Phạm giới
Đừng quá buồn khi biết mình phạm giới
Giới luật giữ một vai trò rất quan trọng với người tu học Phật.
Chừng nào trên thế gian còn một người tu giữ giới nghiêm chỉnh, luôn biết thực hành lời Phật dạy, thì khi đó chánh pháp của Đức Thế Tôn vẫn sẽ còn hiện diện ở thế gian.
Do vậy, nếu quý vị đang là một người Phật tử thì phải cố gắng giữ cho được giới luật Phật dạy, đây vừa cũng chính là đang tu hành mà cũng chính là đang góp phần giúp chánh pháp của Phật trường tồn lâu dài ở thế gian, công đức thật vô lượng.
Giữ giới là điều rất khó, vì thế ít có ai giữ tròn được các giới luật, nên phạm giới là điều không thể tránh khỏi với người tu hành.
Vậy mỗi ngày khi tụng giới, nếu phát hiện mình bị phạm giới thì phải làm như thế nào đây?
Nhiều vị khi biết mình phạm giới thì tâm trở nên hết sức buồn rầu lo âu.
Nhưng cũng có các vị khác khi biết mình phạm giới thì tâm vẫn dửng dưng, vẫn xem như là chưa phạm.
Hai cách nhìn nhận này đều chưa đúng với tinh thần của người tu học Phật, mà thái độ đúng là :
Khi biết mình phạm giới thì phải ăn năn hối lỗi, tuy nhiên không quá buồn, sau đó cần sám hối với Phật những lỗi mình đã phạm, và quyết tâm sẽ giữ tròn giới trở lại để không bị phạm nữa.
Năm giới của người Phật tử tu tại gia gồm :
1. Không sát sinh :
2. Không trộm cắp :
3. Không tà dâm :
4. Không nói láo, không nói tục, không nói lời thô ác, không nói lời thêu dệt, hay nói để gây chia rẽ mất đoàn kết…
5. Không say sưa nghiệp ngập (thuốc lá, rượu bia, xì ke ma túy, game, …)
Mỗi ngày quý vị cần phải đọc các giới luật để tự kiểm điểm lại chính mình, tự quản thúc, uốn nắn mình.
Vị nào làm được thì trí tuệ sẽ có cơ hội phát sinh, bởi vì người biết giữ giới thì tâm sẽ dần có định, có định thì sẽ có tuệ.
( Giới- Định -Tuệ tức Tam vô lậu học là ba môn học thù thắng mà một người tu cần phải cố gắng hành trì để có thể có được những kết quả tu hành tốt nhất ).
Trở lại với đề tài tôi đặt ra :
Là nếu nhận biết mình bị phạm giới, thì không nên quá buồn, mà phải cố gắng phát nguyện để giữ lại giới.
Có hai hạng người cao quý ở thế gian :
* Hạng người thứ nhất là :
Không bao giờ phạm giới, tức không còn phạm lỗi lầm.
Hạng người này chỉ có thể là những Bậc Thánh Nhân đắc quả giải thoát mới có thể làm được.
* Hạng người thứ hai là :
Người còn lỗi lầm, nhưng khi phạm lỗi, thì người này biết sinh tâm hổ thẹn, biết ăn năn, biết hối hận với những lỗi lầm của mình đã phạm, từ đó phát nguyện sửa sai, làm mới lại chính mình, để tương lai không còn phạm những sai lầm như thế nữa.
Đây là hai hạng người cao quý.
Do vậy, nếu hiện nay quý vị chưa làm được hạng người thứ nhất, thì hãy cố gắng là hạng người thứ hai, tức khi có lỗi, biết mình lỗi, nhưng tâm cần hổ thẹn, và quyết làm mới lại, để không còn phạm nữa.
Làm được như thế thì đạo đức của các vị theo ngày tháng sẽ vô cùng hoàn thiện, đạo đức mà hoàn thiện thì đường đạo đang đến gần, tức sẽ có cơ hội trở về ngôi nhà Như Lai.
Chúc quý vị luôn tinh tấn.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Cư Sĩ Nhuận Hòa
Xem thêm:
- Căn Bản Của Giữ Giới
- Cốt Tủy Của Giữ Giới
- Đến Thần Linh Cũng Phải Giữ Giới
- «Nhậu chay» có phạm giới không?
- Khi nào bị tính là đang phạm giới sát sinh?
- Một số giới luật mà ngày Tết hay phạm
Phạm giới hay giới cấm thủ
Giới luật rất là quan trọng với một người đệ tử Phật. Tuy nhiên, nếu giữ giới mà cứng nhắc thì sẽ rơi vào giới cấm thủ.
Giới cấm thủ chính là khi ta giữ gìn giới luật Phật mà thiếu trí tuệ, không uyển chuyển. Thành ra cứng nhắc, thậm chí gây trở ngại trong việc tu.
Câu chuyện sau đây sẽ giúp ta dễ hiểu hơn :
Trong một chuyến tàu đi từ tỉnh này sang tỉnh nọ trên biển. Chiếc tàu này chở rất nhiều nhà Sư tu hành, trong đó có một Vị đã đắc đạo.
Khi tàu đi ra giữa biển khơi, được hai ba ngày thì tàu gặp bão. Vì bão nên tàu phải ghé vào một hòn đảo giữa biển để nghỉ một hai ngày.
Sau khi hết bão, tàu tiếp tục đi và ra khơi lại. Nhưng lượng lương thực theo như dự kiến đã dần cạn kiệt.
Vị cao tăng đắc đạo trên tàu là người tu hạnh đầu đà. Ngài chỉ ăn ngày một buổi, không quá ngọ, và chỉ ngủ ngồi, cả đời không nằm.
Bữa trưa hôm đó Ngài đã dùng bữa. Và đến chiều mọi người dùng bữa, nhưng Ngài không dùng, vì Ngài chỉ ăn ngày một bữa.
Tuy nhiên, khi mọi người dùng xong, trong nồi vẫn còn dư hai bát mì. Và người nấu bếp định đổ chúng xuống biển.
Nhìn thấy vậy, Vị cao tăng kêu người nấu bếp lại và nói cho Ngài hai bát mì đó. Và thế là Ngài ăn luôn hai bát mì đó.
Rõ ràng ta thấy trên luật là phạm giới, tuy nhiên với Ngài lúc này lại là không. Vì Ngài không có tâm hưởng thụ và vì hoàn cảnh đang hết lương thực.
Tuy nhiên, khi không giữ giới, ta cần cân nhắc rất cẩn thận, đắn đo suy nghĩ kĩ lưỡng. Nếu không ta sẽ bị phạm giới, chứ không phải giới cấm thủ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày