Hiện Tượng Trùng Tang
Trùng Tang có phải do bị bắt hồn không?
* Khái niệm trùng tang của một số tài liệu đang lưu truyền trong dân gian
– Khoảng thời gian năm 2000, dân gian Việt Nam xuất hiện khái niệm trùng tang. Người ta cho rằng trùng tang là khi trong mối quan hệ gia tộc lục thân như vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, cô dì chú bác dượng mợ, vợ chồng của anh chị em dâu rể… nếu có người mất cùng giờ, cùng ngày, hoặc cùng tháng, hay cùng năm Âm Lịch thì gọi là trùng tang. Trùng tang càng nguy hiểm và nặng nề khó giải khi có nhiều sự trùng hợp như là vừa trùng giờ, trùng ngày lại trùng tháng và trùng năm.
– Gia đình nào có trùng tang thì sẽ gặp nhiều xui xẻo, trong những tháng, năm tiếp theo sẽ lại có người bị chết do người thân của mình về bát hồn.
Đó là những suy nghĩ, khái niệm vô cùng sai lầm về tính chất trùng tang.
– Nguyên do khái niệm sai lầm này xuất hiện bắt nguồn từ các nhóm đối tượng như: thầy bói, phong thủy, tà sư, thầy cúng, những người kinh doanh dịch vụ có liên quan đến cầu phúc lộc, trường thọ hay là mai táng. Khi các đối tượng trên trong quá trình chia sẻ, tư vấn một người đi coi bói về ngày giờ tốt thì cố tình gán ghép việc trùng tang cho những người đã khuất. Từ đó họ sẽ hù dọa làm sao để người ta sợ và tin vào tà thuyết trùng tang là xấu, cần phải được hóa giải bằng các phương thức cúng tế hoặc là mua đồ phong thủy trấn trạch…
Như vậy, việc hướng người ta mê tín vào trùng tang ngày càng sâu dày, phổ biến rộng rãi cũng vì mục đích đem lại tiền của cho các nhóm đối tượng nghề nghiệp liên quan trong quá trình giải trùng tang cho gia chủ. Họ vì đồng tiền mà bất chấp Đạo lý, tự thêu dệt nên những điều sai trái lẽ Đạo tự nhiên để tư lợi cho mình trên nỗi đau mất người thân của người khác. Mê tín theo họ, là tự người ta chuốc cái khổ vào mình với những suy nghĩ bất thiện tiêu cực, tự tốn tiền của cho những chuyện sai trái lẽ Đạo.
* Hiểu đúng sự thật về trùng tang
– Trùng tang là trong một gia tộc có đám tang của các cá thể trùng nhau trong một vài ngày làm đám tang.
Trường hợp do tai nạn, hoặc bệnh tật mà mất cùng thời điểm. Hoặc là đám tang người A đang diễn ra trong 3 ngày, thì tới ngày thứ 2 hoặc 3 lại có một người khác trong gia tộc mất. Nếu đám tang người A đã làm xong hậu sự, mai táng xong hết rồi mới có thêm người khác mất thì không được xem là trùng tang.
– Ngoài ra, trùng tang còn được hiểu theo một nghĩa nữa là một người mang tang nhiều người trong cùng một khoảng thời gian nhất định.
Trường hợp người A đang mang khăn tang người B trong vòng 3 năm. Trong 3 năm này lại có người trong thân tộc của người A mất là C, người A tiếp tục mang thêm khăn tang của C thêm 3 năm. Như vậy thì ta hiểu A đang mang trùng tang của B lẫn C trong gia tộc vậy.
* Chùa Hàm Long chuyên “nhốt vong, cắt trùng” ở Bắc Ninh
Chùa Hàm Long tọa lạc ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa nổi tiếng về nhốt âm linh trùng tang để cho các âm linh không về bắt người nhà.
Nhiều năm qua, đã có không biết bao nhiêu âm linh được đưa đến, theo sự suy nghĩ và tin tưởng của chúng sanh thì âm linh trùng tang trong nhà họ được đưa đến chùa là “Phúc”, gia đình không còn người chết trùng tang, âm linh được an nhàn tự tại.
Sự thật không phải vậy.
– Việc sinh tử là do căn số, việc có trùng tang cũng là lẽ thường tình ở đời, đều do duyên nghiệp tiền kiếp và hiện tại của chúng sanh. Người ta lại đổ lỗi là do âm linh người nhà về bắt thì không đúng.
