Khất thực hay xin tiền?
Sáu năm trước, tôi tới Thái Lan tham dự buổi lễ tôn vinh Bồ tát Thích Quảng Đức, người đã vị pháp thiêu thân năm 1963 tại Sài Gòn.
Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, có sự tham dự của chư tăng tại chùa Cảnh Phước, tọa lạc giữa lòng thủ đô Bangkok.
Buổi lễ hôm ấy có cả một đại tướng Không quân, thành viên Hội đồng cơ mật Hoàng gia Thái Lan. Vị đại tướng rất cung kính chư tăng, quỳ mọp dưới đất để dâng lễ cúng dường. Khi đón nhận tượng của Bồ tát Thích Quảng Đức do ban tổ chức buổi lễ trao tặng, ông đã rất hoan hỷ, cúi đầu đỡ bằng hai tay.
Tôi cũng gặp gỡ một nhà sư Việt trẻ tuổi, lúc đó đang học đại học tại Thái Lan. Sư chia sẻ với tôi ý nghĩa của việc khất thực và cúng dường theo dòng Nam tông của các vị sư nguyên thủy tu tại Bangkok.
Khất thực, truyền thống đẹp của nhà Phật, vốn là hoạt động xin thực phẩm để nuôi thân, nhằm tập trung hoàn toàn cho việc tu tập; cũng là để rèn luyện cho người tu hành đức nhẫn nhục, coi nhẹ miếng ăn. Thông qua khất thực, nhà Phật đồng thời thực hành gieo duyên, giáo hóa chúng sinh. Từ việc dâng cúng cơm nước, vật thực cho tăng đoàn, tín chủ được hồi hướng, cầu nguyện bình an, được nghe những lời pháp thâm sâu, giúp ngộ đạo, hiểu được an vui thanh sạch, bỏ ác quy thiện.
Khất thực, vì thế, không có gì là hèn kém. Tín chủ cúng dường cũng chỉ nhằm gieo duyên lành, tìm sự thanh tịnh, để giải thoát mình khỏi phiền muộn…
Ở Việt Nam, việc chư tăng đi khất thực không còn phổ biến, trừ những dịp lễ, hệ phái Phật giáo Khất sĩ các địa phương có chương trình tái hiện hình ảnh “trì bình khất thực”. Giữa nhộn nhịp, xô bồ, giữa gấp gáp chạy đua, khoảng lặng của các nhà sư bước đi khoan thai, đi và chỉ biết mình đang đi ấy, giúp lòng người nhẹ lại.
Tôi từng đứng trong hàng ngũ nhà sư đi khất thực. Cách đây hai năm, là khóa sinh tham dự khóa tu “Xuất gia gieo duyên” tại chùa Huyền Không ở Huế, tôi và hơn 70 người khác cũng cạo đầu, đắp y, ngồi thiền, nghe giảng Phật pháp và đi khất thực. Mỗi sáng, chúng tôi thức dậy lúc 3h30, vệ sinh và đắp y sẵn sàng. Sau thời khóa tụng kinh, pháp đàm, chúng tôi được đưa đến những tuyến đường định sẵn, đã xin phép trước đó và bắt đầu “trì bình khất thực”.
Có lẽ nhờ chiếc y vàng của Phật, nhờ hình tướng đầu tròn ung dung của tăng đoàn, tín đồ Phật tử đã dành nhiều sự cung kính cho chúng tôi. Họ chuẩn bị sẵn các phẩm vật cúng dường, có người là ổ bánh mì, người gói xôi, hộp sữa, người mớ trái cây… Tuyệt nhiên không có phong bì hay tiền bạc, bởi Phật tử đất Thần kinh đã quen với hình thức cúng dường chư tăng. Tại Huế, có những Ngày Chủ nhật Vàng, chư tăng ở Huyền Không Sơn Thượng được phép xuống các tuyến đường khất thực gieo duyên cho Phật tử. Đường phố Huế vốn vắng lặng càng trở nên bình yên qua dấu chân nhẹ nhàng của người tu.
Khất thực được duy trì ở nhiều quốc gia Phật giáo, đặc biệt trong hệ phái Phật giáo Nam tông. Việt Nam ít hoạt động trì bình khất thực nhưng lại có nhiều người xấu giả dạng nhà sư để khất thực, thực tế là xin tiền. Đây là điều đáng tiếc. Đáng tiếc hơn là ngay cả một số lễ trì bình khất thực diễn ra ở nhà chùa cũng xảy ra tình trạng bỏ phong bì, tiền vào bát của nhà sư; và nhà sư – những người thấu rõ hơn hết giáo lý nhà Phật – lại coi việc nhận tiền bạc là điều đương nhiên, thậm chí khuyến khích Phật tử cúng dường càng nhiều càng tốt.
Y bát là hai vật báu của người xuất gia, khi thọ giới được nhận để sử dụng hàng ngày và gìn giữ cẩn thận nhằm nhắc nhớ mình là người mô phạm, cần giữ giới thanh tịnh. Y phục giúp nhận diện chư tăng. Chiếc bát chỉ dùng để nhận thức ăn, thọ thực theo truyền thống. Trong tinh thần đó, đối với Phật giáo Nam tông, nhà sư khất thực ít nhất phải đi hai vị trở lên, tuyệt đối không nhận tiền bạc, hiện kim, đồng thời chỉ khất thực trong buổi sáng, trước 12h trưa.
Khi am hiểu nguyên tắc đó, tín đồ Phật tử sẽ cúng dường đúng pháp: chỉ cúng thức ăn và cúng trước giờ trưa. Từ đó, cũng có thể phân biệt được sư thật và kẻ giả sư.
Đức Phật từng nói: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Do vậy, Phật tử, có niềm tin với Đức Phật phải tìm hiểu, học lời Phật dạy một cách đúng đắn để không hành xử sai pháp. Khi đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, cúng dường, làm từ thiện… nhân danh Phật tử mà làm không đúng sẽ khiến người khác nhìn vào nghĩ rằng Đức Phật dạy như thế. Làm cho người khác nghĩ sai, cũng đồng nghĩa với phỉ báng Ngài.
Học và hiểu đúng giới luật của Phật giúp cho Phật tử tăng trưởng đạo đức, có niềm tin đúng và làm việc tốt đời đẹp đạo. Khi có niềm tin nhân – quả sâu sắc, con người sẽ không vì sợ hãi mà cúng sao giải hạn, không vì nghe nói chùa thiêng mà dùng kim tiền cúng dường nhà Phật.
Đức Phật cũng dạy “Y pháp bất y nhân” (nghĩa là tu hành đúng Chánh pháp, đừng tin vào lời ai nói mà làm sai pháp, dù họ mang hình tướng nào). Phật tử hiểu giáo pháp sẽ không bao giờ nhét tiền vào bình bát chư tăng.
Là Phật tử, tu tập quan trọng nhất là tự bảo hộ mình, không để mình nhân danh từ thiện, cúng dường mà làm sai, phản cảm. Hiểu đúng lời Phật dạy, thì Phật tử cũng có thể bảo hộ cả tăng ni, vì có thể “giám sát” các vị ấy – không thỏa hiệp với những việc làm không đúng của nhà sư, đồng thời can ngăn phù hợp.
Thêm nữa, cúng dường tối thượng nhất trong nhà Phật không phải là vật chất mà chính là ngũ phần hương, gồm giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Tóm lại, tu học để bớt trần tục mới là hình thức cúng dường được Đức Phật hoan hỷ.
