Làm thế nào để ly tham – hết sạch lòng tham?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt (Hà Nội, 04/2018)
Một bạn nam: Chào anh và chào các bạn! Em là Phương, đến từ Thường Tín, 29 tuổi, làm nghề tự do, chưa có gia đình. Em hỏi anh một câu là: Làm thế nào để ly tham ạ?
Thầy Trong Suốt: Ly tham ấy hả?
Một bạn nam: Vâng, ngay từ đầu em không hiểu câu đấy.
Thầy Trong Suốt: Em lại phải nghe Trà đàm rồi! Có nói một buổi Trà đàm riêng về chủ đề lòng tham.
Một bạn nam: Anh có thể tóm tắt cho em được không ạ?
Thầy Trong Suốt: (Thầy cười) Được! (Mọi người cười)
Có buổi Trà đàm gọi là: “Tham lam là nguồn gốc của yêu thương và sáng tạo”. Đấy! Vấn đề của mình không phải là hết sạch, mà phải biết tham cái gì cho đúng. Đấy! Bạn sẽ hiểu rõ về lòng tham có hại như thế nào? Khi mình rõ lòng tham hại như thế nào, mình không muốn tham nữa. Đồng thời mình thích những cái đúng đắn, tốt đẹp, không phải là mình tham. Đấy!
Thế tại sao mình lại tham một thứ gì đó?
Tham có nghĩa là gì?
Mình muốn sở hữu một thứ gì đó mà không thả ra được gọi là tham.
Đấy! Nếu mà nói một cách nhanh nhất Tham là gì?
- Muốn có một cái gì đó mà không thả ra được, là Tham!
- Muốn có cái gì đấy mà thả ra được, không phải là tham.
Ví dụ nha,
- mình rất muốn có tiền, nhưng cái việc này xấu mình không làm, mình thả ra dễ dàng, mình thả tiền ra, thì không gọi là tham.
- Mình rất muốn có tiền, mà mình bất chấp mọi chuyện, thủ đoạn mình làm, thì đấy là tham. Vì mình không thả nổi vật đó ra. Đấy! Thì gọi là tham.
Hay mình gặp một cô rất là xinh, đúng không? Đúng chưa?
- Mình lại có người yêu rồi, nhưng mà buổi tối về, mình không thả cô ấy ra khỏi đầu mình được, (mọi người cười) thì đấy gọi là gì? Hơi tham rồi đấy!
- Còn xinh thì xinh thôi, trên đời này thiếu gì người xinh, thôi thả ra, nhẹ nhàng thôi, thì không gọi là tham.
Hay ăn uống cũng thế thôi, trong bàn có 5 người chỉ có 3 miếng thịt gà, đúng không? Mình bảo: “Oa! Con gì to chưa kìa!” (Mọi người cười)
- Mọi người quay đi mất, thế là mình gì? Gắp ngay cả 3 miếng cho vào miệng, đấy gọi là không thả ra nổi! (Mọi người cười) Phải nghĩ ra thủ đoạn để đạt được cái mình muốn.
- Còn đây, thả được ra nổi là thế nào? Bảo với bạn: “Ừ… chúng mình quay xổ số”. Đúng không? Xúc xắc đấy, “ai thắng thì được thịt gà, không được thì thôi”. Thế là được.
Vậy lòng tham là gì? Mình muốn sở hữu cái gì đó mà mình không thả ra nổi thì gọi là lòng tham.
Mà lòng tham ấy, sớm muộn gì cũng dẫn đến chuyện gì? Bất chấp! Sớm muộn gì cũng thành bất chấp.
Bất chấp cái đúng, bất chấp cái lương tri của mình để làm điều xấu, sớm muộn gì, lúc đầu tham ít thì không đến mức đấy, tham nhiều, tham quá nên là chỉ có thế thôi, là bất chấp tất cả những cái đúng đắn, an toàn, tốt đẹp… để mình làm điều xấu, để mình đạt được cái mình muốn. Đấy! Vì thế nên lòng tham nó nguy hiểm.
Nên có một câu là thầy hay nói là:
Đỉnh cao của lòng tham là hủy diệt,
là sự hủy diệt là vì thế.
Em tham vừa thì chưa sao, tham quá là hủy diệt ngay. Đấy! Vì thế tối thiểu mình phải hạn chế lòng tham, nếu mà chưa ly được nó, thì phải hạn chế nó bằng cách thấy được hậu quả xấu của nó.
