CÁCH THỨC THIỀN HÀNH CĂN BẢN
Trong các pháp tu thực hành, nhằm kiểm soát cái Tâm, duy trì được chánh niệm, giữ gìn được trạng thái tỉnh thức, biết rõ, phát triển được trí tuệ, nhắm đến sự khai ngộ.
Thì có một phương pháp thực hành rất quan trọng mà một người tu không nên quên, hay bỏ qua. Đó chính là pháp thiền hành, hay kinh hành là hành thiền trong trạng thái thân động, thân di chuyển.
Câu chuyện thiền hành của Thầy tôi
Tôi nhớ có một lần nọ Thầy tôi kể, khi Ngài cùng một vài đệ tử vào sống và thiền định trong rừng.
Thời gian tu trong rừng chủ yếu của Ngài và các đệ tử là thiền tọa (ngồi thiền) và thiền hành (thiền khi đi).
Khi Ngài cùng những đệ tử đang đi thiền hành trên một đoạn đường trong rừng thì nhiều người dân chưa hiểu đạo họ quan sát, rồi chê cười những Vị Sư đang đi tới, đi lui hoài trên một con đường.
Họ nói :
« Ôi, mấy Ông Sư, bộ không có việc gì làm hay sao mà cứ đi tới rồi đi lui thế ».
Thậm chí nhiều người dân còn nghĩ là những Vị Sư này người không bình thường nữa chứ!
Đây phải nói là một sự nhìn nhận và đánh giá rất hời hợt và sai lầm. Trong khi những Vị Sư đang đi kinh hành lúc đó, lại có cả Sư Phụ, lúc đó Ngài đã khai ngộ, chứng đạo.
Nên nếu ta đánh giá nhầm, nhìn nhận, phát ngôn sai về một Bậc đã tu chứng thì tội trở nên rất nặng mà rất khó để sám hối cho hết được.
Điểm này, chúng ta cần hết sức chú ý.
Trở lại với bài học thiền hành như tôi đã nói ở trên.
Mỗi ngày Quí Vị nên dành thời gian ra để đi thiền hành, sau thời gian thiền tọa.
Đây là phương pháp thực hành tu rất căn bản của một người tu, để kiểm soát cho được cái Tâm mình, phát triển được trí tuệ.
Ở những bài trước tôi đã đề cập đến việc tọa thiền, nghĩa là thiền định trong tư thế ngồi cố định, bất động một chỗ.
Nay thì tôi sẽ đề cập đến việc hành thiền, tức thiền định khi cơ thể đang cử động, đang di chuyển, và cả trong quá trình chúng ta làm việc luôn…….
Một hành giả tu thiền định được gọi là đầy đủ của pháp hành, thì phải thiền cả trong lúc ngồi tĩnh tọa, và cả trong lúc cơ thể đang vận động, làm việc luôn.
Do vậy, nếu Vị nào còn khiếm khuyết, trước giờ công phu mà chưa có phần đi thiền hành thì nên thêm vào thời khóa, trong mỗi lần thực tập.
Ngài Lục Tổ đã từng nói rằng :
” Đạo do tâm ngộ bất tại tọa “
Câu này chúng ta có thể hiểu là :
Nếu mình chấp cứng vào quan niệm cho rằng :
” Phải ngồi thiền thì mới ngộ đạo được, hay ngộ đạo phải trong lúc đang ngồi thiền “.
Nếu chấp cứng nhắc cố hữu vậy thì không đúng.
Vì khi một hành giả tu thiền, họ có thể sẽ dụng công trong nhiều tư thế như đi đứng ngồi nằm, mọi thời mọi lúc, và sự ngộ đạo có thể đến bất cứ thời gian nào, chứ không phải chỉ đến lúc đang ngồi.
Như có Vị Sư kia khi đang đi ra chợ, nghe người bán thịt nói một câu mà hốt nhiên đại ngộ, chứng đạo.
Hay có Vị Sư kia, khi nghe một Phật tử tụng một câu kinh, mà cũng hốt nhiên tỏ ngộ.
Hoặc có Vị, đang cầm trên tay cây đèn dầu, bỗng gặp gió thổi, làm đèn dầu bị tắt, ngay giây phút ấy Ngài cũng hốt nhiên đại ngộ.
…………
Rõ ràng sự ngộ đạo sẽ đến bất cứ lúc nào, nếu căn cơ người ấy đã thuần thục trong pháp hành.
Nhưng các vị cũng không được chấp vào câu nói của Ngài Lục Tổ mà phủ nhận việc ngồi thiền.
Vì ngồi thiền rất là quan trọng, đặc biệt là ngồi trong tư thế kiết già tỉnh tọa, tư thế này sẽ giúp cho việc nhiếp tâm trở nên dễ hơn, và cũng đồng thời giúp cho việc thực tập chánh niệm, mồi ngọn lửa chánh niệm tỉnh thức trong từng giây phút được tốt hơn, dù sau đó các vị đã xả thiền rồi.
Thôi chúng ta đi vào
Cách thực tập thiền hành:
* Chúng ta sẽ chọn cách đi thiền hành để thực tập trước :
Các vị có thể mặc quần áo trang nghiêm, như áo lam đi chùa chẳng hạn.
Chọn một khu vực kín đáo ít người thấy, để chúng ta tập đi, có thể là một căn phòng, một nhà kho bỏ hoang ít ai lui tới.
Cách đi như sau :
- Có thể chân không, bỏ dép ra, như vậy sẽ dễ cảm nhận được cảm giác mát của bàn chân khi tiếp xúc với mặt đất.
- Hai tay thả lỏng xuống, xuôi theo chân, mà không cần chắp tay trước ngực.
