay giữa đời thường.
Để hiểu rõ hơn cách thực hành như thế nào, hãy >>> Đọc thêm ở: Ô-Hay.Vn – Tu học mỗi ngày