Hiểu đúng về câu : «Không nên nhìn lỗi người, hãy nên nhìn lỗi mình»
Nhiều người đọc qua các bài đạo lý, hiểu chưa sâu, quán chiếu chưa kĩ, cứ nghe người khác nói sao thì ta lập lại như vậy. Nhưng với người có thực hành giáo pháp, thì giáo pháp thật uyển chuyển, linh hoạt, không cứng nhắc, cố chấp như ta nghĩ.
Nói đến đây mình chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của Thiền sư Triệu Châu :
« Người chánh nói pháp tà thì pháp tà cũng trở thành chánh, còn người tà nói pháp chánh thì pháp chánh cũng trở thành tà ».
Trở lại với vấn đề trên, có thể nói sống trên đời ai cũng có lỗi, dù lỗi lớn hay lỗi nhỏ nếu ta chưa chứng A La Hán giải thoát.
Nếu hỏi:
Thế nào là một người tu tốt, tu tiến?
Thì câu trả lời là: Người nào thấy được những lỗi lầm của mình càng sâu (từ thô đến vi tế), là người đó tu tốt.
Vì sao vậy?
Vì việc tu hành, cốt yếu là phải nhìn thấy được cái lỗi của chính ta, có thấy được lỗi thì ta mới sửa chữa được, tu mà không có khả năng tự thấy được lỗi lầm của mình thì ta đang vô minh (ngu si tăm tối ), vì vô minh nên hành động sẽ sai lầm và tạo nghiệp xấu và tiếp tục luân hồi, đau khổ .
Về cách nhìn nhận lỗi lầm của chính ta là như vậy. Thế thì khi ta nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì thế nào đây?
Nhiều người cứ nghĩ thấy lỗi người thì đừng nói. Thì bị sai, bị thiên lệch một phía.
Ở đây, ta cần hiểu theo con đường trung đạo nghĩa là «có lúc thì ta sẽ nói lỗi người, có lúc thì ta sẽ im lặng không nói».
Vậy lúc nào ta nên nói lỗi người?
Khi ta nhận thấy người đó đang phạm lỗi mà không biết, nếu cứ để người đó tiếp tục phạm lỗi thì tương lai ắt gặp quả báo xấu, hoặc sẽ không tốt cho chính người đó.
Ở đây vì thương người , vì tâm từ, vì muốn người hoàn thiện mà ta chỉ lỗi cho, vì có người chỉ lỗi như đang chỉ kho báu.
Đây là điều rất tốt, rất đáng quý, với điệu kiện ta phải có trí tuệ hơn, chỉ cho đúng.
Xem thêm: LỖI NGƯỜI LÀ LỖI MÌNH – Trong Suốt
Và lúc nào ta không nên nói lỗi người :
- Người đó kiêu mạng, bướng bỉnh không chịu nghe lời là một.
- Hai là, lỗi không đáng để nói, hay là người đó không có khả năng sửa chữa được.
- Ba là, giữa tập thể đông người, nói ra họ sẽ bị quê, bị tự ái.
……..
Nói chung ta, tùy theo hoàn cảnh tình huống cụ thể mà uyển chuyển xử lý.
Tóm lại, khi nhìn thấy lỗi của ai đó, ta cần phải hành động như sau:
Nhìn lại chính ta, xem ta có phạm hay không phạm. Nếu phạm thì sửa chữa ngay, nếu không phạm thì đừng để tái phạm giống họ.
Khi cần thiết, có thể nói lỗi để giúp người hoàn thiện, sửa đổi cho tốt, nếu người đó không có khả năng tự thấy.