Bằng kinh nghiệm sống, bằng sự hiểu biết mình thấy là hậu quả của lòng tham thì rất xấu, mình giảm được lòng tham, thế là thành công lắm rồi. Đấy! Nếu mình không tu hành chân chính sâu thẳm, thì mình giảm lòng tham thế là giỏi lắm rồi. Hiểu chưa?
Thầy Trong Suốt:
Còn thế nào là hết lòng tham?
Hết lòng tham đó là một trạng thái, gọi là cao cấp cũng được, không dễ. Nếu muốn hết lòng tham, thực sự hết lòng tham, thực sự hết, em muốn nghe không? Hay là thôi? Chỉ thế là vừa?
Bạn đó: Em muốn nghe.
Thầy Trong Suốt: Rồi! Muốn thêm, được rồi. Riêng với lòng tham ấy, mình phải hiểu thế này…
Bạn đó: Lòng tham dễ bị ảnh hưởng bởi cái bên ngoài. Nhưng mà mình trong quá trình tập thì cảm thấy có giảm đi, nhưng kiểu gì cũng thấy nó quay lại.
Thầy Trong Suốt: Cách thầy nói lúc nãy là cách để giảm lòng tham. Mình thấy được lòng tham là có hại, lương tri và trí tuệ mình lên tiếng, không theo, không theo lòng tham quá.
Còn muốn hết lòng tham, hết sạch thì phải hiểu thế này:
Khi mình tham, nhớ là tham là muốn có và mình không thả ra được, đúng không? Như vậy là ở đấy có sự bám chấp vào đối tượng. Đấy! Thì phải hiểu rằng là:
Mọi thứ đến đi do duyên.
Duyên chứ không phải do mình. Mình có được nó không là do duyên. Mình chỉ cố hết sức được thôi, còn có được hay không là tùy duyên.
Đấy! Nhớ nhé! Mình cố hết sức, nhưng có được hay không là tùy duyên. Vì nó có đến được với mình, nhưng mà nếu không đủ duyên, nó sẽ đi mất. Mình tham nó, nhưng mà nó cứ đi, nó có ở lại đâu. Giống như là ông quan tham ấy, tiền nó đến thật, nhưng sau đó đi mất thật.
Nên là khi mình hiểu là mọi thứ theo duyên, vận hành theo duyên ấy, đủ duyên sẽ đến mà hết duyên nó đi, chứ mình không thể nào mà giữ chặt nó được. Thì cái thái độ giữ chặt biến mất. Lòng tham bao giờ cũng đi kèm với sự giữ chặt, không thả ra được, đúng không?
Bây giờ mình hiểu Trí tuệ rồi, mình thấy nó đến đi theo duyên, không thể giữ nổi. 5 lần 7 lượt mình thấy không giữ nổi thì mình thả thôi, mình không muốn giữ nữa. Đấy là Trí tuệ. Trí tuệ về duyên: Mọi thứ vận hành theo duyên – đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi, làm cho mình không muốn giữ chặt bất kỳ cái gì trên đời này nữa.
Ví dụ thầy với vợ thầy đi, thầy không có thái độ giữ chặt lấy vợ. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì… thì sao?
Mọi người: Đi.
Thầy Trong Suốt: Thì đi. Nên thầy nói vợ là: “Tùy! Em thích đi với ai, đến với ai thì tùy em. Đấy! Miễn là gì, thực hành Phật Pháp cho tốt lên, không rồi cũng khổ ấy mà. Chứ còn anh, thì đối với anh: đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi”.
Thế là tưởng vợ mình ngạc nhiên, ai dè vợ mình cũng nói hệt như vậy. (Mọi người cười) “Anh ơi! Anh muốn đến với ai thì đến, đi với ai thì đi. Miễn là anh đừng có làm điều gì trái với lương tâm là được. Còn đâu em biết rồi: đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi”.
Thế là hai vợ chồng sống với nhau rất là hạnh phúc, vì không ai kiểm soát ai cả, không ai giữ ai cả. Thì đấy chỉ có tu hành mới làm được thôi. Chứ cùng câu đấy nói với người không tu thì chết. Đúng không? (Mọi người cười) Vừa nói với chồng xong, hôm sau thấy đi với cô khác rồi. (Mọi người cười) Đấy! Chỉ nên nói với người tu hành chân chính tử tế, thì nên nói.
