Linh Tiêu Điện
* Nguồn gốc
– Linh Tiêu Điện là một tòa tháp cao, được kết tinh bởi khí chất thanh khiết nơi Thượng Giới.
– Linh Tiêu Điện là chánh điện của Ngọc Hư Cung.
– Nơi ấy có bệ ngọc tối cao tối thượng, là ngai của khối ánh sáng Đại Linh Quang, gọi là Thái Cực. Bệ ngọc ấy chính là Bạch Ngọc Đài, Cao Đài.
– Chưởng quẩn nơi tối cao tối trọng này chính là Đức Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng, hay Người còn được biết đến với các tôn danh khác như là Đức Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.
Cao Đài được dùng chỉ về một cái đài bằng bạch ngọc thuần khiết ở Linh Tiêu Điện, trong Ngọc Hư Cung, tại Bạch Ngọc Kinh, thuộc trung tâm Đại Vũ Trụ, còn gọi là Cội Đạo, Đạo Nguyên. Cao Đài này, trong văn hóa cổ xưa được gọi là Lạc Thiên Thai.
Đạo Cao Đài là nền Đại Đạo, nền Tân Tôn Giáo thời Tam Kỳ Phổ Độ mở ra làm một trường thi công quả cho chúng sinh lập công bồi đức mà có đường về Cội Đạo.
Đấng Cao Đài, hay Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát là tôn danh được chư vị mượn danh để truyền dạy Đạo Pháp.
Các vị đã từng mượn danh Cao Đài để dạy Đạo qua cơ bút được biết đến là:
- Đức Nhiên Đăng Cổ Phật
- Đức Thích Ca Mâu Ni
- Đức Thái Thượng Đạo Tổ
- Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn
- Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Và tôn danh này, có nhiều khi tà quái cũng mượn danh để giáng cơ và nhập xác mà dẫn chúng sinh về đường u mê, tà đạo.
Thế nên việc xem kinh sách cần thận trọng, nhất là qua cơ bút. Khoan bàn tới việc là ai, vị nào giáng dạy, mà hãy xem nội dung cơ bút nói gì, có hợp lẽ Đạo Chân Thiện Mỹ thuần lương thanh tịnh hay chăng.
Việc nhập xác tự xưng thì hiển nhiên là tà quái rồi, vì chẳng có chư vị cao trọng nào nhập xác phàm tục đầy ô trược để làm việc dạy Đạo cả.
* Hình dạng và tính chất hoạt động
– Linh Tiêu Điện là tòa tháp có hình dáng lăng trụ bát giác đều, tượng nên hình Bát Quái Cửu Cung.
– Là nơi chư anh linh bái kiến Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, hội họp định kỳ thường niên để đưa ra các điều quy của Thiên Điều, thiết lập và gìn giữ trật tự Tam Giới vận hành theo khuôn luật của bác ái và công bình.
– Là nơi tổ chức các giảng đường thuyết pháp về các luật lệ vận hành trong Tam Giới cho chư anh linh mới du nhập vào Thượng Giới tham dự.
– Là nơi tuyên đọc các sắc phong cho những anh linh đạt quả vị trong Cửu Phẩm Thần Tiên.
* Linh Tiêu Điện trong kinh điển
Kinh Khi Đã chết Rồi – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Ba mươi sáu cõi Thiên Tào,
Nhập trong Bát Quái mới vào Ngọc Hư.
Quê xưa trở, cõi đọa từ,
Đoạt cơ thoát tục bấy chừ tuyệt luân.
Dưới chín lớp liên thần đưa bước,
Trên hồng quang phủ phước tiêu diêu.
Linh Tiêu Điện, bảng danh nêu,
Nguyên căn đẹp vẻ mỹ miều cao thăng.
Kinh Bạch Ngọc muôn lằn điễn chiếu,
Kêu Chơn hồn vịn níu Chơn linh.
Năng lai năng khứ khinh khinh,
Mau như điển chiếu nhẹ thành bóng mây.
Cửa Tây Phương khá bay đến chốn,
Diệt trần tình vui hưởng tiêu diêu,
Tiên phong Phật cốt mỹ miều,
Vào Kinh Bạch Ngọc lễ triều Chí Linh.
….……………
Thơ tả Linh Tiêu Điện
Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Đài
Đại hội quần Tiên thử Ngọc giai
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất
Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai
…
Một tòa Thiên Các ngọc làu làu
Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao.
Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu
Muôn trùng nhịp khảm hiệp Nam Tào.
Chư Thần choá mắt màu thường đổi
Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao.
Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi
Vững bền vạn kiếp chẳng hề xao.
Tam Giới Toàn Thư
Linh Tiêu nhất tháp
Tương truyền, vào năm 1927 tại Cần Thơ, Đức Chí Tôn đã nhắc đến danh xưng Cao Đài trong bài thơ như sau:
靈霄一塔是高臺
Linh Tiêu nhất tháp thị cao đài
大會群仙此玉階
Đại hội quần Tiên thử ngọc giai
萬丈毫光從此出
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất
古名寶景樂天台
Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai.
Bài thơ này thường được giải thích như sau:
- 1. Nơi (trong) điện Linh Tiêu (trên Thiên Đình) có một ngôi thá gọi là Cao Đài.
- 2. Đại hội của các vị Tiên (diễn ra) ở trước bệ ngọc này.
- 3. Hào quang từ chỗ này phóng ra xa muôn trượng.
- 4. Tên xưa của cảnh quý báu này là Lạc Thiên Thai.
*
Bốn câu thơ trong bài “Linh Tiêu nhất tháp…” có thể giảng lại như sau:
Tháp Linh Tiêu là một cái đài cao
Đại hội các vị Tiên (diễn ra) ở trước bệ ngọc này
Hào quang từ chỗ này phóng ra xa muôn trượng
Xưa gọi tên cảnh quý báu này là Lạc Thiên Thai.
NGHÊ DŨ LAN