Lễ Đức Phật hiện (Lễ Wesak)
Hằng năm, vào ngày rằm tháng 4 Âm Lịch, Phật giáo tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của Phật, đó là theo công truyền. Về mặt bí truyền thì Lễ Wesak (trong dịp này Đức Phật (Đức Christ hay Đức Di Lặc Bồ Tát) hiện ra vào đúng giờ trăng tròn ở một địa điểm trong dãy Hi Mã Lạp Sơn) được cử hành vào giờ trăng tròn tháng Taurus (theo lịch chiêm tinh Tây Phương). Hai thời điểm này (ngày Phật Đản Sinh và ngày lễ Wesak) có thể trùng nhau hoặc khác nhau (cách nhau một tháng) tùy năm, là do không hay có tháng nhuận theo cách điều chỉnh ngày của âm lịch.
Lễ Asala năm 2023 (còn gọi là Lễ Hội Nhân Loại, Lễ Hội Thiện Chí)
Vào dịp trăng tròn tháng Song Tử, tháng Sáu này, Đức Christ (hay Đức Di Lặc Bồ Tát) sẽ giảng dạy lại những lời dạy cuối cùng của Đức Phật tại nhà riêng của Ngài trong dãy Hi Mã Lạp Sơn. Năm nay, ngày giờ Lễ Asala là lúc 10 giờ 41 phút 31 giây sáng Chủ Nhật (giờ VN), ngày 4/06/2023.
Lễ Wesak chào đón Đức Phật hiện sẽ cử hành vào đúng giờ trăng tròn của tháng Taurus. Các bạn có đạo tâm có thể tổ chức ngồi thiền trong khoảng thời gian này (khoảng trước nửa tiếng và sau nửa tiếng), nghĩ đến diễn tiến buổi lễ, giữ tâm thanh tịnh nhưng tích cực. Các bạn có khả năng hơn có thể sử dụng thể cảm dục để đến nơi hành lễ.
Xin giới thiệu các phần trích được viết bởi ông Leadbeater và bà Bailey mô tả về cuộc lễ và bài viết của Chân Sư D.K giải thích ý nghĩa huyền bí của cuộc lễ.
− Trong quyển “Chân Sư và Thánh Đạo” do ông Nguyễn Hữu Kiệt dịch, ông Leadbeater mô tả chi tiết cuộc lễ như sau:
“Vào dịp này, ngoài ý nghĩa về phương diện huyền bí vô cùng quan trọng của nó, có một cuộc lễ được cử hành ở thế gian, trong cuộc lễ ấy, Đức Phật hiện ra trước mặt một số đông người hành hương. Những người này có thấy được Ngài hay không, thì tôi không biết chắc; nhưng họ đều cúi lạy theo những vị Chơn Tiên và các đệ tử, những vị này đều thấy Đức Phật hiện ra thật sự. Hình như ít nhất cũng có vài người hành hương được nhìn thấy Ngài, vì cuộc lễ này được những người Phật tử ở vùng Trung Á biết rõ. Người ta nhắc nhở đến cuộc lễ đó như sự xuất hiện hình bóng hay sự phản ảnh của Đức Phật, và sự mô tả cuộc lễ theo tục truyền có phần khá đúng…
NƠI HÀNH LỄ
“Địa điểm được chọn để hành lễ là một vùng cao nguyên nhỏ có những đồi thấp bao bọc chung quanh, ở phía bắc dãy Hi Mã Lạp Sơn cách biên giới xứ Népal không xa, và có lẽ độ chừng 400 dặm phía tây thành phố Lhasa bên Tây Tạng. Đó là một khoảnh đất bằng phẳng, hình chữ nhựt, độ chừng một dặm rưỡi bề dài và bề ngang thì ngắn hơn. Khoảng đất thoai thoải từ hướng nam lên hướng bắc, hầu hết trống trải và có đá, mặc dù rải rác có cỏ dại và bụi cây. Một dòng suối chảy qua ở góc phía tây vùng cao nguyên, và lên phía bắc thì nó chảy vào một thung lũng có rừng thông bao phủ, sau cùng nó đổ vào một cái hồ cách đó một quãng vài dặm. Vùng chung quanh có vẻ hoang vu hẻo lánh, không có người ở, và không có một nhà nào trừ ra cái tháp cổ đã điêu tàn với vài ba cái chòi rải rác trên sườn một ngọn đồi ở về phía đông.
