Team Tony Buổi Sáng chỉ có 1 trang duy nhất là trang Fanpage này, có logo là địa chỉ email của team. Và 1 trang phụ là trang Ăn Trưa Cùng Tony, dùng để chia sẻ cách làm ăn, giới thiệu FB các bạn trẻ đang dấn thân xây dựng kinh tế cho đất nước để mọi người kết nối, học tập.
Các trang có chữ “Tony” đều do ai đó lập ra để chạy quảng bá những khoá học, những cuốn sách, có thể do họ làm ăn khó quá mà mượn danh để kiếm chút hoa lợi. Các bạn cũng thông cảm nhưng lưu ý, đấy không phải là chính chủ.
Chúc tháng mới tốt lành!
Làm thế nào để lấy đô la?
Thống kê đến năm 2020, người tốt nghiệp ĐH cao đẳng đạt 10% dân số. Như vậy, với dân số 90 triệu, chúng ta có 9 triệu lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên nhiều bạn đã thất nghiệp do trong quá trình học tập đã không cố gắng, khi ra trường hoặc là ăn bám bố mẹ hoặc làm các việc lao động phổ thông như giao hàng, cạnh tranh khốc liệt với các bạn chưa qua đào tạo. Tức nhóm có bằng cấp ĐH nhưng không có trình độ ĐH rất nhiều, vì các ĐH bây giờ rất nhiều, ai muốn học gì đều có 1 trường đáp ứng, và cũng rất dễ ra, nhất là khối kinh tế.
Rồi khởi nghiệp cũng vậy, nhiều bạn chọn cách dễ nhất là buôn bán trong nước hoặc nhập khẩu về bán. Mua hàng chợ huyện lên chợ tỉnh bán, mua hàng tỉnh A sang tỉnh B, xuống Phan Thiết lấy mắm đóng chai lên Sài Gòn phân phối, hoặc ra chợ Tân Thanh ở biên giới Lạng Sơn mua cái chăn giá 30,000 đồng về Hà Nội bán 50 nghìn, lãi 20 nghìn. Người ta không có điều kiện ngồi vào giảng đường, mặc áo sinh viên, mù ngoại ngữ…mới làm ăn trong nước như vậy, mình được đào tạo thì phải nghĩ hướng xuất khẩu hàng hóa, chất xám của mình ra ngoài, kiếm đô la về. Hoặc đưa khách nước ngoài vào Việt Nam, cho nó coi cái này cái kia rồi thu tiền đô la của nó. Việc mua cà chua ở Đà Lạt ra Đà Nẵng bán, dù mình có chút xíu tiền nhưng GDP quốc gia không thay đổi, chỉ thêm 1 thương lái cạnh tranh với chị Mít chị Na tội nghiệp. Chừa đất cho người ta sống đi. Hay mở quán cà phê mấy mét vuông, quán phở lèo tèo vài ba khách, chân gà nướng vỉa hè, bánh tráng trộn lề đường…thì người không cần ngồi giải mấy bài vi phân đạo hàm vẫn mở được và còn mở tốt. Nếu đã mở thì phải nghĩ đến việc mở chuỗi cà phê, chuỗi phở kia mới bõ công học hành.
Nhập khẩu hàng tiêu dùng về bán thì làm dòng ngoại tệ lại chảy ra ngoài. Sản xuất hàng hoá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là cốt lõi của nền kinh tế thịnh vượng, hướng tới thị trường thế giới. Xuất khẩu, dù là sản phẩm hữu hình hay vô hình (bằng sáng chế, thiết kế, công trình khoa học, phần mềm ứng dụng)… sẽ là cách làm giàu bền vững. Đó mới là đẳng cấp của người tốt nghiệp Đại học khi khởi nghiệp. Đại là lớn, đại học là cấp bậc cao của sự học.
Người Thái cũng có tỷ lệ ĐH/Cao đẳng trên dân số là 10%. Nhưng các bạn trẻ người Thái đã HỌC theo tinh thần “lấy tiền của Tây” nếu học ngành kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch. Cứ vào một siêu thị Á châu ở Mỹ, Úc, Âu…mở một chai nước cốt dừa ra là thấy Made in Thailand. Vào siêu thị ở Thượng Hải, Seoul, Tokyo…thấy vải, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…thì 100% Produce of Thailand (produce có nghĩa là nông sản, danh từ).
Từ bài viết này, team sẽ đăng các bài viết giúp các bạn cách tiếp cận để xuất khẩu, cách giao dịch hợp đồng ngoại thương, đàm phán bán hàng…nhưng các bạn phải tổ chức tạo ra SP trước đã. Có năng lực “chung sống, hoà hợp” thì rủ cùng nhau cổ phần làm, còn nếu không có năng lực này thì một mình mình tự làm cũng được. Năng lực ngoại ngữ thì từ 2013 tới giờ, page TnBS đã gào thét thúc ép các bạn rồi, chắc phần lớn đều cũng đã lưu loát 2 sinh ngữ Anh và Trung rồi ấy nhỉ?
Bạn đọc Comment
Hai Tang
Cám ơn đã chia sẻ! Tui cũng đang muốn start up dạng buôn bán đọc bài này chắc tui sẽ suy nghĩ lại
Triệu Quỳnh
Địa phương mình cũng đang có vài đơn vị (có cả quy mô tập đoàn) vào để xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ, mục đích chủ yếu là chế biến và xuất Châu Âu. Giờ thì cứ đọc thêm, học thêm, hiện chưa có tiền và chưa có nhiều kiến thức nhưng có cơ hội cũng sẽ thử xem sao.
Đỗ Phùng
Quá đúng luôn ạ !