Lưu Đình Long
Nguồn: https://vnexpress.net/khat-thuc-khong-xin-tien-4500482.html
Bạn đọc comment
Huong Han Người Thái có quan niệm ăn trước khi đói, vì thế các nhà sư sẽ chỉ khất thực trước 12h trưa là họ trở về rồi, hôm thứ 6 vừa mua mình đang đứng đợi xe ở Bangkok, từ xa thấy một người phụ nữ chạy đon đả miệng cười tươi, khi tới gần hai vị Sư bà đã quỳ lạy ngay trên vỉa hè, một hình ảnh thật đẹp làm sao , rồi bà cùng hai vị sư đi và nói chuyện rất vui vẻ, mình cũng vào 5 ngôi chùa ở Thái chuyến đi vừa qua, mỗi khi tới chùa dù là ở Vietnam hay bất cứ đâu, mình sẽ bỏ một chút lòng thành vào trong những chiếc hộp, quan điểm của mình là giúp nhà chùa mua nhang mua hoa dâng lên phật, chứ không phải giúp cho nhà chùa giàu lên và cho rằng như vậy sẽ nhiều Phước Đức, phước đức là do chính ta tạo lên, chúng ta hãy sống thật thiện lương, luôn biết giúp đỡ những người yếu thế hơn, hãy luôn quan tâm tới cha mẹ chúng ta, dù là bố mẹ đẻ hay bên chồng, vợ. Sống bao dung hơn, luôn suy nghĩ tích cực và sống thật Tử Tế, vậy là đời này mình đã sống tốt rồi. Chúc cả nhà an vui.!..
phile82le Đọc lại bài báo đi rồi nói chị ơi. Có nói rõ là Phật giáo nam tông chỉ khất thực trong buổi sáng không quá 12h trưa, chứ không riêng gì người Thái.
Kính Lúp Tôi chỉ nói ngắn ngọn thế này, nếu quý vị lấy mấy trăm giới luật mà Đức Phật đã đề ra rồi đối chiếu với các hành vi của người tu hành bây giờ thì sẽ phân biệt được đâu là người tu thật, đâu là “người tu chống đối”. Ở đây tôi không gọi là sư giả hay sư thật vì nó chỉ là hình thức, có nhiều người vẫn là sư thật nhưng họ tu không thật thì không thể đánh đồng với người tu tự giác nhưng chẳng ai biết tới họ
myxaogion2 PHẬT KHÔNG cho ai cái gì, nên đi chùa chẳng bao giờ cầu xin điều gì, cúng dường, cầu khấn cốt để NHẬN công đức về mình đó phạm vào chữ THAM trong THAM SÂN SI, đi ngược với triết lý NHÂN QUẢ, dùng tiền MUA công đức để thay đổi cái QUẢ mình tạo ra.
Đã gọi là TU tức là SỬA, là BUÔNG BỎ chứ không phải NHẬN thêm, tôi thấy nhiều người tự nhận mình tu, theo đạo, rồi khuyên người ta làm thế này thế kia để ĐƯỢC công đức, chưa Tu mà đã nghĩ cái lợi được gì rồi.
Ngày xưa TỔ SƯ BỒ ĐỀ buông bỏ CHÙA CAO ĐIỆN NGỌC sửa mình 9 năm trong vách đá mới GIÁC NGỘ được ĐẠO, đó mới là CHÍNH ĐẠO trong TU hành, người xuất gia thì TỨ ĐẠI GIAI KHÔNG
Nguyễn Chí Thanh Mượn nhờ comment của bạn tôi xin đc hỏi mọi người 1 vấn đề : Giả sử tôi yêu đạo phật, khi tôi quản lý 1 ngôi chùa, tôi muốn phát dương quang đại đạo phật cho càng nhiều ng biết và tin càng tốt, tôi ứng dụng nhiều kiến thức về kinh tế và thi trường vào đó, ví dụ xắp xếp khuôn viên chùa theo kiến thức tiếp thị sản phẩm để tạo ấn tượng mạnh với khách vãng lai (càng vào sâu tượng càng to đẹp, ko gian càng uy nghiêm tráng lệ, càng vào sâu càng thêm nhiều thủ tục như rửa tay, rửa mặt, xông hương, gõ tỉnh chung,…) rồi tổ chức và quảng bá các buổi lễ lớn trên các kênh truyền thông đa phương tiện, khuyến khích phật tử đóng góp vật chất, công quả để cải tạo chùa ngày một đẹp một lớn để đc càng nhiều ng biết đến chứ ko tham lấy 1 đồng, suy nghĩ như vậy liệu đúng hay sai?
WinWin App @Nguyễn Chí Thanh: Liên hệ cấp chính quyền sở tại họ hướng dẫn cho các thủ tục, lên sở kế hoạch đầu tư đăng ký lập doanh nghiệp. Tôi nghĩ là được, vì cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động hình thức Tôn giáo như trên.
phat.ebs@Nguyễn Chí Thanh: Em nghĩ quan trọng là quản lý dòng tiền mọi người ủng hộ vào chùa thôi ạ. Thực tế chùa nào cũng cần kinh phí duy trì nào là điện, nước….., chùa càng đông phật tử, nhiều khóa lễ thì càng tốn nhiều chi phí. Còn các thầy chùa ăn uống chẳng bao nhiêu đâu. Thứ nữa là hướng dẫn phật tử cúng zường cho đúng pháp
Thinh Duong Viet @Nguyễn Chí Thanh: Cảm ơn tác giả. Bài viết rất hay và đúng ạ
cxanh91 @Nguyễn Chí Thanh: Theo tôi quan trọng là bạn và tăng thân bạn có tu tập như thế nào, cái quan trọng ở đây là sự tu tập và những giá trị phi vật chất mà bạn và tăng thân mang đến cho bà con. Nếu tự thân bạn chưa vững chắc, tăng thân của bạn chưa giỏi, mà bạn marketing dữ quá, người dân đến nhiều rồi bạn có đủ năng lượng để giúp đỡ họ hay không?. Hay bạn lại phải tuyển nhân viên sư mới, rồi lại mở rộng, lại tuyển. Như vậy rất dễ đi lệch đường tự làm khó mình. Hãy lượng sức mình, phát triển sao cho phù hợp, đến thời điểm thích hợp thì mở rộng cũng được nhưng bạn phải có đủ năng lượng cho những người tiến đến, đừng ăn vạ tượng phật. Những kiến thức bạn có sẽ có tác dụng khi thời điểm cần nó đến
donovannguyen007 @Nguyễn Chí Thanh: Tôi không thể nhịn được cười khi đọc bình luận của bạn. Bạn nói bạn yêu đạo Phật nhưng tâm bạn còn quá nhiều tham vọng. Tôi thấy bạn đang suy nghĩ cho lợi ích của bản thân nhiều hơn là lợi ích của cộng đồng. Phật dạy con người ta yêu thương chúng sinh chứ không dạy con người ta lấy tiền của chúng sinh rồi trả lại cho chúng sinh bằng những hình thức khác. Nếu làm như vậy thì người ta gọi đó là dịch vụ tâm linh, mua thần bán thánh rồi thưa bạn!
luongminhtu07 @Nguyễn Chí Thanh: lời của pháp sư Tịnh Không nói rất hay “Phật giáo là giáo dục”. Việc bạn nói đúng là sẽ quảng bá được rộng rãi nhưng chỉ là hình thức, tô vẽ bên ngoài. Mục đích của Phật giáo là làm cho con người tin sâu nhân quả, giảm ác tu thiện, tu trì để thoát bể khổ sinh tử, chứ ko phải để người ta hoa mắt ngưỡng mộ. Đức Phật là thái tử nhưng tại sao ko xây chùa to miếu đẹp, không dùng thần thông để giáo hoá chúng sinh. Nên việc bạn nói mình nghĩ là có hảo tâm nhưng phát dương quang đại thì không thể
Hoài Anh Phật giáo nguyên thủy bắt buộc 1 ngày chỉ ăn 1 lần và phải ăn trước 12 giờ trưa. Gọi là ăn Ngọ. Không phải do thói quen của người Thái Lan.
phanvanthao92 @Nguyễn Chí Thanh: Nếu bạn hiểu đúng đạo phật thì dù chùa lớn hay nhỏ thì phật vẫn là phật. Có bao giờ mà phật bảo bạn phải xây chù to lớn đâu, quan trọng là phật ở trong tâm chứ không phải là vật chất tiền tài bên ngoài
Đại Nghĩa Vũ @Nguyễn Chí Thanh: Cúng dường theo mình là tuỳ tâm, ko nên làm quá hay kêu gọi dẫn đến phản cảm.