- Chúng ta bước đi nhẹ nhàng, thảnh thơi, thở bình thường tự nhiên, hai tay không nên đánh quá xa quá mạnh.
- Khi đi, tâm chú ý thật chăm chú để ý quan sát toàn thân và từng cử động của chúng. Lúc này sự dụng công quan trọng nhất là ở tâm ý, tâm cần chú ý vào các động tác của bước chân.
- Như khi bàn chân nhấc lên nhẹ, rồi đặt xuống, ta cảm nhận cái mát, rồi từ mát lúc ta nhấc lên thì hết mát chân này, nhưng lại mát chân kia.
- Để ý xem chân nhấc lên, chân đặt xuống, biết rõ cảm giác chân đang mát do tiếp xúc xuống nền gạch, hay bị nhám khi tiếp xúc xuống đất sỏi, cát,… Lỡ ta đi trên đường đất, đất có nhám hay cấn, ta biết là đang nhám, cấn, hay đang bị đau.
- Từng bước, từng bước, đi thật nhẹ, thật nhẹ, tâm luôn giữ sự quan sát một cách cẩn trọng. Giống như hình ảnh con nhện đang quan sát con mồi vậy.
- Hai tay đang đung đưa, ta cũng biết rõ, đầu đang cúi hay đang xoay qua, xoay lại ta cũng biết rõ. Nhưng khi đi thì rất hạn chế, đừng nhìn sang hai bên, nên nhìn thẳng trên con đường đi.
- Các vị phải chú ý thật rõ biết rõ chính mình, biết rõ thân đang cử động như thế, biết càng rõ mà không bị những tư tưởng khác cuốn đi, thì càng tốt, vì nó chứng tỏ quý vị đang có chánh niệm, tỉnh giác.
- Quá trình theo dõi này quý vị thực hiện liên tục lúc mình đang đi. Khi đang đi, bỗng có lúc Quí Vị dừng lại một chút, thì tâm vẫn cố gắng ghi nhận rằng thân đang dừng lại.
- Theo dõi một cách hết sức khách quan, giống như mèo đang rình chuột vậy.
- Trong suốt buổi thiền hành ta luyện tập như vậy. Tùy vào thời gian mà quý vị dự định đi thiền hành trong bao nhiêu, thì chúng ta sẽ thực tập bấy nhiêu. Có thể là 10 phút, 20 phút, hay 30 phút,…….
- Khi hết thời gian thì quý vị có thể dừng, và bắt đầu hồi hướng công đức và kết thúc thời khóa tu.
Nếu quá trình này quý vị thực tập được thuần thục, thì sự chú tâm sẽ bắt đầu được diễn ra ở những lúc quý vị không có thực tập, như lúc đang làm việc, đang giặt đồ đang nấu nướng, đang đi tản bộ, hay đang ngồi uống nước trò chuyện,….
Thì sự chú tâm cũng sẽ có mặt ở những thời khắc ấy.
Tuy nhiên nếu sức chánh niệm tỉnh giác của quý vị còn yếu, thì sẽ có lúc quên, quý vị không còn nhớ mình đang hành thiền nữa.
Vì nếu Quí Vị lơ lỏng, không duy trì được sự chú tâm, thì rất dễ rơi vào trạng thái thất niệm, hay mất chánh niệm., nghĩa là tâm bị sao lãng, bị những ý nghĩ quẩn vơ của cuộc sống chen vào, tâm lúc ấy bị mù mịt, bị tăm tối, vô minh.
Mà vô minh, không sáng suốt thì dễ tạo nghiệp mà không biết.
Tạo nghiệp mà không biết thì sẽ dẫn đến đọa lạc, khổ đau.
Do vậy, việc duy trì Tâm chánh niệm, giữ một vai trò rất quan trọng, nhằm giúp ta kiểm soát được dòng nghiệp của chính mình.
Nên nếu một người tu tập tinh tấn, thì họ sẽ có thể dụng công bất cứ nơi đâu, mà người bên ngoài rất khó biết được rằng họ đang tu.
Đang ăn cũng tu được, đang ngồi nói chuyện cũng dụng công được, đang làm việc cũng tu được,…Sự giám sát chặt chẽ của tâm với cái thân là 24/24 không một phút lơ lỏng.
Như sau khi hết đi, mà ngồi nghỉ thì ta cũng hành thiền được. Vì cái biết luôn có mọi nơi, dù Quí Vị đang đi hay đang ngồi, thậm chí đang nằm.
Lắng tâm trở lại quan sát chính mình, xem tâm mình đang ở trạng thái nào.
Nghĩa là một Bậc tu chân chính luôn dụng công ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy lấy chánh điện, hay nơi có đặt tọa cụ để tĩnh tọa là nơi tu chính hằng ngày.
Nhưng khi rời vị trí tĩnh tọa , tâm các Ngài đều không rời vị trí quan sát. Mà luôn tĩnh giác, lắng Tâm quan sát từng cử động của cơ thể. Thông qua việc quan sát gián tiếp từng cử động của cơ thể, thì từng tâm niệm, từng ý nghĩ cũng bị theo dõi.
Đây là một yếu chỉ rất quan trọng.
Thành tựu được chánh niệm, mới có thể giúp ta thành tựu được chánh định (trong Bát Chánh Đạo).
Người mà tu, dụng công được như thế, thì đây chính là những đệ tử ưu tú của Đức Phật rồi.
(Vì trong từng giây phút họ đã ứng dụng giáo pháp vào việc thực hành, thì cũng chính là họ đang niệm Phật rồi, vì niệm chính là nhớ, là nghĩ mà).
Chúc quý vị luôn tinh tấn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa