Lịch Thái Tuế
Khí vận của Thiên Địa Nhân
Sau nhiều năm truy tìm các tư liệu xưa và trải nghiệm việc tu dưỡng luyện khí, Tàng Kinh Các chính thức chia sẻ Lịch Thái Tuế phục vụ cộng đồng, mọi người có thể tra để ra ngày hiện tại và sau này để ứng dụng cho việc bảo dưỡng thân thể, luyện khí, luyện đan.
Mình chia sẻ lại một chút về Khí vận của Thiên Địa Nhân, đây là 2 bài mình từng đăng hồi năm 2018-2019.
……….
Thiết Quang Chân Nhân:
-“Vì sao trong nhơn loại phải chịu Sanh, Khổ, Bịnh, Lão, Tử?”
Như Ý Đạo Thiền Chân Nhân:
-“Ấy chỉ tại nhơn loại chẳng hay tìm biết thời trời để phù hạp với thời người, nên chẳng đặng trường sanh bất tử.”
Thiết Quang Chân Nhân:
-“Làm sao biết đặng thời Trời để thuận thời người mà thoát tử, xin đạo huynh giải giúp?”
Như Ý Đạo Thiền Chân Nhân:
-“Cười… Trong thời tiết của Tạo Hóa xoay vần, vẫn có số định như mùa xuân thì sanh, mùa hạ thì trưởng, mùa thu thì thâu, mùa đông thì tàng.
Tuy vậy nhưng chớ tưởng xuân phải sanh, hạ phải trưởng.
Kìa như cây mai rườm rà bông lá, cây cúc thấm nhuận khoe màu. Há phải là xuân sanh, hạ trưởng đó sao?
Còn như cây tòng, cây bá, quanh năm mãn tiết, vẫn xanh xanh mịch mịch. Nào có phải là thu thâu, đông tàng đó sao?
Rất đỗi loại vô tri như cây cỏ, mà còn hay vượt lên để tìm lấy sức nóng của mặt nhựt là thuần dương khí mà lánh cái khổ luật thu thâu đông tàng của những loại như mình, còn người là một loại tối linh, há chẳng biết tìm cách để thuận nuôi chân tánh, hầu đào luyện thân hình cho thoát hóa sao?
Con chim hạc là một giống cầm, biết đến Giờ Tý mà trở canh. Con chim yến lại biết tìm lấy ngày Mậu Kỷ cho hạp thời để sắp ổ mà sanh sản.
Con Rắn lại biết ngày Tỵ là ngày sát mạng mà chẳng qua đường.
Ôi!
Rất đỗi loại vô thức là loại cầm thú, mà còn biết tìm chỗ hạp thời để sanh sản, để lánh sự thác.
Phương chi loài người là một loại tối minh (Trí tuệ sáng suốt, có sự phân biệt của lý trí), há chẳng biết tìm phương để nuôi nấng cái Nguyên Khí cho đầy đủ, hầu đem cái chân khí vào nơi kín mà nhập thánh siêu phàm sao?
Trong thế gian nầy, chẳng mấy ai sớm biết, nên chi đến tuổi Thanh niên Nguyên Khí đang đầy đủ mà không gìn giữ hầu huấn luyện, lại để đến khi thâm nhiễm những việc trần thế, mà lần lần phải tiêu hao, thật khá tiếc!!!
Cái đại vận Chân khí hằng xoay vần theo Trời Đất, nên chi mùa Xuân thì ở tại Can, mùa Hạ ở tại Tâm, mùa Thu tại Phế, mùa Đông tại Thận.
Còn tiểu vận Nguyên Khí xoay vần theo ngày tháng.
Giờ Tý thuộc về tạng Thận,
Giờ Ngọ thuộc về tạng Tâm,
Giờ Mẹo thuộc về tạng Can,
Giờ Dậu thuộc về tạng Phế.
Trời Đất có Xuân, Hạ, Thu, Đông
Nhựt, Nguyệt có huyền vọng hối sóc
Người có Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, sự xoay vần hằng tương hiệp vậy.
Mùa Đông thuộc khí Âm, trong khí Âm lại sanh một điểm Dương, nên chi khí Âm trở nên ấm mà làm mùa Xuân. Ấy là Âm làm chủ, mà Dương làm khách. Trong khí Dương lại sanh ra Dương nữa, khí bèn nóng nên gọi là mùa Hạ, rồi trong khí Dương lại có một điểm Âm sanh, khí bèn trở nên mát thì gọi là mùa Thu. Ấy là Dương làm chủ, mà Âm là khách vậy. Trong khí Âm lại Âm sanh, nên khí trở lạnh gọi là mùa Đông, ấy là bốn mùa xoay vần của Trời Đất.
