Làm gì khi nhớ đến người thân đã mất
Ví dụ có một người cháu, người này rất thương yêu ông bà nội. Tuy nhiên, ông bà nội đã mất lâu rồi, không còn sống trên đời nữa.
Vậy theo Quý Vị khi người cháu nhớ đến ông bà nội thì cần làm những gì?
Sau đây là câu trả lời của vài Vị :
1. Gọi tên ông bà nội suốt ngày đêm :
Ví dụ : Ông nội tên Trần Văn Tuệ Kém, bà nội tên Nguyễn Thị U Mê.
Vậy là khi nhớ đến ông bà nội, người cháu sẽ gọi tên ông bà cả ngày lẫn đêm, và còn cho rằng gọi càng nhiều là càng giúp bớt nhớ và thể hiện được tấm lòng thương ông bà nội.
Và người cháu gọi như sau :
Trần Văn Tuệ Kém
Trần Văn Tuệ Kém
Trần Văn Tuệ Kém
………………………..
Nguyễn Thị U Mê
Nguyễn Thị U Mê
Nguyễn Thị U Mê
………………………
Cứ gọi suốt ngày suốt đêm như thế.
Theo Quý Vị thì việc làm của người này là đang có trí tuệ hay không có trí tuệ?
Cái đó tùy Quý Vị sẽ trả lời.
2. Còn với những người khác họ sẽ không làm thế khi nhớ về ông bà của mình. Mà họ sẽ làm khôn ngoan hơn là:
Suy niệm, nhớ về những kỉ niệm năm xưa của ông bà khi còn sống, những việc tốt ông bà từng làm.
Và sau đó họ sẽ hứa với lòng là sống một cuộc đời ý nghĩa, Thánh thiện, tốt đẹp, và sống tốt hơn ông bà nội lúc còn sống.
Đây là cách mà những người cháu này sẽ làm khi nhớ về ông bà nội của họ.
Chứ không phải cứ gọi tên ông bà cả ngày lẫn đêm như thế.
Hôm nay tôi lấy ví dụ này nhằm muốn nói lên điều gì?
Cách đây mấy ngày khi tôi đang đi bộ trên con đường làng ở Phú Quốc.
Tôi nhìn bên kia đường có cô gái, cô cũng đang đi bộ, khi nhìn cô gái tôi thấy cô đang nói gì thì thầm trong miệng.
Điều này làm tôi thấy lạ. Tôi nghĩ : Ủa, cô nói với ai vậy ta?
Nhìn kĩ xem cô có nói chuyện điện thoại không, thì không.
Bước tới gần, tôi hỏi : Cô gái, cô đang nói chuyện với ai thế ?
Cô trả lời vội rồi bước qua mặt tôi nhanh : Đang niệm Phật.
Tôi trầm tư giây lát. Sau đó tôi cũng đi về nhà luôn.
Vài hôm sau khi xuống chợ mua ít đồ, đi ngang qua khu kia, tôi thấy biển hôm nay đẹp, nên ghé xuống đứng ngắm tí.
Thì nơi tôi đứng là gần nhà của cô gái hôm trước.
Tôi thấy cô đang phơi đồ, và lúc ấy cô đang đọc danh hiệu Phật liên tục:
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
………………………
Cứ đọc suốt vậy, mặc kệ có ai nghe hay không, cô vừa phơi đồ và vừa đọc, hết phơi đồ cô chuyển sang tưới cây, vừa tưới cây cô cũng đọc liên tục như thế.
Không biết những Vị đang đọc bài tôi đây, có Vị nào đang đọc danh hiệu Phật như thế không?
Nếu có thì nên dừng lại, vì Quý Vị đang không biết cách đọc danh hiệu Phật.
- Quý Vị không phân biệt được thế nào là đọc danh hiệu Phật, thế nào là niệm Phật?
- Đọc và niệm khác nhau như thế nào?
- Tại sao gọi là Niệm Phật mà không gọi là đọc danh hiệu Phật?
- Và nên đọc danh hiệu Phật ở nơi đâu?
- Miệng không đọc thì tâm có tồn tại niệm Phật hay không?
- Làm sao để đạt được trạng thái “nhất tâm bất loạn”?
- Có phải đọc nhiều là sẽ đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn hay không?
- Tác ý câu Phật hiệu vẫn là đang khởi vọng tưởng, mà tâm còn vọng tưởng thì không vào định được, vậy khi tâm vào định miệng còn đọc danh hiệu Phật hay không?
………
Tất cả những câu hỏi trên Quý Vị cần phải trả lời thông suốt và đúng nếu muốn tu niệm Phật mà tiến.
Còn không, coi chừng Quý Vị đang tu sai.
Mà sai một li là đi lạc cả dặm và rất khó quay lại điểm ban đầu.
Tôi nhớ cách đây mấy tháng tôi cũng có viết bài cách niệm Phật sao cho đúng và để đạt được sự nhất tâm.
Không biết còn Vị nào nhớ hay không?
Giờ tôi viết lại nữa là mất nhiều thời gian quá.
Người nhớ Phật, không phải là cứ gọi tên danh hiệu Phật.
Có câu : “Ai thấy pháp là đang thấy Như Lai”.
Nghĩa là người hiểu được giáo pháp, lời Phật dạy một cách tường tận, đó là người đang thấy Phật, đó là người đệ tử Phật chân chính.
Và vì hiểu lời Phật dạy thấu đáo, nên mọi hành động của Quý Vị trong cuộc sống đều đúng như pháp.
Nghĩa là :
Luôn luôn tránh điều ác,
Làm tất cả điều lành
Giữ tâm ý thanh tịnh.
Người sống được như thế
Là đang đến gần Phật.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tìm hiểu thêm tại: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/