Làm quen với không gian của Biết
Biết, tự nó có cái hay ở chỗ là không đòi hỏi phải sửa gì cả, chỉ cần con Biết thôi. Đấy gọi là tu dưỡng, tu dưỡng một điều vô cùng đúng – đó là khả năng biết. Nếu con làm quen, làm nhiều lần, làm nhiều năm, dần dần bắt đầu có một sự kỳ diệu xảy ra là con không cần phải sửa nữa, mà vẫn ổn.
Biết cái bất ổn – bản thân nó chính là ổn. Dần dần khi con làm như vậy, bên trong con bắt đầu nuôi dưỡng cái gọi là không gian của Biết. Bên trong đấy dù mọi thứ bão giông xảy ra thì không gian vẫn không sao cả. Con nuôi dưỡng đủ lâu thì không gian này bắt đầu to lên, vững vàng lên, nó bắt đầu không suy chuyển dù buồn, dù khó chịu, dù bực bội… xảy đến.
Con nuôi dưỡng không gian của Biết đủ lâu thì nó bắt đầu đứng vững trước các cơn buồn, cơn khó chịu, bực bội… mà con không cần phải làm cái gì cái buồn, khó chịu, bực bội… đấy cả. Giống như mặt gương, khi một cơn bão hiện ra thì mặt gương không bị sao cả. Nếu con tự trách chính mình con chỉ cần biết đang tự trách chính mình thôi. Cái Biết đấy không hề bị suy chuyển tý nào, dù con tự trách chính mình. Con trách chính mình gấp 100 lần đi nữa thì Biết vẫn thế. Đấy là cái các con cần nuôi dưỡng!
Con nuôi dưỡng 2-3 năm, con bắt đầu cảm thấy có một không gian bên trong, mà nó hứng chịu được mọi cơn bão. Con có lên cơn trầm cảm, lên cơn muốn tự tử… tất cả các loại cơn thì đổ vào không gian Biết đấy cũng chẳng sao cả. Vì nó biết. Biết là xong mà không cần đòi hỏi phải hết cơn đấy thì mới hết, mà biết cơn đấy là xong. Giống như không gian bao la này, con nổ trăm quả bom thì không gian không bi suy chuyển, đất đá xới tung hết lên, nhưng không gian không bị sao cả, nó vẫn giữ nguyên hình dáng, đúng không? Không gian mà, nó chẳng ảnh hưởng gì.
Đấy! Các con cần kiên trì nuôi dưỡng không gian Biết, Khi có chuyện thì Biết. Mình không cần biến mình thành cái phải là nữa, mình chấp nhận mình là cái mình đang là. Nhưng cái đang là đấy đi kèm với cái Biết. Cái đang là ngày xưa mà không gặp Thầy không có Biết ở đấy. Nó điên thì điên, khổ thì khổ, khóc lóc thì khóc lóc thôi nhưng bây giờ khổ thì biết khổ, điên thì biết là đang có cảm giác điên lên đây… Đấy là con đường tu dưỡng!
Trong Suốt
– Trích buổi nói chuyện “Tu dưỡng không gian Biết chứ không phải tu sửa” [Buổi 6] HN 2020.07.01
BIẾT NHƯ KHÔNG GIAN ÔM TRỌN MỌI THỨ
Khi những trận trận cuồng phong của cảm xúc đến, con cho phép nó xảy ra, con chỉ cần làm một việc duy nhất là Biết. Cơn cuồng phong nào rồi cũng qua đi để lại một bầu trời trong trẻo. Khi trong trẻo rồi, sáng suốt rồi thì thường quyết định của mình sẽ đúng chánh kiến hơn, gần chánh kiến hơn. Còn con lại ở trong cuồng phong rồi chống lại cuồng phong thì quay cuồng ngay, đúng không?Biết cuồng phong là cách để cuồng phong không làm hại được con. Nó rất cuồng loạn nhưng nó đến rồi sẽ đi. Khi bắt đầu trong trẻo ra mình bắt đầu mới đem chánh kiến vào, đem chánh kiến vào soi xem cái gì trong cái đống cuồng phong này.
Lúc đó, bên trong con bắt đầu có một khoảng không gian, con có một khoảng trống để bình tĩnh xem. Tập xong một một thời gian con sẽ thấy khoảng trống bên trong, bên trong mình có một khoảng tĩnh lặng hơn hơn. Còn nếu con tập ít thì thói quen con sống vẫn chạy theo tiêu cực đấy thì sẽ mong manh lắm. Con tập nhiều lên, cái này đơn vị phải đo bằng năm. Khi tập đến đơn vị phải năm, bên trong con mới có khoảng trống, con cho phép cuồng phong xảy ra rồi tan ngay bên trong con, lúc đầu con chạy theo cuồng phong, đánh nhau với cuồng phong nhưng dần dần biết chính là khoảng cách. Biết giống như không gian, ôm trọn lấy mọi thứ và nó chẳng đánh nhau với cái gì.