“Về phía nam, có một tảng đá lớn màu xám dựng đứng như bàn thờ, độ bốn thước bề dài và hai thước bề ngang, nhô lên khỏi mặt đất chừng một thước.
“Vài ngày trước khi hành lễ, người ta thấy dọc hai bên bờ suối, dưới chân những ngọn đồi chung quanh có những ngọn lều được dựng lên mỗi lúc càng nhiều. Những túp lều này có một hình dáng lạ lùng, phần nhiều màu đen, và chốn hoang vu cô tịch này bỗng nhiên trở nên sinh động với những ngọn lửa trại của những người đi hành hương đốt lên. Họ là những bộ lạc lưu động từ miền Trung Á và có người từ miền bắc xa xôi đến đây. Vào ngày trước đêm trăng tròn, họ đều tắm gội sạch sẽ, và thay quần áo mới để chuẩn bị hành lễ.
“Vài giờ trước khi hành lễ, họ tựu họp ở chỗ góc phía bắc vùng cao nguyên, họ ngồi xuống đất một cách lẳng lặng có trật tự và chừa một khoảng trống trước chỗ tảng đá lớn làm bàn thờ. Theo thông lệ, thì vài vị sư trưởng (lamas) có mặt, mượn cơ hội này để thuyết pháp cho dân chúng. Độ một giờ trước khi trăng tròn, những vị khách dự lễ bắt đầu đến bằng thể vía của các Ngài, trong số đó có những nhân viên Quần Tiên Hội (tức Đại Đoàn Chưởng Giáo). Vài Vị trong số đó hiện hình cho những người hành hương thấy rõ, và những người này liền cúi lạy các Ngài. Trong dịp này những đấng Chơn Sư, có vài Vị cấp đẳng cao hơn nữa cũng nói chuyện thân mật với các vị đệ tử và với những người khác đang có mặt tại chỗ. Trong khi đó những người khác có phận sự chưng dọn bàn thờ trên tảng đá lớn để chuẩn bị cuộc lễ. Họ đặt lên đó những bông hoa đẹp đẽ nhứt và ở bốn góc thì để những tràng hoa sen. Giữa bàn thờ, có đặt một chén bằng vàng đựng đầy nước và ngay trước mặt có chừa một khoảng trống giữa các đóa hoa.
CUỘC HÀNH LỄ
“Độ nửa giờ trước khi trăng tròn, lúc đức Văn Minh Đại Đế vừa ra hiệu thì nhân viên Quần Tiên Hội qui tụ lại chỗ khoảng trống chính giữa vùng cao nguyên, ở phía bắc tảng đá lớn dựng làm bàn thờ. Các Ngài sắp hàng theo ba vòng tròn lớn, tất cả đều day mặt vào trong, vòng phía ngoài gồm những nhân viên trẻ tuổi trong Quần Tiên Hội, còn vòng ở phía trong là những Đấng cao hơn.
