Bồ Đề Đạt Ma
Bồ Ðề Ðạt Ma [Bodhidharma], Tổ thứ 28 của Phật giáo, Sơ tổ của Thiền tông, Tỵ tổ của Thiếu Lâm võ công, là người Quốc Hương, nam Ấn, nay là xứ Dekhan. Ngài là Hoàng tử thứ ba của vua Hương Chí, dòng Sát đế lợi, tên tục là Bồ Ðề Ða La [Bodhitara].
Trong dịp đến Quốc Hương thọ lễ cúng dường do vua Hương Chí tổ chức, Tổ thứ 27, Bát Nhã Ða La [Prajnâtara] gặp Bồ Ðề Ða La. Nhận thấy ở vị hoàng tử nhiều nét đặc biệt, còn nhỏ mà đã có trí tuệ siêu việt và tài hùng biện, mới thử bảo cùng hai anh biện luận về chữ Tâm. Thấy Bồ Ðề Ða La tìm ra được yếu điểm của tâm, Tổ nói:
“Hoàng tử đối với Pháp đã được thông lượng, mà Ðạt Ma có nghĩa là thông đạt rộng lớn, vậy hoàng tử nên lấy tên là Bồ Ðề Ðạt Ma”.
Hoàng tử nhận và bái Bát Nhã Ða La làm thầy.
Một hôm, Tổ Bát Nhã Ða La gọi Ngài đến dặn dò:
“Ngươi tạm giáo hóa ở nước này, sau sang Trung Hoa mới thật là duyên lớn. Song, đợi ta diệt độ 60 năm sau sẽ đi, nếu sớm, e có việc không tốt”.
Những điều kiết hung về sự giáo hóa ở Trung Hoa sau này, Ngài đều cầu xin Tổ chỉ dạy. Tổ dùng những lời sấm ký tiên đoán sự kiết hung vận số Phật pháp ở Trung Hoa, nói hơn mười bài kệ. Tổ thứ 27 viên tịch, Ngài vẫn ở nước nhà giáo hóa.
Gần 80 tuổi, Bồ Ðề Ðạt Ma, từ Ấn Độ xuống thuyền ra khơi sang Trung Hoa để truyền bá Pháp thiền mang truyền thống Yoga Ấn. Sứ thần lấy lễ nghênh tiếp và dâng biểu về triều. Hán Vũ Ðế sai sứ thỉnh Bồ Đề Đạt Ma về thành đô Kim Lăng. Lương Võ Ðế từng đắp cà sa, giảng Kinh Phóng Quang Bát Nhã, biện Đạo nêu Phật, dạy bảo thiên hạ, xây 72 ngôi chùa, độ tăng chúng, dựa theo giáo nghĩa tu hành, người đời tôn là Thiên tử tâm Phật.
Vua hỏi Bồ Ðề Ðạt Ma:
– Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?
Tổ đáp:
– Ðều không có công đức.
– Tại sao không công đức.
– Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu” như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.
– Vậy công đức chân thật là gì?
– Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian như xây chùa, chép kinh, độ tăng mà cầu được.
Vua phật ý nên không trọng dụng Ngài, sau ân hận thì Tổ đã vượt sông đến Tung Sơn Thiếu Lâm Tự. Đạt Ma Tổ Sư bứt một cọng lau ném xuống sông, rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang (*).
Tại chùa Thiếu Lâm, Ngài thấy nhiều nhà sư thể trạng yếu đuối, thường hay ngủ gật và không chịu nổi với khí lạnh của núi rừng xâm nhập. Vì thế, Ngài tham thiền để tìm phương pháp giúp các vị sư này. Sau 9 năm diện bích trong động, Ngài đã đúc kết hết thảy tinh yếu vào hai pho “Dịch Cân Kinh” và “Tẩy Thủy Kinh”, trở thành Tỵ tổ của Thiếu Lâm võ công và cũng là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa. Người đời gọi Ngài là “Bích quán Bàlamôn”, nghĩa là ông Bàlamôn ngó vách.
Trước tài năng của Tổ, vô số kẻ ganh ghét, thực tế Ngài đã bị đầu độc 5 lần. Ðến lần thứ sáu, thấy sứ mệnh hoằng Pháp đã hoàn thành, công việc truyền Pháp đã có người kế tục, Tổ không tự cứu nữa, ngồi an nhiên tịch diệt nhằm ngày mồng 9 tháng 10 năm Bính Thìn, Thiên Giám thứ 2, đời Lương Võ Đế [536 sau CN] thọ 150 tuổi.
Kỳ lạ thay, 3 năm sau, Tống Vân, quan nhà Ngụy, đi sứ Tây Vực quay về, tại núi Thông Lãnh gặp Tổ, tay cầm một chiếc dép, đi như bay.
Tống Vân hỏi:
– Ngài đi đâu đó?
Tổ đáp:
– Ta về Tây phương.
Rồi Tổ nói thêm:
“Chủ của ông đã chán đời rồi”.
Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giã Tổ và hấp tấp về phục mạng, thì Minh Ðế đã băng hà. Tống Vân tâu việc gặp Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma lên Hiếu Trang mới tức vị. Vua ra lệnh quật mồ. Trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dép. Vua truyền đưa chiếc dép về thờ tại chùa Thiếu Lâm.
—–
Lời bàn của cổ nhân:
Bậc Đế Vương tu Phật mà còn làm việc vì tham công đức chứ không phải vì việc đó cần làm, tham vi tế nên mất hết công đức. Đã vậy lại dính bát phong nên ưa nịnh, không trúng ý mình thì không trọng dụng người tài quả là ngu dốt. Bố thí thì có nhưng với tâm tham cầu nên không phải là bố thí Ba la mật của đạo Phật. Với tâm dính mắc này mà giảng Pháp cho dân thì nguy hơn lợi. Bởi thế mới sinh ra hạng Lưu Chi tam tạng – mượn hình thức tu Phật mà thực là phá đạo.
(*) Năm 1307, Tung Sơn Thiếu Lâm Tự lập một tượng đá, tạc cảnh Ngài đạp cọng lau qua sông, giờ không rõ có còn không.
Lời Dạy Của Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Luận rằng: Ví có người hỏi: Nếu muốn cầu đạo phải tu cách nào cho chóng tắt nhất?
Đáp: Chỉ có pháp quán tâm nhiếp hết các pháp là chóng tắt nhất.
Hỏi: Vì sao một pháp nhiếp được hết các pháp?
Đáp: Vì tâm là nguồn cội của vạn pháp, hết thảy pháp đều từ tâm sanh. Nếu tỏ được tâm thì vạn pháp đều đủ. Cũng như cây to, cành lá hoa quả sum suê đều từ gốc cây. Khi trồng cây phải chú ý săn sóc ở gốc thì cây mới được sanh sôi. Đốn cây cũng cứ đốn ở gốc thì toàn thân cây đều chết. Nếu tỏ tâm mà tu thì dụng lực ít mà thành công dễ; chẳng tỏ tâm mà tu phí công vô ích. Nên biết tất cả thiện ác đều từ tâm, lìa tâm mà tìm Đạo là việc luống công.
Chí Thành Tất có cảm ứng
Chí Kính Tất có cảm thông
Từ Bi Bao Trùm Khắp Pháp Giới Vũ Trụ
Thiện ý đối đãi Khắp Thế gian.
~Bật Vô Tu Vô Chứng Vô Ngộ!
Tôn ảnh : Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Bật Hành Giả Kim Cương Thừa! Cẩn Chí
Nguồn thang ngọc
Tu học mỗi ngày –