– Thêm nữa, còn có người cho rằng do ma quỷ tra khảo và kêu âm linh người nhà về bắt thêm thân nhân mình, cái này lại càng thêm phần vô lý. Trời Đất rộng mênh mông, chẳng để lọt mảy may những điều trái lẽ Đạo như thế.
– Cũng vì sự hiểu chưa đúng của chúng sanh về trùng tang, thành ra tự những người trong gia đình đem âm linh thân nhân mình nhốt vào chùa. Còn có những cách tàn bạo hơn nữa là ếm bùa, đóng đinh, chôn đồ dơ, làm phép vào quan tài, vào huyệt mộ… của thân nhân họ, thật đáng thương biết bao.
Các âm linh đã phải chịu uất ức, đau khổ, oán hận, tủi khổ, cô đơn lạnh lẽo vì bị người thân của mình bỏ rơi, kiềm hãm bắt nhốt trong chùa và “buộc họ phải nghe kinh kệ hằng ngày”, điều đó cũng chẳng hợp lẽ Đạo.
– Đạo là của quý, của quý chẳng bán nài.
Tu Đạo vì bản thân giải thoát và cứu giúp chúng sanh, để được tự do. Tất nhiên kẻ mộ Đạo phải đến với Đạo Pháp, trở về với cội Đạo trên tinh thần tự do tự nguyện, chứ nào ai ép duyên, cưỡng bức bao giờ?
– Thêm nữa, chư âm linh đều có quyền tự do của họ. Họ chịu tác động của luân hồi Nhân Quả, có chư vị cai quản trật tự trong Tam Giới, đâu lý gì họ phải chịu bị giam cầm trong một ngôi chùa bởi chính nguyện vọng mê tín của thân nhân mình như vậy. Việc giam giữ âm linh một thời gian dài trên tinh thần không cho họ đi về bắt thân nhân và phá phách, buộc họ phải nghe kinh là điều vô lý lắm.
– Duyên nghiệp phải được hóa giải bằng sự thay đổi lối sống, lối suy nghĩ của chúng sanh. Bản thân mỗi người phải tự mình sống hướng thiện, thay đổi ác duyên ác nghiệp của mình, đừng vội oán trách, đổ lỗi do người thân mình bắt nên chết trùng tang.
Oán khí chất chồng
Thảm sầu vô lượng
Nơi thanh nhàn an cư tự tại lại biến thành nơi giam hãm sự tự do của chúng sanh.
– Khi hiểu đúng về trùng tang, người ta sẽ không còn vướng mắc vào nỗi lo lắng, sợ hãi khi trong gia tộc có trùng tang. Thay vào đó là sự cảm thương sâu sắc, chia sẻ những nỗi đau mất mát với thân nhân của người đã khuất để gia tộc ấy sớm vượt qua, bình tâm trở lại. Cũng là tự mình không chuốc thêm sự khổ, phiền não cho mình lẫn những người đã khuất.
Nếu có ai đó rót vào tai mình những điều trái lẽ Đạo, chúng ta cần kiên quyết bài trừ, tuyệt đối không tin để giữ tâm mình được bình yên an lạc.
TGTT
Vấn: Em hỏi xíu anh ơi.
Trong đám tang người ta thường bọc giấy hết gương và đồ phản chiếu, đồng thời quy định khá nghiêm về chiều nằm của người chết (đầu hướng ra hay hướng vào gì đó em quên rồi). Họ bảo làm như vậy để tránh trùng tang, chứ không phải theo kiểu dụ mình mua sắm đồ phong thủy hay gì, mà chỉ là dặn dò theo phong tục, quy định của người xưa.
Việc này xuất phát từ đâu vậy anh, và nó có đúng hem.
TGTT Chào em
Về việc bọc giấy hoặc vải thường là màu đỏ trước gương. Người ta tin rằng, chân hồn của người vừa mới mất khi nhìn thấy nhà mình có đám tang, rồi nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương, thì chân hồn ấy dễ bị hoảng loạn, sợ hãi. Vì thân ảnh của họ lúc này thường thị hiện hình dạng của cận tử nghiệp, nên có thể mang sắc diện nhìn rất đáng sợ. Việc bọc giấy đỏ còn giúp cho gia đình người đã khuất cảm thấy bớt đau thương phiền muộn so với bọc giấy trắng.