“Vài đoạn kinh Phật được ngâm lên bằng tiếng Nam Phạn (Pali); khi giọng ngâm vừa dứt, thì Đức Di Lạc Bồ Tát hiện ra ở trung tâm vòng tròn và cầm nơi tay một cây thần trượng (cây gậy phép). Cây thần trượng này là bửu vật để thu thần lực của đức Hành Tinh Chơn Quân (hay Hành Tinh Thượng Đế, vị chủ quản của dãy hành tinh địa cầu) và được Ngài truyền từ điển kể từ hằng mấy triệu năm về trước, khi Ngài bắt đầu chuyển động luồng sóng sinh hoạt của nhân loại trên dãy hành tinh chúng ta hiện nay. Chúng tôi nghe nói cây gậy phép này thể hiện cho sự tập trung thần thức của đức Chơn Quân, và nó được thuyên chuyển từ bầu hành tinh này sang bầu hành tinh khác mỗi khi Ngài chuyển di thần thức của Ngài vào một bầu thế giới nhứt định. Nói một cách khác, hễ cây gậy phép này ở nơi nào, thì nơi đó đương thời là trung tâm điểm của sân trường tiến hóa của vạn vật, khi nó rời khỏi bầu hành tinh của chúng ta để chuyển qua bầu thế giới khác, thì quả địa cầu này sẽ đắm chìm trong giấc ngủ triền miên, không còn sinh hoạt nữa.
“Việc nó có được thuyên chuyển qua những bầu thế giới vô hình (những thế giới cấu tạo bằng những chất thanh khí, nhẹ hơn vật chất hồng trần) hay không, thì chúng tôi không được biết. Chúng tôi cũng không biết rõ cách sử dụng cây gậy phép này ra sao về vai trò của nó trong việc giữ gìn kho thần lực của thế giới. Lúc bình thường, nó được giao cho Đức Ngọc Đế gìn giữ tại Shamballa và theo chỗ chúng tôi được biết thì cuộc lễ Wesak là cơ hội duy nhứt mà nó rời khỏi tay Ngài.
(hình “thần trượng”)
“Cây gậy hình dáng giống cây đoản côn, làm bằng chất kim khí rất hiếm gọi là «Orichalcun» bề dài độ chừng 7 tấc và bề tròn đường kính độ chừng 7 phân; ở hai đầu, mỗi đầu đều có một viên kim cương hình tròn như trái cam và một cái mũi nhọn chụp lên trên. Cây gậy phép này luôn luôn tỏa ra một hào quang sáng rực như ánh lửa. Điều đáng ghi nhận là chỉ có một mình Đức Di Lạc Bồ Tát sử dụng cây gậy phép trong suốt cuộc lễ.
“Khi Ngài vừa hiện ra ở chính giữa ba vòng tròn, thì tất cả các vị Chơn Sư và các đệ tử đều kính cẩn nghiêng mình để chào Ngài, và một đoạn kinh khác lại được ngâm lên. Sau đó, khi giọng ngâm vẫn vang rền, thì hai vòng tròn cử động và dời chỗ để sắp hàng thành một hình chữ thập và Đức Di Lạc vẫn đứng ở ngay trung tâm. Trong giai đoạn thuyên chuyển kế đó, hình chữ thập đổi lại thành hình tam giác, và Đức Bồ Tát cũng dời chỗ để đứng ở ngay góc trên đầu, gần kế bên bàn thờ bằng đá. Trên bàn thờ, ở chỗ khoảng trống phía trước cái chén bằng vàng, Đức Bồ Tát kính cẩn đặt cây gậy phép, trong khi đó ở phía sau lưng Ngài, những vị đạo đồ đứng ở vòng ngoài bèn đổi chỗ để biến cái vòng thành hình cái hoa có ba cánh, tất cả đều day mặt về phía bàn thờ. Trong giai đoạn kế đó, hình cái hoa đổi thành hình tam giác lộn đầu, làm thành ra hai hình tam giác tréo góc, y như biểu tượng của Hội Thông Thiên Học, nhưng không có con rắn khoanh tròn. Sau cùng, đến lượt hai hình tam giác này đổi thành hình ngôi sao năm góc, Đức Bồ Tát vẫn đứng nguyên chỗ cũ gần bàn thờ và những vị Đế Quân thì đứng ở năm điểm cách khoảng nhau trên ngôi sao.
(hình “các hình ảnh theo nhịp điệu”)
“Đến giai đoạn thứ bảy, tức là giai đoạn cuối cùng, thì giọng ngâm dứt hẳn. Sau một lúc im lặng, Đức Di Lạc lại cầm gậy phép trong tay và đưa lên khỏi đầu, Ngài nói một câu giòn giã bằng tiếng Pali: «Bạch Thế Tôn, tất cả đều sẵn sàng. Xin mời Ngài hạ giáng!»
“Kế đó, Ngài vừa đặt cây gậy phép xuống bàn thờ, thì vừa đúng lúc trăng tròn, Đức Phật liền xuất hiện như một nhân vật khổng lồ lơ lửng trong không gian, ngay ở trên những ngọn đồi phía nam. Những nhân viên Quần Tiên Hội chắp tay vái chào Ngài, còn đám đông những người hành hương ở phía sau thì cúi lạy rạp mình xuống đất, trong khi đó những người khác ngâm lên ba câu kệ tam qui, tức là qui Phật, qui Pháp, qui Tăng.
“Kế đó, đám đông người đứng dậy và chiêm ngưỡng dung nhan Đức Phật trong khi những nhân viên Quần Tiên Hội ngâm bài kinh Mahamangala Sutta để ban phước lành cho họ:

“Hình ảnh đức Phật hiện trên đỉnh đồi tuy là rất lớn, nhưng giống như tướng mạo của Ngài lúc còn sanh tiền. Ngài ngồi kiết dà, hai bàn tay giao nhau, mình mặc áo cà sa vàng theo lối tăng lữ, cánh tay mặt để trần. Gương mặt Ngài biểu lộ sự trầm tĩnh, quyền lực, minh triết và bác ái đến một mực tuyệt đối thiêng liêng ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, thật là khôn tả. Nước da Ngài màu ngà, những nét trên mặt Ngài rất rõ rệt, một vầng trán rộng, cặp mắt lớn và sáng màu xanh đậm, mũi cao, cặp môi đỏ, nhưng đó chỉ là tạm phác họa thô sơ hình dáng bề ngoài mà thôi, chớ không đủ diễn tả phong độ uy nghi và thần sắc siêu việt của Ngài một cách đầy đủ trọn vẹn. Tóc Ngài màu đen và dợn sóng, không để dài như phong tục Ấn Độ, cũng không hoàn toàn xuống tóc như các vị sư tăng, mà cắt ngắn chí cổ, chưa chấm xuống vai, chẻ ra ở giữa và chải ngược về phía sau. Truyện tích nói khi thái tử Sĩ Đạt Ta rời khỏi cung điện quyết chí đi tìm đạo, Ngài rút gươm cắt tóc ngay vừa khỏi đầu, và từ đó đến sau tóc Ngài vẫn để ngắn như thế.
“Một khía cạnh đặc biệt nhứt của hình ảnh Đức Phật hiện, là hào quang của Ngài tốt đẹp vô cùng bao bọc chung quanh. Hào quang đó gồm nhiều từng lớp đồng một trung tâm, như những hào quang của các bậc đã tiến hóa cao, và chiếu những màu sắc thật đặc biệt. Hình ảnh Đức Phật được bao bọc trong một vầng ánh sáng vừa chói lòa, vừa trong vắt, chói lòa đến nỗi mắt phàm không thể nhìn lâu, nhưng đồng thời lại trong suốt, làm cho gương mặt Ngài và màu áo hiện rõ hoàn toàn. Phía ngoài là, một vòng màu xanh dương, nối tiếp theo là những vòng màu vàng chói, màu hường, màu trắng bạc và màu đỏ rất đẹp, tất cả những màu sắc này thật ra là những khối tròn, nhưng hiện ra trên nền trời xanh như những vòng tròn cùng một trung tâm. Phía ngoài tất cả, từ những vòng hào quang này bắn ra những tia chớp đủ màu sắc lẫn lộn có cả màu lục và màu tím.
