Lên tận chân mây có tìm thấy tri kỷ?
Ngày xưa có một phú ông rất thích thưởng thức trà, mỗi khi có khách đến nhà, dù là người giàu sang hay nghèo hèn thì ông đều mời trà.
Một ngày nọ, có lão ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông. Lão ăn mày không xin tiền, cũng không xin cơm, mà chỉ đến xin bát nước trà. Ông bèn cho lão vào nhà rồi nhờ gia nhân đun nước pha trà.
Lão ăn mày liếc qua rồi nói: ‘Trà này không ngon.’
Phú ông lấy làm lạ rồi bảo đổi một bát trà ngon khác.
Lão ăn mày ngửi qua, nói: ‘Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong.’
Nghĩ rằng ông lão cũng có chút hiểu biết thưởng thức, nên gia nhân đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Lão ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: ‘Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía trước núi đón nắng nên chất củi xốp, còn sau núi chất củi mới cứng.’
Gia nhân cho rằng ông lão tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi trà được mang lên, mời phú ông và lão ăn mày đối ẩm một bát.
Lão ăn mày nói: ‘Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn.’
Phú ông nói: ‘Đây là chiếc ấm pha trà tốt nhất của ta.’
Lão ăn mày lắc đầu rồi cẩn thận lấy từ trong áo ra một chiếc ấm quý làm bằng đất tử sa. Khi trà mới được mang lên, phú ông nhấp thử mùi vị thấy quả nhiên không tầm thường, lập tức chắp tay thi lễ với lão ăn mày: ‘Ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được.’
Nhưng lão ăn mày vốn nâng niu chiếc ấm tử sa như báu vật, nhất định không muốn bán: ‘Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán.’ Nói rồi lão ăn mày vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm.
Phú ông vội vã ngăn lại, nói: ‘Ta đổi một trăm nén bạc để lấy chiếc ấm của ông.’
Lão ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói: ‘Ta đổi một ngàn nén bạc để lấy chiếc ấm của ông.’
Lão ăn mày nghe vậy bèn cười lớn rồi nói: ‘Nếu không phải vì tiếc chiếc ấm này thì tôi cũng không phải giữ gìn nó cho đến hôm nay.’ Nói xong lão ăn mày quay người bỏ đi.
Phú ông sốt ruột nói: ‘Như thế này đi, ấm là của ông, nhưng xin ông một điều, ông hãy thường xuyên ghé lại với ta, ta ăn gì thì ông ăn đó. Nhưng có một điều kiện, chính là ta thường uống trà cùng ông và nhìn chiếc ấm, ông thấy thế nào?’ Vì quá yêu thích chiếc ấm nên phú ông bèn nghĩ ra cách đó.
Lão ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà vất vả, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý? Vậy là lão vui vẻ nhận lời phú ông.
Cứ như vậy, lão ăn mày thường hay đến chơi với phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông. Hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà quý, chia sẻ với nhau những tâm tình, thưởng trà ẩm rượu, vô cùng ăn ý. Cứ thế nhiều năm qua đi, hai người trở thành hai lão niên tri kỷ thấu hiểu nhau.
Một hôm phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình: ‘Ông không có con cháu, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, chi bằng sau khi ông đi rồi, hãy để tôi giúp ông bảo quản chiếc ấm này, ông thấy thế nào?’
Lão ăn mày rưng rưng đồng ý. Không lâu sau, lão ăn mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn, có được chiếc ấm tử sa.
Những ngày đầu phú ông chìm trong cảm giác vui sướng vì chiếc ấm tử sa là của riêng mình. Nhưng rồi cũng đến một ngày, khi đang ngắm nghía chiếc ấm quý này, phú ông đột nhiên cảm thấy trong lòng trống vắng, thiếu vắng thứ gì đó, chén trà đưa lên miệng cũng không còn thơm ngon và đậm đà như trước nữa.
Trước mắt ông hiện lên hình ảnh những tháng ngày vui vẻ cùng người bạn thưởng trà. Hiểu rõ tất cả rồi, phú ông mắt nhòa lệ lạnh lùng thả rơi chiếc ấm xuống đất.
___
Có một câu chuyện về tình tri kỷ như vậy.
Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng đã có lần phải thở dài: ‘Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?’ Khó, đúng là khó lắm.
Người quen trong thiên hạ nhiều vô kể, thử hỏi tri kỷ được mấy người?
Câu chuyện kết thúc, kết cục có lẽ khiến người ta không ngờ được. Theo thời gian, có rất nhiều thứ cũng đổi thay, tình nghĩa giữa phú ông và ông lão ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà, thứ dù có tốt đến đâu nếu không có ai thưởng thức cùng và thấu hiểu cùng thì cũng mất đi ý nghĩa của nó, thứ đáng giá đến đâu cũng đâu đáng giá bằng tình tri kỷ.
Hãy nghĩ về cuộc đời mình, những thứ gì quan trọng trong cuộc đời ta? Có lẽ là những thứ tình cảm như là một liều thuốc, có thể xoa dịu và sưởi ấm được tâm hồn mình. Và tri kỷ chính là một liều thuốc quý, nhưng tri kỷ rất khó gặp.
Trong cuộc sống có được người bạn tri kỷ là cũng đủ. Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành tĩnh lặng.
Tri kỷ thật sự là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, vị chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói.
Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần sửa soạn chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui từ hoà quyện của các thứ tình cảm: tình bạn, tình yêu, tình thân. Nó tuyệt vời và khó diễn tả.
Xin dành tặng cho những ai hiểu được giá trị và trân trọng hai chữ TRI KỶ.
-St-