Khi ba nghiệp dần thanh tịnh và ghé vào hàng quán
Hôm nay tôi có dịp ghé vào hàng quán để mua ít nước uống.
Tôi thì rất ít khi ghé vào các hàng quán để ngồi la cà tám chuyện, đa phần tôi chỉ ghé đến để dùng cơm hay mua ít thực phẩm.
Khi đến hàng quán, tôi nghe nhiều người nói chuyện, từ người chủ quán cho đến những người khách đang uống nước.
Khi họ nói chuyện, lời nói lọt vào tai tôi, tôi bỗng nghe chúng sao mà nặng nề và chua chát thế, toàn là những tiếng chửi thề, nói tục và quát nạt nhau thật khó nghe.
Trước đây, nếu ba nghiệp của Qúy Vị chưa thanh tịnh, thì sẽ thấy điều ấy là bình thường.
Nhưng khi chúng trở nên thanh tịnh hơn, thì Qúy Vị nhìn một người nào đó đang hành xử, Qúy Vị sẽ ít nhiều gì có thể đoán biết tương lai họ đi về đâu, vì thấy được hiện tại họ đang tạo tác nhân gì, quả gì sẽ trổ.
Đây là điều tôi thấy rất hay.
Ba nghiệp là gì?
Đó là
- Hành động tạo tác thành thói quen của ý nghĩ.
- Hành động tạo tác trở thành thói quen của lời nói.
- Và hành động tạo tác trở thành thói quan của thân thể.
Thế nào gọi là thanh tịnh ?
- Thanh nghĩa là yên ổn, lặng, mát, trong sạch, xong.
- Tịnh nghĩa là thuần, sạch sẽ, thanh khiết.
Vậy ba nghiệp được làm cho thanh tịnh nghĩa là lời nói, ý nghĩ, và hành động thân thể luôn được giữ hết sức chuẩn mực, trong sạch, thanh tịnh.
Và rốt ráo của sự thanh tịnh ba nghiệp đó chính là tâm đồng tâm Chư Phật, đạt đạo, hiện tại luôn an lạc, khi mất vãng sinh Tây Phương (hay vào Niết Bàn).
Thường thì khi tôi và Qúy Vị đang trong giai đoạn tu, thì chỉ thanh tịnh ở một mức độ nào đó, chứ chưa phải là hoàn toàn rốt ráo như tâm của các Bậc Thánh.
Vậy phải tập giữ ba nghiệp thanh tịnh như thế nào ?
Đó là :
Về ý nghĩ :
Ban đầu phải huân tập trong tâm toàn ý nghĩ thiện như tâm từ bi thương người thương vật, tâm hoan hỷ, tâm an ổn thanh bình,…
Không được chất chứa trong tâm những tư tưởng như tham lam, trộm cắp, sân hận, ích kỷ, hung dữ, ….
Và khi ý được thanh tịnh tiến lên một mức nữa là luôn rỗng rang, thanh tịnh, vô niệm, thường hằng sáng tỏ, đây mới chính là đích hướng đến.
Về cái miệng :
Tập ăn những thức ăn thanh tịnh, khi nói cần cẩn thận từng lời, như không nói tục, không nói ác khẩu, không nhiều chuyện, không nói xấu sau lưng người, không nói gây chia rẽ gây bất hòa,….
Về cái thân :
Thân không dâm dục, thân không trộm cắp, thân không sát sinh hay không hung dữ đánh đập làm tổn hại sinh mạng chúng hữu tình,….
Và khi đi, khi đứng, ngồi, nằm cần trang nghiêm, đúng mực…. Đúng tư cách của Bậc Thánh.
Và khi Qúy Vị đã huân tập chúng trở thành thói quen, thành bản chất của con người mình rồi.
Qua thời gian Qúy Vị sẽ tự cảm thấy mình ôi sao hiền lành quá, điềm đạm, nhân hậu, và tử tế nữa…
Tâm tự nhiên dần trở nên từ bi, nhẹ nhàng, an lạc và hạnh phúc.
Lúc này khi Qúy Vị nhìn một người không có tu, Qúy Vị sẽ thấy họ tạo nghiệp rất kinh hồn, gieo nhân ác rất nhiều.
Và Qúy Vị có thể đoàn biết được tương lai họ sẽ đi về đâu ( Đây là chưa kể nếu Qúy Vị đạt đạo, thì sẽ nhìn bằng thần thông, chứ không phải suy đoán hay phân tích thông thường nữa ).
Qúy Vị hãy cố gắng thực tập thì sẽ dần thấy được điều đó.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa