Phước điền là gì?
Phước điền rất nhiều, hay nói cách khác, cơ duyên tu phước quá nhiều quá rộng. Phước điền nhà Phật là vô lượng, được quy nạp thành ba loại lớn.
Loại thứ nhất gọi là “Bi điền”, từ bi, lân mẫn tất cả chúng sanh bần cùng khổ nạn. Vậy chúng ta muốn hỏi, những ai là chúng sanh bần cùng khổ nạn? Chúng sanh trong mười pháp giới đều là bần cùng khổ nạn. Bạn không nên cho rằng người hiện tiền không có cơm ăn, không có quần áo mặc là người bần cùng khổ nạn; còn người hiện tại có phước báo, ở phòng ốc rất tốt, đời sống rất dư giả thì là người không nghèo cùng. Họ cũng nghèo cùng như nhau, họ nghèo cùng chỗ nào vậy? Họ nghèo cùng ở trí tuệ, không có trí tuệ là nghèo cùng, hay nói cách khác, đời sống vật chất họ có thể trải qua được, nhưng đời sống tinh thần của họ rất khổ. Cho nên có loại nghèo cùng trên vật chất, có nghèo cùng trên tinh thần, có nghèo cùng trên đạo nghiệp, có nghèo cùng trên trí tuệ, phạm vi nghèo cùng thì quá rộng quá lớn. Ngày nay chúng ta nói năng lực kỹ thuật không thể so sánh với người khác đều là nghèo cùng, đều là lạc hậu, vậy mới biết được phạm vi nghèo cùng sâu rộng vô hạn. Bồ Tát thấy được, đại từ đại bi giúp đỡ họ, đó gọi là trồng phước, cho nên đó là phước điền. Phương pháp trồng phước điền cũng rất nhiều. Bạn không có trí tuệ thì bạn không biết được làm thế nào để tu phước. Bạn phải có trí tuệ, bạn liền thật biết được mỗi giờ đều là giờ để tu phước, nơi nơi đều là chỗ để tu phước báo. Chúng ta quay đầu nhìn lại thế gian hiện tại này, tình hình nghèo cùng của người thế gian hiện nay một người căn tánh trung hạ đều có thể rất rõ ràng quan sát được. Tu phước đến nơi nào để tu? Chính mình phải nên rõ ràng, làm thế nào cứu giúp tất cả chúng sanh khổ nạn nghèo cùng của thế giới.
Loại điền thứ hai gọi là “Ân điền”. Ân điền là báo ân. Người nào có ân với chúng ta vậy? Thứ nhất là cha mẹ. Ân cha mẹ nhất định phải báo đáp. Báo đáp ân cha mẹ là trồng phước điền. Thứ hai là thầy giáo. Sinh mạng của chúng ta có được là nhờ ở cha mẹ. Trí tuệ của chúng ta, nhà Phật nói “pháp thân huệ mạng” có được là nhờ thầy giáo. Ân đức của thầy giáo cùng với cha mẹ không hề khác nhau, ở trong cổ lễ Trung Quốc đã nói rất nhiều. Thời hiện tại không có hiếu đạo, cho nên sư đạo cũng không có. Sư đạo là xây dựng ở trên nền tảng của hiếu đạo. Phật pháp là sư đạo, chúng ta gọi Thích Ca Mâu Ni Phật là “Bổn sư”. Bổn sư chính là thầy giáo sáng lập đầu tiên. Giáo dục Phật Đà là từ nơi Ngài sáng lập, chúng ta gọi Ngài là thầy giáo căn bản, người sáng lập đầu tiên. Chúng ta mỗi niệm không quên đối với Ngài. Giảng đường của chúng ta muốn cúng dường tượng Phật, cúng dường hình tượng thầy giáo, ý nghĩa chính là báo ân, không quên nguồn gốc. Chúng ta ở nơi đây làm công tác giảng giải, cùng với đồng tu cùng nhau học tập kinh điển cũng giống y như ở ngay trước mặt Phật vậy, Phật Bồ Tát làm chứng minh cho chúng ta, chúng ta biểu đạt một chút lòng thành kính này, đó là báo ân, là trồng phước điền. Ngoài thầy giáo và cha mẹ ra, chư Phật Bồ Tát, Tổ sư đại đức, tất cả thiện tri thức đều là ân điền. Lại mở rộng lớn hơn, quốc gia có ân đức bảo hộ hoàn cảnh đời sống của chúng ta được an ninh, tất cả chúng sanh có ân đức hỗ trợ hợp tác cúng dường đời sống thường ngày cho chúng ta. Đây chính là câu “trên đền bốn ân nặng” trong kệ hồi hướng mà thường ngày chúng ta đọc. Tất cả chúng sanh đều có ân đức với chúng ta, đó là ân điền.
Loại thứ ba chỉ riêng nêu ra Tam Bảo. Phật Pháp Tăng – Tam Bảo không chỉ có ân đức với chúng ta, các Ngài còn là ruộng công đức, nên gọi là “đức điền”, đó là chuyên chỉ Tam Bảo. Tam Bảo có đại trí tuệ, đại đức, đại năng, giáo hóa tất cả chúng sanh. Cho nên, chúng ta đến nơi đâu để trồng phước điền? Phải nên biết đi đến những nơi này để trồng phước. Cho dù năng lực của chúng ta không đạt đến, nhưng không thể không có tâm, nên gọi là “tâm có thừa mà sức không đủ”, đó không phải là không có tâm, mà là sức của chúng ta không đạt đến được. Nếu như có tâm và có năng lực thì nhất định phải làm, không phải ở nơi đó khởi vọng tưởng khống, mà thật có cái tâm này, thật muốn đi làm. Mọi người xem thấy ở trên báo, hiện tại ở Đại Lục nạn nước rất nghiêm trọng. Năm xưa, mỗi một lần bị nạn nước, chúng ta luôn tận tâm tận lực quyên một số tiền để giúp đỡ những cư dân khu vực tai nạn. Năm nay khu vực tai nạn mở rộng, đồng thời lại bị ảnh hưởng kinh tế, khiến cho chúng ta xem thấy tai nạn lớn này chân thật là không biết làm thế nào.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10 – tập 18
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
8 – Bát phước điền
Bát phước điền là tám ruộng phước, nếu ai ra công gieo trồng thì sẽ thu được phước lợi
Khoán lộ nghĩa tỉnh: Nghĩa là đào giếng bên con đường xa, để giúp người qua lại có nước dùng
Kiến tạo kiều lương: Sửa tạo lập cầu nơi bến sông đường sá bị nghẽn lối để giúp người qua lại
Bình trị hiểm ải: San lấp và mở đường ở những nơi quanh co, hiểm trở chật chội
Hiếu dưỡng phụ mẫu: Hết sức phụng dưỡng thuận theo ý thích của cha mẹ, để báo đáp ân sinh thành khó nhọc
Cung kính Tam Bảo: Là cung kính qui y ba ngôi Phật, Pháp,Tăng, ba ngôi báu này đầy đủ công đức lớn, cứu độ khắp quần sanh, vượt lên bờ giác.
Cấp sự bệnh nhân: Người bệnh hoạn thân đủ các khổ, thật đáng thương xót nên cung cấp cho họ thuốc thang và đồ vật cần dùng, khiến thân của họ điều hòa an lạc
Cứu tế bần cùng: Là khơi động lòng thương xót đối với người bần cùng đang bị thiếu thốn đói rét bức bách, nên tùy theo khả năng của mình mà cung cấp cho họ được đầy đủ.
Thiết vô già hội: Già hội là cùng khắp, là lập đại hội cùng khắp khiến cho những kẻ hồn phách chìm đắm nương nhờ nơi từ lực của Tam Bảo đều được thoát ly đường khổ mà vượt lên đường lành.
Trong Phạm Võng kinh (Bồ Tát giới kinh) dạy rằng trong tám phước điền, phước điền thăm nuôi bệnh là phước điền thứ nhất.
(Theo PHDS của Như Thọ – Nguyên Liên)
Kinh Trung A-Hàm – 127. Kinh Phước Điền
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người phước điền?”
Đức Thế Tôn dạy:
“Này Cư sĩ, ở đời có hai hạng người phước điền. Những hạng người nào là hai? Một là hạng học nhân, hai là hạng vô học nhân.
“Hạng hữu học có mười tám, hạng vô học có chín.
