Là người Phật tử thì có nên trang trí Noel hay không?
Đây là câu hỏi mà nhiều Quý Vị trong tuần vừa qua đã gửi về hỏi tôi.
Nhân đây tôi cũng sẽ nói về vấn đề này.
Trước tiên Quý Vị cần hiểu từ
Noel là gì?
Noel có gốc từ tiếng Latinh, có nghĩa là (ngày) sinh.
Cũng có ý kiến cho rằng, tên gọi Noel xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, được chép trong sách Phúc Âm Matthêu.
Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas.
Chữ Christ là tước hiệu của Chúa Giêsu, còn chữ Mas nghĩa là thánh lễ.
Do đó, Christmas theo nghĩa chiết tự là “(ngày) lễ của Đức Kitô”.
Ki-tô hoặc Cơ- đốc, là phiên âm việt của chữ Christ trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là Đấng được xức dầu.
Phân tích một hồi như vậy chắc sẽ làm nhiều Vị bị rối.
Vậy tôi sẽ tóm tắt gọn một câu là :
Noel hay lễ Giáng sinh hay Christmas là ngày lễ được tổ chức để mừng ngày Đức Chúa Giêsu sinh ra đời.
(Giống như ngày sinh nhật Chúa vậy đó).
Lễ thường được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12, nhưng thường được mừng từ chiều tối ngày 24 tháng 12.
Và vào dịp này nhiều người theo đạo của Chúa, sẽ trang trí lễ ở Nhà Thờ, hay trong nhà riêng hoặc nơi làm việc.
Và vì sự phát triển của ngày lễ này rất rộng lớn trên thế giới, nên nhiều người xem vào dịp này như một mùa lễ hội đặc biệt để vui chơi, cầu nguyện.
Và tôi thấy nhiều người không theo đạo, hoặc thậm chí có cả người Phật tử cũng trang trí Noel luôn.
Một số Vị nói tôi là họ trang trí cho đẹp để thu hút khách khi làm ăn như ở quán Cà Phê, nhà nghỉ, khách sạn, …
(Mặc dù họ là Phật tử hay không theo đạo).
Trở lại với câu hỏi đầu đề là :
“Có nên trang trí Noel hay không khi mình là người Phật tử ?”.
Về Đức Chúa Giêsu, tôi biết đây là một Bậc Thánh thực sự, tu chứng đạo, chứ không phải người phàm.
Vì có lần tôi nghe Sư Phụ giảng về một bài trong tập sách “Góp nhặt cát đá”, đoạn trích đó là câu hỏi của một sinh viên đại học với một Thiền Sư đã ngộ đạo.
Dù chưa từng đọc qua Thánh Kinh, nhưng Thiền Sư nghe qua mấy lời từ sinh viên, Thiền Sư quả quyết ngay :
“Ai nói được những lời này, ta cho rằng người đó đã ngộ đạo”.
Tuy nhiên, do thời gian hành đạo của Ngài ngắn, với lại khi kết tập Thánh Kinh, những nhà kết tập đã không giữ nguyên lời của Đức chúa Giêsu mà đã có sự pha trộn lời của những Vị khác vào, nên làm cho chân lý bị lu mờ, chánh đạo bị che phủ.
Nên nếu người nào đó hỏi tôi rằng :
Vậy Thầy có trang trí Noel vào ngày Giáng sinh hay không?
Tôi sẽ trả lời là không.
Mặc dù tôi rất Tôn Kính tất cả các Vị Thánh chứng đạo thật sự (cả trong Phật giáo và ngoài Phật giáo), vì đây là nhân lành nếu ai làm được chính là đang gieo nhân để chứng đạo mai sau.
Nhưng tôi không trang trí vào dịp lễ.
Vì tôi là một đệ tử Phật, và cần phải có sự nhất quán về đường lối tu, cũng như tính kiên định trên con đường mà mình đã chọn.
Khi một tôn giáo nào đó, mà còn lẫn bên trong nhiều điều không đúng chân lý, thì tôi sẽ không tôn thờ, vì tôn thờ và truyền bá chính là đang gieo nhân tà kiến (nghĩa là cái thấy biết không đúng bản chất của chân lý), mà ai gieo nhân này chính là làm cho con đường tu và hướng đi của mình sẽ bị lệch lạc, tu sai đường, đi lạc đường trong tương lại.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam Mô Tôn Giả Xá Lợi Phất Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tìm hiểu thêm ở: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB Tu học mỗi ngày –