Vinataba @Nguyễn Chí Thanh: Mục đích giả sử của bạn là làm sao chùa nhìn càng to, càng lộng lẫy, càng nhiều tượng phật, càng có nhiều nghi thức cho người thăm. Bạn muốn nhiều người biết đến chùa nhưng bạn có câu trả lời là mọi người biết đến chùa vì lý do gì không? Nếu chỉ là vì tượng Phật to và nhiều thì ngôi chùa của bạn chỉ có giá trị như cái áo cà sa thôi, không phải là giá trị của người mặc áo. Tất cả những nơi tu tập, của bất kỳ tôn giáo nào, nên hướng đến nội tâm bên trong của người đến thỉnh giáo. Mục đích của tôn giáo là giúp mọi người sống tốt lên chứ không phải là phô trương thanh thế.
Bản thân tôi đi chùa không phải để ồ à, kinh ngạc về độ hoành tráng, hay cầu xin lợi lộc gì mà là tìm 1 không gian để tĩnh tâm, để suy tư về lời Phật. Tôi không đến chùa làm mấy nghi lễ trong vài phút hay vài tiếng để mong may mắn, lợi lộc cho cả tháng, cả năm. Tôi đến chùa để tìm câu trả lời cần sống hàng ngày thế nào để mọi thứ tốt lên.
Hà Thái @Nguyễn Chí Thanh: Suy nghĩ thì đúng nhưng cách làm thì không đúng.
Tiến sỹ Gàn @Nguyễn Chí Thanh: Tôi nghĩ việc quảng bá, khuyến khích phật tử đóng góp vật chất, công quả để “cải tạo chùa ngày một đẹp một lớn” cũng không hẳn đúng. Nói thế này, tháp bảy tầng đã có, lòng lại tính đến tháp mười tầng để kêu gọi, dù không lấy một đồng vào thân nhưng theo tôi nó không còn đúng giáo lý nhà Phật. Nó là thể hiện của tâm ham, không biết đủ. Mà đã không biết đủ thì có đến ngàn vạn vô cũng thì vẫn cứ muốn thêm. Theo tôi không nên quảng bá, kêu gọi cứ hãy để phật tử chủ động cúng dường, rồi từ những gì thu được mà làm.
The Khoa Luong @Nguyễn Chí Thanh: Tôi không tu Phật, nên tôi chỉ ý kiến trong phạm vi bài viết. Lời Phật “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Vậy thì điều cốt lõi bạn cần phát dương quan đại là tri thức và tinh thần đúng đắn về Phật, chứ không phải chỉ để càng nhiều người biết đến Phật càng tốt. Những người biết đến Phật một cách hào nhoáng, họ sẽ hiểu sai và truyền bá càng sai.
vnindex1000 @Nguyễn Chí Thanh: Nếu bạn yêu đạo Phật thì nên tìm hiểu về con đường hành đạo của Phật: chung quy thông qua thực tập Giới – Định – Tuệ để đạt được giải thoát, những thứ khác, chỉ là việc phụ, không quan trọng. Ngày xưa khi Lương Vũ Đế hỏi Bồ Đề Đạt Ma về đạo:
-Vua hỏi: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”
– Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”
– “Tại sao không công đức.”
– “Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”
– “Vậy công đức chân thật là gì?”
Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”
Anh @Nguyễn Chí Thanh: Mục đích ưu tiên số 1 của người tu sỹ là chuyên cần tu tập để sau khi chứng quả rồi thì mới độ được chúng sinh. Sau khi chứng quả, thì các hoạt động thu hút Phật tử như bạn nói là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên nếu chưa tu tập chứng quả, chỉ tập trung thu hút Phật tử đến thăm. Lúc đó, những giá trị độ chúng sinh theo Phật pháp không có, thì lại là mang tội. Nói nôm na là: sơn tốt không có tội khi gỗ cũng tốt; sơn tốt chỉ có tội khi gỗ bị mục (lừa dối).
kieuminhvn @Nguyễn Chí Thanh: Sai bét, tuyệt đối không được làm bất kỳ thứ gì tạo ra tiền bạc vật chất cả đó là giáo lý nhà phật. Đức Phật tổ Thích ca mâu ni dạy rằng phải trừ diệt Tham, sân ,si đến cơ thể mình cũng không phải tiếc hay chăm chút gì cho nên mọi hoạt động gắn liền với kinh doanh kiếm tiền đều là đi ngược lại giáo lý nhà Phật và thực chất là phỉ báng Phật !
ali.78032021 @Nguyễn Chí Thanh: Tốt nhất bạn đừng xây chùa, tập chung vào làm kinh tế lành mạnh để có sức mạnh về kinh tế mà giúp đời, giúp người đó cũng góp phần phát dương quang đại cho nhà Phật rồi. A Di Đà Phật
Hoan Trần @Nguyễn Chí Thanh: Quả sẽ chín đúng chu kỳ dù thời tiết có như thế nào. Mùi hương sẽ tỏa mọi ngõ ngách mà chẳng giấu được ai. Dục tốc bất đạt, quả chín ép thật lãng phí công vun trồng tưới tắm của biết bao người
chualangley @Nguyễn Chí Thanh: Thấy tên Nguyễn Chí Thanh, nhiều người liền nhớ đến bv. Chợ Rẫy trên đường ấy! Nếu có khả năng, sao bạn không nghĩ đến việc xây một bệnh viện dành cho Tăng Ni (free)?! – Chỉ là một gợi ý nha.
Đào Văn Cường @Nguyễn Chí Thanh: Làm sai cách bạn nhé. Đầy tâm phân biệt và tính hình thức + ưa chuộng vật chất cao độ. Cần xa lánh những thứ như thế thì mới đi đúng đường.
Hồ Điệp @Nguyễn Chí Thanh: Đạo Phật vốn không có tham vọng phát dương quang đại kiểu tuyên truyền bạn ạ. Cái gốc của Phật giáo là sự giác ngộ, một người dù có vung tiền của tô vẽ chùa chiền mà không giác ngộ được chút nào thì cũng công cốc. Ngược lại, khi đã giác ngộ được thì chỉ trong khoảnh khắc đã thăng tiến về đạo hạnh, có câu “Buông dao đồ tể đã thành Phật” là ở chỗ đó. Một con người không quy y cửa thiền nhưng giác ngộ được thế sự vô thường, thấu hiểu về nguyên nhân của sự Khổ, của Sinh, Lão, Bệnh, Tử thì cũng đắc đạo. ĐẠO PHẬT LÀ TÔN GIÁO CỦA SỰ GIÁC NGỘ
Minh Quân @Nguyễn Chí Thanh: Theo tôi hiểu thì Phật chưa ở trong chùa bao giờ, trong chùa chỉ có tượng Phật mà thôi.
tamduc Bây giờ chùa giả cũng có thì ắt có sư giả. Rồi nữa nhiều người đi chùa bây giờ là cũng vì lợi ích cá nhân là tham nên mới sinh đủ thứ tệ nạn.
Ngô Văn Thao Mấy năm trước mình với ông anh đang ngồi ăn trong quán phở ở Hà Nội. Bất ngờ từ đâu cooong một tiếng bên tai. Giật cả mình, nhìn lên thì chui đâu ra một ông mặc đồ tu hành đứng cạnh. Ông ý chìa cái bát đồng ra không nói năng gì chỉ cười như đắc ý. Tay ông ta thì vẫn dúi dúi cái bát như kiểu biết chắc chắn là mình sắp phải cống nộp cho ông ý cái gì đó. Đứng cười mãi mà ko được cho gì. Ông ta bonus thêm cho mấy cái gõ bát cooong coong nữa cho bõ tức rồi mới chịu đi.