“Này Cư sĩ, mười tám hạng người hữu học là những ai? Là tín hành, pháp hành, tín giải thoát, kiến đảo, thân chứng, gia gia, nhất chủng, hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm, trung Bát-niết-bàn, sanh Bát-niết-bàn, hành Bát-niết-bàn, vô hành Bát-niết-bàn, thượng lưu sắc cứu cánh. Đó là mười tám hạng hữu học.
“Này Cư sĩ, chín hạng người vô học là những ai? Tư pháp, thăng tấn pháp, bất động pháp, thối pháp, bất thối pháp, hộ pháp, hộ tắc bất thối bất hộ tắc thối, thật trụ pháp, tuệ giải thoát, câu giải thoát. Đó là chín hạng vô học.”
Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng:
Học, Vô học trong đời,
Đáng tôn, đáng phụng kính;
Các ngài tu chánh thân,
Miệng, ý cũng chánh hành.
Ruộng tốt cho tại gia,
Cúng dường được phước lớn.
Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Phước điền y – Nguồn gốc và ý nghĩa của y cà sa
Có một lần Phật cùng thị giả A Nan đang đứng trên một đồi núi. Từ trên đồi nhìn xuống thung lũng, xóm làng, những thửa ruộng có hình ô vuông, hình chữ nhật thật đẹp, phong cảnh rất hữu tình.
Lúc đó Phật nói với ngài A nan :
Mỗi vị Tỳ kheo trong hàng đệ tử xuất gia của Như Lai như là những thửa ruộng màu mỡ và tươi tốt kia. Là ruộng phước điền vô giá để chúng sinh gieo vào.
Từ đó , chiếc áo cà sa may bên ngoài có hình dáng giống thửa ruộng hay còn gọi là phước điền y ra đời .
- Phước là phước báu.
- Điền là ruộng.
- Y là quần áo, y phục.
Và những vị xuất gia lâu, nhiều năm tuổi đạo, các Bậc cao tăng. Ta thấy áo cà sa các Ngài có nhiều ô vuông hơn là các Vị có ít năm tuổi đạo, những Vị mới tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
– Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Chiếc y cà sa của người xuất gia đệ tử Phật là một hình tượng cao đẹp, thoát tục. Nó không chỉ đơn thuần là một chiếc y che thân, mà là một biểu tượng thanh cao giải thoát của Phật giáo. Do vậy, y cà sa cũng được gọi là ‘áo giải thoát’ hay ‘phước điền y’.
Cà sa – tiếng Phạn là kasaya, Hán dịch kasaya là đạm – màu nhạt, hay còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn. Chữ kasaya không có ý nghĩa là y áo, y phục mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại, nên chiếc áo cà sa của người xuất gia đệ tử Phật mang biểu tượng cho sự giản dị và thô sơ.
Duyên khởi
Theo Luật Tạng, Tăng đoàn của Phật lúc ban đầu ăn mặc không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Theo Luật Tạng Đại Phẩm tập 2, “Vào lúc bấy giờ, các vị Tỷ kheo nhóm Lục sư mặc các y cà sa màu ngà voi chưa được cắt. Dân chúng phàn nàn, phê phán chê bai rằng: ‘Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy’. Các vị đã trình sự việc lên Đức Thế Tôn, ngài dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, không nên mặc các y chưa cắt; vị nào mặc thì phạm tội dukkata.”[1]
Đúng vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà đang du hành đến Dakkhināgira thuyết giảng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy những thửa ruộng lúa ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên ngắn, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau, chia cắt bởi những con đê tăm tắp, liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. “Này Ānanda, ngươi có khả năng tạo nên các y có kiểu mẫu như thế cho các vị Tỷ kheo không? Bạch Thế Tôn con có khả năng.”[2] Sau đó, Tôn giả A nanda đã tạo nên các mẫu y theo như lời dạy của đức Phật cho chư vị Tỷ kheo, và đã được đức Phật khen ngợi là người sáng trí, có đại trí tuệ, vì đã hiểu một cách đầy đủ những điều đã được đức Phật nói một cách vắn tắt. “A Nan Đa là người khéo léo, ngay cả trong lĩnh vực khâu vá! Một Sa môn đủ đức hạnh là người biết tự khâu vá mảnh y của mình, không để chỉ viềng bung ra, và không bao giờ bị chỉ trích là phí phạm vật dâng cúng của các hàng thiện nam tín nữ”[3] Sở dĩ Đức Phật dạy Tôn giả A Nan lấy hình mẫu những thửa ruộng làm điều tướng của Y là vi: “Quá khứ Chư Phật đều lấy hình thức thửa ruộng làm điều tướng của Y, từ đây về sau cũng phải y như vậy lấy hình thức này làm điều tướng của Ca Sa…”.
Trong Tăng Huy Ký có ghi: “Trong ruộng chứa nước, sanh trưởng mầm lúa, lấy gạo nuôi dưỡng thân mạng, còn Pháp Y là ruộng bởi thấm nhuận nước Tứ Tư Lương: 1. Phước Đức Tư Lương, tức thiện căn của việc Bố thí, Trì giới.v.v…hành 5 Pháp trong Lục Độ. 2. Trí Đức Tư Lương, tức do tu tập pháp thứ 6 trong lục độ, hành trì pháp chánh quán cho nên đắc được diệu trí. 3. Tiên Thế Tư Lương, do kiếp trước tu tập tích tụ thiện căn cho nên đời nầy có đầy đủ phước trí trang nghiêm. 4. Hiện Pháp Tư Lương, do công năng tu tập ở đời này mà được phước trí đầy đủ). Làm tăng trưởng mầm Tam Thiện (tức vô tham, vô sân, vô si, nhân đó mà sanh vô lượng thiện pháp) lấy các pháp đây làm chất dinh dưỡng để nuôi lớn Pháp Thân Huệ Mạng.
Chính vì lý do này mà trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn gọi là Cát triệt y hay Điền tướng y, mảnh áo mang hình những thửa ruộng, tượng trưng cho sự phong phú và hạnh phúc. Như vậy, hình mẫu chiếc y do ngài A nan thiết kế theo ý tưởng từ những ô thửa ruộng được đức Phật gợi ý đã trở thành hình mẫu chuẩn, từ đó về sau chư vị Tỷ kheo tuân thủ theo hình mẫu này để tạo y cho mình. Tức chiếc y đã được cắt ra từ những tấm vãi rồi ráp lại, đã được đức Phật cho phép: “Này các Tỷ kheo, ta cho phép y hai lớp đã được cắt ra, thượng y đã được cắt ra, nội y đã được cắt ra (rồi ráp lại).[4]
Nguồn gốc chiếc y cà sa còn được giải thích bằng một cách khác, đó là xưa kia, theo truyền thống Phật giáo, các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình nhuộm màu, chắp nối và may lấy áo để mặc. Bởi vậy. chiếc y cà sa mới mang hình của các mảnh vải vụn được ráp nối với nhau. Ngày nay, tại một số tu viện lớn ở Srilanka hay Miến Điện vẫn còn giữ được truyền thống đó. Điều đó cho thấy chiếc áo cà sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và giản dị nhất mà ta có thể tưởng tượng ra. Nhưng đồng thời điều đó cũng toát lên một ý nghĩa hết sức lớn lao của chiếc áo cà sa trong đạo Phật, đó là để nhắc nhở các nhà tu hành Phật giáo về tấm thân vô thường của họ tại thế gian. Do đó, trong Luật tạng ghi rằng: “Phật chế tam y câu dụng, thô sơ ma bố, thú mao tàm khẩu hại vật thương từ, y khả bất giới dư?” Nghĩa là Phật quy định rằng, Tỷ kheo chỉ có ba y là đủ, y được làm bằng vãi bố, thô sơ, không nên dùng các loại lụa là gấm vóc, không nên dùng vải bằng long thú, tơ tằm vì làm tổn thương đến sinh mạng thú vật, thể hiện tâm từ bi của người con Phật.
Phân loại y
Y cà sa được may theo hình chữ nhật, chia ra làm ba loại là tiểu, trung, đại. Tiểu y gọi là y An-đà-hội (Antaravasaka) là y mặc bên trong. Y An-đà-hội chỉ có 5 mảnh nên còn gọi là y ngũ điều, cả tấm y gồm mười miếng, cứ 1 miếng dài, 1 miếng ngắn ráp lại vào nhau theo chiều dọc gọi là một điều. Luật Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu gọi đây Ngũ y (pháp y 5 điều). Khi vị ấy đắp y này thì đọc câu kệ: “Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, nay tôi kính tiếp nhận, đời đời không rời bỏ.” Trung y gọi là y Uất-đa-la-tăng (Utarasangha) là y mặc ở trên y An-đà-hội. Y này gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, cứ 2 miếng dài thì 1 miếng ngắn ráp lại thành một điều. “Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, nay tôi kính tiếp nhận, đời đời thường khoác mặc.” Đại y gọi là y Tăng-già-lê (Sangati) là y đắp ngoài của chư tăng. Y này gồm 9 mảnh nên còn gọi là y cửu điều. Cả tấm y gồm 27 miếng, mỗi hàng hai miếng dài một miếng ngắn ráp lại gọi là một điều. Luật tạng cũng quy định, tùy theo cấp bậc và đạo hạnh mà chiếc y Tăng-già-lê có thể có từ 9 đến 25 điều. Những vị càng đạo cao đức trọng càng có tấm y Tăng-già-lê nhiều điều. Khi đắp y này thì niệm: “Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, phụng hành lịnh Như lai, hóa độ cho tất cả.”[5]
Cũng theo hệ thống Phật Giáo Bắc truyền, thì Y Ca Sa có 3 bậc: Thượng, Trung và Hạ, chia thành chín phẩm:
- – Bậc Hạ: từ y 9 điều đến 13 điều. Ba y này mỗi điều có 2 khoản dài, 1 khoản ngắn.
- – Bậc Trung: có y 15 điều đến 19 điều. Ba y này mỗi điều có 3 khoản dài, 1 khoản ngắn .
- – Bậc Thượng: từ 21 điều đến 25 điều.
Ba y này, mỗi điều có 4 khoản dài, 1 khoản ngắn. Dài nhiều ngắn ít, ý nói thêm Thánh bớt phàm. Y 25 điều tức là Y Bá nạp, vì trong 4 khoản dài, 1 khoản ngắn, tính ra có trên 100 miếng vải nhỏ nối ráp lại, nên cũng gọi Pháp y nầy là y Bá nạp cũng được.[6]
Nguyên nhân Phật chế Tam y câu dụng
Một lần Thế Tôn nhìn thấy nhiều vị Tỷ kheo ôm đồm với các chiếc y, có vị thì cuộn y trên đầu, có vị thì cuộn y ở vai, có vị thì cuộn y ở hông. Nhìn thấy như vậy đức Phật liền khởi lên việc xác định sự hạn chế về y, và nên quy định sự giới hạn về y cho các Tỷ kheo. Sau đó vào một đêm mồng tám giữa mùa đông, tuyết sa rất lạnh, đầu đêm Thế Tôn mặc chiếc áo nhập vào thiền có giác, có quán, đến lúc nửa đêm cảm thấy hơi lạnh, Thế Tôn bèn mặc chiếc áo thứ hai, nhưng đến cuối đêm, lại cảm thấy lạnh hơn, bèn mặc thêm chiếc áo thứ ba. Thế rồi, ngài suy nghĩ: “Các đệ tử của Ta chỉ cần mặc ba y (áo) là đủ ngăn ngừa những khi quá lạnh, quá nóng, đề phòng muỗi mòng, che khuất sự hổ thẹn, không làm tổn thương đến thánh thể. Nếu ai không chịu nổi rét lạnh thì Ta cho phép mặc thêm những chiếc áo cũ kĩ.”[7]
Thế rồi, trải qua đêm đến sáng sớm, Thế Tôn bèn đi đến chỗ các Tỳ kheo Ngài chế giới mỗi Tỳ Kheo chỉ nên sắm và mặc ba Y: “Từ hôm nay trở đi, Ta cho phép các Tỳ kheo chỉ cất giữ chừng ba y. Nếu được vải mới thì may một y Tăng già lê hai lớp, một y Uất đa la tăng một lớp và một y An đà hội một lớp. Nếu ai không kham chịu lạnh thì Ta cho phép tùy ý mặc thêm những chiếc y cũ.”[8]