Lưu ý:
Khi nói lỗi thì phải trên tinh thần từ bi, góp ý xây dựng, không cười chê, dèm pha, không nói để chứng tỏ ta giỏi hơn.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ, mọi sự mọi việc ta đều phải nhìn nhận bằng sự sáng suốt, lý trí, khôn khéo, và sự uyển chuyển. Thì đó, mới là người tu chân chính.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Cư Sĩ Nhuận Hòa – FB: Tu học mỗi ngày
Khi thấy người có lỗi
Là đang thấy lỗi mình
Nếu cái tôi còn đó
Nghĩ Phật cũng sân si
Nhìn mọi người thanh tịnh
Không ai có lỗi lầm
Tất cả lỗi tôi thấy
Đều là của riêng tôi
Một hành giả Trong suốt
Không phê phán, ngợi khen
Giữ một tâm bình đẳng
Giữa dòng đời bon chen
Yêu quý các bạn
Trongsuot
Xem thêm: Sửa bên trong là con đường duy nhất để đi đến hạnh phúc
Người thông minh thì sửa quyết liệt bên trong thay vì cố hết sức sửa bên ngoài.
Những người nào không sửa được mình mà lại hy vọng sửa được người khác đấy chính là người ảo tưởng.
– Trong Suốt –
(Trích buổi nói chuyện “Bí kíp giàu có”, Hà Nội 2016)
Nhìn Mỗi Người Ta Gặp Như Một Vị Bồ Tát
Khi con đem Pháp vào cuộc sống, nếu không cẩn thận, Pháp biến con thành một “cái tôi” đúng, như vậy là dùng Pháp để củng cố “cái tôi”, nghĩa là: “Nhờ có Pháp mình thấy mình đúng người ta sai, mình chuẩn người ta kém”.
Dùng Pháp để phán xét người khác là con đang sai.
Dùng Pháp để thông cảm với người khác thì được.
(Trích buổi nói chuyện ngày 16.02.2016 tại Hà Nội)
Muốn có phương tiện giúp người khác đầu tiên mình phải bao dung với họ.
Bao dung nghĩa là nghe họ nói mình không phán xét, nhìn họ làm mình không phán xét.
(Trích buổi nói chuyện “Điều làm trái tim con hát”, Hà Nội 6/2016)
TU MÀ CÁI TÔI NGÀY CÀNG LỚN, NGÀY CÀNG KIÊU NGẠO LÀ TU SAI
Sự giàu có mà thiếu trí tuệ bao giờ cũng sinh ra kiêu ngạo.
Những việc làm xuất phát từ kiêu ngạo đều vô công đức.
– Trong Suốt –
(Trích buổi nói chuyện “Làm tất cả điều lành”, 29/5/2014)
Mọi điều xảy ra là tấm gương phản chiếu tâm trí bạn
MỌI ĐIỀU XẢY RA VỚI BẠN CHỈ LÀ TẤM GƯƠNG PHẢN CHIẾU NHỮNG GÌ ĐANG XẢY RA TRONG TÂM TRÍ BẠN
Mọi việc, bất kỳ việc gì, tốt, xấu, thành công, sai lầm, thất bại, đau khổ, yêu thương, thù ghét… bạn gặp trong cuộc đời chỉ là phản chiếu những gì đang xảy ra bên trong tâm trí bạn.

Như gieo hạt chẳng chờ khi đói kém;
Luyện quân binh không đợi giáp mặt thù.
Biết rằng phiền não sẽ sinh;
Giờ là lúc để sửa mình bên trong.
– Satya –
Muốn khuyên, muốn dạy dỗ ai
Trước tiên hãy tự sửa nơi chính mình
Đích thân gương mẫu thực hành
Rồi sau mới dạy điều lành điều hay
Sửa mình quả thật khó thay!
– Kinh Pháp Cú –
Mỗi sáng khi thức giấc
Con quy y Phật Đà
Thành tâm quy y pháp
Và quy y Tăng già.
Nguyện một lòng tinh tấn
Quyết liệt sửa tâm mình
Cho đến khi đoạn dứt
Khỏi ngũ độc vô minh.
Nguyện cho mọi chúng sinh
Còn nan nguy đau khổ
Sớm gặp được chánh pháp
Để tu hành giác ngộ.
Cầu nguyện cho thế giới
Trong veo như tiếng chuông
Khắp mọi nơi ấm áp
Bởi trí tuệ yêu thương.
– Antangati –
Xin con biết khiêm hạ
Biết tôn trọng mọi người
Tự thấy mình nhỏ thôi
Việc tu còn kém cỏi