Ngoài ra, đối với bàn thờ Ông Địa, Ông Táo, Ông Thần Tài, hoặc có khi là những bàn thờ của các bậc tiền nhân quá vãng trong nhà cũng được bọc giấy đỏ. Vì người ta nghĩ rằng chân hồn của người vừa mới mất khi nhìn thấy thân ảnh của các quý vị đó trong nhà sẽ phát sinh sợ hãi do bất ngờ trước những sự tồn tại ấy. Người ta chỉ còn chừa duy nhất bàn thờ mang ảnh tượng của chư vị Phật Tiên trên phương diện là các Đấng Thiêng Liêng mà họ tín ngưỡng, tôn thờ nhằm giúp cho âm linh ấy chỉ nhìn thấy hình ảnh của vị mà họ cần nên tin và đi theo để được cứu rỗi.
Về chiều nằm tẩm liệm của người đã khuất. Theo quan niệm dân gian, khi chân hồn xuất ra khỏi xác thì người ta sẽ ngồi dậy giống như một người đang ngủ trong tư thế nằm ngửa rồi ngồi dậy, cho nên lúc ấy ánh nhìn đầu tiên của họ về hướng nào thì họ sẽ đi về hướng đó để chuyển sinh về phương trời tương ứng. Ví dụ, người ta nếu tôn thờ Đức Quán Âm, thì sẽ cho người mất quay đầu về hướng Bắc, để khi ngồi dậy thì nhìn về hướng Nam. Nếu tin thờ ngài A Di Đà, thì sẽ cho quay đầu về hướng Đông để nhìn về hướng Tây. Nếu gia đình tin thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Đức Từ Phụ) và Đức Diêu Trì Kim Mẫu (Đức Từ Mẫu), thì sẽ cho người mất nằm hướng đầu về phía có bàn thờ chư vị ấy, vì tin rằng con cái không xoay chân mà hướng đầu về phía cha mẹ.
Tất cả quan điểm trên chỉ là quan niệm dân gian, được hình thành dựa trên những tâm tình yêu thương, mong muốn tốt đẹp của người sống dành cho người thân đã khuất của mình, chứ không phải là để tránh trùng tang. Tuy nhiên về cơ bản, những việc này hoàn toàn không ảnh hưởng tới quá trình chuyển sinh của một chân hồn, vì quá trình chuyển sinh thực chất có liên quan đến nhân duyên nghiệp quả của từng cá nhân, và ý niệm làm chủ tâm trí, thần thức của chân hồn đó quyết định chuyển sinh về đâu mới là quan trọng.
Quan điểm cá nhân của riêng anh, nếu nói là xoay đầu về hướng nào để được dễ dàng thăng thiên, thì chúng ta nên đặt thân thể của người mất liệm trong quan tài, ở tư thế ngồi thẳng cho đầu hướng lên trên rồi sau đó hạ thổ cũng giữ nguyên như thế, tức là phần đầu vẫn hướng lên thiên không. Làm như vậy, chân hồn ấy sẽ dễ dàng tịnh tâm tịnh trí để hồi hướng chuyển sinh an lạc hơn. Trong quá khứ, một số hành giả tu tập thường được chôn cất trong quan tài hình trụ, hoặc hình hộp lục giác, bát giác, với tư thế kiết già an tịnh.
Anh sẽ có bài viết chi tiết hơn về vấn đề này trong phần nghi lễ của đám tang, có gì em theo dõi thêm.
Hoang Thanh Tuyen Trùng tang cũng 1 phần là do cộng nghiệp .
Bảo Anh
Dạ cám ơn anh đã có bài viết hay! Vừa hay hôm qua em cũng nói chuyện về trùng tang với người có khả năng, được lý giải là không phải người nhà về bắt đi như mọi người vẫn nghĩ, làm ấn chú niêm phong họ không được về nhà rất tội nghiệp và đáng thương. Cũng không phải là quỷ bắt họ kéo theo 1 người về.
Theo quan điểm của người đó thì là do những linh hồn lang thang, còn oán khí thấy có linh hồn mới xuống nên bắt nạt, bắt khai ra địa chỉ nơi sống và gia đình họ hàng để họ về trêu chọc hoặc dọa dẫm kéo người đi. Thực tế từng có 1 trường hợp không kéo được người nên linh hồn lang thang kéo hết tất cả động vật xung quanh đang nuôi: lợn, gà, vịt, cá chết hết . Dạ xin chia sẻ với anh một ít thông tin.
TGTT Cám ơn em đã chia sẻ nè. Đúng là như vậy đó em.
Chuyện lợn gà vịt cá chết là do mấy đứa nhỏ dễ bị bệnh mất mạng, chỉ cần trái gió trở trời bị phong tà một đêm là có thể chết cả bầy.
