Làm điều tốt, rồi hồi hướng công đức để làm gì?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Một bạn: Hồi nãy em có nghe nói là mình phải làm điều tốt, luôn có suy nghĩ tốt, việc làm tốt… ví dụ như khi phóng sinh xong, mình có hồi hướng công đức của mình chẳng hạn, thì những việc làm nhỏ hơn, những suy nghĩ nhỏ hơn tốt cho mọi người ấy, thì mình có cần phải hồi hướng công đức không ạ?
Thầy Trong Suốt: Nếu mà nhỏ quá thì thôi, cuối ngày làm một thể. Nhưng nếu vừa vừa thì có thể làm. Nếu mình vừa cứu con kiến thoát khỏi một cốc nước, bị trôi thì được. Tốt nhất là nên tập thói quen cuối ngày làm một lần, tối thiểu làm một lần. Còn làm trong ngày thì càng tốt. Nhưng không nhất thiết là bắt buộc cứ làm điều tốt là phải hồi hướng ngay, không cần. Như thế là hơi căng quá.
Mấu chốt là em phải hiểu, tu hành không phải là làm điều tốt đâu. Làm điều tốt là phần bé nhất của tu hành. Phần quan trọng nhất là phần gì? Tu cơ mà, sửa bên trong. 99% là vậy.
Làm điều tốt để làm gì?
Làm điều tốt, bản chất của nó cũng chính là để sửa bên trong. Nên mình đừng bị bám vào những điều tốt…, mà suy cho cùng, không ai làm điều tốt được đâu. Em không giác ngộ làm sao làm điều tốt được? Em cứu con này sẽ làm hại con kia. Em cứu con cá, còn những con cá đang ăn con cá ấy. Em thả 100 kg cá xuống hồ thì chuyện gì xảy ra? Không có nguy cơ là con gì bị chết à? Cá lớn nuốt cá bé mà. Nên đừng có ỷ vào việc tốt.
Làm điều tốt mấu chốt là để cho tâm mình luôn luôn trong trạng thái nghĩ cho người khác – cái đấy mới là quan trọng.
Vì khi tâm mình ở trạng thái nghĩ cho người khác thì nó không bị ngã chấp, tức là không bị lừa là có một cái tôi ở đấy, nó giải thoát khỏi đúng vướng mắc của ngã chấp – Đó là lý do quan trọng nhất của làm điều tốt. Chứ không phải là mình làm điều tốt để lấy công đức đâu. Lấy công đức là cái phần tầm thường nhất của điều tốt, thậm chí không nên nghĩ như thế, nói như thế mới là đúng. Nếu em làm điều tốt với ý nghĩ lấy công đức là em vẫn ở trong trạng thái tầm thường. Tốt nhất là đừng nghĩ đến công đức của điều tốt – đấy là cách tốt nhất.
Vì công đức là cho ai? Cho mình mà, thế là ngã chấp lên mất rồi. “Tôi làm điều tốt, còn nó không làm điều tốt, tôi hơn nó” – Đấy, ngã chấp rồi. Nên tốt nhất cho em, nếu mà em đã đi sâu vào tu hành ấy, là đừng quan tâm đến công đức của điều tốt. Hãy làm điều tốt một cách tự nhiên, như là có người khó khăn, người ta ngã thì tôi chìa tay kéo đứng dậy, đúng không? Có người sắp uống phải một cốc nước có độc, tôi thấy, tôi biết nó có độc, tôi chặn người ấy đừng có uống… Cái đấy tự nhiên mà!
Hãy làm điều tốt một cách tự nhiên!
Hãy làm điều tốt một cách tự nhiên! – Đấy là lời khuyên thầy nói với tất cả học trò của thầy đấy! Chứ đừng làm điều tốt để lấy công đức, đấy là cái tầm thường nhất của làm điều tốt.
Tất nhiên đối với những người không tu hành thì thầy vẫn phải nói về công đức. Đấy là điều tốt để cho người ta cố gắng, nhưng bản chất là rất tầm thường. Tại sao mình làm điều tốt để lấy công đức? Vì bản chất, mình không làm để lấy công đức thì vẫn có công đức hay là không có công đức? Vẫn có mà! Tại sao mình cứ phải quan tâm đến việc có công đức, xong phải hồi hướng làm gì? Đấy là thói quen tầm thường, không phải thói quen tốt. Thói quen tốt là gì? Không thèm quan tâm đến công đức. Mình làm điều tốt hết sức tự nhiên. Đấy mới là thói quen tốt nhất. Còn một ngày hồi hướng một lần là thói quen tốt, suy cho cùng, cũng là việc tốt.
Nhưng nếu cứ làm mấy điều tốt, xong rồi chăm chăm hồi hướng công đức, thì mình trở thành một kẻ hết sức tầm thường, bám chấp vào công đức. Đúng chưa? Nên là cẩn thận đấy. Làm điều tốt không chắc đã tốt nhất đâu! Làm điều tốt mà không cần phải nghĩ đến công đức của điều tốt, mới là tốt.
Thầy có bao giờ nghĩ đến công đức của thầy bao nhiêu đâu, không phải bây giờ mà thời ngày xưa cũng thế, chẳng nghĩ đến công đức là bao nhiêu cả. Thầy cho đó là điều tốt đáng làm thì làm thôi. Hết! Thế thôi! Còn nó tự động sinh ra công đức mà. Thậm chí nhé, nếu em đang làm điều tốt, em không nghĩ đến công đức thì còn sinh ra nhiều công đức hơn là cứ làm việc tốt, chăm chăm nghĩ đó là công đức của tôi, tôi tích thêm một ít rồi, tôi phải hồi hướng thôi. (Thầy cười)
Phần ruột của đạo Phật là gì?
Đạo Phật có hai phần. Một phần là về đại chúng. Đại chúng thì mê cái gì? Đại chúng mê cái bên ngoài, đúng chưa? Nhà cao cửa rộng, hạnh phúc, không bị ốm đau bệnh tật… Thì Đạo Phật là con đường để đáp ứng cho mọi đối tượng, nên có phần nói về đại chúng. Vì thế nên nói nhiều về – “nếu con làm người tốt thì con sẽ sinh ra trong cõi Trời” – Đức Phật cũng giảng thế mà. Nhưng phần đấy chỉ là phần vỏ thôi.
Phần ruột của đạo Phật là gì? Trí tuệ. Trí tuệ là phần ruột của đạo Phật. “Duy tuệ thị nghiệp” – chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chân chính của mỗi người.
Nếu em đi vào Đạo Phật, đi vào góc độ đại chúng thì lòng tốt…, tất cả những cái em đang nói là tốt, hồi hướng công đức là điều tốt, v.v… Nhưng mà đi tìm sự giải thoát giác ngộ cho mình và cho mọi người thì không thể nào đi kiểu đấy được, phải đi thẳng vào trí tuệ.
Đấy, nên khi thầy nói với đại chúng, thực ra thầy nói hai phần là trí tuệ, tám phần là thế gian. Thầy giảng cho mọi người trong đó có trí tuệ, nhưng mà tám phần nói về những quan điểm thế gian, cách nghĩ thế gian, cách sống thế gian thế nào cho đúng, cho phù hợp với tu hành. Còn thầy nói với học trò thì 10 phần trí tuệ, những chuyện công đức thầy chẳng bao giờ nói hết. Nhưng đừng coi thường công đức, đấy là tốt, vẫn nên làm.
Công đức là điều tốt để cho người ta cố gắng, nhưng là phần vỏ của tu hành. Làm điều tốt mà không cần phải nghĩ đến công đức của điều tốt, mới là tốt.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết về cách hồi hướng công đức