Còn sự sáng lại tối qua, là vì trong cái phách mà sanh ra hồn, nên gọi là ngày thượng huyền, sau ngày thượng huyền thì hồn là thể, mà phách là dụng vậy. Trong cái hồn lại sanh ra hồn bèn tỏ, nên gọi là ngày vọng. Trong cái hồn lại sanh ra phách bèn tối, nên gọi là ngày hạ huyền. Sau ngày hạ huyền thì phách ấy làm thể, mà hồn ấy làm dụng vậy, rồi trong cái phách lại sanh phách, nên gọi là ngày hối, ấy là Nhật Nguyệt xoay vần lại qua bốn độ vậy.
Trời Đất có 360 ngày,
Nhựt Nguyệt có 360 giờ,
Người có 360 độ,
Trời Đất lại có 24 khí,
Nhật Nguyệt có 24 độ,
Người có 12 giờ, xoay vần chẳng hề sai thố.
Những giờ Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tý, Tuất, sáu giờ ấy thuộc về khí Dương sanh.
Mẹo, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi, Sửu, sáu giờ ấy thuộc về khí Âm sanh.
Còn ngũ hành luân chuyển thì:
Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm, ấy là số ngũ hành thuộc Dương.
Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý, ấy là ngũ hành thuộc Âm.
Từ giờ Tý đến giờ Ngọ, khí Dương bèn sanh,
Từ giờ Ngọ đến Tý khí Âm bèn sanh.
– Giờ Tý thuộc về Thiếu Âm. (Khí âm có ít)
Giờ Sửu thuộc về Thái Âm. (Khí âm thịnh)
Giờ Dần thuộc về Thiếu Dương. (khí dương có ít)
Giờ Mẹo thuộc về Dương Minh. (Khí dương tăng lên)
Giờ Thìn thuộc về Thái Dương. (Khí dương thịnh)
Giờ Tỵ thuộc về Khuyết Âm. (Khí âm xuất hiện)
– Giờ Ngọ thuộc về Thiếu Âm, (Khí âm có ít)
Giờ Mùi thuộc về Thái Âm (Khí âm thịnh)
Giờ Thân thuộc về Thiếu Dương. (Khí dương có ít)
Giờ Dậu thuộc về Dương Minh. (Khí dương tăng lên)
Giờ Tuất thuộc về Thái Dương. (Khí dương rất nhiều)
Giờ Hợi thuộc về Khuyết Âm (Khí âm xuất hiện)
Ấy là sự xoay vần phép định, một mảy chẳng ly.
Bởi trong khí Âm mà Dương bèn sanh nên khí dương sanh ở trước giờ Mẹo.
Trong hồn lại có phách sanh, nên khí âm sanh cuối giờ Dậu.
Nuôi lấy chân khí chẳng phải tại nơi mùa Xuân, mùa Hạ.
Nhưng mà mùa Xuân mùa Hạ ấy là chỗ dùng để nuôi chân khí. Vì Xuân Hạ thuộc Tâm Can.
Nuôi khí Âm cũng chẳng phải tại Thu Đông,
nhưng mà mùa Thu, mùa Đông ấy là chỗ dùng để nuôi lấy khí Âm, vì Thu Đông thuộc về Phế Thận.
Nên chi nuôi khí Âm Dương cũng phải xây theo thời tiết mà cường dưỡng.
Nếu hay đem Mộc vận mà tùy theo trời đất xoay vần trong 24 độ thì thâu lấy đó mà làm Đại Dược,
bằng Kim vận mà đặng xoay vần theo linh phù trong 24 độ khá gọi là Hoàn Đơn.
Sau tiết Hạ Chí thì Chân Hống hằng trụ nơi Giáng Cung.
Sau tiết Đông Chí thì Chân Diên hằng nhóm chốn Đơn Điền.
Bằng người muốn luyện tại thế cho ổn thỏa xác thịt, thơ thới tinh thần thì hãy dụng sự luyện khí làm trước mới hay biết đặng.
Bằng muốn siêu phàm nhập thánh, thì hãy dụng thời làm trước, sự tu luyện ắt công thành.
Ôi! Nhơn sanh tu thân mà chẳng hay luyện, vì không kinh nghiệm, mà chưa thấy những công trạng gì.
Giờ khí tổn mà chẳng bổ,
giờ khí tán mà chẳng nhóm,
giờ khí tụ mà chẳng luyện,
thì còn tìm đặng giờ nào để tu kỷ nữa chăng?