Mà oán khí của các bạn âm linh, nếu nặng thì họ đi tới đâu làm cuồng phong, gió độc nổi lên luôn
Ninh Vân Gửi vào chùa là ko nên ạ?
Đạo Ngọc Ninh Vân nếu điều đó là trái với ý nguyện của vong linh thì sẽ làm họ khó chịu, và mình đang ép họ làm điều họ không thích mặc dù mình cho rằng mục đích là tốt nhưng cuối cùng vẫn là không tốt vì điều đó mang lại cảm xúc tiêu cực cho vong linh. Ví dụ có những bé chỉ muốn theo mẹ, nhưng lại ép nó, đem nó gửi chùa hàng ngày nghe kinh nó đâu muốn, nó khóc riết
Nguyên Văn Nhật Nhà mình vừa có chú mình mất, nhưng chú mình tuổi thân mất trúng trùng tang tháng, mình có đi hỏi các thầy và bên kinh dịch hội thì nói là về bắt người thân. giờ nhà mình lộn xộn lắm, nhưng mình lúc đầu đã nghi rồi, tại sao cái luật trùng tang lại có và xuất hiện nó có mục đích gì? và mỗi người mỗi số phận khác nhau tại sao lại có việc người âm linh lại có thể giết người khác? các thầy chùa thuyết pháp cũng nói về việc trùng tang là ko có thật . Mình hi vọng là vậy, mình tin Phật ko tin mê tín . Người nhà cứ bắt mình đeo bùa chú liên tục.
Tuan Tran Những bài viết trc đều thấy là do ng lĩnh ngộ đạo pháp viết ra. Nhưng đến bài này thì thấy chỉ hiểu theo một quan niệm u mê, bác bỏ lại những ng thi hành đạo pháp chân chính, những bậc chân sư ko vụ lợi vì duyên khởi mà tế độ chúng sinh. Nói như ng viết bài này thì cứ trùng là do định nghiệp, vậy thì trên đời này chẳng có sự oan khuất nữa rồi, cũng chẳng có linh hồn nào vất vưởng trên thế gian đợi ngày đầu thai. Bài viết cũng không hướng đến cái việc dẫn dắt ng ta thoát khỏi u mê theo lối của đạo, mà khiến kẻ chưa hiểu đạo càng tăm tối ko có lối ra
Nguyễn Minh Tuan Tran mình nghĩ bạn vẫn chưa hiểu rõ việc làm của các bậc chân sư không vụ lợi duyên khởi tế độ chúng sinh là vì mục đích gì. Những hồn ma vất vưởng là họ vẫn còn quá nhiều vướng mắc với cái thân xác trần gian không thể xả li mà lên cõi trên. Bạn cũng không nói rõ bài viết này khiến u mê chỗ nào. Như vậy phải thực hiện các lễ trừ tà ma mê tín, như vậy mới thoát khỏi u mê phỏng ?
Tuan Tran U mê ở chỗ, chỉ ra rằng quan niệm từ xa xưa về trùng tang là có, bảo chúng ta nên cảm thông với những người bị trùng, bác bỏ một số pp dân gian đang sử dụng, chưa bàn sự đúng sai của pp đó, nhưng bác bỏ thì cũng phải hướng cho ng xem có phương án khi bị trùng ra sao, ở đây chỉ nói cảm thông không nói hóa giải
@Nguyễn Minh Bạn nên hiểu rằng, con ng tiếp xúc với đạo bằng tâm, ng ta gọi đó là tâm linh, có tâm mới có linh. Kẻ bị trùng là do oán nghiệp, muốn giải oán nghiệp thì phải hóa giải bằng nhiều pp khác nhau. Cái gọi là chân sư, giúp hay ko chỉ là do duyên khởi. Đức thích ca xưa cũng vì cúng dường nhiên đăng Cổ Phật sau mới thành Phật. Kẻ có oán nghiệp khi chết mới bị trùng, giống như ở dương thế người mất kiểm soát như ng điên chẳng hạn thì phải đưa vào một nơi để chữa trị, giam lại để tu tập, nếu ko may xổng ra thì sẽ chém giết nhiều ng mà ko có kiểm soát, nhiều ng sẽ bị oan khiên
