NGƯỜI TỐT VẪN KHỔ
Dù bạn là người tốt thì bạn vẫn đầy đau khổ bên trong nếu không có trí tuệ
“Các bạn hãy tự suy nghĩ thêm. Con đường sống để lo, sống để hưởng, và sống để làm người tốt, liệu rằng trong ba con đường đó có thể giúp được tôi hạnh phúc thực sự không? Hay nó tiềm ẩn đầy đau khổ? Vì vậy tôi sẽ chọn con đường thứ tư, con đường trí tuệ bên trong.
Đức Phật dạy là: “Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chính của mỗi người. Còn mọi thứ khác không phải trí tuệ đều dẫn đếu đau khổ, không thể là sự nghiệp của mình. Nếu bạn còn đặt tình yêu, công việc, con cái, nhà cửa là sự nghiệp của mình, thì hãy suy nghĩ lại. Nếu không có trí tuệ thì tình yêu, tiền bạc, tên tuổi, danh tiếng có đem đến hạnh phúc cho mình và mọi người xung quanh hay không?
Những người ăn chay niệm Phật để làm người tốt vẫn chỉ là con đường thứ 3, chưa phải là con đường trí tuệ. Bất kể bạn là ai, làm ở vai trò nào như làm cha mẹ, làm sếp hay nhân viên, thì điều quan trọng nhất là có trí tuệ, các bạn vẫn có thể đạt được sự giác ngộ. Ngược lại nếu bạn tin rằng chỉ làm người tốt là hạnh phúc, thì hãy sống đi và cuộc sống sẽ dạy cho các bạn về đau khổ.
Đừng trách những người gây cho mình đau khổ, vì họ chưa đi tìm trí tuệ thì làm sao tránh khỏi gây đau khổ cho mình? Đừng nghĩ là mình tốt thì sẽ không gây đau khổ cho ai, khi mình còn chưa có trí tuệ. Chỉ khi nào bắt đầu đi tìm trí tuệ, thì bạn mới dần dần có hạnh phúc thực sự. Vì vậy, trước thời điểm đi tìm trí tuệ, dù bạn có tốt đến mấy thì bạn vẫn đầy đau khổ bên trong và hoàn toàn có khả năng gây đau khổ cho người khác.
– Trích trà đàm “Bạn sống để làm gì?”, Sài Gòn, 2017
Mình đã Từ Bi Hỷ Xả được với ai chưa?
“Mình tập Từ, Bi, Hỷ, Xả với cuộc đời. Nhưng người đầu tiên mình cần tập nhất, sát sườn mình nhất – chính là người yêu mình. Khi tôi Từ, Bi, Hỷ, Xả với nhân viên, với bạn bè, với xã hội mà tôi lại không Từ, Bi, Hỷ, Xả với người yêu tôi thì chắc chắn cách tập đó có sai lầm, không thực tế và sẽ không có kết quả.
Tình yêu thật sự bao gồm 4 yếu tố: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tình Yêu là chỗ tốt nhất để tập Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Nghe “Từ, Bi, Hỷ, Xả” bao giờ người ta cũng nghĩ với một ai đó ở đâu đó.
Bây giờ chúng ta xem liệu mình có thể Từ với người mình yêu không?
- Mình có thể Bi với người mình yêu không?
- Mình có thể Hỷ với người mình yêu không?
- Mình có thể Xả với người mình yêu không?
Nếu mình chưa làm được điều đó với người mình yêu thì thực sự mình chưa thể làm điều đó với bất kỳ ai cả. Còn nếu mình làm được với bất kỳ ai thì đó là mình tưởng làm được thôi chứ chưa chắc mình đã Từ, Bi, Hỷ, Xả thật.”
– Trích Trà đàm: “Liệu có thể yêu đương cuồng nhiệt và làm việc hăng say mà vẫn tu tập được không?” – Hà Nội 2/2012
Người đang tự kiêu cũng chính là người đang tự ti
“Khi mình đang tự kiêu mà gặp thất bại thì sẽ biến thành tự ti ngay lập tức. Vì tự ti và tự kiêu vốn cùng một bản chất. Cùng bản chất nên cả hai đều tồn tại cùng một lúc, và cái nào bộc lộ ra là do hoàn cảnh. Người đang tự kiêu cũng chính là người đang tự ti mà họ không biết. Nếu tự kiêu ở chỗ mình giỏi, thì sẽ tự ti ở chỗ mình kém. Nếu tự kiêu ở chỗ mình đẹp, thì mình sẽ tự ti ở chỗ mình xấu v.v.