Nhiều người dân mình quá thật thà, quá cả nể nên đội sư giả này mới có điều kiện lộng hành.
Lê Quang Ở Miền Trung quê tôi ít thấy ai lên chùa cúng dường mà nhét tiền vào tay tượng Phật cả còn những nơi khác thì thấy nhiều.nhìn rất phản cảm.Cảm ơn tác giả đã có bài viết rất hay
Việt Hùng Nhét tiền lẻ vào tay tượng Thần Thánh Tiên Phật là thể hiện tâm tà (hối lộ Thần Thánh Tiên Phật), mà tâm tà thì các Ngài biết hết đấy. Còn cúng dường Tam Bảo, Chư Tăng bằng đồng ngân không có gì sai trái cả (đó chỉ là phương tiện cúng dường). Tuy nhiên, người cúng dường có thiện tâm phải thể hiện được sự cung kính, trang trọng thì mới phải đạo.
ngocqlsh Xin chào anh Long! Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm của anh trong bài viết này. Rất xác đáng!
chungcable Cảm ơn anh Long. Anh đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều.
Lưu Đình Long Cảm ơn anh đã đồng quan điểm
Nam Bản chất của việc cúng bái là một bài học của sự tôn trọng, từ việc tôn trọng người tôn trọng ta, hạnh phúc sẽ được cảm nhận từ bên trong.
Vật chất có nhiều hay sang trọng thế nào đi nữa thì những người chú trọng nó cũng chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc, nếu nói theo logic thì sao lại có thể dùng những thứ hữu hình để đổi lấy những thứ vô hình?
Tí Sửu Dần Mão Vấn đề là phật tử thì có thể hiểu hoặc không hiểu hết giáo lý của phật còn người xuất gia thì họ hiểu đấy. Nhưng một số người cứ làm cho phật tử, con đạo người dân phải tin rằng có lễ to, đúng thủ tục, nhiều tiền thì mới giải nghiệp được nên một số nhà sư … tranh thủ “kiếm ăn”, làm giàu chứ không “khất thực”.
ntnam63 CHÙA BA VÀNG NÊN LĨNH HỘI BÀI VIẾT NÀY
oanh le Hy vọng là quá tam ba bận mọi sự sẽ tốt đẹp.
Nam Tôi rất tâm đắc với bài viết của tác giả. Có lẽ những hiện tượng một số nhà sư ở một số ngôi chùa lớn tại Việt Nam đã ko thấu rõ được chính pháp hay cố tình làm sai để những người dân ngu muội (một con số đông khủng khiếp) đang thực hành sai theo họ. Đáng thương thay cho những người dân là họ ko biết rằng họ đang ko theo chính pháp.
oanh le Cách nay trên 30 năm tôi được sư bà Đàm Lựu ( đã viên tịch năm 2000) trụ trì một ngôi niệm Phật Đường đơn sơ tại Mỹ cho biết hàng trăm năm trước Quốc sư Vạn Hạnh của Việt Nam đã nói : “Phật Giáo không mê muội tín đồ, nhưng tín đồ mê muội Phật Giáo”. Càng suy ngẫm càng thấm thía.
trunglê @oanh le: Nhưng những kẻ giả danh Phật giáo mê muội tín đồ là có đấy.
Lưu Đình Long @oanh le: Dạ, lời sư bà Đàm Lựu hay quá ạ
oanh le @Lưu Đình Long: Nếu tác giả chưa biết về sư bà Đàm Lựu tôi xin được vắn tắt. Bà được gửi và chùa từ nhỏ. Bà từng được giáo hội Phật Giáo trước đây ở miền Nam cử đi tu học về xã hội ở Tây Đức. Bà học chung với các sơ Thiên Chúa Giáo, sau mấy năm về nước, bà trông coi một Cô Nhi Viện. Khi đến Mỹ bà lập Niệm Phật Đường, mở các lớp học Việt Ngữ, thu góp giấy, và lon nhôm, cùng quyên góp từ các Phật Tử, sư bà đã tạo dựng lên Chùa Đức Viên rất khang trang tại San Jose, California, USA. (Khoảng năm 1988)
Tôi được biết trên đường lên núi Yên Tử,sư bà góp phần thực hiện một nhà vệ sinh cho du khách lên núi viếng chùa. Dân địa phương gọi là “nhà vệ sinh sư bà”.
Điều đặc biệt là khi thấy các cư dân sống quanh Niệm Phật Đường còn nghèo, bà thường liên hệ với cơ quan xã hội địa phương xin thực phẩm về nhân dịp Lễ Tạ ơn, Lễ Giáng Sinh, Tết VN, Tết Tây để trước NPĐ, nhờ các Phật Tử phân phát. Dân địa phương các sắc tộc rất kính trọng, quý mến bà biết hoà đồng các tôn giáo.
khongbiet06 Khất là nợ, Thực là ăn. Khất Thực là “ăn nợ” của gia chủ cúng dường. Nợ ân nợ nghĩa nợ tấm lòng của những người cúng dường thì người Khất Thực phải trả bằng đạo hạnh thanh cao, bằng phước báu tu tập để người cúng dường được thọ hưởng phần phước lành đó.
Người Khất Thực đi đứng khoan thai, thân tướng trang nghiêm, đi hành khất có giờ giấc nề nếp chứ không phải như cái bang, áo quần rách rưới, bạ đâu ăn đó vô tội vạ. Bởi vậy, đó là ngữ nghĩa khác nhau của cùng 1 hành động cho đi, nhưng khi thì ta gọi là Bố Thí khi thì gọi là Cùng Dường.
Bố Thí là hành động cho đi của người có phước dành cho người kém phước, rồi ta có thể nhắn nhủ vài câu hoặc là răng nhắc người kém phước ấy vài điều, Cúng Dường là hành động cho đi của người sẵn thiện tâm đến người có phẩm chất đức hạnh cao hơn mình, thành ra mình cho đi với tấm lòng cung kính, rồi nhận được phước lành từ công đức tu tập,giữ giới thanh cao của người đó; hoặc người đó có nhắn nhủ hay ban bố cho 1 bài pháp lành thì coi như phước dồn thêm phước
Rất tiếc, XH càng phát triển thì lòng người càng biến chất, nhiều người vô công rỗi nghề lợi dụng hình tướng của người tu để xin ăn thậm chí là xin tiền, làm xấu đi hình ảnh người tu chân chính của nhà Phật; nên Giáo hội đã cấm nhưng người tu chân chính “trì bình khất thực” giữa phố thị. Đó cũng là mất mát của cư dân thành thị không còn được trông thấy hình ảnh đẹp đẽ đó để gieo duyên phước lành.
Hà Ninh Nguyễn đây không phải là nợ và trả, mà khất thực để không phân tâm vào việc tìm kiếm lương thực mà toàn tâm toàn ý vào tu, không phải vì nợ ơn , nợ nghĩa của các phật tử mà phải trả bằng việc tu tập để phật tử đc hưởng phước, nói chung đó cũng là niềm tin của phật tử , họ mong các nhà sư là đại diện cho bình an trong tâm hồn, nhưng cũng có mặt trái là họ có điểm tựa là phật thì họ có làm j sai trái thì lại cầu cúng cầu xin phù hộ tha thứ và ban phước, cho nên nên giáo dục cho họ tự thân tạo phước, giáo lý chỉ như bài học của môn đạo đức, học đc hay không là ở mỗi người
Nguyễn Lưu Cảm ơn bài viết đã cho chúng tôi hiểu đúng về khất thực và cúng dường.
Tuan nhat Cảm ơn tác giả rất nhiều. Chúng ta tôn kính các nhà sư, nhưng cũng cần có hiểu biết cần thiết để bài trừ những người lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Hà Thái Đọc bài viết này của cư sĩ Lưu Đình Long mà tôi hiểu thêm về phật pháp. Cám ơn tác giả rất nhiều. Có một điều mà bấy lâu nay mọi người thường nói: Phật ở trong tâm. Hãy sống và làm việc thiện hàng ngày – Đó là cách chúng ta hướng về Phật và được Phật phù hộ nhiều nhất.