Về chất lượng của y, Luật tạng ghi rằng: “Nên thọ trì y phấn tảo và mười loại y như: câu-xá, kiếp-bối, khâm-bạt-la, sô-ma, xoa-ma, xá-nâu, ma, sí-di-la, câu-nhiếp-la, thẩn-la-bát. Mười loại y như trên nhuộm thành màu sắc ca-sa để thọ trì.”[9]
Phấn tảo y (Pamsukùla) là y được chấp nối bằng những mảnh giẻ rách chủ yếu là do lượm được từ các đống rác, đống phân (midden) hoặc bãi tha ma, “…một y thuộc một trong những loại sau: vải lấy từ nghĩa đại, từ cửa hàng, từ đường cái, từ hố phân, từ giường trẻ, vải tẩy uế, vải từ chỗ tắm, vải đi về nghĩa địa, vải bị cháy, bị gia súc ăn, bị kiến ăn, bị chuột ăn, vải rách ở biên, rách ở đầu, vải làm cờ, vải bỏ từ điện thờ, y của nhà khổ hạnh, vải từ cuộc lễ, vải do thần thông biến hoá, vải trên xa lộ, vải gió bay, vải do thiên thần bố thí, vải trôi giữa biển, lấy một trong những thứ vải này vị ấy nên xé bỏ những mảnh rách nát, giặt sạch những mảnh lành lặn để làm thành một cái y”[10]
Nhuộm y thành màu ca sa là như thế nào? Cà sa (kāsāya) là những loại vải đã không còn giữ được màu sắc chính, đã được nhuộm bằng nước do các vỏ cây giã ra, đặc biệt là từ gỗ và vỏ cây mít băm vụn và đun trong nồi. Những tấm vải này có màu vàng nâu nên được gọi là hạt sắc y hay hoại sắc y.
Quy định màu sắc của y
Màu sắc của chiếc y cà sa không nhuộm hẳn bằng một màu nào cả, tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, vì vậy, chiếc y cà sa được pha trộn nhiều màu để tạo ra một màu sắc thật giản dị, đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ kāsāya trong tiếng Phạn. Áo gồm nhiều mảnh, có thể mỗi mảnh một màu, vì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu nối với nhau. Ngày nay tùy theo truyền thống của từng pháp phái, địa phương, phong tục, khí hậu… mà chiếc áo cà-sa cũng phần nào có sự cải biến, từ cách may cho đền màu sắc. Ở Ấn Độ và các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy nhuộm y nâu, nâu đỏ; ở Việt Nam, Trung Quốc y cà sa nhuộm các màu vàng; ở Hàn Quốc y cà sa nhuộm màu lam; ở Nhật Bản y cà sa nhuộm màu đen hay nâu đen (màu trà); ở Tây Tạng, y cà sa nhuộm màu nâu đỏ… Nói chung có ba màu chính gọi là như pháp cà sa sắc tam chủng (ba màu sắc của áo cà sa theo phép quy định) gồm màu gần như đen (màu thâm, màu bùn đất), màu gần như xanh (màu rỉ đồng) và màu gần như đỏ (màu hoa quả).
Áo Ca Sa còn gọi là Y hay là Giải thoát phục, trong Thích Thị Yếu Lãm ghi rằng: “Áo Cà Sa do nơi màu sắc mà được gọi tên như vậy, tiếng Phạm gọi đủ là Ca-La-Sa-Duệ. Xứ này gọi là không chánh sắc”. Trong Tứ Phần Luật dạy: “Tất cả các màu thuộc chánh sắc đều không được dùng làm màu của áo Ca Sa, màu của áo Ca Sa dược dùng là màu hoại sắc…”. Trong Nghiệp Sớ ghi: “Màu của Ca Sa được định vào thời Lương Võ Đế, dùng màu đỏ thêm vào mực đen cho ngã sắc thành nâu, đây là màu hoại sắc của Đạo phục Tăng Ni.”.
Trong Kinh Đại Tập Phật dạy: “Ca Sa còn được gọi là ly nhiễm phục”. Kinh Hiền Ngu Phật dạy: “Ca Sa là áo xuất thế”. Kinh Như Huyễn Tam Muội Phật dạy: “Ca Sa là Y Vô cấu, còn gọi là Y nhẫn nhục, Y Liên hoa vì không nhiễm bùn nhơ, Y Tràng tướng vì không bị tà ác làm cho khuynh ngã, Y Điền tướng vì khi người nhìn thấy không sanh tâm ác, Y Tiêu sấu vì người đắp y này có thể diệc trừ các phiền não, còn gọi là Y Ly trần, Y khứ uế.