“Trong những sách khác, chúng tôi có nói đến màu đỏ trong hào quang biểu lộ sự nóng giận. Điều này đúng trong thể vía của người thường; thuộc về bốn cảnh thấp của cõi trung giới. Nhưng ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy trên những cõi cao siêu, một màu đỏ trong sáng và đẹp lộng lẫy, giống như tinh hoa của ngọn lửa, là biểu hiện của một lòng dũng cảm và cương quyết mạnh mẽ phi thường. Màu đỏ này trong hào quang của Đức Phật tự nhiên là biểu lộ những đức tánh kể trên đến một mức tuyệt đích vậy.
“Khi đoạn kinh Mahamangala Sutta ngâm vừa dứt, Đức Di Lạc cầm lấy cái chén bằng vàng đựng nước trên bàn thờ, và nâng lên khỏi đầu Ngài trong một lúc. Trong khi đó, đám đông ở phía sau cũng đã chuẩn bị sẵn và đem theo những bình đựng nước, liền làm theo Ngài. Khi Ngài đặt cái chén lại chỗ cũ trên bàn thờ, thì một đoạn kinh khác lại được ngâm lên, lời lẽ ca tụng Đức Thích Ca Như Lai.
“Tiếng ngâm vừa dứt, một nụ cười đầy bác ái nở trên gương mặt Đức Như Lai. Ngài đưa bàn tay mặt lên để ban ân huệ, trong khi đó hàng ngàn cánh hoa rơi xuống như mưa giữa đám dân chúng. Một lần nữa những nhân viên Quần Tiên Hội lại vái chào, đám đông cúi lạy rạp xuống đất, hình ảnh Đức Phật trở nên lu mờ và từ từ biến mất, trong khi đó những người hành hương thốt ra những tiếng kêu vui mừng và ca tụng. Những nhân viên Quần Tiên Hội liền theo thứ tự tiến đến bàn thờ, và thay phiên nhau uống hớp nước trong cái chén vàng. Còn dân chúng cũng uống một hớp nước trong bình riêng của họ, và phần còn lại thì họ đem về nhà để dùng làm «nước thánh», có công dụng trừ tà hoặc để chữa bịnh. Kế đó, đám người hành hương phân chia tứ tán sau khi đã trao đổi những lời chúc tụng lẫn nhau, và họ trở về nhà, mang theo kỷ niệm khó quên của cuộc lễ thiêng liêng mà họ vừa tham dự.”
– Trong “Sự Hiển Lộ của Thánh Đoàn”, Chân Sư D.K. viết:
“Cứ mỗi năm Ngài quay trở lại. Trong giây phút ngắn ngủi, Ngài nhắc nhở chúng ta rằng Thượng Đế đang hiện hữu và bao giờ cũng yêu thương; rằng Ngài không phải không lưu tâm đến con dân của Ngài; rằng tâm của vũ trụ là tình thương không thể thay đổi và rằng con người không chỉ có một mình.”
− Phần mô tả của bà A.A. Bailey trong quyển “Tự Truyện chưa hoàn tất” do Trân Châu biên dịch, về cuộc lễ:
“Sự kiện phi thường này diễn ra hằng năm trong một thung lũng của rặng Hy Mã Lạp Sơn và thực sự xảy ra ở cõi trần chứ không phải là một chuyện thần thoại mơ hồ. Tôi thấy mình (hoàn toàn tỉnh táo) ở trong thung lũng đó, giữa một đám người rất đông nhưng có trật tự − phần lớn là người Á Đông với những người Tây Phương rất rải rác. Tôi biết chính xác chỗ đứng của mình trong đám đông và hiểu ra rằng đó là chỗ đúng đắn của tôi, nó cho thấy vị thế tinh thần của tôi.