Lưu Đình Long Cảm ơn anh/ chị đã đồng quan điểm. Kính chúc anh/ chị thân tâm thường an lạc
Đặng Đại Đội Có nhiều hình thức buôn thần bán thánh, xa rời với giáo lý của đạo Phật. Những nơi đó quyết không phải là chùa, mà chỉ mượn danh là chùa để trục lợi. Những người khoác áo cà sa đó cũng không thể là sư!
quan.fischer Hay cho câu “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”!
Cái thiện lớn nhất là sống thiện, cái phước lớn nhất là tâm an.
Sống mà cứ thích tranh giành, mưu mô rồi đem tiền “xả” vào cúng dường thì cũng chẳng gột rửa được bản thân đâu.
Tin Phật, thì phải hiểu, phải nghe, phải sống sao cho đúng lời Phật dạy.
hanngoc1981 Đã 01 lần được đến chùa Huyền Không Sơn Thượng ở Huế, một trong những ngôi chùa đẹp nhất mà mình từng biết được, không phải vì sự hoàng tráng hay lộng lẫy mà vì khi bước vào bạn thấy tâm mình được yên bình nhất.
nguyenngoctho0112 Còn vấn đề mà tôi nghĩ nên bỏ, đó là tập tục phóng sinh. Những con chim/cá phóng sinh ra cũng mấy khi sống được đâu. Mà cũng vì cái tập tục đó mà người ta đổ đi bắt chim/cá về để bán phục vụ phóng sinh. Thế là một vòng luẩn quẩn, bắt con sống và thả con sắp chết
Độc giả Anh Vũ giấu tên mạnh dạn phát biểu Không phải nên bỏ, mà cần hướng dẫn cho mọi người hiểu đúng về tục phóng sinh
Phóng sinh là hướng con người tới thấy kẻ yếu thì phải biết giúp đỡ
Kiểu đi đâu vô tình thấy có người bán con chim, con cá, thấy tội nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra mua để thả chúng về tự nhiên đó là phóng sinh
Còn phóng sinh theo kiểu ra những chỗ chuyên bán đồ phóng sinh, đặt mua 1 số lượng con vật cụ thể (theo số đẹp quan niệm ngũ hành) để phóng sinh là biến tướng, là méo mó
oanh le Tôi từng thấy những con chim bị nhốt chờ phóng sinh, khi được thả lên không thể bay, lủi vào những lùm cây quanh chùa rồi chết, rồi bị mèo tha. Có những con bay xà vào bàn Phật, ủ rũ đuổi không đi. Mọi người bảo “chim quyến luyến chùa”. Đừng bắt, đừng mua nhốt rồi thả.
Ân Vũ Mong những người con Phật hãy Hiểu PHẬT hơn thật nhiều. Hãy học và trau dồi nhiều kiến thức tuyệt vời của Phật pháp. Nhiều người có tâm cúng dường nhưng thiếu sự tinh tế, họ lại dùng tiền để cúng thay vì đồ ăn. Vô tình đẩy nhà sư khất thực ở vào thế khó xử. Ở bên Thái Lan, tôi chứng kiến người dân Thái cúng dường cho nhà sư đi khất thực bằng cả thức ăn, thức uống và tiền, điều này bên họ là bình thường và không có gì xúc phạm. Có lẽ văn hóa Phật giáo mỗi nơi hơi khác nhau mà thôi.
vina225522 Phật giáo của họ là tiểu thừa, họ làm công đức để đạt chánh quả cho bản thân họ thôi.
nguyenhuyen43 Có lần tôi cũng gặp một vị sư già đi khất thực, tôi ở đất Bắc mà thầy đi từ Vũng Tàu ra. Quả thực tôi cũng là một người mong muốn hướng Phật nên cũng tới và đặt 1 tờ tiền 100k vào bát của thầy. Thầy nhẹ nhàng từ chối và nói với tôi, các thầy chỉ khất thực thôi – có nước có cơm thì cho, bánh quả cũng được nhưng thầy không lấy tiền.
Từ sau lần đó tôi mới hiểu hơn về những người tu Phật chân chính như thầy.
Giờ có quá nhiều kiểu nhà sư nhà chùa dựa vào danh nghĩa của Phật mà vụ lợi.
ayanzxcvbnm1993 tôi ước được gặp vị sư này một lần
Từ Huy Phật Đạo vốn chẳng phân biệt tông phái, nhưng vì căn cơ, nghiệp lực… của chúng sinh mà tạm chia ra. Nhờ vậy mà chúng sinh nào cũng có thể được gieo duyên, có thể được dẫn dắt, có thể thực hành được Chánh Đạo.
Cái đẹp của Nam Tông là rốt ráo tu tập để giải thoát cho mình. Do đó phải rất đề cao Giới luật. Người tu theo hệ phái này nhưng chưa tới nơi tới chốn, chưa giải thoát được cho mình thì thường còn chấp trước vào Giới luật, cho rằng chỉ khi giữ đúng Giới luật thì mới là tu hành theo Phật Đạo. Như thế là mắc phải Giới cấm thủ kiến.
Cái đẹp của Bắc Tông là rốt ráo Hoằng pháp độ sinh, do đó mà có thể quên lãng hoặc coi nhẹ cả việc “độ mình”. Ở đây, phát sinh ra ba khả năng:
– Vị ấy đã thực sự Giải thoát, đã chứng đạt Vô Ngã, nên không cần phải lo cho “chính mình” nữa. Tâm Trí ấy được giải phóng để tìm cách gieo duyên và cứu giúp chúng sinh. Những vị như vậy, dù có dấn thân vào đời sống, có sống ngoài giới luật… nhưng Tâm họ không thể bị nhiễm ô.
– Vị ấy chưa thực sự Giải thoát, nhưng lại yêu mến và có duyên sâu với Bắc Tông. Họ sẽ phải thực hành song tu, vừa giúp mình vừa giúp người. Trong quá trình ấy có thể sẽ sai sót, khi mang cái tâm chưa thanh tịnh ra để thí pháp cứu người, sinh ra các Pháp tà vạy.
– Vị ấy không thực sự có chí hướng tu tập, nhưng lợi dụng sự lỏng lẻo và linh hoạt của Bắc tông để mưu lợi cá nhân. Những người như vậy mắc phải tội “Hủy báng Đại thừa”, và khiến cho chúng sinh sinh tâm “Hủy báng Đại thừa”. Họ sẽ phải chịu quả báo rất nặng.
Minh Giang Chân chánh cúng dường theo đúng chân lý trung đạo liễu nghĩa Phật thừa, không phải chỉ biểu lộ nơi thân hành mà nơi tâm quán chiếu Tam Luân Thể Không, không chấp thấy mình cúng dường, người nhận và vật cúng, áp dụng đối với cả người nhận. Khi đó cả hai biên sẽ thanh tịnh tuyệt đối. Vì không chấp tướng nên gọi là vô tướng cúng dường, vì vô tâm, vô tướng, không thể nắm bắt tính đếm được nên chẳng gọi là nhiều. Phước mà chấp tướng, rơi vào số lượng nhiều ít chỉ là hư giả, hư huyễn không thể giúp hai bên Giác Ngộ như Đức Phật.
Van Nguyen Cao Hôm nay tôi đọc bài này mới cảm nhận được đạo Phật thực sự là cao đẹp và thanh tịnh. Thế mà tiếc thay một số người đã lợi dụng tôn giáo cao đẹp này vào mục đích xấu xa. ‘Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Thật chí lý lắm thay. Cám ơn tác giả.
