Kẻ trí người ngu làm điều ác, ai có tội hơn?
Kẻ trí – người có trí tuệ làm điều ác, tội báo nhỏ. Người ngu làm điều ác, tội báo lớn. Tại sao lại như vậy? Liệu rằng nhân quả có công bằng hay không?
Mời quý Phật tử và các bạn cùng theo dõi câu chuyện trong Kinh Mi Tiên Vấn Đáp dưới đây để hiểu thêm theo góc nhìn đạo Phật nhé!
Kẻ trí người ngu cùng làm điều ác ai bị tội nhiều hơn?
Vua Mi-lan-đà hỏi Đại đức Na-tiên:
– Thưa Đại đức, nhân quả khó hiểu cho toàn diện, nhưng giả sử kẻ có trí và người ngu cùng làm điều ác thì ai bị tội báo nhiều hơn?
– Người ngu sẽ bị nặng, tâu đại vương!
– Nếu thế thì khác luật pháp của thế gian. Trong quốc độ của trẫm, người thừa hành pháp luật, kẻ có học, có trí thức, hiểu biết mà phạm pháp, trẫm sẽ có hình phạt rất nặng; trái lại, người quê mùa, thất học, dại dột mà phạm pháp thì trẫm sẽ chế định hình phạt rất nhẹ.
– Dĩ nhiên là Phật pháp khác thế gian pháp.
– Xin Đại đức cho nghe ví dụ.
– Có một cục sắt nóng đặt giữa hai người, kẻ trí và người ngu. Nếu Đức vua bắt buộc mỗi người phải nắm cục sắt ấy đưa lên, chuyện gì xảy ra?
Người trí sẽ thò tay nắm thật nhanh, đưa lên rồi thả xuống thật nhanh. Như thế y sẽ bị phỏng nhưng phỏng nhẹ. Còn người ngu không biết, nắm chặt, thế là y bị phỏng nặng.
Cũng thế, người ngu làm việc ác, không biết đấy là ác, lún sâu vào ác nên tội báo sẽ nặng. Còn người trí biết đấy là ác, cũng làm ác, nhưng tìm cách này cách kia để cho cái ác ấy nó nhẹ đi, do vậy tội báo sẽ ít hơn, tâu đại vương!
– Rõ ràng lắm rồi.
– Kinh Mi Tiên Vấn Đáp –
Chung thân hành thiện, thiện do bất túc
Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư
(Dịch)
Trọn đời làm lành , e còn chưa đủ
Một buổi làm ác, ác đã có dư
Trích “Minh tâm bảo giám”
Cổ nhân từng nói:
“Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi”,
nghĩa là
“Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”
vì luật NHÂN QUẢ rất công bằng
“Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong;
Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thường”.
Nghĩa là: “
Giả sử trăm ngàn kiếp đều tạo nghiệp nhưng không chết;
thì khi nhân duyên đến, sẽ phải tự mình nếm trải quả báo.”
Người ngu thường làm điều ác
Đức Phật dạy người ngu là người làm việc ác, tích chứa việc ác. Ác ngiệp này dẫn ta vào chỗ tối tăm mù mịt khổ đau. Việc ác là những điều mình làm sai với luân thường đạo đức, sai với chánh pháp, làm cho người phải chịu khổ đau, qua lời nói, suy nghĩ và việc làm.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người làm việc ác, tuy ban đầu rất nhỏ, nhưng nếu không kịp thời từ bỏ, kịp thời dập tắt, cứ để tích chứa trong lòng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy hại cho mình và mọi người. Đức Phật gọi người này là người ngu. Thế nên, trong kệ ngôn 121, phẩm Ác thuộc kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
“Chớ chê khinh điều ác
Cho rằng chưa đến mình
Như nước nhỏ từng giọt
Rồi bình cũng đầy tràn
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần”.
Đức Phật thuyết kệ ngôn này tại chùa Kỳ Viên, nói về một vị Tỳ-kheo không quý trọng tài sản của Tăng. (Vị này sau khi sử dụng đồ đạc xong, không chịu cất giữ gọn gàng, để cho nắng mưa làm hư hao). Chư Tăng thấy vậy nhắc nhở, nhưng vị này cãi lại. Chư Tăng đem chuyện này bạch đức Phật. Đức Phật mới gọi Tỳ-kheo này đến hỏi.
Tỳ-kheo ấy trả lời: “Bạch Ngài, việc làm của con nhỏ nhen quá mà”.
Đức Phật dạy rằng: “Dù nhỏ nhen cũng phải gìn giữ. Đó là công sức của thí chủ chu cấp”.
Nhân đây, đức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng, nghiệp ác dù là nhỏ nhen cũng không nên coi thường. Như cái bình hứng nước ngoài trời mưa, giọt nước tuy nhỏ, nhưng mưa nhiều ngày thì bình sẽ đầy nước. Cũng vậy, kẻ làm ác cứ mỗi ngày tạo một việc ác nhỏ, lâu ngày nhiều tháng, cho đến nhiều năm, dồn lại sẽ thành một đống lớn.
Nói rồi, đức Phật thuyết pháp và kết luận rằng:
“Chớ chê khinh điều ác
Cho rằng chưa đến mình
Như nước nhỏ từng giọt
Rồi bình cũng đầy tràn
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần”.
Chuyện Kinh Bách Dụ: Người ngu ăn muối
Ở đây, đức Phật dạy người ngu là người làm việc ác, tích chứa việc ác. Ác ngiệp này dẫn ta vào chỗ tối tăm mù mịt khổ đau. Việc ác là những điều mình làm sai với luân thường đạo đức, sai với chánh pháp, làm cho người phải chịu khổ đau, qua lời nói, suy nghĩ và việc làm.
Câu kệ trên Phật so sánh việc ác ví như giọt nước, còn cái bình giống như cái tâm của chúng ta. Những giọt nước được chứa trong cái bình, còn những việc làm ác cũng được cất chứa trong tâm của mỗi chúng sanh vậy.
Đối với những điều ác, chúng ta chớ có khinh thường. Cho dù việc đó rất là nhỏ, nhưng tích chứa dần dần, sẽ trở thành việc cực ác. Hồi nhỏ thì mình ngắt đầu dế, bắn chin, đâm ếch, giết các loài thú vật, không một chút xót thương. Đến khi lớn lên, gặp chuyện ngang trái, do thói quen giết các con vật nên lúc này giết người cũng không gớm tay.
Thế nên, chúng ta hãy cẩn thận với những việc làm của mình. Cổ đức có câu: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ-tát đã nhận thức rõ ràng nhân nào quả đó, nên các Ngài sợ nhân ác, nhân xấu không dám làm. Còn chúng sanh mê muội, nhận thức sai lầm, nên thấy việc ác không biết sợ hãi quả báo, cứ lao đầu vào làm.