Phương chi sự hằng mong thấy mà chẳng hay làm, pháp khể thủ chưa có, thỏn mỏn ngày tháng lại qua thì giờ rối loạn, đến lúc khí tuyệt ngày giờ hết, thì sao đặng lâu dài như Trời Đất, bền bỉ như Nhật Nguyệt vậy?
…………………
Chú thích:
- Huyền 弦 = mặt trăng mới hiện nên nửa hình như cái cung. Âm lịch gọi ngày mồng 7 và mồng 8 là thượng huyền 上 弦, ngày 22 và 23 là hạ huyền 下 弦 ;
- vọng 望 = ngày rằm (ngày 15 tháng âm lịch);
- hối 晦 = ngày cuối tháng (còn gọi là nguyệt để 月 底 );
- sóc 朔= ngày mồng một.
- Thỏn mỏn = hao mòn dần.
….…………………………
Lục Đinh Thần và Lục Giáp Thần, thường được biết đến là Thái Tuế Thần.
Người nào hiểu được nhiều hơn về sự vận hành, trách nhiệm của chư vị trong các thời khắc của Thiên Địa luân chuyển thì có thể nhìn được Thiên Cơ, ứng dụng Chiêm Tinh, Bốc Dịch và Cảm Ứng đều rất tốt
* Thái Tuế Bộ có 12 vị
- Chấp Niên Tuế Quân Thái Tuế Ân Giao : Coi việc lành dữ cả năm
- Giáp Tý Thái Tuế Dương Nhậm cùng các vị bổn bộ đi tuần du, coi việc lành dữ trong thiên hạ, giúp người quán xét, sám hối.
- Thái Tuế Bộ Hạ Nhật Trực Chúng Tinh
- 1.Nhựt Du Thần: Ôn Lương
- 2.Dạ Du Thần: Kiều Khôn
- 3.Tăng Phước Thần: Hàng Ðộc Long
- 4.Tôn Phước Thần: Tiết Ác Hổ
- 5.Hiển Đạo Thần: Phương Bậc
- 6.Khai Lộ Thần: Phương Tướng
- 7.Trị Niên Thần: Lý Bình
- 8.Trị Nguyệt Thần: Huỳnh Thừa Ất
- 9.Trị Nhật Thần: Châu Ðáng
- 10.Trị Thời Thần: Lưu Ðồng
Ngoài 12 vị Thái Tuế sứ giả trông coi sự xoay vần thời khắc, lưu truyền thông tin thiện ác nhân quả nghiệp báo của chúng sinh thì còn có 60 vị khác phụ trách Thời-Nhật-Nguyệt-Niên. Đó là chư vị cai quản thời khắc theo sự vận hành của Thiên Can Địa Chi, ứng với việc phân chia thời gian vận hành của Thiên Địa vạn vật thì vận hành theo chu kỳ 60 tiết hay thời khắc.
- Thiên Can có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
- Địa Chi có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Sự kết hợp của Thiên Can Địa Chi hình thành nên 60 thời khắc, luân chuyển vận hành của Niên – Nguyệt – Nhật – Thời (Năm – Tháng – Ngày – Canh Giờ) gồm:
Một giờ (thời gian) có 60 phút, tức ứng với 1 chu kì vận hành Thiên Can Địa Chi kết hợp lưu chuyển là 60 khắc tiết.
- 1 Thời (Canh giờ) có 2 giờ hay 120 khắc tiết
- 1 Nhật (ngày) có 12 canh hay 24 giờ
- 1 Nguyệt (tháng) có 30 ngày hay 360 canh.
- 1 Niên (năm) có 12 tháng hay 360 ngày.
Trong Thiên Can Địa Chi hợp đồ thì:
số lẻ tượng trưng cho Dương – Nam Thần chủ quản,
số chẵn tượng trưng Âm – Nữ Thần chủ quản.
Như vậy thì theo bảng vận hành kết hợp chúng ta có
Các Can Chi thuộc Dương gồm:
- Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm.
- Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất.
Kết hợp thành 30 Can Chi Dương Tính là:
- Giáp Tý, Giáp Dần, Giáp Thìn, Giáp Ngọ, Giáp Thân, Giáp Tuất.
- Bính Tý, Bính Dần, Bính Thìn, Bính Ngọ, Bính Thân, Bính Tuất.
- Mậu Tý, Mậu Dần, Mậu Thìn, Mậu Ngọ, Mậu Thân, Mậu Tuất.
- Canh Tý, Canh Dần, Canh Thìn, Can Ngọ, Canh Thân, Canh Tuất.