Hùng Sư Phụ ‘Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta” – Rất sâu sắc. Và từ đó lời răn thứ nhất trong TỨ Y đã ra đời: “Y pháp bất y nhân”. Trong bài viết, tác giả giảng giải lời răn này chưa chính xác hoàn toàn.. Chính xác Đức Phật răn rằng: Nghe và TIN theo giáo lý của Phật (Y pháp) nhưng ĐỪNG nghe và tin theo NGƯỜI nói ra giáo lý đó (bất Y nhân). Chúng ta cần tách biệt: TIN Giáo lý của Phật (được một người nào đó nói lại) và TIN Cá nhân người nói. Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng thực tế, đã có nhiều kẻ mượn danh Đức Phật (miệng nói lại một vài lời Phật dạy) để lấy lòng tin của Phật tử, sau đó đã dẫn dắt họ làm những điều sai trái. Vì thế Phật dạy: Tin những giáo lý của Phật, nhưng đừng tin người nói những giáo lý đó. Hầu hết người dân Việt Nam đều phạm phải sai lầm ngay từ lời răn đầu tiên trong Tứ Y: CHỈ CẦN NGHE AI ĐÓ NÓI RA MỘT VÀI GIÁO LÝ CỦA NHÀ PHẬT, thì đều mê muội tin rằng người đó là Sứ giả của Đức Phật, và sau đó đều răm rắp tin và làm theo mọi lời nói, hành động khác của người đó. Để rồi bị lợi dụng, dẫn dắt làm những điều sai trái, tổn hại tới tôn chỉ và danh tiếng của Phật giáo.
Minh Giang“Câu tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta” thâm sâu lắm, không hiểu cách thông thường được đâu. Tin nhận này là tin nhận Trí Bát Nhã. Ai có thể hiểu được Phật nếu không phải cũng là một Vị Phật đúng không nè.
Hoàng Nguyên phần 2:
– Chư tăng bắt buộc phải đi truyền đạo, đạo phật gọi đó là đi khất thực, Mục đích là Hành pháp, đưa giải pháp, giáo lý của nhà Phật vào người dân, mục đích không phải là ‘đồ ăn’. Mục đích là ‘giáo hóa người dân’.
– Chư tăng nhận cúng dường mà không giảng luân thường đạo lý , hoặc không hiểu luân thường đạo lý thì gọi là đi “Xin Ăn’. Không có Công Đức mà vẫn nhận cúng dường. Lúc này người ta không gọi là cúng dường – lễ tạ nữa mà gọi là ‘bố thí’.
– Chư tăng nhận cúng dường trước mới giảng đạo lý thì gọi là trao đổi. Nó giống với một người dân ‘bỏ tiền’ đi học hơn. Cúng dường lúc này được gọi là ‘chi phí’.
– Chư tăng nhận cúng dường sau khi đã giảng giải luân thường đạo lý – đây là nhận lễ tạ, hoặc không nhận cúng dường sau khi giảng giải đạo lý – không nhận lễ tạ, đây mới là Truyền Đạo – Truyền cách thức đối nhân xử thế, luân thường đạo lý đến người dân. Đạo phật gọi quá trình này là Khất thực.
Đó chính là sự khác nhau giữa Ăn xin và Khất thực-truyền giáo. Một vài lời chưa thể nói rõ hết được, chỉ nêu được một vài ý chính.
vu.phamvietanh trong nhà Phật không phải là vật chất mà chính là ngũ phần hương, gồm giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Tóm lại, tu học để bớt trần tục mới là hình thức cúng dường được Đức Phật hoan hỷ
chuhoanglan.business Hôm qua nghe được câu : Thần phật không phù hộ trực tiếp cho ta (phạm luật tham – sân – si). Hãy cúng xin bình an cho người khác, từ đó “nhân quả” sẽ đem bình an đến cho ta.
Hôm nay đọc được câu : “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Hóa ra vung tiền vương vãi vô độ ở đền chùa đích thực là mắc tội phỉ báng đức Phật, phải chịu sa đọa địa ngục.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Thanh Nguyen Sang Lào, tôi thấy các sư dậy sớm chuẩn bị và bắt đầu khất thực lúc trời tờ mờ sáng. Họ đi theo đoàn và nhận xôi, cơm, đồ ăn từ dân ngồi sẵn ven đường. Họ đi chậm, ung dung và yên lặng. Nhìn cảnh cúng dường và lên chùa ở Việt nam gần đây, tôi đã cảm thấy chán với việc lên chùa vì cảm thấy nó đã bị thương mại và nhiều chùa là từ cả hai phía
vina225522 Những thành phần trục lợi tôn giáo cần phải bị nghiêm trị!
hồng hà Tôi không phải là Phật tử nhưng có thiên hướng về đạo Phật, đã từ lâu tôi có quan niệm chỉ lễ Phật chứ không lễ chùa.
Vào các ngày Tết, gia đình tôi thường hay đi chùa vào ngày mùng 1, vào các chùa tôi thấy hoành tráng quá, nhất là các chùa mới xây hoặc nâng cấp, có những ngôi chùa dát gỗ toàn bộ cả 6 mặt và sử dụng một số lượng lớn gỗ khối khác, chính điều này làm tôi cảm thấy e ngại.
Vuonxua Bài viết hay quá ạ! Nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cảm ơn tác giả.
nm tdso bài viết thật hay. Cầu cho tất cả mọi người hiểu đúng về đạo phật.
A Phủ Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ.
truonglq1986 Có 1 lần mình gặp 1 nhà sư già cầm bình bát đi khất thực, mình bỏ vào đó 100k (thời đó 100k giá trị lớn hơn bây giờ nhiều), nhưng nhà sư già tỏ vẻ ko vui, và nói rằng thí chủ có ý tốt, song thí chủ đi sai đường rồi, mình xin thầy giảng giải cặn kẽ cho rõ thì thầy nói rằng người xưa có câu “rét đến cho than”, bần tăng đang đi khất thực gieo duyên, chứ ko phải quyên góp gì cả, thí chủ có lòng tốt thì chia sẻ cho bần tăng 1 phần nhỏ trong số những vật thực của mình cũng đc rồi, còn phàm là tiền tài nếu muốn cúng dường thì nên đến 1 ngôi chùa nào cũng đc, chùa nào cũng có hòm công đức, chỉ cần bỏ vào là xong, đem tiền bạc mà bố thí cho kẻ đi xin ăn e ko phải là cách làm đúng đắn. Tâm tốt nhưng cách thể hiện ko phù hợp lắm khi lại phản tác dụng
tuanhaivo1971 Cảm ơn tác giả
Lê Nam Tôi cứ phương châm: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.
An Lê Cảm ơn tác giả Long. Bài viết rất sâu sắc. Mình thích câu chốt của tác giả.
Lưu Đình Long Cảm ơn bạn An.
Tư Xôm Điều anh nói thì bất cứ ai hiểu cơ bản về đạo Phật cũng hiểu, chỉ những kẻ buôn thần bán thánh là ko hiểu
truongsathanyeu1988 Đúng sai của nhà sư và của cả người dân mới rõ ràng, mạch lạc làm sao, cảm ơn tác giả rất nhiều.
clduy.talisman Rất hay và ý nghĩa
Duy Quang Phật không xài tiền. Nhà sư chính đạo chỉ cần rất ít tiền để nuôi phần xác của mình. Chỉ có sư giả mới lợi dụng sự mê tín và lòng tham của con người mà lấy tiền tư lợi. Có cầu ắt có cung, người ta luôn tin tưởng và mơ ước sẽ được ban phép mầu để giàu sang và sung sướng ngay cả dù không hề tín ngưỡng. Lẽ tất yếu là sẽ có gian nhân thừa cơ hội đội lốt thần thánh để đáp ứng, mới cân bằng được niềm tin! Giống như cá tự chui vào rọ, buộc phải vớt lên ăn.