Nếu tìm hiểu và theo duyên, nhân quả và duyên thôi, nên là thôi, mình không giữ chặt cái gì hết. Thế là nó giảm khoảng 98% lòng tham.
Thầy Trong Suốt: Đấy! Nghe nốt phần 2% hay thôi?
Một bạn: 100%.
Thầy Trong Suốt: 100% ấy hả? (Mọi người cười) 98 còn chưa đồng ý à?… Tham thế à? (Mọi người cười)
Đấy không gọi là tham! Thầy nói đùa. Tham nghĩa là không thả ra được mới làm tham, chứ còn thích nghe 100% chưa phải là tham. Hiểu không? Nhớ nhé! Nhắc lại này, chỗ này rất quan trọng, chúng ta học Phật Pháp phải hiểu những điểm mấu chốt:
- Tham bao giờ cũng đi kèm với việc không thả ra nổi, mới gọi là tham.
- Còn thích xong thả dễ dàng không gọi là tham.
Nhớ chưa? Đấy, vừa xong là thầy nói đùa tham – không phải tham.
2% còn lại nó cần một trình độ tu hành cao cấp hơn. Vì sâu thẳm lòng tham là gì?
Sâu thẳm ở dưới là mình tin, ví dụ mình tham tiền, ở dưới là mình tin rằng có một cái gọi là mình, có một cái là nó. Nó ích lợi cho mình. Đấy, mình tin là có mình, mình sẽ được lợi từ nó.
Như vậy để tham một cái gì đấy thì có hai niềm tin:
- một là tin có tôi – người được lợi và
- phải tin có vật – cái làm lợi.
Khi em tin có tôi và có cái vật đấy, hay là người đấy thì trên đấy lòng tham được xây dựng.
Như vậy là muốn có lòng tham, nền tảng của lòng tham là: tin rằng có tôi và có nó, có cái vật để mình tham đấy, và nó ích lợi cho tôi.
Nên là em muốn hết sạch không còn dấu vết nào của lòng tham, em phải mất được hai niềm tin quan trọng, em phải
- mất niềm tin là có tôi – người được lợi và
- mất niềm tin là có nó – cái đem cho em ích lợi.
Như vậy nhà Phật gọi là em chứng ngộ được hai điều:
- Một là Vô ngã – không có người được lợi, và
- hai là tính Không – không có cái vật nào trên đời thực sự tồn tại độc lập chỉ riêng nó.
Khi nào em chứng ngộ được cả hai điều đấy thì lòng tham không còn một tí nào nữa. Trước thời điểm đấy thì em chỉ 98% là thành công lắm rồi. Đấy!
Một bạn nam: Thế nếu mà tính Không thì mình sẽ bị… lệch sang bên, một cái là chấp vào có và chấp vào không, thì không biết là… (cười) anh giải thích giúp về tính Không với ạ.
Thầy Trong Suốt: Chịu! Tính Không là không giải thích được. (Mọi người cười) Tính Không…
Một ban nam: Chấp vào cái hữu và chấp vào cái không thì rõ ràng là lệch vào hai pha. Thì rõ ràng không đúng vào con đường trung đạo rồi anh.
Thầy Trong Suốt:
Tính không là không thể nghĩ bàn. Không giải thích, nên thôi.
Khi nào em tu đến một đoạn nhất định, nếu mà em gặp được người Thầy có duyên giải thích cho em, còn thời điểm này thầy nói thì…
- Một là, cũng không thể nói được.
- Hai là, nói xong cũng không hiểu được.
(Mọi người cười) Cả hai đều không đáng để nói ra. Nhưng mà nếu em đi vào con đường tu hành, nếu mà thầy đủ duyên thầy sẽ gặp và đến giảng cho em. Bây giờ em chỉ cần hiểu là:
Đấy, em muốn giải quyết tận gốc phải mất được hai cái niềm tin có tôi và có nó.
Thế thôi! Thì lòng tham nó hết ngay ấy mà! Tự mất lòng tham.
Trong khuôn khổ Trà đàm chỉ nên thế là vừa, đúng không? (Mọi người vỗ tay)
(Tham khảo thêm bài Trà đàm “Tham lam là nguồn gốc của yêu thương và sáng tạo” trong link trên)