- Nhâm Tý, Nhâm Dần, Nhâm Thìn, Nhâm Ngọ, Nhâm Thân, Nhâm Tuất.
Các Can Chi thuộc Âm gồm:
- Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý.
- Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi.
Kết hợp thành 30 Can Chi Âm Tính là:
- Ất Sửu, Ất Mão, Ất Tỵ, Ất Mùi, Ất Dậu, Ất Hợi.
- Đinh Sửu, Đinh Mão, Đinh Tỵ, Đinh Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi.
- Kỷ Sửu, Kỷ Mão, Kỷ Tỵ, Kỷ Mùi, Kỷ Dậu, Kỷ Hợi.
- Tân Sửu, Tân, Mão, Tân Tỵ, Tân Mùi, Tân Dậu, Tân Hợi.
- Quý Sửu, Quý Mão, Quý Tỵ, Quý Mùi, Quý Dậu, Quý Hợi.
Mỗi Can Chi thời khắc do một vị Chánh Thần cai quản, theo tính Âm Dương như trên mà vị ấy sẽ là Nam Thần hay Nữ Thần phụ trách.
Các vị trí Chánh Thần này, do sự tuyển chọn của Tam Giới Đại Hội Thiên Điều khảo nghiệm và lựa chọn bậc anh linh đức tài phù hợp. Cho nên, có một số tư liệu là Kinh Điển các tôn giáo khác nhau, theo mốc thời gian khác nhau sẽ có liệt kê tôn danh của chư vị Chánh Thần Thiên Can Chi này khác nhau.
Mỗi chu kỳ 60 năm sẽ có một lần tuyển chọn để đưa người hiền vào các vị trí tương ứng.
Những vị đã xong một nhiệm kỳ 60 năm, nếu chưa tuyển chọn được người hiền phù hợp, hoặc chưa có công nghiệp gì đặc biệt trong việc thăng giáng phẩm vị, hay không thay đổi vị trí hành pháp thì vị ấy sẽ tiếp tục giữ trách nhiệm làm một vị Chánh Thần chủ quản Can Chi ấy ở nhiệm kỳ tiếp theo.
Đối với người tu luyện theo Đạo Gia, nhất là Đan Đạo, hoặc là Tử Vi, Lý Số, Chiêm Tinh, Bốc Dịch… Sẽ thường thấy nhắc đến các cụm từ như là Lục Đinh Thần, Lục Đinh Nữ Thần, Lục Giáp Nam Thần, Đinh Giáp lưu chuyển trong Âm Dương Ngũ Hành, Bắc Đẩu Thất Tinh Trận…
Còn tiếp bảng 60 chức vị Thái Tuế Bộ.
Tổng cộng là 72 vị.

….…………………
Lịch Thái Tuế hay Can Chi Lục Thập Hoa Giáp, gọi ngắn là Can Chi Lịch
Lịch Thái Tuế có ý nghĩa quan trọng trong việc năm biết vận hành âm dương, từ đó biết giờ nào khí âm nhiều, khí dương nhiều, cơ thể mình đang yếu chỗ nào, thiếu cái gì, thì canh ngay các giờ ấy mà điều tức, hít thở sâu đều, có thể ngủ trong thanh tĩnh cũng là một cách để điều dưỡng, tịnh hóa, hấp thu loại năng lượng khí chất mà cơ thể đang cần bổ khuyết.
Cách dùng Lịch Thái Tuế:
- Cột bên trái ngoài cùng là cột giờ luân chuyển theo chu kỳ 60 Can Chi.
- Các bảng tab bên dưới ứng với các năm mình cần tra.
- Các cột tháng và ngày dương lịch, cứ theo đó mà tra.
Ví dụ hôm nay ngày 7 tháng 10 năm 2022
Tra vào bảng thì ra:
Tháng Giáp Thìn, Ngày Nhâm Ngọ, Khởi Giờ Canh Tý.
Trong khi trong các loại lịch vạn niên hiện nay đang lưu hành trên thị trường thì khi tra sẽ ra là:
Tháng Canh Tuất, Ngày Quý Tỵ, Khởi Giờ Nhâm Tý.
Việc sai lệch Can Chi Thái Tuế của các loại Lịch Vạn Niên hiện giờ do người ta cố tình gượng ép để ngày Dương Lịch và Âm Lịch gần bằng nhau.
- Lịch Thái Tuế thì 360 ngày, 12 tháng, mỗi tháng có đúng 30 ngày.
- Lịch Dương hay Nhật Lịch thì có 365 ngày 6 giờ. Cứ 4 năm thì cộng lại thành có thêm 1 ngày.