Congtri070267 Hay quá, mở rộng thêm tầm mắt, cảm ơn!
levanhien.tvg Nếu tất cả Phật tử và chư Tăng làm đúng theo lời Phật dạy về Khất thực thì sẽ không còn tình trạng “Sư giả”
tusardeva Đức Phật từ bỏ ngai vàng, vợ con để đi hành đạo. Tư tưởng của Người là bỏ tham sân si để tìm kiếm sự bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực.
Ngày nay, nhiều người đến chùa cầu tài lộc, thăng quan tiến chức, thậm chí còn cầu hại người khác, vứt tiền dưới chân tượng Phật. Tất cả những điều này đều trái ngược với Đạo Phật.
Các hình thức biến tướng, giả danh nhà chùa đi quyên tiền nên được kiểm tra kiểm soát, bảo vệ sự trong sáng của Đạo Phật.
Trâm Vì họ là con người bình thường. Mà người thường ai chả muốn những thứ đó. Còn ai muốn giải thoát như Phật mới không cần những thứ đó nên bạn đừng trách họ.
Nguyen Xuan Cảm ơn bài viết của anh giúp giải tỏa những điều bất như ý trong một số độc giả chưa hiểu đúng Đạo Phật và Pháp Khất Thực của nhà Phật qua một số bài báo đã đưa tin trong những ngày qua.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát
Hoàng Nguyên Trước tiên, Công Sức – Thành quả chư tăng nhận được khi đi khất thực được gọi là chung là Công Đức.
Trình tự để chư tăng có thể nhận được tiền công Đức là: Chư tăng đến nhà người dân, giảng pháp, giải pháp, giảng giải luân thường đạo lý… giống như là một nhà Truyền giáo, nhằm mục đích khai hóa, giáo hóa người dân, giúp người dân phân biệt được Tốt – Xấu, Đúng – Sai, Thiện – Ác. Từ đó người dân theo tốt bỏ xấu, theo đúng bỏ sai, theo thiện bỏ ác. Hành vi này được gọi là Đức. Sau khi giảng giải luân thường đạo lý cho người dân thì chư tăng mới nhận, đồ ăn – ngày xưa, ngày nay là Tiền hoặc vật phẩm có giá trị – ngày nay. Người dân trao đồ ăn, tiền cho chư tăng được gọi là cúng dường. Ngày nay ‘cúng dường’ được gọi là Tiền Công Đức – Phần lễ tạ của người dân với công sức của chư tăng bỏ ra, để giúp người dân hiểu được thế nào là Luân thường – đạo lý.
(Còn phần 2 – )
kathyduongmp Bản chất của việc các Sư đi khất thực không xấu, người cúng dường, việc đặt bát với tâm trong sạch cũng tốt, không phải ngày nào các Sư cũng đi khất thực, chỉ là những dịp lễ lớn, một năm thường có Đại lễ Vesak, Lễ Nhập Hạ, Lễ Vu Lan, Lễ Dâng Y Kathina. Các Sư tu theo hệ phái Nguyên thủy đều thọ thực trước 12h. Nếu Phật tử tham dự đông và cũng cúng 1 muỗng thức ăn thì các Sư không dùng hết, việc đặt bát cúng dường gieo duyên 1k, 2k, 5k, 10k để các chư tăng ni có chút tịnh tài khi ốm đau cũng không phải là xấu.
Bản thân mình chưa duyên để xuất gia gieo duyên nhưng 1 năm mình cũng tham dự những dịp lễ lớn bên Nguyên Thủy. Khi thì mình đặt bát cúng dường thực phẩm: Sữa gói, Ngũ cốc gói, thuốc,…có khi không kịp mua thì cũng đặt bát cúng dường 1k, 2k và mình làm với tâm thành kính.
Peacock Beauty Tôi thấy việc cúng dường bằng tiền bạc hay bằng gì chỉ là hình thức thể hiện của Phật tử, nhà sư nhận tiền bạc hay nhận bất cứ thứ gì không đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng đến tôn nghiêm của nhà Phật. Quan trọng vị sư đó có tu hành và thực tập nghiêm chỉnh, giữ giới nghiêm, tuân thủ các giới Luật của nhà Phật khi tu tập hay không thôi. Phật tử có gì cúng nấy, nhà sư nên hoan hỉ chấp nhận thay vì chấp vào việc tôi chỉ nhận thức ăn không nhận tiền. Ngay cả Đức Phật cũng dạy khi đi khất thực mà người dân cúng Dường thức ăn mặn cũng hoan hỉ. Thế nên thay vì bám chấp cái này đúng cái này sai, mỗi người tự tu luyện bản thân thì tốt hơn.
KTD Nhiều nơi kinh doanh tín ngưỡng mất rồi còn đâu
Hưởng Lê Bài viết của tác giả tuyệt vời!
chidinh09 Bài viết hay, tuy nhiên mình kg học được nhiều. Nếu viết Khất thực như thế nào là đúng, cúng dường như thế nào cho đúng. Ngũ phần hương gồm Giới hương, Định hương như thế nào cho đúng sẽ xúc tích và mình sẽ học được nhiều hơn. Cảm ơn tác giả.
Nguyễn Phúc Hậu Bài viết nêu rất rõ về việc khất thực và cúng dường như thế nào cho đúng mà bạn. Khất thực theo đúng truyền thống thì phải trước 12g trưa, chỉ nhận đồ ăn và không nhận tiền. Phật tử cũng căn cứ vào đó mà cúng dường cho đúng. Đơn giản vậy thôi! Nếu muốn cúng dường bằng tiền thì có thể đến chùa để quyên góp, tiền đó sẽ giúp nhà chùa có kinh phí hoạt động cũng như giúp cho các Tăng – Ni trang trải chi phí tu học.
Còn về việc Giới, Định, Tuệ… thì bạn nên tìm hiểu sâu hơn về Phật pháp để hiểu rõ hơn. Ở đây có thể hiểu ngắn gọn là sống tỉnh thức trong chánh niệm, không làm điều sai trái và phát triển lòng từ bi, nhân ái với muôn loài chính là phẩm vật cúng dường giá trị nhất mà người Phật tử dâng lên cho Phật.
tomsin1015 Những thứ không thể kiểm soát được và không ai dám động vào, có thì chỉ là hình thức. Do đó ngày càng phát triển.
Liên Hoa Thật lòng tán thán bài chia sẻ này của tác giả bởi chỉ có người anh minh mới viết lên được những lời khai sáng cho chúng sinh khai ngộ.Đúng là ”Y pháp bất y nhân, học Phật là sự hưởng thụ tối cao nhất của đời người” Đã từ lâu tôi cũng suy nghĩ và thực hành theo các việc như bài viết trên, lội ngược với tất cả bạn đồng tu quanh mình,nhưng kiên định rằng đã đi đúng hướng.
thaikhuong79n bài viết rất hay, rất đáng để phật tử và các tín đồ Phật giáo học tập; nhiều người không hiểu khi người dẫn dắt họ cũng làm sai những lời Phật dạy
Kien Le Đi tu thời hiện đại bây giờ còn sướng hơn cả người ngoài đời, thấy thầy cô nào cũng sài điện thoại hạng sang, toàn chạy xe hơi vài trăm triệu thấy mà ham luôn. Không như người ngoài đời phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày. Thầy Cô thì luôn được các phật tử chăm sóc chu đáo tất cả.
kathyduongmp Tất hoan hỷ nếu bạn cũng đi tu để được sướng hơn ngoài đời
Trâm Vậy bạn đi tu đi. Tôi sẽ cúng dường cho bạn . Bạn dám đi tu không? Người tu họ đáng quý vì làm được những việc mà ta không làm được. Mỗi việc ăn chay trường với không lập gia đình là người thường không làm được rồi. Chưa kể những luật lệ khác ở chùa.
thomas.h.wci Nhà nước nên ra luật về cúng dường thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì nhu cầu cúng là rất lớn, tất nhiên ko ai cúng không nhận tiền, nhu cầu càng cao thì tiền trả sau khi cúng càng cao. Nên đánh thuế thu nhập những thầy cúng như thế.
giadinhyeuthuong128884 Chư tăng đang là những người phải hiểu rõ nhất ý nghĩa của cúng dường. Phật tử họ vẫn còn bị vô minh khoả lấp, thì chư tăng phải giảng giải cho họ hiểu pháp và tu theo pháp. Cúng dường nhưng tâm khởi niệm cầu xin, nhận cúng dường mà tâm khởi niệm chê bai. Mọi công đức sẽ như khói mây hư anh mà thôi
Xuân Trường Cúng dường, phóng sanh, bố thí là việc làm mà nhiều nghiệp báo, tội ác. Nếu ta không cúng dường thì thầy chùa phải lao động mới biết trân quý, nếu không phóng sinh thì không có người bắt chim, nếu không bố thí thì thầy chùa sẽ không đi xin.