“Thung lũng này rộng, hình bầu dục và lởm chởm đá, bốn bề có núi cao. Đám người tụ tập trong thung lũng, quay mặt về phía Đông, hướng về một lối vào hẹp, hình cổ chai ở cuối thung lũng. Ngay trước lối vào hình phễu này có một tảng đá rộng, nổi lên trên mặt thung lũng như một cái bàn lớn, bên trên có một cái bồn bằng pha lê chứa đầy nước, xem chừng đường kính có đến một mét. Có ba nhân vật đứng trước đám đông và đối diện với tảng đá. Ba vị này hợp thành một tam giác và lạ lùng làm sao, vị ở đỉnh của tam giác tôi thấy dường như là Đức Christ. Tập thể đang chờ đợi chừng như di chuyển liên tục, và khi di chuyển, họ hình thành các biểu tượng chính yếu và rất quen thuộc – như những dạng thập tự khác nhau, vòng tròn với tâm điểm, ngôi sao năm cánh và nhiều loại tam giác tréo nhau. Nó gần giống như một vũ điệu trang nghiêm, nhịp nhàng, rất chậm rãi và rất trang trọng nhưng hoàn toàn im lặng. Bỗng nhiên ba Nhân Vật trước thạch bàn đưa tay các Ngài hướng lên trời. Đám đông lặng yên bất động. Ngoài xa, cuối đường đèo hình phễu, chúng tôi thấy một Nhân Vật trên bầu trời, bay lơ lửng trên lối vào và từ từ đến gần thạch bàn. Bằng một cách nào đó mà trong tâm tôi biết rằng đó chính là Đức Phật. Tôi nhận thức được điều này. Đồng thời tôi biết rằng Đức Christ của chúng ta cũng không kém phần quan trọng. Tôi thoáng thấy sự hợp nhất và Thiên Cơ mà Đức Christ, Đức Phật và tất cả các Chân Sư mãi mãi hiến mình thực hiện…”
− Trong “Tham Thiền Huyền Linh” Chân Sư D.K. giải thích ý nghĩa huyền bí của các nghi thức trong cuộc lễ.
“Các bạn có một thí dụ cho điều này trong lễ Wesak kỳ diệu, rất phổ biến ở Ấn Độ cho đến ngày nay, khi Đại Đoàn Chưởng Giáo tự trở thành một vận hà cho sự truyền dẫn năng lượng và ân huệ từ các cấp độ của Đức Phật. Đức Phật đóng vai trò của một điểm hội tụ cho năng lượng đó, và – đưa nó xuyên qua hào quang của Ngài – rót nó lên khắp nhân loại theo con kênh được cung cấp bởi tập hợp các vị Bồ Tát (Lords), các Chân Sư, các cấp đạo đồ và các đệ tử. Vận hà này được thành lập nhờ sử dụng âm thanh và nhịp điệu được dùng cùng một lúc. Bằng cách xướng lên một câu thần chú nhất định, bằng phương tiện của các chuyển động chậm rãi và nhịp nhàng đi kèm với việc xướng thần chú này, hình phễu được thành hình vươn lên tận vị trí mong muốn. Các hình hình học được tạo nên trong vật chất của cõi cao hơn cõi trần (vốn là kết quả của sự chuyển động theo dạng hình học của nhóm các vị được tập họp nơi trung tâm Hy Mã Lạp Sơn này), các hình này tự hợp thành các con đường tiếp cận kỳ diệu đến trung tâm của ân phước cho dân chúng, thiên thần hay các sinh linh khác, từ bất cứ cảnh giới đặc biệt nào. Với những người có thể thấy cảnh tượng bằng thần nhãn, vẻ mỹ lệ của các dạng hình học này là không thể tin được, và vẻ mỹ lệ đó được tăng thêm bởi các hào quang rực rỡ của các Đấng Cao Cả đang tập họp nơi đó.”
Cầu mong tất cả các bạn nhận được ân phước từ cuộc lễ.
Ô-Hay.Vn St –