- Lịch Âm hay Nguyệt Lịch thì có bao nhiêu ngày không biết chính xác luôn, vì có tháng chỉ có 29 ngày, có tháng 30 ngày, lại có năm thì thêm vô hẳn 1 tháng nhuần để hai lịch Âm Dương gần trùng khớp nhau.
Như vậy, chu kỳ 1 năm của 3 loại lịch bên trên khác nhau. Việc các chu kì không giống nhau bên trên dẫn đến Can Chi Thái Tuế trong Âm Lịch hiện tại bị sai. Các môn huyền học liên quan đến tính toán Can Chi nếu sử dụng lịch hiện tại người trong huyền môn hay dùng là Nguyệt Lịch thì là không chính xác. Bởi Nguyệt Lịch được người ta cố gắng làm sao cho tương ứng với Nhật Lịch, để tránh việc các tháng chênh lệch nhau quá nhiều nên xảy ra tình trạng nhuần tháng, có 13 tháng trong 1 năm Nguyệt Lịch.
Theo đúng Can Chi Lịch thì mỗi 60 năm sẽ có 1 thời khắc chuyển giao đặc biệt, khởi đầu một chu kỳ Thái Tuế Can Chi mới, sẽ là Năm Giáp Tý, Tháng Giáp Tý, Ngày Giáp Tý và Giờ Giáp Tý. Nhưng Lịch Can Chi đang tính theo Nguyệt Lịch lẫn Nhật Lịch trong các tài liệu của Lịch Vạn Niên phổ thông hiện nay không bao giờ xuất hiện Trùng Giáp cho tất cả 4 cột mốc của Năm Tháng Ngày Giờ. Không bao giờ chúng ta kiếm ra được một ngày có đủ 4 cái Giáp Tý khởi đầu của chu kì Thái Tuế 60 năm 1 lần.
Người trong Huyền Môn, muốn tính chính xác các sự vận hành trong tử vi đẩu số, tinh tọa vận hành, thì cần phải nắm được điều này. Nếu không, mọi tính toán đều sai lệch vậy.
Việc này có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên do vô tình, hoặc cố ý của các nhà biên soạn kinh sách, Lịch Vạn Niên trong quá trình lưu truyền văn hóa giao thoa giữa cổ kim, Đông Tây. Nếu là cố ý, tức là người Hán cố tình đưa thông tin sai lệch, để những người khác, nơi khác cho dù nắm được cách thức tính toán vận hành của tinh tọa theo Can Chi, thì cũng không ứng dụng chính xác được theo đúng vận hành Can Chi thực tế trong vũ trụ Thiên Địa.
Nhờ vào việc truy tìm nguồn gốc chu kì Thái Tuế từ rất xa xưa để tìm ra ngày khởi đầu Thái Tuế là Giáp Tý ứng với Thời, Nhật, Nguyệt, Niên. Các thành viên Tàng Kinh Các Đại Đạo đã tính toán và biên chép lại bảng Lịch Thái Tuế để tra cứu, ứng dụng cho các việc có liên quan tính toán Can Chi, mà gần nhất là với việc luyện khí, luyện đan cho hành giả tu Đan Đạo và mọi người ứng dụng trong việc bảo dưỡng thân thể mạnh khỏe cùng Thiên Địa.
Nay chia sẻ cùng cả nhà
Bảng Lịch được lập bởi Tử Đằng. Chân thành cảm ơn sự đóng góp công sức đặc biệt của em.
P/s:
Văn hóa Việt, thì không cần dùng Nguyệt Lịch cho tế lễ cũng được. Chỉ là giờ người ta bị chấp niệm ăn sâu vào việc dùng 2 loại lịch bên trên, thì thôi cũng không có gì quan trọng.
Vì Can Chi Lịch có ý nghĩ trong việc ứng dụng vận hành âm dương tiết khí của Thiên Địa tương ứng với Tiểu Thiên Địa của Người.
Đặc biệt có ý nghĩa trong luyện Đan Đạo, hấp thu tinh hoa nhật nguyệt âm dương theo ngày giờ… và sau cùng là biết ngày giờ sẽ bỏ xác, vận mệnh quốc gia dân tộc… đại khái mấy chuyện như thế.
Còn cúng tế lễ kỷ niệm giỗ, cứ tính 360 ngày là được.
Nói chung là người tu Huyền Môn chuyên sâu thì cần biết.
Người thường thì không cần quan tâm cũng được
Xem trực tiếp file tại: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1ujOCtwCcBYzggVlnry09PpYUd8YW49w1uQDGMz-mrcA/edit?usp=sharing
Tam Giới Toàn Thư