Ý nghĩa y cà sa
Chiếc y cà sa là biểu tượng cho đạo Phật, cho sự mầu nhiệm của Phật pháp, chính vì vậy, cũng được gắn cho rất nhiều tên gọi cũng như các công dụng khác nhau, mặc dù ban đầu, chiếc y cà sa chỉ được dùng để che thân, làm chăn đắp hay dùng để ngồi. Theo sách Phật chế Tỳ Kheo Lục Vật Đồ thì y cà sa có 12 tên gọi là: 1.Cà sa; 2.Đạo phục (áo của người tu hành theo đạo Phật); 3. Thế phục (áo của người xa rời thế tục); 4. Pháp y (áo theo đúng pháp quy định); 5. Ly trần phục (áo của người thoát tục); 6.Tiêu sầu phục (áo có khả năng tiễu trừ phiền não); 7. Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn); 8. Gián sắc phục (áo không dùng năm màu chính để nhuộm); 9. Từ bi phục (áo của người thực hành đức từ bi); 10. Điền tướng y (áo theo hình thửa ruộng); 11. Ngọa cụ (dụng cụ để ngồi); 12. Phu cụ (dụng cụ dùng để đắp).
Công dụng của chiếc áo cà-sa thiết thực như thế, nhưng dần dần người ta gán thêm cho nó nhiều đức tính khác nữa. Kinh Bi hoa kể chuyện áo Cà-sa ngũ đức và kể các đức ấy ra như sau: 1. Người thế tục nếu biết kính trọng cà-sa sẽ tiếp nhận được Tam Thừa (tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa), 2. Thiên long nhân quỷ nếu biết kính cà-sa cũng đắc Tam thừa, 3. Quỷ thần và chúng sinh chỉ cần bốn tấc vải của chiếc áo cà-sa cũng được no đủ, 4. Chúng sinh hằng tâm niệm về chiếc áo cà-sa sẽ phát sinh được lòng Từ bi, 5. Giữa nơi trận mạc, nếu có được một mảnh nhỏ áo cà-sa và biết cung kính mảnh áo ấy cũng thắng trận.
Trong kinh Tâm Địa Quán thì nêu lên 10 lợi ích của chiếc y cà sa, đó là: Che thân khỏi thẹn ngượng; tránh ruồi muỗi, nóng rét; biểu thị các tướng của sa môn; sinh phúc cõi phạm thiên; nảy sinh bảo tháp tướng diệt mọi tội; màu không rực rỡ không làm nảy sinh lòng ham muốn; vĩnh viễn đoạn trừ phiền não; tiêu trừ tội lỗi, nảy sinh điều thiện; như nơi đất tốt có thể làm nảy sinh lòng bồ đề; như giáp trụ, mũi tên độc phiền não không làm hại được. Hay như trong kinh Bi hoa, nêu lên 5 đức của y cà sa là: Trong tứ chúng, những điều sai trái nặng nề mà biết một lời tâm niệm kính trọng cà sa thì liền được thụ ký tam thừa; thiên long nhân quỷ nếu cung kính cà sa thì cũng được đắc tam thừa; quỷ thần cũng như mọi người nếu có được một phần nhỏ của chiếc cà sa cũng sẽ được ăn uống no đủ; chúng sinh mắc điều sai trái mà tâm niệm cà sa thì cũng sẽ nảy sinh lòng từ bi; giữa nơi chiến trận, có được mảnh nhỏ cà sa, cung kính tôn trọng vật báu đó thì luôn được chiến thắng. Truyện tích Cây Nêu ngày tết cũng nhờ chiếc y cà sa của Phật mà xua đuổi loài quỷ ra biển khơi, dành đất đai lại cho con người sinh sống an ổn.
