Không thể hiểu vẫn yêu trọn vẹn…
Ở Israel có 1 biển hồ Galilee (Ga-li-lê), là hồ nước ngọt rất lớn nằm giữa sa mạc. Nếu đi du lịch đến đó, bạn nên ăn 1 loại cá gọi là cá thánh Peter, mang tên thánh Peter – một người đã giúp chúa Jesus trong thời gian bị truy lùng ở đây.
Trên một phiến đá, còn khắc câu nói “I don’t understand you, but I trust you” của thánh Peter, ông ban đầu chỉ là một người đánh cá (nuôi cá) bình thường nhưng có niềm tin mãnh liệt vào người khác. Khi có người hỏi, sao ông không thấy mà đã tin? ông trả lời “có cái người đặc biệt họ làm, họ nói, với trình của mình chưa giải thích được, mình suy diễn theo ý mình thì giống như trẻ con ngồi luận anh hùng. Thì thôi, tôi không thắc mắc làm gì. I dont understand him, but I trust him”. Người đời sau phong ông Peter là thánh, vì đức tin lớn vào sự thánh thiện của con người.
Có thể chúng ta chưa đủ trình để hiểu người vĩ đại, hoặc nhận thức khác biệt, nhưng niềm tin, một khi đã tin thì nên trọn vẹn. Một là tin, hai là không tin. Đừng có “hơi tin tin”, “không tin lắm”. Người thập thò về tư duy vậy không thể làm nên đại nghiệp gì.
Đã tin là tin, đừng hỏi tại sao, hãy chứng minh để tôi tin. Có thể chúng ta tin rồi bị bội tín, còn hơn là chẳng bao giờ tin người. Khi lòng chúng ta lăn tăn về sự tin tưởng, chúng ta còn cái tôi quá lớn và phòng thủ quá nhiều. Nếu lòng tin đặt đúng chỗ, chúng ta sẽ có thành quả. Nếu lòng tin đặt sai, chúng ta có trải nghiệm, có bài học, có sự trưởng thành. Còn không có lòng tin, sẽ không có gì cả. Phỏng vấn hay nói chuyện với 1 người, thấy họ không có lòng tin sâu sắc thì thôi, không nên mời đi cùng mình trên con đường chinh phục ước mơ, vì nửa chừng họ sẽ bỏ cuộc.
Những người có trí tuệ sâu sắc, thường có niềm tin rất mãnh liệt về một việc gì đó hoặc 1 vài người nào đó, mà chính họ cũng không hiểu tại sao. Vốn dĩ, lòng tin không thể mổ xẻ, không phải là toán học để đủ 3-4 dữ liệu (facts) thì kết luận một vấn đề. Lòng tin, đơn giản chỉ là trực giác (intuition).
Ở sân trường ĐH Tokyo, nơi chuyên đào tạo tinh hoa cho nước Nhật, có 1 câu rất hay là “Ai có lòng tin mới đi đến tận cùng của 1 ước mơ”. Trên đời, chưa ai làm tốt được mà không có lòng tin trọn vẹn vào việc mình làm, đối với người mình làm chung. Chưa ai làm tốt được nếu thiếu sự phụng sự và dâng hiến, vốn là cơ bản để xây dựng 1 lòng tin. Có tin thì người ta mới dấn thân, mới xả thân được.
Mọi nhà khoa học vĩ đại trên trái đất xưa nay, mọi doanh nhân/danh nhân lớn tầm thế giới, những người lưu truyền sử xanh….đều có 1 niềm tin lớn, có thể gọi là đức tin. Tin vào lý tưởng mình sống, tin vào con đường mình đi…chứ không phải “chỉ nên tin vào bản thân mình” như trí khôn trong sách của người Trung Hoa cổ đại. Nếu chỉ tin vô bản thân mình, sẽ hình thành cái tôi rất lớn, rất khó hoà hợp và làm việc tập thể, không có người đồng hành. Một đời cô độc vì không có tri kỷ, tri âm.
Đề văn này rất hay chứng tỏ người ra đề rất có trình độ. Đề thi Văn nên bỏ việc ra đề theo sách giáo khoa, vì sách giáo khoa chỉ là các bài mẫu để tập phân tích hay cảm thụ. Khi ra đề thi, phải là 1 ví dụ hoàn toàn mới để học sinh tự tư duy. Ai không tư duy được thì không nên công nhận là có kiến thức phổ thông, vì ra đời, bất hạnh cho ai trí tuệ không phù hợp với bằng cấp có được.