Không gian này có từ chối cái gì không? Bảo không được có bão, chỉ có ánh nắng được không? Hay nó ôm trọn mọi thứ? Cái Biết nó giống như không gian. Con bắt đầu có cảm giác mình giống không gian
Các con không nên tập như kiểu có một suy nghĩ là xông vào đánh nó, đuổi nó đi. Con cứ biết đã, chuyện gì cũng trôi qua. Khi trôi qua xong thì chánh kiến đến. Ngày xưa các con là có một suy nghĩ đến là con chạy theo, làm theo nó ngay. Bây giờ con biết nó, biết chính là con có khoảng cách, giống như con biết cái điện thoại này thì con con phải có khoảng cách với nó.
Khi con biết một cái gì đó nghĩa là con đã có khoảng cách với nó rồi. Con chưa biết, khả năng cao là con đang dính chặt vào nó. Nó đến mình xông vào đánh, đuổi nó đi, nghĩa là gì mình không biết suy nghĩ đấy, nghĩa là mình đã dính chặt vào suy nghĩ đấy. Khi con nhìn một suy nghĩ tiêu cực nghĩa là con đã có khoảng cách với nó rồi. Vậy nếu con không nhìn rõ thì ngày xưa là cứ đánh nhau, cứ mãi cưỡi trên suy nghĩ A sang suy nghĩ B. Xong bây giờ mình có khoảng cách như thế này rồi làm sao nó làm hại được mình nữa. Nên pháp Biết này rất là quan trọng!
– Trích buổi nói chuyện với lớp Trầm cảm, buổi 5 ngày 18.01.2020 HN
BIẾT HƠI THỞ – CÁCH ĐỂ NHỚ KHÔNG GIAN CỦA BIẾT ĐANG Ở ĐÂY
Một học trò trầm cảm hỏi:
Thưa Thầy, có những lúc con không định tâm được để tập BIết thì mình làm thế nào ạ?
Thầy Trong Suốt:
Trầm cảm xảy ra ở suy nghĩ hay xảy ra ở Biết? Biết nó có trầm cảm không? Cái Biết có bị trầm cảm đi hay hưng cảm lên được không?
Biết không trầm cảm, hưng cảm, không bị ảnh hưởng bởi trầm cảm hay hưng cảm hay bất cứ cái gì cả. Không gian của Biết bằng nhau ở một người tâm thần hay một người thường. Môn Biết là môn cần cần cù, con tập Biết nhiều lên, con thấy rằng không gian của Biết lúc nào cũng ở đây, là cái thực sự có thật. Còn những thứ đi qua đi lại này thì không luôn ở đây. Dần dần con thấy là những thứ này không quan trọng nữa, cái Biết quan trọng hơn.
Vì vậy một cách rất quan trọng để nhắc là tập thói quen biết hơi thở. Biết hơi thở vừa dễ vừa tạo cho mình cách nhắc. Không gian của Biết hiển lộ rõ ràng hơn với con khi con biết hơi thở. Tất cả các con nên tập biết hơi thở, bằng cách hít vào, niệm “Om Ma Ni”, thở ra niệm “Pê Mê Hung”. Nếu con biết hơi thở thì không gian của Biết mở rộng dần ra. Đấy là lý do hít vào “Om Ma Ni”, thở ra “Pê Mê Hung”, con làm đúng như vậy là tốt nhất.
Nếu con không làm được như vậy thì con tìm cách nào đó không niệm “Om Ma Ni”, vì nhiều bạn bảo là hít thở “Om Ma Ni Pê Mê Hung” khó quá, thì tìm cách nào chỉ biết hơi thở thôi, mà không cần niệm “Om Ma Ni Pê Mê Hung”. Nếu con không tập được thì con cải biến cách đấy sao cho vẫn biết được hơi thở, mà không cần hít thở “Om Ma Ni”. Vì lý do chính của Pháp đấy không phải là câu thần chú, mà làm cho con lúc nào cũng biết hơi thở, hít vào thở ra đều biết, tâm con đang ở đây, đầy nhận biết. Đấy gọi là biết hơi thở.
Đấy là cách căn bản mở rộng không gian của Biết. Và không gian của Biết mở rộng từ từ, cứ nhích dần từng tý một chứ không ngay lập tức được. Sẽ có nhiều lúc con rối loạn quá, mình không làm được, tập được, thì thói quen biết hơi thở sẽ giúp con. Lúc đấy chỉ cần biết hơi thở thôi, thế là không gian Biết xuất hiện trở lại, lại mở rộng ra.
-Trích buổi nói chuyện Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết (HN, 21.12.2020)