Chiếc y cà sa, chiếc áo giải thoát đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cao quý được cung kính tôn trọng trong tất cả mọi người con Phật. Vẫn biết rằng ‘chiếc áo không làm nên người tu sĩ, nhưng người tu sĩ không thể không có chiếc áo’. Chiếc áo Cà sa gắn liền với đời sống của người xuất gia, vị hành gia nguyện ra khỏi ngôi nhà thế tục, ngôi nhà phiền não và ngôi nhà ba cõi bằng sự nỗ lực tin tấn cày xới mảnh vườn tâm như ý tưởng phước điền y mà Thế Tôn đã dạy. Mặc khác y còn có nghĩa là ‘áo giải thoát’, nên hành giả tinh tấn tu hành đoạn trừ vô minh, phiền não, nuôi lớn mầm tuệ giác, để chứng đắc thánh quả giải thoát, và để hun đúc chí Bồ đề, thiết lập đại nguyện hoằng pháp lợi sanh.

Phước điền có nghĩa là:
(s: puṇya-kṣetra, p: puñña-khetta, 福田): ruộng phước, tức ruộng có thể sanh phước đức. Người nào tôn kính Phật, trọng tăng, thương yêu cha mẹ, người nghèo khổ, có thể có được phước đức giống như người nông dân cày ruộng, có thể thu hoạch, cho nên lấy ruộng làm ví dụ. Theo Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh (正法念處經) quyển 15, Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh (大方便佛報恩經) quyển 3, v.v., đức Phật là ruộng phước lớn, tối thắng; cha mẹ là ruộng phước tối thắng trong Ba Cõi. Lại theo Phẩm Cúng Dường Tam Bảo (供養三寶品) của Ưu Bà Tắc Giới Kinh (優婆塞戒經) quyển 3, Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh (像法決疑經), Đại Trí Độ Luận (大智度論) quyển 12, Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (華嚴經探玄記) quyển 8, v.v., cung kính Phật, Pháp, Tăng, v.v., được gọi là Kính Điền (敬田, hay Cung Kính Phước Điền [恭敬福田], Công Đức Phước Điền [功德福田]); báo đáp thâm ân của cha mẹ, thầy dạy là Ân Điền (恩田, hay Báo Ân Phước Điền [報恩福田]); thương xót người nghèo khổ, bệnh tật là Bi Điền (悲田, hay Lân Mẫn Phước Điền [憐愍福田], Bần Cùng Phước Điền [貧窮福田]). Nói chung, có nhiều loại phước điền khác nhau, nhưng căn bản nhất là lấy Phật và đệ tử Ngài làm phước điền. Trong Thiền môn, y Ca Sa (s: kaṣāya, kāṣāya; p: kāsāya, kāsāva, 袈裟) của chư tăng mặc hằng ngày được xem là Phước Điền Y (福田衣); vì vậy, khi đắp y Ca Sa, có bài kệ đắp y được thâu lục trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu Hương Nhũ Ký (毗尼日用切要香乳記, Taishō No. 1116) rằng: “Thiện tai giải thoát phục, vô thượng Phước Điền Y, ngã kim đảnh đới thọ, thế thế bất xả ly. Án, tất đà da tá ha (善哉解脫服、無上福田衣、我今頂戴受、世世不捨離、唵、悉陀耶莎訶, lành thay áo giải thoát, vô thượng Áo Phước Điền, con nay đội đầu nhận, đời đời không xả rời. Án, tất đà da tá ha).” Hay như trong bài Hóa Trai Cúng Sớ (化齋供疏) của Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄, CBETA No. 1277) quyển 14 cũng có câu: “Thí tài thí thực tăng ích phước điền, cúng Phật cúng tăng tài bồi thiện quả, dụng nghiêm dược thạch, phổ hiến nhân thiên, kết thử vô thượng duyên, tu hoàn kiến tại Phật (施財施食增益福田、供佛供僧栽培善果、用嚴藥石、普獻人天、結此無上緣、須還見在佛, cho tiền cho thức ăn tăng thêm ruộng phước, cúng Phật cúng tăng vun bổi quả tốt, dùng cháo chay thanh tịnh, dâng cúng khắp trời người, kết duyên vô thượng này, để cuối cùng được gặp Phật).”
Phước điền y có nghĩa là:
Y áo của ruộng phước, hay y áo của chư Tăng Ni—The robe of a field of happiness (the garment of the field of blessing, or the monk’s robe).
Trên đây là ý nghĩa của từ Phước điền, Phước điền Y trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp.
Tam Bảo Là Ruộng Phước Điền Tối Thượng