Vì vậy, khi đang tự kiêu, hãy nhớ là mình đang tự ti ở chỗ nào đó. Vì mình cùng đang so sánh. Nếu so sánh hơn thì mình tự kiêu, so sánh kém thì mình tự ti ngay. Thiếu hiểu biết thì dẫn đến mọi so sánh đều sai lầm, và so sánh sai lầm thì dẫn đến hoặc tự kiêu hoặc tự ti, hoặc vừa tự kiêu vừa tự ti trong những hoàn cảnh khác nhau.”
…..
3- Ba dấu hiệu nhận ra bạn đang tự kiêu
Để nhận ra mình có đang tự kiêu hay không, có 3 dấu hiệu rất quan trọng:
1. Kiểm tra xem trong tâm mình có đang so sánh với ai hay không? – điều này là mấu chốt.
Nếu không kiểm tra thì mình sẽ không biết, nhưng kiểm tra cẩn thận sẽ biết mình có đang so sánh với ai hay không? Nếu mình đang so sánh mạnh, thì là tự kiêu rất mạnh. Còn chỉ hơi so sánh, là bắt đầu hơi tự kiêu. Tự tin thì khác, tự thấy tôi tuyệt vời, tôi biết cách, tôi hiểu rõ. Nhưng tự tin thì tôi không so sánh với ai hết. Dấu hiệu tự kiêu là bắt đầu mình so với ai đó. Ví dụ: “Tôi hơn thằng bạn của tôi! Tôi hơn cái cậu ngồi cạnh bàn của tôi!”
2. Kiểm tra xem mình có đang coi thường ai hay không?
Bởi vì tự kiêu bao giờ cũng đi kèm cảm giác coi thường một cái gì đó hay một ai đó. So sánh xong này thì bắt đầu coi thường. Tôi có, họ không có, nghĩa là họ tầm thường, còn tôi mới là đặc biệt.
3. Tự thấy mình quá quan trọng, mình không thể thiếu được.
Tự nhiên tôi thấy vị trí tôi quá quan trọng, không thể thiếu tôi được. Ví dụ ngày xưa tôi không thấy quan trọng lắm, nhưng từ khi tôi được lên làm trưởng phòng, thì bỗng thấy mình quan trọng, người khác khó thay thế tôi được.
Mình tưởng là mình quan trọng thôi. Thực ra mình chẳng quan trọng như mình tưởng đâu. Thử nghĩ xem, mình chết xong rồi, đời vẫn thế. Nhưng mà khi mình kiêu ngạo rồi, tự kiêu rồi, mình thấy mình rất quan trọng. Mình quên mất sự thật là mình không quan trọng đến như vậy.
– Trích trà đàm: ‘’Kiêu hãnh và định kiến” – Hà Nội 3/2012
3 Câu hỏi để kiểm tra xem mình giúp đỡ hay trao đối tinh vi
“Muốn biết là mình giúp đỡ người khác hay trao đổi một cách tinh vi, có 3 câu hỏi để kiểm tra.
Câu hỏi thứ nhất:
Sau khi mình giúp đỡ xong mà người ta không biết ơn mình thì mình có thoải mái không?
Nếu câu trả lời là CÓ, nghĩa là bắt đầu tốt rồi đấy.
Câu hỏi thứ hai:
Sau khi giúp xong người ta quay lại hiểu lầm, mắng chửi mình thì mình còn có thể thoải mái không?
Nếu câu trả lời mà CÓ nữa thì là tốt lắm rồi nhưng vẫn chưa tốt tối đa. Câu 3 mới tốt tối đa. Câu 3 dành cho trường hợp tinh vi.
Câu hỏi thứ 3:
Liệu bây giờ nếu hoàn cảnh không cho phép, ví dụ như một chuyện gì đấy xảy ra mình không thể giúp đỡ được, thì mình còn thoải mái không?
Nếu câu này trả lời CÓ nữa thì là đầy đủ. Nghĩa là giúp mà không được kết quả mà vẫn thoải mái là giỏi lắm rồi. Nhưng hoàn cảnh nào đấy không phù hợp để tôi giúp và tôi không giúp nữa thì tôi có thoải mái hay không? Nếu là mình trả lời câu thứ ba là CÓ thì mình mới thật sự giúp không phải vì mình. Tùy hoàn cảnh thôi.”
Trích Trà đàm “Giúp đỡ trong suốt“, Hà Nội 2012