Đề Văn “Không thể hiểu vẫn yêu trọn vẹn”
Có thể không thể lý giải được vì sao cha mẹ, anh chị, bạn bè…. lại suy nghĩ, hành động như thế. Nhưng điều đó sẽ không là lý do, giới hạn của tình yêu thương. Một thông điệp về tình yêu mạnh mẽ, sâu sắc, cởi mở được đưa vào đề thi Văn học sinh giỏi lớp 9 của TPHCM năm trước (13/3/2019)
Cụ thể, câu 1 của đề trích những câu trong cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo” của tác giả Hae Min:
Có thể bạn không tài nào hiểu được
Tại sao cha mẹ mình, anh chị em mình, bạn bè mình, …
Lại suy nghĩ và hành động như thế.
Nhưng cho dù bạn không thể hiểu họ
Và không vừa lòng với những điều họ làm
Bạn vẫn có thể yêu thương họ thật lòng.
Vì tình yêu thực sự
Vượt qua mọi hiểu biết của con người.
(…)
Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn
mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn.
Từ đó, đề yêu cầu: “Em có đồng ý với suy nghĩ “Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn” không? Hãy viết bài văn trình bày câu trả lời của em.
Theo đánh giá của nhiều người, người ra đề đã chọn dữ liệu nhẹ nhàng nhưng đắt giá. Những câu trích trên chứa đựng đầy triết lý về tình yêu nhưng cũng rất dễ hiểu, đặt con người ở tâm thế không nhất thiết yêu cầu mình phải hiểu hết mọi người, hiểu hết mọi hành động, suy nghĩ của người thân mới có thể trao yêu thương.
Trong tình yêu thương, còn cần ở mỗi người sự bao dung, tôn trọng, thông cảm sự khác biệt và lựa chọn của người khác…
Hay giản dị hơn, một giáo viên dạy Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cho rằng trong cuộc sống, thấy một mảnh đời cơ cực trên đường, có thể em không hiểu hết, không biết hết hoàn cảnh của người đó. Nhưng điều đó không thể ngăn các em yêu thương, chia sẻ thật lòng, trọn vẹn.
Tuy nhiên, giáo viên này cũng phân tích thêm, đề không áp đặt các em phải đồng tình với những câu trích trên. Học sinh hoàn toàn có thể phản biện lại, nêu quan điểm “tôi phải hiểu tôi mới yêu”. Miễn sao các em đưa ra được dẫn chứng, lập luận bảo vệ quan điểm đó.
Yêu thương nhau trọn vẹn, xét cho cùng, chính là đạt đến sự hài hòa về cảm xúc, suy nghĩ, cách sống giữa ta và người khác. Điều kiện để tạo nên sự hài hòa ấy chính là “hiểu nhau”. Nhờ “hiểu nhau”, ta và người khác đều dần hoàn thiện mình hơn, sửa chữa sai lầm của bản thân, hướng về điều chân – thiện – mỹ của cuộc sống.
Ở phần làm văn, đề trích trong tác phẩm Dagestan của tôi, tác giả người Nga Rasul Gamzatov:
Có những câu thơ hay nhất trong bài thơ:
Nếu bài thơ là cánh đồng thì chúng là lúa mọc trong đó,
Nếu bài thơ là chiếc dây lưng thì chúng là con dao găm đeo ở đó,
Nếu bài thơ là con chim thì chúng là đôi cánh chim,
Nếu bài thơ là con nai đứng trên vách đá thì chúng là đôi mắt nai
trông về phía xa …
Từ những gợi ý trên và những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ, đề yêu cầu thí sinh hãy viết bài văn về những câu thơ hay nhất trong bài thơ.
Một giáo viên ở TPHCM đánh giá, đề thi rất hay, phù hợp với kỳ thi tìm kiếm học sinh giỏi Văn. Qua đề có thể thấy người ra đề là người đọc rất nhiều, chọn lọc những chất liệu cực tốt mang ý nghĩa văn học, giáo dục.
Cách đặt vấn đề rất tư duy, không gò bó, không áp đặt mà tạo độ mở rất lớn cho học sinh thể hiện tình cảm, quan điểm, cách nhìn, đánh giá của mình.
Đề dễ hiểu, không đánh đố, không khó. Tuy nhiên, để làm được bài tốt yêu cầu thí sinh phải có nhiều “vốn” về văn học, giàu tình cảm, thể hiện được suy nghĩ trưởng thành và sâu sắc…
Hoài Nam
Xem thêm :
Tôi chọn tôi dại khờ (tản mạn về lòng tin và đức tin)