Lê Văn Về giáo lý nhà Phật thì tác giả nói rất đúng. Nhưng nhà sư cũng là con người cũng cần ăn ở, sinh hoạt và những dịch vụ khác cần thiết của một con người, chưa nói đến các cơ sở vật chất của nhà chùa cũng cần phải tôn tạo, sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên. Và những thứ đó đều cần đến tiền của các phật tử cúng dường. Có điều là sự cúng dường sao cho không phản cảm và sự thật ở các cơ sở thờ tự hay các nhà chùa đều có hòm công đức để phật tử và những người đi lễ phát tâm công đức đó sao ?
dangchitam2310 Bởi có nhiều người tin Phật, nhưng mấy ai hiểu được những giáo lý mà Ngài truyền dạy.
Tin vào nhân quả và tự mình tu tập để vượt qua khổ ải niềm đau chứ không thế lực nào có thể giúp cho cả!
Phật có nhiều triết lý sâu sắc, chứ không có phép thuật cầu để cầu xin, ngã giá
tienphuoc188 Cũng là lời phật dạy …
Y nghĩa bất y ngữ , y pháp bất y nhân
P.T Dân gian có câu ” Phú Quý sinh Lễ Nghĩa” nhưng mấy ai hiểu được, hoặc hiểu sai bản chất, hoặc là thực hiện theo xu hướng đám đông. Người hiểu lễ và nghĩa ở đây nhất là các chư tăng, mà các chư tăng còn thực hiện sai thì sao các phật tử thấu tỏ được, lâu dần thành quen và coi đó là Lễ Nghĩa mới được tạo ra.
Phuong Nguyen Nhiều Phật tử làm sai quy tắc cúng dường bằng tiền cho các sư khuất thực nên mới có sư giả lợi dụng kiếm tiền bất chính .
Thuan Quy Nguyen Đã là sư tức là từ giã thế giới trần tục để tu hành Phật pháp thì phải làm gương cho Phật tử, chứ để cái xấu, cái sai làm tha hóa mình thì còn gọi là sư làm gì
Benny Lee Tại thành phô Ottawa, Canada hàng năm vào dịp lễ Phật Đån có một nhóm các vị chư Tăng người nước ngoài, họ cũng đi khât thực. Các Phật tử đến các gia đình người châu Á, có theo đạo Phật để đăng ký trước, và hẹn giờ, họ phổ biến luôn, không nhận tiền, chỉ nhận đồ ăn chay. Ngày hôm đó các chư Tăng khoảng hơn 10 người đến nhà Phật tử có hẹn trước, họ đứng ngoài cửa nhận đồ ăn xong. Tất cả các chư Tăng đồng thanh tụng một biến Thâp chú Đại Bi bằng tiếng Phạn để hồi hướng công đức cho gia chủ.Tiêng tụng kinh của họ ngân vang cả dãy phố, cực kỳ cảm đông, trang nghiêm, thanh tịnh.
noithatthanhnguyen Bài viết rất xác đáng, tôi đồng ý cách nhìn và đánh giá của tác giả!
Đường An BÀI VIẾT RẤT HAY VÀ THUYẾT PHỤC. CẢM ƠN ANH LONG
Minh Quốc Không nên dùng từ “cúng”, hay “cúng dường”. Từ này gây hiểu lầm đến thói quen cúng bái thần linh hay ông bà tổ tiên của người Việt, vốn mang ý nghĩa người dưới dâng lên người bậc trên thứ gì đó. Đó không phải là ý nghĩa của từ “cúng dường”.
Cúng là nghi thức dâng lễ vật lên thần linh để tỏ lòng cung kính hay tưởng nhớ người đã khuất, thường đi đôi với việc báo tin hay kỷ niệm một sự kiện đặc biệt nào đó liên quan đến cõi vô hình.
“Cúng dường” trong hoàn cảnh này là cách đọc trại của từ “Cung dưỡng”, nghĩa là cung cấp, nuôi dưỡng, chia sẻ lương thực đồ ăn, là một cách gieo duyên hành thiện theo tư tưởng nhà Phật – giống như tác giả bài viết đã phân tích.
“Cung” và “cúng” vốn mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, tránh nhầm lẫn. Hiểu được cái gốc này và đơn giản hóa hành động ấy đi, trả về cái tâm trong sáng ban đầu nhất thì cũng là cách giữ cho đạo Phật không bị vẩn đục.
Tran Trongtan Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ
Thứ ba tu chùa
Đâu cứ phải vào chùa mới là tu
doanvinhquang.bionline chào anh Lưu Đình Long, tôi rất ủng hộ và tâm đắc với bài viết của anh!
Pháp Hạnh Nam mô Adida Phật, lành thay, lành thay.
buiminhbang2017 Tôi thắc mắc người ta lên chùa cúng tiền là gì ạ? Tôi lên chùa ít, mà khi ghé thì lựa các buổi thuyết pháp mà nghe để rèn luyện đạo đức cho mình. Xin lỗi tôi không theo tôn giáo. Thấy điều Phật dạy hay nên làm theo.
oanh le Cúng tiền là để góp phần duy trì một cơ sở truyền đạo, quảng bá đạo đức. Mọi người nên tự nguyện góp phần dù của ít lòng nhiều cho chùa, cho nhà thờ. Nhưng lạm dụng việc quyên góp cho chùa, cho nhà thờ, cho người tu hành là không nên.
Cách nay nhiều năm tại Mỹ, vài nhà truyền giáo đã bị bắt vì họ đã dụ dỗ tín đồ, hoặc bị tín đồ lợi dụng danh nghĩa. Một nhà truyền giáo mà có hàng chục căn nhà, nhiều đất đai, và có tới cả chục chiếc xe sang, có cả một đội cận vệ. Sở thuế đã vào cuộc để FBI bắt họ ra trước công lý, có người bị tù, có người bị trục xuất về nước của họ. Mạo muội xin góp ý.
TikTak Gần chỗ tôi có một thiền viện theo hệ phái Nam Tông. Ngày nào tôi cũng chứng kiến các tăng lữ đi khất thực. Họ sẽ đưa bình bát để phật tử bỏ thực phẩm cúng dường vào. Còn người bỏ tiền thì họ sẽ lấy tay áo che miệng bát, ngỏ ý là không muốn nhận tiền bạc.
Thực tế thì việc đó cũng như một nghi lễ mang tính hình thức. Bởi các tăng lữ cũng không có nhu cầu về việc hóa duyên.
Thế mới thấy, thời nay mộ đạo cũng cần phải có tri thức. Vì khi hiểu biết những giáo lý cơ bản của nhà Phật thì ta sẽ dễ dàng phân biệt được đâu là Tu Sĩ thật và giả.
viettuan299 Hay quá,cảm ơn tác giả rất nhiều!
Nhabe cám ơn anh Long
conguyenkimthai58 Bài viết rất thâm thúy!
chieulym23 Cám ơn tác giả đã cho mọi người “đi lễ chùa” Nghĩ sai và các Tăng Ni hành động sai mục đích. Thật đúng như Đức Phật từng dạy: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”.