Sơn Nguyễn Minh Trùng tang là có thật, nhưng ko phải là do linh hồn ng mất hay yêu, quỷ về bắt hồn ng thân vì ko có ng đã khuất nào muốn làm như thế và ko có yêu quỷ nào dc phép can thiệp vào sinh tử của con ng, nếu chúng dám làm điều đó thì sẽ bị địa phủ hoặc thiên đình tiêu diệt ngay! Trùng tang là do những kiếp trc của dòng họ tạo nghiệp nặng, mắc nợ gì đó với âm giới vd như ăn trộm ăn cắp đồ của nhà chùa chẳng hạn, sau đó ko biết đg mà lễ hoặc biết nhưng làm ko đến nơi đến chốn, các quan ở âm giới sẽ theo nghiệp nợ này mà bắt ng trả nợ (thường là đinh – những ng đàn ông, con trai trong họ), nếu gặp dc đúng thầy nhìn ra dc nghiệp nợ này, làm lễ xin trả hết đi thì sẽ dứt, ko thì…có dòng họ thậm chí tuyệt tự! Nhưng mà các quan âm giới cũng ko dc quyền bắt hồn, họ cũng chỉ là chiếu theo nghiệp nợ mà thi hành! Do vậy việc nhốt vong lên chùa chẳng có tác dụng gì, còn việc đeo bùa thì chẳng qua là bảo vệ cho những ng đeo ko bị quan âm giới nhìn thấy để bắt
Sơn An Đây là bài về vụ trùng tang bí ẩn nổi tiếng ở TB do 1 bạn ở voz kể lại. Theo mình nhớ nxua cái thread này rầm rộ ng vào confirm vụ việc. mọi ng đọc để tham khảo thêm, đúng sai cũng chỉ là khái niệm, đừng mang nặng chấp ngã.
https://forums.voz.vn/showthread.php?t=5124905
Tham khảo bài:
Hóa Giải Hiện Tượng Trùng Tang
của thầy Hoàng Quý Sơn
Để chuyển được hiện tượng trùng tang
Trong chuyến về quê lần này tôi có nghe mẹ kể là trong xóm dưới lại có người bị mất.
Nhưng rất trùng hợp là nhà này năm trước cũng có một người con trai ra đi (trong một vụ chém nhầm).
Ngày này năm nay lại một cậu con trai khác cũng trong gia đình ấy ra đi (trong một vụ tông xe, do một người khác tông vào).
Đây có thể là hiện tượng chết trùng, hay trùng tang.
Vậy hiện tượng này là do đâu và có cách nào để chuyển hóa đúng pháp không?
Hiên tượng này có thể được giải thích như sau :
Gia đình này có một nghiệp chung là nghiệp sát sinh, nghiệp này có thể đã gieo ra trong những kiếp quá khứ rồi.
(Nhưng tôi nhận thấy kiếp này gia đình họ cũng có nghiệp sát nữa vì làm nghề biển).
Tập hợp rất nhiều người trong gia đình có chung nghiệp hay đồng nghiệp sẽ được sinh vào một gia đình.
Nhưng trong đó lại có nghiệp riêng biệt của từng thành viên. Để sẽ dẫn đến những cái chết khác nhau, sự đau khổ cũng khác nhau.
Vậy chuyển hóa chúng ra sao?
Khi đã nhận biết được đây là hiện tượng trùng tang. Gia đình cần phải nhanh chóng đối trước Phật phát nguyện tu tập, vì nếu không nhanh, để qua năm có thể sẽ có người mất tiếp theo.
Vậy tu sao đây?
1. Từ bỏ nghề nghiệp sát sinh hiện tại đang làm.
Nhưng gia đình này có những người con đi làm giả cào cá.
Việc bỏ nghề hay chuyển nghề là điều rất khó.
Nhưng nếu không làm là không được.
2. Phát nguyện ăn chay :
Cần phải đối trước Phật phát nguyện ăn chay.
Tôi nhận thấy có nhiều gia đình khi bị vậy, họ sợ họ ăn chay trường luôn.
Một số khác thì ăn tháng mười ngày.
3. Phải tập đi phóng sinh :
Mua cá, rùa,…để đi phóng sinh, thả chúng về với tự nhiên.
Lưu ý, cần chọn nơi phóng sinh phải rộng rãi, sông hay biển phải lớn, như vậy cá mới sống tốt được.
4. Mỗi ngày nên dành thời gian để lễ Phật, trì tụng kinh điển
Như kinh Sám hối, kinh Từ Bi Thủy Sám, kinh Địa Tạng.
Trên đây là bốn cách làm cơ bản để chuyển hóa nghiệp chết trùng.
Nhân nào quả nấy, nếu ta biết điều chỉnh lại nhân gieo thì quả tương lai sẽ bị chuyển.
Đây là nguyên tắc của chuyển nghiệp.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –