Lời Vàng Của Thầy Tôi
Nguyên Tác: O-rgyan-‘jigs-med-chos-kyi-dban-po
(Kunzang Lama’i Shelung)
- Bản dịch Anh ngữ: The Words Of My Perfect Teacher/Patrul Rinpoche
- Của Nhóm Dịch thuật Padmakara
- In lần thứ hai: 1998
- Nhà Xuất bản Shambhala
- Bản dịch Việt ngữ: Nhóm Longchenpa 2004
- Bản hiệu đính 2006
- Bản chỉnh sửa 2013
- Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa
LỜI NÓI ĐẦU
của ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA XIV
Ngài Jigme Gyalwai Nyugu, một trong những đệ tử lỗi lạc nhất của Ngài Jigme Lingpa, vị Đạo sư đã ban truyền những hướng dẫn về Giáo Pháp Đại Viên Mãn (Dzogpa Chenpo) theo truyền thống Longchen Nyingthig. Ngài Jigme Gyalwai Nyugu đã kế thừa và ban tặng giáo huấn khẩu truyền Longchen Nyingthig và đệ tử Dza Paltrul Rinpoche của Ngài đã sao chép lại, đặt tựa tập sách này là: KUNSANG LAMA’I SHELUNG.
Theo giáo lý Đại Viên Mãn, chúng ta không thể Giác Ngộ bằng một tâm thức bị tạo tác; mà ta phải nhận ra bản tâm nguyên sơ, và nương tựa vào đó mà có thể hiểu ra được vạn pháp như là trò nô đùa của tâm thức. Sau đó ta luôn luôn tự nhắc nhở, phải thấm nhuần nhận thức này và phải nhất tâm tin tưởng vào hiểu biết sắt đá ấy. Tuy nhiên, để hiểu biết đầy đủ về giáo lý này thì việc chỉ đơn thuần đọc sách sẽ là một điều vô cùng thiếu xót; ta còn cần tới những thực hành chuẩn bị đầy đủ của truyền thống dòng Ninh Mã (Nyingma) và thêm vào đó, giáo lý đặc biệt của một Đạo sư Nyingma có đầy đủ phẩm tính cũng như cần tới năng lực gia hộ của Ngài. Đệ tử cũng phải từng tích tập công đức thật sâu dầy. Đó là lý do tại sao các Đạo sư Nyingmapa vĩ đại như Ngài Jigme Lingpa và Ngài Dodrupchen đã bỏ hết tâm sức để truyền bá giáo pháp.
Ngày nay, việc dịch thuật những tác phẩm bao gồm các thực hành chuẩn bị của Đại Viên Mãn (Dzogchen) mang một giá trị hết sức lớn lao. Tôi chúc mừng Nhóm Dịch thuật Padmakara đã cho phổ biến các tác phẩm này bằng Anh ngữ và Pháp ngữ. Tôi đoan chắc rằng, công trình chuẩn bị sơ yếu đáng tin cậy này sẽ đem lại lợi lạc cho tất cả những ai quan tâm tới Đại Viên Mãn (Dzogchen).
Ngày 23 tháng 10 năm 1990 Đạt Lai Lạt Ma XIV
Longchenpa (1308-1363)
Vị Thầy phi thường nhất của truyền thống Dòng Ninh Mã – Cổ Phái (Nyingma). Longchen Rabjampa đã tập hợp các giáo lý Tâm-Yếu của Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) Vimalamitra và Yeshe Tsogyal. Ngài đã trao truyền tất cả những giáo lý này cho Jigme Lingpa trong một loạt các linh kiến là Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí.
LỜI GIỚI THIỆU
của DILGO KHYENTSE RINPOCHE
“Lời Vàng Của Thầy Tôi” – hướng dẫn về những thực hành chuẩn bị cho “Tâm-Yếu Của Đại-Quảng-Trí”(Heart-Essence of the Vast Expanse) thuộc giáo lý Đại Viên Mãn, đã trình bày về các con đường tu tập của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa những trường phái ấy.
Tác phẩm này bao gồm mọi giáo lý, kể cả: (1) Những Giai Đoạn Trên Con Đường cho những người thuộc ba cấp độ thấu suốt, căn cơ khác nhau, cùng với Ba Chủ Đề Chính Của Con Đường; (2) Ba Tri Kiến – tức những chuẩn bị cho con đường và quả; (3) Phật Tánh là nguyên nhân, đời người quý báu là sự hỗ trợ, vị Thầy tâm linh là lực thúc đẩy, các giáo huấn của Ngài là các phương pháp tu tập, các Thân Phật (kaya) và trí tuệ là kết quả – tất cả những giáo huấn này là kết quả của sự kết hợp giữa hai truyền thống tu tập Đại Thủ Ấn (Kadampa và Mahamudra). Ngoài ra, tác phẩm này còn bao gồm con đường tu tập được hướng dẫn theo truyền thống Cổ Mật (Nyingma) về mặt quyết định giải thoát nhờ sự nhàm chán vòng sinh tử luân hồi, phát khởi tín tâm do có được sự hiểu biết, tin tưởng vào luật nhân quả, phát khởi tâm Bồ đề qua việc nhiệt thành cố gắng cứu giúp những người khác, và phát khởi tri kiến thanh tịnh, nhận thấy được tất cả những gì có trên đời này đều tột cùng thanh tịnh.
Bản văn này rất cần thiết đối với tất cả những giáo lý về mọi phương pháp thực hành, dù là những chuẩn bị hay thực hành chính. Đó là lý do tại sao trong thời đại may mắn này khi mà giáo lý quý báu của Đức Phật đang bắt đầu chói sáng khắp thế giới, quyển sách này được dịch thuật trong niềm hy vọng sâu xa rằng tài liệu luận giải này sẽ đem lại được một giá trị hết sức lớn lao, cũng như bao gồm tất cả những điểm trọng yếu của con đường tu. Hy vọng rằng tất cả những ai có dịp tiếp xúc với những giảng dạy này đều sẽ được lợi lạc và mong rằng tài liệu này có thể trở thành một đối tượng để nghiên cứu, quán chiếu và thiền định. Điều tối quan trọng là những người bước trên con đường Chánh Pháp sẽ giảng dạy và lắng nghe bản văn này.
LỜI NÓI ĐẦU
(Bản dịch Việt Ngữ)
Đạo sư Patrul Rinpoche, một Thánh giả dòng Longchenpa, đã đưa vào những giáo huấn bên tai mà Thầy của Ngài là Jigme Gyalwai Nyugu truyền xuống từ Đạo sư Jigme Lingpa. Giáo huấn này được Ngài hành trì rốt ráo, không thiếu sót, đắc Đại Viên Mãn. Nay Ngài phó chúc lại cho đàng hậu sanh, những hành giả Kim Cương Thừa của dòng Cổ Mật y giáo phụng hành cùng với lời chúc phúc chân thành và cảm động.
Giáo huấn này là cốt tuỷ của Tiền Hành Pháp (Ngondro), dọn tâm vào cảnh giới bất khả tư nghì trong một kiếp sống. Đây là giáo huấn giải thoát ngay tại cửa vào, làm việc trên đức tin hay lòng sùng mộ và trí tuệ sắc bén mà không khổ công nhiều như con đường Đại Thủ Ấn, hoặc con đường chuyển hoá tiệm tiến của các dòng hay Thừa khác.
Dịch giả cầu mong các hành giả Mật Thừa nắm được phần tinh yếu trong quyển sách này để công phu tu tập chính xác và hiệu quả là giải thoát các phiền não ô nhiễm, chán nản các lỗi lầm của vòng luân hồi và cuối cùng phát nguyện theo con đường của Chư Tổ, Chư Bồ Tát làm lợi ích chúng sanh vô biên trong sáu cõi.
Dịch giả trung thành với căn bản của Đạo sư Patrul Rinpoche, tuy nhiên các bài nguyện riêng biệt theo từng chương, hành giả có thể dựa theo các bài nguyện riêng của Đạo sư truyền cho mình, không nhất thiết phải dò theo bài nguyện vắn tắt trong sách.
Nguyện cho phước lành tràn khắp làm dịu mát tâm của mọi chúng sanh.
Hồng Nhật
Jigme Lingpa (1729-1798)
Jigme Lingpa thọ nhận những giáo huấn Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí từ Longchenpa. Ngài đã thực hành chúng trong cô tịch và sau đó truyền dạy cho các đệ tử của mình.
DẪN NHẬP CỦA CÁC DỊCH GIẢ
“Lời Vàng Của Thầy Tôi” là một trong những giáo huấn được yêu quý nhất, giới thiệu về nền tảng tu tập của Phật Giáo Tây Tạng. Quyển sách này thường xuyên được Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV và những bậc Thầy lỗi lạc khác khuyến khích và giới thiệu đến với mọi người. Tác phẩm này cung cấp những hướng dẫn chi tiết về các phương pháp tu tập, nhờ đó một con người bình thường có thể chuyển hóa tâm thức của họ và khởi hành bước đi trên con đường dẫn tới Phật Quả, trạng thái của giác ngộ và giải thoát. Phần Một của quyển sách bao gồm một loạt các suy niệm như sau: (1) về sự vỡ mộng đối với luân hồi và thấu hiểu về nỗi thống khổ của vòng sinh tử, là vòng tròn hiện hữu dựa trên vô minh cùng những cảm xúc ô nhiễm, và (2) thấu hiểu giá trị cực kỳ to lớn của đời người mà ta có được, cho ta một cơ hội độc đáo để đạt được Phật quả. Phần Hai của quyển sách giảng dạy rõ ràng những bước thực hành đầu tiên trong “Kim Cương Thừa” (Vajrayana), với những phương pháp chuyển hóa vô cùng mãnh liệt, tạo nên tính chất đặc thù của truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.
Tác phẩm của Patrul Rinpoche không phải là một luận văn dành cho những bậc lão thông mà là một cẩm nang gồm những chỉ dạy thực tiễn cho bất kỳ ai thành tâm ước muốn thực hành Pháp. Ngài biên soạn tài liệu này bằng một văn phong có thể dễ dàng nói cho những người du mục thô lậu và dân làng mà cũng dễ dàng đến với các Lạt ma và tu sĩ. Trong thực tế, Ngài đã quả quyết rằng tài liệu này thực sự không phải là một tác phẩm văn học, mà Ngài chỉ đơn thuần ghi chép lại những giáo huấn khẩu truyền của Bổn Sư của Ngài, như bản thân Ngài đã từng được nghe giảng. Sức lôi cuốn đặc biệt của quyển sách nằm ở chỗ là khi đọc, chúng ta cảm thấy rằng chúng ta chính là những đệ tử của Ngài Patrul Rinpoche, đang lắng nghe lời chỉ dạy chân thành của Ngài, dựa trên truyền thống khẩu truyền mà Ngài đã thọ nhận từ Bổn Sư và dựa trên kinh nghiệm sâu xa của những năm tháng dài thực hành Pháp.
Ngài giảng rõ tất cả những gì ta cần biết để có thể thực hành Giáo Pháp – và thường xuyên với vẻ châm biếm có sức công phá, Ngài cũng giảng dạy cho ta nhận ra nhiều lỗi lầm mà ta có thể gây ra trên hành trình tâm linh. Ngôn ngữ chuyển hướng từ thi ca kiêu kỳ sang ngôn ngữ địa phương khoáng đạt. Mỗi vấn đề được Ngài minh họa với nhiều trích dẫn, nhiều ví dụ thực tế trong đời sống hằng ngày, và kèm theo một kho tàng những câu chuyện. Một số trong những câu chuyện này có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên và xa hơn nữa; một số được rút ra từ cuộc đời phi thường của những vị Đạo sư vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng; một số liên quan tới những việc làm của những người bình thường ở vùng Kham, là quê hương của Ngài Patrul Rinpoche.
Patrul Rinpoche nổi tiếng nhờ phương cách trực tiếp mà Ngài sử dụng để thăm dò tận sâu thẳm tâm thức của các đệ tử. Ngài có niềm tin vô cùng kiên định vào câu châm ngôn của Ngài Atisa: “Thiện tri thức tuyệt hảo nhất là người tấn công vào các lỗi lầm ẩn giấu của bạn.” Mặc dù hiển nhiên là tác phẩm của Ngài thích ứng với nhóm thính giả đặc biệt, nhưng nếu ta chịu khó làm một vài thủ tục hoán chuyển thì chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng bản tánh con người nói chung đều giống nhau một cách kỳ lạ bất luận thời gian và dị biệt văn hoá. Chúng ta có thể cảm tưởng rằng những chỗ sâu kín của cá tính riêng ta được phơi bày, và ta được thúc đẩy để tự tra vấn về những thói quen suy tưởng của chính mình, mở bày tâm hồn ta trước những triển vọng mới mẻ.
Trong chương Kết luận, tác giả mô tả công việc của Ngài như sau:
Khi viết những giáo huấn này, tôi gần như không để cho những cân nhắc về mỹ học hay văn chương lôi kéo. Mục đích chính yếu của tôi là chỉ ghi chép một cách trung thực những giáo huấn truyền khẩu của vị Thầy tôn kính của tôi theo một cách trình bày dễ hiểu và có lợi lạc cho tâm thức. Tôi đã làm tốt nhất trong khả năng của tôi để không làm hư hỏng những giáo huấn ấy bằng cách trộn thêm vào những ngôn từ và ý tưởng của riêng tôi. Trong một số trường hợp riêng biệt, Thầy tôi cũng thường ban truyền nhiều giáo huấn đặc biệt nhằm phơi bày những lỗi lầm che giấu, và tôi đã thêm vào bất kỳ những gì tôi nhớ được về những điều này trong những đoạn văn thích hợp nhất. Đừng nên sử dụng những giáo huấn này như một cánh cửa sổ để qua đó bạn có thể xem xét lỗi lầm của người khác, mà phải coi đó là một tấm gương để khảo sát chính bạn! Hãy xem xét kỹ lưỡng bản thân bạn để xem mình có hay không có những lỗi lầm che giấu đó! Nếu có, hãy nhận ra và trục xuất chúng! Hãy chỉnh sửa tâm bạn và nhẹ nhàng đặt tâm ấy trên con đường đúng đắn!
Đối với Phật Giáo Kim Cương Thừa, sự Giác Ngộ không phải là một lý tưởng xa vời nhưng là điều mà với những phương pháp thích hợp và một nỗ lực siêu việt, ta có thể đạt được ở đây và ngay lúc này, trong chính cuộc đời này. Theo truyền thống trí tuệ sống động ở Tây Tạng, mỗi một Kinh điển, mỗi một pháp môn thiền định và pháp rèn luyện tâm thức, tất cả đều được truyền lại từ một vị Thầy xuống đến đệ tử, và sau đó cần phải được thấm nhuần trong tâm thức cho tới khi trở thành một phần không thể thiếu trong kinh nghiệm tu tập của hành giả. Một trong những từ chỉ sự thực hành tâm linh ở Tây Tạng là nyamlen, nghĩa đen là “đưa vào kinh nghiệm.” Những người có thể được coi là một bậc trì giữ dòng truyền thừa, một vị Thầy tâm linh chân chính phải có đầy đủ phẩm tính, phải thực sự đạt được chứng ngộ. Patrul Rinpoche nắm giữ một dòng truyền dạy liên tục bắt nguồn từ chính Đức Phật. Dòng truyền thừa này đã nối tiếp không đứt đoạn, từ một vị Thầy chứng ngộ truyền xuống tới một vị chứng ngộ kế tiếp, cho tới tận ngày nay.
Patrul Rinpoche Và Truyền Thống Mà Ngài Kế Thừa
Patrul Rinpoche thuộc dòng phái phái Ninh Mã (Nyingma) là truyền thống cổ xưa nhất của Phật Giáo Tây Tạng. Trong phái này có hai nhánh truyền thừa khác nhau. Đó là: (1) Kahma, (bka’ ma) hay dòng khẩu truyền, được truyền từ vị Thầy tới đệ tử qua nhiều thế kỷ, và (2) dòng truyền trực tiếp phi thường Terma (gter ma) hay Kho tàng Tâm linh. Những giáo lý (của dòng Terma) được Đức Liên Hoa Sanh và nữ đệ tử vĩ đại Yeshe Tsogyal của Ngài cất giấu vào thế kỷ thứ tám, và đã được khám phá trong những thời đại sau đó vào một thời điểm thích hợp. “Lời Vàng của Thầy tôi” là những giảng dạy về các thực hành chuẩn bị của phái Longchen Nyingtik (klong chen snying thig), Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí, một kho tàng tâm linh được Ngài Rigdzin Jigme Lingpa (1729 -1798) khám phá.
Jigme Gyalwai Nyugu
Vị Thầy toàn hảo của Patrul Rinpoche. Patrul Rinpoche được nghe Ngài giảng Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí nhiều lần, và đã quả quyết rằng Lời Vàng của Thầy tôi là một bản văn toát yếu không hơn không kém ghi chép lại một cách trung thực tất cả những gì Ngài đã được nghe từ Thầy của mình vào những dịp khác nhau.
Jigme Lingpa là một bậc phi thường, Ngài hầu như không phải học tập và trở nên hết sức uyên bác nhờ vào tuệ giác của Ngài đã được khai mở trong một loạt những cuộc nhập thất tu thiền dài hạn. Ngài đã thọ nhận giáo huấn Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí trong một loạt các linh kiến đến từ Ngài Longchenpa, một Lạt ma vĩ đại vào thế kỷ 14.
Longchenpa đã hệ thống hóa giáo thuyết Nyingmapa Cổ Mật) trong tác phẩm đáng kinh ngạc Bảy Kho Tàng (mdzod bdun) và trong những tác phẩm khác của Ngài, bao gồm đầy đủ tất cả những lĩnh vực đã được giảng dạy trong Phật Giáo, và đặc biệt là thảo luận đầy đủ về những điều rất vi tế trong pháp Đại Viên Mãn (Dzogchen). Ngài cũng biên soạn một cách bao quát về những giáo lý của các trường phái khác, nhưng những tác phẩm này đã bị thất lạc. Mặc dù sống trước Jigme Lingpa vài thế kỷ, Ngài thực sự là vị Thầy chính yếu của Jigme Lingpa.
Trước tiên Jigme Lingpa đã thực hành tu tập và tinh thông các giáo pháp mà Ngài khám phá, và sau đó đã truyền dạy các giáo pháp này cho một số ít đệ tử thân cận là những vị có khả năng trở thành những bậc trì giữ thanh tịnh giáo thuyết mà họ đã thọ nhận. Một trong những vị đó là Jigme Gyalwai Nyugu, tức Sư Phụ của Patrul Rinpoche. Sau khi trải qua một thời gian khá dài với Jigme Lingpa ở Tây Tạng, Ngài Jigme Gyalwai Nyugu đã trở về miền đông Tây Tạng (Kham). Ở đó Ngài đưa vào thực hành những gì Jigme Lingpa đã chỉ dạy, sống trên một sườn núi cô tịch trong một chỗ trũng nhỏ bé trên mặt đất, thậm chí không có cả một miệng hang để ẩn náu, và chỉ có cây cỏ hoang dã làm thực phẩm. Ngài dửng dưng với sự sung túc và tiện nghi, quyết định bỏ mặc mọi mối quan tâm thế tục và tập trung vào mục đích tối hậu là đại ngộ. Dần dần các đệ tử tụ hội quanh Ngài, sống trong những chiếc lều trên sườn đồi lộng gió. Một trong những vị đệ tử này là chàng thanh niên Patrul, người đã nhận từ Ngài không dưới mười bốn lần các giáo lý được chứa đựng trong quyển sách này. Sau đó Patrul cũng đã theo học với nhiều Lạt ma vĩ đại đương thời, kể cả Ngài Do Khyentse Yeshe Dorje siêu việt sống ngoài vòng ước lệ, là bậc trực tiếp giới thiệu cho Patrul bản tánh của tâm.
Suốt đời mình, Patrul Rinpoche đã ganh đua với sự giản dị không khoan nhượng của Thầy mình. Mặc dù khi còn nhỏ Ngài đã được thừa nhận là một Lạt ma Hóa Thân, hay Tulku – tên của Ngài là cách viết tắt của Palgye Tulku – và theo thông lệ thì Ngài có một địa vị cao trọng trong một cơ sở tu viện, nhưng Ngài đã trải đời mình lang thang đây đó, cắm trại ngoài trời, trong bộ lốt của một kẻ hành khất bình thường. Nếu được cúng dường vàng hay bạc, Ngài thường để lại trên mặt đất, cho rằng của cải đó chỉ là nguồn gốc của phiền não. Ngay cả khi đã trở thành một vị Đạo sư danh tiếng, Ngài du hành khắp nơi không ai biết tới, và sống một cách đơn giản và vô tư như trước. Thậm chí có câu chuyện về một Lạt ma Ngài gặp trên đường du hành, ông ta cho rằng Ngài là một người bạn tốt có thể thấm nhuần lợi lạc từ một giáo lý phi thường như thế nên đã dạy lại chính bản văn này cho Ngài. Trong một dịp khác, Ngài du hành với một góa phụ nghèo khổ, giúp bà ta nấu nướng và chăm sóc những đứa con của bà, cõng chúng trên lưng. Khi họ đi tới nơi, Patrul Rinpoche cáo lỗi, nói rằng Ngài có việc quan trọng phải làm. Người đàn bà nghe nói rằng có Ngài Patrul Rinpoche vĩ đại đang giảng dạy tại tu viện. Bà đi tới đó để được nhìn thấy Ngài, và đã sửng sốt khi nhìn thấy người bạn đồng hành của mình đang ngồi trên Pháp tòa giảng dạy cho một hội chúng đông đảo. Vào cuối buổi giảng, Ngài yêu cầu tặng hết tất cả những vật cúng dường cho bà.
Đối với các đệ tử, Ngài vô cùng ân cần, nhưng cũng hết sức cứng rắn. Ngài đối xử với những hành khất và những vị vua hoàn toàn như nhau. Trong mọi tình huống, Ngài chỉ quan tâm tới việc làm lợi lạc cho người khác, và Ngài luôn luôn nói ra bất kỳ những gì ích lợi nhất, bất chấp những thói tục tế nhị thông thường trong xã hội.
Các giai đoạn thực hành
“Lời Vàng Của Thầy tôi” thuộc loại tác phẩm văn học được gọi là “những hướng dẫn được biên soạn” (khyid yig), cần phải noi theo và bổ túc cho những giảng dạy khẩu truyền, giúp làm sáng tỏ một bản văn dạy về thiền định. Trong trường hợp này, nghi quỹ thiền định đang được nhắc tới là thực hành chuẩn bị của Tâm-Yếu Của Đại-Quảng-Trí.
Giáo lý thuộc hệ Tâm-Yếu Của Đại-Quảng-Trí mà Ngài Longchenpa truyền cho Jigme Lingpa đã trở thành một trong những giáo lý được lưu truyền và thực hành rộng rãi nhất trong dòng Nyingmapa. Giáo lý này bao gồm một con đường Kim Cương Thừa toàn thiện, khởi hành ở giai đoạn bắt đầu với những thực hành chuẩn bị (sngon ‘gro). Sau đó tới thực hành chính yếu (dngos gzhi), gồm có ba giai đoạn chính: (1) giai đoạn phát triển (bskyed rim), (2) giai đoạn thành tựu (rdzogs rim), và (3) Đại Viên Mãn hay Đại Toàn Thiện (rdzogs pa chen po).
Các thực hành chuẩn bị gồm: phần chuẩn bị bên ngoài và phần chuẩn bị bên trong, và bản văn mà chúng ta đang có trong tay đã phân chia một cách phù hợp thành hai phần. Phần Một, gồm các chuẩn bị thông thường hay các chuẩn bị bên ngoài, đề cập tới: 1) Những điều kiện tự do và thuận lợi do có được thân người, 2) Sự vô thường, 3) Những đau khổ của luân hồi sinh tử, 4) Làm thế nào nghiệp báo hay nguyên lý nhân quả có thể chi phối mọi hành động của chúng ta, 5) Những lợi lạc của sự giải thoát và 6) Làm thế nào để theo chân một vị Thầy tâm linh. Những yếu tố này là những điều căn bản giúp ta có thể có được một hiểu biết đúng đắn về giá trị của Đạo Phật. Những điều này là những hiểu biết tổng quát, là nền tảng của Phật Giáo nói chung. Bất kỳ ai, dù là Phật tử hay không, cũng đều có thể thực hành những suy niệm trong phần này.
Phần Hai, những chuẩn bị bên trong, bắt đầu với sự quy y – học cách nương tựa nơi Phật, Pháp (giáo lý của Ngài) và Tăng đoàn. Đây là hứa nguyện căn bản trong Đạo Phật, đối với mọi truyền thống Phật Giáo cũng đều giống như nhau. Kế tiếp là phần phát khởi Bồ Đề tâm, hay “tâm Giác ngộ.” Thái độ từ và bi vô điều kiện của tâm Bồ Đề nhằm dẫn dắt tất cả chúng sinh tới sự giải thoát viên mãn, là căn bản của Phật Giáo Đại Thừa. Tâm Bồ Đề phải được đi kèm với các pháp tu tịnh hóa ác nghiệp đã tạo trong quá khứ, và tích tập những năng lực thiện lành cần thiết để tiến bộ trên con đường tu. Những pháp tu này vận dụng trọn vẹn những kỹ thuật thiện xảo của pháp môn quán tưởng và trì tụng thần chú là phương tiện thiện xảo đặc biệt của riêng truyền thống tu tập theo Kim Cương Thừa.
Cuối cùng tới pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga), sự hợp nhất tâm ta với tâm của vị Thầy. Guru Yoga chính là gốc rễ của Kim Cương Thừa, nơi mà sự thanh tịnh của mối liên kết giữa vị Thầy và đệ tử có một tầm quan trọng tột bậc. Ngoài ra, trong pháp này cũng bao gồm cả phần thực hành Phowa, hay pháp chuyển di tâm thức, đây là một phương pháp thần tốc khiến những ai không thể theo đuổi đến con đường tu chứng tới tận cùng vẫn có thể đạt được giải thoát vào lúc chết.
Đối với những pháp môn thực hành trong Phần Hai thì cần phải có sự dẫn dắt của một vị Thầy có đầy đủ phẩm tính (có khả năng và đã chứng ngộ). Quả thực đây là một lời khuyên dành cho bất kỳ một pháp môn tu tập tâm linh nào. Trong xứ Tây Tạng trước khi thuộc Trung Quốc, hầu như tất cả dân chúng Tây Tạng đều tự coi mình là những Phật tử, và họ nỗ lực sống một cuộc đời đức hạnh theo lời Phật dạy, cúng dường, trì tụng một số bài cầu nguyện và những câu thần chú. Đây vẫn thực sự là điều rất phổ biến ngay trong xứ Tây Tạng ngày nay. Một số ít trong những Phật tử [hiểu theo định nghĩa tổng quát về Phật tử như trên], sau đó đã quyết định theo đuổi hành trình tâm linh một cách tích cực, và chính những người như thế đã miên mật hành trì những pháp môn tu tập này, thường là phải lập đi lập lại mỗi một pháp môn hành trì [trong Phần Hai] cả thảy là một trăm ngàn lần.
Kế tiếp tới là các pháp môn thực hành của hai giai đoạn phát triển và thành tựu, mà cực điểm là Đại Viên Mãn (hay Đại Toàn Thiện). Theo truyền thống Tây Tạng, hành trình bên trong được vạch ra với một cách cực kỳ chính xác đến phải ngạc nhiên. Đối với mỗi giai đoạn thực hành đều có những lời giảng dạy khẩu truyền và những tài liệu diễn giảng. Kim Cương Thừa là một nền khoa học của tâm, trong đó một vị Thầy lão luyện hoàn toàn thấu suốt ý nghĩa của mỗi một kinh nghiệm tu tập và có giải pháp cho mỗi một sai lầm. Tài liệu hiện có của chúng ta không đi sâu vào chi tiết của phần còn lại của con đường tu (gồm các giai đoạn phát triển, thành tựu, và Đại Viên Mãn), nhưng ở đây chúng tôi sẽ đưa ra một cái nhìn khái quát ngắn gọn để độc giả có thể có được một khái niệm về tiến trình tu tập xảy ra tiếp theo sau những thực hành chuẩn bị.
Thực Hành Chuẩn Bị
Những chuẩn bị bên ngoài gồm có: bốn suy niệm để xoay chuyển tâm ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Những chuẩn bị bên trong là: 1) Quy y, 2) Phát khởi Bồ Đề tâm, 3) Tịnh hóa bằng pháp hành trì Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), 4) Tích tập công đức bằng pháp cúng dường mạn đà la, và 5) Hành trì pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga).
Đôi khi có những yếu tố khác được thêm vào, như trong Tâm – Yếu của Đại-Quảng-Trí. Nghi quỹ hành trì có thể rất dài hoặc rất ngắn. Tuy nhiên trên đây là cấu trúc tổng quát.
Giai Đoạn Phát Triển
Trong giai đoạn phát triển, ta tu tập để phát triển một linh kiến giác ngộ về thế giới này bằng cách quán tưởng bản thân ta là một vị Phật, và môi trường quanh ta là một cõi Phật thanh tịnh trong khi trì tụng câu thần chú thích hợp. Tiến trình này sẽ mang vẻ giả tạo vào lúc ban đầu, là cái gì được ta phát triển hay làm cho sinh khởi, nhưng những quán tưởng thực ra tương ứng với chính những kinh nghiệm về linh kiến của những bậc đã chứng ngộ. Bằng cách chấp nhận thói quen và thấm nhuần nhận thức mới mẻ này, ta có thể làm suy yếu dần những tập quán bình thường của tri kiến thô thiển dựa trên vô minh và dựa trên những khuynh hướng lâu đời của cảm xúc ô nhiễm. Qua đó, ta có thể đưa mình vào những chứng nghiệm ở mức độ vi tế hơn. Những pháp môn hành trì này dựa trên hình thức của các nghi quỹ (sadhana), là những bản văn đôi khi hết sức thi vị ghi lại các nghi thức hành trì.
Giai Đoạn Thành Tựu (Toàn Thiện)
Một khi thị kiến thiêng liêng đã trở thành một kinh nghiệm sống thực thì tiến trình tu tập của giai đoạn thành tựu được hoàn tất, và sau đó hành giả có thể đi sâu hơn vào các chứng nghiệm bằng cách tu tập dựa trên các năng lực vi tế của thân, qua việc làm chủ hơi thở, qua những tư thế của thân cùng các pháp môn du già khác.
Đại Viên Mãn (Dzogchen, Đại Toàn Thiện)
Trong các giai đoạn phát triển và thành tựu, ta đạt được trí tuệ chói ngời (dpe’i ye shes) nhờ vào những kinh nghiệm thiền định để chỉ cho ta thấy đâu là bản tánh của tâm. Trong Dzogchen – Đại Viên Mãn – bản tánh của tâm được vị Thầy chỉ trực tiếp và chỉ một cách bất thình lình. Đây là một kinh nghiệm trực ngộ Phật – tánh. Những pháp thực hành tiếp theo sau đó sẽ bao gồm việc làm quen với kinh nghiệm trên, và phát triển kinh nghiệm đó trên một bình diện bao la rộng lớn, mỗi lúc mỗi tăng trưởng hơn lên. Ở đây ta đạt được tuệ giác đích thực hay tuệ giác viên mãn (don gyi ye shes), kinh nghiệm trực tiếp về chân lý tối hậu.
Trong một phương diện nào đó, mỗi giai đoạn tu tập được xây dựng trên nền tảng của một giai đoạn tu tập trước đó, nhưng đồng thời, mỗi giai đoạn cũng lột bỏ được thêm những lớp mê lầm, để lại mãi mãi một kinh nghiệm trần trụi về thực tại [sau khi đã bóc đi lớp vỏ vô minh]. Tự mỗi một phương pháp thực hành cũng là một con đường viên mãn, và đối với những ai có trí tuệ để thấy được thì trong mỗi một phương pháp thực hành, tất cả những pháp môn tu tập khác cũng được bao gồm trong đó. Ngay cả những thực hành chuẩn bị, và ngay cả những yếu tố riêng lẻ trong những pháp tu này, tự các yếu tố ấy cũng có thể tạo thành một con đường viên mãn đưa đến Giác Ngộ.
Đặc biệt, pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga) là cốt tủy của mọi con đường. Các vị Thầy của dòng truyền thừa thường nói rằng tất cả các pháp thực hành phải được thực hiện theo giống phương cách thực hành của pháp Guru Yoga. Hoàn toàn mở rộng lòng ta và giữ tâm sùng mộ tuyệt đối với một vị Thầy đã chứng ngộ là phương thức bảo đảm và nhanh chóng nhất để tiến bộ.
Patrul Rinpoche đã biểu lộ tầm quan trọng chính yếu của vị Thầy tâm linh ngay trong tựa đề của quyển sách này, Kunzang Lama’i Shelung, mà chúng tôi đã dịch thoát là “Lời Vàng Của Thầy Tôi”.
Kunzang có nghĩa là “viên mãn mọi nơi” hay “luôn luôn viên mãn”. Từ này là tên tắt của Phạn ngữ: Samantabhadra – Đức Phật Phổ Hiền (Kuntuzangpo), được hiển lộ bằng hình tượng một vị Phật trong sắc tướng trần trụi, màu xanh da trời đậm. Tuy nhiên biểu tượng này không tượng trưng cho một con người, mà chính là Phật-tánh, là sự thuần tịnh bất biến của tâm, là bản tánh nền tảng của mọi sự. Thông thường thì bản tánh này bị che mờ và chính vị Thầy mà bản thân Ngài đã chứng ngộ nó, là người có thể dẫn dắt ta khám phá ra bản tánh ấy ở ngay trong chúng ta, trong tất cả vẻ trần trụi vinh quang của nó. Lạt ma có nghĩa đen là “tối thượng”. Đây là cách biểu lộ của tiếng Tây Tạng đối với từ Guru trong tiếng Ấn Độ. Cả hai từ này đã trở nên quá quen thuộc trong ngôn ngữ bình thường, nhưng như Patrul Rinpoche có giải thích, đối với chúng ta (là những hành giả) thì vị Thầy tâm linh giống như bản thân Đức Phật. Ngài đem lại cho ta sự truyền dạy của chư Phật trong quá khứ, đối với ta trong hiện tại Ngài là hiện thân của chư Phật, và qua giáo lý của Ngài, Ngài cũng là suối nguồn của chư Phật trong tương lai. Patrul Rinpoche nói rằng trong một phương diện nào đó thì pháp Bổn Sư Du Già siêu việt hơn các pháp tu của hai giai đoạn phát triển và thành tựu, bởi pháp Bổn Sư Du Già trực tiếp mở ra con đường dẫn tới tuệ giác tối thượng nhờ vào năng lực gia hộ của vị Thầy.
Lịch Sử Của Bản Dịch Này
Những người Tây Tạng đã giữ gìn nguyên vẹn mọi phương diện của Phật Giáo Ấn Độ từ thế kỷ thứ tám tới thế kỷ hai mươi. Tuy nhiên, đây không chỉ là sự bảo tồn tĩnh tại các kho tàng linh thánh. Phật Giáo là mối quan tâm chính yếu của những tâm thức siêu việt nhất của Tây Tạng trong nhiều thế kỷ, sản sinh một nền văn học có tính chất triết học, thi ca, kinh viện và đầy cảm hứng phi thường, cũng như sản sinh ra một di sản kiến trúc đặc biệt và đầy tính nghệ thuật tráng lệ. Nhưng trên tất cả, những người Tây Tạng vận dụng giáo lý Đạo Phật cho mục đích chân thực, như một khí cụ để chuyển hóa tâm thức con người, và hàng ngàn hành giả mà trong số đó là những vị Thầy danh tiếng, cùng với những hành giả du già vô danh (yogi), đều đã thành tựu mục đích cuối cùng của họ (nghĩa là đạt được giải thoát).
Ta có thể cho rằng những vinh quang chói lọi nhất của Tây Tạng đã thuộc về quá khứ xa xăm, và những thế kỷ mới đây là biểu hiện của một thời kỳ suy tàn, nhưng hoàn toàn không phải như thế. Trong thực tế, mỗi thế kỷ (kể cả thế kỷ hiện tại) và mỗi một thế hệ đã góp phần đào tạo những bậc hành giả tâm linh phi thường. Ví dụ như thế kỷ mười chín đã đem đến một hình thức hồi sinh đặc biệt. Patrul Rinpoche là một thành viên trong phong trào rimé hay không-bộ phái (non-sectarian), được Ngài Jamyang Khyentse Wangpo, Ngài Jamgon Kongtrul và những vị khác đồng khởi xướng. Phong trào này nỗ lực phá vỡ những chướng ngại được dựng lên giữa những trường phái Phật Giáo, bằng cách nghiên cứu và giảng dạy tất cả những trường phái này một cách bình đẳng không phân biệt. Tinh thần này vẫn còn tồn tại tới ngày hôm nay, điển hình là Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Ngài Dilgo Khyentse quá cố, là bậc Hóa Thân của Ngài Jamyang Khyentse Wangpo.
Giống như Patrul Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche đến từ miền đông Tây Tạng. Ngài trải qua hai mươi năm của đời mình trong các ẩn thất thiền định, thường là trong những điều kiện giản dị nhất. Ngài đã học tập với rất nhiều vị Đạo sư, thậm chí khi còn trẻ Ngài đã gặp cả một vài vị trong số những đệ tử của chính Patrul Rinpoche. Ngài đã phải đương đầu với sự hủy diệt tàn bạo ở Tây Tạng trong thập niên năm mươi và sáu mươi của thế kỷ hai mươi bằng cách làm việc cật lực không mệt mỏi để tìm kiếm, giữ gìn và in lại những bản văn bị thất lạc, thiết lập những cộng đồng tu viện lưu vong, và trên hết giảng dạy và truyền cảm hứng cho những thế hệ mới. Ngài coi Patrul Rinpoche như gương mẫu hoàn hảo của một hành giả Đại Viên Mãn (Dzogchen), và đã khuyến khích, cùng trợ giúp cho các dịch giả của cuốn sách này, là tác phẩm mà Ngài coi là người dẫn đường tuyệt hảo cho các đệ tử đang bước đi trên con đường Phật đạo.
Bản dịch của chúng tôi xuất phát trực tiếp từ bên trong truyền thống này. Trong một ý nghĩa nào đó thì bản dịch này có một dòng truyền thừa riêng. Dudjom Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kangyur Rinpoche, Nyoshul Rinpoche, và những vị Lạt ma khác đã giảng dạy cho chúng tôi toàn bộ văn bản này qua hình thức khẩu truyền – và trong suốt quá trình dịch thuật, đã ban cho chúng tôi những chỉ dạy về những điểm khó hiểu trong cuốn sách. Đây là những bậc trì giữ đã chứng ngộ giáo lý của Patrul Rinpoche.
Mặc dù trong các giáo khóa Tây Tạng, việc trung thành chặt chẽ với những từ chính xác của một bản văn gốc thì đáng được dành cho một sự kính trọng nào đó, nhưng chúng tôi đã nhận ra rằng những bản dịch như thế thường làm cho các ý niệm hoàn toàn sáng sủa và hợp lý trong tiếng Tây Tạng, dường như tối tăm và thậm chí kỳ quái một cách không cần thiết trong Anh ngữ. Đặc biệt là đối với quyển sách này, một phương pháp chuyển dịch như thế không bao giờ có thể làm sống dậy văn phong và sự hài hước sống động phi thường của nguyên tác. Vì thế mặc dù chúng tôi cố gắng nhất quán những thuật ngữ trong bản dịch, nhưng chúng tôi đã nhắm tới việc phản ánh lại không chỉ những từ ngữ, mà còn phản ánh cả không khí và văn phong (của nguyên tác), bằng cách diễn dịch những ý niệm bằng một thứ Anh ngữ tự nhiên, giữ cho nó càng gần ngôn ngữ Tây Tạng càng tốt, nhưng không phải trả cái giá là đánh mất đi sự trong sáng và trôi chảy của toàn thể bản dịch.
Những giải thích ngắn gọn mà chúng tôi cảm thấy có thể mang lại ích lợi cho nhiều độc giả sẽ xuất hiện như các chú thích ở cuối trang. Cũng có một số lớn chú thích ở cuối sách nhưng không nhất thiết là tất cả những chú thích này đều được hầu hết độc giả quan tâm đến. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy cần phải có bởi vì những chú thích này chứa đựng những bình giảng tuyệt vời từ những ghi chép của các vị đệ tử của Patrul Rinpoche, cùng với những diễn giảng về các điểm khó hiểu hơn đã được Dilgo Khyentse Rinpoche và những vị Thầy khác ban cho. Những chú thích này sẽ giúp độc giả tránh được một vài ngộ nhận thông thường về những quan điểm của Phật Giáo; và đối với Phật tử hành giả trước đây đã có một ít hiểu biết về những quan điểm này thì những lời bình giảng này sẽ đem lại một kích thước khai phá phi thường cho quyển sách.
DẪN NHẬP TÓM TẮT VÀO
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Đức Phật Cồ Đàm (Gautama), sinh ở miền Bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, là nam tử của một vị vua và được thân phụ nuôi dạy để kế thừa ngai vàng. Sự ra đời và thủa ban đầu của Ngài thật khác thường, và rõ ràng là ngay từ đầu, vị Thái tử trẻ tuổi Tất Đạt Đa (Siddharta) đã được định sẵn để trở thành một bậc siêu phàm. Thủa thiếu thời của Ngài trải qua trong sự xa hoa ở chốn hoàng cung, ít phải lo nghĩ và bận tâm, và Ngài thật tài ba xuất chúng trong mọi lĩnh vực hoạt động vào thời đại của Ngài, cả trong lĩnh vực học thuật lẫn thể thao.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, Ngài bắt đầu hoài nghi về tính chất bền vững của đời sống thế tục của mình. Trốn thoát khỏi cung điện của vua cha, Ngài đi tìm một cuộc đời có ý nghĩa hơn, tu học với một số vị Thầy được đánh giá cao về triết học và thiền định. Lòng cầu tìm chân lý của Ngài chân thành tới nỗi Ngài nhanh chóng đạt được những thành tựu thiền định tối thượng khiến những vị Thầy này không thể dạy Ngài thêm được gì nữa, nhưng Ngài vẫn chưa thỏa mãn. Mặc dù dốc lòng tu hành khổ hạnh qua bao năm tháng, Ngài nhận ra rằng không có điều nào trong những hệ thống này có thể giúp Ngài vượt lên trên những giới hạn của sự hiện hữu có điều kiện. Ngài quyết định tiếp tục cuộc tìm kiếm một mình, và bằng nỗ lực của riêng mình, cuối cùng Ngài đạt được Giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gay) hiện nay.
Điều Ngài khám phá ra thâm diệu và bao la đến nỗi lúc đầu Ngài ngần ngại phát lộ những khám phá đó cho những người khác, sợ rằng không ai có thể hiểu được. Tuy nhiên sau đó Ngài bắt đầu giảng dạy, và nhanh chóng lôi cuốn một số đông đệ tử đi theo Ngài, nhiều người trong số đó trở thành những bậc thành tựu cao cấp trong thiền định.
Sự đa dạng của những người tìm tới Đức Phật để thọ nhận giáo lý và thực hành con đường của Ngài đòi hỏi vẻ đa dạng tương ứng trong cách thức giảng dạy, và những cá nhân hay nhóm người dị biệt thọ nhận những giáo huấn khác biệt theo các khí chất và khả năng trí tuệ tương ứng. Như vậy, những giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy trong cuộc đời của Ngài có thể được phân chia rộng lớn thành ba loại – (1) những giáo lý cuối cùng được tập hợp trong Kinh điển Pali và trở thành nền tảng cho Trường Phái Nguyên Thủy (Theravada), nhấn mạnh vào giới luật và đạo đức; (2) giáo lý Mahayana, hay Đại Thừa, chú trọng vào lòng bi mẫn và sự quan tâm tới người khác; và (3) giáo lý của Kim Cương Thừa hay Mật Thừa, sử dụng vô số phương pháp thiện xảo khác nhau để dẫn tới chứng ngộ sâu xa trong một thời gian tương đối ngắn. Giáo lý Kim Cương Thừa được chính Đức Phật truyền dạy chỉ trong một phạm vi giới hạn, nhưng Ngài đã tiên đoán rằng giáo pháp ấy sẽ được những bậc giác ngộ khác xuất hiện sau Ngài truyền bá trong thế giới. Đây là lý do tại sao không khác gì hai phái kia, Kim Cương Thừa chính là một giáo lý của Đạo Phật mặc dù Kim Cương Thừa không được giảng dạy rộng rãi trong thời Đức Phật còn tại thế.
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, những dị biệt giữa các giáo lý khác nhau mà Ngài đã giảng dạy càng trở nên rõ ràng hơn khi những trường phái và truyền thống dị biệt hình thành. Chẳng hạn như truyền thống Theravada hiện nay đã khởi đầu với một nhóm đệ tử của Đức Phật, sau này được phân ra thành mười tám trường phái. Tương tự như vậy, Đại Thừa được đa dạng hóa thành một số truyền thống, mỗi truyền thống có những dị biệt triết học vi tế đặc thù. Kim Cương Thừa cũng thế, trong đó có vô số những thực hành khác nhau, nhiều pháp môn trong số đó đã chỉ được truyền dạy lại cho một người đệ tử duy nhất.
Trong những thế kỷ tiếp theo, các truyền thống dị biệt này dần dần được truyền bá khắp xứ Ấn Độ và tiếp tục truyền xa hơn nữa, cho tới khi Phật Giáo đã trải rộng tầm ảnh hưởng mãi tận Trung Á, Đông Á và Nam Á, thậm chí đến tận Nam Dương (Indonesia). Một vài truyền thống đã hoàn toàn bị thất truyền, trong khi có những truyền thống khác lại hợp nhất dưới một hình thức mới mẻ hơn của Phật Giáo. Vào thế kỷ mười ba, sự xuất hiện của Hồi Giáo và những biến động chính trị trong xã hội Ấn Độ đã cuốn dạt Phật Pháp ra khỏi xứ sở đã sản sinh ra Đạo Phật, và chính giáo lý này lại được bảo tồn ở những quốc gia khác – Theravada ở Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar), Thái Lan và Cam Bốt (Campuchia), Đại Thừa ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Dương, và Kim Cương Thừa chủ yếu là ở Tây Tạng. Tây Tạng đã may mắn bội phần. Tây Tạng không chỉ là một trong số ít quốc gia trong đó Kim Cương Thừa tiếp tục được thực hành, mà Tây Tạng cũng là quốc gia duy nhất trong đó toàn bộ các loại giáo lý từ cả ba truyền thống của Đạo Phật đã được truyền dạy và bảo tồn.
Trải qua nhiều thế kỷ, rất nhiều những kết hợp của các giáo lý của Đức Phật đã được trao truyền từ Đạo sư xuống tới đệ tử trong nhiều dòng truyền thừa bao gồm bốn trường phái chính (Nyingma, Sakya, Kagyu, Gelug) của Phật Giáo Tây Tạng mà chúng ta biết tới ngày nay. Các thành viên của những dòng truyền thừa này không chỉ đơn giản là những học giả uyên bác nghiên cứu các giáo lý mà họ được nhận lãnh, nhưng là những bậc đã hoàn toàn chứng ngộ, đã từng thực hành và thông suốt những gì đã được truyền dạy cho họ, và như thế có đầy đủ phẩm tính để trao truyền giáo lý cho các đệ tử của mình.
Trong bốn trường phái này, phái Nyingma (tên xuất phát từ tiếng Tây Tạng có nghĩa là “cổ”) tuân theo những truyền thống được giới thiệu trước tiên vào thế kỷ thứ tám bởi các Đạo sư Ấn Độ như Tịch Hộ (Shantaraksita), Tì Ma La Mật Đa (Vimalamitra) và Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) là bậc Đạo Sư mà những người Tây Tạng gọi bằng Guru Rinpoche, “Đạo Sư Tôn Quý”, và những truyền thống này được tiếp tục truyền xuống qua những vị Đạo sư Tây Tạng đã chứng ngộ viên mãn chẳng hạn như: Longchenpa, Jigme Lingpa và Jamyang Khyentse Wangpo. Những dòng truyền thừa này còn được truyền dạy xuống qua ba dòng chính yếu khác – dòng Kagyupa, Sakyapa và Gelugpa – và đã được đưa vào Tây Tạng sau thế kỷ thứ mười, tiếp theo sau thời điểm mà một vị vua phi-Phật Giáo đã có những nỗ lực nhằm hủy diệt Giáo Pháp ở Tây Tạng. Giống như những hình thức dị biệt của Phật Giáo tại nhiều nơi khác nhau ở Á châu đã được kế tục và mở ra để đáp ứng nhu cầu của những con người và văn hóa khác nhau, mỗi một trường phái trong bốn trường phái [của Kim Cương Thừa tại Tây Tạng] đều có nguồn gốc hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh hết sức khác biệt về lịch sử, địa dư và ngay cả chính trị – được dùng như một lăng kính để phân chia ánh sáng giáo lý của Đức Phật thành một quang phổ nhiều màu của những truyền thống và dòng truyền thừa khác nhau. (Đáng buồn là có một số Phật tử có khuynh hướng quên đi rằng ánh sáng này có chung một nguồn mạch, và như trong các tôn giáo lớn khác của thế giới, những sự phân chia bè phái đôi khi che lấp mất thông điệp chân chính của Phật Giáo).
Những giáo lý được bảo tồn trong các dòng truyền thừa của Phật Giáo Tây Tạng được chứa đựng trong khối Thánh Điển khổng lồ của truyền thống đó. Kangyur (nghĩa: Lời Đức Phật), gồm trên một trăm bộ, bao gồm những Kinh điển có nguồn gốc từ thời Đức Phật, và được phân ra thành (1) LuậtTạng (Vinaya), đề cập tới đạo đức học và giới luật, (2) Kinh Tạng (Sutras), là tạng liên quan tới thiền định, và (3) Luận Tạng (Abhidharma), bao gồm triết học Phật Giáo. Nhiều luận giải viết về những kinh tạng này, cũng như viết về những tác phẩm Phật Giáo chính yếu khác, những bộ luận giải này đã được biên soạn và sau đó đã tạo thành hơn hai trăm pho sách của Tangyur (nghĩa: Dịch Các Luận Giải). Kangyur và Tangyur được dịch ra tiếng Tây Tạng chủ yếu là từ tiếng Phạn, tạo thành Đại Tạng Kinh Điển Phật Giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhist Canon). Thêm vào số này còn có một khối lượng khổng lồ những tác phẩm khác gồm: những giáo lý từ Ấn Độ được đưa vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ tám trở đi (kể cả nhiều giáo lý Kim Cương Thừa), và vô số những bình giảng về cả ba thừa (Thanh Văn Thừa, Đại Thừa và Kim Cương Thừa) được các Đạo sư Tây Tạng biên soạn.
Tuy nhiên khối lượng giáo lý khổng lồ được tìm thấy trong Phật Giáo Tây Tạng có thể được tóm tắt trong Bốn Chân lý Cao Quý (Tứ Diệu Đế) là giáo lý được Đức Phật thuyết giảng không lâu sau khi giác ngộ. Chân lý thứ nhất (Khổ Đế) chỉ ra rằng thế giới hữu vi của chúng ta (trạng thái hiện hữu dựa vào điều kiện nhân duyên) không bao giờ có thể đưa chúng ta thoát khỏi trạng thái đau khổ, không bao giờ thực sự đem lại sự mãn nguyện (bất toại nguyện). Bất kỳ hạnh phúc nào ta có chỉ là nhất thời và vào một thời điểm thích hợp nào đó sẽ đưa tới đau khổ. Lý do của Khổ Đế, như được giảng dạy trong Chân lý thứ hai (Tập Đế), là bất kỳ hành động nào ta có thể làm, nói hay suy nghĩ cũng đều gây nên một kết quả được kinh nghiệm trong đời này hoặc trong một đời tương lai. Quả thật, sự tái sinh là kết quả của những hành động của ta, và ta được tái sinh trong những điều kiện như thế nào thì những điều kiện này cũng đều lệ thuộc trực tiếp vào những hành động ta đã từng làm trong những đời trước, và đặc biệt là lệ thuộc trực tiếp vào những động cơ và thái độ tương ứng. Điều này (nguyên lý nhân quả) giải thích lý do tại sao một số người nghèo khổ suốt đời mặc dù họ hết sức nỗ lực để trở nên giàu có, trong khi những người khác có đủ mọi thứ họ mong muốn mặc dù chẳng phải làm gì để có được chúng. Chân lý thứ hai tiếp tục chỉ cho ta thấy rằng động lực phía sau các hành vi của chúng ta là những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như thù ghét, tham luyến, kiêu ngạo, ganh tị và, đặc biệt là vô minh, là gốc rễ của mọi thứ khác. Vô minh không chỉ có nghĩa là thiếu trí tuệ trong cách chúng ta hành xử như thế nào, mà còn là sự vô minh căn bản nằm đằng sau cung cách chúng ta nhận thức về toàn thể thế giới hiện hữu này, và sự vô minh ấy thường xuyên bị mắc kẹt trong tư tưởng bám chấp vào một ý niệm bản ngã của riêng ta, và vào ý niệm của một cái ngã của thế giới bên ngoài, như thể bản thân ta và thế giới ấy bền vững có thật và bất biến trường tồn. Bởi vì những hành vi của chúng ta không bao giờ chấm dứt, nên việc ta phải tái sinh liên tục trong vòng hiện hữu có điều kiện chẳng thể nào chấm dứt được. Chỉ khi nào ta ngừng hành động do vô minh lôi kéo thì vòng quay này mới có thể bị cắt đứt, như được biểu thị bởi Chân lý thứ ba (Diệt Đế) đã chỉ cho ta thấy, và giảng dạy về sự chấm dứt của đau khổ và giải thoát khỏ trạng thái hiện hữu có điều kiện.
Chân lý thứ tư (Đạo Đế) giảng dạy cách thức (hay con đường) giúp ta thành tựu việc chấm dứt khổ đau và giải thoát khỏi thế giới hữu vi do nhân duyên kết hợp. Một cách cơ bản, cách thức này đòi hỏi, ở một mặt, sự tích tập các hành vi tích cực, chẳng hạn như tôn kính và cúng dường Phật, Pháp (giáo lý của Phật), và Tăng đoàn (cộng đồng các hành giả), và thực hành lòng từ ái, hạnh bố thí v.v..; và một mặt khác, bao gồm công phu thực hành thiền (thiền chỉ và thiền quán), là những gì có thể trực tiếp tẩy trừ gốc rễ vô minh, nguyên nhân của đau khổ. Một hành giả đi theo con đường này với ý hướng chỉ giải thoát cho bản thân mình có thể đạt được một chứng ngộ thâm sâu và trở thành một bậc A La Hán (bậc chiến thắng những cảm xúc tiêu cực). Nhưng đây không phải là sự giác ngộ viên mãn (hay toàn giác). Chỉ có những bậc hành giả với tâm nguyện tốt lành lấy sự giải thoát tốt đẹp và tối thượng của tất cả chúng sinh làm động lực của mình mới có thể đạt được Phật Quả. Những hành giả như thế, những bậc đi theo con đường Đại Thừa dựa trên lòng bi mẫn như thế, được gọi là các vị Bồ Tát. Ngoài ra, một Bồ Tát thực hành các giáo lý sâu xa và thiện xảo của Kim Cương Thừa có thể trở nên giác ngộ viên mãn trong một thời gian rất ngắn.
Trong đời Ngài, Đức Phật đã thành lập một cộng đồng các tăng và ni, những vị trở thành nòng cốt cho việc hộ trì và tiếp nối các giáo pháp. Tuy nhiên, điều này không loại trừ các cư sĩ nam và nữ là những đệ tử nghiêm cẩn trên con đường tu. Cộng đồng các cư sĩ này được phản ánh ở Tây Tạng là nơi mà từ thế kỷ thứ tám trở về sau, cộng đồng các hành giả bao gồm hai giáo đoàn hỗ trợ lẫn nhau: một mặt, là một cộng đồng tu sĩ rất đông đảo, và một mặt khác là một truyền thống vững mạnh gồm các hành giả cư sĩ, là các hành giả du già (yogi), hay các gia chủ, nhiều vị trong số đó có vẻ sống một cuộc đời bình thường trong khi theo đuổi một con đường tâm linh thâm diệu và cuối cùng đạt được giác ngộ viên mãn. Trong truyền thống Nyingmapa, việc thọ giới xuất gia được coi là một phương tiện hỗ trợ rất lợi ích cho công phu thực hành, nhưng đó không có nghĩa là phương cách duy nhất để tiến bộ trong thiền định. Điều này đã khích lệ cho những người ao ước muốn đưa giáo lý vào thực hành nhưng không thể tự đặt mình trong một nếp sống tu viện.
Trước đây Albert Einstein đã lưu ý rằng ông cảm thấy Phật Giáo là truyền thống đáp ứng được những tiêu chuẩn mà ông nghĩ là cần thiết cho một con đường tâm linh thích hợp với thế kỷ hai mươi. Ngày nay các vật lý gia hiện đại đang rút ra những kết luận đến gần với giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy hai ngàn năm trăm năm trước. Trong khi những hấp lực của chủ trương duy vật có một ảnh hưởng bất lợi cho đời sống tâm linh truyền thống ở khắp Châu Á, thì có một số đông càng lúc càng gia tăng những người Tây phương đang tỏ ra quan tâm đến những triển vọng tốt lành mà việc nghiên cứu và thực hành theo Phật Giáo có thể đem lại cho họ.
Khi sự tương tục của những dòng truyền thừa Phật Giáo bị đe dọa bởi các biến động chính trị ở Tây Tạng từ thế kỷ mười chín trở đi, nhiều Lạt ma với đầy đủ phẩm tính, là những vị không chỉ thọ nhận những dòng truyền dạy đúng đắn từ các vị Thầy của mình, mà bằng việc công phu nghiên cứu và thiền định, cũng đã đạt được sự thấu suốt và chứng ngộ viên mãn các giáo lý, các vị ấy cũng đã mưu cầu việc bảo tồn những giáo lý này bằng cách đưa những giáo lý ấy sang Ấn Độ. Cùng thời điểm đó, một số du khách Tây phương tới Ấn Độ bắt đầu biểu lộ sự quan tâm tới các Lạt ma và tới di sản tâm linh của các Ngài. Bởi như Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) đã có nói, trong các giáo lý Đạo Phật, Kim Cương Thừa sẽ chứng tỏ (cho thấy tiềm năng) đặc biệt mãnh liệt và hữu hiệu cho những người sống trong một thời đại mà những cảm xúc ô nhiễm lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nên nhiều vị Thầy đã cảm thấy thật thích hợp để đưa những giáo lý này sang Tây phương. Kim Cương Thừa đặc biệt mềm dẻo uyển chuyển và thích ứng với những loại tình huống trong đó con người thời đại khám phá chính mình, và không đánh mất hình thức truyền thống của nó, giờ đây giáo lý ấy đang được giảng dạy cho đông đảo mọi người trên khắp thế giới.
Patrul Rinpoche (1808–1887)
MỞ ĐẦU
Những bậc Thầy tôn quý có lòng bi mẫn bao la
và vô điều kiện, con xin đảnh lễ trước tất cả các Ngài!
Các Đấng Chiến Thắng của dòng truyền tâm;
Các bậc Trì Minh Vương (Vidyadhara).
của dòng truyền qua biểu tượng;
Những bậc may mắn nhất trong chúng sinh bình thường
Được các Đấng Giác Ngộ dẫn dắt,
đã đạt được mục đích hai nhánh (tự lợi và lợi tha)
Những bậc Thầy của ba dòng truyền thừa,
Con xin đảnh lễ trước các Ngài!
Trong sự rộng mở nơi mọi hiện tượng đi tới chỗ cạn kiệt,
Ngài bắt gặp trí tuệ của Pháp Thân;
Trong tịnh quang của không gian trống không,
Ngài thấy các cõi Phật Báo Thân hiển lộ;
Để làm việc cho lợi ích của chúng sinh,
Ngài xuất hiện trước họ trong hình tướng Hóa Thân
Đấng Pháp Vương Toàn Giác,
Con xin đảnh lễ trước Ngài!
Bằng trí tuệ Ngài thấu suốt thật tánh
của bất kỳ điều gì có thể thấu biết,
Ánh sáng từ ái của Ngài chiếu rải lợi ích
cho tất cả chúng sinh,
Ngài làm sáng tỏ giáo lý của con đường
uyên thâm, tột đỉnh của mọi Thừa.
Rigdzin Jigme Lingpa – Con xin đảnh lễ trước Ngài!
Chính Ngài là Đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara).
trong hình tướng một vị Thầy tâm linh;
Bất kỳ ai nghe Ngài thuyết giảng đều được an lập
trên con đường dẫn tới giải thoát;
Hoạt động làm thỏa mãn mọi nguyện ước
chúng sinh của Ngài thật vô tận,
Bổn Sư từ ái – Con xin đảnh lễ Ngài!
Những tác phẩm của Đấng Toàn Giác Longchenpa và dòng truyền thừa của Ngài chứa đựng toàn bộ giáo lý của Đức Phật:
Những giáo huấn tinh túy cốt tủy đem lại
Phật Quả chỉ trong một đời,
Những bước chuẩn bị thông thường bên ngoài,
và bên trong của con đường
Cùng những giáo huấn về con đường chuyển di thần tốc.
Cầu xin chư Phật và chư vị Đạo Sư từ bi gia hộ cho con;
Khiến con có thể bình giảng chính xác những điều con ghi khắc
Những lời dạy không lỗi lầm, sâu xa tuyệt diệu
nhưng rõ ràng và dễ hiểu của vị Thầy toàn hảo của con!
Bản văn này ghi chép trung thực những giáo huấn của vị Thầy vô song của tôi về những chuẩn bị thông thường, bên ngoài, và bên trong cho Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí thuộc giáo lý Đại Viên Mãn. Những giáo huấn này được chia thành ba phần: (1) những chuẩn bị thông thường bên ngoài; (2) những chuẩn bị phi thường bên trong; và (3) con đường chuyển di thần tốc như một phần của thực hành chính yếu.
PHẦN MỘT
NHỮNG CHUẨN BỊ THÔNG THƯỜNG HAY BÊN NGOÀI
Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892)
Khyentse đời thứ nhất. Đây là một trong những vị nắm giữ dòng truyền thừa Tâm- Yếu của Đại-Quảng-Trí. Ngài là một trong những vị sáng lập phong trào bất bộ phái trong đó các giáo lý, đặc biệt là đối với tất cả các truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng, được nghiên cứu không thiên vị, tạo nên một sự phục hưng tâm linh ở Tây Tạng. Ngài đã bảo tồn nhiều giáo lý của những dòng truyền thừa có nguy cơ bị thất truyền.
CHƯƠNG MỘT
KHÓ TÌM ĐƯỢC NHỮNG TỰ DO VÀ THUẬN LỢI
Trước khi giảng giải về chủ đề chính của chương này là sự khó khăn biết bao để tìm được những điều kiện tự do và thuận lợi để tu tập, ta sẽ giải thích về cách làm thế nào để có thể lắng nghe bất kỳ giáo huấn tâm linh nào một cách đúng đắn.
I. CÁCH THỨC ĐÚNG ĐẮN ĐỂ LẮNG NGHE GIÁO LÝ TÂM LINH
Cách thức đúng đắn để lắng nghe các giáo lý có hai phương diện: thái độ đúng đắn và hành vi đúng đắn.
- Thái Độ
Thái độ [hay động lực] đúng đắn là thái độ kết hợp (1) Bồ Đề Tâm (Bodhicitta), tức tâm giác ngộ bao la, cùng với (2) phương tiện thiện xảo vô hạn của Mật Thừa.
- 1.1 Thái độ bao la của Bồ Đề Tâm
Trong tiến trình thời gian từ vô thủy, không có một chúng sinh nào trong luân hồi, đại dương đau khổ mênh mông này chưa từng là cha hay mẹ của chúng ta. Khi họ là cha mẹ của ta, ý tưởng duy nhất mà họ canh cánh bên lòng là nuôi nấng ta với thiện tâm to lớn nhất mà họ có thể có được, bảo vệ chúng ta với tình yêu thương vĩ đại và cho ta những gì tốt lành nhất trong số thực phẩm và quần áo của họ.
Tất cả những chúng sinh này, là những người đã quá tử tế với chúng ta, đều muốn được hạnh phúc, tuy nhiên họ không biết làm thế nào để thực hiện những điều mang lại hạnh phúc, hay thực hiện mười hành vi tích cực (thập thiện). Không ai trong số họ muốn đau khổ, nhưng họ không biết cách từ bỏ mười hành vi tiêu cực (thập ác), là gốc rễ của mọi đau khổ. Vì thế ước muốn sâu xa nhất trong lòng của họ và những điều họ thực sự làm bên ngoài thì thật là trái nghịch nhau. Những chúng sinh khốn khổ, lạc loài và mê lầm này giống như một người mù bị bỏ rơi giữa cánh đồng hoang!
Hãy tự nhủ: “Chính vì hạnh phúc của họ mà tôi sắp lắng nghe Giáo Pháp sâu xa và đưa Giáo Pháp ấy vào con đường thực hành. Tôi sẽ dẫn dắt tất cả chúng sinh này, là cha hay mẹ của tôi, đang bị hành hạ bởi những nỗi khổ trong sáu cõi luân hồi. Tôi sẽ đưa họ tới trạng thái Phật Quả toàn giác, giải thoát họ khỏi tất cả những hiện tượng thuộc về nghiệp, khỏi những tập khí và những đau khổ mà họ đang gánh chịu trong mỗi một cõi trong sáu cõi.” Điều quan trọng là phải có thái độ này mỗi khi bạn lắng nghe các giáo lý hay thực hành chúng.
Bất cứ khi nào bạn làm điều gì tốt lành, dù quan trọng hay không quan trọng, bạn bắt buộc phải vun bồi cho việc bạn làm bằng ba phương pháp siêu việt sau đây. Trước khi bắt đầu, (1) hãy khơi dậy Bồ Đề Tâm như một phương tiện thiện xảo để đảm bảo rằng hành vi ấy sẽ trở thành suối nguồn của những điều thiện lành trong tương lai. Trong lúc thực hiện hành vi, (2) nên tránh vướng mắc vào bất kỳ sự khái niệm hóa1 nào để công đức không bị những hoàn cảnh2 phá hủy. Vào lúc kết thúc, (3) hãy niêm phong hành vi ấy một cách đúng đắn bằng cách hồi hướng công đức, vì hồi hướng công đức chắc chắn sẽ giúp cho việc ta làm còn tiếp tục phát triển lớn lao hơn nữa.3
Cách bạn lắng nghe Giáo Pháp rất quan trọng, nhưng động cơ khiến bạn lắng nghe nó thì còn quan trọng hơn nữa.
Điều gì tạo nên một hành vi tốt hoặc xấu?
Không phải bởi nó có vẻ thế nào,
cũng không phải bởi nó lớn hay nhỏ,
Mà bởi động cơ xấu hay tốt đằng sau nó.
Cho dù bạn đã được nghe nhiều Giáo Pháp tới đâu chăng nữa, nhưng nếu bạn bị những mối quan tâm tầm thường thúc đẩy – chẳng hạn như lòng tham muốn trở nên vĩ đại, danh tiếng – thì đó không phải là con đường của Giáo Pháp chân chính. Vì thế, trước tiên, điều hết sức quan trọng là bạn phải xoay chuyển vào bên trong tâm bạn và thay đổi động cơ của bạn. Nếu bạn có thể chỉnh sửa thái độ của bạn thì những hành động tốt lành của bạn sẽ luôn thấm nhuần phương tiện thiện xảo và bạn sẽ bước đi trên con đường của những bậc vĩ đại. Nếu bạn không thể làm được như vậy thì tuy rằng bạn có thể nghĩ mình đang học tập và thực hành Giáo Pháp, nhưng việc đó sẽ chỉ là bề ngoài của một sự thực. Do đó, bất kỳ khi nào bạn lắng nghe Giáo Pháp và thực hành Giáo Pháp, cho dù là thiền định về một Bổn Tôn, lễ lạy, đi nhiễu, hay trì tụng một mantra (thần chú) – cho dù chỉ một chữ Mani (thần chú Sáu – Âm, Lục Tự Đại Minh) duy nhất – thì điều cốt yếu là luôn luôn phải phát khởi Bồ Đề Tâm.
1.2 Thiện xảo bao la trong phương tiện: động lực tu tập của con đường Mật Thừa
Quyển Tam Pháp Tuệ Đăng Mật Điển (Ngọn Đuốc của Ba Pháp Tu) có nói về Mật Thừa như sau:
Cùng mục tiêu nhưng tự tại thoát khỏi mọi mê lầm,4
Phong phú trong phương tiện và chẳng có gì khó khăn,5
Dành cho những người có căn cơ nhạy bén.6
Mật Thừa là tối thượng.
Mật Thừa có thể được đi vào bằng nhiều con đường. Mật Thừa bao gồm nhiều phương pháp để tích tập công đức và trí tuệ, và nhiều phương tiện thiện xảo giúp cho tiềm năng trong chúng ta hiển lộ7 mà không cần phải trải qua những gian khổ lớn lao. Nền tảng của những phương pháp này là cách thức chúng ta dẫn dắt soi sáng cho những nguyện ước của mình:
Mọi sự tùy theo hoàn cảnh
Và hoàn toàn tùy thuộc vào nguyện ước của ta.
Không nên coi nơi giảng Pháp, vị Thầy, Giáo lý và v.v.. như là những gì bình thường và bất tịnh. Khi bạn lắng nghe Pháp, hãy giữ cho năm yếu tố toàn hảo (viên mãn) thật rõ ràng sáng tỏ trong tâm:
Nơi chốn toàn hảo là thành trì của pháp giới bao la viên mãn, được gọi là Akanistha, “Tối Thượng”. Vị Thầy toàn hảo là Đức Phật Phổ Hiền (Samantabhadra), Pháp Thân. Tăng đoàn toàn hảo bao gồm các vị Bồ Tát nam, nữ và những vị Bổn Tôn8 của dòng tâm truyền (biệt truyền) của các Đấng Chiến Thắng và dòng truyền qua biểu tượng của các bậc Trì Minh Vương (Vidyadhara).
Hoặc bạn có thể nghĩ tưởng rằng nơi giảng Pháp là Cung điện Liên Hoa Quang của Núi Huy Hoàng Màu – Đồng Đỏ, vị Thầy giảng Pháp là Đức Liên Hoa Sanh xứ Oddiyana, và chúng ta, thính chúng, là Tám Trì Minh Vương, Hai mươi lăm Đệ tử, và các vị Không Hành nam và Không Hành nữ.
Hoặc bạn nghĩ tưởng rằng nơi chốn toàn hảo này là Cõi Phật Phương Đông, cõi Hiển Lạc, ở đó có vị Thầy toàn hảo là Đức Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), là một Báo Thân toàn hảo, đang giảng dạy cho tập hội gồm những bậc hiền thánh tăng thuộc Kim Cương Bộ và chư Bồ Tát nam, chư Bồ Tát nữ.
Tương tự như thế, nơi chốn toàn hảo để giảng Pháp có thể là Cõi Phật Phương Tây, cõi Cực Lạc, vị Thầy toàn hảo là Đức Phật A Di Đà, và tập hội chư Bồ Tát nam, chư Bồ tát nữ và chư Bổn Tôn thuộc Liên Hoa Bộ.
Trong mọi trường hợp, Giáo lý là Giáo lý của Đại Thừa và thời gian là bánh xe vĩnh cửu thường – chuyển.
Những pháp quán tưởng9 này là để trợ giúp chúng ta có thể thấu suốt được thực trạng của tất cả sự vật. Không phải là chúng ta đang nhất thời tạo tác điều gì đó không thực sự hiện hữu.
Thầy của ta là hiện thân tinh túy của tất cả chư Phật khắp ba thời. Ngài là sự hợp nhất của Tam Bảo: thân Ngài là Tăng đoàn, khẩu Ngài là Pháp, ý Ngài là Phật. Ngài là sự hợp nhất của Ba Nguồn Gia Trì: thân của Ngài là vị Thầy, khẩu của Ngài là Bổn Tôn, ý của Ngài là Không Hành nữ (Dakini). Ngài là sự hợp nhất của ba Thân (kaya): thân Ngài là Hóa Thân, khẩu Ngài là Báo Thân, ý Ngài là Pháp Thân. Ngài là hiện thân của tất cả chư Phật trong quá khứ, là suối nguồn của tất cả chư Phật trong tương lai và là đại diện cho tất cả chư Phật trong hiện tại. Bởi Ngài, Thầy của ta, đã chấp nhận những chúng sinh suy đồi như chúng ta làm đệ tử, là những kẻ mà không vị nào trong hàng ngàn vị Phật trong thời Hiền Kiếp10 có thể cứu giúp, nên lòng bi mẫn và quảng đại của Thầy ta còn trội vượt hơn tất cả muôn chư Phật.
Vị Thầy là Phật, vị Thầy là Pháp,
Vị Thầy cũng là Tăng Đoàn.
Vị Thầy là bậc thành tựu mọi sự.
Vị Thầy là Đức Kim Cương Trì Quang Vinh.
Chúng ta, tập hội những người lắng nghe giáo lý, hãy biết vận dụng nền tảng tu tập là Phật tánh của riêng ta, vận dụng lực hỗ trợ là đời người quý báu, vận dụng hoàn cảnh là có được một vị Thầy tâm linh và vận dụng phương pháp là tuân theo lời chỉ dạy của Ngài, để nương vào đó, ta có thể trở thành những vị Phật trong tương lai. Như Mật điển Hô Kim Cương (Hevajra) có nói:
Tất cả chúng sinh đều là những vị Phật,
Nhưng họ bị những ô nhiễm giả hợp che lấp.
Khi những ô nhiễm được tịnh hóa,
Phật Quả của họ sẽ hiển lộ.
- Hành vi
Chánh hạnh trong khi lắng nghe giáo lý được mô tả trong phạm vi những gì nên tránh và những gì nên làm.
2.1.Những điều nên tránh
Những hành vi nên tránh bao gồm: (1) ba khiếm khuyết của một bình chứa, (2) sáu điều nhiễm ô và (3) năm cách nhớ tưởng sai lạc.
2.1.1 Ba Khiếm Khuyết Của Bình Chứa
Không nên lắng nghe như một chiếc bình bị lật úp. Không có khả năng nhớ được những điều bạn nghe thì giống như một cái bình bị thủng lỗ. Trộn lẫn những cảm xúc tiêu cực với những điều bạn nghe thì giống như một cái bình trong đó có chứa chất độc.
Bình lật úp. Khi bạn đang lắng nghe Giáo lý, hãy chú tâm lắng nghe những điều được nói ra và đừng để bản thân bị xao lãng bởi bất kỳ điều gì khác. Nếu không, bạn cũng sẽ như cái bình bị lật úp, không thể rót gì vào đó được. Mặc dù thân bạn đang hiện diện ở đó, nhưng bạn lại không nghe được một lời nào của giáo lý đang được giảng dạy.
Bình thủng lỗ. Nếu bạn chỉ lắng nghe mà không nhớ được bất kỳ điều gì bạn đã nghe hoặc đã hiểu thì bạn sẽ giống như một cái bình có một chỗ rò rỉ: cho dù có đổ vào đó bao nhiêu nước thì cũng sẽ không giữ lại được chút nào. Dù bạn có được nghe bao nhiêu giáo lý chăng nữa thì bạn cũng chẳng bao giờ có thể thấm nhuần được những giáo lý ấy hay đưa được những giáo lý ấy vào thực hành.
Bình chứa chất độc. Nếu bạn lắng nghe giáo lý với thái độ sai lầm, chẳng hạn như bạn mang trong lòng tham vọng trở nên nổi tiếng hay vĩ đại, hoặc lắng nghe với một tâm thức tràn đầy năm độc, thì Giáo Pháp chẳng những không giúp được gì cho tâm bạn mà Giáo Pháp ấy cũng sẽ bị biến đổi thành một thứ gì đó hoàn toàn không còn phải là Phật Pháp nữa, hệt như chất cam lồ được rót vào một bình chứa chất độc.
Đây là lý do tại sao Ngài Padampa Sangye, bậc hiền triết của Ấn Độ đã nói:
Hãy lắng nghe các giáo lý giống như một con nai nghe nhạc
Hãy suy niệm về giáo lý giống như người du cư
phương Bắc xén lông cừu;
Hãy thiền định về giáo lý giống như người câm
thưởng thức thực phẩm;
Hãy thực hành giáo lý giống như con bò Yak háu đói đang ăn cỏ;
Hãy thành tựu giáo lý, giống như mặt trời
hiển lộ từ sau những đám mây.
Khi lắng nghe giáo lý, bạn phải giống như con nai bị âm thanh của đàn vina mê hoặc tới nỗi không hề chú ý tới người thợ săn ẩn núp đang bắn mũi tên có tẩm thuốc độc. Hãy chắp hai bàn tay lại và lắng nghe, để mỗi lỗ chân lông trên thân bạn đều bị rúng động và đôi mắt bạn nhạt nhòa đẫm lệ, chớ để cho bất kì tư tưởng nào hiện ra làm cản trở việc lắng nghe.
Là cách nghe không tốt khi chỉ có thân bạn là hiện diện, trong khi tâm bạn lại lang thang theo các niệm tưởng, buông thả lời nói của mình trong một kho chuyện tầm phào, phát biểu bất kỳ điều gì bạn ưa thích và đưa mắt nhìn quanh quẩn khắp nơi. Thậm chí khi lắng nghe giáo lý, bạn nên ngưng cầu nguyện, niệm thần chú, hay bất kỳ những hoạt động tốt lành nào khác mà bạn có thể đang làm.
Sau khi lắng nghe giáo lý một cách đúng đắn theo cách thức như trên, thì điều quan trọng không kém là nhớ lại ý nghĩa của những gì được giảng dạy mà không bao giờ được quên những ý nghĩa đó, và liên tục áp dụng những gì đã được nghe vào thực hành. Như chính Bậc Đại Thánh đã nói:
Ta đã chỉ cho các con những phương pháp
Đưa tới giải thoát
Nhưng các con nên biết
Sự giải thoát tùy thuộc vào chính các con.
Vị Thầy ban truyền cho đệ tử những giáo huấn về cách lắng nghe Giáo Pháp và cách áp dụng Giáo Pháp; cách thức từ bỏ những ác hạnh, thực hiện những thiện hạnh, và cách thức tu tập. Người đệ tử có nhiệm vụ phải ghi nhớ những giáo huấn đó, không được lãng quên bất cứ điều gì; phải đem những giáo huấn đó áp dụng vào thực hành; và chứng ngộ chúng.
Việc chỉ lắng nghe Pháp tự nó có thể có một ít lợi lạc. Nhưng trừ phi bạn nhớ được những gì bạn đã được nghe, còn bằng không thì bạn sẽ không có được chút hiểu biết nào về ngôn từ hoặc ý nghĩa của Giáo lý – điều này thì chẳng khác gì việc không được lắng nghe gì hết.
Nếu bạn ghi nhớ Giáo lý nhưng lại trộn lẫn Giáo lý với những cảm xúc tiêu cực ô nhiễm của bạn, thì giáo lý ấy sẽ không bao giờ là Giáo Pháp thuần tịnh. Như Ngài Dagpo Rinpoche vô song đã nói:
Trừ phi bạn thực hành Pháp phù hợp với Giáo Pháp
Bằng không, bản thân Giáo Pháp sẽ trở thành nguyên nhân của con đường tái sinh xấu ác.
Hãy tự tống khứ mỗi niệm tưởng sai lạc liên quan tới vị Thầy và Giáo Pháp, đừng phê bình hay lăng mạ các huynh đệ tâm linh cùng những người bạn đồng hành của bạn, hãy thoát khỏi sự kiêu căng và khinh miệt, từ bỏ mọi niệm tưởng xấu xa. Bởi vì tất cả những điều này gây nên sự tái sinh vào các cõi thấp.
- 2.1.2 Sáu điều nhiễm ô
Trong Tương Ưng Luận (Lý Lẽ Được Giải Thích Hợp Lý) có nói:
Kiêu mạn, thiếu niềm tin và không nỗ lực,
Bên ngoài thì xao lãng,
Bên trong thì căng thẳng và chán nản;
Đây là sáu điều nhiễm ô.
Hãy tránh sáu điều này: (1) kiêu hãnh tự tin rằng bản thân bạn giỏi giang hơn vị Thầy đang giảng Pháp, (2) không tin tưởng nơi vị Thầy và Giáo lý của Ngài, (3) không chuyên tâm nỗ lực thực hành Pháp, (4) xao lãng bởi những sự kiện bên ngoài, (5) bên trong tập trung năm giác quan một cách quá căng thẳng, và (6) chán nản vì nhiều lý do chẳng hạn như bài giảng quá dài.
Trong tất cả những cảm xúc tiêu cực thì kiêu mạn và ganh tị là những cảm xúc khó nhận diện nhất. Vì vậy, hãy khảo sát tâm bạn một cách tỉ mỉ. Nếu có bất kỳ cảm tưởng nào cho rằng những phẩm tính mà bạn có được có chút gì đó đặc biệt, cho dù là chỉ một chút, dù trên phương diện thế gian hay trên phương diện tâm linh thì điều ấy cũng sẽ khiến cho bạn mù quáng với những lỗi lầm của chính mình và không nhận thấy được những phẩm tính tốt đẹp của người khác. Vì thế, hãy từ bỏ sự kiêu mạn và luôn luôn hạ mình xuống một vị trí thấp kém.
Nếu bạn không có lòng tin thì lối vào Giáo Pháp đã bị khóa chặt. Trong bốn loại niềm tin,11 hãy hướng tới niềm tin bất thối chuyển (không thể thay đổi).
Mối quan tâm12 của bạn đối với Giáo Pháp là nền tảng của tất cả những gì bạn sẽ thành đạt. Vì thế, tùy theo mức độ quan tâm của bạn sâu dày, trung bình hay thấp kém, mà bạn sẽ trở thành một hành giả siêu việt, trung bình, hay kém cỏi. Và nếu bạn hoàn toàn không quan tâm tới Pháp thì sẽ chẳng có được chút kết quả nào. Như ngạn ngữ có nói:
Giáo Pháp không phải tài sản của riêng ai.
Giáo Pháp thuộc về tất cả những người có nỗ lực lớn lao nhất.
Để có được Giáo Pháp, chính bản thân Đức Phật đã phải trả giá bằng hàng trăm gian khó. Để có được một bài kệ chỉ có bốn dòng, Ngài đã khoét thịt mình làm thành những chiếc đèn cúng dường; đổ đầy dầu và đặt vào đó hàng ngàn tim đèn cháy đỏ. Ngài đã nhảy vào những hầm lửa, cắm hàng ngàn đinh sắt vào thân thể mình.13
Cho dù phải đối diện với hỏa ngục nóng đỏ
hay những lưỡi dao sắc nhọn,
Hãy tìm cầu Giáo Pháp cho tới khi bạn chết!
Vì thế, hãy lắng nghe những giáo huấn đó với nỗ lực to lớn, hãy quên đi cái nóng, cái lạnh và tất cả mọi thử thách khác.
Thông thường, tâm thức ta thường có khuynh hướng mải mê chạy theo các đối tượng của sáu giác quan14 và khuynh hướng này chính là gốc rễ của tất cả những ảo giác hư huyễn trong vòng luân hồi và là nguồn gốc của mọi đau khổ. Đây là cách mà con thiêu thân chết cháy trong ngọn lửa vì nhãn thức của nó bị sắc tướng lôi cuốn; là cách con hươu bị thợ săn giết vì nhĩ thức bị âm thanh lôi cuốn; là cách những con ong bị những cây ăn thịt nuốt chửng vì bị mùi hương của cây ấy hấp dẫn; là cách những con cá cắn câu vì vị giác của chúng bị nhử bởi hương vị của mồi câu; là cách những con voi chết đuối trong đầm lầy vì chúng thích cảm giác thân thể ngập trong bùn. Cũng thế, bất kỳ khi nào bạn đang lắng nghe Pháp, đang giảng dạy, đang thiền định hay đang thực hành Pháp, thì điều quan trọng là bạn không được chạy theo những khuynh hướng huân tập trong quá khứ, không ấp ủ những cảm xúc về tương lai, và không để những tư tưởng hiện tại bị xao lãng bởi bất kỳ điều gì quanh bạn. Như Gyalse Rinpoche đã nói:
Những niềm vui và nỗi muộn phiền trong quá khứ
của bạn giống như những bức tranh vẽ trên nước
Chẳng còn lại dấu vết gì. Chớ chạy theo chúng!
Nhưng nếu chúng xuất hiện trong tâm, hãy quán chiếu
về sự thành công hay thất bại đến và đi như thế nào.
Ngoài Pháp ra, bạn còn có thể tin vào thứ gì khác,
hỡi những hành giả trì tụng mani? 15
Những kế hoạch và dự án trong tương lai của bạn
giống như lưới thả nơi sông cạn.
Sẽ không bao giờ đem lại được những gì bạn muốn.
Hãy hạn chế những khát khao và ước muốn của bạn!
Nhưng nếu chúng xuất hiện trong tâm,
hãy nghĩ rằng giờ chết của bạn thì bất định biết bao:
Hỡi những hành giả trì tụng mani,
bạn còn có thời giờ cho bất cứ việc gì khác ngoài Giáo Pháp?
Việc bạn làm hiện tại giống như một công việc trong giấc mơ,
Bởi mọi nỗ lực như thế đều vô nghĩa,
hãy quẳng chúng sang một bên.
Hãy dửng dưng không tham luyến ngay cả món tiền bạn kiếm được do mồ hôi nước.
Mọi hoạt động đều không có thực chất,
Hỡi những hành giả trì tụng mani!
Giữa những thời công phu thiền định, theo cách này,
hãy học cách kiểm soát mọi niệm tưởng khởi lên từ tam độc;
Cho tới khi tất cả những niệm tưởng và tri giác hiển lộ
như Pháp Thân,
Điều này rất cần thiết, hãy nhớ lại bất cứ khi nào bạn cần nó.
Chớ thả lỏng theo những niệm tưởng mê lầm,
Hỡi những hành giả trì tụng mani!
Cũng có nói rằng:
Đừng dệt mộng tương lai, vì nếu làm như vậy;
Bạn cũng giống như cha của Mặt Trăng Danh Tiếng!
Điều này muốn nói tới câu chuyện của một người nghèo khổ đi ngang qua một đống lúa mạch lớn. Ông ta cho lúa mạch vào một bao lớn, treo nó lên xà nhà, rồi nằm bên dưới bao lúa ấy và bắt đầu mơ mộng hão huyền.
“Số lúa mạch này sắp làm ta giàu có thực sự,” ông ta nghĩ: “Khi giàu có, ta sẽ lấy vợ… Nhất định là cô ta sẽ sinh một đứa con trai…Ta nên gọi nó là gì nhỉ?”
Ngay lúc đó mặt trăng xuất hiện và ông ta quyết định đặt tên đứa con là Mặt Trăng Nổi Tiếng. Tuy nhiên vào lúc đó có một con chuột đang gặm sợi dây đỡ cái túi. Bất thình lình sợi dây đứt bung, cái túi rớt lên người làm ông ta chết ngay.
Những giấc mơ về tương lai và quá khứ như thế sẽ chẳng bao giờ đem lại kết quả và chỉ là một sự xao lãng. Hãy từ bỏ hết thảy những giấc mơ như thế. Hãy tỉnh thức và lắng nghe với sự chú tâm và cẩn trọng!
Không nên tập trung tư tưởng một cách quá căng thẳng, nhặt nhạnh ra từng chữ, từng điểm một, như con gấu dremo bới tìm mạc mốt (một giống sóc) – mỗi lần bạn nắm bắt được một đề mục nào, bạn lại quên đi đề mục trước đó, và sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái tổng thể. Tập trung quá nhiều cũng làm bạn buồn ngủ. Thay vào đó, hãy giữ một sự quân bình giữa sự căng thẳng và tâm trạng buông lơi.
Xưa kia, Ngài Ananda dạy Srona thiền định. Srona rất khó có thể hiểu được điều đó một cách đúng đắn. Đôi khi ông ta quá căng thẳng, đôi lúc lại quá buông lỏng. Srona đem vấn đề này hỏi Phật, Đức Phật bảo: “Khi còn là cư sĩ, ông là người đánh đàn vina rất giỏi phải không?”
“Vâng, con chơi rất hay.”
“Vậy âm thanh đàn vina của ông hay nhất khi lên dây thật căng hay thật chùng?”
“Âm thanh nghe hay nhất khi dây không căng quá mà cũng không chùng quá.”
Đức Phật nói: “Tâm ông cũng tương tự như thế.” Nhờ làm theo lời khuyên này Ngài Srona đã đạt được kết quả.
Ngài Machik Labdron nói:
Hãy tập trung vững chắc và thư giãn lơi lỏng16
Đây là điểm trọng yếu đối với cái Thấy (kiến).
Đừng để tâm bạn quá căng thẳng hay quá tập trung hướng vào bên trong; hãy để các giác quan của bạn thoải mái tự nhiên, cân bằng giữa buông lỏng và căng thẳng!
Bạn không nên cảm thấy mệt mỏi khi lắng nghe Giáo lý. Đừng nên chán nản khi bạn cảm thấy đói hay khát trong khi đang lắng nghe một bài giảng quá dài, hoặc khi bạn phải chịu đựng những phiền toái gây nên bởi nắng, mưa, gió và v..v.. Hãy hoan hỉ rằng giờ đây bạn có được những tự do và thuận lợi của đời người, rằng bạn đã gặp được một vị Thầy chân chính, và bạn có thể lắng nghe những giáo huấn sâu xa của Ngài.
Sự kiện bạn đang được nghe Giáo Pháp thâm diệu vào thời điểm này là kết quả của những công đức được tích lũy từ vô lượng kiếp. Giống như bạn đang được ăn một bữa ăn khi mà bạn chỉ có thể ăn được một bữa duy nhất trong hàng trăm bữa ăn trong suốt cả đời bạn. Vì vậy, để tiếp nhận những Giáo lý này, hãy khẩn thiết lắng nghe với lòng hoan hỉ; hãy phát nguyện chịu đựng cái nóng, cái lạnh và bất kỳ thử thách và khó khăn nào có thể xảy ra.
- 2.1.3 Năm Cách Sai Lạc Trong Việc Nhớ Tưởng
Hãy tránh việc nhớ chữ mà quên nghĩa,
Hoặc nhớ nghĩa mà quên lời.
Hãy tránh việc nhớ cả hai mà không hiểu ý;
Nhớ lộn xộn, hay nhớ sai lạc không chính xác.
Không nên gán một tầm quan trọng thái quá cho những biến hóa tao nhã của câu cú mà không cố gắng phân tích ý nghĩa sâu xa của ngôn từ, giống như một đứa bé đang nhặt hoa. Chỉ có từ ngữ không thì chẳng lợi ích gì cho tâm thức. Ngược lại, chớ xem thường cách thức những giáo huấn đó được giải bày, và coi đó chỉ hoàn toàn là những ngôn từ và vì thế không cần thiết. Nếu như vậy thì mặc dù bạn có thể thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa, nhưng bạn sẽ không còn có được phương tiện để có thể diễn tả ý nghĩa đó. Ngôn từ và ý nghĩa sẽ mất đi sự liên kết17
Nếu bạn nhớ được Giáo lý mà không nhận ra được những mức độ khác nhau của ý nghĩa – gồm có ý nghĩa thích hợp, thực nghĩa và ý nghĩa gián tiếp – thì bạn sẽ nhầm lẫn về những điều mà văn tự muốn ám chỉ18 Điều này có thể dẫn bạn xa rời Giáo Pháp đích thực. Nếu ghi nhớ một cách lộn xộn thiếu trật tự thì bạn sẽ làm cho trình tự đúng đắn của giáo lý ấy bị rối tung lên, và rồi mỗi lần bạn lắng nghe, giải thích hay thiền định về giáo lý ấy, sự nhầm lẫn rối tung kia sẽ còn tăng lên gấp bội. Nếu bạn nhớ không chính xác những điều đã được nói ra, vô số vọng niệm sai lầm sẽ gia tăng.19 Điều này sẽ làm hư hỏng tâm bạn và làm giảm giá trị của những giáo huấn. Hãy tránh tất cả những lỗi lầm này và hãy ghi nhớ tất cả – gồm có từ ngữ, ý nghĩa và thứ tự của bài giảng – một cách đúng đắn và không có bất kỳ sai lầm nào.
Dù bài giảng có dài và khó tới đâu chăng nữa, bạn chớ nên ngã lòng và đừng tự hỏi chừng nào sẽ kết thúc; hãy kiên trì. Và dù bài giảng có ngắn gọn và đơn giản tới đâu, bạn cũng đừng đánh giá thấp, cho rằng đây là những điều hoàn toàn sơ đẳng.
Như thế việc nhớ được cả từ ngữ lẫn ý nghĩa một cách hoàn hảo, đúng trình tự và với tất cả mọi sự cùng nối kết lại với nhau một cách đúng đắn, là điều hết sức cần thiết.
- 2.2 Những điều nên làm
Hành vi nên noi theo trong lúc lắng nghe Giáo Pháp được giải thích như bốn ẩn dụ, sáu pháp toàn thiện phi thường (lục độ ba la mật), cùng với những phương cách hành xử khác.
- 2.2.1 Bốn Ẩn Dụ
Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói:
Thiện nam tử,
Ông nên nghĩ bản thân ông như người bị bệnh,
Giáo Pháp là phương thuốc,
Vị Thầy tâm linh là một thầy thuốc khéo léo,
Và thực hành tinh tấn là cách thức để hồi phục.
Chúng ta bị bệnh tật. Từ vô thủy, trong biển khổ vô biên là vòng sinh tử luân hồi này, chúng ta đã bị hành hạ bởi bệnh tật do ba độc gây ra và hậu quả chính là ba loại đau khổ.
Khi người ta bị bệnh nặng, họ đi tham vấn một bác sĩ giỏi. Họ nghe theo lời khuyên của bác sĩ, dùng bất kỳ loại thuốc nào mà ông ta cho, và làm tất cả những điều có thể làm để vượt qua bệnh tật và trở nên khỏe mạnh. Tương tự, bạn nên tự mình điều trị những bệnh tật của nghiệp, điều trị những cảm xúc tiêu cực và chữa lành đau khổ bằng cách tuân theo hướng dẫn của vị bác sĩ đầy kinh nghiệm, là vị Thầy tâm linh chân chính, và bằng cách sử dụng thần dược của Giáo Pháp.
Việc theo chân một vị Thầy mà không làm theo những điều Ngài hướng dẫn thì cũng giống như không vâng lời bác sĩ, điều đó làm cho ông không có cơ hội để chữa lành bệnh cho bạn. Không uống thuốc của Giáo Pháp – có nghĩa là không áp dụng Giáo Pháp vào thực hành – thì cũng giống như có vô số thuốc men và những toa thuốc bên giường mà không bao giờ bạn chạm tới chúng.
Ngày nay, người ta nói với đầy vẻ lạc quan: “Lạt Ma, xin nhớ tưởng đến con với lòng bi mẫn!” khi nghĩ rằng cho dù có làm nhiều điều khủng khiếp, họ sẽ không bao giờ phải chịu hậu quả. Họ ước đoán rằng vị Thầy, với lòng bi mẫn, sẽ tung họ lên cõi Trời như thể Ngài đang ném một viên sỏi. Nhưng khi ta nói rằng vị Thầy đang gia hộ chúng ta với lòng bi mẫn thì điều này thực sự muốn nói tới việc Ngài đã tràn đầy lòng từ ái khi chấp nhận chúng ta làm đệ tử của Ngài, và Ngài ban cho chúng ta những giáo huấn sâu xa, khai thị cho chúng ta điều gì cần làm và điều gì nên tránh và chỉ dẫn cho chúng ta con đường giải thoát đã được Đấng Chiến Thắng giảng dạy. Có lòng bi mẫn nào to lớn hơn thế không? Điều này tùy thuộc vào việc chúng ta có tận dụng được lòng bi mẫn này và thực tâm theo đuổi con đường giải thoát hay không.
Giờ đây là lúc chúng ta được sinh ra làm người, có tự do và được phú bẩm cho nhiều điều kiện thuận lợi, giờ đây là lúc chúng ta biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Quyết định của chúng ta vào lúc này khi ta có tự do để chọn lựa, đánh dấu bước ngoặt định đoạt số phận của chúng ta sẽ tốt hơn hoặc xấu hơn mãi về sau này20 Điều tối quan trọng là chúng ta hãy chọn lựa một lần cho xong giữa sinh tử và Niết bàn, và hãy đưa những giáo huấn của vị Thầy của chúng ta vào thực hành.
Những người hướng dẫn các buổi lễ trong làng sẽ làm cho bạn tin rằng ngay trên tử sàng, bạn vẫn còn có thể đi lên (cõi cao) hay đi xuống (cõi thấp), như thể bạn đang điều khiển một con ngựa bằng dây cương. Nhưng vào lúc đó, trừ phi bạn đã thuần thục trên con đường tu, trận gió nghiệp dữ dội của những hành vi trong quá khứ của bạn sẽ săn đuổi bạn, trong khi ở phía trước, một bóng tối dày đặc khủng khiếp đổ xô tới vào lúc bạn hoàn toàn bất lực, bị lôi tuột xuống một con đường dài đầy hiểm nguy của trạng thái trung ấm. Vô số những thuộc hạ của Thần Chết sẽ đuổi bắt bạn với những tiếng kêu thét: “Giết! Giết! Đánh! Đánh!” Làm thế nào vào một khoảnh khắc như thế – khi không có nơi nào để chạy tới và không có chỗ để ẩn náu, không nơi nương tựa và không chút hy vọng, khi bạn tuyệt vọng và không biết phải làm gì – làm thế nào vào một thời điểm quyết định như thế mà bạn có thể làm chủ được việc mình đi lên (cõi cao) hay đi xuống (cõi thấp)? Như Đấng Vĩ đại xứ Oddiyana có nói:
Đợi tới lúc được nhận lễ tịnh nghiệp21 trên một tấm bảng có ghi tên con thì đã quá muộn! Khi tâm thức của con đã hoàn toàn lang thang trong trạng thái trung gian như một con chó mê muội, và con sẽ thấy được rằng ngay cả việc chỉ nghĩ tưởng về những cảnh giới cao hơn cũng thật vô cùng khó khăn.
Thật ra thì bước ngoặt quyết định, là thời điểm duy nhất mà bạn thật sự có thể hướng dẫn mình đi lên hay đi xuống như thể điều khiển một con ngựa bằng dây cương, là ngay lúc này đây, trong khi bạn đang còn sống.
Là một con người, những thiện hạnh của bạn còn mạnh mẽ hơn các hành vi tích cực của các loài chúng sinh khác. Mặt khác, điều này cho bạn một cơ hội, vào lúc này và ngay tại đây, trong chính đời này, để bạn có thể dứt bỏ sinh tử luân hồi một lần và mãi mãi22 Nhưng (cũng tương tự như thế), những ác hạnh của bạn cũng mạnh mẽ hơn, do đó bạn cũng hoàn toàn có thể tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi vực sâu của những cõi thấp. Vì thế, giờ đây là lúc bạn đã gặp được một vị Thầy, một vị bác sĩ khéo léo, và Giáo Pháp là thần dược chiến thắng cái chết. Đây là lúc để áp dụng bốn pháp ẩn dụ, đưa giáo lý bạn đã được nghe vào thực hành, và du hành trên con đường dẫn tới giải thoát.
Quyển “Kho Tàng Của Những Phẩm Tính Quý Báu” mô tả bốn ý niệm sai lạc cần phải tránh, chúng là sự đối nghịch của bốn ẩn dụ mà chúng ta đã đề cập tới ở trên.
Người miệng lưỡi nông cạn, với bản tánh xấu ác.
Tiếp cận với vị Thầy như thể Ngài là một con hươu xạ.
Tinh chiết xạ hương, Giáo Pháp viên mãn,
Tràn đầy khoái lạc, họ phỉ báng giới nguyện.
Những người như thế coi vị Thầy tâm linh của họ như một con hươu xạ, Giáo Pháp như xạ hương, bản thân họ là người đi săn, và công phu hành trì miên mật là cách thức để giết một con hươu với một mũi tên hay một cái bẫy. Họ không thực hành giáo lý mà họ đã thọ nhận và hoàn toàn không tỏ lòng biết ơn vị Thầy. Họ sử dụng Giáo Pháp để tích luỹ các ác hạnh, và điều này sẽ như một cối đá kéo lôi họ đọa xuống những cõi thấp.
2.2.2 Sáu Toàn Thiện Phi Thường (Sáu Ba La Mật)
Trong Liễu Nghĩa Giáo Huấn Chân Pháp Mật Điển có nói:
Hãy cúng dường phẩm vật tối hảo chẳng hạn như
hoa thơm và các tấm đệm,
Hãy thứ tự và tự kiểm soát cách hành xử của bạn,
Chớ làm tổn thương bất kỳ chúng sinh nào,
Hãy chân thành tin tưởng vị Thầy của bạn,
Hãy lắng nghe các giáo huấn của Ngài mà không xao lãng
Và hãy hỏi Ngài để xua tan những hoài nghi của bạn;
Đây là sáu toàn thiện phi thường của một người lắng nghe Giáo Pháp.
Một người đang nghe giáo lý nên thực hành sáu toàn thiện phi thường như sau:
Hãy chuẩn bị tòa ngồi cho vị Thầy, sắp xếp các tấm đệm lên đó, dâng cúng một mạn đà la, hoa, và các món cúng dường khác. Đây chính là thực hành bố thí.
Hãy quét dọn sạch sẽ nơi chốn hay căn phòng sau khi đã cẩn thận rửa sạch bằng nước mát, và hãy tự chế mọi hành vi thiếu tôn kính. Đây chính là thực hành trì giới.
Tránh làm tổn hại chúng sinh, ngay cả những côn trùng nhỏ bé nhất, và hãy chịu đựng sự nóng, lạnh và mọi gian khó khác. Đây chính là thực hành nhẫn nhục.
Gạt sang một bên bất kỳ quan niệm sai lạc nào liên quan tới vị Thầy và giáo lý, hãy hoan hỷ lắng nghe với niềm tin chân thật. Đây chính là thực hành tinh tấn.
Hãy lắng nghe những giáo huấn của Đạo Sư một cách chú tâm không xao lãng. Đây chính là thực hành thiền định.
Và hãy đặt những câu hỏi để xua tan bất kỳ do dự và hay mối nghi hoặc nào. Đây chính là thực hành trí tuệ.
- 2.2.3 Những Cách Thức Khác Của Hành Vi
Nên tránh tất cả những cách hành xử thiếu tôn kính Luật tạng (Vinaya) nói:
Chớ dạy cho những người thiếu tôn kính,
Những người không bệnh mà trùm khăn đội đầu,
Những người mang gậy gộc, vũ khí và che dù,
Hay những người quấn khăn trên đầu.
Và Truyện Tiền Thân Đức Phật (Jataka) có nói:
Hãy chọn chỗ ngồi thấp nhất
Hãy vun bồi giới luật trang nghiêm hoàn hảo.
Với đôi mắt tràn đầy hoan hỷ,
Hãy uống từng lời như uống chất cam lồ,
Và hãy hoàn toàn chú tâm.
Đó là cách lắng nghe Giáo lý.
II.BẢN THÂN CỦA GIÁO LÝ: MỘT GIẢI THÍCH VỀ VIỆC KHÓ TÌM ĐƯỢC NHỮNG TỰ DO VÀ THUẬN LỢI
Chủ đề chính của chương này được giải thích trong bốn phần: (1) quán chiếu về bản chất của sự tự do, (2) quán chiếu về những thuận lợi đặc biệt liên quan tới Pháp, (3) quán chiếu về những hình ảnh cho thấy việc tìm được tự do và thuận lợi thì khó khăn biết bao, và (4) quán chiếu về những so sánh bằng số lượng.
- 1 Quán Chiếu Về Bản Chất Của Tự Do
Ở đây, nói một cách tổng quát thì “tự do” có nghĩa là có được cơ hội để thực hành Phật Pháp và không bị sinh vào một trong tám trạng thái thiếu vắng cơ hội đó. “Thiếu tự do” ám chỉ tám trạng thái dưới đây khi ta không có được cơ hội thực hành Pháp:
Sinh ra trong các địa ngục, hay cõi ngạ quỷ,
Sinh ra làm thú vật, làm một vị trời trường thọ hay một kẻ man rợ,
Có quan điểm sai lạc (tà kiến), sinh ra ở nơi không có Phật,
Hay sinh ra bị câm và điếc; đây là tám trạng thái không có tự do.
Chúng sinh bị tái sinh trong địa ngục không có được cơ hội để thực hành Phật Pháp vì họ thường xuyên bị sự nóng hay lạnh khủng khiếp hành hạ dữ dội.
Các Ngạ quỷ (Preta) không có được cơ hội thực hành Phật Pháp vì những nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng do đói và khát.
Các súc sinh không có được cơ hội thực hành Phật Pháp bởi chúng phải trải qua tình cảnh nô lệ và chịu đựng những cuộc tấn công của những con thú khác.
Các vị Trời trường thọ không có được cơ hội thực hành Phật Pháp bởi họ tiêu phí thời giờ của mình trong một trạng thái tâm thức trống rỗng.23
Những người sinh ra ở các nơi biên địa không có được cơ hội thực hành Phật Pháp bởi ở những nơi như vậy giáo lý của Đức Phật không được biết tới.
Những người sinh ra làm các người ngoại đạo (tirthika) hoặc những người có các tà kiến tương tự như vậy cũng không có được cơ hội thực hành Phật Pháp vì tâm thức họ bị ảnh hưởng nặng nề của những tin tưởng sai lầm đó.
Những người sinh ra trong một thời kiếp tối tăm không có được cơ hội thực hành Phật Pháp vì họ chưa từng được nghe đến Tam Bảo, và không thể phân biệt được tốt, xấu.
Những người sinh ra bị câm hay khiếm khuyết về tinh thần không có được cơ hội thực hành Phật Pháp vì các giác quan bẩm sinh của họ không được đầy đủ.
Những chúng sinh trong ba cõi thấp phải chịu đựng liên tục sự nóng, lạnh, đói, khát và những đau khổ khác, là kết quả của những hành động bất thiện trong quá khứ của họ; họ không có được cơ hội để thực hành Phật Pháp.
Những “kẻ man rợ” là những người sống ở ba mươi hai biên địa như Lo Khatha,24 và tất cả những ai coi việc làm tổn hại người khác là một đức tin, hoặc những người có niềm tin man rợ coi việc sát sinh là việc tốt lành. Những người này sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh, tuy có được thân người nhưng tâm trí họ thiếu sự định hướng đúng đắn và bản thân họ không thể hòa hợp với Pháp. Thừa kế từ tổ tiên của họ những phong tục đồi bại như cưới mẹ của mình, họ sống một cuộc đời thực sự đối nghịch với Pháp. Mọi sự họ làm đều xấu ác, và họ vượt trội trong các kỹ thuật tạo ra ác hạnh như giết hại côn trùng hoặc săn bắt thú hoang. Nhiều người trong số đó bị đọa ngay xuống những cõi thấp ngay sau khi họ chết. Đối với loại người như thế thì không có được cơ hội để thực hành Phật Pháp.
Các vị Trời trường thọ là những vị Trời đắm mình trong một trạng thái tâm thức trống rỗng. Chúng sinh bị sinh vào cõi này là do kết quả của việc họ tin rằng giải thoát là một trạng thái trong đó tất cả những hoạt động tâm thức, dù thiện hay ác, đều vắng bặt. Họ tin vào việc phải thiền định trong trạng thái tâm thức đó. Họ ở yên trong trạng thái thiền định như vậy liên tục trong nhiều đại kiếp. Nhưng một khi quả lành đưa đến trạng thái an định đó bị tiêu hao thì họ sẽ bị tái sinh vào những cõi thấp vì chính tà kiến của họ. Những chúng sinh này cũng không có được bất kỳ cơ hội nào để thực hành Phật Pháp.
Nói chung, thuật ngữ “tà kiến” bao gồm những niềm tin vào thuyết vĩnh cửu và thuyết hư vô, là những quan niệm nằm ngoài và đối nghịch với giáo lý của Đức Phật. Những quan niệm như vậy làm băng hoại tâm thức và ngăn trở chúng ta trong việc khao khát Giáo Pháp chân chính, tới nỗi chúng ta không còn cơ hội nào nữa để thực hành Pháp nữa. Ở đây nơi xứ Tây Tạng, bởi Đức Phật thứ hai, Đức Liên Hoa Sanh của xứ Oddiyana, đã giao phó việc bảo vệ xứ sở cho mười hai Tenma, nên chính ngay cả những kẻ ngoại đạo thực sự không thể xâm nhập được. Tuy nhiên, tất cả những ai mà sự hiểu biết giống như những hiểu biết của những kẻ ngoại đạo, là những hiểu biết mâu thuẫn với hiểu biết của Chánh Pháp và của những vị thầy chân chính, thì chính vì lý do đó mà họ bị tước mất cơ hội để có thể thực hành Pháp dựa trên những giáo huấn chân chính. Tu sĩ Sunaksatra trải qua hai mươi lăm năm làm thị giả của Đức Phật, nhưng vì không có chút đức tin nào và chỉ ôm giữ những tà kiến trong lòng, nên cuối đời bị tái sinh làm một ngạ quỷ trong một vườn hoa.
Sinh trong một đại kiếp tối tăm có nghĩa là bị tái sinh vào một thời đại không có Phật. Trong một vũ trụ không có Phật xuất hiện, thậm chí chưa ai từng được nghe đến Tam Bảo cũng chẳng được nhắc tới. Bởi không có Pháp, nên người ta không có cơ hội để thực hành nó.
Tâm thức của người câm điếc không thể hoạt động đúng đắn và tiến trình lắng nghe giáo lý, trình bày, quán chiếu về Pháp, và đưa vào thực hành bị trở ngại. Sự mô tả “câm điếc” thường để ám chỉ một khuyết tật về tiếng nói, ngôn ngữ. Khả năng thông thường của con người là khả năng sử dụng và hiểu biết ngôn ngữ. Khi không có được khả năng đó thì người ta cũng không có được cơ hội đến với Pháp. Vì thế, phạm trù này cũng bao gồm những người mà năng lực tinh thần yếu kém khiến họ không thể nào thấu hiểu được giáo lý và vì vậy họ bị tước mất cơ hội để thực hành chúng.
- Quán Chiếu Về Những Thuận Lợi Đặc Biệt Liên Quan Đến Pháp
Đề mục này bao gồm năm thuận lợi cá nhân và năm thuận lợi về hoàn cảnh.
- 2.1 Năm thuận lợi cá nhân
Ngài Long Thọ liệt kê chúng như sau:
Sinh ra làm người, ở nơi trung tâm, đầy đủ các năng lực giác quan,
Không có một lối sống mâu thuẫn với Pháp,
và có niềm tin nơi Giáo Pháp.
Không được sinh ra làm người thì ngay cả Phật Pháp cũng sẽ không được gặp. Vì vậy, thân người này là thuận lợi về sự hỗ trợ.
Nếu bạn bị sinh ra ở chốn hoang vu, nơi Pháp chưa từng được nghe tới, bạn sẽ chẳng bao giờ gặp được Pháp. Nhưng nếu bạn sinh ra ở trung tâm là nơi Giáo Pháp được quan tâm và vì thế bạn có thuận lợi về nơi chốn.
Nếu bạn không có đầy đủ các năng lực giác quan thì đó sẽ là một chướng ngại cho việc thực hành Pháp. Nếu bạn có đầy đủ các giác quan, bạn có thuận lợi sở hữu các năng lực giác quan.
Nếu bạn có một lối sống đầy xung đột [đi ngược lại với Pháp, không thuận theo Giáo Pháp], thì bạn sẽ luôn đắm chìm trong những hành động tiêu cực, sống một cuộc đời mâu thuẫn với Pháp. Giờ đây, bởi vì bạn đang mong muốn làm những việc thiện lành, nên đây là thuận lợi về động lực.
Nếu không có niềm tin vào giáo lý của Đức Phật, bạn sẽ cảm thấy không có bất kỳ thiên hướng nào về Pháp. Việc bạn có khả năng xoay chuyển tâm thức của bạn hướng về Pháp như giờ đây bạn đang làm, tạo nên thuận lợi về niềm tin.
Bởi năm thuận lợi này cần thiết để hoàn thiện bản chất của riêng ta nên chúng được gọi là năm thuận lợi cá nhân.
Để thực hành Giáo Pháp chân chính thì điều tuyệt đối cần thiết là phải sinh ra làm người. Giả dụ bạn không có sự hỗ trợ của một thân người, mà có hình tướng cao cấp nhất của chúng sinh trong ba cõi thấp, là hình tướng của một con thú – kể cả là con vật đẹp đẽ nhất và được đánh giá cao nhất mà con người biết đến. Ngay cả như vậy, nếu có ai đó nói với bạn: “Hãy đọc một lần câu Om mani padme hum, và bạn sẽ thành Phật”, thì bạn cũng sẽ hoàn toàn không thể hiểu được lời họ nói hay nắm được ý nghĩa của câu nói đó và bạn cũng sẽ không thể thốt ra được đến một lời. Trong thực tế [trong thân xác của một con thú], cho dù bạn đang chết cóng vì lạnh, bạn cũng sẽ chẳng nghĩ ra được điều gì để làm mà chỉ biết nằm một đống ra đó – trong khi đối với một con người, cho dù họ có yếu ớt tới đâu chăng nữa thì họ cũng biết cách tìm trú ẩn trong một hang động hay dưới một gốc cây, có thể tìm nhặt củi và đốt một ngọn lửa để sưởi ấm mặt và tay của mình. Nếu loài vật không thể làm ngay cả những việc đơn giản như vậy, thì làm sao chúng có thể hình dung được việc thực hành Pháp?
Mặc dù các vị Trời và chúng sinh đại loại như vậy có hình tướng siêu việt đến đâu chăng nữa, họ cũng không có đủ điều kiện để thọ các giới nguyện Biệt giải thoát giới (Pratimoksha), do đó không thể thấm nhuần toàn bộ Giáo Pháp.
Đối với định nghĩa của một “vùng trung tâm”, ta nên phân biệt giữa một vùng trung tâm có tính chất địa lý và một nơi là trung tâm trong phạm vi Giáo Pháp.
Nói về mặt địa lý, vùng trung tâm thường được nói là Pháp Tòa Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng25 ở Ấn Độ, nằm ngay trung tâm của cõi Diêm Phù Đề (Jambuvipa) hay Nam Thiện Bộ Châu. Hàng ngàn vị Phật trong thời Hiền Kiếp đã hoàn toàn giác ngộ ở đây. Thậm chí trong sự suy hoại của vũ trụ vào cuối thời Hiền Kiếp, bốn nguyên tố đất nước gió lửa cũng không thể hủy hoại được Pháp Tòa Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng, và vùng trung tâm ấy sẽ tồn tại ở đó như thể được treo lơ lửng trong không gian. Ở trung tâm của Pháp Tòa Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng mọc lên Cây Bồ Đề (Giác Ngộ). Do đó, địa điểm này cùng với tất cả những thành phố của Ấn Độ nằm chung quanh đó, được coi là vùng trung tâm về mặt địa lý.
Trong phạm vi Giáo Pháp, một vị trí trung tâm là ở bất cứ nơi nào mà Phật Pháp – giáo lý của Đức Phật – hiện hữu. Tất cả những vùng khác được gọi là vùng biên địa.
Trong quá khứ xa xôi, từ thời Đức Phật đến với thế gian này, và chừng nào mà giáo lý của Ngài vẫn còn hiện hữu ở Ấn Độ, thì xứ sở đó là trung tâm về cả hai mặt địa lý và Giáo Pháp. Tuy nhiên, giờ đây là lúc xứ sở ấy đã rơi vào tay những kẻ ngoại đạo và giáo huấn của Đấng Chiến Thắng đã biến mất ở trên xứ sở đó, nên nếu nói trên phương diện Phật Pháp thì ngay cả Bồ Đề Đạo Tràng cũng được coi là xứ biên địa.
Ở thời Đức Phật, Xứ Tuyết Tây Tạng được gọi là “Xứ Tây Tạng biên địa”, bởi xứ ấy là một xứ thưa dân mà Giáo Pháp chưa được truyền bá đến. Sau này dân số tăng dần và một vài vị vua trị vì là những hóa thân của chư Phật. Trước tiên, Giáo Pháp xuất hiện ở Tây Tạng trong triều đại vua Lha-Thothori Nyentsen, khi Kinh Bách Nguyện Bách Bái (kinh Một Trăm Lời Khẩn Nguyện và Lễ Lạy), một khuôn tsa-tsa, (dùng để đúc tượng Phật) và những bảo vật khác rơi xuống trên mái cung điện.
Năm thế hệ sau đó, Pháp Vương Songtsen Gampo, một hiện thân của Đấng Đại Bi Siêu Phàm đã xuất hiện phù hợp với những lời tiên tri rằng Ngài sẽ thông suốt yếu nghĩa của Sutra (Kinh văn). Trong triều đại của Ngài, dịch giả Thonmi Sambhota được gửi tới Ấn Độ để học ngôn ngữ và văn tự Ấn Độ. Khi trở về, Ngài khai lập bản mẫu tự đầu tiên cho Tây Tạng. Ngài phiên dịch sang tiếng Tây Tạng hai mươi mốt bản Kinh và các Tantra (Mật Điển) của Đức Avalokiteshvara (Đức Quan Âm Bồ Tát), Điều Ẩn Mật Mãnh Liệt (Oai Mật Kinh), và cùng nhiều bản văn khác. Bản thân Đức Vua Songtsen Gampo đã hóa hiện trong nhiều thân tướng, và cùng với quan thừa tướng Gartongtsen, Ngài đã sử dụng nhiều phương tiện kỳ diệu để bảo vệ đất nước. Ngài tấn phong hai công chúa làm hoàng hậu, một đến từ Trung Quốc và một đến từ Nepal. Hai vị này đã mang theo nhiều biểu tượng của thân, ngữ, ý của Đức Phật bao gồm hai pho tuợng Phật được gọi là Jowo Mikyo Dorje và Jowo Sakyamuni, là những biểu tượng đích thực của Đức Phật26 Nhà vua cho xây dựng một loạt điện thờ được gọi là Thadul và Yangdul, trong đó ngôi điện chính có tên là Rasa Trulnang.27 Bằng cách ấy, Ngài đã thiết lập nền móng Phật Giáo ở Tây Tạng.
Vị thừa kế thứ năm của Ngài là Vua Trisong Detsen đã mời thỉnh một trăm lẻ tám học giả đến Tây Tạng, kể cả Đức Liên Hoa Sanh, bậc Đạo Sư xứ Oddiyana, bậc trì giữ mật chú vô song, bậc vĩ đại nhất trong Tam Giới. Để giữ gìn những biểu tượng của thân tướng chư Phật, vua Trisong Detsen đã xây dựng những chùa chiền gồm cả tu viện Samye, “hiển lộ tự nhiên bất biến”. Để hộ trì ngữ của chư Phật (Giáo Pháp chân chính), một trăm lẻ tám vị dịch giả gồm cả Ngài Vairotsana vĩ đại, đã học nghệ thuật phiên dịch và đã dịch tất cả các Kinh, Luận, và Mật điển chính yếu ở xứ Ấn độ cao quý vào thời điểm đó (qua Tạng ngữ). “Bảy Vị Tăng Sĩ Tiên Phong” và những người khác đã thọ giới làm những tỳ kheo, tạo thành một Tăng Đoàn để hộ trì tâm nguyện của chư Phật.
Từ lúc đó cho tới nay, Giáo Pháp của Đức Phật đã tỏa sáng như mặt trời ở Tây Tạng và mặc dù có lúc thịnh lúc suy, nhưng Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng chưa từng bị mai một trên cả hai khía cạnh truyền dạy và chứng ngộ. Do đó, chừng nào mà Giáo Pháp còn được quan tâm tại Tây Tạng thì nơi này vẫn là một xứ trung tâm.
Một người nếu thiếu bất kỳ giác quan nào trong năm giác quan đều không thể có đủ điều kiện để thọ giới nguyện của tu viện. Ngoài ra, những ai không đủ may mắn để có thể nhìn thấy được những biểu tượng của Đấng Chiến Thắng nhằm khơi dậy lòng sùng mộ của họ, hoặc không đủ may mắn để có thể tụng đọc hay lắng nghe những giáo lý quý báu và tuyệt hảo, là những chất liệu cần thiết cho công phu nghiên cứu và quán chiếu, thì họ sẽ không thể nào tiếp nhận được Giáo Pháp một cách trọn vẹn.
Nói đúng ra, “lối sống mâu thuẫn” ám chỉ những cách sống của những người sinh ra trong cộng đồng các thợ săn, gái điếm và v..v.., hoặc sinh ra làm kẻ bị dính líu đến những ác hạnh này từ thuở thiếu thời non dại nhất. Nhưng trong thực tế, “lối sống mâu thuẫn” cũng bao gồm tất cả những ai mà mỗi tư tưởng, lời nói và hành vi của họ đều đối nghịch với Pháp – thậm chí đối với những người không phải sinh vào những lối sống như thế cũng có thể dễ dàng lọt vào lối sống đó sau này. Vì thế, điều quan trọng là tránh làm bất cứ điều gì mâu thuẫn, đối nghịch với Giáo Pháp chân chính.
Nếu bạn không đặt niềm tin nơi Phật Pháp mà lại tin vào các vị Trời, rồng nước (naga) đầy quyền lực và v.v.. hay tin vào những học thuyết khác, chẳng hạn như giáo thuyết của những kẻ ngoại đạo, thì dù bạn có thể đặt niềm tin nơi họ nhiều tới đâu chăng nữa, không ai trong những vị ấy có thể bảo vệ bạn thoát khỏi những đau khổ của sinh tử luân hồi hoặc thoát khỏi việc phải tái sinh trong những cõi thấp. Nhưng nếu bạn đã phát khởi được một niềm tin đúng đắn hợp lý nơi Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng, là Giáo Pháp hợp nhất được cả hai phương diện truyền dạy và chứng ngộ, thì không còn nghi ngờ gì nữa, bạn chính là một bình chứa thích hợp cho Giáo Pháp chân chính. Và đó là điều vĩ đại nhất trong năm thuận lợi cá nhân.
2.2 Năm thuận lợi thuộc hoàn cảnh
Một vị Phật đã từng xuất hiện và thuyết giảng Giáo Pháp,
Giáo lý của Ngài vẫn hiện hữu và vẫn được noi theo,
Đó là những bậc có thiện tâm đối với những người khác.
Những người không được sinh ra trong một thời kiếp chói sáng, là thời có một vị Phật xuất hiện, thậm chí không bao giờ nghe nói tới Giáo Pháp. Nhưng giờ đây chúng ta đang sống trong một kiếp đã có một vị Phật xuất hiện, và vì vậy chúng ta được thuận lợi là có sự hiện diện của vị Thầy đặc biệt.
Mặc dù một vị Phật đã xuất hiện nhưng nếu Ngài không giảng dạy thì sẽ chẳng có ai được lợi ích gì. Nhưng bởi Đức Phật đã chuyển Pháp Luân phù hợp với ba căn cơ khác nhau nên chúng ta có thuận lợi của việc truyền dạy Giáo Pháp.
Dù Ngài đã giảng dạy, nhưng nếu giáo lý của Ngài đã tàn lụi thì Giáo Pháp ấy sẽ không còn hiện diện ở đây để giúp ích gì cho chúng ta. Nhưng bởi thời kỳ mà giáo lý còn tồn tại chưa chấm dứt nên chúng ta có thuận lợi về thời gian.
Dù giáo lý còn tồn tại, nhưng trừ phi chúng ta tuân theo chúng, còn không chúng chẳng thể đem lại lợi ích gì cho ta. Nhưng bởi chúng ta đã hiểu biết Giáo Pháp, nên ta có thuận lợi về vận may của riêng ta.
Dù chúng ta có hiểu biết Giáo Pháp nhưng nếu không có hoàn cảnh thuận lợi được một vị Thầy tâm linh chấp nhận dạy dỗ thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được Giáo Pháp thật sự là gì. Nhưng bởi một vị Thầy đã chấp nhận dạy dỗ ta nên chúng ta có được thuận lợi về lòng bi mẫn phi thường của Ngài.
Bởi ta cần có đầy đủ trọn vẹn năm yếu tố thuận lợi, thuộc về hoàn cảnh hơn là thuộc về chính chúng ta, nên năm yếu tố thuận lợi này được gọi là năm thuận lợi thuộc hoàn cảnh.
Thời gian để vũ trụ hình thành, hiện hữu, bị hủy diệt và tồn tại trong một trạng thái của sự trống không (thành, trụ, hoại, không) được gọi là một đại kiếp (kalpa). Một đại kiếp trong đó một vị Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian được gọi là một “kiếp chói sáng” hay là một Minh Kiếp, trong khi đại kiếp không có một vị Phật xuất hiện được gọi là một “kiếp tối tăm”. Từ xa xưa, trong Đại Kiếp Hỷ Lạc Hiển Lộ có ba mươi ba ngàn vị Phật xuất hiện. Tiếp theo là một trăm kiếp tối tăm. Sau đó, trong Kiếp Viên Mãn, tám trăm triệu vị Phật đã xuất hiện, rồi lại tiếp theo là một trăm kiếp không có Giáo Pháp. Rồi tới tám trăm bốn mươi triệu vị Phật xuất hiện trong Kiếp Tối Hảo, sau đó là năm trăm kiếp tối tăm. Trong Kiếp Hỷ Kiến, tám trăm triệu vị Phật xuất hiện và sau đó là bảy trăm kiếp tối tăm. Sáu mươi tư ngàn vị Phật xuất hiện trong Hỉ Kiếp. Rồi tới Hiền Kiếp của chính chúng ta.
Trước khi kiếp của chúng ta xuất hiện, vũ trụ gồm một tỷ thế giới này (tam thiên đại thiên thế giới) là một đại dương bao la mà trên bề mặt của đại dương ấy đã xuất hiện một ngàn đóa sen ngàn – cánh. Khi tự hỏi làm thế nào điều này có thể xảy ra, chư Thiên trong cõi Trời Phạm Thiên đã dùng thần lực thấu thị để minh xác được điều này và tuyên bố rằng trong kiếp này, một ngàn vị Phật sẽ xuất hiện. Họ nói rằng: “Đây sẽ là một kiếp tốt lành (Hiền Kiếp)”, và “Hiền” (tốt lành) trở thành tên của kiếp ấy.
Từ thời đại khi thọ mạng của chúng sinh là tám mươi ngàn năm và Đức Phật – Người Tiêu Diệt Luân Hồi (Đức Câu Lưu Tôn Phật) xuất hiện, và cho tới khi thọ mạng của chúng sinh không thể tính đếm và Đức Phật Ước Nguyện Vô Tận (Đức Lâu Chí Phật) sẽ xuất hiện, một ngàn vị Phật sẽ an trụ trong thế gian này trên Pháp Tòa Kim Cương tại trung tâm Châu Jambudvipa (Diêm Phù Đề). Mỗi vị Phật trong số một ngàn vị Phật sẽ chứng đắc Phật Quả viên mãn ở đó và sẽ chuyển Pháp Luân. Vì thế, kiếp hiện tại của chúng ta là một kiếp chói sáng.
Theo sau nó là sáu mươi kiếp ngoại vi xấu ám và sau đó, trong Kiếp Vô Số, mười ngàn vị Phật sẽ xuất hiện. Rồi mười ngàn kiếp xấu ám khác sẽ xảy ra sau đó. Trong sự luân phiên của những kiếp chói sáng và kiếp tối tăm này, nếu ngẫu nhiên chúng ta phải bị sinh ra trong một kiếp tối tăm, thì thậm chí ngay cả hai tiếng Tam Bảo cũng là điều mà chúng ta sẽ không bao giờ được nghe nói đến.
Ngoài ra, như Đấng Vĩ đại xứ Oddiyana đã chỉ rõ, riêng truyền thống Mật Thừa hay Kim Cang Thừa cũng chỉ được truyền dạy một cách hiếm hoi:
Từ lâu xa về trước, ngay trong kiếp đầu tiên là Kiếp Mạng Lưới Toàn Thiện, giáo lý Mật Thừa được Đức Phật có danh hiệu là Pháp Vương – Từng – Xuất Hiện (Nhất Lai Vương Phật) truyền bá và trở nên hết sức lừng lẫy. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà hiện nay chúng ta đang có cũng bao gồm Mật Thừa. Trong thời gian mười triệu kiếp, trong Kiếp Mạng Lưới Hoa, Đức Phật Mansjushri (Đức Phật Văn Thù) sẽ xuất hiện, như ta đang xuất hiện, để khai phá giáo lý Mật Thừa trên một phạm vi cực kỳ rộng lớn. Đây là bởi vì chúng sinh trong ba kiếp này là những người thích hợp để lãnh hội Mật Thừa, và lý do khiến giáo lý Mật Thừa không xuất hiện vào những thời điểm khác là bởi chúng sinh ở những thời đó không có khả năng hành trì những giáo lý này.28
Trong Hiền Kiếp này, vào thời hiện tại khi thọ mạng của con người là một trăm năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni viên mãn đã xuất hiện trên thế gian, vì thế đây là một kiếp chói sáng.
Giả sử một vị Phật đã xuất hiện, nhưng Ngài vẫn còn ở trong thiền định và chưa giảng dạy Giáo Pháp. Chừng nào mà ánh sáng Giáo Pháp của Ngài chưa hiển lộ thì sự xuất hiện của Ngài không tác động gì tới chúng ta. Điều đó cũng giống như thể Ngài chưa từng xuất hiện.
Khi đạt được Phật Quả hoàn toàn và viên mãn trên Tòa Kim Cương, Bậc Thầy của chúng ta đã thốt lên rằng:
Ta đã tìm ra một Giáo Pháp giống như chất Cam lồ,
Thâm sâu, an bình, giản dị, chói sáng, dễ hiểu.
Nếu ta giảng về Giáo Pháp ấy, sẽ chẳng ai hiểu nổi,
Vì thế ta sẽ ở đây, tịch lặng trong rừng.
Do đó, Ngài đã không giảng dạy trong bảy tuần cho tới khi Vua Trời Phạm Thiên (Brahma) và Đế Thích (Indra) khẩn cầu Ngài chuyển Pháp Luân.
Ngoài ra, nếu những ai nắm giữ giáo lý chân chính mà không giảng dạy, thì Giáo Pháp ấy sẽ khó đem lại được bất kỳ lợi ích thực sự nào cho chúng sinh. Ví dụ Ngài Smrtijnana vĩ đại xứ Ấn Độ đã đến Tây Tạng vì mẹ Ngài tái sinh ở đây trong một Địa ngục phù du. Người thông dịch của Ngài đã chết trong cuộc hành trình, và Ngài đã lang thang khắp tỉnh Kham mà không thể nói được một tiếng Tây Tạng nào, sau đó, Ngài trở thành một người chăn cừu rồi chết ở đó mà không đem lại được lợi ích cho bất kỳ ai. Sau này khi Ngài Jowo Atisha đến Tây Tạng và biết được những gì đã xảy ra, Ngài than khóc: “Đáng buồn thay! Dân Tây Tạng quí vị kém phước quá! Không đâu ở Ấn Độ, dù Đông hay Tây mà có được một học giả uyên thâm hơn Ngài Smrtijnana”, và chắp hai bàn tay lại, Ngài Atisha khóc.
Đối với chúng ta, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp Luân trên ba loại căn cơ khác nhau và khi hiển lộ vô số hình tướng phù hợp với nhu cầu và khả năng của những người cần được cứu giúp, Ngài dẫn dắt đệ tử qua giáo lý của chín thừa để giúp cho họ trưởng thành trên con đường đạo và đạt được giải thoát.
Ngay cả trong một kiếp có Đức Phật xuất hiện và ban giáo lý, một khi thời gian tồn tại của giáo lý này đã tới lúc chấm dứt và Giáo Pháp chân chính mà Ngài đã giảng dạy biến mất không để lại dấu vết gì thì kiếp ấy cũng sẽ hoàn toàn giống như một kiếp tối tăm. Thời kỳ trung gian giữa lúc giáo lý của một vị Phật mất tăm dấu tích và khi giáo lý ấy lại được một Đức Phật vị lai truyền dạy, thì thời kỳ ấy được mô tả là thời kỳ “không có Pháp”. Ở những nơi chốn may mắn, chúng sinh trong đó được hưởng đầy đủ công đức thì có các vị Phật Độc Giác xuất hiện, nhưng Kinh điển không được giảng dạy hay thực hành [ở những nơi đó].
Ngày nay, chúng ta vẫn còn có những giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sự tồn tại của những giáo lý này đi theo một chu kỳ liên tục gồm muời thời kỳ. Trước tiên, có ba thời kỳ, mỗi một thời kỳ gồm năm trăm năm29 Trong thời kỳ này xuất hiện “Giáo lý tâm yếu của Đức Phổ Hiền”, đó là Quả30 Sau đó là ba thời kỳ kế tiếp, mỗi một thời kỳ gồm năm trăm năm cho sự thành tựu.31 Tiếp theo là ba thời kỳ mà mỗi thời kỳ gồm năm trăm năm dành cho việc truyền dạy. Cuối cùng, một thời kỳ gồm năm trăm năm xuất hiện khi chỉ còn giữ lại được những biểu tượng mà thôi. Nói chung tất cả có mười thời kỳ, mỗi thời kỳ gồm năm trăm năm. Hiện nay chúng ta ở thời kỳ thứ bảy hay thứ tám. Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại mà năm sự hủy hoại đang tăng triển: những suy hoại thuộc về thọ mạng, về lòng tin, về cảm xúc, về thời gian và về chúng sinh. Tuy nhiên, giáo lý liên quan đến việc truyền dạy và chứng ngộ vẫn còn hiện hữu. Bởi việc truyền dạy và chứng ngộ không bị mai một nên chúng ta vẫn sở hữu sự thuận lợi được hưởng toàn bộ Giáo Pháp.
Tuy nhiên, sự kiện Giáo Pháp vẫn còn hiện diện sẽ không có ích lợi gì trừ phi bạn tận dụng được Giáo Pháp ấy – giống như mặt trời mọc, mặc dù nó chiếu sáng khắp thế gian nhưng cũng không tạo được ngay cả một tác động nhỏ bé nhất cho một người mù. Và cũng như nước trong một cái hồ lớn không thể làm người lữ hành đang đi tới bờ hết khát, trừ phi họ thực sự uống nước ấy. Cũng như thế, Giáo Pháp đã được trao truyền cũng chẳng thể nào tự một mình thấm nhập được vào tâm trí bạn nếu bạn không đón lấy.
Nếu việc đến vào Giáo Pháp chỉ nhằm để bảo vệ bản thân bạn thoát khỏi bệnh tật và thoát khỏi những ảnh hưởng xấu xa trong cuộc đời này, hoặc vì bạn sợ hãi những đau khổ của ba cõi thấp trong những đời sau, thì Giáo Pháp ấy được gọi là “Giáo Pháp như cách bảo vệ chống lại nỗi sợ hãi”, và đó không phải là cách thức đúng đắn để khởi hành trên con đường.
Nếu việc đến với Giáo Pháp chỉ để giúp cho ta có thực phẩm, quần áo v.v…, hoặc để có được một phần thưởng tốt lành là được tái sinh trong cõi Trời hay được sinh làm người trong đời sau, thì Giáo Pháp ấy được gọi là “Giáo Pháp như việc tìm kiếm sự ưu việt”.
Nhưng nếu đến với Giáo Pháp mà hiểu được rằng toàn bộ luân hồi đều không có ý nghĩa, và muốn nỗ lực tìm ra một con đường để giải thoát khỏi cõi luân hồi thì điều ấy được gọi là “Áp dụng giáo lý bằng cách bước đến ngay ở khởi điểm của con đường.”
Cho dù bạn bắt đầu thực hành Giáo Pháp, điều ấy cũng sẽ chẳng ích lợi gì trừ phi bạn được một vị Thầy tâm linh chấp nhận cho làm đệ tử. Trong Trí Tuệ Siêu Việt Cô Đọng (Bát Nhã Tập Kệ) có nói:
Đức Phật và Giáo Lý dựa vào vị Thầy tâm linh.
Đấng Chiến Thắng, hiện thân tối thượng của mọi phẩm tính tốt lành đã nói như thế.
Giáo lý của Đức Phật thì bao la, những lời thuyết giảng đã được trao truyền thì vô số kể, và giáo lý ấy bao trùm một phạm vi rộng lớn với những chủ đề vô tận. Nếu không nương tựa vào những giáo huấn tâm yếu cốt tuỷ của một vị Thầy, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được làm cách nào để cô đọng các điểm trọng yếu của tất cả những giáo lý đó và đưa chúng vào thực hành.
Có một lần, khi Ngài Jowo Atisa đang ở Tây Tạng thì Khu, Ngok và Drom hỏi: “Đối với những người muốn đạt được giải thoát và sự toàn giác thì giữa những Kinh điển, những luận giảng, hay những giáo huấn khẩu truyền của vị Thầy, cái nào quan trọng hơn?”
Ngài Atisa trả lời:
“Các giáo huấn của vị Thầy”.
“Tại sao vậy?”
“Bởi khi đi vào thực hành – cho dù các ông có thể giảng được toàn bộ Tripitaka (Tam Tạng) bằng trí nhớ và hết sức thiện xảo trong khoa siêu hình – nhưng nếu không có được sự hướng dẫn thực tế của một vị Thầy thì các ông và Giáo Pháp sẽ không thể hợp nhất được”.
Họ tiếp tục hỏi: “Như vậy thì có phải điểm chính yếu của những giáo huấn của vị Thầy là để trì giữ ba giới nguyện và nỗ lực tạo những nghiệp lành với thân, khẩu và ý?”
“Điều đó chẳng có chút lợi ích nào”. Ngài Atisa trả lời.
“Làm sao có thể như vậy được?” họ kêu lên kinh ngạc.
“Các ông có thể giữ ba giới nguyện một cách toàn hảo, nhưng trừ phi các ông nhất quyết giải thoát bản thân khỏi Tam Giới trong vòng luân hồi, còn bằng không thì việc giữ giới nguyện chỉ tạo thêm những nguyên nhân cho luân hồi sinh tử. Các ông có thể nỗ lực tạo những nghiệp lành với thân, khẩu, ý cả ngày lẫn đêm, nhưng trừ phi các ông biết cách hồi hướng công đức của những việc làm đó cho sự giác ngộ viên mãn, còn bằng không thì chỉ cần hai hay ba niệm tưởng sai lạc là cũng đủ để phá hủy toàn bộ các nỗ lực đó. Các ông có thể là những vị Thầy và thiền giả uyên bác và được mọi người sùng kính, nhưng trừ phi tâm các ông đã được chuyển hóa, đã được xoay chuyển khỏi tám mối quan tâm thế gian tầm thường, còn bằng không thì bất kỳ điều gì các ông làm cũng sẽ chỉ là để cho cuộc đời hiện tại này, và các ông sẽ không thể gặp được con đường đem lại lợi lạc cho những đời sau.”
Điều này minh họa tầm quan trọng của việc được một vị Thầy, một thiện tri thức quan tâm chăm sóc.
Hãy khảo sát cuộc đời và những hoàn cảnh của riêng bạn dựa trên mỗi một điều kiện tự do trong tám điều kiện tự do và mỗi một điều kiện thuận lợi trong mười điều kiện thuận lợi, và nếu bạn nhận ra rằng tất cả mỗi một điều kiện thuận lợi đều đang hiện diện, thì bạn sở hữu “Đời người được phú bẩm với mười tám điều kiện tự do và thuận lợi.” Tuy nhiên, Đấng Pháp Vương Toàn Giác Longchenpa, trong tác phẩm Kho Tàng Ngọc Như Ý (Như Ý Bảo Luận) của Ngài, đã phân định mười sáu điều kiện phụ thuộc có thể ngăn cản bất kỳ cơ hội thực hành Pháp nào – gồm có tám hoàn cảnh xâm phạm,32 và tám thiên hướng không thích hợp.33 Khi ta bị những điều kiện phụ thuộc này làm cho chao đảo thì điều quan trọng là không để cho mình bị suy sụp. Ngài có giảng rằng:
Rối loạn bởi năm cảm xúc, ngu si, bị những ảnh hưởng
độc hại thống trị,
Biếng lười, bị chìm ngập bởi hậu quả của những hành vi
xấu trong quá khứ,
Lệ thuộc vào người khác, tìm kiếm sự bảo vệ thoát khỏi
những nguy hiểm, và thực hành đạo đức giả.
Đây là tám hoàn cảnh xâm hại khiến ta không được giải thoát.
Bị những ràng buộc của ta cột trói, đồi bại trắng trợn,
Không nhàm chán luân hồi, hoàn toàn thiếu niềm tin,
Vui thích với những hành vi xấu ác, không quan tâm đến Giáo Pháp,
Lơ là các giới nguyện và mật nguyện (samaya).
Đây là tám thiên hướng không thích hợp khiến
không được giải thoát.
2.3 Tám hoàn cảnh xâm hại khiến không được tự do thực hành Pháp
Những người mà trong họ năm độc thường nổi lên hết sức mạnh mẽ – đó là những cảm xúc tiêu cực như căm ghét kẻ thù, si mê bạn bè và những người thân thuộc v.v… Đôi khi họ cũng mong ước rằng họ có thể thực hành một ít Giáo Pháp chân chính. Nhưng năm độc quá mạnh, thường xuyên thống trị tâm thức họ và ngăn cản họ không thể thành tựu Giáo Pháp một cách đúng đắn.
Những người rất ngu đần, thậm chí không có chút thông tuệ nào, những người này có thể đến với Giáo Pháp nhưng bởi vì họ không thể hiểu được ngay cả một từ vựng duy nhất của giáo lý hay một ý nghĩa nào của giáo lý, nên họ không thể học tập hay quán chiếu và thiền định về Pháp.
Một khi người ta được một ông thầy giả mạo nhận làm đệ tử và giảng dạy cho họ nghe về những quan điểm sai lạc và dạy cho họ hành động trong một cách thế lầm lạc, thì tâm thức họ sẽ bị dẫn dắt đi trên con đường sai lạc và không phù hợp với Giáo Pháp chân chính.
Có những người muốn học Pháp nhưng quá lười biếng, không có lấy một chút kiên nhẫn nào, sẽ chẳng bao giờ thành tựu bởi họ bị sập bẫy quá nặng trong sự lười nhác và trì hoãn của chính mình.
Có những chướng ngại và hành động tiêu cực của một số người mạnh mẽ tới nỗi, mặc dù họ có nỗ lực tu hành Giáo Pháp đến mấy chăng nữa, họ cũng sẽ thất bại trong việc phát khởi những phẩm tính tốt lành trong tâm thức họ. Những ác hạnh chồng chất nhiều kiếp làm họ choáng ngợp, và họ sẽ đánh mất tín tâm vào giáo lý mà không nhận ra rằng tất cả là do những hành vi trong quá khứ của chính họ.
Có những người bị làm nô lệ cho người khác và đánh mất quyền tự chủ, những người này có thể muốn thực hành Pháp; nhưng chủ của họ không cho phép họ tu hành.
Có một số người tìm đến với Giáo Pháp vì mang trong lòng những sợ hãi về cuộc đời này – đến nỗi họ sợ có thể thiếu thực phẩm hay quần áo, hoặc sợ phải trải qua những phiền não khác. Nhưng bởi họ không có lòng tin tưởng sâu xa nơi Pháp, nên họ tự nộp mình cho những tập quán xưa cũ của họ và dính mắc vào những sự việc không phải là Pháp.
Những kẻ lừa đảo khác, bằng việc giả danh Giáo Pháp, cố gắng thâu đoạt những của cải, sự cung phụng và uy tín. Đứng trước người khác họ đội lốt hành giả, nhưng trong tâm thức thì họ chỉ quan tâm tới cuộc đời này, vì thế họ đã cách xa con đường giải thoát.
Đây là tám hoàn cảnh khiến cho con người không thể tiếp tục thực hành Pháp.
2.4 Tám thiên hướng không thích hợp khiến không có tự do để thực hành Pháp
Những người bị trói chặt vào những giao kết thế gian thường tình, vào tài sản, vào khoái lạc, con cái, thân quyến và v.v…Họ quá bận tâm với những nỗ lực đầy căng thẳng gây ra bởi những điều này tới nỗi họ không có thời gian để thực hành Pháp.
Một số người không có chút nhân tính nào, và bản chất họ suy đồi tới nỗi không thể nào sửa đổi được cách hành xử của mình. Ngay cả một vị Thầy chân chính cũng sẽ nhận ra rằng thật khó lòng có thể đưa dẫn những người này bước trên con đường cao quý. Như những đấng siêu phàm trong quá khứ đã nói: “Khả năng của một đệ tử thì có thể uốn nắn được, nhưng không thể nào uốn nắn được tánh khí căn bản của họ.”
Có người không cảm thấy khiếp sợ chút nào khi nghe nói tới việc tái sinh vào những cõi thấp và về những bất hạnh trong vòng luân hồi, hay khi đối diện với những đau khổ của cuộc đời hiện tại này, họ đã không có bất kỳ quyết tâm nào để giải thoát bản thân khỏi vòng sinh tử, và vì thế họ không có lý do gì để dấn mình vào việc thực hành Pháp.
Có những người hoàn toàn không có niềm tin nào, dù tin nơi Giáo Pháp hay nơi vị Thầy, họ đóng chặt bất kỳ mọi lối vào dẫn đến giáo lý và ngăn chặn cánh cổng dẫn tới con đường giải thoát.
Có những người thích thú trong hành động gây tổn hại hay thích thú các ác hạnh, và là những người thất bại trong việc kiểm soát tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của họ. Những người này không có bất kỳ phẩm tính cao quý nào và đã xa rời Giáo Pháp.
Có một số người quan tâm tới những giá trị tâm linh và Giáo Pháp không hơn gì một con chó đang ăn cỏ. Bởi họ không cảm thấy sự nhiệt thành với Giáo Pháp nên những phẩm tính của Pháp sẽ không bao giờ phát triển trong tâm thức họ.
Còn bất kỳ ai khi đã bước vào tu tập theo Thừa Căn Bản (Tiểu Thừa) mà lại vi phạm giới nguyện và cam kết Bồ Đề Tâm, thì những người này chẳng còn chỗ nào khác để tới ngoài những cõi thấp. Họ sẽ không thể thoát khỏi những trạng thái ở cõi thấp, nơi đó họ sẽ không có được cơ hội để thực hành Pháp.
Cuối cùng, bất kỳ ai khi đã bước vào tu tập theo vào Mật Thừa mà lại vi phạm những mật nguyện đã cam kết với vị Thầy và với các huynh đệ tâm linh của họ, thì điều ấy sẽ hủy hoại chính họ, hủy hoại vị Thầy và chư huynh đệ, cũng như sẽ hủy diệt luôn bất kỳ triển vọng thành tựu nào của họ.
Đây là tám thiên hướng khiến cho con người xa rời Giáo Pháp và thổi tắt ngọn đèn giải thoát.
Trước khi mười sáu yếu tố khiến không có cơ hội thực hành được loại trừ một cách thận trọng, con người trong những thời đại suy đồi này có thể làm như thể họ có đầy đủ những điều kiện tự do và thuận lợi, và là những hành giả đích thực của Giáo Pháp. Tuy nhiên, vị thủ lãnh ngự trên chiếc ngai và vị Lạt ma ngồi dưới chiếc lọng,34 vị ẩn sĩ trong chốn núi non cô tịch, kẻ đã từ bỏ chính sự, và bất kỳ kẻ nào đang có thể có một đánh giá cao về giá trị của bản thân mình – mỗi người trong số họ có thể nghĩ rằng hắn đang thực hành Pháp, nhưng chừng nào mà kẻ ấy còn ở dưới thế lực của những điều kiện phụ thuộc đầy giới hạn thì kẻ ấy vẫn không ở trên con đường chân chính.
Vì thế, trước khi mù quáng mang vào người những hình tướng bề ngoài của Giáo Pháp, trước tiên hãy cẩn thận kiểm tra tình trạng của bản thân bạn xem bạn có đủ ba mươi bốn yếu tố của các điều kiện tự do và thuận lợi hay không. Nếu bạn có đầy đủ những yếu tố ấy, hãy hoan hỷ và quán chiếu sâu xa về những điều ấy nhiều lần. Hãy tự nhắc mình rằng, giờ đây, khi mà cuối cùng bạn cũng đã có đầy đủ được những điều kiện tự do và thuận lợi rất khó có thể tìm được, thì bạn sẽ không lãng phí những trợ duyên ấy; cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, bạn cũng sẽ thực hành Giáo Pháp chân chính. Tuy nhiên, nếu bạn tìm thấy ra rằng bạn vẫn còn thiếu sót một số khía cạnh nào đó thì hãy cố gắng đạt được những điều ấy bằng bất kỳ phương tiện nào có thể có được.
Trong mọi lúc, bạn nên chú tâm khảo sát thật cẩn thận xem bạn có tất cả những yếu tố của tự do và thuận lợi hay không. Nếu bạn không kiểm tra, và để cho bất kỳ một trong những yếu tố này bị thiếu sót, thì bạn sẽ bị mất cơ hội để thực sự thực hành Phật Pháp. Cuối cùng, ngay cả việc thực hiện duy nhất một công việc thứ yếu hàng ngày cũng đòi hỏi nhiều chất liệu và nhiều điều kiện phụ thuộc hỗ tương cho nhau; những điều ấy phải cùng hợp lại trong cùng một thời điểm. Không đáng kinh ngạc sao khi sự chứng ngộ mục đích tối hậu của chúng ta – Giáo Pháp – không thể có được nếu không có sự kết hợp của nhiều yếu tố được nối kết với nhau?
Hãy hình dung một lữ khách muốn pha một ít trà. Việc pha trà liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau – ấm trà, nước, củi, lửa và v..v.. Trong những yếu tố này, chỉ riêng việc đánh lửa sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đá lửa, thép, bùi nhùi, hai bàn tay của lữ khách và v..v.. Nếu chỉ thiếu một yếu tố chẳng hạn như bùi nhùi, thì sự thực là dù lữ khách có đủ mọi thứ khác đi nữa thì cũng chẳng ích lợi gì. Cũng thế, nếu thậm chí chỉ một yếu tố trong những điều kiện tự do và thuận lợi bị thiếu sót thì bạn không có chút cơ hội nào để thực hành Giáo Pháp chân chính.
Nếu kiểm soát cẩn thận tâm bạn, bạn sẽ thấy rằng ngay cả tám điều kiện tự do và mười thuận lợi căn bản cũng rất khó đạt được, và bạn sẽ nhận ra là có đủ mười điều thuận lợi thì thậm chí còn hiếm hoi hơn việc có tám điều kiện tự do.
Có một số được sinh ra làm người, với đầy đủ mọi năng lực giác quan và họ ở trong vùng trung tâm, nhưng lại là những người trở nên dính mắc vào một lối sống mâu thuẫn với Giáo Pháp và không có lòng tin vào giáo lý của Đấng Chiến Thắng. Nếu như vậy thì những người này chỉ còn có ba thuận lợi mà thôi. Nếu họ có được một trong hai điều kiện thuận lợi hay thuận duyên còn lại kia thì họ vẫn chỉ có được bốn thuận duyên. Giờ đây, để có được một lối sống hoàn toàn không mâu thuẫn với Giáo Pháp thì điều này cực kỳ khó khăn. Nếu bất kỳ tư tưởng, lời nói và hành vi nào của một người đều tiêu cực và những động cơ thúc đẩy họ chỉ cốt nhằm tới cuộc đời này, thì trên thực tế, cho dù họ có nổi tiếng là một người tốt lành và uyên bác chăng nữa, cách sống của họ cũng mâu thuẫn với Giáo Pháp.
Cũng áp dụng tương tự cho năm thuận lợi thuộc về hoàn cảnh. Nếu một vị Phật xuất hiện, giảng dạy Giáo Pháp và giáo lý ấy vẫn còn hiện hữu, nhưng nếu một người không bước vào con đường tu (đến với Giáo Pháp), thì người đó chỉ có được ba trong số các điều kiện thuận lợi đó. Ở đây, một lần nữa, “bước vào con đường tu” không đơn giản có nghĩa là thỉnh cầu một vài giáo lý và được ban cho giáo lý đó. Điểm khởi đầu của con đường giải thoát là (1) lòng xác tín rằng toàn bộ vòng luân hồi đều vô nghĩa và (2) có quyết tâm chân thật muốn giải thoát khỏi toàn bộ luân hồi. Để đi trên con đường Đại Thừa, điều cốt yếu là (3) phát khởi được Bồ Đề Tâm chân thành. Điều tối thiểu cần phải có là (4) niềm tin không thể lay chuyển nơi Tam Bảo, đến nỗi bạn sẽ không bao giờ từ bỏ được Tam Bảo cho dù là để cứu mạng mình. Không có được những điều đó thì việc chỉ đơn giản trì tụng những lời cầu nguyện và khoác vào người những chiếc y vàng không phải là bằng chứng bạn đã bước vào con đường tu.
Hãy bảo đảm rằng bạn biết cách nhận ra mỗi một điều kiện trong tất cả những điều kiện tự do và thuận lợi, và hãy tự kiểm tra xem là bạn có những điều ấy hay không. Đây là vấn đề trọng yếu.
- Quán Chiếu Về Những Hình Ảnh Cho Thấy Khó Tìm Được Tự Do Và Thuận Lợi
Đức Phật nói rằng việc có được thân người (được sinh ra làm người) còn khó khăn hơn việc một con rùa trồi lên từ đáy biển, ngẫu nhiên chui đầu vào cái lỗ của một cái ách bằng gỗ bị những cơn sóng khổng lồ làm dập dình trên mặt đại dương.
Hãy hình dung toàn thể vũ trụ gồm một tỉ thế giới (tam thiên đại thiên thế giới) như một đại dương bao la. Một cái ách trôi nổi trên mặt biển, đó là một miếng gỗ có khoét một cái lỗ để tròng quanh sừng trâu bò dùng để kéo xe. Cái ách này bị sóng biển làm cho trôi nổi đó đây, khi thì hướng đông khi thì hướng tây, không bao giờ ở một chỗ dù trong chốc lát. Ở đáy sâu của đại dương có một con rùa mù cứ một trăm năm lại nổi lên mặt nước một lần.35 Việc con rùa và cái ách có thể gặp được nhau là điều cực kỳ khó có thể xảy ra. Bản thân cái ách là vật vô tri; con rùa thì không có ý định tìm cái ách. Con rùa bị mù không thể dùng mắt để nhận ra cái ách. Nếu cái ách đứng yên một chỗ thì có thể có một cơ hội để chúng gặp nhau; nhưng cái ách lại di chuyển liên tục. Nếu con rùa phải sử dụng toàn bộ thời gian để bơi quanh mặt biển thì có lẽ nó có thể gặp cái ách; nhưng nó chỉ nổi lên duy nhất một lần trong một trăm năm. Do đó, những cơ hội để con rùa và cái ách gặp nhau thì hết sức nhỏ nhoi. Tuy nhiên, nhờ cơ hội mỏng manh ấy mà con rùa vẫn hoàn toàn có thể chui đầu vào cái ách. Nhưng Kinh điển nói rằng so với điều đó thì việc được sinh ra làm người với những điều kiện tự do và thuận lợi thì thậm chí còn khó hơn thế. Tổ Long Thọ có mô tả điều này trong Lời Khuyên cho Vua Surabhibhadran (Long Thọ Bồ Tát Khuyến Giới Vương Tụng)36
Thật khó xảy ra việc một con rùa mù có thể ngẫu nhiên trồi lên chui đầu vào một cái ách dập dình trên một đại dương bao la;
Và tuy thế, so với việc tái sinh làm súc sinh thì việc được sinh ra làm người còn hiếm hoi hơn thế nữa.
Do đó, Ôi Đức Vua,
Hãy thực hành Giáo Pháp chân chính để vận may của
Ngài sẽ kết thành chánh quả!
Và Ngài Santideva (Tịch Thiên) nói:
Đức Phật đã tuyên thuyết rằng giống như một con rùa ngẫu nhiên có thể
Chui đầu vào một cái ách trôi dạt trên đại dương không bờ bến,
Việc sinh ra làm người quả thật khó tìm.
Sự khó khăn của việc được sinh ra trong thân người cũng được so sánh với việc ta ném những hạt đậu khô vào một bức tường trơn láng mà hạt đậu lại dính được vào bức tường đó, hay việc đặt cân bằng một nhúm đậu trên đầu mũi kim dựng đứng – một việc mà thậm chí chỉ làm với một hạt đậu duy nhất cũng đã đủ khó! Điều quan trọng là phải thấu hiểu những biểu tượng so sánh này, chúng được trích ra từ Đại Bát Niết Bàn Kinh, cùng với những so sánh tương tự trong các bản văn khác.
- Quán Chiếu Trên Những So Sánh Bằng Số Lượng
Khi bạn khảo sát số lượng tương đối của các loại chúng sinh khác nhau, bạn có thể cảm kích rằng để được sinh làm một con người thì hoàn toàn khó có thể có được. Qua cách minh họa trên, ta được biết rằng những chúng sinh trong các cõi địa ngục thì nhiều như sao trong bầu trời đêm, số chúng sinh trong cõi ngạ quỷ thì không thể nhiều hơn được số lượng những ngôi sao nhìn thấy vào ban ngày. Còn nếu ngạ quỷ nhiều như sao ban đêm, thì súc sinh chỉ nhiều như những vì sao ban ngày; và nếu súc sinh nhiều như sao ban đêm, thì chư thiên và con người chỉ như sao ban ngày.
Cũng có được nghe nói rằng, chúng sinh trong địa ngục nhiều như vi trần (bụi) trong toàn thể thế giới, ngạ quỷ nhiều như cát sông Hằng, súc sinh nhiều như những hạt lúa mạch trong một thùng chứa bia,37 và A Tu La nhiều như những bông tuyết trong một trận bão tuyết – nhưng chư Thiên và con người thì ít như những hạt bụi đất dính trong một móng tay.
Để có được thân tướng như bất kỳ chúng sinh nào trong các cõi cao cũng đã là hiếm có, nhưng có được một đời người với đầy đủ những điều kiện tự do và thuận lợi thì lại càng hy hữu hơn nữa. Chúng ta có thể tự thấy rằng vào bất kỳ lúc nào nếu so với loài vật thì loài người ít ỏi hơn biết bao. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu sâu bọ sống trong một cục đất vào mùa hè, hay có bao nhiêu con kiến trong một tổ kiến duy nhất – mới chỉ nhiều bằng số người trong toàn thế giới. Nhưng ngay trong nhân loại, chúng ta có thể thấy rằng so với tất cả những ai sinh trong những miền xa xôi hẻo lánh nơi mà Giáo Pháp chưa từng xuất hiện, thì những người sinh ra ở những nơi Giáo Pháp đã được truyền bá thì thật đặc biệt hiếm hoi. Và ngay cả trong những người đó cũng chỉ có một số rất ít người có đủ những điều kiện tự do và thuận lợi.
Với tất cả những viễn cảnh này trong tâm, bạn nên để cho lòng mình tràn đầy hoan hỷ khi biết rằng bạn thực sự có được đầy đủ tất cả mọi điều kiện tự do và thuận lợi [để có thể tu hành].
Một đời người có thể được gọi là một “đời người quý báu” chỉ khi nào đời người ấy chứa đựng đầy đủ mọi khía cạnh của những điều kiện tự do và thuận lợi, và từ đó trở đi mới thực sự trở nên quý báu. Nhưng chừng nào mà những khía cạnh đó chưa được đầy đủ, thì cho dù sự hiểu biết, kiến thức và tài năng của bạn trong những sự việc thông thường có rộng lớn tới đâu chăng nữa, bạn cũng không có được một “đời người quý báu”. Như thế có nghĩa là bạn chỉ có được cái gọi là một đời người bình thường, một đời người đơn thuần, đời người không may mắn, đời người vô nghĩa, hay một đời người trắng tay. Đời người như thế thì cũng giống như việc tay cầm ngọc như ý mà không biết sử dụng nó, hay việc bạn đi đến một xứ sở ngập tràn châu báu mà trở về tay không.
Tình cờ gặp được một viên ngọc quý
Thì chẳng đáng gì đối với việc tìm được đời người quý báu này.
Hãy nhìn xem những kẻ không biết ngao ngán luân hồi
Lãng phí cuộc đời ra sao!
Chiếm đoạt cả một vương quốc
Thì chẳng đáng gì đối với việc gặp được một vị Thầy toàn hảo.
Hãy nhìn những người không có lòng sùng kính
Đối xử với vị Thầy như ngang hàng với họ ra sao!
Được đứng đầu một tỉnh
Thì chẳng đáng gì đối với việc thọ Bồ Tát giới.
Hãy nhìn những người không có lòng bi mẫn
Ném bỏ các giới nguyện của họ ra sao!
Cai trị cả thế giới
Thì chẳng đáng gì đối với việc thọ nhận quán đảnh Mật thừa.
Hãy nhìn những kẻ không tuân giữ các mật nguyện
Vứt bỏ những hứa nguyện của họ ra sao!
Thấy được Đức Phật
Thì chẳng đáng gì đối với việc thấy được chân tánh của tâm.
Hãy nhìn những kẻ không có quyết tâm
Lại chìm sâu trong mê lầm ra sao!
Những điều kiện tự do và thuận lợi này không đến một cách tình cờ hay ngẫu nhiên. Tất cả đều là kết quả của một sự thâu thập công đức và trí tuệ tích luỹ trong nhiều kiếp. Đại học giả Trakpa Gyaltsen nói:
Có được thân người đầy đủ các tự do và thuận lợi này
Không phải là kết quả của tài xoay sở của bạn
Mà đến từ công đức bạn đã tích tập được.
Có được đời người chỉ để đắm mình trong những hành động xấu ác mà không có chút ý niệm nào về Pháp thì còn thấp kém hơn cả chúng sinh trong những cõi thấp. Như Ngài Jetsun Milarepa đã từng nói với người thợ săn Gonpo Dorje:
Có được những tự do và thuận lợi của một đời người thì
thường được coi là quý báu,
Nhưng khi ta nhìn những người như ông thì chẳng
có vẻ quý báu chút nào.
Không gì mạnh mẽ lôi kéo bạn xuống những cõi thấp hơn là chính cuộc sống con người. Bạn làm gì với cuộc đời ấy, ngay bây giờ, tùy thuộc vào chỉ mình bạn thôi.:
Khéo sử dụng thì thân này là chiếc bè đưa tới giải thoát,
Sử dụng một cách tệ hại thì thân này neo giữ chúng ta trong luân hồi sinh tử,
Thân xác này tuân lệnh cả điều tốt lẫn điều xấu.
Chính là nhờ vào năng lực của tất cả công đức bạn đã tích lũy trong quá khứ mà giờ đây bạn có được thân người với đầy đủ mười tám điều kiện tự do và thuận lợi này. Xao lãng điều cốt tủy – Giáo Pháp siêu việt – và thay vào đó, tiêu trọn đời bạn trong việc thâu hoạch thực phẩm, quần áo và mê đắm tám mối quan tâm thế gian (bát phong), thì đó chính là một lãng phí vô ích những tự do và thuận lợi đó. Thật vô ích biết bao khi chờ cho tới khi cái chết vồ chụp lấy bạn và bạn đấm ngực với sự ăn năn hối tiếc! Hẳn là bạn đã có một chọn lựa sai lầm, như có nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh:
Do đó, khi đã tìm được những tự do của một đời người,
Nếu giờ đây bản thân tôi không tu tập đức hạnh,
Thì liệu còn có điên rồ nào to lớn hơn?
Làm sao tôi có thể lừa dối chính mình hơn được nữa?
Như thế, cuộc đời hiện tại này là bước ngoặt mà nhờ đó bạn có thể lựa chọn giữa cái thiện trường cửu hay cái ác lâu dài. Nếu ngay bây giờ bạn không tận dụng những tự do có được để chiếm lĩnh thành lũy của bản tánh tuyệt đối trong đời này, thì trong những đời sau bạn sẽ rất khó có được tự do như thế này một lần nữa. Một khi bạn phải bị tái sinh trong bất kỳ thân tướng nào nơi những cõi thấp, thì sẽ chẳng bao giờ còn có ý niệm nào về Pháp loé lên trong bạn. Quá hoang mang không biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm, bạn sẽ không ngừng rơi xuống càng lúc càng sâu hơn tới những cõi thấp. Vì vậy, hãy tự nhủ rằng bây giờ là lúc để phải cố gắng tu hành, thiền định liên tục, áp dụng ba phương pháp tối thắng sau đây: (1) hãy bắt đầu với suy niệm về Bồ Đề Tâm, (2) thực hành mà không có bất kỳ sự khái niệm hóa nào, và (3) hãy hồi hướng công đức vào lúc kết thúc.
Như một hình thức đo lường về việc thực hành này (tư duy về những điều kiện tự do và thuận lợi của đời người) đã thực sự thuyết phục chúng ta nhiều tới mức độ nào, thì chúng ta phải làm sao giống được như Geshe Chengawa, người đã sử dụng toàn bộ thời gian để thực hành và thậm chí không bao giờ ngủ. Ngài Geshe Tonpa nói với đệ tử rằng: “Tốt hơn là con nên nghỉ ngơi, con của ta. Con sẽ làm mình bị bệnh đấy.”
“Vâng, con sẽ nghỉ ngơi,” Ngài Chengawa trả lời. “Nhưng khi con nghĩ về việc phải khó khăn biết bao mới tìm được những điều kiện tự do và thuận lợi mà con đã có, thì con không có thời giờ nào để nghỉ.”
Ngài trì tụng chín trăm triệu lần câu thần chú của Miyowa (Đấng Bất Động) và không ngủ suốt cuộc đời Ngài. Chúng ta phải thiền định cho đến khi nào có một lòng xác tín y hệt như vậy thực sự trỗi dậy trong tâm thức chúng ta.
Dù con đã đạt được những tự do này,
con vẫn nghèo nàn trong Giáo Pháp, là tinh túy của tự do.
Dù con đã đi vào Pháp,
con đã lãng phí thời giờ khi làm những công việc khác.
Xin ban phước cho con và những kẻ xuẩn ngốc như con
Để chúng con có thể đạt được tinh túy đích thực của
những điều kiện tự do và thuận lợi khó tìm.
Vua Trisong Detsen (790–844)
Vị vua đã mời thỉnh học giả Shantaraksita và Đạo sư Kim Cương Thừa Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) tới Tây Tạng. Ngài đã xây dựng Samye, tu viện đầu tiên của Tây Tạng, và gánh vác việc củng cố Phật Giáo trên một nền tảng vững chắc tại Tây Tạng.
CHƯƠNG HAI
SỰ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI
Nhìn ba cõi này như một ảo ảnh phù du,
Ngài bỏ lại sau lưng những mối quan tâm của
đời này, như bãi nước bọt trong bụi đất.
Chấp nhận mọi gian khó, Ngài đi theo dấu chân của
các bậc Thầy trong quá khứ.
Đạo sư Vô song, con đảnh lễ dưới chân Ngài!
Cách thức để lắng nghe Giáo pháp đã được mô tả trong Chương Một. Chủ đề chính trong chương này bao gồm bảy loại thiền định: (1) sự vô thường của thế giới bên ngoài nơi có chúng sinh đang sinh sống, (2) sự vô thường của chúng sinh sống trong đó, (3) sự vô thường của những bậc hiền thánh, (4) sự vô thường của những người có địa vị và thế lực, (5) các ví dụ khác về vô thường, (6) sự bất định của những hoàn cảnh đưa đến cái chết, và (7) sự tỉnh giác mãnh liệt về lẽ vô thường.
I. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA THẾ GIỚI BÊN NGOÀI NƠI CÓ CHÚNG SINH ĐANG SINH SỐNG
Thế giới của chúng ta, môi trường bên ngoài này được hình thành bởi cộng nghiệp tốt lành của chúng sinh. Thế giới ấy được cấu trúc một cách thật vững chãi, kiên cố, bao gồm bốn đại lục, Núi Tu Di và các cõi Trời, và thế giới ấy tồn tại trọn một đại kiếp. Tuy vậy, thế giới ấy thì vô thường và sẽ không thoát khỏi sự hủy diệt cuối cùng bởi bảy giai đoạn hỏa tai (thiên tai do lửa gây ra) và một giai đoạn thủy tai (thiên tai do nước gây ra).
Bởi đại kiếp hiện tại đang lùi dần tới thời điểm của sự hủy diệt, chúng sinh sinh sống trong các cõi thấp (dưới cõi của chư Thiên của trạng thái thiền định đầu tiên) sẽ dần dần biến mất trong từng cõi một, cho tới lúc không còn sót một chúng sinh nào.
Rồi, cái này sau cái kia, bảy mặt trời sẽ mọc trong bầu trời. Mặt trời thứ nhất sẽ thiêu sạch tất cả các cây ăn trái và rừng rậm. Mặt trời thứ hai sẽ làm bốc hơi mọi dòng suối, vũng lạch, và ao hồ; mặt trời thứ ba sẽ làm khô cạn mọi con sông; và mặt trời thứ tư làm khô cạn các hồ lớn, ngay cả hồ Manasarovar. Khi mặt trời thứ năm xuất hiện, các đại dương cũng sẽ dần dần bốc hơi, trước tiên tới bề sâu một trăm lý (một lý = 4,8km), rồi hai trăm, bảy trăm, một ngàn, mười ngàn, và cuối cùng là tám mươi ngàn lý. Nước biển còn sót lại sẽ rút từ một lý xuống một tầm nghe, cho tới khi chỉ còn lại thậm chí không đầy một vết chân. Vào lúc cả sáu mặt trời cùng bốc cháy, toàn thể trái đất và các ngọn núi phủ tuyết của nó sẽ bốc cháy thành những ngọn lửa. Và khi mặt trời thứ bảy xuất hiện, chính Núi Tu Di sẽ bốc cháy đồng thời với bốn đại lục, tám tiểu lục địa, bảy ngọn núi vàng, và vòng tường gồm các ngọn núi ngay nơi bờ mép trái đất. Mọi sự sẽ chảy ra thành một đống lửa khổng lồ. Khi lửa cháy xuống phía dưới, nó sẽ thiêu đốt mọi cảnh giới địa ngục. Khi nó cháy lên trên, lửa sẽ nhận chìm thiên cung của Brahma (Phạm Thiên), đã bị phế bỏ từ lâu. Trên các cung Trời, các vị Trời trẻ tuổi trong cảnh giới Tịnh Quang sẽ hoảng sợ thét lên: “Đám cháy lớn khủng khiếp!” Nhưng các vị Trời lớn tuổi hơn sẽ trấn an họ và nói: “Đừng sợ! Khi lửa cháy tới thế giới của Brahma, nó sẽ lụi tàn. Điều này đã từng xảy ra trước đây.”
Sau bảy lần bị hủy diệt bởi lửa như thế, các đám mây mưa sẽ hình thành trong cảnh giới của các vị Trời thuộc tầng thiền định thứ hai, và một trận mưa như thác có độ dầy bằng một cái ách sẽ đổ xuống, theo sau là một trận mưa dày bằng một cái cày. Giống như muối hòa tan trong nước, tất cả mọi thứ từ cõi Tịnh Quang trở đi và kể cả cõi giới Tịnh Quang, cũng sẽ đều tan ra.
Sau khi sự hủy hoại thứ bảy bởi nước gây ra như thế qua đi, chày kim cang kép của gió ở đáy vực của thế giới sẽ nổi lên. Giống như bụi đất bị gió tung rải, mọi thứ từ cõi tam thiền trở đi cho tới và kể cả cảnh giới của các vị Trời của tầng thiền thứ ba này cũng sẽ hoàn toàn bị cuốn đi.
Hãy quán chiếu sâu xa và một cách chân thành để thấy rằng, nếu mỗi một trong hàng tỉ thế giới cấu tạo nên các vũ trụ – mỗi thế giới với một Núi Tu Di, bốn lục địa và các cõi Trời riêng – còn phải bị hủy diệt đồng thời theo cách này, chỉ còn để lại không gian ở phía sau, thì làm thế nào những thân người như chúng ta, giống như những con ruồi lúc cuối mùa, có thể có được chút thường hằng vĩnh cửu, hay sự bền vững nào?
II. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA CHÚNG SINH SỐNG TRONG THẾ GIỚI
Từ tột đỉnh của các cõi Trời cao nhất cho tới tận cùng của địa ngục, không có duy nhất một chúng sinh nào có thể thoát khỏi cái chết. Như Lá thư An ủi (Linh Ly Sầu Ưu) có nói:
Bạn có từng thấy, trên mặt đất hay trong các cõi Trời,
Một chúng sinh nào được sinh ra mà không chết?
Hoặc nghe rằng một chuyện như thế từng xảy ra?
Hay ngay cả hoài nghi rằng điều đó là điều có thể?
Mọi sự được sinh ra rồi cũng bị buộc phải chết đi. Không ai từng thấy hay nghe nói về người nào đó trong bất kỳ cảnh giới nào – ngay cả trong thế giới của các vị Trời – được sinh ra nhưng không bao giờ chết. Thật vậy, thậm chí chưa bao giờ có chuyện chúng ta tự hỏi một người sẽ chết hay không. Cái chết là một điều chắc chắn. Đặc biệt là đối với chúng ta, là những người được sinh ra vào cuối một kỷ nguyên trong một thế giới nơi mà độ dài của cuộc đời thì không thể tiên đoán được – chẳng mấy chốc cái chết sẽ tới. Cái chết tới càng lúc càng gần ngay từ giây phút chúng ta được sinh ra đời. Cuộc đời chỉ có thể ngắn đi chứ không bao giờ dài ra. Chẳng chút gì động tâm, Thần Chết tới gần, không hề ngơi nghỉ trong một chốc lát, giống như cái bóng của một ngọn núi lúc hoàng hôn.
Bạn có biết chắc chắn khi nào mình chết, hoặc chết ở đâu không? Chuyện đó có thể xảy ra ngày mai, hay đêm nay? Bạn có thể quả quyết rằng cái chết sẽ không đến với bạn ngay bây giờ, giữa hơi thở này và hơi kế tiếp không? Như có nói trong Tuyển Tập Các Tục Ngữ Thâm Trầm (Pháp Tập Yếu Tụng Kinh):
Ai quả quyết được rằng họ sẽ sống đến ngày mai?
Bây giờ là lúc phải sẵn sàng,
Bởi đạo quân của Thần Chết
Không là bằng hữu của chúng ta.
Và Ngài Nagarjuna (Long Thọ) cũng nói:
Đời sống lập loè trong những cơn giông gió của
một ngàn điều bất hạnh,
Còn mong manh hơn một bọt nước trong dòng suối.
Trong giấc ngủ, mỗi hơi thở ra đi và lại được hít vào;
Kỳ diệu biết bao khi ta thức dậy mà vẫn còn sống!
Khi hít thở nhẹ nhàng, người ta vui hưởng giấc ngủ của mình. Nhưng không có gì bảo đảm là cái chết sẽ không lẻn vào giữa một hơi thở này và hơi thở kế tiếp. Thức dậy trong sự khỏe mạnh là một sự kiện rất đáng được coi là kỳ diệu, song chúng ta lại cho điều đó là hoàn toàn tất nhiên.
Mặc dù biết rằng ta sẽ chết một ngày nào đó, nhưng chúng ta không thực sự để cho triển vọng của một cái chết luôn – luôn – thường – trực ảnh hưởng đến thái độ sống của mình. Chúng ta vẫn tiêu phí tất cả thời giờ của mình khi mang trong lòng những hy vọng và lo âu về vấn đề sinh sống trong tương lai, như thể chúng ta sẽ sống mãi. Chúng ta hoàn toàn bị cuốn hút vào cuộc chiến đấu cho sự hạnh phúc, sung sướng và địa vị, cho tới khi, thật bất ngờ, chúng ta đối diện với Thần Chết tay cầm sợi thòng lọng đen, cắn chặt môi dưới và nhe những chiếc răng nanh trông thật dữ tợn.
Khi ấy không điều gì có thể giúp đỡ được ta. Không đạo quân nào, không sắc lệnh nào của nhà cầm quyền, không tài sản nào của người giàu có, không sự sáng chói nào của học giả, không vẻ duyên dáng nào của sắc đẹp, không sự lanh lẹn nào của lực sĩ – chẳng điều gì còn ích lợi nữa. Chúng ta có thể tự nhốt mình trong một cái tủ bọc sắt không thể bị đâm thủng, được hàng trăm ngàn lực sĩ tua tủa cung tên giáo mác bảo vệ; nhưng những thứ đó không đem lại cho ta sự bảo vệ hay che dấu nào dù chỉ bằng bề dày của một sợi tóc. Một khi Thần Chết tròng sợi thòng lọng đen quanh cổ ta, khuôn mặt ta bắt đầu nhợt nhạt, đôi mắt đờ đẫn đẫm lệ, đầu và tứ chi xuôi xụi, và dù muốn hay không, chúng ta bị lôi một mạch xuống xa lộ để đi qua đời sau.
Cái Chết không thể bị bất kỳ chiến sĩ nào đánh bại, không thể bị quyền lực sai sử, hoặc bị người giàu có mua chuộc. Cái Chết không từ đâu tới, không nơi ẩn nấp, không chỗ nương tựa, không người bảo vệ hay dẫn dắt. Cái Chết kháng cự lại với bất kỳ một sự trông cậy nào nơi tài khéo léo và lòng bi mẫn. Một khi cuộc đời ta đã cạn kiệt, thì cho dù đích thân Đức Phật Dược Sư có xuất hiện chăng nữa, Ngài cũng không thể trì hoãn cái chết của chúng ta.
Vì thế, hãy quán chiếu và thiền định một cách chân thành rằng ngay từ giây phút này trở về sau, thật là quan trọng xiết bao để ta chẳng bao giờ còn lẻn trốn vào sự lười biếng và trì hoãn, phải luôn thực hành Chân Pháp, vì đây là điều duy nhất mà bạn có thể tin chắc là sẽ giúp đỡ được bạn vào giây phút lìa đời.
III. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA NHỮNG BẬC LINH THÁNH
Trong Hiền Kiếp hiện tại, Đức Vipasyin (Đức Ti Bà Thi), Sikhin (Thi Khí) và năm vị Phật khác đã xuất hiện, mỗi vị với tập hội riêng gồm vô số các vị Thanh Văn và A La Hán. Mỗi Đức Phật đều phải hoằng hóa để đem lại lợi lạc cho vô lượng chúng sinh nương vào giáo lý của Ba Thừa. Ngay cả mọi giáo lý mà ngày nay chúng ta có được cũng là những gì còn sót lại của giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, tất cả những vị Phật đó đã nhập Niết Bàn và tất cả những Giáo Pháp thuần tịnh các Ngài ban cho đã dần dần biến mất.
Từng vị một, trong vô vàn các vị Thanh Văn vĩ đại của hệ thống tôn giáo hiện tại, mỗi vị với hội chúng năm trăm vị A La Hán của mình, cũng đã siêu vượt đau khổ đi vào trạng thái giác ngộ nơi không còn các uẩn.
Ở Ấn Độ, có một thời Năm Trăm Vị A La Hán đã kết tập Pháp ngữ của Đức Phật. Có Sáu Báu Trang (Ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na và Pháp Xứng) và Hai Đấng Siêu Việt (Ngài Đức Quang, Thích Tử Quang),Tám Mươi Tư Vị Đại Thành Tựu Giả (là những vị tu tập theo Tối Thượng Du Già tại Ấn Độ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12), và nhiều vị khác nữa, là những bậc tinh thông mọi thuộc tính của các con đường và các cấp bậc, và có khả năng thấu thị vô hạn cùng các năng lực kỳ diệu. Nhưng ngày nay những gì còn lại từ các Ngài chỉ là những câu chuyện kể lại các Ngài đã sống ra sao.
Ở đây, nơi xứ Tuyết Tây Tạng thì cũng vậy. Khi Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyana chuyển Pháp Luân để dẫn dắt và giải thoát chúng sinh, thì khi ấy, có tất cả những đệ tử của Ngài hiện diện, như hai mươi lăm đệ tử, Đức Vua (Trisong Detsen) và các Thần Dân, cùng Tám Mươi Thành Tựu Giả ở Yerpa. Sau đó lại có các Đạo sư Cổ Phái thuộc các bộ tộc So, Zur và Nub; các Ngài Marpa, Milarepa và Dagpo của Tân Phái; cùng vô số các bậc học giả và thành tựu giả khác. Hầu hết các Ngài đã đạt được những cấp bậc thành tựu cao cấp và điều phục được bốn yếu tố (tứ đại). Các Ngài có thể tạo nên mọi thứ biến hóa kỳ diệu. Các Ngài có thể làm cho các hiện vật xuất hiện từ không trung và biến mất trở lại vào không. Các Ngài không thể bị lửa đốt cháy, không bị nước cuốn trôi, không bị đất đè bẹp hoặc không thể té rơi vào không gian từ trên các vách núi cao – các Ngài đã hoàn toàn thoát khỏi bất kỳ tai họa có thể gây ra bởi các yếu tố tứ đại (đất, nước, gió, lửa).
Ví dụ, có một lần, Ngài Jetsun Milarepa đang thiền định tĩnh lặng trong động Nyeshangkatya ở Nepal thì có một nhóm thợ săn đi qua. Nhìn thấy Ngài ngồi ở đó, họ hỏi Ngài là người hay ma. Milarepa vẫn bất động, Ngài nhìn chăm chú vào phía trước và không trả lời. Những người thợ săn bắn một loạt mũi tên tẩm độc vào Ngài, nhưng không mũi tên nào chọc thủng được da Ngài. Họ ném Ngài xuống sông rồi xuống bờ vực – nhưng mỗi lần như thế Ngài lại ngồi ngay nơi đã ngồi trước đó. Cuối cùng, họ chất củi quanh Ngài và đốt, nhưng lửa không thiêu cháy được Ngài. Đã từng có rất nhiều các bậc thành tựu giả cũng đã đạt được các thần lực như thế. Nhưng cuối cùng, tất cả các Ngài đều chọn lựa [sự ra đi] để hiển lộ rằng tất cả mọi sự đều vô thường, và ngày nay tất cả những gì còn sót lại từ các Ngài chỉ là những câu truyện tiểu sử.
Đối với chúng ta, các hành vi tiêu cực của ta được ngọn gió của các điều kiện (duyên) tiêu cực mang đi theo chiều hướng của các khuynh hướng xấu xa tiêu cực. Các khuynh hướng ấy đã đưa dẫn ta đến đây, vào trong bộ máy tạm thời và dơ bẩn này, là một bộ máy được tạo nên bởi bốn yếu tố vật chất tạo nên, ở nơi đó chúng ta bị sập bẫy và đời sống hữu tình của ta bị lệ thuộc – và bởi chúng ta không bao giờ có thể quyết chắc rằng lúc nào và ở đâu thì ta, cái tên bù nhìn của thân xác huyễn hóa này, sẽ sửa soạn tan rã, nên điều hết sức quan trọng là ngay từ giây phút này trở về sau, chúng ta tự tạo cảm hứng cho chính mình để tư tưởng, hành vi, và ngôn ngữ của ta luôn luôn tốt lành. Giữ trọn điều này trong tâm, hãy thiền định về lẽ vô thường.
IV. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐỊA VỊ THẾ LỰC
Có những vị Trời và những vị tu luyện trường sinh các hiền triết theo truyền thuyết Ấn Độ (Rishi), uy nghi và lừng lẫy tuyệt đỉnh; họ có thể sống lâu cả một đại kiếp. Nhưng ngay cả họ cũng không thể thoát khỏi cái chết. Những vị cai trị chúng sinh, như Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích Thiên (Indra), Vi Nữu Thiên (Vishnu), Tự Tại Thiên và chư Thiên vĩ đại khác, có thọ mạng kéo dài cả một đại kiếp, với dáng vóc được đo tới hàng nhiều lý (một lý= 4,8km) hay nhiều tầm nghe, và chư vị này có thần lực và vẻ lộng lẫy vượt xa mặt trời và mặt trăng. Tuy thế, các vị này cũng không thể tránh khỏi cái chết đến. Như Kho tàng các Phẩm tính (Kho Báu Thiện Đức) có nói:
Ngay cả Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích Thiên (Indra), Ma Hê Thủ La (Mahesvara) và các vị Đại Đế Thiên Vương
Cũng không có cách nào lẩn tránh được Thần Chết.
Cuối cùng, ngay cả các vị tu luyện trường sinh Rishi siêu phàm hay các vị Rishi sống trong thế giới loài người với năm loại thấu thị và có thần lực bay qua bầu trời, thì họ cũng không thể trốn thoát khỏi cái chết. Trong Lá Thư An Ủi (Linh Ly Sầu Ưu) có nói:
Các Rishi vĩ đại với năm loại thần lực
Có thể bay xa và rộng trong các bầu trời,
Song họ sẽ chẳng bao giờ tới được một xứ sở
Nơi có sự bất tử trị vì.
Ở đây, trong thế giới loài người của chúng ta, có nhiều vị đại đế đã đạt đến cực điểm của quyền lực và của cải vật chất. Trong thánh địa Ấn Độ, bắt đầu với Mahasammata, vô số các vị hoàng đế đã cai trị toàn thể đại lục. Về sau có ba vị Pala, ba mươi bảy vị Candra và nhiều vị vua giàu có và uy quyền khác đã trị vì cả phía đông và tây Ấn Độ.
Ở xứ Tuyết Tây Tạng, vị vua đầu tiên là Nyatri Tsenpo, thuộc dòng dõi siêu phàm, là một hóa thân của Bồ Tát Trừ Cái Chướng (Nivaranaviskambhin). Sau đó có bảy vị thiên vương trị vì được gọi là Tri, sáu vị địa vương được gọi là Lek, tám vị vua ở giữa [giữa cung trời và trái đất] được gọi là De, năm vị vua liên kết được gọi là Tsen, có mười hai và một nửa38 vị vua của Triều đại May Mắn bao gồm năm vị vua của Triều Đại Cực Kỳ May Mắn, và ngoài ra còn nhiều vị khác nữa. Trong triều đại của Pháp Vương Songtsen Gampo, một đạo quân thần diệu đã chế ngự tất cả các lãnh thổ từ Nepal tới Trung Hoa. Vua Trisong Detsen đặt hai phần ba châu Diêm Phù Đề, Nam Thiện Bộ Châu (ambudvipa) dưới quyền lực của ngài, và trong triều đại Ralpachen, một cột sắt được trồng trên bờ sông Hằng, đánh dấu biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Tây Tạng đã sử dụng quyền lực tại nhiều miền đất ở Ấn Độ, Trung Hoa, Gesar, Tajikistan và các quốc gia khác. Tại lễ hội mừng Nguyên Đán, các sứ giả của tất cả các nước này được yêu cầu ở lại Lhasa một ngày. Quyền lực của Tây Tạng là như thế trong quá khứ. Nhưng quyền lực ấy không kéo dài, và ngày nay, không điều gì còn sót lại ngoài những tường thuật lịch sử.
Hãy quán chiếu về những huy hoàng trong quá khứ đó. Nếu so sánh với những huy hoàng này thì hết thảy những nhà cửa, quyến thuộc, tôi tớ, địa vị và bất cứ điều gì khác mà ta quý trọng dường như không đáng giá hơn một cái tổ ong. Hãy thiền định sâu xa, và tự hỏi làm sao bạn có thể nghĩ rằng những điều này sẽ tồn tại mãi mãi và không bao giờ biến đổi.
V. CÁC VÍ DỤ KHÁC VỀ SỰ VÔ THƯỜNG
Như một ví dụ của sự vô thường, hãy khảo xét chu kỳ sinh trưởng và suy tàn xảy ra trong một đại kiếp. Thời xa xưa, trong thời kỳ đầu tiên của đại kiếp này, trên bầu trời không có mặt trời và mặt trăng, và tất cả con người được chiếu sáng bởi sự chói ngời nội tại của họ. Họ có thể di chuyển thật kỳ diệu qua không gian. Họ cao lớn đến vài lý. Họ sống bằng chất cam lồ linh thiêng và thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc hoàn hảo, sánh được với đời sống của chư thiên. Tuy nhiên, dần dần dưới ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực và tà hạnh, loài người suy hoại dần dần tới tình trạng hiện nay. Ngay cả ngày nay, bởi những xúc cảm đó còn trở nên to lớn hơn nữa nên thọ mạng và sự thịnh vượng của con người vẫn còn suy giảm. Tiến trình này sẽ tiếp tục cho tới khi con người sống không quá mười năm. Hầu hết chúng sinh sống trong thế giới sẽ biến mất trong những thời kỳ của dịch bệnh, chiến tranh, và nạn đói. Sau đó đối với những người sống sót, một hóa thân của Đức Phật Di Lặc sẽ thuyết giảng về pháp từ bỏ sát sinh. Vào lúc này, loài người sẽ chỉ còn cao một cubit (khoảng 46 cm). Từ đó trở đi thọ mạng của họ sẽ tăng lên tới hai mươi năm, và sau đó, từ từ trở nên dài hơn cho tới khi đạt tới tám mươi ngàn năm. Vào thời điểm đó, Đức Di Lặc sẽ xuất hiện trong thân người, thành Phật và chuyển Pháp Luân. Khi mười tám chu kỳ sinh trưởng và suy hoại như thế đã xảy ra và nhân loại sống vô số năm, Đức Phật Ước Nguyện Vô Hạn (Đức Lâu Chí Phật) sẽ xuất hiện và sẽ trường thọ lâu bằng một ngàn Đức Phật khác của Hiền Kiếp cộng lại. Các công hạnh và hoạt động của Ngài vì hạnh phúc của chúng sinh thì cũng thế, sẽ sánh được với tất cả các hoạt động của một ngàn Đức Phật đó cộng lại. Cuối cùng, kiếp này sẽ chấm dứt trong sự suy hoại. Khi suy xét các biến dịch như thế, bạn có thể thấy rằng ngay cả trên phạm vi rộng lớn này, không có gì nằm ngoài tầm với của lẽ vô thường.
Cũng thế, khi nhìn bốn mùa thay đổi, bạn có thể thấy được mọi sự vô thường như thế nào. Vào mùa hè, đồng cỏ xanh tươi và khát khao những trận mưa hè như chất cam lồ, và mọi sinh linh tắm mình trong ánh sáng rực rỡ của hạnh phúc và niềm vui. Muôn hoa đang trổ nụ và toàn thể cảnh vật cùng nhau khoe sắc thành một thiên đường của những sắc màu trắng, vàng, đỏ thắm và xanh. Rồi khi mùa thu đến, những làn gió thu trở nên mát mẻ hơn, đồng cỏ xanh đổi màu. Hoa và trái từng cái một, khô đi và héo úa. Chẳng mấy chốc mùa đông bắt đầu, và toàn thể vạn vật trở nên khô cứng và dễ vỡ như đá. Những cây cầu và các con sông đóng băng, các cơn gió lạnh giá lướt qua cảnh vật. Bạn có thể rong ruổi trên lưng ngựa liên tục nhiều ngày để tìm kiếm tất cả những đóa hoa mùa hè đó và chẳng còn thấy được đóa hoa nào. Và như thế mỗi mùa luân phiên nhau tới, mùa hạ nhượng bộ mùa thu, mùa thu nhường bước mùa đông và mùa đông nhường chỗ cho mùa xuân, mỗi mùa khác biệt với mùa trước nó, và mỗi mùa hoàn toàn chỉ một ảo ảnh phù du. Hãy nhìn xem hôm qua và hôm nay chóng vánh thế nào, buổi sáng và tối hôm nay, năm nay và năm tới, mọi sự trôi đi cái này sau cái kia. Chẳng có gì tồn tại mãi, chẳng có điều gì đáng tin cậy.
Hãy nghĩ tưởng về ngôi làng hay cộng đồng tu viện của bạn, hoặc bất kỳ nơi nào bạn đang sống. Những người mới trước đây không lâu đã thành công và an ổn thì nay bất thần đối mặt với sự suy sụp; những người khác, xưa kia nghèo khổ và bơ vơ thì nay nói năng đầy uy quyền, thế lực và giàu có. Không có gì cứ như thế mãi mãi. Trong gia đình của riêng bạn, từng thế hệ kế tục của cha mẹ, ông bà và các cụ cố, tất cả đều đã chết, từng người một. Giờ đây họ chỉ còn là các tên gọi đối với bạn. Và khi tới lúc [phải ra đi khỏi cõi đời này] thì nhiều anh em, chị em và những người thân khác cũng đã chết, và không ai biết được họ đi về đâu hoặc giờ đây họ đang ở đâu. Với những người đầy quyền thế, giàu có và thịnh vượng mà mới chỉ năm ngoái đây thôi còn là người lỗi lạc nhất trong xứ sở, thì nhiều người năm nay chỉ còn là những cái tên. Ai biết được những người mà giờ đây sự giàu có và tầm quan trọng của họ làm mọi người phải thèm muốn, họ có còn ở vị trí tương tự vào thời điểm này trong năm tới, hoặc ngay cả trong tháng tới hay không? Đối với các gia súc của riêng bạn – cừu, dê, chó – bao nhiêu con đã chết trong quá khứ và bao nhiêu con vẫn còn sống? Khi bạn suy tưởng về điều gì xảy ra trong tất cả những trường hợp này, bạn có thể thấy rằng không sự gì cứ yên vị như thế mãi mãi. Với tất cả những người sống hơn một trăm năm về trước, không có lấy một người thoát khỏi cái chết. Và trong hàng trăm năm khác từ bây giờ, mỗi một người hiện đang sống khắp nơi trên thế giới sẽ chết. Không ai trong số họ sẽ còn sót lại.
Như thế tuyệt đối không có gì trong thế giới, dù hữu tình hay vô tri, có bất kỳ sự vững chắc hay thường hằng nào.
Mọi sự được sinh ra đều vô thường và buộc phải chết đi.
Mọi sự được tích lũy đều vô thường và buộc phải cạn kiệt.
Mọi sự tụ hội đều vô thường và buộc phải chia ly.
Mọi sự được xây dựng đều vô thường và buộc phải sụp đổ.
Mọi sự hưng thịnh đều vô thường và buộc phải suy tàn.
Cũng thế, tình bằng hữu và sự thù địch, vận may và nỗi
buồn phiền, điều tốt và xấu, mọi tư tưởng lướt qua tâm
bạn – mọi sự luôn luôn biến đổi.
Bạn có thể tuyệt mỹ cao quý như những vị Trời, mạnh mẽ như sấm sét, giàu có như một thủy long (naga), đẹp đẽ như một vị Trời hay dễ thương như một cầu vồng – nhưng dù bạn là ai hoặc là gì chăng nữa, khi cái chết bất thần vồ đến thì bạn không thể làm bất cứ điều gì dù chỉ trong chốc lát. Bạn phải ra đi không được lựa chọn, trần trụi và lạnh lẽo, đôi bàn tay không của bạn bị cột cứng dưới nách. Mặc dù không thể chịu đựng nổi khi phải lìa bỏ tiền của, những tài sản yêu quý, bằng hữu, những người thân yêu, người hầu, đệ tử, quốc gia, xứ sở, thần dân, của cải, đồ ăn, thức uống và tài sản, bạn phải hoàn toàn để lại mọi sự sau lưng, giống như một sợi tóc bị kéo ra khỏi một miếng bơ. Bạn có thể là Lạt ma lãnh đạo hàng ngàn tu sĩ, nhưng bạn không thể mang theo mình dù chỉ một người trong số họ. Bạn có thể là thủ lãnh của hàng mười ngàn người, nhưng bạn không thể mang theo thậm chí chỉ một người để làm người hầu của bạn. Mọi tài sản trong thế giới này cũng vẫn không đem lại cho bạn bất kỳ sức mạnh nào để đem theo với bạn bất cứ thứ gì, ngay cả chỉ một cây kim và một sợi chỉ.
Cũng thế, thân thể yêu quí của bạn sắp bị bỏ lại đằng sau. Chính thân thể này đã được quấn bọc suốt đời trong lụa là và gấm thêu, được nuôi dưỡng kỹ lưỡng ê hề bằng trà và bia, và đã có một thời trông bạn đẹp đẽ và lừng lẫy như một vị Trời, thì nay bạn được gọi là một tử thi, và đang bị bỏ mặc nằm đó, xám xịt, nặng nề và dúm dó thật khủng khiếp. Đức Jetsun Mila nói:
Vật mà ta gọi là một tử thi này, trông thật khiếp hãi,
Thì đã sẵn ở đây – chính là thân thể của ta.
Xác bạn bị cột chặt bằng một sợi dây và được phủ bằng một tấm màn, được giữ ở một nơi cùng với đất và đá. Cái tô của bạn bị lật úp xuống gối. Dù bạn được quý trọng và được yêu mến đến đâu chăng nữa, giờ đây bạn khơi gợi sự khiếp hãi và buồn nôn. Khi một người sống nằm ngủ, ngay cả trên đống lông thú và thảm lông cừu mềm mại, chỉ một lát sau họ đã bắt đầu cảm thấy khó chịu và phải trở mình. Nhưng một khi bạn đã chết, bạn nằm yên đó, gò má dựa vào một hòn đá hay bụi cỏ, tóc bạn bê bết đất.
Một số trong các bạn là những gia trưởng hay trưởng bộ tộc, có thể lo lắng về những người đang nằm dưới sự chăm sóc của bạn. Một khi bạn không còn ở đó để chăm sóc họ, liệu họ có dễ dàng chết vì đói hay lạnh, bị kẻ thù giết, hoặc chết đuối trong dòng sông? Tất cả tài sản, tiện nghi và hạnh phúc của họ không tùy thuộc vào bạn sao? Tuy nhiên, thực tế là sau khi bạn chết, họ sẽ chẳng cảm thấy điều gì trừ sự nhẹ nhõm khi tìm được cách tống khứ tử thi của bạn bằng cách hỏa táng, ném xuống sông, hoặc quăng nó vào nghĩa địa.
Khi bạn chết, bạn không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc lang thang hoàn toàn cô độc trong trạng thái trung ấm mà không có lấy một người đồng hành. Vào lúc đó nơi nương tựa duy nhất của bạn sẽ là Phật Pháp. Vì thế, hãy tự nhắc đi nhắc lại với mình rằng từ nay trở về sau bạn phải nỗ lực để thành tựu cho bằng được ít nhất là một pháp tu chân chính của Giáo Pháp.
Mọi sự được tích lũy bắt buộc phải cạn kiệt. Một vị vua có thể cai trị toàn thể thế giới mà vẫn kết thúc như một kẻ lang thang. Nhiều người bắt đầu cuộc đời với tài sản vây quanh và chấm dứt nó bằng sự chết đói, mất sạch tất cả. Những người có đàn súc vật hàng trăm con trong một năm có thể bị sa sút đến độ trở nên bần cùng vào năm sau bởi các bệnh dịch hoặc tuyết ngập dày, và một số người mới chỉ có một ngày trước đó còn giàu có và đầy quyền lực, thình lình có thể thấy chính mình phải ăn xin bố thí vì bị kẻ thù thiêu hủy mọi thứ họ đã sở hữu. Tất cả những điều này xảy ra là những gì bạn có thể nhìn thấy cho chính bạn; đó là bạn không thể mãi mãi bám chặt vào tài sản và của cải của bạn. Đừng bao giờ quên rằng sự rộng lượng (bố thí) là vốn liếng quan trọng nhất để tích tập.
Không có sự tụ hội nào có thể kéo dài mãi. Mọi tụ hội sẽ luôn luôn chấm dứt trong sự phân ly. Chúng ta giống như những cư dân ở những nơi chốn khác nhau tập họp lại hàng ngàn và thậm chí hàng vạn người trong một hội chợ vĩ đại hay trong một lễ hội tôn giáo quan trọng, chỉ để rời nhau khi ai nấy trở về nhà mình. Bất kỳ mối tương quan thắm thiết nào chúng ta đang thụ hưởng hiện nay – giữa các vị Thầy và các đệ tử, chủ và tớ, những người bảo trợ và người được che chở, các bằng hữu tâm linh, các anh em và chị em, chồng và vợ – ta không thể nào tránh khỏi sự phân ly vào lúc kết thúc. Thậm chí ta không thể quả quyết rằng cái chết hay một vài biến cố khủng khiếp khác không bất thần chia lìa chúng ta ngay bây giờ. Bởi những bằng hữu tâm linh, những cặp vợ chồng v.v.. có thể bị chia cắt thình lình bất kỳ lúc nào, vì thế tốt hơn, chúng ta nên tránh những sự giận dữ và cãi vã, những lời nói ác và sự tranh chấp lẫn nhau. Không bao giờ ta biết được chúng ta có thể sống với nhau bao lâu, vì thế ta nên lập quyết định là sẽ quan tâm và thương mến nhau trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại. Như Ngài Padampa Sangye nói:
Gia đình thì phù du như một đám đông trong ngày phiên chợ;
Dân chúng xứ Tingri, đừng tranh cãi hay đánh nhau!
Padampa Sangye (thế kỷ 11-12)
Thành tựu giả Ấn Độ nổi tiếng, người truyền bá giáo lý khắp Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng. Ngài và đệ tử là Machik Lapdron đã thiết lập các dòng truyền thừa của giáo lý Chod ở Tây Tạng.
Bất kỳ kiến trúc nào được xây dựng cũng buộc phải sụp đổ. Các làng mạc và tu viện mà một thời từng thành công và thịnh vượng, giờ đây nằm hoang vắng và bị bỏ phế, và nơi mà một thời các chủ nhân cẩn trọng của chúng đã từng sống, thì nay chỉ còn những chú chim làm tổ. Ngay cả tu viện trung ương Samye ba tầng, được những người thợ hóa thân kỳ diệu xây dựng trong triều đại Đức Vua Trisong Detsen và được Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyana hiến cúng, đã bị lửa thiêu hủy chỉ trong một đêm. Cung điện Núi Đỏ có trong thời đại Đức Vua Songtsen Gampo được so sánh với cung điện của chính vị vua Trời Đế Thích, nhưng giờ đây ngay cả những tảng đá làm nền móng cũng không còn. So sánh với những công trình đó thì các thành phố, nhà cửa và tu viện của chúng ta hiện nay chỉ là những tổ côn trùng. Vì thế tại sao chúng ta lại quá coi trọng chúng đến thế? Tốt hơn, hãy hết lòng noi theo gương sáng của các hành giả Kagyupa ngày xưa, là những vị đã bỏ lại quê hương phía sau và tiến thẳng vào nơi hoang dã. Các Ngài đã sống dưới chân những vách đá, chỉ có thú hoang làm bầu bạn và không chút bận tâm tới thực phẩm, quần áo hay thanh danh, ôm chặt bốn mục đích căn bản của các hành giả Kadampa:
Hãy đặt Pháp của bạn trên một cuộc đời khiêm tốn tầm thường,
Hãy đặt cuộc đời khiêm tốn của bạn trên niệm tưởng về cái chết,
Hãy đặt cái chết của bạn trên một lỗ hang trống không, trơ trụi.
Đẳng cấp cao và quân đội hùng mạnh không bao giờ tồn tại lâu. Đại Đế Mandhatri đã quay bánh xe vàng mang lại cho ông quyền lực trên bốn châu lục; ông đã trị vì các cõi Trời của các vị Trời Thứ Ba Mươi Ba; thậm chí ông còn chia ngai tòa với vua Đế Thích, vua của các vị Trời, và có thể đánh bại các A Tu La trong chiến trận. Tuy thế, cuối cùng ông rơi xuống trái đất và chết mà chưa thỏa mãn các tham vọng. Bạn có thể thấy cho chính bạn rằng tất cả những người nắm giữ quyền uy và thế lực đó – dù thân cận các vị vua, Đạo sư, chúa tể hay chính phủ – không một ai có thể duy trì địa vị của họ mãi mãi; và nhiều người đầy quyền lực đã từng áp đặt luật lệ lên những người khác vào một năm nào đó, năm sau, thấy chính mình đang sống mòn mỏi trong ngục tù. Quyền lực nhất thời như thế có thể mang lại lợi ích gì cho bạn? Trái lại, trạng thái Phật Quả viên mãn không bao giờ có thể suy giảm hay bị hư hoại, và xứng đáng với những sự cúng dường của Trời và người. Đó là điều bạn cần kiên quyết phải đạt được tới.
Tình bằng hữu và sự thù địch thì cũng thật khó bền vững. Một ngày kia khi A La Hán Katyayana đi ra ngoài để khất thực, Ngài tình cờ gặp một người đàn ông ôm một đứa bé trong lòng. Người đàn ông đang ăn một con cá với vẻ thật thích thú và ném những hòn đá vào con chó cái đang cố vồ những miếng xương. Tuy nhiên, bằng sự thấu thị, vị Đạo sư nhìn thấy như sau: con cá đã từng là cha của người đàn ông ngay trong đời đó, và con chó cái đã là mẹ của ông ta. Một kẻ thù mà ông đã từng giết trong một đời quá khứ đã tái sinh làm con trai ông ta, như sự vay trả nghiệp báo mà người đàn ông phải chịu trong đời. Ngài Katyayana kêu thét lên:
Hắn ăn thịt cha, đánh đập mẹ,
Hắn nâng niu trong lòng kẻ thù mà hắn giết;
Vợ đang gặm xương chồng mình.
Ta phá lên cười khi thấy những gì xảy ra trong sự
hiển bày của sinh tử!
Ngay cả trong một cuộc đời, thường xảy ra việc những kẻ thù không đội trời chung về sau lại giảng hòa và làm bạn với nhau. Thậm chí họ có thể trở thành một thành phần trong gia đình của lẫn nhau, và sau cùng còn gần gũi nhau hơn bất kỳ ai khác. Trái lại, những người được liên kết mật thiết bởi huyết thống hoặc hôn nhân thường tranh cãi và làm hại nhau càng nhiều càng tốt chỉ vì một ít của cải tầm thường hay gia tài nhỏ mọn. Những cặp vợ chồng hay bạn bè thân thiết có thể chia ly vì những lý do vô nghĩa nhất, thậm chí có khi kết thúc trong sự chém giết. Khi nhận ra mọi tình bằng hữu và sự thù địch thì hết sức phù du, bạn hãy tự nhắc đi nhắc lại là mình phải đối xử với mọi người với lòng từ ái và bi mẫn.
Vận may và sự mất mát không bao giờ tồn tại mãi mãi. Có nhiều người bắt đầu cuộc đời trong sự an nhàn và sung túc, đã kết thúc đời mình trong sự bần cùng và đau khổ. Những người khác bắt đầu sống trong cảnh cùng cực mà về sau lại được hạnh phúc và may mắn. Thậm chí có những người bắt đầu cuộc đời như kẻ hành khất và kết thúc như những vị vua. Có vô số ví dụ về sự đảo lộn vận mệnh như thế. Chẳng hạn như một buổi sáng, chú của ngài Milarepa đã tặng cho cô con gái riêng một bữa tiệc vui vẻ, nhưng đến tối căn nhà của ông sụp đổ và ông đã kêu khóc lóc tiếc thương. Khi Giáo Pháp đem lại cho bạn những gian khó, cho dù khi ấy bạn phải gánh chịu nhiều loại đau khổ khác nhau, như Jetsun Mila và Các Đấng Chiến Thắng trong quá khứ, nhưng cuối cùng hạnh phúc của bạn sẽ không có gì so sánh được. Nhưng khi bạn làm giàu bằng một tà hạnh thì dù trong nhất thời bạn có thể có được bất kỳ sự vui thú nào, nỗi khổ của bạn sẽ mênh mông vô hạn vào lúc kết thúc.
Vận may và nỗi buồn thì rất khó tiên đoán. Thủa xa xưa trong vương quốc Aparantaka có một trận mưa thóc kéo dài bảy ngày, theo sau là một trận mưa quần áo trong bảy ngày kế và một trận mưa châu báu trong bảy ngày nữa – và cuối cùng một trận mưa đất chôn vùi toàn thể dân chúng, tất cả đều chết và bị tái sinh trong các cõi thấp. Thật vô ích khi chúng ta, trong một tâm trạng tràn đầy hy vọng và sợ hãi, lại cố gắng làm chủ hạnh phúc và đau khổ, là những thứ luôn luôn biến đổi. Thay vào đó, hãy hoàn toàn bỏ lại đằng sau mọi tiện nghi, tài sản và những thú vui của đời này, coi chúng như nước bọt trong bụi đất. Hãy quyết định đi theo bước chân của các Đấng Chiến Thắng trong quá khứ, can đảm chấp nhận bất kỳ gian khổ nào bạn phải chịu đựng, tất cả để cho Đạo Pháp.
Cũng như thế, sự tuyệt hảo và sự tầm thường cũng vô thường. Trong đời sống thế gian, dù bạn có thể đầy quyền thế và hùng biện đến đâu, dù bạn có uyên bác và tài giỏi, mạnh mẽ và thiện xảo thế nào chăng nữa, thì cũng sẽ đến lúc các phẩm tính đó phải suy tàn. Một khi công đức bạn tích tập trong quá khứ bị cạn kiệt, mọi sự bạn suy nghĩ sẽ trở nên lôi thôi và không điều gì bạn làm có kết quả. Bạn sẽ bị phê phán từ mọi phía. Bạn trở nên cùng khốn và mọi người xem thường bạn. Một số người bị tước mất đi mọi thuận lợi nhỏ bé mà họ đã từng có trong quá khứ và kết thúc trong sự cạn kiệt. Những người khác, một thời đã từng bị coi như là những kẻ lừa đảo, dối láo, bất tài và không có lương tri, nhưng về sau lại tự trở nên giàu có, phong lưu, được mọi người tin cậy và quý mến như những con người tốt lành và đáng tin. Như tục ngữ nói: “Những lọc lừa lâu đời có một chỗ đứng cao nhất.”
Trong đời sống tôn giáo thì cũng thế, như tục ngữ có câu: “Lúc về già, các hiền nhân trở thành học trò, người từ bỏ thế gian lại đi tích lũy của cải, và thầy giáo trở thành gia chủ.” Những người trước đây từ bỏ mọi hoạt động thế tục thì cuối cùng ta lại có thể tìm thấy họ đang bận rộn tích lũy của cải và lương thực. Những người khác khởi đầu bằng việc giảng dạy Giáo Pháp nhưng kết thúc trở thành những thợ săn, những kẻ trộm cướp. Những vị giảng sư thông thái trong tu viện lúc còn trẻ đã tuân giữ tất cả các Giới Luật, về già lại có thể cho ra đời nhiều đứa con. Trái lại, cũng có nhiều người tiêu phí những năm đầu của đời họ chỉ để làm những việc xấu ác nhưng vào cuối đời, hoàn toàn hiến mình cho việc thực hành Diệu Pháp và đạt được thành tựu, hoặc nếu không, thì ít nhất khi chết, họ cũng ở trên con đường tiếp tục đi tới những tái sinh cao hơn nữa.
Một vài người dù trong hiện tại xuất hiện là tốt hay xấu, nhưng đó chỉ là một ấn tượng nhất thời không có sự thường hằng hay vững chắc nào. Bạn có thể cảm thấy một phần nào chán ngán vòng sinh tử, phát triển một quyết tâm mơ hồ để thoát khỏi luân hồi, và làm ra vẻ một học trò nghiêm cẩn của Giáp Pháp tới nỗi những người bình thường hết sức cảm kích bạn và muốn được làm người bảo trợ và đệ tử của bạn. Nhưng ở ngay thời điểm đó, trừ phi bạn có cái nhìn nghiêm khắc về chính mình, còn không bạn có thể dễ dàng bắt đầu cho rằng bạn thực sự là cái mà người khác nhìn bạn. Dương dương tự đắc, bạn hoàn toàn bị các hình tướng cuốn hút và bắt đầu cho rằng bạn có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Bạn hoàn toàn bị đánh lừa bởi các thế lực tiêu cực xấu xa. Vì thế, hãy đẩy lùi mọi tin tưởng chấp ngã và khơi dậy trí huệ vô ngã. Cho tới khi bạn đạt được các cấp độ Bồ Tát cao cả, thì sẽ không có hình tướng nào, dù tốt hay xấu, có thể tồn tại mãi mãi. Hãy thiền định miên mật về cái chết và sự vô thường. Hãy phân tích các lỗi lầm của riêng bạn và luôn giữ vị trí thấp nhất. Hãy nuôi dưỡng lòng chán ngán sinh tử và ước muốn được giải thoát. Hãy tu tập bản thân để trở nên an bình, có kỷ luật và luôn tỉnh giác. Hãy liên tục phát triển một cảm thức buồn rầu chua xót và sâu sắc khi nghĩ tưởng về tính chất nhất thời của mọi sự duyên hợp và về những nỗi khổ của vòng luân hồi sinh tử, giống như Ngài Jetsun Milarepa:
Trong một hang đá ở chốn hoang vu
Nỗi buồn của con không nguôi.
Con hằng khát khao Ngài,
Hỡi Đạo sư của con, Đức Phật của ba thời!
Trừ phi bạn thường xuyên duy trì kinh nghiệm này trong tâm thì sẽ không có tài nào biết được tất cả các niệm tưởng thường xuyên biến đổi trong bạn sẽ dẫn dắt bạn đi về đâu. Xưa kia, một người đàn ông, sau khi có một mối thù hận với các thân quyến, đã áp dụng Giáo Pháp và được gọi là Hành giả Gelong Thangpa. Ông ta học tập để kiểm soát các năng lực và tâm,39 và có thể bay trên bầu trời. Một hôm, khi nhìn một bày chim bồ câu thật lớn đang xúm lại ăn thực phẩm cúng dường mà ông đã cúng xong, ông nảy ra tư tưởng là với đội quân đông người, ông ta có thể tiêu diệt những kẻ thù của mình. Ông đã không đưa được tà niệm này vào con đường,40 và kết quả là sau cùng khi trở về quê hương, ông trở thành người chỉ huy một đội quân.
Tạm thời lúc này, nhờ vào Đạo sư và các bằng hữu tâm linh của bạn mà bạn có thể có được một vài cảm nhận sơ sài nông nổi về Pháp. Nhưng hãy khi ghi khắc trong tâm rằng những xúc cảm của một con người thì thật ngắn ngủi xiết bao, và hãy tự giải thoát mình nương vào Chánh Pháp bất cứ khi nào bạn có thể làm được, và ngày nào bạn còn sống thì ngày ấy bạn hãy một lòng quyết tâm tu tập.
Nếu quán chiếu về nhiều ví dụ được đưa ra ở đây, thì bạn sẽ không còn chút nghi ngờ gì, từ các trạng thái hiện hữu cao nhất xuống tới các tầng địa ngục thấp nhất, chẳng có một mảy may bất kỳ sự thường hằng hay bền vững nào. Mọi sự đều bị lệ thuộc vào lẽ biến dịch, mọi sự thịnh rồi suy.
VI. SỰ BẤT ĐỊNH CỦA CÁC TÌNH HUỐNG41 ĐƯA ĐẾN CÁI CHẾT
Một khi đã sinh ra, chắc chắn mọi người trong thế giới đều phải chết. Nhưng việc chúng ta sắp chết như thế nào, tại sao, khi nào và ở đâu thì không thể tiên đoán được. Không ai trong chúng ta có thể quyết chắc rằng cái chết của mình sẽ xảy ra vào một thời điểm hay nơi chốn đặc biệt nào, trong một cách thức nào, hoặc biết chắc được rằng cái chết là kết quả của nguyên nhân này hay nguyên nhân nọ.
Những nguyên nhân của cái chết thì nhiều;
Những nguyên nhân của đời sống thì ít,
Và ngay cả những nguyên nhân của đời sống cũng có thể trở thành những nguyên nhân của cái chết.
Lửa, nước, các chất độc, vách đứng, những kẻ man rợ, những dã thú – có rất nhiều kiểu nguy hiểm chết người, nhưng những gì có thể kéo dài đời sống thì thật ít ỏi. Ngay cả thực phẩm, quần áo và các sự vật khác thường được xem như để duy trì đời sống thì đôi khi có thể biến thành những nguyên nhân của cái chết. Nhiều rủi ro xảy ra là hậu quả của việc ăn uống – thực phẩm có thể bị ô nhiễm; hoặc có thể một vài loại thực phẩm được dùng nhờ các tính chất lợi lạc của chúng nhưng trong một vài trường hợp42 lại trở thành độc hại; hoặc chúng có thể là thực phẩm không tốt đối với một cá nhân đặc biệt nào đó. Nhất là ngày nay, hầu hết mọi người tham ăn thịt, dùng thịt và máu mà không suy xét, hoàn toàn không biết gì về mọi bệnh tật gây nên bởi thịt ôi43 hoặc các tinh linh ác hại trong thịt gây ra. Các chế độ ăn uống và cách sống thiếu lành mạnh cũng có thể gây ra các khối u, những rối loạn của đàm, bệnh phù và các bệnh tật khác, đưa đến vô số cái chết. Tương tự, việc tìm kiếm tiền của, thanh danh và các vinh quang khác có thể kích động người ta chiến đấu, phải đương đầu với các thú hoang, hoặc vượt sông một cách táo bạo và liều lĩnh, và đây chỉ là một trong vô số các tình huống khác có thể đem lại cái chết cho họ.
Hơn nữa, hoàn toàn chẳng thể nào tiên đoán được lúc nào là lúc mà bất kỳ nguyên nhân nào trong số các nguyên nhân khác nhau đưa đến cái chết có thể xảy đến. Một số người chết trong bụng mẹ, một số chết khi sinh ra đời, một số trước khi học bò. Một số người chết trẻ; những người khác chết khi già và yếu lụ khụ. Một số chết trước khi có thể dùng được thuốc men hay có được sự trợ giúp. Những người khác có thể lây lất, dán chặt thân mình trên giường bệnh nhiều năm, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt của người đã chết, và khi họ chết, họ chỉ còn da bọc xương. Nhiều người chết bất đắc kỳ tử hoặc do tai nạn, chết trong khi ăn, khi nói chuyện hay làm việc. Thậm chí một số người còn tự tử.
Bị nhiều nguyên nhân của cái chết vây khốn nên giống như một ngọn lửa của cây nến trong gió, cuộc đời bạn thật khó có cơ hội kéo dài. Không có gì bảo đảm rằng cái chết sẽ không bất thần tấn công ngay bây giờ, và ngày mai bạn sẽ không bị tái sinh làm một con thú với cặp sừng trên đầu và răng nanh trong miệng. Bạn nên hoàn toàn tin chắc rằng sẽ không thể tiên đoán khi nào bạn chết và thật không tài nào biết được bạn sẽ sinh ra ở đâu trong đời sau.
VII. SỰ TỈNH GIÁC MÃNH LIỆT VỀ LẼ VÔ THƯỜNG
Hãy nhất tâm thiền định về cái chết, trong mọi lúc và mọi tình huống. Khi đứng lên, khi ngồi hoặc nằm xuống, hãy tự nhủ: “Đây là hành động cuối cùng của tôi trong thế giới này,” và hãy thiền định về điều đó với lòng xác tín mãnh liệt nhất. Trên đường đi tới bất kỳ nơi đâu, hãy tự nói: “Có thể tôi sẽ chết ở đây. Không có gì chắc chắn là tôi sẽ trở về.” Khi bạn sắp đặt một cuộc hành trình và tạm dừng chân để nghỉ ngơi, hãy tự hỏi: “Tôi sẽ chết ở đây chăng?” Bất kỳ bạn ở đâu, bạn nên tự hỏi phải chăng bạn sẽ chết tại nơi đây. Ban đêm, khi nằm xuống, hãy tự hỏi liệu bạn có thể chết trong giường đêm nay hay có thể quả quyết được rằng sáng mai bạn sẽ thức dậy hay không. Khi nhỏm dậy, hãy tự hỏi liệu bạn có thể chết vào lúc nào đó trong ngày, hoặc quán chiếu rằng chẳng có gì chắc chắn là bạn sẽ còn sống để đi ngủ vào buổi tối.
Hãy chỉ thiền định về cái chết một cách nhiệt thành và tận đáy lòng bạn. Hãy thực hành giống như các Geshe phái Kadampa ngày xưa, các Ngài đã luôn luôn nghĩ tưởng về cái chết trong từng giây phút. Ban đêm, các Ngài lật úp cái tô của mình xuống và quán chiếu rằng biết đâu ngày mai có thể không cần đốt lửa, các ngài đã không bao giờ vùi than hồng vào ban đêm.
Tuy nhiên, chỉ thiền định về cái chết thôi thì sẽ không đủ. Pháp chính là điều ích lợi duy nhất vào lúc chết, vì thế bạn cũng cần tự khuyến khích mình phải nên thực hành Giáo Pháp trong một cách chân thực, không bao giờ để cho mình lẻn trốn vào sự quên lãng hay mất cảnh giác, và phải luôn luôn ghi nhớ rằng các hoạt động của sinh tử thì thoáng qua và không có chút ý nghĩa nào. Tự bản chất, sự nối kết của thân và tâm này thì vô thường, vì thế đừng trông cậy vào sự nối kết ấy như là cái gì của riêng bạn; đây chỉ hoàn toàn là một sự vay mượn.
Mọi con đường và lối đi đều vô thường, vì thế dù bạn đang đi đâu, hãy hướng bước chân bạn về Pháp. Như có nói trong Bát Nhã Tập Kệ:
Nếu bạn vừa đi vừa nhìn phía trước với một khoảng cách
bằng bề dài một cái ách trong chánh niệm,
tâm bạn sẽ không bị mê mờ.
Bất kỳ bạn ở đâu, mọi nơi chốn đều vô thường, vì thế hãy giữ các cõi Phật thanh tịnh trong tâm. Đồ ăn, thức uống và bất kỳ điều gì bạn vui hưởng đều vô thường, vì thế hãy nuôi sống bạn bằng công phu thiền định sâu xa. Giấc ngủ thì vô thường, vì thế khi bạn ngủ, hãy tịnh hóa các lọc lừa của giấc ngủ thành tịnh quang.44 Tài sản, nếu bạn có, thì cũng vô thường, vì thế hãy tinh tấn để sở hữu bảy món tài sản cao quý. Những người thân yêu, bạn hữu và gia đình thì vô thường, vì thế ở một nơi cô tịch hãy khơi dậy lòng khát khao muốn giải thoát. Địa vị cao và danh tiếng thì vô thường, vì thế luôn luôn giữ một vị trí thấp. Ngôn ngữ thì vô thường, vì thế hãy tự phấn chấn để trì tụng các thần chú và những bài cầu nguyện. Lòng tín tâm và ước muốn giải thoát cũng vô thường, vì thế hãy nỗ lực giúp cho những thệ nguyện của bạn trở nên vô ngại, không gì lay chuyển được. Những ý niệm và tư tưởng thì vô thường, vì thế hãy tiếp tục phát triển một bản tánh tốt đẹp. Các kinh nghiệm tu tập và chứng ngộ thiền định thì vô thường, vì thế hãy tiếp tục tinh tấn cho đến khi bạn đạt tới chỗ mà mọi sự đều tan lẫn vào trong bản tánh của thực tại. Khi ấy, mối nối kết giữa cái chết và sự tái sinh45 biến mất và bạn đạt được sự xác tín rằng bạn hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng đối với cái chết. Bạn đã đoạt được thành trì bất tử; bạn giống như con chim đại bàng tự tại bay vút lên tột đỉnh của những cõi trời. Sau đó, không còn cần đến bất kỳ pháp thiền định buồn thảm nào về cái chết đang tới gần của bạn.
Như Ngài Jetsun Mila đã hát:
Sợ hãi tử thần, ta bỏ vào núi cao
Ngày đêm thiền định liên tục về cái chết xảy đến không thể đoán trước
Và xây thành lũy của bản tánh bất tử bất biến.
Giờ đây ta không còn sợ hãi và đã vượt qua mọi kinh sợ về cái chết!
Và Đức Dagpo Rinpoche vô song cũng nói:
Lúc đầu, bạn phải để cho nỗi sợ hãi sinh tử rượt đuổi như một con hươu đực trốn thoát cái bẫy. Vào lúc giữa, bạn cần làm sao để không còn gì phải hối tiếc cho dù bạn phải chết, như một chủ trại đã thận trọng canh tác những cánh đồng của mình. Vào lúc cuối, bạn nên thấy an ổn và sung sướng, như một người vừa hoàn tất một công việc khủng khiếp.
Lúc đầu, bạn phải biết rằng không có thời giờ để phí phạm, giống như người bị một vết thương chí mạng vì trúng tên độc. Vào lúc giữa, bạn phải thiền định về cái chết mà không nghĩ tưởng về điều gì khác, giống như người mẹ mất đứa con duy nhất vừa qua đời. Vào lúc cuối, bạn phải hiểu rằng không còn gì để làm, giống như một người chăn cừu mà đàn thú của anh ta đã bị kẻ thù lùa đi mất.
Hãy nhất tâm thiền định về cái chết và sự vô thường cho tới khi bạn đạt tới cấp độ đó!
Đức Phật đã nói:
Thiền định bền bỉ về vô thường là cúng dường tất cả chư Phật.
Thiền định bền bỉ về vô thường
là được tất cả chư Phật cứu thoát khỏi đau khổ.
Thiền định bền bỉ về vô thường là được tất cả chư Phật dẫn dắt.
Thiền định bền bỉ về vô thường là được tất cả chư Phật gia hộ.
Trong tất cả các dấu chân, dấu chân voi thì to lớn nhất; cũng vậy, trong các chủ đề thiền định đối với một Phật tử,
không gì so sánh được với suy niệm về lẽ vô thường.
Và Đức Phật đã nói trong Luật Tạng (Vinaya):
Nhớ tưởng trong giây lát về lẽ vô thường của mọi sự duyên hợp thì còn vĩ đại hơn việc hiến tặng thực phẩm và vật cúng dường cho các đệ tử của ta là những bình chứa toàn hảo, như các tỳ khưu Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
Một đệ tử cư sĩ hỏi Geshe Potowa rằng nếu phải chọn một pháp duy nhất để thực hành thì pháp nào là quan trọng nhất. Vị Geshe đã trả lời:
Nếu con muốn sử dụng một pháp môn hành trì duy nhất, thì thiền định về vô thường là thiền định quan trọng nhất.
Lúc đầu, thiền định về cái chết và vô thường khiến con nắm giữ lấy Pháp; vào lúc giữa, thiền định về cái chết và vô thường dẫn đến việc thực hành tích cực; vào lúc cuối, thiền định về cái chết và vô thường giúp con chứng ngộ tánh nhất như của mọi hiện tượng.
Lúc đầu, thiền định về vô thường khiến con cắt đứt những ràng buộc với mọi việc của đời này; vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn đến việc từ bỏ mọi bám luyến vào sinh tử; vào lúc cuối, thiền định về vô thường giúp con bước lên con đường đi tới Niết bàn.
Lúc đầu, thiền định về vô thường khiến con phát triển tín tâm, vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn đến sự tinh tấn trong thực hành; vào lúc cuối, thiền định về vô thường giúp con phát sinh trí huệ.
Lúc đầu, cho tới khi con hoàn toàn xác quyết, thiền định về vô thường khiến con tìm cầu Pháp; vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn con đến với thực hành; vào lúc cuối, thiền định về vô thường trợ giúp con đạt được mục đích tối hậu.
Lúc đầu, cho tới khi con hoàn toàn xác quyết, thiền định về vô thường khiến con thực hành với một sự tinh tấn, như chiếc áo giáp che chở con; vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn dắt cho con thực hành với một sự tinh tấn trong hành động; vào lúc cuối, thiền định về vô thường trợ giúp con thực hành với một sự tinh tấn vô bờ.46
Và Ngài Padampa Sangye nói:
Lúc đầu, lòng xác quyết về lẽ vô thường sẽ khiến bạn nắm lấy Pháp; vào lúc giữa, lòng xác quyết về vô thường sẽ thúc giục bạn tinh tấn; và vào lúc cuối, lòng xác quyết về vô thường sẽ đem lại cho bạn Pháp Thân chói lọi.
Trừ phi bạn cảm nhận sự xác quyết chân thành này trong các nguyên lý vô thường, bất kỳ giáo lý nào bạn có thể cho rằng mình đã thọ nhận và đưa vào thực hành sẽ chỉ khiến bạn càng thêm trơ lì47 đối với Pháp. Ngài Padampa Sangye cũng có nói:
Tôi chưa bao giờ thấy một hành giả Tây Tạng duy nhất nào
nghĩ tưởng về sự chết.
Cũng chưa bao giờ thấy ai sống mãi!
Nhìn họ thích thú góp nhặt của cải một khi đã
khoác chiếc y vàng, tôi tự hỏi
Phải chăng họ sắp mua chuộc Thần Chết bằng
thực phẩm và tiền bạc?
Nhìn cách họ tích lũy những vật dụng giá trị nhất, tôi tự hỏi
Phải chăng họ sắp lo đút lót trong địa ngục?
Ha, ha! Nhìn thấy các hành giả Tây Tạng đó khiến tôi phải phì cười!
Người thông thái nhất là kẻ tự phụ nhất,
Những thiền giả xuất sắc nhất chất đống thực phẩm và của cải,
Các ẩn sĩ cô tịch mê mải giữa những theo đuổi tầm thường,
Những kẻ từ bỏ nhà cửa và quê hương không biết xấu hổ.
Những người đó không bị ảnh hưởng bởi Pháp!
Họ miệt mài trong tà hạnh.
Họ có thể thấy người khác chết nhưng không hiểu rằng
bản thân họ cũng sắp chết.
Đó là lỗi lầm đầu tiên của họ.
Như vậy, thiền định về vô thường là khúc dạo mở đầu để khai mở con đường cho tất cả các pháp thực hành của Phật Pháp. Khi được thỉnh cầu ban giáo huấn về cách giải trừ nghịch cảnh, Geshe Potowa đã trả lời bằng những lời sau đây:
Hãy suy tưởng dài lâu về cái chết và sự vô thường. Một khi bạn quyết chắc rằng bạn sắp chết, bạn sẽ không còn thấy khó khăn khi gạt các tà hạnh sang một bên, và cũng không khó khăn để làm những điều đúng đắn.
Sau đó, hãy thiền định lâu dài về lòng từ và bi. Một khi lòng bi tràn ngập trái tim bạn, bạn sẽ không thấy khó khăn để hành động vì lợi lạc của người khác.
Rồi hãy thiền định lâu dài về tánh Không, trạng thái tự nhiên của mọi hiện tượng. Một khi bạn hoàn toàn thấu suốt tánh Không, bạn sẽ không còn thấy khó khăn để loại trừ các mê lầm của bạn.
Một khi chúng ta có được sự xác quyết như thế về lẽ vô thường, thì mọi hoạt động tầm thường của đời này dường như trở nên cực kỳ ghê tởm, như một miếng thịt mỡ khiến người ta bị ói mửa. Đạo Sư tôn kính của tôi thường nói:
Bất kỳ thứ quyền cao chức trọng, của cải hay sắc đẹp nào ta thấy trong thế giới này cũng không khơi dậy được lòng tham muốn trong ta. Đó là bởi khi ta nhìn thấy các bậc cao quý khi xưa đã sống cuộc đời của các Ngài như thế nào, thì ta có được chỉ một chút hiểu biết ít ỏi về lẽ vô thường. Ta không còn giáo huấn nào sâu xa hơn điều này để ban cho con.
Thật ra thì bạn có thể thấm nhuần được ý niệm về lẽ vô thường một cách sâu sắc như thế nào? Bạn nên giống như Geshe Kharak Gomchung, Ngài đi vào những vùng núi non cô tịch ở Jomo Kharak trong tỉnh Tsang để thiền định. Trước hang của Ngài có một bụi gai, nó vướng vào quần áo Ngài.
Lúc đầu Ngài nghĩ: “Có lẽ ta nên chặt nó đi,” nhưng rồi Ngài tự bảo: “Nhưng xét cho cùng, ta có thể chết trong cái hang này. Ta thực sự không nói trước được là liệu mình còn sống sót để trở ra nữa không. Hiển nhiên rằng đối với ta điều ấy còn quan trọng hơn nữa để ta tiến bộ trong việc thực hành.”
Khi trở ra ngoài, Ngài lại bị những chiếc gai móc vào quần áo. Lúc này Ngài nghĩ: “Ta chẳng dám chắc là sẽ còn trở vào hang lại nữa hay không” và sự việc này tiếp diễn như thế trong nhiều năm cho tới khi Ngài là một Đạo sư thành tựu. Khi Ngài rời hang, bụi gai vẫn chưa được cắt.
Vào mùa thu, trong thời gian chòm sao Risi xuất hiện, Ngài Rigdzin Jigme Lingpa luôn luôn ở tại một con suối nóng nào đó. Các sườn vực không có bậc thang khiến Ngài khó xuống tới mặt nước và ngồi trong suối. Các đệ tử của Ngài tỏ ý muốn làm vài bậc thang, nhưng Ngài trả lời: “Tại sao phải quá bận tâm khi chúng ta không biết năm tới có còn ở đây nữa hay không?” Đạo sư của tôi đã kể cho tôi rằng Ngài luôn luôn nói về sự vô thường như thế.
Chúng ta cũng thế, chừng nào mà ta chưa hoàn toàn thâm nhập được một thái độ hiểu biết về lẽ vô thường như thế, thì hãy nên thiền định về lẽ vô thường. Hãy bắt đầu bằng việc phát khởi Bồ Đề tâm, và như thực hành chính, hãy rèn luyện tâm thức bạn bằng tất cả những phương tiện khác nhau cho tới khi sự vô thường thực sự thấm nhập vào từng tư tưởng của bạn. Cuối cùng, hãy kết thúc bằng cách niêm phong thực hành với sự hồi hướng công đức. Khi thực hành theo cách này, hãy nỗ lực với khả năng tốt nhất của bạn để nỗ lực thi đua với các bậc vĩ đại trong quá khứ.
Vô thường thì có mặt khắp nơi, tuy thế con vẫn cho rằng
mọi thứ sẽ tồn tại.
Con đã đi tới cánh cổng của tuổi già,
tuy thế con vẫn giả đò như mình còn son trẻ.
Xin từ bi ban phước cho con và những chúng sinh lạc lối như con,
Để chúng con có thể thực sự thấu hiểu lẽ vô thường.
Jetsun Trakpa Gyaltsen (1147-1216)
Một Đại học giả và Đạo sư tiên phong của phái Sakya (Lam Thổ).
CHƯƠNG BA
NHỮNG KHỔ ĐAU CỦA CÕI LUÂN HỒI
Thấu hiểu rằng những hoạt động thế gian đều vô nghĩa,
Với lòng đại bi, Ngài nỗ lực chỉ vì lợi lạc của chúng sinh.
Không dính mắc vào sinh tử hay Niết bàn,
Ngài hành động phù hợp với con đường Đại Thừa.
Bậc Thầy Vô song, con đảnh lễ dưới chân Ngài!
Hãy lắng nghe chương này với thái độ tương tự như những chương trước. Chương này bao gồm phần quán chiếu tổng quát về những nỗi khổ nói chung trong luân hồi sinh tử (samsara) và những quán chiếu về những nỗi thống khổ đặc biệt của từng cõi trong sáu nẻo luân hồi.
I. NHỮNG NỖI KHỔ CỦA SINH TỬ LUÂN HỒI NÓI CHUNG
Như tôi đã vạch rõ, giờ đây chúng ta có thể có một cuộc đời được phú bẩm với những điều kiện tự do và thuận lợi rất khó tìm được, nhưng cuộc đời đó sẽ không kéo dài. Chẳng bao lâu, chúng ta sẽ phải chịu sức mạnh chi phối của sự vô thường và cái chết. Nếu sau đó chúng ta hoàn toàn biến mất giống như một ngọn lửa đã cháy hết hay nước bốc hơi thì mọi sự sẽ kết thúc. Nhưng sau cái chết ta không hoàn toàn biến mất. Chúng ta bị bắt buộc phải nhận một tái sinh mới – điều đó có nghĩa là ta sẽ vẫn ở trong sinh tử, và không có chỗ nào khác ngoài nơi đó.
Thuật ngữ samsara, tức bánh xe hay vòng quay của sự sống (luân hồi), được dùng ở đây có nghĩa là sự quay tròn từ nơi này sang nơi khác trong một vòng tròn, giống như một bánh xe bằng gốm, hay bánh xe của một cái máy xay nước. Khi một con ruồi bị bẫy trong một cái chai đóng kín thì dù có bay chỗ nào chăng nữa nó cũng không thể thoát ra được. Cũng thế, dù ta được sinh trong những cõi cao hay thấp, ta cũng chẳng bao giờ nằm ngoài vòng luân hồi sinh tử. Phần trên cái chai giống như những cõi cao của các vị trời hay người, và phần dưới giống như ba cõi bất hạnh. Ta được biết rằng samsara giống như một vòng tròn bởi ta cứ xoay vòng mãi, tái sinh hết nơi này đến nơi khác trong sáu cõi bởi hậu quả của những hành vi của chính ta, mà dù tích cực hay tiêu cực, những hành vi này bị ô nhiễm bởi sự bám chấp.
Từ vô thủy, chúng ta từng lang thang trong thế giới luân hồi này mà mỗi một chúng sinh trong đó, không loại trừ ai, đều có những mối liên hệ về sự thương mến, thù địch và dửng dưng đối với mỗi chúng sinh khác. Mỗi người từng là cha và mẹ của mỗi chúng sinh khác. Trong các Kinh điển có nói rằng nếu bạn muốn tính lùi lại những thế hệ các bà mẹ trong gia đình bạn, rồi nói rằng: “Bà ấy là mẹ của mẹ tôi; mẹ của mẹ bà ấy là như vầy và như vầy ..” và cứ tiếp tục tính theo cách thức như vậy, bạn dùng những viên đất nhỏ bằng hột cây bách xù để đếm số bà mẹ đó thì toàn thể đất được dùng sẽ hết sạch trước khi bạn đếm xong số lượng các bà mẹ. Như Ngài Nagarjuna (Long Thọ) nói:
Chúng ta sẽ dùng hết đất khi cố gắng tính đếm những bà mẹ của ta
Bằng những viên đất sét bằng kích thước những hột bách xù.
Không có duy nhất một hình thức đời sống nào mà ta không từng nhận trong vòng luân hồi từ vô thủy cho tới nay. Đã vô số lần những dục vọng của ta khiến đầu và tứ chi ta đứt rời. Nếu chúng ta cố gắng chất đống ở một nơi tất cả những tứ chi ta đã mất khi ta còn làm những con kiến và những côn trùng khác thì đống tứ chi ấy còn cao hơn Núi Tu Di. Những giọt nước mắt chưa từng khô cạn mà ta đã khóc bởi cái lạnh, đói và khát khi ta không có thực phẩm và quần áo, những giọt nước mắt ấy có thể tạo thành một đại dương còn lớn hơn tất cả những đại dương bao quanh trái đất này. Thậm chí tất cả số lượng đồng đỏ mà ta từng nuốt trong các địa ngục còn lớn hơn cả bốn đại dương. Thế nhưng tất cả chúng sinh đều bị trói chặt vào các cõi sinh tử bởi dục vọng và những bám chấp của họ mà chẳng bao giờ có chút hối hận dù chỉ trong chốc lát, họ sẽ còn phải chịu đựng nhiều hơn nữa những đau khổ trong vòng luân hồi vô tận này.
Ngay cả nếu nhờ kết quả may mắn của một vài thiện hạnh, chúng ta có thể được trường thọ, có được thân thể hoàn hảo, của cải và sự vinh quang của vua cõi Trời Đế Thích (Indra) hay Phạm Thiên (Brahma), thì cuối cùng chúng ta vẫn không thể trì hoãn được cái chết; và sau cái chết chúng ta lại phải chịu đựng những đau khổ của các cõi thấp hơn. Trong đời này, những điều kiện thuận lợi nhỏ bé của quyền lực, của cải, sức khoẻ tốt và những thứ khác mà ta vui hưởng có thể lừa phỉnh ta trong một ít năm, ít tháng hay ít ngày. Nhưng một khi kết quả của mọi thiện hạnh nào ta đã tạo được những trạng thái hạnh phúc này bị cạn kiệt, thì dù có muốn hay không, ta sẽ phải trải qua sự bần cùng và khốn khó, hay trải qua những đau khổ không thể chịu đựng nổi trong những cõi thấp.
Có ý nghĩa gì trong loại hạnh phúc đó? Nó như một giấc mộng chỉ ngừng lại giữa chừng khi bạn tỉnh giấc. Như kết quả của một vài thiện hạnh không đáng kể, những ai có vẻ sung sướng và thoải mái vào lúc này cũng sẽ không thể kéo dài được tình trạng thoải mái và sung sướng đó hơn chốc lát một khi kết quả của thiện hạnh đó đã cạn kiệt. Những vị vua trời, ngất ngưởng trên những ngai tòa bằng châu báu trải rộng với những thứ lụa là tuyệt trần, vui hưởng mọi lạc thú của năm giác quan. Nhưng, một khi thọ mạng của họ cạn kiệt thì trong nháy mắt, họ bị đắm chìm trong đau khổ và đâm đầu xuống nền kim khí nóng như thiêu như đốt của địa ngục. Ngay cả những vị trời của mặt trời và mặt trăng,48 là những vị đã chiếu sáng bốn đại lục, cuối cùng cũng có thể bị tái sinh ở một nơi nào đó ngay giữa những đại lục kia, trong bóng tối sâu dày tới nỗi họ không thể thấy tứ chi của chính họ duỗi ra hay gập lại.
Vì thế chớ nên đặt sự kỳ vọng của bạn vào những niềm vui trước mắt của cõi luân hồi. Hãy quyết định rằng, ngay trong đời này, bạn sẽ giải thoát chính mình khỏi biển khổ và đạt được chân lý, hạnh phúc vĩnh cửu của Phật Quả viên mãn. Hãy chuẩn bị tư tưởng này cho việc thực hành của bạn, sử dụng những phương pháp đúng đắn vào lúc bắt đầu, phần chính yếu và lúc kết thúc thực hành.
II. NHỮNG NỖI KHỔ ĐẶC BIỆT MÀ CHÚNG SINH TRONG SÁU CÕI PHẢI KINH NGHIỆM
- Mười tám cõi địa ngục
- 1.1 Tám địa ngục nóng
Tám địa ngục nóng nằm chồng chất lên nhau giống như các tầng của một tòa nhà, từ Địa Ngục Chết Đi Sống Lại trên đỉnh nằm cao nhất xuống tới Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ ở dưới cùng. Trong mỗi tầng địa ngục, mặt nền và vành đai đều nóng bỏng như sắt nung chảy ở lò rèn – hoàn toàn không có chỗ nào bạn có thể đặt chân an toàn. Mọi sự chìm trong sự thiêu đốt hừng hực của ngọn lửa bùng cháy dữ dội.
- 1.1.1 Địa Ngục Chết Đi Sống Lại
Ở tầng địa ngục này, giữa những than hồng bao phủ mặt nền kim khí nóng chảy, vô số chúng sinh như những bông tuyết trong một trận bão tuyết do nghiệp cảm của họ mà gom tụ lại do năng lực các hành vi của họ. Vì những hành vi đưa dẫn họ tới địa ngục này bị thúc đẩy bởi sự thù ghét, nên hậu quả tương tự như nguyên nhân đã đưa họ đến đó, khiến họ nhìn nhau như những kẻ tử thù, và xông vào đánh nhau dữ dội. Vung lên những vũ khí kỳ lạ – một kho vũ khí ma quái tạo ra bởi nghiệp lực của họ – họ đánh nhau cho tới khi mọi người đều bị giết chết. Vào lúc đó, một giọng nói từ trên cao bỗng cất lên: “Hãy sống lại!” và lập tức họ trở lại cuộc đời và lại bắt đầu đánh nhau y hệt như trước. Và họ bị hành hạ như vậy, liên tục chết đi rồi sống lại.
Họ sống ở đó bao lâu? Năm mươi năm trong đời người tương đương với một ngày trong Cung Trời của Tứ Thiên Vương. Ba mươi ngày ở đó thành một tháng, và mười hai tháng làm thành một năm; năm trăm năm như thế tương đương một ngày trong Địa Ngục Chết Đi Sống Lại. Trong địa ngục này, mỗi tháng có ba mươi ngày, mười hai tháng làm thành một năm. Họ chịu đau khổ ở đó trong năm trăm năm như thế.
1.1.2 Địa Ngục Đường Vạch Đen
Ở đây những thuộc hạ của Thần Chết (Yama) đặt các tội nhân trên nền kim khí nóng chảy như những khúc củi cháy dở và gạch lên thân họ những đường vạch đen – bốn, tám, mười sáu, ba mươi hai và v.v.. – mà các thuộc hạ của Yama dùng làm những đường mẫu để xẻ cắt các nạn nhân bằng những chiếc cưa nóng đỏ. Vừa bị cắt thành từng mảnh xong là họ lập tức trở lại nguyên vẹn, chỉ để bị chặt ra thành từng phần và bị băm đi băm lại.
Đối với tuổi thọ của họ ở đó, một trăm năm làm người tương ứng với một ngày của các vị trời trong Cõi Trời thứ Ba mươi ba (cõi trời Đao Lợi), và một ngàn năm trong Cõi Trời thứ Ba mươi ba tương đương với một ngày trong địa ngục này. Dựa theo phỏng ước đó thì các chúng sinh này sống ở địa ngục này một ngàn năm.
1.1.3 Địa Ngục Vây Bắt Và Nghiền nát
Trong địa ngục này, hàng triệu chúng sinh bị ném vào những cối giã khổng lồ bằng sắt có kích thước bằng toàn thể các thung lũng. Những thuộc hạ của Thần Chết (Yama) xoay tít những chiếc búa khổng lồ bằng kim loại nóng đỏ lớn như Núi Tu Di quanh đầu họ, và giã nát các nạn nhân ra. Những chúng sinh này bị nghiền nát cho tới chết, họ kêu khóc trong nỗi thống khổ và kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi. Khi những chiếc búa được nhấc lên, thì họ lại sống lại, chỉ để phải tiếp tục chịu đựng liên tục những cực hình như vậy.
Đôi khi, núi non ở cả hai bờ thung lũng biến thành đầu hươu, nai, dê, cừu và những thú vật khác mà những chúng sinh trong địa ngục từng giết hại trong những đời quá khứ của họ. Những con vật húc đầu vào nhau bằng những đầu sừng phun lửa của chúng, và vô số chúng sinh trong địa ngục bị lôi kéo tới đó bởi nghiệp lực của mình, tất cả đều bị nghiến nát cho tới chết. Rồi, thêm một lần nữa, khi những rặng núi tách ra, họ lại sống lại chỉ để bị nghiền nát một lần nữa.
Hai trăm năm làm người tương đương với một ngày của những vị trời trong Cung Trời Vô Chiến. Hai ngàn năm trong cõi đó tương đương với một ngày trong Địa Ngục Vây Bắt Và Nghiền Nát, và chúng sinh trong địa ngục này sống hai ngàn năm.
- 1.1.4 Địa Ngục Gào Khóc
Ở đây, chúng sinh đau khổ vì bị quay nướng trong những tòa nhà bằng kim loại nóng đỏ không có lối thoát. Họ gào khóc và la thét, có cảm tưởng sẽ không bao giờ thoát ra được.
Bốn trăm năm làm người tương đương một ngày trong Cung Trời Đâu Suất. Bốn ngàn năm trong cõi trời đó tương đương với một ngày trong Địa Ngục Gào Khóc, ở đó đời sống tiếp tục trong bốn ngàn năm.
- 1.1.5 Địa ngục Gào Khóc Vĩ Đại
Một đám đông thuộc hạ của Thần Chết, trang bị vũ khí và trông thật kinh khiếp, xô đẩy hàng triệu nạn nhân vào những nhà kho bằng kim khí với những bức tường đôi đang cháy hừng hực, đánh họ bằng búa và những vũ khí khác. Những cánh cửa bên trong lẫn bên ngoài đều bị niêm phong bằng kim loại nóng chảy và chúng sinh địa ngục kêu rú trong đau đớn khi nghĩ rằng, cho dù họ có thể vượt qua cánh cửa đầu tiên, họ cũng sẽ không bao giờ có thể đi qua cánh cửa thứ hai.
Tám trăm năm làm người tương ứng với một ngày trong Cung Trời Hóa Lạc. Tám ngàn năm ở đó tương đương với một ngày trong Địa Ngục Gào Khóc Vĩ Đại. Chúng sinh ở địa ngục này có thọ mạng tám ngàn năm.
- 1.1.6 Địa Ngục Thiêu Cháy
Ở đây, vô số chúng sinh đau khổ vì bị nấu sôi trong những vạc sắt khổng lồ có kích thước bằng toàn thể vũ trụ gồm một tỉ thế giới (tam thiên đại thiên thế giới), ở đó họ bị nấu sôi trong chất đồng nóng chảy. Dù nổi lên ở chỗ nào, họ cũng bị những thuộc hạ của Thần Chết chộp lấy bằng những móc kim khí và bị đánh vào đầu bằng búa, đôi khi cho đến bất tỉnh; ý niệm về hạnh phúc của họ là những giây lát bất tỉnh hiếm hoi này khi họ không còn cảm thấy đau đớn nữa. Ngoại trừ những giây phút này, họ luôn phải chịu đựng những đau khổ cùng cực.
Một ngàn sáu trăm năm làm người tương đương một ngày sống giữa những vị trời trong Cung Trời Tha Hóa. Mười sáu ngàn năm của những vị trời này tương đương một ngày trong Địa ngục Thiêu Cháy. Chúng sinh ở địa ngục này có thọ mạng mười sáu ngàn năm như thế.
- 1.1.7 Địa ngục Thiêu cháy dữ dội
Chúng sinh trong địa ngục này bị giam cầm trong những ngôi nhà bằng kim khí nóng rực, và những thuộc hạ của Thần Chết dùng các chĩa ba sắt nóng đỏ đâm họ qua gót chân và qua hậu môn cho tới khi các nạnh chĩa được đẩy sâu vào tận vai và đỉnh đầu. Cùng lúc đó thân họ bị trói bọc trong những miếng kim loại nóng đỏ. Họ phải chịu đau đớn biết bao! Những đau đớn này kéo dài liên tục trong nửa trung kiếp, là một thời gian vô tận nếu tính theo năm tháng của con người.
- 1.1.8 Địa ngục Đau khổ tột độ
Đây là một dinh thự rộng mênh mông bằng kim loại nóng hực, vây quanh nó là mười sáu Địa Ngục Lân Cận. Trong đó các thuộc hạ của Thần Chết ném vô số chúng sinh vào giữa một ngọn núi gồm những miếng sắt nóng đỏ, rực như than hồng. Bằng những ống thổi làm bằng da cọp và beo, họ làm cho lửa cháy bùng lên cho tới khi thân thể các nạn nhân và ngọn lửa trở nên không còn phân biệt được nữa. Nỗi khổ của các nạn nhân là vô cùng tận. Ngoài những tiếng kêu khóc tuyệt vọng thì không còn dấu hiệu nào về sự hiện diện của những thân xác thực sự nữa. Các chúng sinh không ngớt mong mỏi được trốn thoát, nhưng điều ấy không xảy ra. Thỉnh thoảng có một lỗ hổng nhỏ trong ngọn lửa và họ nghĩ rằng mình có thể thoát ra, nhưng các thuộc hạ lại đánh họ bằng dùi cui, giáo, búa và những vũ khí khác. Họ cũng phải chịu mọi đau đớn hành hạ của bảy tầng địa ngục ở trên, chẳng hạn như bị đổ chất đồng nóng chảy vào miệng.
Thọ mạng ở đây dài cả một trung kiếp. Nó được gọi là Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ (Địa Ngục Vô Gián), bởi vì không đâu có thể có nỗi khổ khủng khiếp như vậy. Địa ngục này là nơi tái sinh của những kẻ phạm năm trọng tội bị quả báo tức thì và những hành giả Kim Cương Thừa nào phát khởi những quan điểm đối nghịch lại vị Thầy Kim Cương cũng bị tái sinh vào đó. Ngoài ra không có hành vi nào khác có đủ năng lực để gây nên sự tái sinh ở địa ngục này.
- 1.1.9 Những địa ngục lân cận
Ở bốn hướng chung quanh Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ, đều bao phủ hào sâu đầy than hồng cháy bỏng, đầm lầy đầy những tử thi thối rữa, cánh đồng vũ khí tua tủa và rừng cây có lá sắc như lưỡi dao cạo. Trong mỗi phương bắc, nam, đông và tây đều có các địa ngục này, tất cả hợp lại thành mười sáu địa ngục. Trong mỗi phương trung gian – đông nam, tây nam, tây bắc và đông bắc – là một đồi cây salmali bằng sắt.
Hố than hồng nóng đỏ. Khi chúng sinh đã trả xong hầu hết các nghiệp tội ở Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ và thoát khỏi địa ngục này, họ sẽ thấy ở đằng xa một cái gì giống như một cái mương rợp mát. Thế là họ vui mừng lao xuống đó, chỉ để thấy mình chìm xuống một hố than nóng đỏ thiêu đốt thịt xương họ.
Đầm lầy chứa tử thi thối rữa. Tiếp theo đó họ sẽ thấy một con sông. Sau khi bị quay nướng trong một lò than suốt cả một đại kiếp, họ khát tới nỗi chỉ nhìn thấy nước là họ đã tràn ngập sung sướng và họ vội vã lao tới đó để làm dịu cơn khát. Nhưng dĩ nhiên là không có nước. Không có gì ngoài những tử thi – những xác người, xác ngựa, xác chó – tất cả đang thối rữa và lúc nhúc giòi bọ khi chúng phân hủy, bốc ra những mùi hôi thối khủng khiếp. Họ lún sâu vào bãi lầy này cho tới khi đầu họ bị chìm nghỉm, trong khi những con sâu với những cái mỏ sắt cấu xé, ngấu nghiến họ.
Cánh đồng dao cạo. Khi thoát khỏi đầm lầy tử thi, họ sung sướng khi nhìn thấy một cánh đồng xanh tươi. Nhưng khi tới đó họ nhận ra rằng nó lởm chởm đầy những vũ khí. Toàn thể mặt đất bị bao phủ bởi những lưỡi dao sắt nóng đỏ mọc lên nhiều như cỏ, chúng đâm xuyên thủng chân họ mỗi khi họ bước đi. Khi họ nhấc chân lên thì bàn chân lại lành lặn – chỉ để lại bị đâm nát thật đau đớn ngay khi họ đặt chân xuống.
Rừng gươm. Được tự do một lần nữa, họ sung sướng khi được nhìn thấy một cánh rừng đẹp đẽ và vội vã tới đó. Nhưng khi tới nơi thì chẳng có cánh rừng xinh đẹp nào cả. Nó hóa thành một bụi cây mà trên những cành cây bằng kim loại mọc đầy gươm đao thay cho những chiếc lá. Khi cây lay động trong gió, những lưỡi gươm cắt thân họ thành từng miếng nhỏ. Thân họ sau đó trở lại như cũ và lại liên tục bị băm nhỏ như vậy.
Đồi cây salmali bằng sắt. Đây là nơi tái sinh của những vị tăng, ni phóng túng vi phạm giới nguyện giữ thân trong sạch và những người đắm mình trong sự tà dâm. Hậu quả của những hành vi như thế đã khiến họ phải đến chân đồi cây salmali bằng sắt khủng khiếp. Họ có thể thấy trên đỉnh đồi những người tình cũ đang kêu gọi họ. Khi họ hăm hở leo lên để gặp những người ấy thì tất cả những lá cây sắt chĩa xuống và đâm thủng da thịt họ. Khi lên tới đỉnh, họ chỉ nhìn thấy những con quạ, kên kên, và những con cùng loại, chúng móc mắt họ để hút lấy mỡ. Lúc nay họ lại thấy những người bạn tình đang gọi họ từ dưới đồi. Họ leo xuống và những lá cây lại quay ngược lên liên tục đâm vào ngực họ. Khi xuống tới mặt đất, những người đàn ông và đàn bà bằng sắt hình thù gớm ghiếc ôm chầm lấy họ, cắn đứt đầu họ và nhai cho tới khi óc chảy ròng ròng ở khóe miệng. Đó là những đau khổ phải trải qua ở địa ngục này là như vậy.
Hãy thấm nhuần mọi chi tiết của những đau khổ của tám địa ngục nóng, mười sáu địa ngục lân cận, những địa ngục phụ và những đồi cây salmali bằng sắt. Hãy lui về một nơi yên tĩnh, nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng bạn đang thực sự sống trong những cõi địa ngục này. Khi bạn cảm nhận nỗi kinh hoàng và đau khổ nhiều tới độ như thể bạn thực sự sống ở đó, thì hãy khởi lên trong tâm những tư tưởng sau:
“Mặc dù tôi không thực sự ở đó nhưng tôi cảm nhận được nỗi khiếp sợ và đau khổ khủng khiếp như thế khi tôi vừa hình dung những nỗi thống khổ đó. Ngay giờ đây, có vô số chúng sinh đang sống trong những địa ngục này, và tất cả họ đã từng là cha mẹ của tôi trong những đời quá khứ. Chẳng biết cha mẹ, những người thân yêu và bằng hữu của tôi có bị tái sinh vào đó sau khi chết hay không. Việc tái sinh vào những cõi này chủ yếu là do những hành vi phát xuất từ sự thù ghét, và bản thân tôi cũng đã từng tích lũy vô số hành vi như vậy trong đời này cũng như trong tất cả những đời quá khứ của tôi. Tôi biết chắc rằng sớm muộn gì thì chính tôi cũng sẽ phải tái sinh vào những cõi địa ngục đó.
“Vào lúc này, tôi có được một thân người với đầy đủ mọi điều kiện tự do và thuận lợi. Tôi đã gặp được một vị Thầy tâm linh chân chính và nhận được những lời chỉ dạy thâm sâu để có thể đạt được Phật quả. Do vậy, tôi phải thực hành tốt nhất những phương pháp sẽ cứu tôi không còn bị tái sinh một lần nữa trong những cõi thấp đó.”
Hãy quán chiếu nhiều lần như thế về nỗi khổ trong các địa ngục. Hãy sám hối những hành động bất thiện trong quá khứ của bạn với sự ân hận mãnh liệt và hãy lập một quyết tâm bất thối chuyển rằng, cho dù phải bỏ thân mạng này, bạn sẽ không bao giờ còn vi phạm những hành vi dẫn đến việc tái sinh trong các cõi địa ngục. Với lòng bi mẫn bao la đối với những chúng sinh hiện đang ở đó, hãy cầu nguyện rằng ngay giây phút này tất cả họ có thể được giải thoát khỏi những cõi thấp. Hãy đưa giáo lý vào thực hành, hoàn tất những phương pháp cho sự khởi đầu, phần chính và phần kết thúc.
1.2 Tám địa ngục lạnh
Trong tất cả những địa ngục này, toàn thể khung cảnh được tạo bằng núi tuyết và băng hà, thường xuyên bị bao phủ trong những trận bão tuyết.
Những chúng sinh ở đây, hoàn toàn phải chịu trần truồng, và bị sự giá lạnh hành hạ. Trong Địa Ngục Phồng Rộp, cái lạnh buốt giá làm cho thân họ phồng rộp lên. Trong Địa Ngục Phồng Rộp Nứt Nẻ, những mảng phồng rộp trên thân họ bị nứt bật ra. Trong Địa Ngục Nghiến Răng, chúng sinh không thể chịu nổi cái lạnh buốt nhức đến mức không thể chịu nổi và hàm răng họ nghiến chặt lại. Trong Địa Ngục Than Khóc, tiếng than khóc của họ chẳng bao giờ dứt. Trong Địa Ngục Rên Rỉ, giọng họ bị vỡ ra và chỉ có những tiếng rên dài thoát ra từ đôi môi. Trong Địa Ngục Nứt Nẻ Như Hoa Ưu Bát La, da của họ trở nên xám xanh và thân họ nứt ra thành bốn mảnh như cánh hoa Ưu bát la. Trong Địa Ngục Nứt Nẻ Như Hoa Sen, có thể nhìn thấy màu thịt đỏ dưới da họ, và sự giá lạnh làm thân họ phải bị nứt thành tám mảnh như hoa sen. Cuối cùng, trong Địa Ngục Nứt Nẻ Như Hoa Sen Lớn, máu thịt của họ trở nên đỏ sậm và nứt ra thành mười sáu, ba mươi hai mảnh và sau đó thành vô số mảnh. Những con sâu bọ đục thủng những mảng thịt vỡ nứt và ngấu nghiến chúng bằng những cái mỏ kim khí. Tên của tám địa ngục này bắt nguồn từ những đau khổ khác nhau mà chúng sinh phải chịu đựng ở đó.
Về thọ mạng trong những địa ngục lạnh này, hãy hình dung một cái thùng có thể chứa được hai trăm thước bộ Câu Tát La (Kosala), đựng đầy hột mè. Đời sống trong Địa ngục Phồng Rộp kéo dài cho đến khi cái thùng rỗng đó bị trống rỗng bằng cách cứ một trăm năm lại lấy ra một hột mè duy nhất.
Đối với những địa ngục lạnh khác, thọ mạng và các nỗi khổ mỗi thứ tăng gấp hai mươi lần. Do đó đời sống trong Địa Ngục Phồng Rộp Nứt Nẻ dài gấp hai mươi lần đời sống trong Địa Ngục Phồng Rộp; thọ mạng trong Địa Ngục Nghiến Răng thì dài gấp hai mươi lần đời sống trong Địa ngục Phồng Rộp Nứt Nẻ và tương tự như vậy đối với các địa ngục khác.
Bằng tâm thức, hãy nhận vào mình những nỗi khổ này và hãy thiền định về những nỗi thống khổ này theo cách thức thiền định đối với tám địa ngục nóng. Hãy nghĩ tưởng rằng sẽ lạnh lẽo khủng khiếp biết bao khi bạn phải đứng trần truồng dù chỉ trong chốc lát giữa cơn gió bão mùa đông lạnh giá trong thế giới con người hiện tại. Làm sao bạn có thể chịu đựng được nếu bị tái sinh vào tám địa ngục lạnh? Hãy sám hối những lỗi lầm của bạn và cam kết không bao giờ tái phạm chúng. Sau đó hãy phát triển lòng bi mẫn đối với chúng sinh đang thật sự sống trong những thế giới đó. Hãy thực hành như trước, áp dụng các phương pháp thực hành vào lúc khởi đầu, trong phần thực hành chính, và phần kết thúc.
1.3 Các địa ngục phù du
Những Địa Ngục Phù Du hiện hữu ở nhiều tầng khác nhau và những nỗi khổ được kinh nghiệm ở mỗi nơi cũng biến đổi rất nhiều. Chúng sinh có thể bị nghiền nát giữa các tảng đá, hoặc bị giam cầm trong một hòn đá, bị cóng lạnh trong băng tuyết, bị nấu chín trong nước sôi hay bị thiêu đốt trong lửa đỏ. Khi có người đang đốn cây thì một số người có cảm tưởng mình là cái cây mà những cành lớn bị chặt đứt. Một số chúng sinh đau khổ bởi đồng hóa thân thể họ với những dụng cụ bị liên tục đem sử dụng như: cối giã, cây chổi, xoong chảo, cánh cửa, kèo cột, đinh đầu lớn và dây thừng..
Những ví dụ trong các câu chuyện về những địa ngục này là các tường thuật về con cá mà Ngài Lingje Repa nhìn thấy trong Hồ Yamdrok và con ếch mà thành tựu giả Tangtong Gyalpo tìm thấy bên trong một hòn đá.
Yutso Ngonmo, Hồ Lam Ngọc xuất hiện trong lúc Dakini Yeshe Tsogyal đang thiền định ở Yamdrok, khi một miếng vàng ròng do một người tu theo đạo Bonpo ném xuống đã biến thành hồ nước. Nó là một trong bốn cái hồ nổi tiếng ở Tây Tạng, và dài đến nỗi từ đầu hồ tại Lung Kangchen tới cuối hồ ở Zemaguru phải đi bộ mất vài ngày. Một ngày nọ, khi đại thành tựu giả Lingje Repa đang quan sát cái hồ này thì Ngài bắt đầu bật khóc và than rằng: “Con vật đáng thương! Chớ lạm dụng những vật cúng dường! Chớ lạm dụng những vật cúng dường!”49
Khi những người ở cùng với Ngài xin Ngài giải thích, Ngài nói: “Tâm thức của một Lạt ma lạm dụng của cúng dường đã bị tái sinh trong một Địa Ngục Phù Du trong cái hồ này, và đang phải hứng chịu cực kỳ đau khổ.”
Những người này muốn được nhìn thấy, vì thế vị thành tựu giả làm nước hồ khô cạn một cách kỳ diệu trong chốc lát, phơi bày một con cá khổng lồ, nó lớn tới nỗi chiếm trọn bề rộng và bề dài của cái hồ. Nó đang quằn quại trong đau đớn vì toàn thân bị những sinh vật nhỏ phủ kín và ăn sống. Những thị giả của Ngài Lingje Repa hỏi Ngài người có nghiệp xấu như thế là ai, và Ngài trả lời đó là Tsangla Tanakchen, một Lạt ma của phái Ngựa Đen ở tỉnh Tsang. Ông là một Lạt ma mà lời nói có năng lực và sự gia hộ thật mạnh mẽ.50 Chỉ một cái liếc mắt của ông là đủ để chữa lành cho một người nào đó bị những tinh linh quấy nhiễu. Vì lý do này ông rất được kính trọng ở bốn tỉnh của U và Tsang. Nhưng khi ông thực hiện pháp chuyển di tâm thức trong những tang lễ, mỗi lần phát ra tiếng “P’et” là ông đòi phải được trả công bằng một số lượng lớn gồm ngựa và trâu bò của người chết.
Một ngày nọ, khi Thành tựu giả Tangtong Gyalpo đang thực hành những bài pháp du già (yoga) về kinh mạch và khí lực trên một tảng đá lớn làm tảng đá bể ra làm hai. Bên trong đó là một con cóc lớn. Vô số sinh vật bé nhỏ đang bám vào và ăn sống nó, làm nó mở hoác cái miệng đen của nó rồi ngậm lại và đau đớn ghê gớm. Khi những người đồng hành hỏi Ngài tại sao lại xảy ra điều này, Tangtong Gyalpo giải thích rằng người bị tái sinh trong hình tướng đó là một thầy tu đã dùng những con vật để cúng tế.
Hãy nhìn những Lạt ma ngày nay! Mỗi lần một tín chủ giết một con cừu béo tốt và bày ra thịt cỗ, những trái cật và những bộ phận khác cùng với thịt và máu, chất đống nó cùng những miếng thịt sườn trâu yak còn run rẩy, những Lạt ma của chúng ta kéo áo choàng ra khỏi đầu và mút bộ lòng như trẻ em bú mẹ. Sau đó, họ dùng dao lạng miếng thịt và ung dung nhai nuốt chúng một cách ngon lành. Khi ăn xong, cái đầu của họ mới ngẩng lên, nóng hổi và bốc hơi. Miệng họ loáng mỡ và râu họ có màu đỏ nhạt. Nhưng họ sẽ gặp hậu quả nặng nề trong đời sau, ở một trong những Địa Ngục Phù Du, khi họ phải trả lại bằng chính thân thể của họ tất cả những gì họ đã ăn quá nhiều lần trong đời này.
Có lần, Ngài Palden Chokyong, Tu viện trưởng Tối cao xứ Ngor, có mặt ở Derge. Ngài bố trí nhiều tu sĩ dọc theo bờ Sông Ngulda, ra lệnh cho họ không được để bất kỳ thứ gì trôi qua. Tới chiều, họ thấy một thân cây lớn trôi trên mặt nước nên lôi vào bờ và đem lại cho vị Tu viện trưởng, nói rằng ngoài khúc cây này họ không thấy vật gì khác.
“Chắc hẳn là nó,” Ngài nói. “Hãy chẻ nó ra.”
Ở bên trong thân cây họ thấy một con cóc lớn đang bị vô số côn trùng ăn sống. Sau khi thực hiện một nghi lễ tịnh hóa, vị Tu viện trưởng nói rằng con cóc từng là một thủ quỹ tên là Pogye ở vùng Derge. Ngày nay những người có vẻ có mọi quyền lực, nhưng tất cả những người lãnh đạo đó và những kẻ quyền cao chức trọng thâm lạm của công nên suy nghĩ về những Địa Ngục Phù Du và phải vô cùng cẩn trọng.
Vào thời Đức Phật, có một người đồ tể của làng lập một lời nguyện không giết súc vật vào ban đêm. Ông ta bị tái sinh vào một Địa Ngục Phù Du. Vào ban đêm ông ta được trải qua sự hỉ lạc vô hạn. Ông sống trong một lâu đài tuyệt đẹp với bốn phụ nữ quyến rũ và họ ra sức phục vụ các đồ ăn thức uống và những thú vui khác cho ông. Tuy nhiên, vào ban ngày những bức tường của tòa nhà biến thành kim khí nóng đỏ và bốn phụ nữ biến thành bốn con chó nâu thật khủng khiếp ngấu nghiến ăn thịt ông ta.
Ngày xưa, Ngài Srona thấy một người đàn ông ngoại tình thề giữ giới không tà dâm vào ban ngày. Ngược với người đồ tể, ông ta chỉ bị đau khổ vào ban đêm.
Trước đây có một tu viện rất an vui có khoảng năm trăm tu sĩ. Khi chuông đổ vào giữa trưa những nhà sư tập họp để dùng bữa, vào bữa trưa tu viện biến thành một căn nhà bằng kim khí cháy nóng. Những bình bát, ly tách và v.v.. biến thành các vũ khí và những vị tu sĩ đánh đập nhau. Khi hết giờ ăn trưa, họ tách ra và lại trở về vị trí cũ. Vào thời Đức Phật Ca Diếp, nhiều vị tăng đã tranh cãi vào giờ ăn trưa, và đây là hậu quả hoàn toàn chín mùi của việc đó.
Tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh, những địa ngục lân cận và những địa ngục phù du tạo thành mười tám cõi địa ngục. Hãy nghiên cứu kỹ càng số lượng của những địa ngục này, thời gian trải qua ở đây, những đau khổ phải chịu đựng và những nguyên nhân gây ra việc phải bị tái sinh vào đó. Hãy thiền định với lòng bi mẫn về những chúng sinh bị tái sinh trong đó. Hãy cố gắng để bảo đảm rằng, bản thân bạn lẫn bất kỳ người nào khác, sẽ không còn ai bị tái sinh vào những cõi đó.
Nếu bạn hoàn toàn bằng lòng với việc lắng nghe và hiểu biết về những địa ngục này về mặt kiến thức mà không biến những hiểu biết ấy thành một kinh nghiệm sống thực, thì bạn sẽ chỉ trở thành một trong những hành giả ngoan cố và kiêu ngạo, sẽ bị các bậc siêu phàm phê phán và các bậc thiện tri thức chỉ trích.
Ngày xưa có một tu sĩ có đức hạnh gương mẫu nhưng lại hết sức kiêu ngạo. Ông ta đến thăm Ngài Shang Rinpoche, Ngài hỏi ông ta hiểu biết Giáo Pháp gì.
“Tôi đã được nghe nhiều giáo lý,” vị tăng sĩ trả lời.
“Vậy hãy kể cho ta tên của mười tám địa ngục,” Shang Rinpoche nói.
“Tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh .. tổng cộng là mười sáu .. và nếu Ngài thêm vào Mũ Đen và Đỏ của các vị Karmapa thì là mười tám.”
Không phải vì sự thiếu tôn kính đã khiến cho ông ta gộp chung các Lạt ma Karmapa với các địa ngục. Đó là chỉ vì ông ta quên tên các Địa Ngục Phù Du và Địa Ngục Lân Cận, và bởi vào lúc đó những vị đạo sư Karmapa Mũ Đen và Đỏ rất nổi tiếng, nên ông ta đã hấp tấp kể thêm các Ngài vào. Bây giờ bạn có thực hành những giáo lý đã nhận được hay không là một chuyện, nhưng nếu tối thiểu không biết tới những ngôn từ và thuật ngữ có liên quan thì thật đáng xấu hổ.
- Ngạ Qủy
Có hai loại ngạ quỷ: những ngạ quỷ sống tụ tập và những ngạ quỷ du hành khắp không gian.
2.1 Những ngạ quỷ sống tụ tập
Những ngạ quỷ này bị hành hạ đau khổ bởi ba loại chướng ngại: chướng ngại bên ngoài, chướng ngại bên trong, hay chướng ngại đặc biệt.
2.1.1 Ngạ quỷ bị đau khổ vì những chướng ngại bên ngoài
Những ngạ quỷ này bị sự đói và khát cực độ hành hạ. Nhiều thế kỷ đã trôi qua mà ngay cả một từ “nước” cũng chẳng được nhắc tới. Thường xuyên bị ám ảnh bởi thực phẩm và nước uống, họ không ngừng tìm kiếm thức ăn và nước uống, nhưng không tìm thấy ngay cả một dấu vết nhỏ nhất. Thỉnh thoảng họ thấy ở xa một dòng nước trong trẻo, thanh tịnh. Nhưng những khớp xương của họ yếu tới nỗi không đỡ nổi cái bụng nặng nề. Họ khổ sở lắm mới tới được đó, và khi tới nơi thì hoàn toàn kiệt lực – chỉ để càng khốn khổ hơn khi thấy nước đã khô cạn hết, không còn gì ngoài đáy sông đầy sỏi đá.
Đôi khi họ thấy xa xa có một vườn trái cây. Cũng như trước, họ tiến lại gần, nhưng khi đến nơi họ nhận ra rằng những cây lớn đã hoàn toàn khô héo. Đôi lúc họ nhìn thấy nhiều thức ăn và nước uống cùng những thứ vừa ý khác, nhưng khi tới gần thì họ thấy những thứ này được bảo vệ bởi vô số người trang bị vũ khí, những người này săn đuổi và dùng vũ khí đánh đập họ, khiến họ phải bị đau đớn ghê gớm.
Vào mùa hè, ngay cả ánh trăng dường như cũng nóng bỏng và thiêu đốt họ; vào mùa đông thì họ có cảm tưởng mặt trời cũng lạnh giá. Những cảm giác này hành hạ họ khủng khiếp.
Có lần, khi Ngài Srona ở trong một xứ của các ngạ quỷ, Ngài thấy sự tham lam của họ độc hại tới nỗi làm Ngài phát sốt và miệng Ngài trở nên hoàn toàn khô đắng. Ngài đi qua một lâu đài sắt mà đứng ở cửa là một hình dạng ảm đạm khủng khiếp với đôi mắt đỏ ngầu.
“Xin hỏi ở đâu có nước?” Ngài Srona hỏi.
Nghe được lời này, một đám ngạ quỷ mà tất cả trông giống như những mẩu gỗ đang cháy xúm lại quanh Ngài, van nài: “Đấng viên mãn vĩ đại, xin hãy cho chúng tôi nước uống!”
“Chính ta cũng chẳng tìm ra,” Ngài trả lời. “Các ngươi hãy cho ta một ít.”
“Ngài nói gì vậy?” những ngạ quỷ trả lời. “Chúng tôi sinh ở vùng này đã mười hai năm mà tới nay chưa từng được nghe nhắc tới nước.”
2.1.2 Ngạ quỷ bị đau khổ vì những chướng ngại bên trong
Những ngạ quỷ này có miệng không lớn hơn một lỗ kim. Thậm chí nếu họ uống hết nước trong các đại dương, thì lúc nước trôi xuống cổ họng nhỏ như một sợi lông ngựa, sức nóng của hơi thở họ sẽ làm nước bốc hơi hết. Ngay cả bằng cách nào đó họ nuốt được một chút, thì sẽ chẳng bao giờ làm đầy nổi cái bao tử có kích thước bằng cả một quốc gia. Cuối cùng cho dù nước vào được bao tử đủ để làm họ thoả mãn thì vào ban đêm nó cũng biến thành lửa và thiêu cháy phổi, tim và tất cả bộ ruột của họ. Khi muốn đi, với chân tay chỉ như cọng cỏ, họ không thể nâng nổi cái bụng khổng lồ và điều này làm cho họ đau khổ vô hạn.
2.1.3 Ngạ quỷ bị đau khổ vì những chướng ngại đặc biệt
Những ngạ quỷ này phải chịu tất cả những loại đau khổ khác nhau và ở mức độ khác nhau. Chẳng hạn, một số ngạ quỷ có nhiều sinh vật sống trong thân thể và ăn thịt họ.
Có lần khi đang du hành trong xứ sở của ngạ quỷ, Ngài Srona tới một lâu đài và gặp một phụ nữ tuyệt đẹp. Nhờ vóc dáng thanh tú và được trang điểm bằng châu báu nên trông bà thật quyến rũ. Ở mỗi chân chiếc ngai bà ngồi có một ngạ quỷ bị trói. Bà cúng dường Ngài Srona thức ăn và báo trước rằng Ngài không nên cho các ngạ quỷ này một miếng ăn nhỏ nhất cho dù họ van xin. Khi Ngài Srona bắt đầu ăn thì họ bắt đầu van xin. Ngài đưa một ít thức ăn cho một trong số họ thì miếng thức ăn đó biến thành vỏ trấu; những gì Ngài cho ngạ quỷ thứ hai bị biến thành một cục sắt; ngạ quỷ thứ ba bắt đầu ăn thịt của chính mình, và những gì Ngài cho ngạ quỷ thứ tư thì biến thành máu và mủ.
Khi người phụ nữ trở lại, bà la lên: “Tôi đã nói là Ngài không nên cho họ bất cứ thứ gì! Ngài nghĩ rằng Ngài có nhiều lòng bi hơn tôi ư?”
“Bà có liên hệ như thế nào với bốn ngạ quỷ này?” Ngài Srona hỏi bà ta.
“Đây là chồng tôi; kia là con trai, đó là con dâu, và người thứ tư là người hầu của tôi.”
“Hành động nào trong quá khứ đã đưa bà tới đây?”
“Dân chúng ở cõi Diêm Phù Đề (cõi Ta Bà) rất đa nghi,” người phụ nữ trả lời. “Ngài sẽ không bao giờ tin tôi đâu.”
“Làm sao tôi lại không tin bà khi mà chính mắt tôi đang nhìn thấy điều này?”
Thế là người phụ nữ kể cho Ngài Srona câu chuyện của bà. “Tôi là một phụ nữ Bà la môn trong một ngôi làng nọ. Một chiều kia, tôi chuẩn bị một số thức ăn ngon vì hôm đó là một ngày tốt lành. Tình cờ Ngài Katyayana vĩ đại và siêu phàm đi khất thực qua đó. Tôi cảm thấy tin tưởng ở Ngài và cúng dường Ngài thực phẩm. Rồi tôi tự nghĩ có lẽ chồng tôi muốn chia sẻ công đức. ‘Hãy hoan hỷ với tôi vì tôi đã cúng dường Ngài Katyayana vĩ đại và siêu phàm, bậc thừa kế của Đức Phật,’ tôi nói với chồng tôi. Nhưng ông ta nổi cơn thịnh nộ. ‘Bà chưa cúng dường thực phẩm cho những người Bà la môn, thậm chí cũng không bày tỏ sự tôn kính đối với gia đình và bằng hữu của bà mà lại dâng phần thức ăn đầu tiên cho tu sĩ trọc đầu này! Tại sao ông ta không thể tọng vỏ trấu vào miệng?’
“Tôi cũng bày tỏ ý kiến tương tự với con trai mình, nhưng nó cũng nổi giận: ‘Tại sao cái ông đầu trọc của má không ăn những mẩu sắt?’ nó la lên.
“Tối hôm đó, cha mẹ tôi gởi cho tôi một số thức ăn ngon, nhưng đứa con dâu đã ăn mất và chỉ chừa lại cho tôi những miếng dở nhất. Khi tôi hỏi: ‘Có phải con đã ăn những miếng ngon và chỉ chừa lại cho mẹ những miếng tệ nhất?’ nó đã nói dối tôi: ‘Thà con ăn thịt mình còn hơn là chạm vào đĩa thức ăn của mẹ!’
“Tương tự như vậy, khi người hầu của tôi đã ăn những thực phẩm mà cô ta có nhiệm vụ mang lại cho gia đình tôi, cô ta nói với tôi rằng thà cô uống máu và mủ còn hơn là ăn cắp thực phẩm của tôi.
“Bản thân tôi trở thành một ngạ quỷ đầy năng lực vì tôi ước nguyện được tái sinh vào nơi mà tôi có thể thấy những gì xảy ra cho họ do nghiệp lực của họ chiêu cảm. Tôi đã không ước nguyện được sinh vào Cõi Trời thứ Ba mươi ba sau khi đã cúng dường cho một bậc siêu phàm.
“Nếu có bao giờ Ngài tới làng tôi, xin nói với con gái tôi, mà bây giờ là một gái điếm, rằng Ngài đã gặp cha mẹ nó, và Ngài được giao phó để bảo với nó rằng những gì nó đang làm sẽ có những hậu quả xấu, đó là một cách sống sai lầm và nó nên từ bỏ cách sống xấu xa đó.
“Nếu nó không tin Ngài, xin nói với nó rằng trong căn nhà cũ của cha nó có bốn bình sắt chứa đầy vàng, một cây gậy bằng vàng và một bình tẩy tịnh cho tu sĩ. Xin nói với nó thỉnh thoảng đem những thứ này cúng dường cho Ngài Katyayana vĩ đại và siêu phàm, và hãy hồi hướng công đức nhân danh chúng tôi. Điều này sẽ làm nghiệp của chúng tôi nhẹ bớt cho tới khi cuối cùng nghiệp tội ấy được trả kỳ hết.”
Có lần, khi Đạo sư Jetari đang du hành, Ngài gặp một nữ ngạ quỷ có thân hình gớm guốc, là mẹ của năm trăm đứa con.
“Chồng tôi đi Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) đã mười hai năm để tìm kiếm thực phẩm và vẫn chưa về. Nếu Ngài đến đó, xin nói với ông ấy rằng nếu không về sớm, những đứa con của chúng tôi sẽ chết đói hết.”
“Chồng của ngươi ra sao?” Đạo sư hỏi. “Mọi ngạ quỷ đều giống nhau, làm sao ta có thể nhận ra ông ta?”
“Ngài không thể quên ông ấy được,” bà ta nói. “Ông ta có một miệng lớn, mũi bẹp dí, mù một mắt và có tất cả chín tướng xấu.”
Khi Ngài Jetari đến Bodh Gaya, Ngài thấy một sa di ném thực phẩm và nước dùng trong những lễ cúng dường bánh cúng (torma) ra ngoài. Khi vị sa di bỏ đi, một đám ngạ quỷ xô lấn nhau để tranh giành đồ cúng. Trong đám đó có kẻ Ngài đang tìm kiếm, vì thế Ngài chuyển cho ngạ quỷ này lời nhắn của người vợ hắn.
Ngạ quỷ này trả lời: “Tôi đã lang thang mười hai năm nhưng chưa từng tìm được vật gì – ngoại trừ một lần, khi một tu sĩ thanh tịnh chảy một ít nước mũi, nhưng thậm chí tôi cũng không lấy được nhiều vì cả đám chúng tôi đánh nhau để tranh giành nó.” Và khi thuật lại câu chuyện Ngài nói thêm là trong lúc đánh nhau vì một ít nước mũi đó, ngạ quỷ đã bị thương rất nặng.
Bằng tư tưởng, hãy nhận vào mình những nỗi khổ khác nhau đã hành hạ các ngạ quỷ ở bất kỳ nơi nào họ bị tái sinh, nhất là sự hành hạ của cái đói và khát. Hãy nghĩ xem bạn đau khổ ra sao nếu bạn không ăn hay uống chỉ trong một buổi sáng. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bị tái sinh ở một nơi mà trong nhiều năm thậm chí bạn không nghe nhắc tới nước?
Hãy quán chiếu rằng những nguyên nhân chính gây nên sự tái sinh làm một ngạ quỷ là tính keo kiệt bủn xỉn và phản đối sự rộng lượng (bố thí) của những người khác. Chúng ta cũng đã mắc phạm những hành vi như thế vô số lần, vì thế chúng ta phải làm bất kỳ những gì có thể để tránh bị tái sinh ở nơi đó. Hãy thiền định như vậy tận đáy lòng bạn với ba phương pháp dành cho sự khởi đầu, phần chính và lúc kết thúc thực hành.
2.2 Những ngạ quỷ di chuyển khắp không gian
Cảnh giới này bao gồm Tsen, gyalpo, shindre, jungpo, mamo, theurang và v.v.. tất cả những ngạ quỷ này phải thường xuyên sống trong nỗi khiếp sợ và ảo giác. Không suy nghĩ điều gì ngoài cái xấu, họ luôn luôn làm bất kỳ những gì có thể để gây tổn hại cho những chúng sinh khác, và nhiều kẻ trong số họ thậm chí còn đọa vào những cõi thấp hơn như các địa ngục ngay khi chết. Đặc biệt, mỗi tuần, họ lại phải trải qua tất cả những đau đớn của cái chết trước đây do bệnh tật, vũ khí, những thế lực xấu, hay bất kỳ những gì khác gây ra. Bởi điều duy nhất họ muốn làm là trút bỏ nỗi khổ của họ sang người khác, nên dù đi bất cứ nơi đâu họ cũng không làm gì khác ngoài việc gây nên những tổn hại. Nhưng dù như vậy, họ vẫn không thể gặt hái được bất kỳ điều tốt đẹp nào cho bản thân họ. Thậm chí khi sung sướng được thăm viếng những bạn bè cũ và những người thân yêu, họ chỉ đem lại cho những người đó bệnh tật, sự điên rồ và những đau khổ không được mong đợi.
Những ngạ quỷ này phải trải qua những đau khổ liên tục. Các pháp sư đầy năng lực chôn vùi, thiêu đốt họ và cử hành những nghi lễ trong đó các pháp sư ném mọi loại vũ khí tưởng tượng vào họ. Các pháp sư nhốt họ trong bóng tối dưới đất trong nhiều kiếp, thiêu đốt họ trong các ngọn lửa cúng dường, nghiền giã họ với những hột mù tạt, bột đá hoặc những thứ tương tự. Các pháp sư chẻ đầu họ ra thành trăm mảnh và thân họ thành một ngàn khúc.
Giống như tất cả các ngạ quỷ khác, họ cũng có những tri giác lệch lạc: vào mùa đông, đối với họ mặt trời thì lạnh lẽo; vào mùa hè, mặt trăng lại nóng bỏng. Một số ngạ quỷ mang hình tướng của một con chim, con chó hay động vật khác, trông vô cùng gớm ghiếc. Tóm lại, những đau khổ của các ngạ quỷ này thì không thể tưởng tượng nổi.
Hãy thực hành như trước, thiền định với những phương pháp đã được dạy cho sự bắt đầu, trong lúc thực hành chính và vào lúc kết thúc. Bằng tâm thức, hãy nhận những đau khổ của những chúng sinh này và hãy nuôi dưỡng lòng từ và bi đối với họ.
- Súc Sinh
Có hai loại súc sinh: những súc vật sống ở các độ sâu và những súc vật sống rải rác ở những nơi khác nhau.
3.1 Những súc vật sống trong các độ sâu
Những đại dương bên ngoài ngập đầy cá, các loài bò sát, rùa, cua tôm, sâu bọ và những sinh vật khác nhiều như những hạt mạch nha dưới đáy một thùng bia. Có những con rắn và quái vật lớn tới nỗi thân chúng có thể quấn nhiều vòng quanh Núi Tu Di. Những sinh vật khác lại nhỏ như những hạt bụi hay đầu mũi kim.
Tất cả những sinh vật này phải trải qua những nỗi đau khổ vô hạn. Những con lớn nuốt những con bé. Đổi lại cũng có những con bé đục khoét những con lớn và ăn sống chúng. Những con vật lớn cũng phải bị có nhiều con nhỏ xíu sống bên trong thân thể và ăn thịt chúng. Một số trong những sinh vật này bị sinh ra giữa các châu lục, nơi mặt trời không chiếu sáng và nơi thậm chí chúng không thể nhìn thấy tứ chi của chúng co hay duỗi. Đần độn và ngu dốt, chúng không biết những gì nên làm và không nên làm. Chúng bị tái sinh trong những nơi ta được biết rằng nỗi khổ thì vô hạn.
3.2 Những súc vật sống rải rác ở những nơi khác nhau
Những súc vật sống trong các cõi trời và cõi người chịu đau khổ liên tục bởi sự ngu xuẩn của chúng và bởi bị bóc lột, trong khi các rồng52 (naga) trải cuộc đời trong sự cùng cực, bị những con chim kim sí điểu (garuda) và những trận mưa cát nóng hành hạ. Thêm vào đó, chúng ngu đần, hung hăng và hiểm độc.
Đặc biệt, những dã thú sống cùng với thế giới con người chúng ta thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi. Chúng không thể ăn một miếng ăn mà không phải đề phòng cảnh giác. Chúng có nhiều kẻ tử thù, đối với tất cả súc vật chúng là con mồi của lẫn nhau, và luôn luôn có những thợ săn, những thú săn mồi và những thứ đe dọa mạng sống khác. Diều hâu giết những con chim nhỏ, chim nhỏ giết các côn trùng, và v.v.. liên tục chồng chất những hành động xấu ác trong một vòng tròn vô tận của sự giết và bị giết.
Các thợ săn thì lão luyện trong mọi phương pháp hành hạ và giết hại những thú vật này. Họ đe dọa mạng sống của chúng với mọi loại mưu kế xấu xa – bẫy, lưới, và súng. Một số súc vật bị giết để lấy sừng, da, bộ lông và những sản vật khác của thân thể chúng. Những con trai bị giết để lấy ngọc; voi bị giết để lấy ngà và xương; cọp, beo, rái cá và cáo để lấy bộ lông; bò xạ để lấy xạ; con lừa và trâu yak để lấy máu và thịt. Thật là một nỗi đau khổ khủng khiếp khi chính thân chúng được sinh ra chỉ để bị giết hại.
Đối với những thú vật được con người thuần hóa, chúng ngu đần đến nỗi khi những kẻ giết hại chúng tới gần, cầm dao trong tay, chúng chỉ biết giương đôi mắt mở lớn mà thậm chí còn không nghĩ tới việc chạy trốn. Chúng bị vắt sữa, chở nặng, bị thiến, xỏ mũi và bị thắng vào cái cày. Chẳng có con nào trong chúng trốn thoát khỏi vòng tròn nô lệ triền miên này. Ngựa và trâu yak tiếp tục bị chở nặng và bị cưỡi ngay cả khi lưng chúng chẳng còn là gì ngoài một vết thương khổng lồ. Khi không thể đi xa hơn được nữa, chúng bị đánh roi và bị ném đá. Việc chúng có thể bị bệnh tật hay kiệt sức dường như chưa từng nảy ra trong đầu chủ nhân của chúng.
Trâu bò và cừu bị lợi dụng cho đến chết. Khi đã quá già, chúng bị chính những người chủ của mình đem bán hay giết thịt. Bất kể trường hợp nào, số mệnh của chúng đều bị định đoạt bởi người đồ tể và một cái chết tự nhiên là điều chúng không hề biết tới.
Vì thế, loài vật trải qua những đau khổ không thể tưởng tượng nổi. Bất cứ khi nào bạn thấy những thú vật bị hành hạ theo cách này, hãy đặt mình vào vị trí của chúng và hình dung thật chi tiết tất cả những gì chúng phải trải qua. Hãy thiền định với lòng bi mẫn mãnh liệt về tất cả những chúng sinh bị tái sinh làm kiếp súc vật. Đặc biệt, nếu bạn có nuôi súc vật, hãy đối xử tử tế và thương yêu chúng. Bởi lẽ tất cả những súc vật, ngay cả những côn trùng nhỏ bé nhất, đều có cảm giác sung sướng và đau khổ, và vì tất cả chúng đã từng là cha và mẹ của chúng ta, hãy phát triển lòng từ và bi đối với chúng, và hãy kết hợp việc thực hành của bạn đối với những phương pháp đã được chỉ dạy vào lúc khởi đầu, lúc thực hành chính và vào lúc kết thúc thực hành.
Dù chúng sinh có thể bị tái sinh bất cứ nơi đâu trong ba cõi thấp này, họ phải chịu đựng tất cả những loại đau khổ lâu dài và khủng khiếp. Chúng sinh tái sinh vào những cõi này thì ngu đần, khờ dại và không có bất kỳ ý niệm nào về Giáo Pháp, và chỉ có thể tạo ra nhiều hơn nữa các nguyên nhân để còn phải sống trong những cõi thấp. Vì thế một khi bị sinh vào những cõi này thì thật khó mà thoát ra được. Trong cuộc sống hiện nay của chúng ta, và trong những kiếp quá khứ khác, chúng ta đã tích lũy vô số những hành vi chắc chắn sẽ dẫn chúng ta tới sự tái sinh trong những trạng thái này. Do đó chúng ta phải hết lòng hối tiếc những hành động sai lầm của ta trong quá khứ với sự chân thành lớn lao, hãy sám hối những điều đó và từ giờ trở đi thệ nguyện sẽ không bao giờ tái phạm.
Với lòng đại bi, hãy suy nghĩ về những chúng sinh phải sống trong những cõi đó, hãy hồi hướng cho họ công đức của mọi thiện hạnh mà ta đã tích lũy khắp ba thời. Hãy cầu nguyện để họ có thể được giải thoát khỏi những cõi xấu đó: “Giờ đây là lúc tôi đã gặp được Giáo Pháp của Đại Thừa, và có cơ hội thực hành con đường đem lại lợi ích thật sự cho cả tôi lẫn những người khác, tôi sẽ thực hành Giáo Pháp đó với lòng dũng cảm, coi thường mọi khó khăn, và đưa dẫn tất cả chúng sinh trong ba cõi thấp tới những cõi Phật.” Sau khi nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm với những tư tưởng vậy, hãy cầu nguyện vị Thầy và chư Phật, khẩn cầu các Ngài cứu giúp và gia hộ, hãy nghĩ tưởng: “Cầu xin Thầy và Tam Bảo gia trì cho con để con có thể đạt được mục đích này!” Hãy hồi hướng công đức cho lợi ích của chúng sinh, và thực hành ba phương pháp tối thượng đã được dạy ở phần trước.
Mặc dù việc tái sinh vào ba cõi thấp tất yếu đưa đến đau khổ, và vì vậy có thể có người hy vọng rằng ở ba cõi cao sẽ hạnh phúc và sung sướng. Nhưng trong thực tế, ngay cả những cõi cao cũng không có hạnh phúc.
- Cõi Người
Loài người phải chịu ba loại đau khổ chính, và bốn nguyên nhân đau khổ lớn là: sinh, lão, bệnh và tử. Ngoài ra, còn có những loại đau khổ khác của con người như là sợ gặp những kẻ mình ghét, khi bị mất những người thương yêu, và khổ sở khi không đạt được những gì mình muốn, hay khi gặp phải những điều không mong muốn.
4.1 Ba loại đau khổ chính
4.1.1 Đau khổ vì sự biến đổi (hoại khổ)
Đau khổ vì sự biến đổi là đau khổ mà ta cảm thấy khi một trạng thái hạnh phúc đột nhiên chuyển thành đau khổ. Một lúc nào đó chúng ta cảm thấy sung mãn và hài lòng sau một bữa ăn ngon, rồi đột nhiên bị đau bụng quằn quại bởi những ký sinh trùng trong dạ dày chúng ta. Có lúc ta hạnh phúc, và chỉ một lát sau thì có kẻ thù cướp đoạt tài sản hay thú nuôi của ta; hay lửa cháy thiêu rụi nhà ta; hoặc đột nhiên chúng ta bị mắc bệnh hay bị ảnh hưởng bởi những thế lực xấu; hoặc ta nhận được những tin tức khủng khiếp – và ngay lập tức chúng ta bị nhấn chìm trong đau khổ.
Thật ra, bất cứ những biểu hiện hạnh phúc, tiện nghi hoặc quyền lực nào được tìm thấy trong vòng luân hồi đều không có một chút nền tảng bền vững nào, và về lâu dài, chẳng bao giờ có thể kháng cự lại được vòng quay của sự đau khổ. Vì thế, chúng ta cần nuôi dưỡng sự tỉnh giác với tất cả những biểu hiện hạnh phúc, tiện nghi hoặc quyền lực trong cõi luân hồi.
4.1.2 Đau khổ chồng chất đau khổ (khổ khổ)
Chúng ta trải qua đau khổ nối tiếp, chồng chất đau khổ, trước khi một nỗi khổ chấm dứt, chúng ta phải chịu thêm một đau khổ khác. Chúng ta bị bệnh cùi, và sau đó cũng lại thình lình bị phỏng; cũng như bị phỏng rồi lại bị thương. Cha chúng ta chết và sau đó không lâu mẹ ta cũng qua đời. Chúng ta bị kẻ thù săn đuổi, và chồng chất lên việc đó, một người thân của ta qua đời; và v.v … Dù chúng ta tái sinh ở đâu trong luân hồi, mọi thời gian của ta đều bị tiêu hao trong đau khổ này chồng chất đau khổ kia, không có bất kỳ may mắn nào để được hạnh phúc trọn vẹn trong giây lát.
4.1.3 Đau khổ của mọi thứ duyên hợp
Bây giờ, một số trong chúng ta có thể nghĩ rằng mọi sự đang diễn tiến hoàn toàn tốt đẹp với mình vào lúc này, và dường như chúng ta không bị đau khổ nhiều. Thật ra, chúng ta hoàn toàn bị nhấn chìm trong những nguyên nhân của đau khổ. Đối với chính thực phẩm, quần áo, nhà cửa của chúng ta, các vật trang điểm và lễ hội là những thứ đem lại cho chúng ta sự vui thích, tất cả những thứ ấy được tạo ra bằng những hành vi tai hại. Bởi mọi sự chúng ta làm chỉ là một sự phơi bày của những hành vi tiêu cực, nó chỉ có thể dẫn tới đau khổ. Hãy lấy trà và bột lúa mạch tsampa làm ví dụ để có thể hiểu rõ hơn.
Ở Trung Quốc, nơi cây trà mọc lên, số sinh vật nhỏ bé bị giết hại khi người ta trồng trà, trong khi hái lá, và v.v.. thì không thể tính đếm. Sau đó trà được những phu khuân vác mang đi xa tận Dartsedo. Mỗi phu khuân vác mang 12 túi, mỗi túi có sáu bánh trà, chịu sức nặng quanh họ bằng một sợi dây buộc quanh trán làm da họ mòn đi. Nhưng ngay cả khi cái sọ đầu của họ lộ hết ra, hoàn toàn trắng bệch, thì họ vẫn phải tiếp tục. Từ Dotok trở đi, dzo, những con trâu yak và những con la đảm nhiệm việc chuyên chở, lưng chúng muốn gẫy sụm, bụng chúng bị đục thủng với những vết cắt, bộ lông loang lở từng mảng trầy xát. Chúng chịu đau khổ ghê gớm vì sự nô lệ này. Việc trao đổi trà chẳng là gì khác ngoài một loạt những lời thất hứa, lừa gạt và cãi cọ, cho tới cuối cùng trà được đổi chủ, thường là đổi để lấy những sản phẩm từ súc vật như len và da cừu non. Bây giờ nói tới chuyện len, vào mùa hè trước khi lông cừu bị xén, nó lúc nhúc đầy những con bọ chét, ve và những sinh vật bé nhỏ khác nhiều vô kể như chính những sợi len. Trong lúc xén lông, hầu hết những côn trùng này bị đứt đầu, bị chặt làm hai hay bị lòi ruột. Số con không bị giết vẫn còn kẹt lại trong len và bị chết ngạt. Tất cả những việc làm này chỉ có thể dẫn tới những cõi thấp. Đối với da cừu non, hãy nhớ rằng những con cừu mới đẻ đều có đầy đủ những giác quan, và chúng biết cảm thấy sung sướng và đau khổ. Đúng lúc chúng đang vui hưởng những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc sống, trong khi hoàn toàn khỏe mạnh, thì chúng lại bị giết. Có thể chúng chỉ là những con vật ngu dại, tuy nhiên chúng không muốn chết – chúng ham sống và đau khổ khi bị hành hạ và giết thịt. Đối với những con cừu mẹ có những đứa con bị giết, thì chúng là một ví dụ sống động về nỗi đau khổ mà một người mẹ mất đứa con duy nhất của mình phải trải qua. Vì thế, khi chúng ta suy nghĩ về việc sản xuất và buôn bán những sản phẩm như vậy, chúng ta có thể hiểu được rằng ngay cả một ngụm trà tuy không thể nhưng lại góp phần vào việc đưa chúng ta tái sinh trong những cõi thấp.
Bây giờ hãy xem xét trường hợp của bột lúa mạch tsampa. Trước khi gieo lúa mạch, những cánh đồng phải được cày xới, công việc đó buộc mọi con sâu và côn trùng vốn sống ngầm dưới đất phải trồi lên, và chôn vùi mọi sâu trùng vốn sống trên mặt đất. Những con bò cày đi tới đâu thì chúng cũng bị những con quạ và chim nhỏ bám theo sau không ngừng săn bắt những côn trùng bé nhỏ. Khi cánh đồng được tưới nước, mọi loài vật sống trong nước bị mắc cạn trên đất khô, trong khi mọi sinh vật đang sống trên đất khô lại bị chết đuối. Tương tự, vào mỗi giai đoạn gieo hạt, thu hoạch và đập lúa, số chúng sinh bị giết thì không thể tính đếm. Nếu bạn suy nghĩ về điều đó thì hầu như chúng ta đang ăn các côn trùng được nghiền thành bột vậy.
Cũng tương tự như vậy, bơ, sữa và những thực phẩm khác, “ba thực phẩm trắng” và “ba thực phẩm ngọt” mà chúng ta xem là thanh tịnh và không bị những hành vi ác hại làm ô nhiễm, thì hoàn toàn không phải như vậy. Phần đông những trâu yak con, những con bê và cừu đều bị giết. Những con không bị giết, thì ngay khi được sinh ra và thậm chí trước khi chúng có một dịp may được bú một miếng sữa ngọt ngào của mẹ chúng, đã có một sợi thừng quanh cổ và bị cột vào một cái cọc mỗi khi dừng lại trên đường, mỗi một miếng sữa – thức ăn và uống chính đáng của chúng – có thể bị đánh cắp để làm bơ và phó mát. Bằng cách rút mất tinh chất của thân bò mẹ là thứ rất cần thiết cho bò con, chúng ta để mặc chúng nửa sống nửa chết. Khi mùa xuân trở lại, những con bò mẹ già nua trở nên suy yếu tới nỗi thậm chí chúng không thể đứng dậy trong chuồng. Những con bê và cừu non hầu như chết đói. Những con sống sót, thì yếu ớt và như một bộ xương, lảo đảo như sắp chết.
Tất cả những yếu tố mà chúng ta coi là những phần cấu tạo nên hạnh phúc – thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, và bất cứ những hàng hóa và vật liệu nào chúng ta có thể nghĩ tới – đều được tạo ra bằng một cách tương tự và duy nhất là qua những hành động bất thiện. Hậu quả cuối cùng của tất cả những việc làm này là sự đau khổ vô tận của những cõi thấp. Do đó, mọi sự việc mà ngày nay có vẻ như tượng trưng cho hạnh phúc thì trong thực tế chỉ là sự đau khổ của mọi thứ duyên hợp.
4.2 Những đau khổ của sinh, lão, bệnh và tử
4.2.1 Đau khổ khi sinh ra đời (Sinh khổ)
Với loài người trong thế giới hiện nay, chúng ta thuộc loài dược sinh ra từ thai tạng (thai sanh).54 Trước tiên, thần thức của một chúng sinh trong trạng thái trung ấm phải len vào giữa sự hợp nhất của tinh dịch của người cha và máu huyết của người mẹ. Sau đó, thần thức đó phải trải qua nhiều kinh nghiệm đau đớn trong những giai đoạn khác nhau khi bào thai được hình thành: như miếng thạch tròn, hình trái xoan lầy nhầy, có hình thuôn dầy, hình bầu dục vững chắc, khối tròn căng cứng,55 và v.v.. Một khi tay chân, các cơ quan và các giác quan được hình thành, bào thai bị nhốt bên trong tử cung tối tăm, hôi hám và ngạt thở, khổ sở như người bị ném vào trong tù. Khi người mẹ ăn thực phẩm nóng, thai nhi đau đớn như thể bị lửa đốt. Khi người mẹ dùng đồ ăn lạnh, nó cảm thấy như thể bị ném vào nước đóng băng; khi người mẹ nằm xuống, nó như thể bị chôn vùi dưới sức nặng của một quả đồi; khi mẹ ăn no, nó như bị mắc kẹt giữa những tảng đá; khi người mẹ đói, như thể nó bị rơi từ một vách núi; khi người mẹ đi hay ngồi xuống, nó cảm thấy như bị gió vùi dập.
Tới lúc sinh, năng lực của sự sống thuộc về nghiệp56 xoay đầu đứa bé xuống, để nó sẵn sàng được sinh ra. Khi đứa bé bị đẩy xuống cổ tử cung, nó đau đớn như thể bị một người khổng lồ mạnh mẽ nắm lấy hai chân đập thật mạnh vào tường. Khi bị đẩy qua khỏi xương chậu, đứa bé cảm thấy như bị kéo qua cái lỗ trong một bàn kéo sợi.57 Nếu tử cung mở quá hẹp, nó không ra được và sẽ phải chết. Quả thực, cả hai mẹ và con có thể chết trong quá trình sinh đẻ, và cho dù họ sống sót thì họ cũng phải kinh nghiệm mọi sự đau đớn của lúc hấp hối. Như Đại Đạo Sư xứ Oddiyana nói:
Cả hai mẹ và con đều đi nửa đường đến gần xứ sở của Thần Chết,
Và mọi khớp xương của người mẹ, ngoại trừ xương hàm,
bị vặn rời ra.
Đứa bé phải kinh nghiệm mọi sự đau đớn. Khi rơi xuống tấm nệm lúc chào đời, nó có cảm giác như bị rơi xuống một cái hố đầy gai. Khi được lau chùi lớp chất nhờn trên lưng thì nó có cảm giác như bị lột da sống. Lúc được tắm rửa, nó có cảm tưởng như bị đánh bằng gai. Khi được đặt vào lòng mẹ, nó cảm thấy như một con chim nhỏ bị diều hâu tha đi. Khi được thoa bơ trên đỉnh đầu58, nó có cảm giác như bị trói và ném xuống một cái lỗ. Được đặt trong nôi thì giống như bị bỏ vào bùn dơ. Mỗi khi đứa bé bị khổ vì đói, khát, bệnh tật và v.v.., tất cả những gì nó có thể làm là kêu khóc.
Từ lúc được sinh ra, đến khi lớn lên và bước vào tuổi thanh niên, ta có cảm tưởng là có sự phát triển và tăng trưởng. Nhưng sự thật là cuộc đời ta trở nên ngắn đi, mỗi ngày ta tới gần cái chết hơn nữa. Chúng ta bị dính mắc vào những công việc tầm thường của cuộc đời này, hết cái này đến cái kia, chẳng có việc nào trong số đó đi đến kết thúc, chúng tiếp nối nhau như những con sóng trên mặt nước. Bởi vì tất cả mọi điều đều chỉ dựa trên các hành vi tiêu cực nên kết cục chắc chắn của chúng là sự đọa sinh trong những cõi thấp, và chịu đau khổ vô cùng tận.
4.2.2 Đau khổ của tuổi già (Già khổ)
Khi bản thân chúng ta bận rộn với những điều vụn vặt tầm thường này và những phận sự thế gian không bao giờ chấm dứt, thì nỗi đau khổ của tuổi già đã lén đến với ta mà không báo trước. Từng chút một, thân thể mất đi sinh lực của nó. Chúng ta chẳng còn tiêu hóa nổi những thức ăn mà mình ưa thích. Thị lực mờ đi, và chúng ta không thể nhận ra rõ ràng những vật nhỏ hay ở xa. Thính giác cũng bắt đầu sút giảm và chúng ta không phân biệt được rõ ràng những âm thanh và lời nói được nữa. Lưỡi không còn nếm được những gì mình ăn hay uống nữa, cũng không phát âm đúng những gì chúng ta muốn nói. Khi tinh thần suy yếu, trí nhớ suy giảm và chúng ta rơi vào sự nhầm lẫn và hay quên. Răng cũng bị rụng nên chẳng còn nhai được thực phẩm cứng, và bất kỳ những gì ta nói đều trở thành những tiếng lầm bầm khó hiểu. Thân thể mất nhiệt nên ta không còn thấy ấm áp trong bộ quần áo mỏng. Sức khỏe của ta sa sút nên không thể mang vác những vật nặng được nữa. Mặc dù chúng ta vẫn còn sở thích được sung sướng và hưởng thụ, nhưng ta không còn năng lực để hưởng thụ được nữa. Khi các kinh mạch và năng lực suy giảm, chúng ta trở nên cáu gắt và thiếu kiên nhẫn. Bị mọi người coi thường, ta trở nên trầm uất và buồn chán. Những yếu tố tứ đại của thân thể mất quân bình đem lại nhiều tật bệnh và khó khăn. Chúng ta phải vật lộn mỗi khi cử động của mình, như việc đi và đứng cũng hầu như trở thành những việc không thể kham nổi. Ngài Jetsun Mila hát:
Một, bà đứng lên như thể nhổ một cây cọc khỏi mặt đất;
Hai, bà đi rón rén như thể đang rình bắt chim;
Ba, bà ngồi như một cái túi bị thả rơi.
Khi ba dấu hiệu này cùng đến, hỡi bà già;
Bà là một bà lão u buồn mà huyễn thân bà đã suy sụp.
Một, da dẻ bà hằn những vết nhăn;
Hai, bà gầy giơ xương, máu huyết thu rút;
Ba, bà nửa ngây nửa dại, nửa đui nửa điếc.
Khi ba dấu hiệu này cùng đến, hỡi bà già;
Mặt bà nhăn nhúm với những vết hằn xấu xí.
Một, quần áo rách rưới tả tơi và luộm thuộm;
Hai, thức ăn uống sao nhạt nhẽo, lạnh tanh;
Ba, bà ngồi trên chiếu mà dựa dẫm bốn bên.
Khi ba dấu hiệu này cùng đến, hỡi bà già;
Bà giống như một hành giả du già chứng ngộ bị người và chó giẫm đạp.
Lúc già cả, khi muốn đứng lên chúng ta hoàn toàn không thể đứng một cách bình thường. Chúng ta phải đặt cả hai bàn tay lên sàn nhà như thể đang cố nhổ một cây cọc trên nền đất cứng. Khi đi, chúng ta gập người lại và không thể ngước cao đầu; và không thể nhanh chóng nhấc hay hạ chân, chúng ta rón rén như một đứa trẻ rình bắt chim. Mọi khớp tay, chân bị sưng tấy đến nỗi ta không thể ngồi xuống từ từ. Ngược lại, toàn bộ sức nặng của ta lập tức đổ sầm xuống như một cái cói đứt dây treo.
Khi da thịt ta bị tiêu hao, da ta dãn ra, thân thể và mặt chúng ta đầy những vết nhăn. Với ít thịt và máu bao quanh, tất cả các khớp lộ ra nhiều hơn. Xương gò má và mọi đầu xương khác nhô lên dưới lớp da. Trí nhớ bị giảm sút, chúng ta trở nên trì trệ, mu mờ, đui điếc. Chúng ta không thể suy nghĩ sáng suốt và cảm thấy choáng váng xây xẩm. Với sinh lực suy yếu, chúng ta chẳng còn muốn ngó ngàng gì tới mình nên quần áo chúng ta mặc luôn luộm thuộm và sờn rách. Khi ăn, ta thường bỏ thừa và không thấy có mùi vị gì; mọi thứ ta ăn đều lạnh lẽo và nhạt nhẽo. Chúng ta cảm thấy nặng nề đến nỗi khó có thể làm được việc gì. Trên giường, chúng ta phải dựa dẫm tứ phía và không thể ngồi dậy. Vì lý do này, sự suy yếu của thân thể chúng ta đem lại nỗi phiền muộn và đau khổ tinh thần ghê gớm. Tất cả vẻ đẹp và nét sáng sủa trên khuôn mặt ta bị phai nhòa, làn da đầy vết nhăn và trán thì hằn lên những nếp nhăn xấu xí của một tâm trạng không sung mãn. Mọi người xem thường chúng ta, và cho dù người ta bước qua đầu ta, ta cũng không thể dậy nổi. Chúng ta không phản ứng lại nữa, cứ như thể chúng ta là những hành giả du già chứng ngộ và tịnh với bất tịnh đều không còn hiện hữu.59 Không thể chịu đựng nỗi khổ của tuổi già, chúng ta muốn chết, nhưng thực ra càng tới gần cái chết chúng ta lại càng khiếp sợ nó.
Tất cả những điều này tạo nên những nỗi khổ mà chúng ta phải trải qua trong tuổi già thì không khác biệt lắm với những đau khổ của chúng sinh trong các cõi thấp.
4.2.3 Đau khổ của bệnh tật (Bệnh khổ)
Khi bốn yếu tố tứ đại tạo nên thân thể chúng ta trở nên mất quân bình, mọi loại bệnh tật – những bệnh thuộc về gió, mật, đàm thấp và v.v.. xuất hiện, và những cảm giác đau đớn, khổ sở làm chúng ta phiền não.
Ngay khi những cơn đau nhức đầu tiên của bệnh tật tấn công – dù thân và tâm ta trẻ trung tới đâu, dù ta mạnh mẽ và chói ngời tới đâu, dù ta đang ở trong thời kỳ sung mãn nhất – chúng ta vẫn sụp đổ như con chim nhỏ bị ném đá. Sức mạnh của ta biến mất. Chúng ta lún sâu xuống nệm, và bất cứ chuyển động nào dù nhẹ nhàng cũng rất khó khăn. Thậm chí việc trả lời khi có người hỏi thăm cũng là một cố gắng: giọng nói của ta dường như đến từ một nơi sâu thẳm và khó bật ra thành tiếng. Chúng ta cố nằm nghiêng bên phải, rồi bên trái, nằm ngửa, nằm sấp nhưng chẳng bao giờ có thể thoải mái. Chúng ta hoàn toàn mất cảm giác ngon miệng và ban đêm không thể ngủ được. Ngày lẫn đêm dường như dài vô tận. Chúng ta phải chịu đựng uống thuốc đắng, chua, hay nóng, phải kiên nhẫn đối với việc đốt, lấy máu và mọi loại điều trị khó chịu khác. Nghĩ rằng bệnh tật này có thể làm ta chết đột ngột khiến chúng ta kinh sợ. Dưới sức mạnh của những thế lực bệnh hoạn và sự không toàn vẹn của bản thân, chúng ta có thể mất sự kiểm soát cả thân lẫn tâm, và khi những tri giác mê lầm thông thường của ta lên tới cực độ thì chúng ta bắt đầu có ảo giác. Thậm chí đôi lúc người bệnh còn tự tử. Những người đau khổ vì những bệnh tật như bệnh cùi, động kinh, họ bị mọi người bỏ rơi và để mặc họ suy ngẫm về số phận của mình; họ vẫn còn sống mà như thể đã chết.
Người bệnh thường không thể tự chăm sóc. Bệnh tật làm cho họ nóng nảy và luôn tìm kiếm lỗi lầm nơi những gì người khác làm cho họ. Càng ngày họ càng trở nên quan trọng hóa và hay chỉ trích, và nếu bệnh tật của họ tiếp tục kéo dài, người ta sẽ trở nên mệt mỏi khi săn sóc họ và không còn làm những gì họ đòi hỏi nữa. Nỗi bực dọc do bệnh tật của họ gây ra liên tục hành hạ họ.
4.2.4 Đau khổ của cái chết (Chết khổ)
Khi cái chết tới gần, chúng ta sẽ nằm liệt giường và không còn sức để đứng dậy. Thậm chí khi nhìn thấy đồ ăn và thức uống, ta chẳng còn cảm thấy thèm muốn chúng. Bị hành hạ bởi những cảm giác của người sắp chết, ta cảm thấy càng lúc càng tuyệt vọng và mọi dũng khí cùng niềm tin của bạn đều tan biến. Chúng ta có những điềm báo và những ảo giác về những gì đang chờ đợi mình. Đã đến lúc cho cuộc ra đi lớn lao này. Gia đình và bạn bè tụ tập quanh ta, nhưng họ không thể làm gì để trì hoãn chuyến khởi hành của ta – chính bản thân ta phải trải qua nỗi khổ của cái chết một cách hoàn toàn đơn độc. Ta cũng chẳng có cách nào để đem theo những vật sở hữu, dù chúng có thể nhiều vô hạn. Ta không thể tự mình buông bỏ những thứ đó, nhưng cũng biết rằng mình cũng không thể giữ được chúng. Sự hối hận tràn ngập trong tâm khi ta nhớ lại những hành vi bất thiện đã làm. Ta khiếp sợ khi nghĩ về những đau khổ của các cõi thấp. Ngay đây cái chết xảy đến đột ngột. Nỗi sợ hãi phủ chụp lấy ta. Những tri giác về cuộc đời biến mất và thân lạnh dần.
Khi một người làm điều ác chết, họ chộp lấy ngực mình khiến trên da đầy những dấu móng tay. Khi nhớ lại mọi hành vi xấu ác của mình, họ khiếp sợ vì bị tái sinh trong những cõi thấp. Họ tràn đầy hối hận vì đã không thực hành Pháp trong khi được sự tự do để làm điều đó, bởi đó là điều ích lợi duy nhất vào lúc chết. Khi nhận ra điều đó, họ cảm thấy đau khổ ghê gớm. Đó là lý do tại sao họ lại đấm ngực và để lại đầy những dấu móng tay ở đó khi chết. Có câu nói rằng:
Hãy xem một người ác hấp hối;
Kẻ ấy là một vị thầy minh họa cho chúng ta thấy hậu quả của
mọi hành vi.
Thậm chí trước khi họ chết, những cõi thấp đã bắt đầu cận kề họ. Bất kỳ điều gì họ nhận thức cũng đều trở thành mối đe dọa. Mọi cảm giác đều khiến cho họ đau khổ. Tứ đại tan rã, hơi thở trở nên khò khè và chân tay rũ liệt. Họ bắt đầu có các ảo giác. Đôi mắt trợn trừng, và khi họ từ giã cõi đời này, Thần Chết sẽ đến gặp họ. Những ma quỷ trong trạng thái trung ấm xuất hiện, mà họ không có người che chở hay nơi nương tựa nào.
Chẳng có gì bảo đảm rằng giây phút mà ta sẽ rời bỏ cuộc đời này, hoàn toàn trần trụi và trắng tay, sẽ không đến vào ngày hôm nay. Khi điều này xảy ra, điều duy nhất sẽ thực sự giúp đỡ chúng ta chính là Phật Pháp. Không có nơi nương tựa nào khác. Có câu nói rằng:
Trong thai tạng của mẹ, hãy xoay chuyển tâm bạn hướng về Pháp;
Ngay khi bạn sinh ra, hãy nhớ nghĩ đến Giáo Pháp cho giây phút lìa đời.
Bởi cái chết đến thật đột ngột, đối với người trẻ cũng như người già, nên chúng ta phải bắt đầu thực hành Pháp ngay từ lúc sinh ra đời. Duy chỉ một mình Pháp sẽ giúp đỡ chúng ta vào lúc chết. Nhưng cho tới bây giờ chúng ta đã lãng quên cái chết, quá bận rộn trong việc đánh bại kẻ thù và giúp đỡ bạn bè, chăm sóc của cải và nhà cửa của mình, bận rộn với gia đình và bằng hữu. Nhưng nếu suy ngẫm về điều đó, thì sẽ là một sai lầm khủng khiếp trong việc để thời gian trôi qua như thế và chìm sâu trong tham, sân và si vì lợi ích của bạn bè và những người thân yêu của ta.
4.3 Những đau khổ khác của con người
4.3.1 Nỗi sợ gặp kẻ thù địch
Chúng ta tiêu phí tất cả thời gian của mình để tìm kiếm của cải và tài sản và canh chừng nó cả ngày lẫn đêm. Nhưng cuối cùng thì ngay cả điều đó cũng không giúp cho ta khỏi phải chia sẻ tài sản của chúng ta với kẻ thù. Những kẻ cướp ngày, trộm đêm, chó hoang, chó sói, và những thú dữ khác hoàn toàn có thể bất ngờ tấn công ta mà không báo trước. Rõ ràng là càng có nhiều của cải và tài sản thì ta lại càng thêm phiền não để thâu đạt nó, để bảo vệ và cố gắng tăng trưởng nó.
Ngài Long Thọ đã viết:
Việc tích lũy, canh chừng và làm cho tăng trưởng của cải
sẽ làm bạn kiệt sức.
Hãy hiểu rằng của cải trù phú chỉ đem lại sự suy tàn
và hủy hoại không ngừng dứt.
Ngài Jetsun Milarepa có nói:
Lúc bắt đầu, của cải làm bạn hạnh phúc và ham muốn;
Nhưng dù có nhiều đến đâu,
dường như chẳng bao giờ bạn thấy đủ.
Vào lúc giữa, sự bủn xỉn cột những nút thắt quanh bạn:
Bạn không thể chịu đựng được khi phải dùng của cải vào việc cúng dường hay từ thiện.
Sự giàu có của bạn hấp dẫn kẻ thù và những thế lực xấu,
Và tất cả những gì bạn tích góp lại bị người khác tận dụng.
Vào lúc cuối, con quỷ giàu có đặt cuộc đời bạn
vào nỗi hiểm nghèo.
Nản lòng biết bao khi đấy chỉ là việc trông nom
tài sản cho kẻ thù!
Ta đã vứt bỏ khối nặng này là kẻ kéo lôi ta vào
luân hồi sinh tử.
Ta chẳng còn mong muốn nữa thứ cám dỗ quỷ quái này.
Những đau khổ của chúng ta có mối tương quan trực tiếp tương ứng với số lượng những gì ta sở hữu. Chẳng hạn, nếu ta sở hữu một con ngựa, ta sẽ lo nghĩ nó có thể bị kẻ thù chiếm đoạt hay bị ăn trộm; ta sẽ tự hỏi rằng nó có đủ cỏ khô để dùng hay không. Chỉ một con ngựa cũng đủ mang lại bao nhiêu phiền toái. Nếu ta có một con cừu, ta sẽ có nỗi phiền toái tương xứng với một con cừu. Nếu ta có một túi trà, ta sẽ có nỗi phiền não đáng giá một túi trà.
Vì thế hãy quán chiếu và thiền định để hiểu rằng được sống trong an bình là điều quan trọng như thế nào, hãy sống theo câu ngạn ngữ cổ xưa “Không của cải thì không có kẻ thù.” Hãy tạo hứng khởi bằng những câu chuyện của chư Phật trong quá khứ và hãy nhổ bật gốc mọi sự vướng mắc vào tiền bạc và của cải cải. Hãy sống bằng những gì mình nhận được như những con chim, và hoàn toàn hiến mình cho việc thực hành Pháp.
4.3.2 Nỗi sợ mất người thân yêu
Chúng ta sống trong thế giới luân hồi này và cảm thấy ràng buộc với những người mà ta đồng cảm và thù địch đối với những người khác. Vì lợi ích của gia đình, tín đồ, đồng bào, bạn bè và những người thân yêu của ta, chúng ta sẵn sàng trải qua mọi thứ đau khổ. Ta không thể sống mãi với bất kỳ những ai mà ta có ràng buộc họ hàng hay bằng hữu, và không sớm thì muộn chúng ta buộc phải xa lìa họ. Họ chết hay bôn ba ở những xứ khác, hoặc bị kẻ thù hoặc những nguy hiểm khác đe dọa – và những nỗi khổ họ phải trải qua sẽ ảnh hưởng đến chúng ta còn sâu xa hơn nỗi khổ của chính chúng ta. Đặc biệt là các bậc cha mẹ, quan tâm quá nhiều tới con cái và thường xuyên lo lắng chúng có thể bị lạnh, đói hay khát, hoặc chúng có thể bị đau ốm hay chết. Quả thực, họ thương con tới nỗi thà họ chết còn hơn là để chúng phải đau khổ, và họ phải trải qua rất nhiều khổ não vì lợi ích của chúng.
Nhưng dù chúng ta đau khổ quá nhiều vì nỗi lo sợ phải bị chia cách với bạn bè và người thân yêu, thì chúng ta nên suy nghĩ về những điều đó thật cẩn trọng. Liệu ta có thể quả quyết rằng những người thân yêu của ta thì đáng yêu như ta nghĩ không? Chẳng hạn cha mẹ ta nói họ thương chúng ta như con cái họ, nhưng cách họ thương yêu ta là một cách thức thương yêu lầm lạc và có hậu quả vô cùng tai hại. Bằng cách cố gắng cho chúng ta của cải, tài sản và dựng vợ gả chồng cho ta, họ đang cột chặt chúng ta vào luân hồi sinh tử. Họ dạy mọi thứ chúng ta cần để biết cách xử sự tốt hơn với các đối thủ của ta, cách quan tâm tới bạn bè, cách làm giàu, và mọi phương hướng hành động tai hại khác mà sẽ chỉ để chắc chắn rằng chúng ta bị mắc bẫy trong những cõi thấp không sao thoát ra được. Họ chẳng thể làm điều gì tệ hại hơn thế nữa.
Về phần con cái chúng ta, cả trai lẫn gái, lúc đầu chúng bú tinh chất từ thân ta, lúc lớn lên, chúng lấy thực phẩm khỏi miệng ta, và vào lúc cuối chúng lấy tài sản khỏi tay ta. Để đáp lại tình thương của ta, chúng nổi loạn chống lại chúng ta.
Chúng ta đã cho những đứa con trai tất cả tài sản mà ta kiếm được suốt đời mình, không tính toán giá trị và chẳng quan tâm gì đến mọi hoạt động bất thiện, những nỗi khổ và sự phê bình chỉ trích mà ta đã phải nếm chịu – nhưng chúng vẫn hoàn toàn không biết ơn ta. Cho dù ta cho chúng nhiều đồng bạc Trung Hoa, chúng cũng chẳng biết ơn gì hơn bất kỳ người bình thường nào nhận được từ ta một nhúm lá trà. Chúng chỉ nghĩ rằng bất kỳ những gì của cha mẹ chúng đều tự động thuộc về chúng.
Những chị em và con gái chúng ta cũng thế, họ ngốn nuốt tài sản của ta mà không một chút biết ơn. Chúng ta càng cho họ, thì họ càng muốn thêm. Nếu chúng ta chỉ có được chút ít một số vật như một miếng lam ngọc giả dùng để đếm trong khi lần tràng hạt, thì họ cũng sẽ đến nịnh bợ khiến ta cũng phải buông nó ra để cho họ. Trong điều kiện tốt nhất, họ góp phần vào sự thịnh vượng của người khác, nhưng chẳng mang lại điều gì cho ta. Nhưng nếu sự việc trở nên tồi tệ, thì họ lại trở về nhà, đem theo sự ô danh và buồn tủi cho gia đình mình.
Về phần những thân quyến và bạn bè khác của ta, chừng nào chúng ta còn giàu có, hạnh phúc và mọi việc đang tiến triển hết sức tốt đẹp thì họ đối xử với ta như những vị Trời. Họ làm bất kỳ những gì có thể để giúp ta, và cho ta tất cả những thứ mà ta không cần. Nhưng nếu ta rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, thì mặc dù chẳng làm điều gì tổn hại tới họ, họ sẽ đối xử với chúng ta như kẻ thù và đáp trả lòng tốt của ta bằng ác ý.
Tất cả điều này cho thấy rằng con trai, con gái, gia đình và bằng hữu chẳng có chút giá trị nào, như Jetsun Milarepa đã diễn tả trong bài đạo ca của Ngài:
Lúc ban đầu, con trai của bạn là một thiên thần
nhỏ duyên dáng;
Bạn thương nó nhiều đến mức không thể chịu nổi.
Khi lớn lên, nó đòi hỏi quyền lợi thật hung tợn;
Bạn cho nó mọi thứ, nhưng chẳng bao giờ nó thỏa mãn.
Nó đem về nhà con gái của người khác,
Xô đẩy cha mẹ tốt lành của nó ra ngoài.
Khi cha gọi, nó chẳng thèm trả lời.
Khi mẹ gọi, thậm chí nó chẳng buồn nghe.
Cuối cùng, nó giống như một người hàng xóm ở xa.
Bạn tự hủy hoại chính mình khi nuôi dưỡng một tên
lừa đảo như thế.
Nản lòng biết bao khi sinh ra kẻ thù của chính bạn!
Ta đã ném đi bộ yên cương này là thứ trói buộc ta
vào luân hồi.
Ta không cần bất kỳ kẻ nào trong những đứa con trai
thế tục ấy.
Ngài tiếp tục:
Vào lúc đầu đứa con gái là một thiên nữ bé nhỏ xinh tươi,
Hống hách độc chiếm mọi tài sản tốt lành nhất của bạn.
Lớn lên, nó không ngừng đòi hỏi quyền lợi:
Công khai yêu sách cha đủ mọi điều,
Và kín đáo lấy trộm của mẹ.
Không bao giờ thỏa mãn với những gì được cho.
Nó là nguồn thất vọng của bậc cha mẹ tốt lành.
Cuối cùng, nó là con yêu tinh mặt đỏ:
Khi mọi việc tốt đẹp, nó là một vật quý cho người khác,
Khi mọi việc tệ hại, nó sẽ đem tai họa tới cho bạn.
Nản lòng biết bao, con quỷ phá hoại này!
Ta đã ném đi nỗi buồn khôn nguôi này.
Ta không muốn một đứa con gái sẽ dẫn ta tới chỗ hủy diệt.
Cuối cùng:
Vào lúc đầu, bạn bè tươi cười khi gặp bạn,
Và cả thung lũng âm vang “Hãy vào đây!” và “Mời ngồi!”
Vào lúc giữa, họ đáp lại lòng hiếu khách của bạn bằng thịt và bia,
Món đổi món, đáp trả chính xác từng thứ một.
Vào lúc cuối, họ gây tranh chấp trên sự thù ghét hay tham luyến.
Nản lòng biết bao, những người bạn xấu này với mọi
tranh cãi của họ!
Ta đã từ bỏ những bạn bè ăn nhậu lúc thảnh thơi.
Ta không muốn bất kỳ bằng hữu thế tục nào.
4.3.3 Nỗi khổ của việc muốn mà không được
Trong thế gian này, không ai trong chúng ta không muốn hạnh phúc và được cảm thấy sung sướng; nhưng chẳng ai trong chúng ta đạt được những gì mình mong muốn. Ví dụ, một gia đình cố xây ngôi nhà để được sống thoải mái, nhưng ngôi nhà sụp đổ và đè chết họ. Một người có thể ăn để thoả mãn cơn đói, nhưng thực phẩm làm họ bị bệnh và gây nguy hại cho mạng sống của họ. Những người lính chiến đấu, hy vọng sẽ chiến thắng, và lập tức bị giết. Một đoàn thương nhân tiến hành những chuyến đi buôn viễn du, với hy vọng chắc chắn sẽ kiếm được lợi nhuận, nhưng bị tấn công và trở nên nghèo khổ. Dù chúng ta có hao tốn bao nhiêu công sức trong hy vọng trở nên giàu có và hạnh phúc trong cuộc đời này, nhưng chúng ta sẽ không thể đạt được những điều ta mong muốn, ngay cả việc thỏa mãn cơn đói trước mắt, trừ phi những hành vi trong những đời quá khứ của chúng ta có thể tạo đủ duyên lành để những việc đó trổ quả. Mọi điều chúng ta làm đều gây nên phiền não cho mình và người khác. Chỉ duy một điều chúng ta có thể chắc chắn là ta sẽ không thể thoát khỏi đáy sâu của các cõi thấp. Đó là lý do tại sao một tia lửa nhỏ công đức cũng đáng giá hơn một trái núi nỗ lực.
Những hoạt động luân hồi nối tiếp, chẳng bao giờ chấm dứt, liệu chúng có lợi ích gì không? Mọi nỗ lực chúng ta từng thực hiện trong vòng luân hồi từ vô thủy chỉ nhằm đạt được những gì ta mong muốn, song chúng không đem lại cho ta điều gì ngoài sự đau khổ. Trong quá khứ, nếu chúng ta dùng mọi năng lực mà ta đã dành cho những mục đích thế tục, hoặc trong những năm đầu, hoặc trong những năm cuối của một đời duy nhất, nếu ta hiến dâng những năng lực này cho Pháp, thì giờ đây chúng ta đã chứng thành Phật quả. Và nếu không được như thế, thì ít nhất, chúng ta sẽ không bao giờ phải hứng chịu đau khổ trong những cõi thấp một lần nữa.
Chúng ta nên thiền quán như sau: giờ đây là lúc ta hiểu rõ sự khác biệt giữa những gì ta nên làm và những gì nên tránh, hãy ngừng đặt các hy vọng lớn lao nơi những công trình của luân hồi, vì chúng là những thứ mà ta sẽ chẳng bao giờ hoàn tất – và thay vào đó, hãy thực hành Giáo Pháp chân chính, nơi đó sự thành tựu là điều chắc chắn.
4.3.4 Nỗi khổ vì gặp những điều không mong muốn
Không ai trong chúng ta ở thế gian này ước muốn bất kỳ loại đau khổ nào đã được mô tả ở đây, tuy nhiên chúng ta luôn phải trải qua đau khổ dù có muốn hay không? Chẳng hạn, có những người, do những hành vi trong quá khứ, phải làm bộ hạ của một kẻ thống trị hay làm nô lệ của kẻ giàu có. Trái với ước muốn của mình, họ hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của chủ, không có được một giây phút tự do nào. Họ có thể bị trừng phạt dữ dội vì một lỗi lầm rất nhỏ mà chẳng thể làm được gì. Cho dù ngay bây giờ họ bị dẫn đến nơi hành hình, họ biết rằng mình không thể trốn thoát.
Chúng ta luôn luôn phải gặp những điều mình không mong muốn. Như Đấng Toàn Giác Longchenpa nói:
Bạn thích sống với gia đình và những người thương yêu.
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải bỏ lại họ.
Bạn thích được giữ căn nhà xinh đẹp của mình
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải để nó lại phía sau.
Bạn thích được hưởng thụ hạnh phúc, giàu sang và an nhàn
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải đánh mất chúng.
Bạn thích giữ đời người tuyệt hảo này với những tự do
và thuận lợi của nó
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải chết.
Bạn thích được học Giáo Pháp với vị Thầy phi thường
của bạn
Mãi mãi, nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ phải chia ly.
Bạn thích được ở bên những thiện tri thức tốt lành,
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn sẽ phải rời xa.
Ôi những người bạn của ta, những người đã vỡ mộng về cõi luân hồi
Ta, kẻ ăn mày vô-Pháp, thúc đẩy các bạn:
Từ hôm nay, hãy mặc áo giáp của nỗ lực, bởi đã tới lúc
Phải băng qua sinh tử để đến xứ sở của đại lạc là nơi không có sự cách ngăn.
Của cải, tài sản, sức khỏe, hạnh phúc và được nhiều người mến mộ, tất cả đều là kết quả của những thiện hạnh trong quá khứ. Nếu bạn từng tích lũy những thiện hạnh trong quá khứ, thì kết quả là tất cả những điều này sẽ đến với bạn một cách tự nhiên cho dù bạn có muốn hay không. Nhưng nếu không có những thiện hạnh đó thì dù nỗ lực đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng không đạt được những gì mong muốn. Tất cả những gì bạn sẽ thâu hoạch được là những thứ bạn ít mong muốn nhất. Vì thế, khi bạn thực hành Pháp, hãy nương tựa vào kho tài sản vô tận là sự hài lòng với bất kỳ những gì xảy đến. Nếu không, một khi bạn bắt đầu thực hành, chắc chắn là những tham vọng thế gian của bạn trong đời này sẽ làm bạn phiền não và khiến cho các bậc linh thánh phải phật lòng. Ngài Jetsun Mila hát:
Những gì mà Đức Thế Tôn, Đấng Chiến Thắng
đã giảng dạy, chủ yếu là
Làm thế nào thoát khỏi tám mối quan tâm thế tục.
Nhưng hỡi những kẻ tự cho là uyên bác thời nay –
Không phải là những mối quan tâm thế tục ấy còn nảy nở lớn hơn trước nữa hay sao?
Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy những giới luật để tuân theo
Nhờ đó người ta có thể rút lui khỏi mọi công việc thế gian.
Nhưng những tu sĩ thời nay, những kẻ tuân theo giới luật này
Không phải là những công việc thế gian của họ lại còn nhiều gấp bội lần hơn trước hay sao?
Ngài dạy làm thế nào để sống như những bậc hiền thánh ngày xưa
Nhờ đó người ta có thể cắt đứt những ràng buộc với
bạn bè và thân quyến.
Nhưng những kẻ sống như những bậc thánh thời nay
Chẳng quan tâm là người ta tới thăm họ thậm chí còn nhiều hơn trước hay sao?
Tóm lại, tu tập mà không nhớ tới cái chết,
Thì bất cứ Giáo Pháp nào cũng vô ích.
Nhân loại sống trong thời buổi suy thoái ngày nay ở bốn châu lục của thế giới này, nhưng đặc biệt là ở đây trong cõi Nam Thiện Bộ Châu, Diêm Phù Đề (Jambudvipa) này, bị tước đi ngay cả những cơ hội hạnh phúc nhỏ bé nhất. Cuộc sống của họ tràn ngập đau khổ. Ngày nay, suy thoái gia tăng cùng mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi bữa ăn, mỗi sáng và mỗi tối trôi đi vun vút. Đại kiếp đang đi từ chỗ xấu tới chỗ tệ hại hơn. Giáo lý của Đức Phật và hạnh phúc của chúng sinh càng lúc càng suy tàn hơn. Hãy suy ngẫm về tất cả những điều này và hãy phát triển một tâm cảm chán ngán luân hồi. Hơn nữa, châu Diêm Phù Đề này mang lại một năng lực đặc biệt cho các hậu quả của những hành vi,60 là điều làm cho mọi sự – tốt hay xấu, dễ chịu và khó chịu, cao và thấp, Pháp hay phi – Pháp – đều rất khó tiên đoán. Bạn nên tự mình thấu hiểu các sự việc ra sao, và hãy hoàn toàn minh bạch trong tâm thức về những gì nên làm và những gì nên tránh. Hãy đưa lời khuyên của Đấng Toàn Giác Longchenpa vào thực hành:
Đôi khi hãy nhìn vào những gì bạn thấy là thuận lợi;
Nếu bạn biết nó chỉ là sự tri giác, mọi sự bạn kinh nghiệm
sẽ trở nên lợi lạc.61
Đôi khi hãy nhìn vào những gì bạn thấy là bất lợi và tai hại;
Điều này thì tối yếu, sẽ khiến bạn kinh sợ việc bạn nhìn
mọi sự theo cách thức mê lầm.
Đôi khi hãy nhìn vào bạn bè của mình và các bậc Thầy
của những người khác;
Việc phân biệt người tốt với người xấu sẽ khiến bạn
hứng khởi trong việc thực hành.62
Đôi khi hãy nhìn vào sự phô diễn kỳ diệu của tứ đại
trong không gian;
Bạn sẽ thấy làm thế nào mọi tạo tác lắng xuống trong
chân tánh của tâm.63
Đôi khi hãy nhìn vào xứ sở, nhà cửa và tài sản của bạn;
Khi thấu hiểu chúng là mộng huyễn, bạn sẽ cảm thấy
ghê sợ trước cách nhìn lầm lạc của bạn.
Đôi khi hãy nhìn vào của cải và tài sản của người khác;
Khi thấy họ đáng thương ra sao, bạn sẽ bỏ đi tham vọng của cõi luân hồi.
Tóm lại, khi khảo sát bản tánh của tất cả mọi sự trong
mọi vẻ đa dạng của nó,
Bạn sẽ tiêu diệt được mê lầm của việc bám chấp vào mọi thứ như là thật
- A TU LA
Các A Tu La – hay các bán thiên – vốn là địch thủ của chư thiên – được hưởng thụ nhiều khoái lạc và thừa thãi về vật chất. Tuy nhiên, từ những kiếp trước họ có một khuynh hướng mạnh mẽ về sự ganh tị, gây hấn và tranh đấu. Kết quả của những hành vi bất thiện đó trong quá khứ là ngay sau khi mang thân tướng hiện tại của A tu la, họ bắt đầu kinh nghiệm những cảm giác ganh tị dữ dội.
Thậm chí ngay trong cõi của họ cũng có những cuộc tranh cãi giữa các lãnh thổ và địa phận, và họ tiêu phí toàn bộ thời gian của mình để chiến đấu và gây hấn với nhau về những bất đồng như vậy.
Nhưng tệ hại hơn, khi nhìn lên cõi Trời, họ có thể thấy chư thiên giàu có tột bậc. Họ cũng thấy rằng mọi ước muốn và nhu cầu của chư thiên được một cây như ý cung cấp – tuy nhiên rễ cây ấy lại nằm trong cõi của họ. Nhìn thấy những điều đó, tâm họ tràn ngập một mối oán giận không thể nào chịu nổi. Khoác áo giáp và chộp lấy các vũ khí, họ lên đường gây chiến với chư thiên. Ngay khi chư thiên nhìn thấy những gì xảy ra, họ đi tới Khu Rừng Gây Gổ,64 và đến lượt họ mặc giáp và nhặt vũ khí lên. Chư thiên giữ một con voi ba mươi ba đầu gọi là Kiên Định Siêu Phàm. Vua Trời Đế Thích (Indra) của họ ngự trên đầu voi ở giữa, cùng với tất cả các đại thần bao quanh trên ba mươi hai đầu kia. Vô số các vị Trời với vẻ tráng lệ đầy hào quang ánh sáng, cất cao tiếng hô xung trận. Khi trận chiến bắt đầu, chư thiên thả xuống một trận mưa vũ khí – chày, giáo, bánh xe, những mũi tên khổng lồ v..v.. Năng lực huyền diệu của họ khiến họ có sức mạnh lôi những ngọn núi lớn vào lòng và ném chúng xuống như hỏa tiễn. Vì những hành động trong quá khứ của họ, chư thiên cao lớn hơn con người bảy lần, nhưng các bán thiên A tu la thì nhỏ hơn chư thiên nhiều. Chư thiên chỉ có thể bị giết khi cắt đứt đầu họ; nhờ chất cam lồ linh thiêng của họ mà bất kỳ vết thương nào khác trên thân họ cũng sẽ lành lặn tức thì. Nhưng các bán thiên A tu la lại chết y hệt như con người khi bị đánh trúng vào một bộ phận quan trọng nào đó trên thân thể. Do đó họ bị thua rất nhiều trận. Trong những chiến lược khác, chư thiên phái một con voi điên cuồng vì hơi men được gọi là Kẻ Bảo Vệ Tất Cả. Một bánh xe có các lưỡi kiếm được cột vào nó đã khiến cho hàng trăm ngàn A tu la phải bỏ mạng. Thi thể họ đổ nhào xuống sườn Núi Tu Di, và rơi xuống những Hồ Đại Hoa Mỹ phía dưới làm nước hồ loang đầy màu máu.
Trong cõi A tu la này, cùng những cuộc chiến đấu và gây hấn thường xuyên, họ cũng không thoát khỏi đau khổ. Hãy thiền định về số phận của họ từ tận đáy lòng bạn.
- Chư Thiên (Các vị Trời)
Chư Thiên vui hưởng sức khỏe, sự tiện nghi, của cải và hạnh phúc toàn hảo suốt mọi cuộc đời của họ. Tuy nhiên, họ tiêu phí thời gian trong những thú tiêu khiển và ý tưởng thực hành Pháp không bao giờ đến với họ. Suốt trong cả cuộc đời có thể kéo dài cả một đại kiếp, chẳng bao giờ niệm tưởng thực hành Pháp khởi lên trong tâm họ dù chỉ trong chốc lát. Rồi khi đã lãng phí cả cuộc đời trong sự phóng dật, đột nhiên họ phải đối diện với cái chết. Tất cả các vị trời trong sáu cõi trời Dục Giới, từ cõi trời của Tứ Thiên Vương cho tới cõi được gọi là Hóa Lạc, đều phải chịu đựng nỗi khổ của sự chết và luân hồi.
Có năm dấu hiệu báo trước cái chết của một vị Trời. Thân họ bình thường vốn chói sáng, cách xa một lý (khoảng 4,8km) hay vài dặm vẫn có thể nhìn thấy, bây giờ mờ dần đi. Ngai tòa mà trước đây họ không bao giờ cảm thấy mỏi mệt khi ngự trên đó thì giờ đây không còn làm họ vừa lòng; họ cảm thấy thiếu tiện nghi và không còn thoải mái. Những vòng hoa của họ trước đây cho dù lâu đến đâu cũng chẳng bao giờ tàn, nhưng trải qua bao thời gian, giờ đây đã khô héo. Y phục của họ luôn luôn sạch sẽ tinh tươm dù có mặc bao lâu thì nay trở nên cũ, dơ bẩn và bắt đầu bốc mùi. Thân họ bắt đầu đổ mồ hôi dù trước đây không bao giờ như vậy. Khi năm dấu hiệu đưa họ gần tới cái chết bắt đầu xuất hiện, họ rất đau khổ vì biết chẳng bao lâu nữa mình cũng sẽ chết. Bằng hữu và những người thân yêu của họ cũng biết những gì sắp xảy ra với họ; nhưng họ không thể tới gần nữa, mà chỉ đứng ở xa ném hoa và nói những lời chúc tốt lành: “Khi Ngài chết và từ giã nơi đây, cầu xin Ngài được tái sinh vào cõi người. Cầu mong ngài làm nhiều việc thiện và lại được tái sinh vào cõi Trời.” Với những lời đó, họ từ bỏ vị trời đang hấp hối. Hoàn toàn cô độc, vị trời đang hấp hối phải chìm đắm trong nỗi buồn sầu. Bằng thiên nhãn, họ biết nơi mình sắp tái sinh. Nếu phải tái sinh ở trong một cõi đau khổ, thì thậm chí những dày vò của việc bị đọa lạc làm họ choáng váng trước khi những đau khổ của việc chuyển kiếp chấm dứt. Khi những đau khổ này trở nên mãnh liệt gấp hai rồi gấp ba lần, khiến họ tuyệt vọng và than khóc trong bảy ngày liền trên cõi Trời. Bảy ngày trong cõi Trời Ba mươi ba bằng bảy trăm năm trong cõi người. Trong thời gian đó, khi nhìn lại và hồi tưởng mọi phúc lạc và sung sướng mà họ đã từng vui hưởng, họ nhận ra là mình không thể nán ở lại được nữa vì đã mất hết quyền năng, và họ phải trải qua nỗi khổ của sự chuyển kiếp; rồi nhìn về phía trước, khi đã bị dày vò bởi thị kiến có được về nơi tái sinh trong tương lai, họ phải trải qua nỗi đau khổ của việc bị đọa vào cõi thấp hơn. Nỗi đau đớn của cả hai tâm trạng này còn ghê gớm hơn cả nỗi khổ trong địa ngục.
Trong hai cõi trời cao nhất,65 không có những đau khổ rõ ràng của cái chết và sự chuyển kiếp. Tuy nhiên, khi kết quả của những hành vi đã đưa họ đến đây bị cạn kiệt thì những vị Trời này rơi vào những cõi thấp như thể thức dậy sau giấc ngủ. Nỗi đau khổ của họ là như vậy. Như Đức Long Thọ nói:
Hãy biết rằng ngay cả bản thân Trời Phạm Thiên (Brahma),
Sau khi có được hạnh phúc nhờ thoát khỏi vướng mắc
Đến lượt ông ta phải chịu đau khổ không ngừng dứt
Như dầu đốt lửa của Địa ngục Đau Khổ Tột Độ.
Do đó, dù chúng ta sinh ở bất kỳ nơi đâu trong sáu cõi, mọi sự đều có một bản chất là đau khổ, mọi sự đều là chồng chất đau khổ, mọi sự đều là một cỗ máy của đau khổ – và không là gì khác hơn ngoài đau khổ. Nó giống như một hầm lửa, một hòn đảo của lũ quỷ cái ăn thịt người, một vực sâu trong đại dương, đầu lưỡi dao hay một hầm phân. Ta không thể tìm ra chút xíu an bình nào. Theo Kinh Giáo Pháp Siêu Việt về Hồi Ức Trong Sáng:
Chúng sinh trong địa ngục đau khổ vì lửa – địa ngục,
Ngạ quỷ đau khổ vì đói và khát,
Súc sinh đau khổ bởi việc ăn thịt lẫn nhau,
Loài người đau khổ vì cuộc đời ngắn ngủi,
A Tu La đau khổ vì chiến tranh và tranh chấp,
Và chư Thiên đau khổ vì sự thiếu tỉnh giác của họ.
Chẳng bao giờ có hạnh phúc trong luân hồi sinh tử
dù chỉ nhỏ bằng một đầu kim.
Và Đức Di Lặc có nói:
Cũng như không có mùi thơm trong một hố phân,
Không có hạnh phúc trong năm loại chúng sinh.66
Đạo Sư Vĩ đại xứ Oddiyana nói:
Ta được biết rằng không tìm ra trong vòng luân hồi này
Sẽ không tìm ra được hạnh phúc dù nhỏ như đầu mũi kim.
Nhưng nếu ngẫu nhiên ta tìm được chỉ một ít,
Thì hạnh phúc ấy sẽ chứa đựng nỗi khổ của sự biến đổi.
Càng quán chiếu về những điều này và những đoạn văn tương tự khác, bạn sẽ càng nhận ra rằng cho dù bạn sinh ra ở đâu; từ đỉnh cao của sự sống xuống tới địa ngục sâu thẳm nhất, đều không có ngay cả một khoảnh khắc an nhàn hay hạnh phúc thực sự. Mọi sự chẳng có chút ý nghĩa nào. Hãy suy ngẫm về luân hồi sinh tử và những đau khổ của sinh tử cho tới khi bạn không tham muốn gì về cõi luân hồi nữa, giống như người đau gan được mời ăn một món thức ăn có nhiều mỡ béo vậy.
Đừng nên bằng lòng với việc chỉ đơn thuần nghe nói về những đau khổ này và hiểu chúng một cách trí thức. Hãy thấu hiểu những điều đó và kinh nghiệm những đau khổ ấy với toàn bộ trí tưởng tượng của bạn cho tới khi nào bạn thực sự tin tưởng vào những điều đó. Khi có được sự xác quyết này, thì việc tránh làm những hành vi tiêu cực và ưa thích làm những hành vi tích cực sẽ đến với bạn một cách tự nhiên không cần ép buộc.
Em họ của Đức Phật là Nanda, rất luyến ái người vợ và không muốn từ bỏ thế gian. Mặc dù bằng những phương tiện thiện xảo Đức Phật đã thuyết phục ông đi vào Giáo Pháp và trở thành một tu sĩ, ông ta đã không tuân theo giới luật. Ông sắp bỏ trốn thì Đức Phật dùng thần lực đem ông lên một đỉnh núi tuyết và cho ông ta thấy một con khỉ cái một mắt.
Đức Phật hỏi Nanda: “Ông thấy Pundarika vợ của ông và con khỉ này ai đẹp hơn?”
Nanda trả lời: “Vợ con, nàng đẹp hơn gấp trăm, gấp ngàn lần!”
“Được rồi,” Đức Phật trả lời. “Bây giờ chúng ta hãy lên cõi Trời.”
Khi đến nơi, Đức Phật ngồi xuống và bảo Nanda đi quan sát một vòng. Mỗi một vị trời sống trong cung điện riêng, chung quanh có nhiều thiên nữ trẻ, và hưởng thụ những khoái lạc, hạnh phúc và sự dư dật không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, có một cung điện có nhiều thiên nữ nhưng không có vị trời nào. Nanda hỏi tại sao, và được trả lời: “Trong cõi người, có một người đàn ông tên Nanda, một người em họ của Đức Phật, đang tuân giữ giới luật tu viện. Hành động này sẽ dẫn ông tái sinh vào cõi thiên, và khi đó cung điện này sẽ là của ông ta.”
Nanda vui mừng khôn xiết. Khi trở lại với Đức Phật, Phật hỏi, “Ông có thấy cõi trời chưa?”
“Tất nhiên là con thấy rồi!”
“Tốt. Ông thấy vợ ông hay những thiên nữ trẻ ai đẹp hơn?”
“Những người con gái của các vị trời đẹp hơn nhiều,” Nanda trả lời: “Quả thực, sắc đẹp của họ vượt xa sắc đẹp của Pundarika cũng như sắc đẹp của Pundarika vượt xa con khỉ một mắt mà chúng ta thấy trước đó.”
Khi trở về thế gian, Nanda giữ gìn giới luật tu viện thật hoàn hảo.
Sau đó Đức Phật nói với những tu sĩ: “Nanda đã từ bỏ cuộc sống thế gian để được sinh vào những cõi trời,” Ngài nói, “Nhưng tất cả các ông trở thành tu sĩ để vượt thoát đau khổ. Các ông và ông ta không cùng một con đường. Đừng nói chuyện với ông ta nữa. Không nên thân mật với ông ta. Thậm chí không nên ngồi cùng chỗ với ông ta!”
Tất cả tu sĩ vâng lời, và Nanda rất bối rối. Ông nghĩ: “Ananda là em trai ta; tối thiểu chú ấy vẫn còn chút tình cảm với ta.” Nhưng khi ông ta đi gặp em, Ananda đứng dậy và bỏ đi. Nanda hỏi tại sao, và Ananda thuật lại những điều Đức Phật đã nói. Nanda rất đau khổ.
Cuối cùng Đức Phật đến với ông và nói, “Nanda, ông có muốn đi thăm các địa ngục không?” Nanda đồng ý, và Đức Phật đưa cả hai xuống đó bằng thần lực. “Hãy đi và quan sát chung quanh,” Ngài nói.
Vì vậy, Nanda bắt đầu thám hiểm, thăm tất cả cảnh giới của địa ngục cho tới khi ông đi qua một nơi có một cái vạc trống không, trong đó có một ngọn lửa cháy kêu tanh tách và rất đông thuộc hạ của Thần Chết đang vây quanh. Ông hỏi họ tại sao trong cái vạc không có ai.
“Có một người em họ trẻ tuổi của Đức Phật tên là Nanda,” họ trả lời: “Ông ta đang thực hành giới luật tu viện với ý định được tái sinh làm một vị trời. Sau khi hưởng thụ hạnh phúc của cõi trời, khi công đức đã cạn kiệt, ông ta sẽ tái sinh vào đây.”
Nanda hoảng sợ. Khi trở về ông ta suy nghĩ kỹ về các sự việc. Trong tương lai được sinh vào cõi trời và sau đó kết thúc ở các cõi địa ngục thì chẳng có ý nghĩa gì hết, vì thế ông phát triển một quyết tâm thực sự để tìm cách thoát khỏi luân hồi. Khi đã nhìn tận mắt các cõi địa ngục, ông không bao giờ làm bất kỳ điều gì vi phạm giới luật dù nhỏ nhặt nhất, và Đức Phật tán thán ông là đệ tử tuyệt hảo nhất trong việc thu thúc các căn.
Chúng ta không cần phải đi quá xa để tận mắt thấy các cảnh địa ngục. Một hình ảnh đơn giản cũng đủ làm chúng ta kinh sợ và củng cố ý muốn giải thoát của mình. Chính vì lý do này mà Đức Phật yêu cầu vẽ bánh xe năm nhánh tượng trưng cho vòng luân hồi được vẽ tại cửa thiền đườngcủa Tăng đoàn. Như Đức Long Thọ đã nói:
Nếu chỉ nhìn những hình ảnh của các địa ngục,
tai nghe những điều mô tả,
Hoặc đọc và suy nghĩ về địa ngục đã khiến bạn kinh sợ như vậy,
Thì bạn sẽ làm gì khi trải nghiệm ở đó
Toàn bộ những kết quả sẽ trổ ra từ những hành vi của bạn mà không sao ngăn cản được
Vì thế, hãy quán chiếu về những loại đau khổ khác nhau trong luân hồi. Từ tận đáy lòng bạn, hãy vất bỏ mọi mục đích tầm thường của cuộc đời này. Trừ phi bạn hoàn toàn từ bỏ những hoạt động thế gian, bất kỳ Giáo Pháp nào mà bạn tuyên bố là đang thực hành sẽ không thể dẫn đến thành tựu.
Khi Ngài Atisa sắp viên tịch, một hành giả du già đến hỏi Ngài: “Sau khi Ngài viên tịch, con có nên thiền định không?”
“Cho dù ông thiền định, liệu nó có thực sự là Giáo Pháp không?” Ngài Atisa hỏi ông ta.
“Vậy thì, con có nên giảng dạy hay không?”
Vị Đạo sư trả lời như trước.
“Vậy, con nên làm gì?”
“Tất cả những gì ông nên làm là hoàn toàn nương tựa vào Tonpa và chí tâm từ bỏ cuộc đời này,” Ngài Atisa trả lời.
Một câu chuyện khác kể về một nhà sư đang đi nhiễu quanh Tu Viện Radreng thì gặp Geshe Tonpa. Vị Geshe nói: “Tu sĩ đáng kính, đi nhiễu là một việc tốt, nhưng việc thực hành Giáo Pháp đích thực không tốt hơn hay sao?”
Nhà sư tự nghĩ: “Có lẽ việc đọc kinh điển Đại Thừa thì cần thiết hơn là đi nhiễu.” Vì thế ông ta đọc kinh điển trên ban công nhìn ra sân giảng ngoài trời.
Sau một lát, Ngài Geshe Tonpa nói với ông ta: “Đọc giáo lý cũng là một việc tốt, nhưng thực hành Giáo Pháp đích thực lại không tốt hơn hay sao?”
Một lần nữa, nhà sư suy nghĩ kỹ về điều đó: “Điều này hẳn có nghĩa là thực hành thiền định thì tốt hơn đọc Kinh điển.” Do đó ông ta hoãn việc đọc Kinh và bắt đầu dùng thời giờ để ngồi trên giường với đôi mắt nhắm hờ.
Một lần nữa, Ngài Tonpa nói với ông ta: “Thiền định là một việc tốt, nhưng thực hành Giáo Pháp đích thực không tốt hơn hay sao?”
Bị bí lối, nhà sư kêu lên: “Ngài Geshe tôn kính, vậy con nên làm gì để thực hành Giáo Pháp?”
“Tu sĩ đáng kính,” Ngài Geshe trả lời, “Hãy từ bỏ đời này! Hãy từ bỏ đời này!”
Chính tất cả những hoạt động tầm thường và những ràng buộc hạn chế trong những lo toan của cuộc đời này, bây giờ và mãi mãi, đã ngăn trở khiến ta không thoát khỏi những cảnh giới đau khổ của luân hồi. Nếu ta xa rời một vị Thầy chân chính thì không ai khác có thể thực sự chỉ dạy cho ta điều gì phải làm để chặt đứt sợi dây neo cột chặt chúng ta vào cuộc đời này và để đạt được giác ngộ trong những đời tương lai của ta. Hãy bỏ lại đằng sau tất cả những mối bận tâm của cuộc đời này – thân quyến và bằng hữu, bè bạn và những người thân yêu, thực phẩm, của cải và tài sản – giống như nhổ nước bọt vậy. Hãy bằng lòng với bất kỳ thực phẩm và quần áo nào có thể đến với bạn, và hoàn toàn hiến mình cho Giáo Pháp. Ngài Padampa Sangye có nói:
Vật chất thì giống như mây mù;
Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng có thể trường tồn.
Sự mến mộ ưa chuộng giống như tiếng vang; chớ đeo đuổi sự kính trọng, hãy tìm theo tánh thật của nó.
Quần áo đẹp giống như những màu sắc trong một cầu vồng; hãy ăn mặc đơn giản và chuyên tâm thực hành.
Thân thể này là một cái bao chứa máu; mủ
và dịch chất; đừng yêu quý nó.
Ngay cả những bữa ăn ngon lành cũng biến thành
chất bẩn; đừng quá coi trọng miếng ăn.
Các hiện tượng xuất hiện như những kẻ thù;
hãy sống trong ẩn thất hay núi non.
Những cây gai tri giác hư huyễn xé rách tâm thức;
hãy kinh nghiệm chúng có bản tánh bình đẳng.
Mọi tham dục và mong cầu đều phát xuất từ chính bạn;
hãy gìn giữ bản tánh rốt ráo của tâm.
Viên ngọc quý báu nhất ở ngay trong bạn;
đừng mong mỏi thực phẩm và của cải.
Nói nhiều chỉ đem lại những tranh cãi;
hãy hành động như thể bạn bị câm.
Tâm có năng lực tự nhiên của nó;67
đừng chạy theo tiếng gọi của bao tử bạn.
Những ân phước xuất hiện từ tâm;
hãy cầu nguyện Lạt ma và Bổn Tôn của bạn.
Chớ ở lâu bất kỳ nơi đâu; nếu bạn ở một nơi nào
quá lâu, bạn sẽ phê phán ngay cả Đức Phật.
Hãy hành động khiêm tốn; hãy từ bỏ thái độ kiêu căng.
Cuộc đời không kéo dài lâu; giờ đây hãy thực hành ngay,
đừng chậm trễ.
Bạn giống như một lữ khách trong cuộc đời này;
đừng xây một tòa lâu đài ở nơi bạn chỉ lưu lại một lát.
Chẳng hành động nào đem lại ích lợi;
hãy đặt thành tựu nơi công phu thực hành.
Bạn chẳng thể nào biết được khi nào thân bạn trở thành
mồi cho giòi bọ hay hoàn toàn biến mất;
chớ bị phân tâm bởi những hiện tượng của cuộc đời này.
Bạn bè và thân quyến giống như những con chim nhỏ
trên cành; đừng vướng mắc với họ.
Lòng tín tâm vững chắc giống như một nền tảng tuyệt vời;
đừng bỏ quên nó trong đống rác cảm xúc bất thiện.
Thân người này như một viên ngọc như ý quý giá,
chớ trao nó cho kẻ thù của bạn, là sự thù hận.
Samaya (mật nguyện) giống như một tháp canh;68
đừng làm nhiễm ô nó bằng những lỗi lầm.
Trong lúc Đạo sư Kim cương vẫn ở trong bạn;
Đừng để Giáo Pháp bị cuốn trôi vào sự biếng lười.
Để thực sự thực hành và kinh nghiệm Giáo Pháp, điều quan trọng là bạn phải nhận ra rằng mọi sự trong luân hồi thì hoàn toàn vô nghĩa biết bao. Cách duy nhất để phát triển nhận thức đó là thiền quán về những nỗi thống khổ và tai họa của luân hồi. Hãy quán chiếu về nó cho đến khi bạn đạt được sự hiểu biết và niềm tin tưởng sâu xa rằng toàn bộ cõi luân hồi thì ngập tràn đau khổ.
Dấu hiệu cho thấy thiền định đã thật sự bén rễ trong bạn, là bạn cảm thấy giống như Geshe Langri Thangpa. Một ngày nọ, một trong những thị giả thân cận nói với Ngài: “Người ta gọi Ngài là Langri Thangpa Mặt Sầu Bi” (Langri Thangpa Tang – diện).
“Làm sao mặt ta có thể tươi sáng và vui vẻ được khi ta nghĩ về mọi nỗi khổ trong ba cõi luân hồi?” vị Geshe trả lời.
Người ta nói rằng Ngài Langri Thangpa chỉ từng cười có một lần. Ngài thấy một con chuột đang cố di chuyển một viên lam ngọc trên mạn đà la của Ngài. Nhưng một mình nó không thể nhấc nổi viên ngọc, nên nó gọi: “Tsik! tsik!” và con chuột khác chạy đến. Một con đẩy viên ngọc trong khi con kia kéo. Điều này khiến Ngài Langri Thangpa mỉm cười.
Thiền định về những nỗi đau khổ của luân hồi là nền tảng và là sự hỗ trợ giúp cho tất cả mọi phẩm tính tốt lành trên con đường tu tập. Công phu thiền định sẽ xoay chuyển tâm bạn hướng về Pháp. Cho bạn sự xác tín vào nguyên lý nhân quả trong tất cả những hành vi của bạn. Nó khiến bạn quay lưng lại với những mục đích của cuộc đời này. Và sẽ khiến bạn cảm nhận lòng từ và bi đối với tất cả chúng sinh.
Chính Đức Phật, trong ba lần chuyển Pháp luân, khi chỉ rõ tầm quan trọng của việc nhận diện đau khổ, đã bắt đầu bằng những lời dạy sau: “Hỡi các tu sĩ, cuộc đời này là đau khổ.”
Vì vậy, hãy đưa nó vào thực hành cho tới khi bạn hoàn toàn tin tưởng và xác quyết rằng luân hồi là đau khổ.
Nhìn thấy luân hồi là đau khổ,
nhưng con vẫn còn khao khát vòng sinh tử.
Sợ hãi vực thẳm của những cõi thấp,
nhưng con tiếp tục làm điều sai trái.
Xin hãy từ bi gia hộ cho con và những kẻ lạc lối như con
Để chúng con có thể thành thật từ bỏ những đa đoan
của cuộc đời này.
Gampopa (1079–1153)
Cũng được gọi là Dagpo Rinpoche. Một trong những đệ tử chính của Milarepa và là một Đạo sư quan trọng trọng của dòng truyền thừa Kagyu.
CHƯƠNG BỐN
CÁC HÀNH VI (NGHIỆP): LUẬT NHÂN QUẢ
Ngài từ bỏ việc xấu và làm việc thiện,
như trong giáo lý về nhân quả.
Hành động của Ngài đi theo sự phát triển của các Thừa.69
Nhờ cái Thấy viên mãn, Ngài thoát khỏi mọi bám chấp.
Bậc Thầy Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài!
Thái độ giải thích và nghiên cứu chương này thì tương tự như thái độ đối với những chương khác. Chủ đề trong chương này sẽ được giải thích dưới ba đề mục: hành động tiêu cực (ác hạnh) là những gì nên từ bỏ; hành động tích cực (thiện hạnh) là những điều nên tuân theo; và tính chất hoàn toàn quyết định của các hành vi tạo nghiệp.
I. NHỮNG HÀNH ĐỘNG TIÊU CỰC PHẢI TỪ BỎ
Điều khiến cho chúng ta phải tái sinh trong những cõi cao hay thấp của luân hồi chính là những hành vi thiện hay ác mà bản thân chúng ta đã tích lũy. Chính vòng luân hồi được tạo nên bởi các hành vi này, và bao gồm tất cả những kết quả của các hành vi ấy – và không có bất cứ điều gì khác đưa chúng ta vào những cảnh giới cao hay thấp. Đây cũng chẳng phải chỉ là sự ngẫu nhiên. Vì thế, vào mọi lúc, chúng ta nên luôn luôn khảo sát những hậu quả của hành động tích cực và tiêu cực, và cố tránh mọi điều xấu và làm những điều tốt.
- Mười hành vi bất thiện nên tránh (Thập ác)
Ba hành vi trong số mười hành vi bất thiện là những hành vi thuộc về thân: sát sinh, lấy những gì không được cho, và tà dâm (quan hệ tình dục bất chánh); bốn hành vi thuộc về khẩu: nói dối, gieo mối bất hòa, nói lời cay nghiệt, và nói chuyện phiếm vô ích; ba hành vi thuộc về ý: tham muốn, muốn làm tổn hại người khác, và quan điểm sai lạc (tà kiến).
1.1 Sát sinh
Sát sinh có nghĩa là cố ý làm bất cứ điều gì để kết thúc sinh mạng của một chúng sinh khác, dù là người, súc vật hoặc bất kỳ sinh linh nào khác.
Người lính giết kẻ địch trong chiến trận là một ví dụ của việc sát sinh vì thù hận (sân). Việc giết một con thú hoang để ăn thịt hay lấy da của chúng làm y phục là sát sinh bởi lòng tham. Giết mà không biết hậu quả là đúng hay sai – hay như những kẻ ngoại đạo (tirthika) tin rằng đó là một việc đức hạnh – là sát sinh bởi sự vô minh (si).
Có ba trường hợp sát sinh được gọi là những hành vi có quả báo tức thời (hiện báo), vì những hành vi này dẫn đến sự tái sinh ngay lập tức trong Địa Ngục Đau Khổ Tột Cùng (Địa Ngục Vô Gián) mà không kinh qua trạng thái trung ấm, đó là: giết cha, giết mẹ, và giết một vị A La Hán.70
Một số người trong chúng ta nghĩ rằng chỉ phạm tội sát sinh khi có hành vi giết hại cụ thể bằng chính đôi bàn tay của mình và tưởng tượng rằng mình vô tội vì chưa bao giờ phạm tội sát sinh. Nhưng ngay từ đầu thì không một ai trong chúng ta, dù cao hay thấp, mạnh mẽ hay yếu đuối lại chưa từng phạm lỗi đạp chết vô số côn trùng dưới chân khi dạo bước.
Đặc biệt hơn, những Lạt ma và tu sĩ khi tới thăm nhà các tín chủ, được dâng cúng máu và thịt của thú vật bị giết và được nấu thành thức ăn cho họ, và mùi vị của thịt hấp dẫn họ tới nỗi họ ngấu nghiến món ăn với sự khoái trá mà không có chút xíu ân hận hay thương xót nào đối với những con vật bị giết. Trong những trường hợp như vậy, hậu quả ác nghiệp của người sát sinh sẽ đổ xuống cho cả chủ lẫn khách không hề có sự khác biệt.
Khi những nhân vật quan trọng và viên chức chính quyền đi du hành, dù họ đi tới đâu thì cũng có vô số súc vật bị giết để dùng vào việc tổ chức những buổi tiệc trà và tiệc chiêu đãi. Những người giàu có giết vô số súc vật theo thói quen. Trong số tất cả gia súc, ngoại trừ một vài con vật già nua, họ không để bất cứ con vật nào chết tự nhiên mà đều giết thịt từng con một khi các con vật ấy lớn dần. Hơn nữa, trong mùa hè, chính những con trâu bò và những con cừu này, khi chúng ăn cỏ thì chúng lại giết hại vô số côn trùng, ruồi, kiến và thậm chí cả cá con và ếch nhái, trong khi chúng đang nuốt cỏ, chúng nghiền nát những con côn trùng này dưới bộ móng của chúng, hay làm những con côn trùng bị ngập lún trong phân. Hậu quả của ác nghiệp của tất cả những hành động này sẽ xảy tới với chủ nhân cũng như cho các con vật. Nếu đem so sánh với ngựa, trâu bò và những loại gia súc khác thì cừu là một nguồn đặc biệt gây nhiều tổn hại. Khi chúng ăn cỏ, chúng nuốt mọi sinh vật nhỏ – ếch, rắn, chim con, v.v.. Khi bị xén lông vào mùa hè, hàng trăm ngàn sinh vật sống trên mỗi bộ lông cừu đều bị giết chết. Lúc sinh đẻ vào mùa đông, không tới phân nửa cừu con được giữ lại, còn bao nhiêu đều bị giết thịt khi vừa sinh ra. Cừu mẹ được dùng để lấy sữa và sinh sản cho tới khi chúng quá già và suy kiệt, lúc đó chúng bị giết để lấy thịt và da. Và không một cừu đực nào tới lúc trưởng thành mà không bị giết ngay lập tức dù chúng có bị thiến hay không. Nếu cừu có rận thì hàng triệu chấy rận trên mỗi con cừu sẽ bị chết đồng loạt. Bất cứ ai sở hữu một bầy cừu một trăm con hay nhiều hơn nữa, bảo đảm sẽ tái sinh ít nhất một lần trong địa ngục.
Trong mỗi một đám cưới, vô số cừu bị giết khi của hồi môn được gởi đi, lúc tiễn cô dâu về nhà chồng, và khi cô dâu được cha mẹ chồng đón nhận. Sau đó mỗi khi cô dâu trẻ về thăm gia đình, chắc chắn những súc vật khác sẽ bị đem giết. Nếu bạn bè và thân quyến mời cô ra và phục vụ cô bất cứ thứ gì trừ món thịt thì cô sẽ làm ra vẻ lúng túng, ăn không ngon miệng và ăn với vẻ khinh khỉnh như thể cô đã quên cách nhai.71 Nhưng nếu giết một con cừu mập mạp và đặt phần thịt vú và bộ lòng trước mặt cô, thì cô sẽ ngồi xuống thật trịnh trọng như một con quỷ nhỏ mặt đỏ, lôi con dao nhỏ ra, rồi cô nuốt chửng cả miếng thịt kèm theo những cái chắp môi. Ngày hôm sau cô lên đường, vác theo xác thú đầy máu me, như thể một người thợ săn trở về nhà – nhưng còn tệ hơn nữa, mỗi khi cô đi đâu ra ngoài thì chắc chắn chẳng khi nào cô trở về tay không.
Trẻ con cũng vậy, chúng gây ra vô số cái chết cho súc vật trong lúc chơi đùa, dù chúng có biết điều đó hay không. Chẳng hạn trong mùa hè, chúng giết nhiều con côn trùng chỉ bằng cách dùng một cành liễu hay một cái roi da đập xuống mặt đất khi chúng đi bộ dọc theo con đường.
Như vậy trong thực tế, tất cả loài người chúng ta dùng toàn bộ thời gian của mình để sát sinh, chẳng khác nào loài yêu quái. Thực thế – hãy xem làm cách nào chúng ta giết chết trâu bò của mình để thưởng thức thịt và máu của chúng trong khi chúng đã dành toàn bộ cuộc đời để phục vụ và nuôi dưỡng chúng ta bằng sữa của chúng, như thể chúng là mẹ của chúng ta – chúng ta còn tệ hơn bất kỳ thứ quỷ ma nào.
Hành vi cướp đi mạng sống được hoàn tất khi bao gồm đầy đủ bốn yếu tố của một hành vi tiêu cực. Hãy lấy ví dụ về một người thợ săn giết một con dã thú. Trước hết, ông ta thấy một con nai thực sự, hay một con hươu xạ, hoặc bất kể con vật nào, và nhận rõ chúng không chút nghi ngờ: việc nhận biết nó là một sinh vật chính là căn bản cho hành động. Kế đó, ước muốn giết con thú phát khởi: ý tưởng giết con thú là động cơ để thực hiện hành vi giết hại. Sau đó ông ta bắn vào chỗ nhược của con vật bằng một khẩu súng, bằng cung tên hay bất kỳ vũ khí nào khác: hành động giết hại của thân là việc thực hiện hành vi ấy. Do đó, những chức năng sinh tồn của con vật ngừng lại, sự nối kết giữa thân và tâm của nó bị tách lìa: đó là sự hoàn tất cuối cùng của hành vi sát sinh.
Một ví dụ khác: theo yêu cầu của gia chủ, người đồ tể giết một con cừu được nuôi để lấy thịt. Trước tiên, chủ nhà bảo người hầu hay người hàng thịt giết một con cừu. Điều căn bản là ông ta biết rằng có một sinh vật có liên quan đến ác hạnh này – đó là một con cừu. Động cơ, ý tưởng giết con vật, thì hiện diện ngay khi ông ta quyết định con cừu này hay con cừu kia sẽ bị giết. Việc thực hiện hành vi sát sinh thực sự xảy ra khi người đồ tể nắm sợi thòng lọng và bất thần chộp lấy con cừu mà ông ta sắp giết, vật nó ngã ngửa, cột bốn chân lại với nhau bằng những sợi dây da và buộc một sợi thừng quanh mõm cho tới khi nó chết ngạt. Trong sự đau đớn dữ dội của cái chết, con vật ngừng thở, đôi mắt trợn trừng của nó hơi ngả sang màu xanh, kéo mây và ứa lệ. Xác nó bị kéo ra khỏi nhà và giai đoạn cuối cùng, sự chấm dứt cuộc đời của nó, đưa tới sự hoàn tất ác hạnh. Không để phí chút thời gian nào, con vật bị lột da bằng một con dao, thân nó vẫn đang rung động vì “năng lực toả – khắp” chưa đủ thời gian để lìa khỏi xác; như thể con vật vẫn còn sống. Ngay lập tức nó được nướng trên một ngọn lửa và nấu trên bếp lò, rồi được mang ra ăn. Khi bạn nghĩ về điều đó thì những con vật như vậy hầu như đã bị ăn tươi nuốt sống, và loài người chúng ta không khác gì những con thú săn mồi.
Giả sử hôm nay bạn có ý định giết một con vật, hoặc bạn nói rằng sẽ giết, nhưng không thực sự làm điều đó. Như thế là đã có căn bản, có sự hiểu biết rằng đó là một chúng sinh, và có ý định hay ý tưởng giết hại con vật. Do đó, hai trong số các yếu tố của hành động tiêu cực đã được thực hiện, và mặc dù sự tác hại ít nặng nề hơn so với việc bạn hoàn thành hành vi sát sinh trong thực tế, nhưng giống như ánh phản chiếu trong một tấm gương, dấu vết của một hành động tiêu cực vẫn tồn tại.
Một số người tưởng rằng chỉ có những ai sử dụng thân thể để thực hiện việc sát sinh mới tạo ra hậu quả của ác nghiệp, còn người chỉ ra lệnh thì không – hay nếu có tạo thì cũng chỉ tạo một ít hậu quả mà thôi. Nhưng bạn nên biết rằng nghiệp quả xảy đến với mọi người có liên quan đến hành vi xấu ác đều đồng đều như nhau, ngay cả với những người chỉ cảm thấy vui thích về điều đó – do đó chẳng cần phải bàn tới người thực sự ra lệnh thực hiện việc sát sinh. Mỗi người nhận toàn bộ nghiệp quả của việc giết một con vật. Không thể có việc một hành động sát sinh lại có thể được chia ra cho nhiều người.
1.2. Lấy những gì không được cho
Việc lấy những gì không được cho có ba loại: lấy bằng vũ lực, lấy bằng cách ăn trộm lén lút và lấy bằng thủ đoạn gian trá.
Lấy bằng vũ lực. Cũng gọi là lấy bằng sự áp chế, điều này có nghĩa là cưỡng chiếm của cải hay tài sản của người khác; và người làm công việc cưỡng chiếm này là một cá nhân có quyền lực chẳng hạn như một ông vua, là một người không có chủ quyền hợp pháp đối với những tài sản kia. Điều này cũng bao gồm việc cưỡng đoạt bằng vũ lực bởi một số đông người, chẳng hạn như là một quân đội.
Lấy bằng cách trộm cắp. Điều này có nghĩa lấy của cải vật chất một cách bí mật, giống như một kẻ trộm ban đêm không bị chủ nhân bắt gặp.
Lấy bằng thủ đoạn gian trá. Là lấy tài sản của người khác, chẳng hạn như trong giao dịch mua bán, bằng cách nói dối người khác, hoặc dùng cân và những dụng cụ đo lường sai lạc hay dùng thủ đoạn lừa bịp khác.
Ngày nay, chúng ta nghĩ rằng trong lãnh vực kinh doanh và những phạm vi khác, việc lừa lọc hay dùng thủ đoạn để lấy đi những thứ gì đó của người khác thì không có bất kỳ sai trái nào miễn là chúng ta không công khai trộm cắp. Nhưng trong thực tế, bất kỳ lợi nhuận nào chúng ta có thể tạo ra bằng cách lừa gạt người khác thì đều không khác với việc ăn cắp công khai.
Đặc biệt là ngày nay, các Lạt ma và tu sĩ thấy rằng không có tổn hại hay sai lầm nào trong việc làm kinh doanh; quả thực họ tiêu phí toàn bộ cuộc đời họ vào công việc đó, và cảm thấy phần nào tự hào về năng lực thành thạo của họ. Tuy nhiên, không có gì làm suy yếu tâm lực của một Lạt ma hay tu sĩ hơn là việc làm kinh doanh. Mải mê trong việc kinh doanh, họ ít có khuynh hướng theo đuổi việc nghiên cứu hay tu tập để tịnh hóa những che chướng của mình – và dù sao chăng nữa thì cũng chẳng còn chút thời giờ nào để dành cho công việc tu tập như vậy. Tất cả thời gian, từ lúc thức cho tới khi ngủ đều bị tiêu phí trong việc mải mê tính toán. Bất cứ ý niệm nào về lòng sùng mộ, sự từ bỏ hay lòng bi mẫn cũng đều bị tiệt trừ và sự thường xuyên mê lầm luôn chế ngự họ.
Một đêm kia, Ngài Jetsun Milarepa đến một tu viện và ngủ qua đêm trước cửa một căn phòng. Vị tu sĩ ở trong phòng đang nằm trên giường, suy nghĩ về việc làm thế nào bán thịt con bò mà ông ta dự định sẽ làm thịt vào ngày mai: “Ta sẽ được ngần đó tiền cho cái đầu, xương vai đáng giá ngần ấy, và thịt vai được chừng ấy, chừng ấy cho giò và cẳng chân.” Ông ta tiếp tục tính toán giá trị của từng món và từng phần của con bò, bên trong và bên ngoài. Tới rạng sáng, ông ta không chợp mắt được chút nào nhưng đã tính toán được xong xuôi mọi thứ ngoại trừ việc phải hỏi giá cái đuôi. Ông lập tức ngồi dậy, hoàn tất những lời sùng mộ và thực hiện những nghi thức cúng dường bánh cúng torma.
Khi đi ra ngoài, ông ta bước ngang qua chỗ Ngài Jetsun vẫn còn ngủ, và mắng nhiếc Ngài một cách khinh bỉ: “Ông xưng là hành giả của Giáo Pháp, mà cho tới giờ này vẫn còn ngủ ở đây! Ông không công phu hành trì hay tụng niệm chút nào hay sao?”
“Tôi luôn mất ngủ như vầy” Ngài Jetsun Mila trả lời. “Tôi vừa thức suốt đêm để nghĩ về cách bán con bò mà tôi sắp giết. Tôi chỉ mới chợp mắt được một chút..” Và như thế Ngài phơi bày những khuyết điểm được che giấu của vị tu sĩ, rồi bỏ đi.
Giống như vị tu sĩ trong truyện này, ngày nay những người mà cả đời chỉ chí thú việc kinh doanh đã hoàn toàn mê đắm cả ngày lẫn đêm trong việc tính toán. Họ quá mê mải trong ảo tưởng tới nỗi ngay cả khi cái chết đến, họ cũng sẽ chết mà vẫn mê lầm như thế. Hơn nữa, việc thương mại có liên quan đến mọi loại hành vi tiêu cực. Người ta có hàng hóa để bán, dù kém tệ trong thực tế, nhưng lại đề cao chất lượng của nó bằng bất kỳ cách nào họ có thể nghĩ ra. Họ nói dối công khai, chẳng hạn như người này hay người kia đã trả tới giá nào, nhưng họ đã từ chối không bán; hoặc lúc ban đầu họ đã mua vào với số tiền lớn như thế nào. Khi cố gắng mua cho bằng được những món hàng đang được hai người khác thương lượng, thì họ dùng đến sự vu khống nhằm kích động mối bất hoà giữa hai bên. Họ dùng những lời lẽ nặng nề để nói xấu hàng hoá của đối thủ cạnh tranh, nhằm giành được những sự hàm ơn hay các thứ tương tự. Họ say mê trong những cuộc trò chuyện vô nghĩa bằng cách đòi hỏi giá cả kỳ cục hoặc mặc cả những thứ mà họ chẳng có ý định mua. Họ ghen tỵ và thèm muốn những thứ thuộc sở hữu của người khác, nỗ lực hết mình để được người kia cho những món đó. Họ luôn mong đối thủ của mình bị tổn hại, luôn mong muốn được thắng thế. Nếu họ buôn bán gia súc, họ bị dính líu tới việc sát sinh. Vì thế trong thực tế, việc kinh doanh bao gồm đủ cả mười hành động bất thiện, may ra chỉ loại trừ sự tà kiến và tà dâm. Sau đó, khi những việc thương lượng của họ tiến hành không tốt đẹp thì cả hai bên đều lãng phí tài sản, mọi người đều khốn khổ, các thương nhân có thể kết thúc bằng sự nghèo đói, đem lại tổn thất cho bản thân họ và cả những đối tác. Nhưng nếu họ gặt hái chút ít thành công, thì dù có kiếm lời nhiều đến đâu chăng nữa họ chẳng bao giờ thấy đủ. Ngay cả những người giàu có như Đa Văn Thiên (Vaisravana) vẫn cảm thấy thích thú trong những việc kinh doanh bất chính. Cuối cùng khi cái chết tới gần với họ, họ sẽ đấm ngực trong đau khổ, bởi toàn bộ đời người của họ đã tiêu phí trong những sự mê ám như vậy, là những thứ giờ đây đang trở thành gánh nặng lôi họ xuống các cõi thấp.
Để tích lũy những ác hạnh vô tận và hoàn toàn làm cho bạn trở nên đồi bại, hư hỏng thì không có gì hữu hiệu hơn là làm việc buôn bán và thương mại. Bạn sẽ thấy bản thân mình luôn luôn nghĩ đến các phương thức đánh lừa người khác như thể bạn đang xem xét một bộ sưu tập gồm các loại dao, dùi và kim xem dụng cụ nào sắc bén nhất. Khi nghiền ngẫm không ngừng về những tư tưởng ác hại, bạn quay lưng lại với lý tưởng Bồ Đề Tâm là tư tưởng cứu giúp những chúng sinh khác, và những hành động nguy hại của bạn sinh sôi nảy nở vô tận.
Việc lấy những gì không được cho cũng bao gồm bốn yếu tố làm cho ác hạnh được hoàn tất, những điều này cũng đã được giảng rõ. Tuy nhiên, bất cứ sự tham dự nào vào trong các hành vi bất thiện đó, dù chỉ là biếu tặng những kẻ đi săn hoặc những tên trộm cắp chút ít thực phẩm giúp cho cuộc hành trình của chúng thì việc này cũng đủ để đem lại cho bạn một phần hậu quả tương đương với hậu quả của hành vi bất thiện gây ra bởi tội sát sinh và trộm cướp của chúng.
1.3 Tà dâm
Những quy luật sau đây là dành cho cư sĩ. Ở Tây Tạng, trong triều đại của vị Pháp Vương Songtsen Gampo, luật pháp được đặt nền tảng trên mười hành động tích cực (thập thiện). Những quy luật này được thiết lập, bao gồm những luật lệ dành cho người dân sống trong xã hội và những giới luật dành cho cộng đồng tu sĩ. Ở đây, chúng ta đang đề cập tới những giới hạn về cách hành xử dành cho cư sĩ, là những chủ gia đình, họ nên tuân theo một đạo lý thích hợp. Riêng đối với Tăng và Ni, họ được đòi hỏi phải tránh những hành vi tình dục nói chung.
Sự tà dâm nghiêm trọng nhất là việc dẫn dắt người khác phá vỡ những giới nguyện của họ. Tà dâm cũng bao gồm những hành vi được liên kết với những cá nhân nào đó, hoặc tại một nơi chốn và hoàn cảnh đặc biệt nào đó như là: sự thủ dâm; những quan hệ tình dục với người đã có gia đình, hoặc với người đã hứa hôn với người khác, hoặc với người còn độc thân nhưng công khai giữa ban ngày, trong khi đang giữ nguyện trai giới một ngày, trong khi bệnh tật, trong lúc kiệt sức, trong lúc có thai, trong khi vừa mất một người thân, trong khi có kinh nguyệt, trong lúc đang hồi phục sau khi sinh nở; ở nơi có sự hiện diện của các biểu tượng vật chất của Tam Bảo; với cha mẹ mình, hay những thành viên khác trong gia đình (họ hàng), trẻ em chưa tới tuổi dậy thì; quan hệ tình dục qua cửa miệng hay hậu môn…
1.4 Nói dối
Nói dối có ba loại: những lời nói dối thông thường, nói dối nghiêm trọng và những lời nói dối của Lạt ma giả mạo
Những lời nói dối thông thường. Đó là bất kỳ những lời phát biểu không chân thật nào, được nói ra với ý định lừa gạt người khác.
Những lời nói dối nghiêm trọng. Đó là những lời phát biểu chẳng hạn như: các thiện hạnh thì không đem lại lợi ích và không có hại gì khi làm các hành động bất thiện, không có hạnh phúc gì trong các cõi Phật và không có đau khổ trong những cõi thấp, hoặc nói rằng Đức Phật không có các phẩm tính tốt đẹp. Những lời phát biểu như vậy được gọi là những lời nói dối nghiêm trọng bởi không có lời nói dối nào khác có thể mang lại những hậu quả sai lạc nghiêm trọng hơn thế nữa.
Những lời nói dối của Lạt ma giả mạo. Đây là tất cả những lời tuyên bố không thành thật rằng mình có những phẩm tính cao cả và có oai lực, chẳng hạn như đã đạt được những Bồ Tát địa, hay có năng lực thấu thị. Ngày nay, những kẻ mạo danh lại thành công hơn những vị Thầy chân thực, và tư tưởng cùng hành động của mọi người dễ dàng bị những kẻ mạo danh gây ảnh hưởng. Do đó một số người tự xưng là những Đạo sư hay là những thành tựu giả trong nỗ lực lừa gạt người khác. Họ tuyên bố là mình có một linh kiến về một Bổn Tôn nào đó và tổ chức các lễ cúng dường tạ ơn Ngài, hoặc tuyên bố là họ thấy một tinh linh và đã trừng trị nó. Thường thì đây chỉ là những lời dối gạt của các Lạt ma giả mạo, vì thế hãy thận trọng đừng tin tưởng một cách mù quáng vào những kẻ lừa gạt và bất tài như thế. Bởi có thể nói rằng việc tìm được vị Thầy chân chính làm ảnh hưởng tới đời này lẫn đời sau, nên điều tối quan trọng là hãy đặt niềm tin của bạn vào một hành giả Giáo Pháp mà bạn biết rõ, một người luôn luôn khiêm tốn, và bản tánh bên trong cùng cách hành xử bên ngoài của Ngài thì tương ứng với nhau.
Nói chung, có những người bình thường có được một mức độ thấu-thị bị giới-hạn-trong-ý-niệm nào đó, nhưng khả năng này không thường hằng, và chỉ có hiệu lực trong một thời gian. Khả năng thấu suốt hoàn toàn thuần tịnh chỉ hiện ra với những bậc đã đạt tới cấp độ siêu việt, vì thế khả năng này thật cực kỳ khó đạt được.72
1.5 Gieo mối bất hòa
Việc gieo mối bất hòa có thể công khai hay bí mật.
Gieo mối bất hòa công khai. Đây là một chiến lược thường dùng của những người nắm quyền. Điều này bao gồm việc tạo ra mối bất hòa giữa hai người cùng hiện diện bằng cách công khai kể với một người rằng người kia nói xấu sau lưng anh ta, và tiếp tục diễn tả lại những gì người thứ nhất đã nói hay làm hại người thứ hai – và sau đó có thể hỏi cả hai tại sao hiện giờ vẫn đối xử với nhau như thể không có chuyện gì xảy ra giữa họ.
Gieo mối bất hòa bí mật. Điều này có nghĩa là chia rẽ hai người đang rất hòa thuận với nhau bằng cách kể lại sau lưng người thứ hai cho người thứ nhất nghe về những điều kinh khủng mà người thứ hai được cho là đã nói về người thứ nhất , trong khi người thứ hai lại là một người mà người thứ nhất luôn quan tâm đến.
Trường hợp tệ nhất trong việc gieo mối bất hòa là gây mâu thuẫn giữa những thành viên trong Tăng Đoàn. Việc gây nên sự rạn nứt giữa vị Thầy của Mật Thừa và đệ tử của Ngài, hoặc trong nhóm huynh đệ hay tỉ muội tâm linh thì đặc biệt nghiêm trọng.
1.6 Nói lời cay nghiệt
Lời nói cay nghiệt là, chẳng hạn như phê bình một cách thô bạo về những khuyết điểm trên thân thể của người khác, công khai gọi người ta là chột, điếc, mù v.v.. Điều này bao gồm việc phơi bày những khiếm khuyết che giấu của người khác, đủ mọi loại lời nói xúc phạm về tất cả mọi thứ và, trong thực tế, ngay cả bất kỳ những lời nào làm người khác không vui hay không thoải mái, cho dù là lời nói ngọt ngào chứ không cay nghiệt.
Đặc biệt, nói xúc phạm một người trước mặt vị Thầy, trước mặt một huynh đệ tâm linh, hay một bậc hiền thánh là một lỗi lầm rất nghiêm trọng.
1.7 Nói chuyện phiếm vô ích
Nói chuyện phiếm vô ích là nói nhiều mà không có bất cứ mục đích nào: chẳng hạn như kể lại những gì ta tưởng là Giáo Pháp nhưng thật ra không phải – như nghi lễ của những Bà la môn (brahmin);73 hay nói bâng quơ về những chủ đề làm khuấy động sự tham muốn hay sân hận, như kể những chuyện của những gái điếm, hát những bài ca dâm dật, hoặc bàn luận về chuyện cướp bóc và chiến tranh. Đặc biệt, làm quấy nhiễu việc cầu nguyện hay trì tụng của người khác bằng cách tuôn ra những lời lẽ vô ích làm cho họ bị xao lãng thì đặc biệt tai hại, bởi việc ấy ngăn cản họ trong việc tích tập công đức.
Những mẩu chuyện ngồi lê đôi mách mà thoạt nhìn dường như phát sinh hoàn toàn tự nhiên và tự phát, nhưng khi bạn xem xét kỹ lưỡng hơn, thì chúng được thúc đẩy bởi sự tham dục hay sân hận, và mức độ nặng nề của những lỗi lầm sẽ tương xứng với số lượng tham muốn hay sân hận được tạo nên trong tâm bạn hay tâm người khác khi nói về những mẩu chuyện này.
Trong khi bạn đang tụng đọc những lời cầu nguyện hay trì tụng các thần chú mà lại trộn lẫn chúng với việc chuyện trò không thích đáng thì sẽ ngăn cản sự kết trái của công phu tu tập của bạn, cho dù bạn có tụng niệm nhiều tới đâu chăng nữa. Điều này đặc biệt áp dụng cho những loại chuyện tầm phào khác nhau lan truyền trong hàng ngũ Tăng Đoàn. Chỉ một người duy nhất nói chuyện tầm phào là đã có thể làm cho công đức của toàn thể tập hội bị tiêu hủy và những hành động đáng khen của các tín chủ và người bảo trợ của tập hội cũng bị uổng phí.
Trong xứ Ấn Độ cao quý, như một thông lệ, chỉ có những bậc đã đạt được những thành tựu cao nhất, hoàn toàn trong sạch và đã giải thoát khỏi mọi khiếm khuyết có hại mới có quyền sử dụng quỹ cúng dường cho Tăng Đoàn, và Đức Phật không cho phép một ai khác được làm điều đó. Nhưng ngày nay, người ta chỉ cần học được một hay hai nghi thức Mật thừa và ngay khi có thể trì tụng các nghi quỹ ấy là họ bắt đầu sử dụng bất kỳ những vật cúng dường nguy hiểm nào74 mà họ có thể nhận được. Nếu không được thọ nhận các lễ quán đảnh, không trì giữ tất cả các mật nguyện (samaya), không tinh thông các giai đoạn phát triển và thành tựu, và không hoàn tất những yêu cầu của việc tụng niệm minh chú, lại đi nhận cúng dường bằng cách cử hành những nghi lễ Mật thừa – nghĩa là chỉ hát tụng những minh chú bí mật một cách qua loa giống như những phù thủy đạo Bon – thì đây là một vi phạm nặng nề. Việc sử dụng những vật cúng dường nguy hiểm này được so sánh với việc ăn những viên sắt nóng, nếu người bình thường cùng tham dự mà không có quai hàm bằng gang thép của sự hợp nhất hai giai đoạn phát triển và thành tựu, thì họ sẽ tự đốt cháy mình và bị hủy hoại. Như có câu nói rằng:
Phẩm vật cúng dường nguy hiểm là
những lưỡi dao bén chết người;
Tiêu xài chúng và chúng sẽ cắt đứt
huyết mạch của sự giải thoát.
Chẳng những không tinh thông hai giai đoạn thiền định của pháp tu Mật Thừa mà những người như vậy, cho dù có thể họ biết chút ít những ngôn từ của các nghi thức nhưng thậm chí họ cũng không lo tụng niệm những ngôn từ ấy một cách đúng đắn. Tệ hơn nữa, vào lúc họ trì tụng thần chú – là phần quan trọng nhất – họ bắt đầu tán gẫu, và tuôn chảy một dòng không dứt những chuyện tầm phào ngập đầy tham vọng và sự kích động trong suốt thời gian được ấn định. Điều này thật tai hại cho chính bản thân họ và cả cho những người khác. Điều tối quan trọng là các tu sĩ và các Lạt Ma phải từ bỏ loại chuyện phiếm này và tập trung vào việc trì tụng thần chú mà không được trò chuyện.
- 1.8 Tham muốn
Sự tham muốn bao gồm tất cả những tư tưởng thèm muốn hay hám lợi, thậm chí những niệm tưởng vi tế nhất mà chúng ta có thể có đối với tài sản của người khác. Khi suy tưởng rằng sẽ dễ chịu biết bao nếu như những thứ kỳ diệu đó của họ lại trở thành của mình, chúng ta cứ mơ tưởng được sở hữu những thứ ấy, vạch ra những kế hoạch để chiếm đoạt chúng, v.v..
- 1.9 Muốn làm tổn hại người khác
Điều này ám chỉ mọi tư tưởng hiểm độc mà ta có thể có về những người khác. Ví dụ như suy nghĩ với lòng oán ghét hay giận dữ để xem bằng cách nào chúng ta có thể làm hại được họ; cảm thấy thất vọng khi họ thành công hay phát đạt; mong muốn họ bớt sung túc, bớt hạnh phúc hay bớt tài giỏi; hoặc cảm thấy vui mừng khi những điều khó chịu xảy ra cho họ.
1.10 Tà kiến
Tà kiến bao gồm quan điểm cho rằng hành động không tạo ra nghiệp quả, và quan điểm của thuyết hư vô và thuyết vĩnh cửu.
Theo quan điểm hành động không tạo ra nghiệp quả thì thiện hạnh sẽ không đem lợi ích và ác hạnh không gây tổn hại. Quan điểm của thuyết vĩnh cửu và hư vô bao gồm tất cả những quan điểm khác nhau của những kẻ ngoại đạo (tirthika). Mặc dù những tà kiến loại này có thể được chia ra thành ba trăm sáu mươi quan điểm sai lầm, hay sáu mươi hai tà kiến, nhưng tất cả có thể được tóm tắt thành hai phạm trù của chủ nghĩa vĩnh cửu và chủ nghĩa hư vô.
Những người theo chủ nghĩa vĩnh cửu tin là có một cái ngã thường hằng và một đấng sáng tạo (tạo lập thế giới) hiện hữu vĩnh cửu bên ngoài ta, chẳng hạn như các vị thần Isvara hay Vishnu. Những người theo thuyết hư vô tin rằng mọi sự hoàn toàn tự xuất hiện và không có những đời quá khứ hay đời vị lai, không có nghiệp quả, không có giải thoát và không có tự do.75 Như có nói trong học thuyết của thần Isvara Đen:
Mặt trời mọc, nước chảy xuống,
Hạt đậu xoe tròn, chiều dài đâm tua tủa và cái bén nhọn của cây gai
Vẻ đẹp của đuôi công có những mắt ngũ sắc;
Không ai tạo ra chúng, chúng hoàn toàn hiện diện tự nhiên.
Họ biện luận rằng khi mặt trời mọc ở phương Đông, không ai ở đó làm cho nó mọc. Khi một dòng sông chảy xuống thấp, không ai lèo lái cho nước chảy xuống. Không ai lăn những hạt đậu để làm tất cả những hạt đậu tròn xoe, hay chuốt nhọn cho tất cả mũi gai thành dài, sắc nhọn và dựng đứng. Không ai vẽ những con mắt đẹp đẽ nhiều màu trên một đuôi công… Tất cả những sự việc này hoàn toàn là như thế bởi bản tánh của riêng chúng. Và vì thế mọi sự trong thế gian này dù thoải mái hay khó chịu, xấu hay tốt – mọi hiện tượng đều xuất hiện hoàn toàn tự nhiên. Không có nghiệp từ quá khứ, không có những đời trước, không có những đời sau.76
Nếu cho rằng những văn bản của các học thuyết như vậy là chân chính và tuân theo chúng, hoặc ngay cả không noi theo, nhưng lại suy tưởng cho rằng những lời của Đức Phật, cũng như những giáo huấn của vị Thầy của bạn, hay những bản văn của những nhà luận giảng uyên bác là những lời sai lạc, rồi hoài nghi, chỉ trích những lời này, thì tất cả đều được bao gồm trong điều được gọi là tà kiến.77
Điều tệ hại nhất trong mười hành động bất thiện là sát sinh và tà kiến. Như có nói:
Không hành vi nào tệ hại hơn việc cướp đi mạng sống của một chúng sinh khác;
Trong mười hành vi bất thiện, tà kiến là nặng nề nhất.
Ngoại trừ chúng sinh trong các địa ngục, không ai không chùn bước trước cái chết hay không ai không coi trọng cuộc đời mình hơn bất kỳ điều gì khác. Thế nên, hủy diệt một cuộc đời là một hành động cực kỳ bất thiện. Kinh Giáo Pháp Tối Thượng của Hồi Ức Trong Sáng (Tịnh Ức Diệu Pháp Kinh) nói rằng ta sẽ phải trả lại bất kỳ mạng sống nào ta đã cướp đi bằng năm trăm đời của riêng ta, và nếu ta giết chết dù chỉ một chúng sinh thì ta sẽ phải trải qua một đại kiếp trong thân trung ấm ở các cõi địa ngục.
Còn tệ hại hơn nữa nếu là trong khi chú tâm thực hiện một việc công đức, chẳng hạn như xây dựng một biểu tượng của Tam Bảo, mà bạn lại làm việc đó như thể đây là một lý do bào chữa để qua đó bạn phạm những ác hạnh như sát sinh. Ngài Padampa Sangye đã nói:
Xây dựng pháp bảo hộ trì cho Tam Bảo
trong khi gây ra tổn hại và đau khổ
Là ném đời sau của bạn vào trong gió.
Cũng là điều sai lầm quấy quá nếu bạn nghĩ rằng bạn đang làm điều đáng ca ngợi khi giết súc vật và dâng cúng thịt và máu của chúng cho các Lạt ma được mời tới nhà bạn, hay dâng cúng những món này cho một tập hội các tu sĩ. Hậu quả ác nghiệp của việc sát sinh xảy tới với cả người cho lẫn người nhận. Người cho, mặc dù cung cấp thực phẩm, nhưng đang tạo ra một món cúng dường bất tịnh; và người nhận đang chấp nhận thực phẩm không thích hợp. Bất kỳ kết quả tốt lành nào cũng đều sẽ bị hậu quả tiêu cực lấn át. Quả thực, trừ khi bạn có năng lực làm hồi sinh lập tức các nạn nhân của bạn, còn thì không có tình huống nào mà hành vi sát sinh lại không làm ô uế bạn như một hành vi bất thiện. Bạn cũng có thể được đoán chắc rằng việc ấy sẽ làm tổn hại cuộc đời và công hạnh của vị Thầy.78 Nếu bạn không có khả năng chuyển di tâm thức chúng sinh đến trạng thái cực lạc, thì bạn nên thực hiện mọi nỗ lực để tránh việc cướp đi mạng sống của các chúng sinh ấy.
Nếu bạn có tà kiến, cho dù chỉ trong một khoảnh khắc, điều ấy sẽ phá vỡ tất cả các giới nguyện của bạn và bạn tự loại mình ra khỏi cộng đồng Phật tử. Tà kiến cũng sẽ không cho bạn có được sự tự do khi đang có được thân người trong đời này để thực hành Giáo Pháp. Từ giây phút tâm thức bạn bị những tà kiến làm nhiễm ô, thì ngay cả những việc tốt lành mà bạn làm cũng không thể dẫn tới giải thoát và những việc xấu ác bạn đã phạm cũng chẳng thể sám hối được nữa.79
2. Những hậu quả của mười hành động bất thiện
Mỗi hành vi tiêu cực sinh ra bốn loại nghiệp quả: kết quả hoàn toàn chín mùi, kết quả tương tự với nguyên nhân, kết quả được quy định, kết quả phát sinh nhanh chóng.
2.1 Kết quả hoàn toàn chín mùi80
Việc vi phạm vào bất kỳ một trong mười ác hạnh nào trong khi để cho lòng sân hận thúc đẩy thì điều này sẽ dẫn đến sự tái sinh trong các cõi địa ngục. Phạm điều ác bởi lòng tham dục sẽ bị đọa vào cõi ngạ quỷ, phạm điều ác do vô minh thì sẽ phải đọa vào cõi súc sinh. Một khi bị đọa vào trong những cõi thấp này, chúng ta phải trải qua những nỗi thống khổ đặc biệt ở cõi đó.
Ngoài ra, khi có một sự thôi thúc rất mạnh mẽ – lòng tham, sân, hay si cực kỳ dữ dội – thì sự thôi thúc này sẽ là động cơ dẫn đến việc liên tục tích tụ những ác hạnh trong một thời gian dài, và điều này sẽ đưa đến việc tái sinh trong các cõi địa ngục. Nếu sự thôi thúc bớt mạnh và các ác hạnh giảm thiểu đi, thì sẽ đưa đến việc tái sinh làm ngạ quỷ; nếu ít hơn nữa thì sẽ tái sinh làm súc vật.
2.2 Kết quả tương tự với nguyên nhân
Ngay cả cuối cùng, khi chúng ta đã thoát được ra khỏi cõi thấp – là nơi mà kết quả hoàn toàn chín mùi đã khiến cho chúng ta bị đọa sinh vào đó – và nay ta đã có được một thân người, nhưng dù như thế thì chúng ta sẽ vẫn phải tiếp tục trải qua kinh nghiệm của kết quả tương tự với nguyên nhân. Thật vậy, trong các cõi thấp cũng có nhiều loại đau khổ khác nhau tương tự với những nguyên nhân đặc biệt. Những kết quả tương tự với những nguyên nhân này có hai loại: những hành vi tương tự với nguyên nhân và những kinh nghiệm tương tự với nguyên nhân.
2.2.1 Những hành vi tương tự với nguyên nhân
Kết quả này là một xu hướng thích hợp với những hành vi cùng loại, giống như là nguyên nhân lúc ban đầu. Nếu trước đó chúng ta từng sát sinh thì chúng ta vẫn còn thích giết hại; nếu chúng ta đã từng ăn trộm, chúng ta vẫn thích thú khi lấy những gì không được cho; và v.v.. Điều này giải thích lý do tại sao, có những người ngay từ lúc còn rất nhỏ đã giết tất cả mọi côn trùng và ruồi muỗi mà họ nhìn thấy. Một khuynh hướng sát sinh như thế tương ứng với những hành vi tương tự mà họ đã thực hiện trong các đời trước. Từ khi mới lọt lòng, mỗi người trong chúng ta hành động hoàn toàn khác biệt nhau, bị dẫn dắt bởi những thôi thúc của nghiệp lực khác nhau. Một số thích giết hại, một số thích trộm cắp, trong khi những người khác lại không cảm thấy ham thích những hành vi như thế và thay vào đó họ thích làm việc thiện.
Tất cả những khuynh hướng như vậy là những gì còn sót lại của những hành động trước kia, hay nói khác đi là kết quả tương tự với nguyên nhân. Đó là điều mà tại sao người ta lại nói:
Muốn biết những gì bạn làm trước kia, hãy nhìn bạn bây giờ.
Muốn biết nơi bạn sắp sinh vào,
hãy nhìn những gì hiện bạn đang làm.81
Đối với loài vật thì cũng thế. Bản năng của những loài thú vật như chim ưng và chó sói là giết hại, bản năng của chuột là ăn trộm, trong mỗi trường hợp là một kết quả tương tự với nguyên nhân, và được tạo nên bởi hành vi trước đây của chúng.
2.2.2 Những kinh nghiệm tương tự với nguyên nhân
Mỗi một trong mười hành vi bất thiện đều dẫn tới một cặp hậu quả cho những kinh nghiệm mà chúng ta phải trải qua sau đó.
Sát sinh. Việc sát sinh ở một kiếp trước không chỉ làm cho cuộc đời hiện tại của chúng ta ngắn đi mà còn thường xuyên bị bệnh tật. Đôi khi có những đứa bé mới sinh ra đã chết như một hậu quả tương tự với nguyên nhân của việc chúng đã từng sát sinh trong một đời quá khứ; trong nhiều kiếp, chúng có thể tiếp tục chết ngay lập tức khi vừa sinh ra đời và cứ lập đi lập lại như vậy. Cũng có những người sống tới tuổi trưởng thành nhưng từ thủa ấu thơ đã bị bệnh tật hành hạ, hết bệnh này tới bệnh kia không ngưng nghỉ cho tới khi chết, một lần nữa đó là kết quả của việc giết hại và hành hung những người khác trong một kiếp trước. Đối mặt với những tình huống như vậy, điều quan trọng là phải sám hối với lòng ân hận về những hành động đã làm trong quá khứ, hơn là tìm cách làm dịu đi những khó khăn trước mắt. Chúng ta nên sám hối với lòng hối hận và phát nguyện từ bỏ những hành vi như vậy; và như một cách đối trị với những hậu quả của nghiệp cũ, hãy nỗ lực làm các thiện hạnh và từ bỏ những ác hạnh.
Lấy những gì không được cho. Việc trộm cắp trong đời quá khứ không chỉ làm chúng ta nghèo hèn trong đời này mà ta còn có thể phải bị chịu đựng cướp bóc, mất trộm hay những tai họa khác, chẳng hạn như là việc kẻ thù và đối thủ của chúng ta chia năm xẻ bẩy những món tài sản ít ỏi mà ta kiếm được. Vì lý do này, bất cứ ai hiện nay đang thiếu thốn tiền bạc hay của cải thì tốt hơn hết là nên tạo ra thậm chí ngay cả một tia lửa nhỏ công đức còn hơn là bỏ đi lên núi làm giàu. Nếu số phận bạn không giàu có do bạn ít bố thí trong những đời trước, thì không nỗ lực nào trong đời này có thể giúp bạn được. Hãy xem của cải mà hầu hết những kẻ trộm cướp có được từ mỗi chuyến cướp bóc của họ – thường thì hầu như nhiều hơn những gì bản thân mặt đất có thể giữ được. Tuy nhiên những người sống bằng nghề trộm cướp luôn luôn kết thúc đời mình trong sự đói khát. Cũng hãy chú ý việc những thương nhân hay những kẻ chiếm đoạt tài sản của Tăng Đoàn đã thất thu trong việc kiếm tiền ra sao, cho dù tài sản của họ có lớn tới đâu chăng nữa. Trái lại, những người hiện nay đang được hưởng kết quả lành của việc bố thí trong quá khứ của họ thì trọn đời chẳng bao giờ thiếu thốn của cải, và đối với nhiều người trong số những người này thì mọi việc tốt lành xảy tới mà họ không cần chút xíu nỗ lực nào. Vì thế, nếu bạn hy vọng trở nên giàu có, hãy dành hết mọi nỗ lực của bạn để làm việc từ thiện và cúng dường!
Châu Diêm Phù Đề này (Jambudvipa – cõi người) là nơi có thể tạo được những điều kiện đặc biệt 60
Dành cho quả báo trổ sanh từ những hành động của ta trong quá khứ, khiến những gì chúng ta làm trong đời khi trước thì về sau có khả năng trổ quả cũng trong đời này – hay thậm chí ngay lập tức nếu những việc ta làm đã được tạo trong những hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Vì thế dùng tới cách trộm cướp, lừa gạt hay những phương cách khác để lấy những gì không được cho với hy vọng làm giàu thì điều này hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta đã dự định. Nghiệp quả sẽ giam giữ chúng ta trong thế giới ngạ quỷ trong nhiều đại kiếp. Thậm chí cho đến cuối đời này, quả báo sẽ bắt đầu có ảnh hưởng và sẽ làm chúng ta ngày càng nghèo khổ, càng ngày càng khó khăn. Chúng ta sẽ bị tước mất quyền kiểm soát trên một số ít của cải còn sót lại của mình. Cho dù chúng ta giàu có tới đâu, tính tham lam sẽ làm cho chúng ta càng ngày càng cảm thấy thiếu thốn và mất mát. Của cải của chúng ta sẽ trở thành nguyên nhân của những ác hạnh. Ta sẽ giống như những ngạ quỷ canh giữ kho tàng nhưng không thể sử dụng . Hãy để ý kỹ những người bên ngoài có vẻ giàu có. Nếu họ không biết phát triển lòng quảng đại hay bố thí tài sản của họ một cách rộng rãi cho Giáo Pháp, mà đó là cội nguồn của hạnh phúc và an lành trong đời này và trong những đời kế tiếp, hoặc ngay cả họ không biết rộng rãi trong việc mua thực phẩm và quần áo, thì họ thực sự còn nghèo hơn cả những người nghèo khó. Kinh nghiệm giống như kiếp ngạ quỷ của họ ngay bây giờ là nghiệp quả tương tự với nguyên nhân, và điều này xảy ra là do việc bố thí bất tịnh của họ trong quá khứ.82
Tà dâm. Ta được biết rằng việc đắm mình trong sự tà dâm sẽ làm chúng ta có một người vợ (hay chồng) chẳng những không duyên dáng mà còn có lối cư xử phóng đãng hay thù địch nữa. Khi những cặp vợ chồng không thể ngưng tranh cãi hoặc đánh nhau, mỗi người thường đổ lỗi cho những tánh xấu của người kia. Trong thực tế, mỗi người trong những cặp vợ chồng đó đang kinh nghiệm hậu quả tương tự với nguyên nhân, là hậu quả của sự tà dâm của họ trong quá khứ. Thay vì thù ghét nhau, họ nên nhận ra rằng đó là kết quả của những hành vi bất thiện trong quá khứ của họ và nên nhẫn nhịn lẫn nhau. Ngài Padampa Sangye nói:
Gia đình thì thoáng qua như đám đông trong phiên chợ;
Dân chúng xứ Tingri, đừng nên cãi vã hay đánh nhau!
Nói dối. Kinh nghiệm tương tự với nguyên nhân gây ra từ sự nói dối trong những đời quá khứ là chúng ta không những thường bị chỉ trích hay xem thường mà còn hay bị người khác nói dối ngược lại. Nếu bây giờ bạn bị kết tội và chỉ trích không đúng, thì đó là kết quả của việc bạn đã từng nói dối trong quá khứ. Thay vì nổi giận và lăng mạ những người đã nói những điều như thế về bạn, hãy biết ơn họ vì họ đã giúp bạn làm cạn kiệt những hậu quả của nhiều hành động bất thiện. Bạn nên cảm thấy hạnh phúc. Ngài Rigdzin Jigme Lingpa nói:
Một kẻ thù đáp trả điều tốt của bạn bằng việc xấu
giúp bạn tiến bộ trong thực hành.
Sự buộc tội không đúng của họ là một ngọn roi
dẫn bạn tới đức hạnh.
Anh ta là vị Thầy tiêu diệt mọi bám chấp và
tham dục trong bạn.
Hãy nhìn vào tấm lòng tử tế to lớn của anh ta
mà bạn không bao giờ có thể đền đáp!
Gieo mối bất hòa. Kết quả tương tự với nguyên nhân của việc gieo mối bất hòa trong đời trước là không chỉ những người cộng sự và kẻ phục vụ của ta không thể thuận thảo với nhau mà họ còn hay tranh cãi và chống đối chúng ta. Phần nhiều, các thị giả của các Lạt ma, những người tùy viên của các vị lãnh đạo hay những người phục vụ cho chủ nhà, giữa họ lại không hòa thuận với nhau, và tuy nhiều lần được yêu cầu làm việc gì đó, họ từ chối không nghe lời và còn bướng bỉnh tranh cãi. Những người phục vụ được thuê mướn của người bình thường thì giả vờ không nghe thấy khi được chủ yêu cầu làm những việc vặt, ngay cả những việc dễ làm. Chủ nhà phải lập lại mệnh lệnh hai, ba lần; và sau cùng chỉ khi ông ta nổi giận và nói nặng với họ thì họ mới chịu làm một cách chậm chạp và miễn cưỡng những gì đã được yêu cầu. Ngay cả khi làm xong việc, họ cũng chẳng nghĩ tới chuyện quay trở lại báo cho chủ biết. Họ thường ở trong một tâm trạng không tốt. Nhưng người chủ chỉ đang gặt hái kết quả của mối bất hòa mà chính ông đã gieo trong quá khứ. Do đó, ông ta nên hối tiếc những hành vi bất thiện của chính mình, và giải hòa những mối bất đồng của riêng ông và những người khác.
Nói lời cay nghiệt. Việc nói lời cay nghiệt trong những đời quá khứ sẽ không chỉ khiến mọi điều người khác nói với chúng ta toàn những điều công kích và sỉ nhục, mà hơn nữa, kết quả của việc này là mọi điều ta nói ra cũng đều gây nên những sự tranh cãi.
Lời nói cay nghiệt thì tệ hại nhất trong bốn hành vi bất thiện của khẩu. Như tục ngữ có nói:
Lời nói không có cung tên cũng không đao kiếm,
nhưng chúng xé toạc tâm người ta thành từng mảnh.
Việc đột ngột kích động sự hận thù nơi người khác, hay – còn tệ hơn nữa – thậm chí chỉ nói một lời công kích một bậc hiền thánh sẽ khiến ta phải trải qua nhiều đời trong những cõi thấp mà không có bất kỳ cơ hội nào để giải thoát. Có lần một người bà la môn (Brahmin) tên là Kapila lăng mạ những tu sĩ của Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa), gọi họ là “đầu ngựa”, “đầu bò” và nhiều tên khác giống như vậy. Ông ta bị tái sinh thành một con quái vật giống như cá ở biển với mười tám cái đầu. Ông không thoát khỏi trạng thái đó trong suốt một kiếp và thậm chí sau đó còn bị tái sinh trong địa ngục.
Một ni cô gọi một vị ni khác là chó cái, bản thân cô bị tái sinh làm chó cái năm trăm đời. Có nhiều câu chuyện tương tự như thế. Vậy hãy học cách luôn nói năng dịu dàng. Ngoài ra, vì bạn không bao giờ biết được ai là một bậc Thánh hay Bồ Tát, hãy tu tập bản thân để thấy tất cả chúng sinh đều thanh tịnh. Hãy học cách tán thán họ và ca tụng những thành tựu và phẩm tính tốt lành của họ. Người ta nói rằng chỉ trích hay công kích một vị Bồ Tát thì còn tệ hại hơn việc giết hại tất cả chúng sinh trong tam giới:
Phỉ báng một Bồ Tát là một trọng tội
Nặng hơn cả việc giết hại tất cả chúng sinh trong Tam Giới;
Con xin sám hối tất cả những lỗi lầm lớn nhỏ như thế
mà con từng tích lũy.
Nói chuyện tầm phào vô ích. Kết quả tương tự với nguyên nhân của việc nói chuyện tầm phào vô ích không chỉ làm cho những gì ta nói không có giá trị, mà còn làm chúng ta thiếu cương quyết và tự tin. Không ai tin chúng ta ngay cả khi ta nói sự thật, và chúng ta sẽ thiếu tự tin khi nói trước đám đông.
Tham lam. Hậu quả của sự tham lam không chỉ ngăn trở không cho ta đạt được những gì ta mong muốn nhất, mà còn gây ra tất cả những tình huống mà ta ít ưa thích nhất.
Mong ước làm tổn hại người khác. Như kết quả của ước muốn làm hại người khác, chúng ta sẽ không chỉ liên tục sống trong nỗi sợ hãi mà sẽ còn phải chịu đựng sự tổn hại thường xuyên.
Tà kiến. Hậu quả của việc nuôi dưỡng tà kiến là chúng ta sẽ không chỉ khăng khăng giữ những tin tưởng có hại như vậy, mà tâm ta cũng sẽ bị những điều dối gạt và những nhận thức sai lầm làm cho rối loạn.
2.3 Kết quả được quy định
Kết quả được quy định tác động trên môi trường sống của chúng ta. Việc sát sinh gây nên sự tái sinh trong những nơi hiểm trở, tăm tối, gồm toàn những khe núi và vách đá đầy sự nguy hiểm rình rập. Việc lấy những gì không được cho gây nên sự tái sinh trong những miền bị nạn nghèo đói hoành hành, ở đó sương muối và mưa đá hủy diệt các vụ mùa và cây cối không sinh trái quả. Sự tà dâm buộc chúng ta phải sống ở những nơi kinh tởm đầy phân và những chất thải, những đầm lầy, v. v.. Việc nói dối sẽ đem tới cho chúng ta đời sống vật chất bấp bênh, thường xuyên hoảng loạn thần kinh và hay gặp những sự việc và hoàn cảnh khủng khiếp. Việc gieo mối bất hoà khiến chúng ta phải cư trú ở những vùng khó đi lại, bị cắt xẻ với những hẻm núi sâu, những ngọn đèo lởm chởm đá và những nơi tương tự. Việc nói lời cay nghiệt gây nên sự tái sinh trong một miền đất ảm đạm, toàn sỏi đá và gai góc. Việc nói chuyện tầm phào vô ích sẽ khiến ta tái sinh vào miền đất trơ trụi và cằn cỗi, mặc dù làm việc cật lực cũng không sản xuất được gì; thời tiết không thích hợp và không dự đoán được. Sự tham lam sẽ gây nên những mùa màng nghèo nàn và mọi thứ bệnh tật khác tại những nơi chốn và thời đại khó sống. Việc mong muốn làm tổn hại người khác dẫn tới sự tái sinh vào những nơi đầy rẫy sự ghê sợ khủng khiếp với nhiều nỗi khổ khác nhau. Tà kiến khiến tái sinh vào những hoàn cảnh bần cùng không nơi nương tựa hay người che chở.
2.4 Hậu quả phát sinh nhanh chóng
Hậu quả phát sinh nhanh chóng là chúng ta sẽ có khuynh hướng lập đi lập lại nhiều lần bất kỳ hành động nào ta đã làm trước đó trong đời trước. Điều này đem lại một chuỗi đau khổ vô tận trong suốt tất cả những đời sau này của chúng ta. Khi đó những hành vi bất thiện của chúng ta sinh sôi nẩy nở nhiều hơn nữa và khiến chúng ta phải lang thang vô tận trong luân hồi.
II. NHỮNG HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC NÊN LÀM (Thập thiện)
Trong một ý nghĩa tổng quát thì mười hành động tích cực hay thập thiện bao gồm hứa nguyện tuyệt đối không bao giờ vi phạm bất cứ hành động bất thiện nào, chẳng hạn như sát sinh, lấy những gì không được cho và v.v.. khi đã hiểu rõ những hậu quả tai hại của ác hạnh.
Thọ một giới nguyện như vậy trước mặt một vị Thầy hay Thầy trợ giáo thì không nhất thiết phải buộc là như vậy; mặc dù bản thân bạn quyết định từ nay tránh tất cả những việc sát sinh, chẳng hạn thế – hoặc tránh sát sinh ở một nơi đặc biệt hoặc vào những thời điểm đặc biệt, hay tránh giết những súc vật nào đó – tự thân điều này đã là một hành vi tích cực. Tuy nhiên, nếu bạn hứa nguyện dưới sự chứng giám của một vị Thầy, một bằng hữu tâm linh hay một biểu tượng của Tam Bảo thì sẽ khiến cho việc hứa nguyện đó có một năng lực đặc biệt.
Việc bạn ngẫu nhiên chấm dứt việc sát sinh hay ngừng làm những hành động bất thiện khác thì chưa đủ. Hãy đếm thử xem đã bao nhiêu lần bản thân bạn hứa nguyện là sẽ tránh làm những ác hạnh, dù cho có điều gì xảy ra chăng nữa. Do đó, ngay cả người thường, không thể hoàn toàn kiêng cữ việc sát sinh, vẫn có thể rút ra được lợi ích to lớn từ việc thọ giới không sát sinh trong một thời kỳ nào đó hằng năm, hoặc là trong tháng giêng là Tháng của những sự Huyền Nhiệm; hoặc trong tháng tư, được gọi là Đức Phật đản sinh, thành đạovà nhập diệt cùng một ngày (Vaisakha); hoặc vào mỗi ngày rằm hay mồng một, hay trong một năm, tháng hay ngày đặc biệt nào đó.
Ngày xưa, một người đồ tể trong làng lập một lời nguyện trước sự chứng giám của Ngài Katyayana tôn quý rằng ông sẽ không sát sinh vào ban đêm. Ông ta bị tái sinh vào một trong những Địa ngục phù du, ở đó mỗi ngày ông ta bị hành hạ suốt ngày trong một căn nhà bằng kim loại nóng chảy. Nhưng mỗi đêm ông ta lại được nghỉ ngơi thật hạnh phúc và thoải mái trong một cung điện cùng với bốn thiên nữ.
Như vậy, mười hành động tích cực bao gồm việc từ bỏ mười hành động bất thiện cùng với việc thực hành thập thiện như là những pháp tốt lành để đối trị lại với thập ác.
Ba hành vi tích cực của thân là: (1) từ bỏ việc sát sinh, thay vào đó là bảo vệ mạng sống của chúng sinh; (2) từ bỏ việc lấy những gì không được cho, và thay vào đó là thực hành bố thí; và (3) từ bỏ sự tà dâm, và thay vào đó là tuân giữ những giới luật.
Bốn hành vi tích cực của khẩu là: (1) từ bỏ việc nói dối, thay vào đó là nói sự thật, (2) từ bỏ việc gieo mối bất hòa; thay vào đó là giải hòa các cuộc tranh luận; (3) từ bỏ việc nói những lời cay nghiệt, thay vào đó nói những lời dễ nghe; và (4) chấm dứt việc nói chuyện tầm phào vô ích, thay vào đó là trì tụng những lời cầu nguyện.
Ba hành vi tích cực của ý là: (1) từ bỏ lòng tham, thay vào đó là học cách bố thí; (2) từ bỏ việc mong muốn làm hại người khác, thay vào đó là nuôi dưỡng ước muốn giúp đỡ họ; và (3) chấm dứt những tà kiến, thay vào đó củng cố cho mình quan điểm chân chính và xác thực.
Kết quả hoàn toàn thuần thục của những hành vi này là bạn sẽ được tái sinh vào một trong ba cảnh giới cao.
Kết quả tương tự với nguyên nhân, hay với hành vi tạo tác, là bạn sẽ vui thích trong khi làm những thiện hạnh trong tất cả những đời sau của bạn, nhờ đó công đức của bạn càng ngày càng tăng trưởng.
Những kết quả tương tự với nguyên nhân, trên phương diện kinh nghiệm phải trải qua, được mô tả như sau đối với mỗi một hành vi thiện lành trong mười thiện hạnh: đối với việc từ bỏ sát sinh, bạn sẽ có một cuộc đời trường thọ ít bệnh tật; đối với việc từ bỏ trộm cắp, bạn sẽ không bị những kẻ thù hay bị ai cướp đoạt lấy mất sự thịnh vượng và tự do; đối với việc từ bỏ tà dâm, bạn sẽ có một người phối ngẫu duyên dáng và ít gặp phải các tình địch; đối với việc từ bỏ sự nói dối là bạn được mọi người tán thán và thương yêu; đối với việc từ bỏ sự gieo mối bất hòa là được bạn bè và những người hầu hạ tôn kính; đối với việc từ bỏ những lời nói cay nghiệt, là sẽ chỉ nghe những lời êm ái dễ chịu; đối với việc từ bỏ việc nói chuyện tầm phào vô ích, là sẽ được người khác lắng nghe một cách nghiêm túc; đối với việc từ bỏ lòng tham muốn, là được thỏa mãn những ước nguyện; đối với việc từ bỏ những tư tưởng ác hại, là không gặp phải những họa hại; và đối với việc từ bỏ các tà kiến, là tâm bạn sẽ tăng trưởng chánh kiến.
Kết quả được quy định là, trong mỗi trường hợp bạn làm việc thiện lành, nơi chốn bạn sinh vào sẽ trái ngược lại với nơi chốn của những quả bất thiện: nghĩa là bạn sẽ được sinh vào những nơi có tất cả những hoàn cảnh hoàn hảo nhất.
Kết quả phát sinh nhanh chóng là bất kỳ những thiện hạnh nào bạn làm cũng sẽ được nhân lên gấp bội, đem tới cho bạn sự may mắn không bao giờ dứt.
III. TÍNH CHẤT HOÀN TOÀN QUYẾT ĐỊNH CÁC HÀNH VI TẠO NGHIỆP
Trong mọi sự muôn màu muôn vẻ không thể nghĩ bàn, những niềm vui và nỗi khổ mà mỗi chúng sinh phải kinh nghiệm – từ những cõi giới cao nhất xuống tới địa ngục sâu thẳm nhất – tất cả những quả vui và khổ ấy cũng chỉ phát sinh từ những hành vi thiện và bất thiện mà mỗi cá nhân đã tích lũy trong quá khứ. Điều này đã được nói đến trong Kinh Một Trăm Hành Vi (Kinh Bách Nghiệp):
Mọi hoan hỷ và phiền não của chúng sinh
Đều đến từ những hành vi của họ,
Đức Phật đã dạy như thế.
Tính chất đa dạng của các hành vi
Tạo nên sự đa dạng của chúng sinh
Và thúc đẩy những cuộc lang thang vô tận của họ.
Quả thực mạng lưới của những hành vi
thì bao la biết bao!
Chẳng có điều gì trong quyền lực, sức mạnh, của cải hay tài sản nào mà giờ đây chúng ta đang tận hưởng đi theo ta khi ta chết. Chúng ta chỉ có thể mang theo những hành vi thiện và ác mà chúng ta đã tạo ra trong đời mình, là những thứ sẽ đẩy chúng ta tới những cảnh giới luân hồi cao hay thấp. Chúng ta đọc thấy trong Kinh Những Giáo Huấn Cho Nhà Vua:
Khi tới lúc phải ra đi, Ôi Nhà Vua,
Chẳng có bạn bè, của cải, hay gia đình đi theo được.
Nhưng cho dù chúng sinh từ đâu đến, và dù họ đi tới đâu,
Hành vi của họ sẽ theo họ như hình với bóng.
Kết quả của những hành vi thiện và bất thiện của chúng ta có thể không biểu hiện ra ngay lập tức và không dễ dàng nhận thấy được; nhưng chúng cũng không hoàn toàn biến mất. Chúng ta sẽ kinh nghiệm quả báo của từng hành vi một khi hội đủ những nhân duyên thích hợp.
Ngay cả sau một trăm kiếp
Hành nghiệp của chúng sinh sẽ không bao giờ mất đi.
Khi hội đủ các nhân duyên
Quả hoàn toàn chín mùi sẽ trổ.
như Kinh Một Trăm Hành Vi đã nói. Và trong Kho tàng của Những Phẩm Tính Quý Báu, chúng ta đọc thấy như sau:
Khi chim đại bàng cất cánh bay cao vút,
Thời gian trôi qua, chẳng thể nào thấy bóng nó đâu;
Nhưng chim và cái bóng vẫn còn nối kết.
Những hành vi của ta thì cũng thế
Khi hội đủ các nhân duyên, quả sẽ hiển hiện.
Khi một con chim cất cánh và bay cao lên bầu trời, cái bóng của nó dường như biến mất. Nhưng điều này không có nghĩa là cái bóng không còn hiện hữu. Sau cùng, dù con chim đáp xuống nơi đâu thì ở đó cái bóng của nó lại xuất hiện, hoàn toàn sẫm màu và rõ ràng như trước. Tương tự như vậy, cho dù trong chốc lát không thể thấy được những hành vi thiện hay ác của ta trong quá khứ nhưng những hành nghiệp ấy chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ quay trở lại với ta vào lúc kết thúc.
Quả thực, làm sao những điều này lại không xảy đến đối với những người bình thường như chúng ta, khi ngay cả chư Phật và các bậc A La Hán, là những bậc đã thoát khỏi mọi nghiệp chướng và phiền não chướng, vẫn còn phải chịu nhận những hậu quả của những hành vi trong quá khứ.
Một ngày nọ, quân đội của Virudhaka, quốc vương xứ Sravasti, tấn công thành phố của bộ tộc Thích Ca (Sakya) và tàn sát tám mươi ngàn người. Vào lúc đó, bản thân Đức Phật bị nhức đầu. Khi các đệ tử của Ngài hỏi tại sao có chuyện như thế thì Ngài trả lời:
“Nhiều kiếp trước, những người Sakya đó là các ngư phủ sống bằng nghề đánh bắt và ăn nhiều cá. Một hôm họ bắt được hai con cá lớn, và thay vì giết ngay thì họ lại cột chúng vào một cái cọc. Khi hai con cá bị mắc cạn quằn quại vì đau đớn, chúng nghĩ: “Những người này đang giết chúng ta, mặc dù ta chẳng làm điều gì hại họ. Để báo thù, cầu mong có ngày chúng ta giết được họ, dù họ không làm gì hại ta.” Kết quả ý nghĩ của hai con cá lớn là chúng tái sinh làm vua Virudhaka và tể tướng Matropakara, trong khi tất cả những con cá khác bị các ngư phủ giết trở thành quân đội của họ. Ngày nay họ đã tàn sát những người của bộ tộc Sakya.
“Vào lúc đó, ta là con của một trong những ngư phủ đó và ta đã cười vui khi thấy hai con cá bị cột đang quằn quại đau đớn khi bị phơi trên cạn. Hậu quả của hành vi đó là ngày nay ta bị nhức đầu. Nếu ta không thành tựu được những phẩm tính83 ta hiện có, thì ta cũng đã bị quân đội của vua Virudhaka giết.”
Trong một dịp khác, chân của Đức Phật bị thương vì mảnh cây keo84 – là hậu quả của việc Ngài giết Chiến sĩ Giáo Đen trong một đời trước khi Ngài là một Bồ Tát.
Trong tất cả các đệ tử Thanh Văn của Đức Phật thì Ngài Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) là bậc có năng lực thần thông đệ nhất. Tuy nhiên, Ngài vẫn bị Parivrajikas giết hại, do bởi nghiệp lực chiêu cảm của những hành vi trong quá khứ của Ngài. Chuyện xảy ra như sau:
Ngài Xá Lợi Phất (Sariputra) siêu phàm và Ngài Đại Mục Kiền Liên thường du hành đến những thế giới khác như các cõi địa ngục hay ngạ quỷ để làm lợi ích cho chúng sinh ở đó. Một ngày kia, trong khi ở địa ngục, các Ngài đi ngang một vị thầy ngoại đạo tên là Purnakasyapa bị tái sinh ở đó và phải chịu vô số nỗi đau khổ khác nhau.
Ông ta nói với các Ngài: “Các bậc Tôn Quý, khi các Ngài trở về cõi người, làm ơn nói với những đệ tử trước đây của tôi rằng đạo sư Purnakasyapa của họ đã bị đọa trong địa ngục. Hãy nói với họ giùm tôi là con đường của các Parivrajika không phải là con đường đạo đức. Con đường đạo đức nằm trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Con đường của chúng tôi thì sai lầm; họ nên từ bỏ nó, hãy học hỏi để đi theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và đặc biệt, xin nói với họ là bất cứ khi nào họ cúng dường trước lăng mộ mà họ xây để chứa xương cốt của tôi thì một cơn mưa kim loại nóng chảy lại đổ xuống người tôi. Tôi van các Ngài, xin nói với họ đừng cử hành các lễ cúng dường như vậy nữa.”
Hai bậc tôn quý trở về cõi người. Xá Lợi Phất tới trước tiên và trao cho những người ngoại đạo thông điệp của vị thầy của họ nhưng vì thiếu những duyên nghiệp tất yếu nên họ không nghe Ngài. Khi Mục Kiền Liên tới, Ngài hỏi Xá Lợi Phất đã trao cho những người ngoại đạo thông điệp của Purnakasyapa chưa.
“Rồi,” Xá Lợi Phất trả lời, “nhưng họ không nói một lời nào.”
Mục Kiền Liên nói: “Vì họ không hiểu được những gì ngài nói, tự tôi sẽ nói với họ.” Và Ngài ra đi để thuật lại với họ những điều Purnakasyapa đã nói.
Nhưng những kẻ ngoại đạo nổi giận: “Không chấp nhận được kẻ sỉ nhục chúng ta, hắn đang chỉ trích Đạo Sư (Guru) của chúng ta!” họ nói. “Hãy đánh hắn!” Họ tấn công Ngài, đánh Ngài mềm người và bỏ Ngài nằm đó.
Cho đến lúc đó, ngay cả ba cõi có phối hợp tấn công cũng không thể làm tổn hại tới một sợi tóc trên đầu Ngài Mục Kiền Liên, huống chi là sự đánh đập của những người ngoại đạo. Nhưng vào lúc đó, bị sức nặng của những hành vi trong quá khứ của mình đè bẹp, Ngài đã chết như bất kỳ người bình thường nào khác.
Ngài nói: “Ngay cả việc chỉ suy nghĩ xem làm sao để sử dụng thần thông mà tôi còn không làm được, thì nói chi tới chuyện làm được điều đó,” Ngài Xá Lợi Phất bọc Ngài trong chiếc y và vác Ngài đi.
Khi họ đi tới Rừng Kỳ Thọ (Jeta), Ngài Xá Lợi Phất la lên: “Tôi không thể chịu nổi ngay cả việc nghe tả lại về cái chết của bạn tôi! Làm sao tôi có thể nhìn chuyện đó xảy ra?” và Ngài nhập Niết Bàn cùng với nhiều vị A La Hán khác. Lập tức sau đó, Ngài Mục Kiền Liên cũng siêu vượt nỗi đau khổ.
Có lần, có một vị tăng sống ở Kashmir tên là Ravati, là người có nhiều đệ tử. Ông ta là một nhà thấu thị và có thần thông. Một ngày nọ, ông đang nhuộm màu vàng nghệ chiếc y tu sĩ của mình trong một khu rừng rậm. Cùng lúc đó, một người thế tục sống gần đó đang tìm con bò đi lạc. Anh ta thấy khói bốc lên từ cánh rừng già bèn đi tới xem chuyện gì xảy ra.
Thấy vị tăng đang đốt lửa, anh ta hỏi: “Ông đang làm gì vậy?”
“Tôi đang nhuộm y,” vị tu sĩ trả lời.
Người đàn ông nhấc nắp vạc nhuộm lên và nhìn vào trong.
“Đó là thịt!” anh ta la lên, và quả thực khi vị tăng nhìn vào trong vạc thì cũng thấy là thịt.
Người đàn ông bèn dẫn vị tu sĩ giao cho nhà vua, và nói: “Thưa Ngài, vị sư này ăn trộm con bê của tôi. Xin trừng phạt ông ta.” Nhà vua ra lệnh quăng Ravati vào hầm.
Tuy nhiên vài ngày sau, con bò mẹ của người đàn ông tự tìm thấy con bê con đi lạc của nó. Người đàn ông trở lại gặp nhà vua và nói: “Thưa Ngài, rốt cuộc thì nhà sư này không ăn trộm bò của tôi; làm ơn thả ông ta ra.”
Nhưng nhà vua đãng trí quên thả Ravati. Suốt trong sáu tháng nhà vua không nhớ gì về việc đó.
Sau đó, một ngày nọ, một nhóm đông đệ tử của vị tu sĩ – mà bản thân họ đã đạt được các thần thông – họ bay trên không gian và hạ xuống trước mặt nhà vua.
“Ravati là nhà sư thanh tịnh và vô tội,” họ nói với nhà vua. “Xin thả Ngài ra.”
Nhà vua đi thả vị sư, và khi thấy tình trạng suy yếu của Ravati, lòng nhà vua tràn đầy hối hận.
“Tôi định đến sớm hơn, nhưng tôi đã để lâu quá,” nhà vua kêu lên, “Tôi đã phạm một tội khủng khiếp.”
“Ngài chẳng làm gì ác cả,” vị sư nói. “Đây hoàn toàn là kết quả những hành vi của riêng tôi.”
“Đó là hành động nào?”, nhà vua hỏi.
“Trong một đời quá khứ, tôi là kẻ trộm, và có lần tôi ăn trộm một con bê. Khi người chủ đuổi theo, tôi bỏ chạy, để lại con bê kế bên một vị Phật Độc Giác đang ngẫu nhiên thiền định trong một bụi cây. Người chủ bắt vị Phật Độc Giác ném vào hố trong sáu ngày. Là hậu quả hoàn toàn chín mùi của hành vi đó, tôi phải trải qua nhiều đời đau khổ trong những cõi thấp. Những đau khổ mà hiện nay tôi phải chịu đựng trong đời này là đau khổ cuối cùng trong số đó.”
Một ví dụ khác là câu chuyện người con trai của Surabhibhadra,85 một vị Vua Ấn Độ. Một ngày nọ, hoàng tử được mẫu hậu đưa cho một áo lụa liền một mảnh. Hoàng tử không muốn mặc ngay và nói: “Con sẽ mặc vào ngày con thừa kế vương quốc.”
“Con sẽ không bao giờ được thừa kế vương quốc,” mẫu hậu nói. “Điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào phụ vương con chết. Nhưng phụ vương của con và vị Thầy Bồ Tát Long Thọ (Nagarjuna) có cùng một loại sinh lực,86 như vậy chừng nào Ngài Long Thọ Bồ Tát vẫn còn sống thì phụ vương con sẽ không thể chết. Và vì Long Thọ Bồ Tát có năng lực kéo dài thọ mạng của Ngài nên phụ vương của con sẽ không bao giờ chết. Đó là lý do tại sao những người anh của con đã chết mà không thừa kế được vương quốc.”
“Vậy con có thể làm được gì?” hoàng tử hỏi.
“Hãy đến gặp Thầy Long Thọ hỏi xin cái đầu của Ngài. Ngài sẽ đồng ý vì Ngài là một Bồ Tát. Ta thấy không còn giải pháp nào khác.”
Hoàng tử tới gặp Long Thọ Bồ Tát và hỏi xin cái đầu của Ngài. “Hãy cắt lấy nó và đem đi,” Đạo sư nói. Hoàng tử dùng kiếm chặt vào cổ Ngài Long Thọ Bồ Tát. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. Như thể lưỡi kiếm của Hoàng tử chặt vào không khí.
Đạo sư giải thích: “Vũ khí không thể làm tổn thương ta vì năm trăm đời trước ta đã hoàn toàn tự tịnh hóa mọi kết quả hoàn toàn chín mùi của việc sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, có một ngày ta đã giết một côn trùng khi cắt cỏ kusa. Hậu quả chín muồi của hành động đó tự nó chưa xảy ra, vậy nếu ngươi dùng cỏ kusa làm kiếm thì ngươi có thể cắt được đầu ta.” Vì vậy, hoàng tử nhổ một lá cỏ kusa và cắt đầu Ngài Long Thọ. Đầu liền rơi xuống đất. Ngài Long Thọ nhập Niết Bàn và hát:
Bây giờ ta rời bỏ thế gian để đến Cõi Cực Lạc;
Sau này, ta sẽ quay lại ngay chính trong thân này.87
Nếu ngay cả những cá nhân phi thường như vậy vẫn còn phải kinh nghiệm hậu quả của những hành vi trong quá khứ của các Ngài thì làm thế nào chúng ta – là những kẻ mà những hành động bất thiện đã được tích luỹ từ vô thủy trong những cuộc lang thang của chúng ta qua các cõi luân hồi thì hoàn toàn không thể tính đếm – có thể hy vọng thoát khỏi luân hồi trong khi chúng ta vẫn tiếp tục tích lũy ác hạnh? Ngay cả việc thoát khỏi những cõi thấp cũng cực kỳ khó khăn. Vậy, bằng mọi giá, chúng ta hãy tránh làm những hành động xấu xa nhỏ bé nhất dù chỉ trong phút giây, và chuyên chú làm bất kỳ điều gì tốt lành mà chúng ta có thể làm, cho dù những điều tốt lành ấy có vẻ tầm thường vô nghĩa. Chừng nào chúng ta còn chưa nỗ lực tinh tấn, thì mỗi một khoảnh khắc của ác hạnh sẽ tiếp dẫn dắt chúng ta đọa xuống những cõi thấp trong nhiều kiếp. Đừng bao giờ xem thường những hành động xấu ác dù nhỏ nhặt nhất, và cho rằng chúng không thể gây tổn hại lớn lao. Như Bồ Tát Tịch Thiên (Santideva) có nói:
Ác hạnh, dù chỉ trong khoảnh khắc
Cũng đủ dẫn tới một kiếp trong địa ngục A- Tì,
Bao ác hạnh tôi đã từng tạo từ vô thủy
Chẳng cần nói cũng biết, chúng ngăn cản không cho tôi đến được các cõi cao.
Và trong Kinh Hiền Ngu chúng ta thấy:
Đừng xem thường những ác hạnh dù nhỏ bé,
Và tin rằng chúng không gây ác hại
Ngay cả một tia lửa nhỏ xíu,
Cũng có thể thiêu rụi một núi cỏ.
Tương tự như thế, ngay cả những thiện hạnh nhỏ bé nhất cũng đem lại lợi ích to lớn. Chớ có xem thường, cũng đừng cho rằng những thiện hạnh nhỏ bé là việc không đáng làm.
Trong một đời quá khứ, vua Mandhatri là một người nghèo khổ. Một ngày nọ, trên đường đi dự một đám cưới với một nắm đậu trong tay, ông gặp Đức Phật Ksantisarana đang du hành qua làng. Do lòng sùng mộ mãnh liệt, ông tung nắm đậu vào Ngài. Bốn hạt đậu rơi vào bình bát của Đức Phật và hai hạt khác chạm vào ngực Ngài. Sự chín muồi của hành động này khiến ông tái sinh làm đại đế cai trị châu Diêm Phù Đề. Vì bốn hạt đậu rơi vào bình bát của Đức Phật nên ông được cai trị bốn châu lục trong tám vạn năm. Bởi một trong hai hạt đậu chạm vào tim Phật, ông trở thành Hoàng Đế cai quản cảnh giới của Tứ Thiên Vương trong tám vạn năm khác; và do hạt đậu thứ hai, ông được liên tiếp chia đồng đều chủ quyền với ba mươi bảy vị Trời Đế Thích trên tầng Trời thứ Ba mươi ba.
Người ta có nói ngay cả việc quán tưởng Đức Phật và tung một đóa hoa vào hư không cũng dẫn tới việc bạn được chia vương quyền của Vua Trời Đế Thích trong một thời gian dài khó tưởng tượng nổi. Đây là điều tại sao Kinh Hiền Ngu nói:
Không làm những thiện hạnh nhỏ bé,
Vì tin rằng chẳng lợi lạc gì
Tuần tự từng giọt nước một
Khi đến lúc, có thể làm đầy một hồ lớn.
Và Kho Tàng Của Những Phẩm Tính Quý Báu (Kho Báu Thiện Đức) nói:
Từ những hạt giống không lớn hơn hạt mù tạt,
Mọc thành những cây ashota rộng lớn mà chỉ trong một năm
Có thể vươn cành rộng hàng lý.
Nhưng sự tăng trưởng của thiện và ác thậm chí
còn nhanh hơn thế.
Hạt của cây ashota không lớn hơn một hạt mù tạt, nhưng cây ashota thì phát triển nhanh tới nỗi cành lá của chúng lớn hàng lý chỉ trong một năm. Tuy nhiên ngay cả hình ảnh này cũng chưa đủ mô tả sự lớn mạnh khủng khiếp của những hành vi thiện và ác.
Cũng thế, dù phạm phải giới luật nhỏ bé nhất cũng gây nên những điều xấu ác to lớn. Một ngày kia Long Vương Elapatra đến gặp Đức Phật dưới lốt một vị Chuyển Luân Thánh Vương.
Đức Phật khiển trách: “Ngươi gây tác hại cho giáo lý của Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa) còn chưa đủ hay sao mà bây giờ lại còn muốn làm tổn hại giáo lý của ta? Hãy hiện nguyên hình mà lắng nghe Giáo Pháp!”
“Nếu làm như vậy, nhiều chúng sinh sẽ hại con,” Long Vương trả lời, vì thế Đức Phật bèn cho Kim Cương Thủ (Vajrapani) bảo vệ, Long Vương bèn biến thành một con rắn khổng lồ dài vài lý (một lý khoảng 4,8km). Trên đầu rắn mọc một cây elapatra lớn, đè bẹp con rắn với sức nặng của nó, rễ cây nhung nhúc côn trùng khiến cho con rắn đau đớn khủng khiếp.
Khi được hỏi tại sao ông ta lại như thế này, Đức Phật trả lời, “Xưa kia, vào thời đại giáo lý Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa), ông ta là một tu sĩ. Một hôm áo của ông ta bị vướng vào một cây elapatra lớn mọc bên đường và bị kéo tuột ra. Ông ta giận dữ điên cuồng và liền phạm giới luật,88 ông ta đã đốn hạ cây này. Những gì các ông thấy hôm nay là hậu quả của hành vi đó.”
Đối với tất cả những hành vi thiện hay ác, động cơ thúc đẩy là yếu tố quan trọng nhất để quyết định những hành vi ấy mang tính chất thiện hay bất thiện, nặng hay nhẹ. Điều này cũng giống như một cái cây: nếu rễ của nó có dược tính, thì thân và lá của nó cũng sẽ có dược tính. Nếu rễ độc hại thì thân và lá cũng độc. Lá thuốc không thể phát triển từ một rễ độc. Tương tự, nếu một động cơ phát triển từ sự kích động hay bám chấp và do đó không hoàn toàn thanh tịnh, thì hành vi theo sau bắt buộc phải tiêu cực, mặc dù mang vẻ tích cực. Trái lại, nếu động cơ thanh tịnh, thì cho dù hành vi có vẻ tiêu cực nhưng trong thực tế lại là tích cực. Trong Kho tàng Những Phẩm tính Quý báu có nói:
Nếu rễ là thuốc thì cành lá của nó cũng thế.
Nếu rễ độc thì khỏi cần phải nói, cành lá cũng độc.
Điều khiến một hành vi thành thiện hay ác
không phải ở chỗ bề ngoài của nó ra sao
Hoặc kích thước thế nào,
mà dựa trên động cơ phía sau là tốt hay xấu.
Vì lý do này, thậm chí đã có thời chư vị Đại Bồ Tát, những bậc Kế thừa của các Đấng Chiến Thắng, được phép vi phạm bảy hành động gây tổn hại của thân và khẩu với điều kiện là tâm của các Ngài thanh tịnh và thoát khỏi mọi sự tham muốn ích kỷ. Điều này được minh họa bằng những ví dụ của Thuyền Trưởng Đại Bi Tâm giết Chiến sĩ Giáo Đen, hay của thanh niên bà la môn Tình Nhân Thiên Tú đã phạm giới hạnh với một thiếu nữ bà la môn.
Có lần, trong một đời trước, Đức Phật là một thuyền trưởng tên là Đại Bi Tâm. Ngài đang vượt biển với năm trăm thương nhân thì tên cướp biển ác độc tên là Chiến sĩ Giáo Đen xuất hiện, đe dọa giết tất cả mọi người. Thuyền trưởng nhận thấy những lái buôn này đều là những vị Bồ Tát không còn phải trở lại luân hồi, và nếu một người nào đó giết họ thì người ấy sẽ phải chịu đau khổ trong địa ngục trong vô số kiếp. Được thúc đẩy bởi một cảm xúc bi mẫn mãnh liệt, Ngài nghĩ: “Nếu ta giết hắn, hắn sẽ không phải xuống địa ngục. Do đó ta chẳng còn chọn lựa nào khác, dù rằng điều đó có nghĩa là chính ta phải đọa địa ngục.” Với lòng can đảm phi thường, Ngài đã giết tên cướp biển, và khi làm hành động này Ngài đã tích tập được một lượng công đức tương đương với công đức tích tập trong bảy mươi ngàn kiếp theo cách bình thường. Nhìn bề ngoài của việc làm đó thì đây là một ác hạnh, bởi Bồ Tát đang phạm vào hành vi sát sinh. Nhưng điều ấy đã được thực hiện mà không có chút động cơ ích kỷ nào. Trong tương lai gần, việc ấy cứu mạng sống của năm trăm thương nhân. Và trong phạm vi xa rộng hơn thì việc ấy cứu Chiến sĩ Giáo Đen khỏi phải chịu đau khổ trong địa ngục. Vì vậy, trong thực tế thì hành động đó chính là một thiện hạnh vô cùng mạnh mẽ.
Lại có một người Bà la môn tên là Tình Nhân Thiên Tú sống lâu năm trong rừng, giữ giới nguyện trong sạch. Một ngày nọ, anh ta đi khất thực trong một ngôi làng. Một thiếu nữ Bà la môn thất tình với anh, tuyệt vọng tới nỗi sắp tự tử. Được thúc đẩy bởi lòng bi mẫn đối với cô ta, chàng thanh niên đã cưới cô, và hành động này đã đem lại cho anh bốn mươi ngàn kiếp công đức.
Đối với những người như vậy thì việc giết hại hay phá vỡ giới nguyện trong sạch được cho phép. Trái lại, những hành vi tương tự nhưng lại làm với động cơ ích kỷ do bởi tham dục, sân hận hay vô minh thì đều không được phép đối với bất kỳ ai.
Một Bồ Tát với tâm rộng lớn bao la và không chút tham muốn cá nhân, cũng có thể lấy trộm của những người giàu mà keo kiệt, và nhân danh họ, cúng dường của cải cho Tam Bảo hay cho những người nghèo túng.
Việc nói dối để che chở người nào đó sắp bị giết, hay để bảo vệ tài sản thuộc về Tam Bảo thì cũng được cho phép làm. Nhưng lừa dối người khác vì lợi lạc của riêng mình thì không bao giờ là điều đúng đắn…
Việc gieo mối bất hoà, chẳng hạn như giữa hai người bạn thân – trong đó có một người chuyên làm điều xấu trong khi người kia yêu thích làm việc tốt lành – thì điều này cũng được cho phép, đó là nếu có nguy cơ tính khí mạnh mẽ của người xấu sẽ làm hư hỏng người tốt. Tuy nhiên, tuyệt đối không được phép chia rẽ hai người đang hòa thuận với nhau.
Lời nói cay nghiệt có thể được dùng, ví dụ thế, như một phương tiện mạnh mẽ hơn để đem Giáo Pháp tới với những người mà cách răn dạy mềm mỏng không tạo được ấn tượng cho họ – hoặc có thể dùng khi cần răn dạy một đệ tử nhằm phô bày lỗi lầm tiềm ẩn của anh ta. Như Ngài Atisa có nói:
Vị Thầy tốt nhất là người tấn công vào những lỗi lầm ẩn giấu của bạn;
Giáo huấn tuyệt hảo nhất là lời chỉ dạy nhắm thẳng tới
những lỗi lầm tiềm ẩn ấy.
Tuy nhiên, nói lời cay nghiệt chỉ để sỉ nhục người khác thì không được cho phép.
Nói chuyện phiếm vô ích có thể được sử dụng như một phương tiện thiện xảo để giới thiệu Giáo Pháp cho những người thích trò chuyện và những người mà ta không có cách nào khác để đem Giáo Pháp lại cho họ. Nhưng tuyệt đối không được dùng chuyện phiếm để biện hộ cho sự xao lãng của chính mình và những người khác.
Đối với ba hành vi bất thiện của ý thì không ai được phép vi phạm, bởi đứng về mặt của động lực thì không có cách nào để chuyển hóa những động cơ này thành động cơ tốt lành. Một khi tư tưởng tiêu cực đã khởi lên, thì việc ấy sẽ luôn luôn phát triển thành một điều không tốt lành.
Tâm thức là thứ duy nhất khởi xướng điều tốt và điều xấu. Có nhiều trường hợp khi những tư tưởng khởi lên trong tâm, cho dù chúng không biến thành lời nói hay hành động thì vẫn có một hậu quả tốt hay xấu hết sức mạnh mẽ. Vì thế, hãy luôn luôn khảo sát tâm bạn. Nếu tư tưởng của bạn tích cực, hãy hoan hỷ và làm nhiều điều tốt lành hơn nữa. Nếu chúng tiêu cực, hãy sám hối lập tức, cảm thấy xấu xa và tủi hổ rằng bạn vẫn còn nuôi dưỡng những tư tưởng như vậy mặc dù đã tiếp nhận mọi giáo lý, và hãy tự nhủ rằng từ giờ trở đi bạn phải nỗ lực hết sức không để cho những tư tưởng như thế xuất hiện trong tâm. Ngay cả khi bạn làm điều thiện, hãy kiểm tra động cơ của bạn thật kỹ lưỡng. Nếu ý hướng của bạn tốt thì hãy làm. Nếu động cơ của bạn là để gây ấn tượng cho mọi người, hoặc được đặt nền trên sự ganh đua hay khao khát danh tiếng, thì hãy cương quyết chuyển hóa tác ý để cho tác ý ấy được thấm đẫm bằng Bồ Đề Tâm. Nếu bạn hoàn toàn không thể chuyển hóa được động cơ của bạn thì tốt hơn bạn nên trì hoãn, không nên thực hiện việc thiện lành đó.
Một ngày nọ, Geshe Ben đang mong đợi một nhóm đông thí chủ của Ngài tới thăm. Sáng hôm đó, Ngài sắp xếp đồ cúng dường trên bàn thờ trước hình tượng của Tam Bảo hết sức ngăn nắp. Khi khảo sát những ý định của mình, Ngài nhận ra là chúng không thanh tịnh, và Ngài chỉ đang cố gây ấn tượng cho những người bảo trợ; vì thế Ngài hốt một nắm đất và ném lên toàn bộ đồ cúng dường, Ngài nói: “Này ông Tăng, hãy chân thật và chớ có màu mè!”
Khi Padampa Sangye nghe được chuyện này, Ngài nói: “Trong toàn xứ Tây Tạng, nắm đất mà Ben Kungyal ném là món cúng dường tuyệt hảo nhất!”
Vì thế, hãy luôn cẩn trọng canh chừng tâm của bạn! Ở trình độ của chúng ta, là những người tầm thường, ta không thể không có những tư tưởng và hành động bị thôi thúc bởi những ý định xấu. Nhưng nếu chúng ta có thể lập tức nhận ra điều sai lầm, hãy sám hối và nguyện không tái phạm nữa, chúng ta sẽ cắt đứt mối ràng buộc với động cơ xấu ác.
Một ngày khác, Geshe Ben đang ở nhà của một vài người bảo trợ. Lúc gia chủ ra khỏi phòng, Geshe Ben nghĩ: “Ta không còn trà. Ta sẽ lấy trộm một ít để nấu khi trở về thiền thất.”
Nhưng lúc đặt tay vào túi trà của họ, đột nhiên Ngài nhận ra điều mình đang làm và lên tiếng gọi những người bảo trợ lại: “Hãy lại đây xem tôi đang làm gì! Chặt tay tôi đi!”
Ngài Atisha nói: “Từ khi thọ giới nguyện Biệt giải thoát (Pratimoksa), ta chưa từng bị ô nhiễm ngay cả bởi một lỗi lầm nhỏ nhất. Trong khi thực hành giới luật Bồ Đề Tâm, ta đã vi phạm một hay hai lỗi nhỏ. Và từ khi thọ giới Kim Cương Thừa Mantra Bí Mật, mặc dù thỉnh thoảng còn vấp ngã, nhưng ta không lưu giữ những lỗi lầm hay sa sút trong ta quá một ngày.”
Khi Ngài đi du hành, ngay khi khởi lên bất kỳ niệm xấu nào, Ngài lấy đế mạn đà la bằng gỗ89 luôn mang theo trong người ra và sám hối tư tưởng xấu của mình, nguyện rằng không bao giờ tái phạm.
Một hôm nọ, Geshe Ben đang tham dự một hội chúng đông đảo gồm các vị tiến sỹ Phật học tại Penyulgyal. Một lát sau, món sữa đông được mang ra mời khách. Geshe Ben ngồi ở một hàng giữa và nhận thấy những vị tăng ngồi ở hàng đầu được nhận khẩu phần lớn.
“Món sữa đông trông thật ngon lành,” Ngài tự nghĩ, “Nhưng ta không nghĩ mình sẽ được phần tốt như thế.”
Ngay lập tức Ngài tự nhận ra: “Mi ghiền sữa chua rồi!” Ngài nghĩ thế, và lật úp bình bát của mình. Khi người phục vụ sữa tới hỏi Ngài có muốn dùng không, Ngài từ chối.
“Tâm thức xấu xa này đã lấy phần của nó rồi.” Ngài nói.
Mặc dù hoàn toàn không có gì sai trái khi muốn được nhận phần tương tự như những tu sĩ thanh tịnh khác, nhưng chính tư tưởng quy – ngã mong cầu được nhận món sữa chua ngon lành đó đã khiến Ngài từ chối nó.
Nếu bạn luôn khảo sát tâm bạn như vậy, tuân thủ những điều tốt lành và từ bỏ những gì độc hại, tâm bạn sẽ trở nên nhu nhuyễn và mọi tư tưởng của bạn sẽ trở nên tích cực.
Ngày xưa, có một người Bà la môn tên là Ravi, là người luôn khảo sát tâm mình. Khi tâm ông khởi lên một niệm xấu, ông để một viên sỏi đen sang một bên và khi khởi một niệm tốt, ông đặt một viên sỏi trắng. Thoạt tiên, ông đặt toàn sỏi đen. Sau đó, khi ông kiên trì trong việc phát triển cách đối trị và làm những thiện hạnh, từ bỏ những ác hạnh, một thời gian sau, số lượng sỏi trắng và đen bằng nhau. Cuối cùng thì ông có toàn sỏi trắng. Đây là cách thức bạn nên phát triển hành động tích cực như một phương pháp đối trị, cùng với sự chánh niệm và cảnh giác, và chớ làm ô nhiễm bản thân ngay cả bằng những hành động bất thiện nhỏ bé nhất.
Cho dù bạn không tích tập những hành vi bất thiện trong đời này, bạn cũng không thể thấu hiểu được quy mô của tất cả những hành động mà bạn từng tích lũy trong vòng luân hồi vô thủy, hoặc không thể hình dung ra được những hậu quả của những ác hạnh mà bạn còn phải trải nghiệm. Vì thế có những người mặc dù giờ đây hoàn toàn hiến mình cho đức hạnh và thực hành tánh Không, nhưng họ vẫn tràn đầy đau khổ. Có những quả không trổ sinh lập tức mà ngủ ngầm, chờ ngày đưa đến việc trổ sinh trong những cõi thấp. Nhưng những quả thuộc loại hậu nghiệp này lại xuất hiện nhờ vào những pháp tu đối trị mà họ áp dụng trong cuộc đời để giúp cho những quả ấy trổ ngay trong đời này. Kinh Kim Cương có nói:
Các vị Bồ Tát thực hành trí tuệ bát nhã siêu việt vẫn bị đau khổ – quả thực, họ sẽ bị đau khổ khủng khiếp – bởi những hành vi trong quá khứ đã chín mùi trong đời này thay vì sẽ mang lại đau khổ trong những đời sau.
Ngược lại, có những người chỉ làm những điều ác mà vẫn kinh nghiệm được ngay lập tức kết quả của một vài thiện hạnh, những thiện hạnh này, lẽ ra phải chờ thêm một thời gian lâu sau mới trổ. Điều này xảy ra trong xứ Aparantaka. Một trận mưa toàn đá quý đã đổ xuống trong bảy ngày liền, sau đó bảy ngày mưa quần áo, và bảy ngày nữa mưa ngũ cốc. Cuối cùng là một trận mưa đất. Mọi người đều bị đè chết và bị tái sinh trong địa ngục.
Những tình huống như thế, khi người làm tốt phải chịu đau khổ, người làm ác lại hưởng sự thành công thịnh vượng, là những tình huống luôn luôn xảy ra như kết quả của những hành vi đã làm trong quá khứ. Hành động hiện tại của bạn, dù xấu hay tốt, sẽ có kết quả trong đời kế tiếp hay những đời sau nữa. Vì lý do này, thật là điều hết sức cần thiết để phát triển một lòng tin vững chắc vào kết quả không thể nào tránh khỏi của những hành động mà bạn đã tạo tác và luôn luôn hành xử một cách phù hợp.
Không nên sử dụng ngôn ngữ Giáo Pháp về những quan kiến tối thượng90 để xem thường luật nhân quả. Đạo sư Vĩ đại xứ Oddiyana đã nói:
Nhà Vua Vĩ Đại, trong Mật Thừa của tôi, cái thấy (kiến) là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, đừng để hành động của Ngài sa sẩy theo chiều hướng của cái thấy. Nếu làm như vậy, Ngài sẽ rơi vào tà kiến của ma quỷ, sẽ bày trò phiếm luận rằng thiện thì không mà ác cũng không. Nhưng cũng đừng để cái thấy của Ngài sa sẩy theo chiều hướng của những hành động tạo tác, nếu không, Ngài sẽ bị mắc kẹt trong quan điểm duy vật và hệ tư tưởng giáo điều, và như vậy, sự giải thoát sẽ chẳng bao giờ tới…
Đó là lý do tại sao cái thấy của tôi cao hơn bầu trời, nhưng sự chú tâm của tôi dành cho mọi hành động tạo tác và cho kết quả của những hành động tạo tác ấy thì còn tinh nhuyễn hơn cả bột mì
Như vậy, cho dù trong cái thấy, bạn có hoàn toàn chứng ngộ được bản tánh của thực tại như thế nào chăng nữa, thì bạn cũng phải hết sức chú tâm tới những hành vi của bạn và kết quả của những hành vi ấy.
Có lần, có một người hỏi Ngài Padampa Sangye rằng: “Một khi chúng ta đã chứng ngộ tánh Không, việc phạm những ác hạnh có còn tác hại chúng ta hay không?”
Ngài Padampa Sangye trả lời: “Một khi các ông chứng ngộ tánh Không, thì thật là vô lý khi làm việc bất thiện. Khi các ông chứng ngộ tánh Không thì lòng đại bi xuất hiện hết sức tự nhiên cùng lúc với tánh Không.”
Do đó, nếu bạn muốn thực hành Giáo Pháp một cách đích thực, bạn nên dành ưu tiên cho việc lựa chọn làm những gì phù hợp với luật nhân quả. Cái thấy (kiến) và hành động (hành) phải được nuôi dưỡng song hành với nhau. Dấu hiệu cho thấy bạn đã thấu suốt giáo lý về nghiệp quả phải giống như Ngài Jetsun Milarepa đã thấy.
Một hôm, các đệ tử hỏi Ngài: “Thưa Ngài Jetsun, chúng con thấy mọi hành vi Ngài làm đều siêu vượt sự hiểu biết của những người bình thường. Ngài Jetsun tôn quý, phải chăng ngay từ lúc khởi đầu, Ngài đã là một hóa thân của Đức Kim Cương Trì (Vajradhara), hay của một vị Phật hoặc Bồ Tát?”
Ngài Jetsun trả lời: “Nếu các con coi ta là một hóa thân của Đức Kim Cương Trì, hay của một vị Phật hoặc Bồ Tát, thì điều này cho thấy các con có lòng tin nơi Ta – nhưng tuy vậy, các con khó có thể nào có được một cái thấy nào sai lầm to tát hơn là như thế về Giáo Pháp! Khởi đầu, Ta đã chồng chất những hành động cực kỳ ác hại, sử dụng chú thuật và tạo ra mưa đá. Ta cũng sớm nhận ra rằng mình không có cách nào thoát khỏi việc bị đọa sinh trong địa ngục. Vì thế, ta đã thực hành Giáo Pháp với lòng nhiệt thành không ngơi nghỉ. Nhờ nương vào những phương pháp sâu xa của Mật Thừa, ta đã phát triển được những phẩm tính đặc biệt trong chính ta. Giờ đây, nếu các con không thể phát triển bất kỳ quyết tâm chân thực nào để thực hành Giáo Pháp, thì đó là vì các con không thực sự tin vào luật nhân quả. Bất cứ ai với chút ít quyết tâm, có thể phát triển lòng dũng cảm như ta đã làm nếu họ có sự xác tín chân thật và chân thành tin tưởng vào nghiệp báo của những hành vi của họ. Khi đó, họ sẽ đắc được những quả vị thành tựu tương tự như ta – và rồi, người khác cũng sẽ nghĩ rằng họ cũng là những hiển lộ của Đức Kim Cương Trì, hay của một vị Phật hoặc Bồ Tát nào khác.”
Chính niềm tin vào nhân quả của Jetsun Milarepa đã hoàn toàn thuyết phục Ngài rằng khi đã phạm phải những ác hạnh trong thời niên thiếu thì chắc chắn Ngài sẽ bị đọa sinh trong các cõi địa ngục. Do lòng xác tín này, Ngài đã miên mật thực hành với một sự quyết tâm tới nỗi khó tìm thấy được trong bất kỳ câu chuyện nào ở Ấn Độ hay Tây Tạng so sánh được với câu chuyện kể về những thử thách và nỗ lực miên mật của Ngài.
Vì thế, từ đáy lòng bạn, hãy khơi dậy lòng xác tín nơi điểm cực kỳ trọng yếu này, là nguyên lý nhân quả. Hãy luôn luôn thực hiện càng nhiều càng tốt các thiện hạnh bất cứ khi nào bạn có thể thực hiện được, cho dù chúng nhỏ bé tới đâu chăng nữa, trong khi thực hiện các thiện hạnh này thì phải áp dụng ba phương tiện thiện xảo tối thượng. Hãy tự hứa là sẽ không bao giờ lập lại những hành vi xấu ác tiêu cực dù nhỏ bé nhất, và cho dù mạng sống của bạn bị đe dọa đi chăng nữa.
Khi thức giấc vào buổi sáng, đừng bất thần nhảy xuống giường như con bò hay cừu phóng ra khỏi chuồng của nó. Trong lúc vẫn còn ở trên giường, hãy thư giãn tâm thức bạn, xoay nhìn vào trong tâm và khảo sát tâm ấy thật kỹ càng. Nếu bạn đã làm bất kỳ điều bất thiện nào vào ban đêm trong giấc mộng thì hãy ân hận và sám hối. Trái lại, nếu bạn làm điều gì đó tốt lành, thì hãy hoan hỷ và hồi hướng công đức để đem đến lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Hãy khơi dậy Bồ Đề Tâm và nghĩ rằng: “Hôm nay tôi sẽ làm mọi hành động tốt lành, tích cực nào mà tôi có thể làm được, và hết sức tránh làm bất kỳ hành động tiêu cực hay xấu ác nào, để mọi chúng sinh vô biên đều có thể đạt được Phật Quả viên mãn.”
Buổi tối, lúc đi ngủ, đừng vội rơi vào trạng thái vô giác. Hãy sử dụng chút ít thời gian để thư giãn trên giường và khảo sát bản thân trong cách thức tương tự như trên: “Ta đã vận dụng ngày hôm nay như thế nào? Ta có làm điều gì tốt lành không?” Nếu bạn đã thực hiện một số điều tốt lành, hãy hoan hỷ và hồi hướng công đức để tất cả chúng sinh đều đạt được Phật Quả. Nếu bạn làm điều gì sai, bạn nên nghĩ: “Ta thật là tồi tệ! Ta đã tự hủy hoại chính mình!” Hãy sám hối việc làm đó và nguyện không bao giờ tái phạm.
Trong mọi lúc, hãy tỉnh thức và thận trọng để không bám chấp vào những nhận thức của bạn về vũ trụ và về tất cả những chúng sinh sống ở trong đó như là thực có và bền vững. Hãy tu tập bản thân để nhìn mọi sự như trò nô đùa của những sự xuất hiện không thực. Hãy làm cho tâm bạn nhu nhuyễn bằng cách luôn gìn giữ tâm ấy trên một tiến trình tốt lành và chân thật. Đây chính là mục tiêu cũng như kết quả của những gì mà ta đã giảng giải, đó là sự thực hành bốn tư tưởng xoay chuyển tâm để thoát khỏi luân hồi sinh tử. Theo cách này, mọi thiện hạnh bạn làm sẽ tự động kết nối với ba phương pháp thiện xảo tối thượng. Như có nói:
Một người làm việc thiện giống như một cây thuốc;
Tất cả những ai nương cậy vào người ấy đều được lợi lạc.
Một người làm điều ác thì giống như cây có chất độc;
Những ai nương nhờ vào hắn cũng đều bị hủy hoại.
Nếu bản thân bạn có tâm thái đúng đắn, bạn sẽ có thể chuyển tâm của tất cả những ai liên hệ với bạn91 hướng về Giáo Pháp chân thật. Công đức bao la cho bản thân bạn và người khác sẽ phát triển không bờ bến. Bạn sẽ không bao giờ còn tái sinh trong những cõi thấp, là nơi viễn cảnh của bạn ngày càng tệ hơn, và bạn sẽ luôn luôn có những điều kiện độc nhất vô nhị để có được một cuộc đời sinh ra trên cõi Trời hay trong cõi người. Ngay cả những miền đất nào là nơi trú ngụ của những vị trì giữ một giáo lý như thế thì vùng đất ấy cũng sẽ có được phước báu, có được sự may mắn, và sẽ luôn luôn được chư Thiên bảo vệ.
Con biết mọi chi tiết về nghiệp,
nhưng con không thực sự tin ở nó.
Con đã nghe nhiều Giáo Pháp,
nhưng chưa từng đưa Giáo Pháp vào thực hành.
Xin ban phước cho con và những kẻ làm điều ác giống con
Để tâm chúng con có thể hòa trộn với Pháp.
Drom Tonpa (1005–1064)
Geshe Tonpa là một trong những đệ tử chính của Ngài Atisha và là vị sáng lập trường phái Kadampa, là phái nhấn mạnh một lối sống giản dị và tu tập tâm thức bằng lòng bi mẫn.
CHƯƠNG NĂM
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA SỰ GIẢI THOÁT
Được nhiều bậc siêu phàm uyên bác và thành tựu dẫn dắt.
Ngài đã thực hành và kinh nghiệm những giáo huấn
của các vị Thầy.
Ngài chỉ ra con đường cao cả không lầm lỗi cho
những người khác.
Bậc Thầy vô song, con đảnh lễ dưới chân Ngài!
Cách thức lắng nghe giáo lý về những lợi ích của sự giải thoát, và về cách thức theo chân vị Thầy tâm linh trong chương sau thì cũng giống như cách thức đã được giải thích trước đây.
Giải thoát là gì? Đó là tìm được tự do thoát khỏi đại dương đau khổ được gọi là luân hồi này, và đạt được cấp độ của một vị Thanh Văn (Sravaka), một vị Phật Độc Giác), (Pratyekabuddha), hay một vị Phật Toàn Giác.
I. NHỮNG NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI GIẢI THOÁT
Những nguyên nhân khiến bạn đạt được giải thoát: (1) trước tiên, hãy làm tâm bạn nhu nhuyễn nhờ vào bốn quán chiếu xoay chuyển tâm để bạn có thể xoay lưng lại với luân hồi, khởi đầu với việc khó tìm được những tự do và thuận lợi; (2) thứ hai, là thực hiện tất cả những thực hành bắt đầu bằng việc quy y, vì đây là nền tảng của mọi con đường, thực hành ngay lúc này cho tới khi bạn hoàn tất trọn vẹn thực hành chính.92
Lợi ích của mỗi thực hành này sẽ được giải thích trong những chương có liên quan.
II. KẾT QUẢ: BA CẤP ĐỘ GIÁC NGỘ
Dù bạn thành tựu ở cấp độ của một Thanh Văn, một vị Phật Độc Giác, hay một vị Phật Quả Toàn Giác, kết quả sẽ là sự an lạc, tĩnh lặng, thoát khỏi những con đường nguy hiểm của đau khổ luân hồi. Thật sung sướng biết bao!
Trong số tất cả những con đường tu khác nhau thì mục đích duy nhất của con đường tu tập theo Đại Thừa mà bây giờ bạn đang dấn bước là làm sao đạt được Phật Quả viên mãn. Trên con đường tu theo Đại Thừa này, nhất thiết các pháp tu phải đều lấy Phật Quả viên mãn làm mục đích duy nhất – từ thập thiện, cho đến bốn tâm vô lượng, cho đến sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba la mật), bốn trạng thái định (chỉ), bốn trạng thái của vô sắc giới, an trụ và của tuệ minh sát (quán). Ngoài những pháp kể trên thì còn có ba pháp tu tối thượng: (1) phát khởi Bồ Đề Tâm như là một pháp tu dự bị, (2) giữ tâm không tạo tác trong thời gian hành trì pháp môn tu tập chính yếu, và (3) kết thúc bằng những lời nguyện hồi hướng. Tất cả các pháp này, đều lấy Phật Quả viên mãn làm mục đích duy nhất.
Milarepa (1040–1123)
Hành giả du già (Yogi) nổi tiếng nhất của Tây Tạng, lừng danh về lối sống khổ hạnh trong những rặng núi ở miền Nam Tây Tạng, về sự kiên trì trong thiền định, và những bài đạo ca được hát lên một cách tự nhiên mà Ngài dùng để giảng dạy cho những người thợ săn cũng như dân làng.
CHƯƠNG SÁU
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THEO CHÂN
MỘT VỊ THẦY TÂM LINH
Không có Kinh điển (Sutra), Mật điển (Tantra), hay Luận (Sastra) nào nói rằng đã từng có người đạt được Phật Quả viên mãn mà không cần phải theo chân một vị Thầy tâm linh. Chúng ta có thể tự mình nhận ra rằng chưa từng có ai đạt được thành tựu của hai giai đoạn tu tập bằng phương tiện thiện xảo và lòng can đảm của riêng họ. Thực vậy, tất cả chúng sinh bao gồm cả chúng ta, đã phô bày rất nhiều tài năng đặc biệt trong việc khám phá ra những con đường sai lạc để noi theo – còn trong khi đi trên con đường dẫn đến giải thoát và toàn giác thì chúng ta lại bối rối như một người mù cô độc lang thang giữa hoang mạc.
Không ai có thể mang châu báu về từ một kho tàng trên hải đảo mà không nhờ cậy vào một hoa tiêu lão luyện. Tương tự, một vị Thầy tâm linh, hay bạn đồng hành, là người hướng dẫn chân chính đưa chúng ta đến sự giải thoát và toàn giác, và chúng ta phải đi theo Ngài với lòng tôn kính. Điều này có thể được noi theo trong ba giai đoạn: trước tiên, hãy khảo sát vị Thầy, sau đó hãy theo chân Ngài, và cuối cùng, hãy ganh đua với sự chứng ngộ và những hành động của Ngài.
I. KHẢO SÁT VỊ THẦY
Phần lớn người bình thường như chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh và những người quanh ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn theo chân một vị Thầy, một bằng hữu tâm linh (thiện tri thức).
Nơi khu rừng đàn hương trong rặng Malaya, khi một thân cây bình thường đổ xuống, gỗ của nó dần dần thấm đẫm mùi hương dịu dàng của cây đàn hương. Sau vài năm, thân gỗ tầm thường đó có mùi thơm dịu như những cây đàn hương quanh nó. Cũng tương tự như thế, nếu bạn sống và học tập với một vị Thầy toàn hảo có đầy đủ những phẩm tính tốt lành, bạn sẽ được thấm nhuần hương thơm của những phẩm tính đó và tất cả những gì bạn làm cũng sẽ trở nên giống như Ngài.
Giống như một thân cây tầm thường
Trong rừng núi Malaya
Thấm đượm mùi đàn hương từ những cành lá ẩm,
Cũng thế, bạn tương ưng với bất kỳ vị Thầy nào bạn theo chân.93
Trong thời đại suy đồi này, ta khó có thể tìm được một vị Thầy có tất cả mọi phẩm tính được mô tả trong những Mật điển quý báu. Dù thế nào chăng nữa thì vị Thầy mà chúng ta đi theo phải có ít nhất những phẩm tính sau:
Ngài phải thanh tịnh, chưa từng vi phạm những hứa nguyện hay giới cấm liên quan đến ba loại giới nguyện – giới nguyện bên ngoài của Biệt giải thoát (Pratimoksa), giới nguyện bên trong của Bồ Tát, và giới nguyện bí mật của Kim Cương Thừa. Ngài phải uyên bác, thấu suốt Mật điển (Tantra), Kinh điển (Sutra) và Luận (Sastra). Đối với chúng sinh vô biên, trái tim Ngài phải tràn đầy lòng bi mẫn khiến Ngài thương yêu mỗi người trong số đó như yêu thương đứa con duy nhất của Ngài. Ngài phải thông thạo những thực hành nghi lễ – ngoại điển (Tripitaka, Tam Tạng) và nội điển là bốn cấp độ của Mật điển. Bằng cách đưa yếu nghĩa của giáo lý vào thực hành, Ngài phải tự thể nhập những thành tựu phi thường của sự giải thoát và chứng ngộ. Ngài phải rộng lượng, có ngôn từ dễ nghe, dạy dỗ mỗi người theo căn cơ của họ, và phải hành động phù hợp với những gì đã giảng dạy. Bốn cách quy phục chúng sinh này có thể giúp vị Thầy tập hợp được những đệ tử may mắn chung quanh Ngài.
Mọi phẩm tính toàn hảo phù hợp với Giáo Pháp thuần tịnh nhất
Thì khó tìm thấy trong thời buổi suy đồi này.
Nhưng hãy tin tưởng nơi vị Thầy, là bậc được đặt nền
vững chắc trên sự tuân giữ thanh tịnh ba giới nguyện,
Thấm đẫm sự uyên bác và lòng bi mẫn,
Ngài thiện xảo trong những nghi thức của vô lượng Tạng Kinh và Mật điển,
Trí tuệ bát nhã của Ngài đến từ những xả bỏ và chứng ngộ, như quả ngọt trổ sanh,
Bốn phẩm hạnh rực rỡ của Ngài, như đóa hoa quyến rũ,
Những đệ tử may mắn sẽ tụ hội quanh Ngài như những đàn ong.
Đặc biệt hơn nữa, đối với giáo lý về tinh túy thâm diệu của những giáo huấn cốt lõi của Kim Cương Thừa thì vị Đạo sư mà chúng ta nên nương tựa phải giống như sau. Như đã trình bày trong những Mật điển quý báu, Ngài phải đạt được thành tựu nhờ vào những pháp quán đảnh đã được truyền xuống đến Ngài từ một dòng truyền thừa liên tục không gián đoạn. Ngài không vi phạm giới nguyện và mật nguyện đã thọ nhận lúc nhận quán đảnh. Không bị những cảm xúc và tư tưởng bất thiện quấy rối, Ngài phải giữ tâm an định và tuân giữ giới luật. Ngài phải thấu suốt toàn bộ ý nghĩa của các Mật điển thuộc nền tảng, con đường và kết quả của Kim Cương Thừa. Ngài phải đạt được mọi dấu hiệu thành tựu trong những giai đoạn phát triển và viên mãn của sự thực hành, như thấy được linh kiến của các Bổn Tôn. Khi đã chứng nghiệm bản tánh của thực tại, bản thân Ngài phải đạt được giải thoát. Sự an vui của người khác phải là mối quan tâm duy nhất của Ngài, trái tim Ngài tràn đầy lòng bi mẫn. Ngài phải ít ưu tư lo lắng, bởi Ngài đã từ bỏ mọi bám chấp vào những sự việc tầm thường của cuộc đời này. Khi thiền định về những đời sau, mối quan tâm kiên định và duy nhất của Ngài là hướng về Pháp. Thấu suốt luân hồi sinh tử chỉ là nỗi khổ đau, Ngài cảm thấy một nỗi buồn vô hạn, và khuyến khích những người khác cũng cảm nhận như thế. Ngài phải thiện xảo trong việc chăm sóc các đệ tử và phải sử dụng những phương pháp thích hợp phù hợp với căn cơ của từng người. Sau khi đã hoàn tất mọi huấn lệnh của Đạo sư của Ngài, Ngài phải trì giữ những năng lực gia trì của dòng truyền thừa.
Vị Thầy phi thường trao truyền những giáo huấn cốt tủy
Đã thọ quán đảnh, gìn giữ các mật nguyện (samaya), và luôn an bình;
Thấu suốt ý nghĩa của các Mật điển (tantra) nền tảng,
con đường và kết quả;
Có mọi dấu hiệu của sự phát triển và thành tựu,
và đạt được giải thoát nhờ chứng ngộ;
Có lòng bi mẫn vô hạn và chỉ quan tâm đến người khác;
Ít các hoạt động thế tục và chỉ kiên quyết nghĩ tưởng về Pháp;
Nhàm chán thế gian này, và làm cho người khác
cũng cảm nhận như thế;
Lão luyện trong phương pháp giảng dạy và nhận được
những ân phước của dòng truyền thừa.
Hãy đi theo một vị Thầy như thế,
và thành tựu sẽ đến thật mau chóng.
Trái lại, có vài loại Thầy mà ta nên tránh. Những đặc tính của họ như sau.
Vị Thầy như cối xay bằng gỗ. Những vị Thầy này không có chút phẩm tính nào phát khởi từ sự nghiên cứu, quán chiếu, và thiền định. Cho rằng mình là con hay cháu tôn quý của một Lạt ma nào đó nên họ và con cháu họ phải siêu việt hơn bất kỳ ai khác, và họ bảo vệ giai cấp của họ như những người Bà la môn. Cho dù họ đã nghiên cứu, quán chiếu và thiền định chút ít, họ không làm những điều đó với bất kỳ ý hướng thanh tịnh nào để đem lại lợi lạc cho những đời tương lai mà làm vì những lý do thế tục nhiều hơn – như bởi sợ bị mất chức nên họ ngăn cản các cuộc tấn phong tu sĩ. Riêng khả năng của họ đối với việc đào tạo đệ tử thì họ cũng gần giống như một chiếc cối xay bằng gỗ.
Vị Thầy giống như con ếch ngồi đáy giếng. Những vị Thầy thuộc loại này không có bất kỳ phẩm tính đặc biệt nào để có thể phân biệt với người thường. Nhưng những người khác lại sùng bái họ với lòng tin mù quáng, hoàn toàn không khảo sát họ. Dương dương tự đắc bởi thanh danh và lợi dưỡng nhận được, bản thân họ hoàn toàn không biết tới những phẩm tính thực sự của một vị Thầy vĩ đại. Họ như con ếch sống trong một cái giếng.
Một ngày nọ, một con ếch sống trên bờ một đại dương tới thăm con ếch già luôn luôn luôn sống trong một cái giếng.
“Bạn từ đâu đến?” con ếch sống trong giếng hỏi.
“Tôi từ đại dương tới,” vị khách trả lời.
“Đại dương của bạn lớn như thế nào?” con ếch dưới giếng hỏi.
“Thật vĩ đại,” con ếch kia trả lời.
“Có bằng một phần tư cái giếng của tôi không?” ếch dưới giếng hỏi.
“Ồ! Lớn hơn nhiều!” con ếch ở đại dương kêu lên.
“Bằng phân nửa không?”
“Không, lớn hơn thế!”
“Vậy bằng cái giếng này không?”
“Không, không, lớn hơn nhiều, hơn nhiều lắm!”
“Không thể được!” con ếch sống dưới giếng nói. “Tôi phải thấy tận mắt điều này.”
Vì thế, hai con ếch cùng đi, và câu chuyện tiếp tục rằng khi con ếch ở giếng nhìn thấy đại dương, nó ngất đi, bể đầu ra mà chết.
Những người dẫn đường điên rồ. Đây là những vị Thầy có rất ít kiến thức, chưa bao giờ nỗ lực theo chân một vị Thầy uyên bác nào và chưa tu tập các pháp môn theo Kinh điển và Mật điển. Những cảm xúc bất thiện mạnh mẽ cùng với sự chánh niệm và tỉnh giác rất yếu ớt của họ khiến họ lơ là trong việc gìn giữ các giới nguyện và mật nguyện. Mặc dù trí lực thấp kém hơn người thường, họ bắt chước những vị thành tựu giả và cư xử như thể hành động của họ còn cao hơn bầu trời.94 Ngập tràn sân hận và ghen tị, họ phá vỡ huyết mạch của lòng từ bi. Những bằng hữu tâm linh như thế được gọi là những người hướng dẫn điên rồ, và làm cho tất cả những ai theo họ rơi xuống những con đường lầm lạc.
Những người hướng dẫn mù quáng. Đặc biệt, một vị Thầy mà phẩm hạnh không hơn bạn và thiếu lòng từ bi của Bồ Đề Tâm thì sẽ không bao giờ có thể khai mở cho bạn về những gì nên làm và không nên làm. Các vị Thầy như vậy được gọi là những người hướng dẫn mù quáng.
Giống như những Bà la môn, một số người bảo vệ giai cấp của họ,
Hay trong vực thẳm lo âu cho sự sống còn của danh vọng
Tự đắm mình trong sự học tập và quán chiếu hư ngụy;
Những người hướng dẫn như vậy giống như một cái cối xay bằng gỗ.
Một số, dù không khác với mọi người bình thường,
Sống dật dờ dựa trên niềm tin ngu dại của người khác.
Tự đắc bởi lợi lộc, vật cúng dường và danh tiếng,
Những người bạn như vậy giống như ếch ngồi đáy giếng.
Một số người, có rất ít hiểu biết, lại bỏ bê những mật nguyện và giới nguyện của họ,
Trí lực thấp kém mà hành xử lại cao hơn trái đất,
Họ phá vỡ huyết mạch của lòng từ và bi –
Những người hướng dẫn điên rồ như vậy chỉ có thể
truyền bá sự xấu ác nhiều hơn nữa.
Đặc biệt, nếu đi theo những người chẳng hơn gì chính bạn,
Những kẻ không có Bồ Đề Tâm, bị thu hút chỉ bởi danh vọng,
Sẽ là một lỗi lầm to lớn; nhận những kẻ gian manh như vậy
Làm những người dẫn đường mù quáng,
bạn sẽ còn đọa lạc sâu hơn trong vũng lầy bóng tối.
Bậc Đạo Sư vĩ đại xứ Oddiyana đã răn dạy rằng:
Không khảo sát vị Thầy
Thì giống như uống chất độc;
Không khảo sát đệ tử
Thì giống như lao xuống từ vách đá.
Bạn đặt niềm tin vào vị Thầy tâm linh cho tất cả những đời sau của bạn. Chính Ngài là người sẽ dạy cho bạn những gì nên làm và không nên làm. Nếu bạn gặp một vị thầy giả mạo mà không khảo sát đúng đắn, bạn sẽ ném đi cơ hội mà một người tín tâm phải tích tập công đức trong cả đời, và những điều kiện tự do và thuận lợi của đời người mà bạn đang có sẽ bị tiêu phí. Điều đó cũng giống như bạn bị một con rắn độc cuộn tròn dưới một thân cây giết chết khi bạn tới gần chỉ vì bạn lầm tưởng đó là cái bóng cây.
Bởi không khảo sát vị Thầy thật cẩn trọng
Những kẻ sùng mộ đã lãng phí công đức tích tập
Giống như nhận lầm rắn độc là bóng cây,
Bị lừa gạt, họ đánh mất tự do mà cuối cùng họ đã tìm thấy.
Sau khi khảo sát vị Thầy cẩn thận và có được những đánh giá không sai lạc, từ lúc bạn nhận ra rằng vị Thầy có mọi phẩm tính tốt lành như đã được đề cập tới thì bạn phải luôn luôn coi Ngài là một vị Phật trong thân tướng con người.95 Vị Thầy mà mọi phẩm tính đều toàn thiện này là hiện thân của trí tuệ bi mẫn của thập phương chư Phật, xuất hiện trong thân tướng của một con người bình thường chỉ để làm lợi lạc cho chúng sinh.
Vị Thầy với những phẩm tính toàn hảo vô hạn
Chính là trí tuệ và lòng đại bi của tất cả chư Phật
Xuất hiện trong thân người vì lợi ích của chúng sinh.
Ngài là suối nguồn không gì sánh của mọi sự thành tựu.
Vì vậy, một vị Thầy chân chính như thế có thể khéo léo hướng dẫn những người bình thường cần Ngài giúp đỡ, cách hành xử hàng ngày của Ngài thích ứng với hành xử của những người bình thường. Nhưng trong thực tế, tuệ giác của Ngài là trí tuệ của một vị Phật, vì thế Ngài hoàn toàn khác biệt với mọi người. Mỗi hành động của Ngài đơn thuần là hoạt động của một bậc chứng ngộ hòa hợp với bản tánh của những người Ngài muốn làm lợi lạc. Do đó, Ngài là bậc tôn quý độc nhất vô nhị. Khéo léo chặt đứt những do dự và nghi ngờ, Ngài kiên nhẫn chịu đựng mọi sự bội ơn và ngã lòng của đệ tử, giống như một người mẹ xử sự với đứa con duy nhất của mình.
Để dẫn dắt chúng ta,
Ngài hành xử linh hoạt hoàn toàn giống tất cả chúng ta.
Nhưng thực ra Ngài hoàn toàn khác biệt.
Sự chứng ngộ của Ngài khiến Ngài là bậc tôn quý nhất
trong tất cả chúng ta.
Khéo léo chặt đứt những hoài nghi của chúng ta,
Ngài chịu đựng với sự nhẫn nại
Mọi sự ngã lòng và vô ơn của chúng ta.
Vị Thầy với tất cả những phẩm tính này cũng giống như một chiếc thuyền lớn vượt qua đại dương luân hồi mênh mông. Giống như một hoa tiêu lão luyện, Ngài luôn luôn vạch ra con đường dẫn tới sự giải thoát và toàn giác. Như một giọt cam lồ, Ngài dập tắt ngọn lửa dữ của những hành động và cảm xúc bất thiện. Giống như mặt trời và mặt trăng, Ngài chiếu rọi ánh sáng của Giáo Pháp và xua tan bóng tối dầy đặc của vô minh. Giống như đất, Ngài kiên nhẫn chịu đựng sự vô ơn và ngã lòng, năng lực của Kiến và Hành của Ngài thì hết sức bao la. Như một cây như ý, Ngài là suối nguồn của mọi sự cứu giúp trong đời này và mọi hạnh phúc trong những đời sau. Giống như một chiếc bình toàn hảo, Ngài là một kho tàng của tất cả các Thừa và các giáo lý mà người ta từng mong ước. Giống như ngọc như ý, Ngài hiển lộ những khía cạnh không thể nghĩ bàn của bốn công hạnh phù hợp với căn cơ của chúng sinh. Giống như người mẹ hay cha, Ngài yêu thương mỗi một chúng sinh trong vô lượng chúng sinh một cách bình đẳng, không có bất kỳ tham luyến nào với những người thân cận Ngài hay ghét bỏ những người khác. Giống như một con sông lớn, lòng đại bi của Ngài bao la tới nỗi dung chứa được tất cả chúng sinh vô biên như không gian, và nhanh chóng tới nỗi có thể cứu giúp được tất cả những chúng sinh đang đau khổ và không người che chở. Như sơn vương, tâm hoan hỷ của Ngài trước hạnh phúc của người khác thì kiên cố tới nỗi không thể chuyển dời bởi tâm ghen tị, hay không thể bị lay động bởi những ngọn gió của sự cả tin vào các hiện tượng. Giống như trận mưa đổ xuống từ một đám mây, tâm vô phân biệt của Ngài không bao giờ bị xáo trộn bởi sự tham luyến hay ganh ghét.
Ngài là con thuyền lớn chở chúng ta vượt qua biển luân hồi,96
Là vị hoa tiêu chân chính vạch ra chính xác con đường tối hảo,
Là trận mưa cam lồ dập tắt địa ngục của những cảm xúc
và hành động bất thiện,
Là mặt trời, mặt trăng xua tan bóng tối vô minh.
Ngài là mặt đất, nhẫn nại vô biên,
Là cây như ý, suối nguồn của sự cứu giúp và hạnh phúc,
Là chiếc bình toàn hảo chứa đựng kho tàng Giáo Pháp.
Ngài ban cho tất cả, còn hơn cả một viên ngọc như ý.
Ngài là cha và mẹ, yêu thương tất cả ngang bằng.
Lòng đại bi của Ngài bao la và thần tốc như con sông lớn.
Tâm hoan hỷ thì bất biến như vị sơn vương.
Tâm vô phân biệt của Ngài không thể bị nhiễu loạn, giống
như trận mưa đổ xuống từ một đám mây.
Một vị Thầy như thế ngang bằng với tất cả chư Phật nhờ bởi lòng bi mẫn và năng lực gia hộ của Ngài. Những người có mối liên hệ tốt lành với Ngài sẽ thành tựu Phật Quả chỉ trong một đời người duy nhất. Ngay cả những người đã tạo một mối liên hệ tiêu cực với Ngài cuối cùng cũng sẽ được dẫn dắt ra khỏi luân hồi sinh tử.
Một vị Thầy như vậy ngang bằng với tất cả chư Phật.
Nếu ngay cả những kẻ gây tổn hại cho Ngài vẫn được dẫn dắt trên con đường hạnh phúc,
Thì đối với những người phó thác bản thân cho Ngài với sự
tin tưởng chân thành
Sẽ được ban tặng thật nồng hậu cảnh giới thanh tịnh
và sự giải thoát.
II. THEO CHÂN THẦY
Hỡi thiện nam tử,
Con phải nghĩ tưởng rằng chính mình đang bị bệnh…
Đây là câu đầu tiên khởi đầu cho một loạt các ẩn dụ được nhắc tới trong Kinh Hoa Nghiêm. Những bệnh nhân đặt mình dưới sự chăm sóc của một vị thầy thuốc khéo léo. Những lữ khách trên con đường nguy hiểm phó thác thân mạng cho những người bảo vệ can trường. Đối diện với những hiểm nguy từ những quân thù, kẻ trộm cướp, dã thú.., người ta mong đợi có một người bạn đồng hành để được bảo vệ. Những thương nhân vượt đại dương hướng tới những miền đất giao phó thân mạng của mình cho các vị thuyền trưởng. Những lữ khách dùng thuyền phà qua sông giao phó bản thân cho thủy thủ. Cũng thế, để được che chở trước cái chết, trước sự tái sinh trong luân hồi và trước những cảm xúc bất thiện, chúng ta phải đi theo chân một vị Thầy, một thiện hữu tri thức.
Như bệnh nhân nương cậy nơi thầy thuốc,
Lữ khách nương cậy người bảo vệ,
Kẻ khiếp sợ nương cậy bạn đồng hành,
Thương nhân nương cậy nơi thuyền trưởng,
Và khách qua sông nương cậy người lái đò –
Nếu sinh tử và cảm xúc bất thiện là
những kẻ thù mà bạn hãi sợ,
Hãy giao phó chính bạn cho một vị Thầy.
Một đệ tử can đảm được trang bị đầy đủ bằng lòng quả quyết sẽ không bao giờ làm vị Thầy phiền lòng, cho dù phải trả giá bằng cuộc đời của họ. Tâm họ kiên cố tới nỗi không bao giờ bị lay động trước những hoàn cảnh khắc nghiệt, họ phụng sự Thầy mà không cần quan tâm tới sức khỏe hay mạng sống của mình và tuân thủ mọi huấn lệnh của Thầy không miễn trừ điều gì – một người như vậy sẽ được giải thoát chỉ nhờ vào lòng sùng kính Thầy.
Những người được trang bị đầy đủ và có tinh thần kiên định,
Phụng sự một vị Thầy mà không màng đến sức khỏe hay mạng sống của mình,
Tuân theo những giáo huấn của Ngài không màng tới bản thân,
Sẽ được giải thoát chỉ nhờ năng lực của lòng sùng kính.
Để theo chân vị Thầy, bạn phải có nhiều lòng tin nơi Ngài tới nỗi coi Ngài đích thật là một vị Phật. Bạn phải có sự phân định và thấu suốt giáo lý tới nỗi có thể nhận ra được trí tuệ ẩn tàng dưới những hành động thiện xảo của Ngài, và nắm bắt mọi điều Ngài truyền dạy cho bạn. Bạn phải cảm thấy lòng bi mẫn bao la đối với tất cả những ai đang đau khổ mà không được che chở. Bạn phải tôn kính những giới nguyện và mật nguyện mà Đạo sư dạy bạn phải giữ gìn, và phải an định và tự chủ trong mọi hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng của bạn. Quan điểm của bạn phải rộng lớn tới nỗi có thể chấp nhận được tất cả những gì Thầy và các bằng hữu tâm linh có thể làm. Bạn phải rộng rãi tới nỗi có thể cúng dường vị Thầy bất kỳ những gì bạn sở hữu. Nhận thức của bạn về mọi sự phải thanh tịnh, tránh chỉ trích và để cho bị nhiễm ô. Bạn phải tự chế không làm mọi điều ác hại hay bất thiện nào, và e sợ khi làm Ngài không hài lòng.
Hãy có niềm tin, sự phân định, thấu suốt và lòng bi mẫn lớn lao.
Hãy tôn kính các giới nguyện và mật nguyện.
Hãy làm chủ thân, khẩu, ý.
Hãy khoáng đạt và rộng rãi.
Hãy có thị kiến thanh tịnh và một ý thức tự chế.
Kinh Hoa Nghiêm và những bản văn khác cũng dạy rằng khi đi theo chân một vị Thầy, chúng ta phải giống như con ngựa toàn hảo,97 luôn luôn hành động phù hợp với ý muốn của Ngài trong mọi tình huống, khéo léo tránh làm tất cả những việc gì có thể khiến Ngài phật lòng, và không bao giờ giận dữ hay phẫn uất ngay cả khi bị Ngài quở trách nặng nề. Giống như một con thuyền, chúng ta không nên mỏi mệt khi tới lui mang những thông điệp hay làm những công việc khác để phục vụ Ngài. Giống như một cây cầu, không gì mà chúng ta không thể đảm đương dù những nhiệm vụ Ngài yêu cầu chúng ta làm có dễ chịu hay không. Giống như một cái đe thợ rèn, chúng ta phải chịu đựng nóng, lạnh và mọi nỗi gian khó khác. Giống như một người hầu, chúng ta tuân theo mọi mệnh lệnh của Ngài. Giống như một người phu quét đường, đừng bao giờ kiêu căng mà hãy giữ vị trí thấp nhất. Giống như một con bò bị gẫy sừng, chúng ta nên từ bỏ kiêu mạn và hãy kính trọng mọi người.
Hãy khéo léo đừng bao giờ làm phật lòng Thầy,
Và đừng phẫn uất vì bị Ngài khiển trách,
Hãy như con ngựa toàn hảo.
Như một con thuyền, đừng bao giờ mệt mỏi khi qua lại.
Hãy chịu đựng mọi điều xảy đến, dù xấu hay tốt, giống như một cây cầu.
Hãy chịu đựng nóng, lạnh và bất kỳ gian khó nào khác,
như một cái đe.
Hãy tuân theo mọi mệnh lệnh của Ngài, giống như một người hầu.
Hãy vứt bỏ mọi sự tự phụ, như một người phu quét đường,
Và thoát khỏi mọi kiêu mạn, như con bò gẫy sừng.
Các Pitaka nói đây là cách thức đi theo vị Thầy.
Có ba cách làm hài lòng vị Thầy và phụng sự Ngài. Cách tốt nhất được biết đến là cúng dường công phu hành trì, bao gồm việc đưa vào thực hành bất kỳ điều gì Ngài đã dạy bảo với sự quyết tâm bất chấp mọi gian khổ. Cách thức trung bình là phụng dưỡng bằng thân, khẩu, có nghĩa là phụng sự Ngài và thực hiện mọi điều Ngài muốn bạn làm thuộc thân, khẩu, hay ý. Cách thấp nhất là cúng dường vật chất, có nghĩa làm Thầy của bạn vui lòng bằng cách dâng lên Ngài của cải vật chất, thực phẩm, tiền bạc v.v.
Của cải bạn có thể có, hãy cúng dường cho Đệ Tứ Bảo
Tôn kính và phụng sự Ngài với thân và ngữ,
Cả ba phương cách này, không hề có cách nào là lãng phí.
Nhưng trong ba cách làm Ngài hài lòng, công phu thực hành là tuyệt vời nhất.
Cho dù vị Thầy có thể hành xử một cách khó hiểu như thế nào chăng nữa thì bạn hãy luôn luôn duy trì một tri kiến thanh tịnh, và hãy nhận ra rằng cách hành xử của Ngài chính là những phương pháp thiện xảo.
Đại học giả Naropa đã là một học giả uyên thâm và thành tựu giả cao cấp. Nhưng Bổn Tôn của Ngài bảo Ngài rằng vị Thầy trong những đời trước của Ngài là Tilopa vĩ đại, và Ngài nên đi tới miền đông Ấn Độ để tìm gặpThầy mình. Naropa lập tức lên đường, nhưng khi tới miền Đông Ấn thì Ngài không biết phải tìm Tilopa ở đâu. Ngài hỏi những người dân địa phương nhưng họ cũng không biết.
“Trong vùng này, có ai tên Tilopa không?” Ngài nài nỉ.
“Có một người tên là Tilopa thuộc Tiện Cấp (giai cấp bần cùng nhất), hay là Tilopa Hành Khất.”
Naropa nghĩ, “Hành vi của những bậc thành tựu thì không thể hiểu nổi. Chắc hẳn đây là Ngài rồi.” Ngài bèn hỏi Tilopa Hành Khất sống ở đâu.
“Ở bức tường đổ đằng kia, chỗ có khói bốc lên,” họ trả lời.
Khi đến nơi được chỉ, Ngài thấy Tilopa ngồi trước một cái chậu gỗ đựng cá, một số con cá còn sống và một số đã chết. Tilopa lấy một con cá đem nướng, và cho vào miệng, trong khi búng những ngón tay. Naropa đảnh lễ và xin Tilopa nhận Ngài làm đệ tử.
“Ông nói gì?” Tilopa nói. “Ta chỉ là một kẻ hành khất!”. Nhưng Naropa nài nỉ nên Tilopa chấp nhận Ngài.
Lúc đó Ngài Tilopa giết những con cá hoàn toàn không phải vì Ngài đói hay không tìm được thứ gì khác để ăn. Loài cá hoàn toàn vô minh không biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh, là những sinh vật có nhiều hành vi bất thiện, và Tilopa có năng lực giải thoát chúng. Khi ăn thịt cá, Tilopa đã nối kết được với tâm thức của chúng, nhờ đó Ngài có thể chuyển thức những con cá này vào cõi Phật thanh tịnh. Tương tự, Ngài Saraha làm thợ rèn mũi tên, Savaripa là một thợ săn, và phần lớn những thành tựu giả vĩ đại khác của Ấn Độ cũng đã chấp nhận những cách sống rất thấp kém, thường là trong đẳng cấp bần cùng nhất. Do vậy, điều quan trọng là không nhận định bất kỳ hành động nào của vị Thầy là sai lạc, hãy tu tập bản thân để chỉ có tri kiến thanh tịnh.
Đừng ngộ nhận hành động của vị Thầy.
Hầu hết những thành tựu giả Ấn Độ đã sống
Như những kẻ dung tục làm điều ác, thuộc giai cấp cùng đinh,
Còn tệ hại hơn cả những kẻ bần cùng nhất trong tầng lớp thấp kém.
Những kẻ không biết đến điều này, tiếp tục ngộ nhận và chỉ trích những gì bậc Thầy của họ làm, thì như Kinh văn có nói, họ sẽ tìm thấy ra lỗi lầm ngay cả nơi một vị Phật nếu họ sống với Ngài trong một thời gian đủ dài lâu.
Tu sĩ Sunaksatra là anh em cùng cha khác mẹ của Đức Phật. Ông đã phục vụ Đức Phật trong hai mươi bốn năm, và thuộc lòng tất cả mười hai loại giáo lý trong Tam tạng kinh điển. Nhưng ông ta lại cho rằng tất cả những gì Đức Phật làm là giả dối, và cuối cùng đi đến kết luận sai lầm là ngoài một vầng hào quang rộng sáu bộ, giữa ông ta và Đức Phật không có gì khác biệt.
Ngoại trừ vầng hào quang rộng sáu bộ (1,8m) quanh Ngài,
Suốt hai mươi bốn năm phục dịch, tôi chưa từng thấy nơi Ngài,
Ngay cả những phẩm tính chỉ đáng giá một hạt mè
Về Giáo Pháp, tôi cũng biết nhiều như Ngài
và tôi sẽ không làm người phục vụ Ngài nữa!
Nói như thế xong, ông ta bỏ đi. Sau đó, Ngài Ananda trở thành thị giả riêng của Đức Phật. Ngài hỏi Đức Phật rằng Sunaksatra sẽ tái sinh ở đâu.
Đức Phật trả lời: “Trong thời gian một tuần, Sunaksatra sẽ chết và tái sinh làm một ngạ quỷ trong một vườn hoa.”
Ngài Ananda đến gặp Sunaksatra và thuật lại những gì Đức Phật đã nói. Sunaksatra tự nghĩ: “Đôi khi những lời dối trá đó của Đức Phật trở thành sự thật, vì thế tốt hơn hết là ta phải hết sức thận trọng trong bảy ngày. Đến cuối tuần ta sẽ bắt ông ta nuốt lại những lời này.” Ông ta ăn chay trong một tuần. Vào buổi tối ngày thứ bảy, ông cảm thấy cổ họng rất khô nên uống một ít nước. Nhưng nước uống vào không tiêu được nên ông ta chết và bị tái sinh làm một ngạ quỷ trong vườn hoa với đầy đủ chín dị tướng xấu xí.
Bất cứ khi nào bạn nhận thấy những lỗi lầm trong bất kỳ điều gì vị Thầy siêu phàm của bạn làm, thì bạn phải tự cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ một cách thật sâu sắc trong lòng. Hãy quán chiếu rằng chính cái thấy của tâm thức bạn là bất tịnh, và mọi hành động của Ngài đều không có tì vết và không lầm lỗi. Hãy củng cố vững chắc nhận thức thanh tịnh đối với Ngài và tăng trưởng tín tâm của bạn.
Chưa làm chủ được những nhận thức của riêng bạn,
Mà tìm kiếm những lỗi lầm của người khác là một sai lầm vô hạn.
Mặc dù thuộc lòng mười hai loại giáo lý,
Tăng sĩ Sunaksatra bị năng lực của sự xấu ác thiêu đốt,
Bởi thấy hành động của Đức Phật là giả dối.
Hãy cẩn thận suy ngẫm về điều này và chỉnh sửa bản thân bạn.
Khi vị Thầy có vẻ giận dữ với bạn thì đừng nên tức giận. Thay vào đó, hãy tự nhắc rằng hẳn là Ngài đã thoáng nhận ra một lỗi lầm nào đó trong bạn và qua cơn thịnh nộ của Thầy thì hãy thấy rằng đây là lúc để chỉnh sửa lỗi lầm của mình. Khi cơn giận của Ngài giảm đi, hãy tới sám hối với Ngài những lỗi lầm của bạn và hứa không tái phạm chúng.
Nếu vị Thầy của bạn nổi cơn thịnh nộ, hãy kết luận rằng Ngài đã nhìn thấy một lỗi lầm trong bạn,
Đã tới lúc phải sửa sai bằng lời khiển trách của Ngài.
Hãy sám hối và nguyện không bao giờ tái phạm.
Như thế, người minh trí sẽ không rơi vào ảnh hưởng của Ma vương.
Khi vị Thầy hiện diện, hãy lập tức đứng lên bất cứ khi nào Ngài còn đứng, thay vì cứ ngồi yên vị. Khi Ngài ngồi xuống, hãy vấn an sức khỏe của Ngài. Khi bạn nghĩ có thể Ngài cần một điều gì đó, ngay lập tức hãy đem lại những gì làm Ngài vui lòng.
Khi làm một thị giả đi theo vị Thầy, hãy tránh đừng đi phía trước Ngài bởi như thế bạn sẽ quay lưng lại với Ngài. Tuy nhiên, không nên đi phía sau Ngài vì bạn có thể đạp lên dấu chân Ngài. Bạn cũng không nên đi phía bên phải Ngài, vì đó là vị trí dành cho sự tôn kính. Thay vào đó, hãy kính cẩn đi bên trái và hơi lui lại phía sau Ngài. Nếu đường đi có nguy hiểm, thì sẽ không lầm lỗi nếu bạn xin phép Ngài được vượt lên trước.
Đối với tòa ngồi và chỗ giảng dạy của Ngài, đừng bao giờ dẫm lên tấm nệm và không được leo lên hoặc cưỡi ngựa của Ngài. Không nên đóng hay mở cửa mạnh tay; hãy làm nhẹ nhàng. Hãy hạn chế mọi biểu lộ phù phiếm hay bất mãn khi có mặt Ngài. Cũng tránh nói lời dối trá, thiếu cân nhắc hay nói những lời không thành thật, cười giỡn, làm trò hề, và trò chuyện không cần thiết hay không thích hợp. Hãy học cách cư xử trong một thái độ tự chế, đối xử với Ngài bằng lòng tôn kính, và không bao giờ buông thả tùy tiện.
Không nên cứ ngồi khi vị Thầy đứng dậy;
Khi Ngài ngồi, hãy quan tâm đem lại mọi thứ Ngài cần.
Không nên đi bộ phía trước, phía sau hay bên phải Ngài.
Không tôn kính ngựa cưỡi hay tòa ngồi của Ngài sẽ
làm bạn hao tổn công đức.
Không nên đóng sầm cửa; đừng ra vẻ tự phụ hay cau có;
Tránh nói dối, cười đùa, nói năng thiếu thận trọng và
không chính đáng.
Hãy phục vụ Ngài với sự điềm tĩnh, chuẩn mực của thân, khẩu và ý.
Nếu có người chỉ trích hay thù ghét vị Thầy của bạn, đừng nên cư xử với họ như những người bạn. Nếu bạn có khả năng thay đổi thái độ của bất cứ ai không có niềm tin hay xem thường Ngài thì bạn nên kết bạn với họ. Nhưng nếu bạn không thể làm điều đó thì hãy tránh nói chuyện quá cởi mở hay thân mật với những người như thế.
Không nên cư xử như bạn bè với những người chỉ trích,
hay thù ghét vị Thầy của bạn.
Hãy chuyển hóa tâm họ nếu bạn có thể.
Nếu bạn trò chuyện thoải mái với họ
Ảnh hưởng mạnh mẽ của những hành động sai lầm của họ sẽ làm tổn hại mật nguyện của riêng bạn.
Dù có phải tốn nhiều thời giờ với đoàn tùy tùng của vị Thầy hay với những huynh đệ, tỉ muội kim cương của bạn, đừng bao giờ cảm thấy mệt mỏi buồn chán hay phát cáu với họ; hãy dễ chịu thoải mái như một sợi dây lưng tiện lợi. Hãy kềm chế tánh tự tôn của bạn và hợp nhất trong mọi hoạt động, dễ dàng hòa hợp như muối tan trong thức ăn. Khi người ta nói nặng lời hay gây chuyện với bạn, hoặc khi bạn phải đảm nhận trách nhiệm quá lớn, hãy sẵn sàng chịu đựng bất cứ cái gì giống như một cột trụ.
Giống như dây thắt lưng, hãy là một người bạn đồng hành thoải mái;
Giống như muối, hãy dễ dàng hòa hợp;
Giống như cây cột trụ,
hãy chịu đựng không mỏi mệt bất kỳ gánh nặng nào;
Vì thế, hãy phục vụ những huynh đệ kim cương và
các thị giả của vị Thầy bạn.
III. GANH ĐUA VỚI SỰ CHỨNG NGỘ98 VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA VỊ THẦY
Khi bạn hoàn toàn thành thục trong cách thức theo chân một vị Thầy, bạn phải giống như một con thiên nga lướt nhẹ nhàng trên mặt hồ tinh khiết, vui đùa trong nước mà không làm nước vẩn đục; hay giống như một con ong trong vườn hoa, hút mật từ những đóa hoa nhưng không làm tổn hại màu sắc hay hương thơm của chúng. Hãy làm tất cả những gì Ngài dạy bảo mà không bao giờ cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Hãy lãnh hội từ vị Thầy của bạn, bằng niềm tin và sự kiên định hãy quả quyết rằng bạn hấp thu mọi phẩm tính thuộc trí tuệ, sự quán chiếu và thiền định của Ngài, giống như những gì chứa đựng trong một cái bình toàn hảo được rót sang một chiếc bình khác.
Giống như một con thiên nga bơi trên mặt hồ tuyệt hảo.
Hay con ong nếm thưởng mật hoa,
Không bao giờ phàn nàn, mà luôn luôn lãnh hội lời Ngài,
Hãy luôn hầu hạ vị Thầy với hành xử mẫu mực.
Nhờ lòng sùng kính như vậy, bạn sẽ kinh nghiệm
mọi phẩm tính của Ngài.
Bất cứ khi nào vị Thầy siêu phàm của bạn tích lũy được những cơn sóng phước tuệ vĩ đại qua những hoạt động Bồ Tát của Ngài, thì sự tham gia của riêng bạn với những phẩm vật cúng dường tối thiểu hay qua những nỗ lực của thân hay khẩu, hoặc thậm chí chỉ với vật cúng dường là tâm hoan hỷ của bạn trước sự việc nhỏ bé nhất mà Ngài đã làm – thì điều này cũng sẽ đem lại cho bạn nhiều công đức như những công đức đã phát sinh ra từ chính tác ý vô song của Ngài.
Một lần kia có hai người du hành đến trung tâm Tây Tạng. Thực phẩm duy nhất của một trong hai người là một nhúm bột tsampa nâu làm bằng đậu. Ông ta đưa bột cho người bạn đồng hành, trộn nó với một số lượng lớn bột tsampa làm bằng lúa mạch trắng của người kia. Vài ngày sau, người khá giả hơn trong hai người nói với bạn rằng: “Có lẽ bây giờ bột tsampa của anh đã hết.”
“Hãy nhìn xem,” người kia nói. Họ nhìn thì thấy vẫn còn một ít bột tsampa làm bằng đậu. Mặc dù họ kiểm tra nhiều lần, bột tsampa làm bằng đậu vẫn không hết, nên cuối cùng họ phải chia đều tất cả bột tsampa.
Cũng thế, chỉ nhờ cúng dường một phần các đóng góp vật chất nhỏ bé cho những hành động thiện lành của người khác, hay bằng cách tham gia bằng thân hay khẩu, bạn có thể được nhiều công đức như họ. Đặc biệt hơn nữa, nếu bạn phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày của vị Thầy, đi đưa tin cho Ngài hoặc thậm chí chỉ quét dọn phòng Ngài cũng là một cách tích lũy công đức không thể sai lầm, vì thế hãy nỗ lực làm những việc như vậy càng nhiều càng tốt trong khả năng của bạn.
Mọi hành động phù hợp với mục đích của một vị Thánh sư
Được thật sự tiến hành trong phạm vi hoạt động của Bồ Đề Tâm
Và mọi nỗ lực cùng sự tích tập công đức và trí tuệ
Tất cả mọi nỗ lực phụng sự Ngài, đưa tin, hoặc ngay cả
quét dọn phòng Ngài,
Tất cả sẽ trổ quả lành – đây là con đường tích lũy công đức tốt lành nhất.
Trong tất cả những suối nguồn cao cả nhất của sự quy y hay những cơ hội để tích tập công đức thì không có thứ gì lớn lao hơn vị Thầy. Đặc biệt là trong khi Ngài ban một lễ quán đảnh hay giảng dạy, lòng bi mẫn và năng lực gia trì của tất cả chư Phật và Bồ Tát trong mười phương rót vào thân tướng linh thánh của Ngài, và Ngài trở nên bất khả phân với tất cả chư Phật. Vì thế, trong một thời điểm như vậy, việc cúng dường Ngài một miếng nhỏ thực phẩm vào lúc ấy thì còn giá trị hơn hàng trăm hay hàng ngàn vật cúng dường vào những lúc khác.
Trong các giai đoạn phát triển của pháp Bổn Tôn du già, có rất nhiều hình tướng khác nhau của những vị Bổn Tôn đặc biệt để ta có thể thiền quán, nhưng bản tánh của tất cả các Ngài không là gì khác hơn ngoài chính vị Đạo sư gốc của bạn. Nếu bạn biết được điều đó, năng lực gia trì sẽ đến thật nhanh chóng. Tất cả những cách thức phát triển trí tuệ trong giai đoạn thành tựu đều tùy thuộc duy nhất vào năng lực của lòng sùng kính vị Thầy của bạn và vào năng lực gia trì của Ngài. Điều này bao gồm cả việc trí tuệ sẽ sinh khởi ngay trong bạn từ chính sự chứng ngộ của vị Thầy. Như vậy, tinh túy của những gì được chứng ngộ trong mọi giai đoạn thực hành, bao gồm những chứng ngộ trong hai giai đoạn phát triển và thành tựu, tất cả đều được thể hiện trong chính vị Thầy. Đó là điều tại sao tất cả Kinh điển và Mật điển đều mô tả Ngài như một vị Phật trong thân tướng của con người.
Vì sao Ngài là nơi nương tựa và là ruộng công đức?
Do bởi những pháp du già nội và ngoại hoàn thiện vị Thầy
Chứa đựng tinh túy của những gì được chứng ngộ qua các
giai đoạn phát triển và thành tựu.
Đó là lý do tại sao tất cả Kinh điển và Mật điển đều nói
Ngài chính là một vị Phật.
Mặc dù trí tuệ bát nhã của một vị Thầy siêu phàm thì đồng nhất với tất cả chư Phật, để dẫn dắt chúng ta là những đệ tử ô trược của Ngài, Ngài đã xuất hiện trong thân tướng của một người bình thường. Vì thế, trong lúc chúng ta có được Ngài ở đây trong thân tướng con người, chúng ta phải hết sức nỗ lực để thực hiện bất kỳ điều gì Ngài dạy bảo và để hợp nhất tâm chúng ta với tâm Ngài qua ba loại phụng sự khác nhau.
Có những người thay vì phục vụ, tôn kính và vâng lời Thầy khi Ngài còn sống, thì giờ đây lại tự cho là Ngài đã viên tịch để ngồi thiền định trước một tấm hình của Ngài. Có những người cho là đã thể nhập vào thiền định của trạng thái tự nhiên, họ đi tìm kiếm tất cả những gì uyên áo cao siêu ở những nơi khác thay vì cầu nguyện với lòng sùng kính để có thể đón nhận được những phẩm tính cao cả của giải thoát và chứng ngộ được trí tuệ bát nhã của Thầy. Điều này được gọi là “thực hành mà mâu thuẫn với pháp thực hành.”
Việc được gặp gỡ vị Thầy và được Ngài dẫn dắt trong trạng thái trung ấm chỉ có thể xảy ra nhờ một sự nối kết tâm thức đã được thiết lập trước đó bởi lòng sùng mộ vô biên của chúng ta, năng lực của lòng bi mẫn và những lời cầu nguyện của vị Thầy. Đó không phải là vị Thầy sẽ đến trong thân vật lý. Vì vậy, nếu bạn thiếu lòng sùng kính thì cho dù vị Thầy có thể toàn thiện tới đâu chăng nữa, Ngài sẽ không hiện diện ở đó để dẫn dắt bạn trong trạng thái trung ấm.
Hầu hết những kẻ xuẩn ngốc sử dụng hình vị Thầy để thiền định
Mà không tôn kính Ngài khi Ngài hiện diện trong thân người.
Họ quả quyết là thiền định về trạng thái tự nhiên,
mà không thấu hiểu tâm vị Thầy.
Thật là một tai họa khi thực hành mà lại mâu thuẫn với pháp thực hành!
Không có lòng sùng kính mà gặp được vị Thầy
trong trạng thái trung ấm thì quả là phép lạ!
Trước hết, bạn phải cẩn thận khảo sát vị Thầy. Điều này có nghĩa là trước khi cam kết đi theo Ngài qua những lễ quán đảnh và sự truyền dạy, bạn phải khảo sát Ngài thật kỹ lưỡng. Nếu bạn nhận ra rằng Ngài có tất cả những phẩm tính của một vị Thầy, thì hãy đi theo Ngài. Nếu vị Thầy thiếu một số phẩm tính thì đừng nên theo. Nhưng, từ lúc bắt đầu theo Ngài, hãy học tập để có niềm tin nơi Ngài và nhìn Ngài với một nhận thức thanh tịnh, chỉ nghĩ tưởng tới những công hạnh của Ngài và thấy tất cả những gì Ngài làm là tốt lành. Việc tìm kiếm những sai lầm nơi Ngài sẽ chỉ đem lại cho bạn những bất hạnh không thể suy lường.
Khảo sát vị Thầy theo ý nghĩa chung có nghĩa là khảo sát xem Ngài có tất cả những phẩm tính đã được mô tả trong các Kinh điển và Mật điển hay không. Điều tối quan trọng là Ngài phải có Bồ Đề Tâm hay tâm giác ngộ. Như vậy thì việc khảo sát một vị Thầy có thể cô đọng thành một vấn đề duy nhất: Ngài có Bồ Đề Tâm không? Nếu Ngài có Bồ Đề tâm, Ngài sẽ làm bất cứ những gì tốt nhất cho đệ tử trong đời này và cho những đời tương lai, và việc họ đi theo Ngài không thể mang lại điều gì khác ngoài sự lợi ích. Giáo Pháp mà một vị Thầy như thế giảng dạy được nối kết với Đại Thừa, và chỉ có thể dẫn tới con đường chân chính. Trái lại, một vị Thầy thiếu Bồ Đề Tâm vẫn còn những tham muốn ích kỷ, và vì thế không thể chuyển hóa đúng đắn những quan điểm của đệ tử. Giáo Pháp mà họ giảng dạy dù có vẻ sâu xa và kỳ diệu cuối cùng cũng chỉ đem lại lợi ích cho những mối quan tâm tầm thường của cuộc đời này. Đối với những điểm cần phải khảo sát về một vị Thầy thì đây là điểm cô đọng tột yếu. Nếu trái tim của vị Thầy tràn đầy Bồ Đề Tâm thì hãy theo chân Ngài, cho dù ở vẻ bề ngoài Ngài có thể hiển lộ ra sao chăng nữa. Nếu vị Thầy không có Bồ Đề Tâm thì đừng nên theo, dù cho thoạt đầu ta nhìn thấy tâm chán ghét thế gian, tâm cầu tìm giải thoát, công phu hành trì miên mật và cung cách hành xử của vị Thầy có ra vẻ tuyệt vời tới đâu chăng nữa.
Tuy nhiên, với những người bình thường như chúng ta, không thể có sự khảo sát kỹ lưỡng nào có thể hiển lộ cho chúng ta tìm ra được những phẩm tính phi thường của những bậc siêu phàm đó, là những vị luôn ẩn giấu chân tánh của mình. Trong khi đó, lại nhan nhản những kẻ bất tài bịp bợm giả bộ làm các bậc Thánh, khéo léo trong nghệ thuật lừa gạt. Bậc vĩ đại nhất trong tất cả những vị Thầy là người mà chúng ta được có duyên nối kết với Ngài từ những đời trước (duyên tiền kiếp). Đối với Ngài thì việc khảo sát thật không cần thiết. Hãy chỉ đơn giản được diện kiến Ngài, chỉ lắng nghe giọng Ngài nói – hoặc thậm chí chỉ nghe danh hiệu của Ngài – là có thể chuyển hóa mọi sự trong chốc lát và khơi dậy niềm tin đến nỗi toàn thân ta phải nổi gai ốc.
Ngài Rongton Lhaga nói với Ngài Jetsun Milarepa: “Vị Lạt ma mà ông đã có duyên từ những kiếp trước là bậc tối hảo trong tất cả muôn loài, là vua của các dịch giả, có danh hiệu là Marpa. Ngài sống trong một ẩn thất tại Trowolung ở miền Nam. Hãy đi và tìm gặp Ngài!”
Chỉ nghe tới tên của Ngài Marpa không thôi là cũng đã đủ để khơi dậy trong Milarepa một niềm tin phi thường tận sâu thẳm tâm hồn. Milarepa nghĩ: “Ta phải gặp vị Lạt ma này và trở thành đệ tử của Ngài, dù phải trả giá bằng cả cuộc đời ta.” Milarepa đã thuật lại cho chúng ta rằng vào ngày hai thầy trò gặp nhau, Marpa đã ra tận ngoài đường để tìm Ngài nhưng lại giả vờ như đang cày ruộng. Khi thoạt nhìn thấy Marpa, Milarepa không nhận ra được đó là vị Thầy của mình. Tuy nhiên, trong chốc lát, mọi tư tưởng lăng xăng tầm thường của Milarepa ngưng bặt và Ngài đứng sững cả người.
Nói chung, vị Thầy mà chúng ta được gặp là do tri kiến thanh tịnh hay bất tịnh của chúng ta và do năng lực của những hành nghiệp của ta trong quá khứ. Vì vậy, cho dù Ngài có thể là người như thế nào chăng nữa thì cũng không bao giờ ngừng coi Ngài như là một vị Phật đích thực mà nhờ vào thiện tâm của Ngài, bạn mới nhận được Giáo Pháp và những chỉ dạy riêng. Nếu không nhờ những nhân duyên tốt lành được tạo nên bởi những hành nghiệp của bạn trong quá khứ thì bạn sẽ không bao giờ có may mắn gặp được vị Thầy tuyệt hảo. Hơn nữa, nếu nhận thức của bạn bất tịnh, thì cho dù bạn có thể gặp được Đức Phật trong thân người, bạn cũng vẫn không thể nhận ra được những phẩm tính phi thường của Ngài. Vị Thầy mà bạn gặp nhờ vào năng lực của những hành nghiệp trong quá khứ, là người đã từ bi gia hộ cho bạn, vị Thầy đó chính là vị Thầy quan trọng nhất trong tất cả các vị Thầy.
Vào giai đoạn giữa, hãy thực sự theo chân vị Thầy, tuân lời Ngài trong tất cả mọi việc và bất chấp mọi gian khổ, nóng, lạnh, đói, khát. Hãy khẩn cầu Ngài với niềm tin và lòng sùng mộ. Hãy thỉnh cầu lời khuyên của Ngài về bất kỳ những gì bạn có thể làm. Bất kể điều gì Ngài nói với bạn, hãy đưa vào thực hành, hoàn toàn nương tựa nơi Ngài.
Vào giai đoạn cuối, hãy noi gương sự chứng ngộ và những hành động của vị Thầy, kể cả trong việc khảo sát kỹ lưỡng cách xử sự của Ngài và hãy làm đúng như Ngài đã làm. Như tục ngữ có nói: “Mỗi hành vi là một sự noi gương; ai noi gương giỏi nhất thì đó là người hành xử tốt nhất.” Có thể nói việc thực hành Giáo Pháp là sự noi gương chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ. Khi người đệ tử đang học tập để trở thành giống như Thầy mình, anh ta cần phải thực sự đồng nhất với sự chứng ngộ và phương cách hành xử của Thầy. Người đệ tử phải giống như một bức tượng (tsa-tsa) sản xuất ra từ cái khuôn của vị Thầy. Giống như tsa tsa tái tạo lại một cách trung thực tất cả những hoa văn được chạm khắc trên khuôn mẫu, thì cũng thế, người đệ tử phải quyết tâm đạt cho bằng được những phẩm hạnh y hệt như của Thầy, hay tối thiểu thì cũng gần giống được bất kỳ phẩm tính nào mà vị Thầy có.
Tất cả những ai trước tiên khéo léo khảo sát vị Thầy, sau đó khéo léo theo chân Ngài, và cuối cùng khéo léo noi gương sự chứng ngộ và hành động của Ngài sẽ luôn luôn ở trên con đường chân chính, dù có thế nào đi nữa.
Lúc ban đầu, khéo léo khảo sát vị Thầy;
Vào lúc giữa, khéo léo theo chân Ngài;
Vào lúc cuối, khéo léo noi gương sự chứng ngộ
và hành động của Ngài.
Làm được như vậy thì người đệ tử đang đi trên con đường chân chính.
Một khi bạn gặp được một vị Thầy tâm linh cao quý, là người có được tất cả những phẩm tính cần thiết, hãy đi theo Ngài mà không cần phải quan tâm tới bất kỳ sự an nguy nào khác – giống như Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đã đi theo Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata), như khi đại học giả Naropa đi theo Ngài Tilopa tối thượng, và như khi Ngài Jetsun Mila đi theo Ngài Marpa xứ Lhodrak.
Trước tiên, đây là câu chuyện làm thế nào Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đi theo Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata). Ngài Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đang cầu tìm Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita), là giáo lý của trí tuệ siêu việt.
Một ngày nọ, trong lúc đi tìm kiếm, Ngài đến một nơi hoang vắng cô tịch, ở đó Ngài nghe một tiếng nói từ không trung: “Ôi, hỡi đứa con may mắn, hãy đi về hướng Đông và con sẽ được nghe Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita). Hãy đi dù ngày hay đêm, bất kể sự nhọc nhằn, ngủ nghỉ hay mê mệt, nóng hay lạnh của thân xác. Chớ nhìn qua trái hay phải. Chẳng mấy chốc con sẽ nhận được Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita). Giáo lý này sẽ đến từ trong Kinh sách hoặc được một tu sĩ, hiện thân của Giáo Pháp, sẽ giảng dạy cho con. Vào khi đó, hỡi đứa con may mắn, hãy đi theo và trung thành với vị Thầy đã dạy con Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita), hãy coi Ngài là Thầy con và tôn kính Giáo Pháp của Ngài. Cho dù con nhìn thấy Ngài hưởng thụ năm khoái lạc giác quan, hãy nhận thức rằng các vị Bồ Tát luôn luôn thiện xảo khi sử dụng phương tiện, và đừng bao giờ đánh mất lòng tin của con.”
Nghe những lời đó, Thường Đề Bồ Tát (Saraprarudita) bắt đầu đi về hướng Đông. Nhưng chưa đi được bao xa thì Ngài nhận ra rằng đã quên hỏi giọng nói trên không trung kia là Ngài phải đi bao xa nữa – và vì vậy Ngài không nghĩ ra được cách làm thế nào để tìm cho ra được vị Thầy sẽ giảng dạy về Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita). Ngài than khóc và thề nguyện rằng sẽ không quản ngại gian khổ, đói khát và ngủ nghỉ, ngày cũng như đêm cho đến khi nào nhận được giáo lý. Ngài đã xúc động một cách mãnh liệt, như một người mẹ lạc mất đứa con độc nhất của mình. Ngài bị ám ảnh thường xuyên bởi một câu hỏi duy nhất là khi nào Ngài sẽ được nghe Giáo Lý Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita).
Ngay lúc đó, Như Lai (Tathagata) xuất hiện trong một thân tướng trước mặt Ngài và tán thán việc cầu Pháp của Ngài. Đức Như Lai nói thêm rằng: “Cách đây năm trăm lý (1 lý khoảng 4,8km), có một thành phố tên là Thành Phố Thoảng Hương. Thành phố này được xây dựng bằng thất bảo, có năm trăm công viên bao quanh và có mọi phẩm tính tốt đẹp. Ở trung tâm thành phố, nơi giao nhau của bốn đại lộ, là trú xứ của Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata). Nó cũng được xây dựng bằng thất bảo quý giá, có chu vi khoảng một lý. Ở đó, trong các khu vườn và những địa điểm hỉ lạc khác là nơi cư ngụ của Đại Bồ Tát Pháp Khởi (Dharmodgata) cùng quyến thuộc của Ngài. Cùng với sáu mươi tám ngàn nữ nhân, Bồ Tát thụ hưởng những lạc thú của ngũ quan mà Ngài đã hoàn toàn làm chủ và hoan hỉ làm bất cứ điều gì Ngài ưa thích. Suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, Pháp Khởi Bồ Tát giảng dạy Giáo Pháp Ba La Mật (Prajnaparamita) cho những ai cư trú ở đấy. Hãy tới chỗ Ngài, và ông sẽ được nghe giáo lý Bát Nhã Ba La Mật từ Ngài.”
Giờ đây Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) không thể nghĩ được gì ngoài những điều Ngài vừa nghe thấy. Ngay tại nơi đang đứng, Ngài đã có thể nghe được Pháp Khời Bồ Tát (Dharmodgata) giảng dạy Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita). Ngài đã trải nghiệm vô số trạng thái thiền định. Ngài nhận thức được những cõi khác nhau trong mười phương thế giới, và nhìn thấy hằng hà sa số chư Phật đang giảng dạy Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita). Chư Phật đang tán thán Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata) trước khi biến mất. Tràn đầy sự hoan hỷ, niềm tin và lòng sùng kính đối với Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata), Bồ Tát Thường Đề (Sadapradurita) tự hỏi làm cách nào có thể diện kiến được Pháp Khởi Bồ Tát.
Ngài nghĩ: “Ta nghèo quá, không có gì để dâng cúng Ngài, không y áo hay châu báu, không dầu thơm hay tràng hoa, cũng chẳng có bất kỳ vật gì khác để tỏ lòng tôn kính một vị Thầy. Vậy ta sẽ bán thịt của mình, rồi lấy số tiền đó cúng dường cho Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata). Suốt trong luân hồi từ vô thủy, ta đã từng bán thịt của mình không biết bao nhiêu lần; cũng vô số lần ta đã bị chặt thành từng mảnh và bị thiêu hủy trong những địa ngục là nơi ta bị tham dục lôi kéo xuống – nhưng chưa bao giờ ta thọ nhận một Giáo lý như thế này hay tôn kính một vị Thầy cao cả như vậy!”
Ngài đi đến giữa khu chợ và bắt đầu kêu lên: “Ai cần người? Ai muốn mua một con người?”
Nhưng những tinh linh xấu ác vì ghen tức với Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đang được trải qua những thử thách để làm lợi lạc cho Giáo Pháp, chúng tinh linh này đã làm cho mọi người ở trong chợ không nghe được những gì Ngài nói. Không tìm thấy người mua thịt của mình, Ngài đi tới một góc chợ và ngồi xuống khóc than, nước mắt rơi lã chã.
Sau đó Vua Trời Đế Thích (Indra) quyết định thử thách quyết tâm của Ngài. Mang hình tướng của một người Bà la môn trẻ, Thiên Vương xuất hiện trước Thường Đề Bồ Tát và nói: “Ta không cần cả một thân người. Ta chỉ cần một ít thịt, ít mỡ và một ít tủy xương người để cúng dường. Nếu ngươi có thể bán cho ta những thứ đó, ta sẽ trả tiền cho ngươi.”
Vui mừng khôn xiết, Thường Đề Bồ Tát lấy một con dao bén cắt vào tay phải cho đến khi máu phun ra. Rồi Ngài lóc tất cả thịt ở đùi phải, và khi đang chuẩn bị đập xương vào tường thì cô con gái của một thương gia giàu có từ tầng trên cùng ngôi nhà của cô đã nhìn thấy Ngài, bèn chạy bổ xuống chỗ Ngài đứng.
“Bậc tôn quý, vì sao ngài gây đau đớn cho mình như thế?” cô ta hỏi.
Ngài giải thích rằng Ngài muốn bán thịt của mình để thực hiện cúng dường cho Pháp Khởi Bồ Tát.
Khi cô gái trẻ hỏi Ngài sẽ được lợi ích gì từ lòng tôn kính như vậy, Thường Đề Bồ Tát trả lời: “Ngài sẽ dạy cho tôi những phương tiện thiện xảo của chư vị Bồ Tát và giáo lý Bát Nhã Ba La Mật. Sau này nếu tôi tu tập Giáo Pháp đó, tôi sẽ đạt được sự toàn giác, sở hữu nhiều phẩm tính của một vị Phật và có thể chia sẻ Giáo Pháp quý báu với tất cả chúng sinh.”
Cô gái nói: “Chắc chắn là mỗi một trong những phẩm tính đó xứng đáng với một lễ cúng dường gồm những thân mạng nhiều như cát sông Hằng. Nhưng xin đừng làm tổn hại thân Ngài như vậy! Con sẽ dâng tặng Ngài bất cứ thứ gì Ngài cần để tỏ lòng tôn kính Pháp Khởi Bồ Tát và sẽ đi cùng với Ngài tới gặp Bồ Tát. Khi làm như vậy, con sẽ vun trồng cội công đức, và công đức này cũng giúp cho con đạt được những phẩm tính tương tự.”
Khi cô nói xong, Vua Trời Đế Thích hiện lại hình tướng của mình và nói với Thường Đề Bồ Tát: “Ta là Vua Trời Đế Thích, vua của chư Thiên. Ta đến đây để thử thách sự quyết tâm của ông. Chỉ cần ông yêu cầu là ta sẽ ban cho ông bất kỳ những gì ông muốn.”
”Xin ban cho tôi những phẩm tính vô song của chư Phật!” Thường Đề Bồ Tát trả lời.
“Ta không thể cho ngươi điều đó,” Vua Trời Đế Thích nói, “Những điều như thế không nằm trong phạm vi của ta.”
“Nếu thế thì Ngài không cần phải nhọc sức làm cho thân tôi toàn vẹn trở lại,” Thường Đề Bồ Tát nói. “Tôi sẽ khẩn cầu năng lực gia trì của chân lý. Nhờ sự gia trì của lời tiên tri của chư Phật mà tôi sẽ không bao giờ quay trở lại vòng luân hồi, nhờ chân lý của sự quyết tâm siêu phàm và bất thối chuyển của tôi, và nhờ chân lý của lời tôi nói, cầu mong thân tôi hồi phục như cũ!”
Với những lời này, thân Ngài trở lại hoàn toàn như trước. Và Vua Trời Đế Thích biến mất.
Thường Đề Bồ Tát đi cùng cô con gái của vị thương gia tới nhà cha mẹ cô và thuật lại cho họ câu chuyện của mình. Họ cung cấp cho Ngài nhiều phẩm vật cần thiết để cúng dường. Sau đó, ngài cùng với cô con gái và cha mẹ cô cùng với năm trăm thị nữ và toàn bộ đoàn tùy tùng của họ khởi hành bằng xe ngựa đi về hướng Đông, và tới Thành Phố Thoảng Hương. Ở đó, Ngài nhìn thấy Pháp Khởi Bồ Tát đang thuyết Pháp cho hàng ngàn người. Cảnh tượng làm Ngài tràn đầy lòng quyết tâm và hỉ lạc của một vị sư khi an trú trong định. Tất cả xuống xe và đi tới diện kiến Ngài Pháp Khởi Bồ Tát.
Vào lúc đó, Pháp Khởi Bồ Tát đã xây dựng một điện thờ để tàng chứa và giảng Bát Nhã Tâm Kinh. Điện thờ được làm bằng thất bảo (bảy vật liệu quý giá), tô điểm bằng gỗ đàn hương đỏ phủ một lớp chạm trổ bằng những viên ngọc. Ở mỗi một trong bốn hướng có đặt những viên ngọc như ý giống như những ngọn đèn và những lư hương bạc, từ đó những nén hương cúng dường làm bằng gỗ lô hội đen tỏa hương nhẹ nhàng. Ở chính giữa điện là bốn tủ ngọc đựng những cuốn Kinh Bát Nhã Ba La Mật, được làm bằng vàng và viết bằng mực lưu ly xanh biếc.
Khi thấy những vị Trời và người đang hành lễ cúng dường, Thường Đề Bồ Tát hỏi thăm rồi cùng với cô con gái, thương gia và năm trăm thị nữ cùng nhau trang nghiêm cúng dường.
Sau đó, họ tiến tới gần Pháp Khởi Bồ Tát, Người đang ban truyền giáo lý cho các đệ tử, và tỏ lòng tôn kính Bồ Tát bằng tất cả những phẩm vật cúng dường của họ. Con gái của vị thương gia và những thị nữ của cô đã thọ giới nguyện Bồ Đề Tâm tối thượng. Thường Đề Bồ Tát hỏi Pháp Khởi Bồ Tát là chư Phật mà Thường Đề Bồ Tát đã thấy trước đó từ đâu đến và các Ngài đi về đâu. Pháp Khởi Bồ Tát trả lời bằng cách giảng dạy một chương về đề tài chư Phật không đến cũng không đi. Sau đó Pháp Khởi Bồ Tát rời Pháp tòa và đi tới khu vực riêng, ở đó Bồ Tát an trú trong trạng thái thiền định nhất như trong bảy năm.
Suốt trong thời gian đó, Thường Đề Bồ Tát, con gái vị thương gia và năm trăm thị nữ không nằm hoặc ngồi nữa, mà thường xuyên đứng thẳng. Khi đứng yên hay đi kinh hành, họ chỉ đặt hết chú tâm vào thời điểm mà Pháp Khởi Bồ Tát sẽ xuất định và giảng Pháp một lần nữa.
Khi bảy năm gần kết thúc, Thường Đề Bồ Tát nghe chư Thiên thông báo trong bảy ngày nữa, Pháp Khởi Bồ Tát sẽ xuất định và bắt đầu giảng dạy trở lại. Cùng với năm trăm thị nữ, Thường Đề Bồ Tát quét dọn trong phạm vi rộng một lý tại địa điểm mà Pháp Khởi Bồ Tát sắp giảng dạy. Khi Ngài bắt đầu rải nước trên nền đất cho khỏi bụi, Ma Vương (Mara) làm cho tất cả những nước ấy biến mất. Vì vậy, Thường Đề Bồ Tát đã cắt mạch máu và rải máu mình trên mặt đất, con gái vị thương gia cùng năm trăm thị nữ cũng làm như vậy. Vua Trời Đế Thích biến máu của họ thành gỗ đàn hương đỏ của những cõi Trời.
Cuối cùng, Pháp Khởi Bồ Tát đã đến và ngự trên tòa sư tử mà Thường Đề Bồ Tát và những người khác đã chuẩn bị thật hoàn hảo, ở đó Pháp Khởi Bồ Tát đã thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật. Thường Đề Bồ Tát đã kinh nghiệm sáu triệu trạng thái thiền định khác nhau và có linh kiến về vô số chư Phật – một linh kiến không bao giờ lìa khỏi Ngài, ngay cả trong những giấc mơ. Người ta nói rằng giờ đây Thường Đề Bồ Tát đang an trụ trong trụ xứ của Đức Phật toàn giác có danh hiệu là Diệu Âm Phật.
Trong lúc đi theo Ngài Tilopa, đại học giả Naropa cũng trải qua vô số khó khăn. Như chúng ta đã thấy trước đây, Naropa gặp Ngài Tilopa, lúc đó Ngài sống như một người hành khất, và Naropa xin Ngài Tilopa nhận mình làm đệ tử. Tilopa chấp nhận lời khẩn cầu này và đem Naropa theo bất kỳ chỗ nào Ngài đi tới, nhưng chẳng bao giờ dạy cho đệ tử bất kỳ Giáo Pháp nào.
Một ngày kia, Tilopa đem Naropa lên đỉnh một ngọn tháp chín tầng và hỏi: “Có ai vâng lời Thầy nhảy từ ngọn tháp này xuống không?”
Naropa tự nghĩ, “Ở đây chẳng còn ai khác, vậy chắc Ngài muốn nói đến ta.” Ông bèn nhảy từ đỉnh tháp, thân đổ sầm xuống đất khiến ông đau đớn khủng khiếp.
Tilopa đi xuống và hỏi, “Ngươi có đau không?”
Naropa rên rỉ: “Không chỉ đau, con chẳng hơn gì một xác chết.” Nhưng Tilopa từ bi gia hộ cho ông, và thân ông lạ hoàn toàn lành lặn. Sau đó Ngài Tilopa lại dẫn Naropa cùng đi trong chuyến du hành.
Một hôm, Ngài Tilopa ra lệnh cho ông: “Naropa, hãy nhóm lửa lên!”
Khi lửa đã bốc cháy, Ngài Tilopa đã chuẩn bị nhiều mảnh tre dài, tẩm dầu và đặt trên lửa để làm tre cứng chắc.
“Nếu ngươi vẫn tiếp tục vâng lời Thầy, ngươi cũng phải trải qua những thử thách như thế này,” Ngài nói và thọc các mảnh tre vào dưới móng tay và chân của đệ tử.
Mọi khớp xương của Naropa hoàn toàn co cứng và ông kinh nghiệm nỗi đau đớn và khổ sở không thể chịu đựng nổi. Rồi vị Đạo Sư bỏ đi. Vài ngày sau, khi Ngài trở lại, Ngài rút những mảnh tre ra, rất nhiều máu mủ tuôn ra từ những vết thương của Naropa. Một lần nữa, Ngài từ bi gia hộ và lại cùng ông lên đường.
Một ngày khác Ngài nói: “Naropa, ta đói. Hãy đi xin một ít thức ăn cho ta!”
Naropa đi đến một nơi rất đông nông dân đang bận rộn ăn uống, ông xin họ một chén sọ người đầy súp và mang về cho Thầy. Tilopa ăn hết sức ngon lành và dường như Ngài rất hài lòng.
Naropa nghĩ: “Suốt một thời gian dài phục vụ Thầy, chưa bao giờ ta thấy Thầy ta hạnh phúc như vậy. Nếu hỏi xin nữa thì có lẽ ta sẽ được thêm một ít.”
Cầm chén sọ người trong tay, ông lên đường đi khất thực lần nữa. Vào lúc này những người nông dân đã trở lại cánh đồng của họ, để lại món súp dư thừa ở chỗ cũ.
“Việc duy nhất làm được là lấy trộm món súp,” Naropa tự nghĩ, rồi lấy súp và bỏ chạy.
Nhưng những người nông dân thấy được. Họ túm bắt và đánh đập ông, bỏ mặc cho ông chết. Trong nhiều ngày ông đau đớn tới nỗi không gượng dậy nổi. Một lần nữa vị Thầy lại đến, từ bi gia hộ và cùng ông lên đường như trước.
Một ngày khác Ngài Tilopa nói: “Naropa, ta cần rất nhiều tiền.99 Hãy đi lấy trộm về cho ta một ít.”
Naropa bèn đi ăn trộm tiền của một người giàu có, nhưng bị bắt tại trận. Ông bị túm lấy, bị đánh đập và lại bị bỏ mặc cho chết. Vài ngày sau Tilopa tới và hỏi ông: “Ngươi có đau không?” Khi nhận được câu trả lời như lần trước, Ngài Tilopa từ bi gia hộ cho Naropa, và lại cùng nhau lên đường.
Naropa đã phải trải qua mười hai thử thách chính và mười hai thử thách phụ như thế – hai mươi bốn thử thách mà ông phải chịu đựng trong một đời. Cuối cùng họ cũng đi tới chỗ kết thúc.
Một hôm, Tilopa nói, “Naropa, hãy đi lấy ít nước. Ta sẽ ở đây nhóm lửa.”
Khi Naropa mang nước trở về, Tilopa nhảy ra từ đống lửa mà Ngài đang đốt và dùng tay trái tóm lấy đầu Naropa.
“Đưa ta xem trán của ngươi,” Ngài ra lệnh.
Ngài lấy tay phải cởi dép ra và đánh vào trán của đệ tử. Naropa ngã ra bất tỉnh. Khi ông tỉnh dậy, tất cả những phẩm tính của trí tuệ bát nhã của vị Thầy đã phát khởi trong ông. Vị Thầy và đệ tử đã hợp nhất trong sự chứng ngộ.
Trên thực tế, hai mươi bốn thử thách mà đại học giả Naropa phải trải qua chính là những giáo huấn của vị Thầy, vì thế chúng đã trở thành các phương tiện thiện xảo nhờ đó các che chướng của ông được tiệt trừ. Bởi những thử thách này hiện ra giống như là những kinh nghiệm gian khó hoàn toàn vô nghĩa lý, khiến cho không ai nghĩ rằng đó là Giáo Pháp. Quả thực là vị Thầy đã không hề thốt ra một lời giảng dạy và đệ tử cũng chẳng thực hành một giây phút nào, ngay cả một lễ lạy duy nhất cũng không có. Tuy nhiên, một khi Naropa đã gặp được một vị Thành Tựu Giả đắc đạo, ông đã tuân theo tất cả những huấn lệnh của Ngài bất chấp mọi khó khăn, và khi làm như thế ông đã hoàn tất việc tịnh hóa những chướng ngại của mình khiến sự chứng ngộ phát khởi trong ông.
Không có một thực hành Giáo Pháp nào lớn lao hơn việc tuân lời vị Thầy của ta. Những lợi lạc của điều này thì bao la như chúng ta có thể thấy ở đây. Trái lại, nếu không tuân lời Ngài dù chỉ một chút thôi cũng là một lỗi lầm cực kỳ nghiêm trọng.
Có lần Tilopa cấm Naropa không được nhận trách nhiệm của một vị học giả trưởng lão trì giữ các “cánh cổng” (phân khoa) tại đại học viện Vikramasila.100 Nhưng ít lâu sau đó, khi Naropa đến Ma Kiệt Đa (Magadha), một trong những học giả giữ chức vụ đó đã chết. Vì không ai có khả năng tranh luận với những kẻ ngoại đạo (tirthika) nên tất cả các học giả van nài Naropa nhận nhiệm vụ bảo vệ cổng phía Bắc, và khăng khăng thúc bách cho đến khi ông chấp thuận. Tuy nhiên, khi một kẻ ngoại đạo xuất hiện để tranh luận, Naropa đã tranh luận với ông ta trong nhiều ngày mà cuối cùng không thể chiến thắng. Naropa cầu nguyện Thầy mình cho tới khi cuối cùng một ngày kia Tilopa xuất hiện và nhìn Naropa bằng cái nhìn như muốn xuyên thủng ông.
“Ngài quá ít lòng từ bi – sao Ngài không tới sớm hơn?” Naropa than vãn.
“Không phải ta đã cấm ông nhận chức vụ trưởng lão trì giữ cổng viện hay sao?” Tilopa hỏi vặn lại.
“Tuy vậy, trong khi tranh luận, hãy quán tưởng ta ở trên đầu ông và kết ấn phẫn nộ (hàng phục) trước người ngoại đạo!”
Naropa làm theo lời Ngài, thắng thế trong cuộc tranh luận, và chấm dứt được tất cả luận cứ của những kẻ ngoại đạo.
Cuối cùng, đây là cách thức Jetsun Milarepa đi theo Ngài Marpa xứ Lhodrak. Trong vùng Ngari Gungthang có một người giàu có tên là Mila Sherab Gyaltsen. Ông có một con trai và một con gái, người con trai tên là Mila Thopa-ga, “Mila Hoan Hỷ Khi Nghe Đến,” mà sau này trở thành Ngài Jetsun Milarepa. Khi hai người con còn nhỏ thì cha chúng mất. Người chú tên là Yungdrung Gyaltsen đã chiếm đoạt tất cả của cải và tài sản của họ. Hai đứa bé và mẹ chúng bị bỏ mặc không tiền bạc và thực phẩm, buộc chúng phải trải qua nhiều gian khổ. Mila đã học chú thuật và cách tạo mưa đá từ nhà huyền thuật Yungton Throgyal ở xứ Tsang và Lharje Nupchung. Bởi làm sập nhà, Mila gây nên cái chết cho con trai và con dâu của người chú cùng với ba mươi ba người khác. Khi tất cả dân địa phương trở nên giận dữ chống lại Mila, ông đã tạo ra một trận mưa đá dữ dội tới nỗi lớp nước đá phủ trên mặt đất dày bằng ba lớp tường đất sét.101
Sau đó, hối hận về những ác hạnh đã làm, Mila quyết định đi tu theo con đường Phật Pháp. Nghe lời khuyên của Lạt ma Yungton, ông đi tìm gặp một vị Thầy tinh thông Pháp Đại Viên Mãn tên là Rongton Lhaga, và xin được chỉ dạy.
Vị Lạt ma trả lời: “Giáo Pháp ta dạy là Đại Viên Mãn. Gốc của Pháp ấy là chinh phục lúc khởi đầu, ngọn của nó là chinh phục sự thành tựu và quả của nó là chinh phục pháp du già.102 Nếu thiền định về nó trong ngày, hành giả có thể thành Phật trong ngày đó; nếu thiền định về Pháp ấy trong đêm, hành giả có thể thành Phật ngay trong đêm đó. Những người may mắn mà hành nghiệp trong quá khứ của họ đã tạo nên những thiện duyên thích hợp thì thậm chí không cần phải thiền định; họ sẽ được giải thoát chỉ nhờ nghe được Pháp ấy. Vì Pháp ấy là Giáo Pháp dành cho những người có căn cơ lỗi lạc xuất chúng nên Ta sẽ dạy Pháp ấy cho ngươi.”
Sau khi nhận được quán đảnh và những giáo huấn, Mila tự nghĩ: “Ta đã mất hai tuần để đạt được những dấu hiệu thành công quan trọng trong việc sử dụng bùa chú. Bảy ngày đủ để làm được mưa đá. Giờ đây là một giáo lý còn dễ hơn cả bùa chú và mưa đá – nếu bạn thiền định trong ngày, bạn sẽ thành Phật ngay trong ngày đó; nếu thiền định vào ban đêm bạn sẽ thành Phật ngay trong đêm đó – và nếu những hành động trong quá khứ của bạn đã tạo ra những thiện duyên thích hợp, thì thậm chí bạn hoàn toàn chẳng cần thiền định gì hết! Hãy xem ta đã gặp được giáo lý này như thế nào, rõ ràng ta phải là một trong những người có những thiện hạnh trong quá khứ.”
Vì thế, Ngài cứ ngồi ở trên giường mà không thiền định, vì thế hành giả và giáo lý tách lìa nhau.
Vài ngày sau vị Lạt ma nói với Ngài: “Những gì ta nói với ngươi đều là sự thật. Ngươi thực sự là kẻ đại tội lỗi, và ta đã tán thán giáo lý của ta hơi thái quá. Vì thế bây giờ ta sẽ không chỉ dạy ngươi nữa. Ngươi nên đi đến ẩn thất Trowolung ở Lhodrak, ở đó có một đệ tử chân truyền của chính thành tựu giả Ấn Độ Naropa. Ngài là Marpa, bậc xuất sắc nhất trong các vị Thầy, vị vua của các dịch giả. Ngài là một thành tựu giả của Truyền Thống Tân Mật (Mantra),103 và khắp tam giới không ai sánh bằng. Vì ngươi và Ngài có mối liên kết bắt nguồn từ các hành nghiệp trong những đời trước (có nhân duyên tiền kiếp), nên Ngươi hãy đi tìm gặp Ngài!”
Chỉ cần nghe tới âm thanh danh hiệu của Dịch Giả Marpa cũng đủ làm tâm thức Milarepa tràn ngập niềm an lạc không thể diễn tả. Ngài hoan hỷ tới nỗi mọi lỗ chân lông trên thân Ngài đều dựng đứng, và cảm thức sùng kính bao la tràn ngập khiến mắt Ngài đẫm lệ. Milarepa lên đường, tự hỏi bao giờ mới được diện kiến vị Thầy của mình.
Lúc bấy giờ Marpa và vợ Ngài có nhiều giấc mơ lạ thường, và Marpa biết rằng Jetsun Mila đang trên đường đi tới chỗ Ngài. Ngài đi xuống thung lũng để chờ Mila tới, giả vờ như đang cày ruộng. Thoạt tiên Mila gặp con trai của Marpa là Tarma Dodé đang chăn trâu. Đi tiếp thêm một chút, Mila thấy Marpa đang cày ruộng. Lúc Mila nhìn thấy Ngài Marpa, Mila kinh nghiệm trạng thái hỷ lạc mãnh liệt không thể diễn tả; trong chốc lát, mọi niệm tưởng tầm thường của Mila ngưng bặt. Tuy nhiên, Mila không nhận ra được rằng đây là một Lạt ma bằng xương bằng thịt, và giải thích với người rằng mình tới đây để tìm gặp Marpa.
“Ta sẽ dẫn mi tới gặp Ngài,” Marpa trả lời. “Hãy cày đám ruộng này cho ta.” Để lại cho Mila một bình bia, Marpa bỏ đi. Mila uống cạn bia rồi làm việc. Khi Mila hoàn tất công việc, con trai của vị Lạt ma tới gọi và cả hai cùng đi.
Khi Mila được đưa tới trước mặt vị Lạt ma, Mila đặt đôi bàn chân Marpa lên đỉnh đầu mình và kêu lên: “Ôi, Đạo sư! Con là một kẻ đại tội lỗi ở phương Tây! Con xin cúng dường Ngài thân, khẩu và ý của con. Xin nuôi dưỡng, cho con quần áo mặc và dạy con Giáo Pháp. Xin ban cho con cách thức để thành Phật trong đời này!”
“Không phải là lỗi của ta khi mi tự cho mình là một kẻ xấu xa như thế,” Marpa trả lời. “Ta không yêu cầu mi tích lũy những ác hạnh vì lợi ích của ta! Vậy mi đã làm những điều gì sai trái?”
Mila thuật lại cho Ngài toàn bộ chi tiết câu chuyện.
“Tốt lắm,” Marpa ưng thuận, “trong bất kỳ trường hợp nào, việc cúng dường thân, khẩu và ý của của mi là một điều tốt. Tuy nhiên, đối với quần áo, thực phẩm và Pháp thì mi không thể có cả ba. Hoặc ta cho mi quần áo và thực phẩm còn Giáo Pháp thì mi phải đi tìm ở nơi khác, hoặc mi nhận Giáo Pháp của ta và tìm những thứ còn lại ở nơi nào đó. Hãy quyết định đi. Và nếu chọn Giáo Pháp thì việc mi có thành tựu Phật Quả trong đời này hay không sẽ tùy thuộc vào sự kiên trì của chính mi.”
Mila nói: “Nếu đúng như thế thì bởi con tới đây vì Pháp nên con sẽ tìm lương thực và quần áo ở nơi khác.”
Mila ở lại vài ngày và đi xin khắp vùng Lhodrak thượng và hạ được hai mươi mốt thùng lúa mạch. Ông dùng mười bốn thùng để mua một ấm đồng có bốn quai. Đổ sáu bình lúa vào một cái bao, ông trở về cúng dường ấm và lúa cho Marpa.
Khi Mila đặt bao lúa mạch xuống, ông làm căn phòng rung chuyển, làm cho Marpa thức giấc.
“Mi là một tên pháp sư trẻ có sức mạnh, phải vậy không?” Ngài nói. “Bộ mi định giết cả nhà ta bằng cách làm sập nhà với hai tay trần của mi chắc? Đem bao lúa mì đó ra khỏi đây ngay!” Ngài đá cái bao, và Mila phải đem nó ra ngoài. Lát sau, Mila dâng cho Ngài Marpa cái ấm rỗng.104
Một ngày nọ, Marpa nói với Mila: “Những người xứ Yamdrok Taklung và Lingpa đang tấn công những đệ tử trung thành ở U và Tsang tới thăm ta, và cướp lương thực cùng đồ cúng dường của họ. Hãy trút những trận mưa đá xuống chúng! Bởi hầu như đó cũng là Pháp, sau đấy ta sẽ ban cho mi những giáo huấn.”
Mila gây ra những trận mưa đá tàn phá cả hai vùng này và sau đó đi cầu giáo lý.
“Mi nghĩ ta sắp trao cho mi giáo lý ta đem về từ Ấn Độ có giá trị to lớn như vậy để đổi lấy ba hay bốn trận mưa đá hay sao? Nếu mi thật sự mong cầu Giáo Pháp, hãy làm mê hoặc dân chúng ở ngọn đồi Lhodrak. Họ tấn công những đệ tử xứ Nyaloro của ta và luôn luôn ra vẻ xem thường ta. Khi có dấu hiệu cho thấy thần chú của mi đã có tác dụng, ta sẽ ban cho mi giáo huấn khẩu truyền của Naropa, giáo huấn ấy sẽ dẫn đến Phật Quả chỉ trong một thân và một đời người duy nhất.”
Khi những dấu hiệu thành công của ác chú xuất hiện, Mila xin được ban Giáo Pháp.
“Hả! Phải chăng để tỏ lòng tôn kính những ác hạnh mi đã tích lũy mà mi đòi các giáo huấn khẩu truyền còn ấm hơi thở của những vị Không Hành Nữ (Dakini) này, là những gì ta đã phải tìm cầu bất chấp những hiểm nguy tới tính mạng và cuộc đời ta hay sao? Ta nghĩ rằng mi cợt đùa, nhưng ta thấy điều này hơi thái quá. Với ta thì không sao nhưng những người khác sẽ giết mi! Bây giờ hãy làm những người trên đồi sống lại và trả lại mùa màng cho dân xứ Yamdrok. Nếu làm được, mi sẽ nhận được giáo lý – còn không, đừng quanh quẩn bên ta nữa!”
Hoàn toàn kiệt sức bởi những lời quở trách này, Mila ngồi khóc nức nở. Sáng hôm sau, Marpa đến gặp ông.
“Đêm qua ta có hơi cộc cằn với mi,” Ngài nói. “Thôi đừng buồn. Ta sẽ ban cho mi giáo huấn từng ít một. Hãy kiên nhẫn! Bởi mi là một người thợ giỏi, ta muốn mi xây cho ta một căn nhà để cho Tarma Dodé. Khi nào mi hoàn tất, ta sẽ ban cho mi những giáo huấn và cũng sẽ cung cấp cho mi thực phẩm và quần áo.”
“Nhưng nếu con chết trong thời gian đó, con sẽ làm được gì khi không có Giáo Pháp?” Mila hỏi.
“Ta bảo đảm rằng điều đó sẽ không xảy ra,” Marpa nói, “giáo lý của ta không phải là để khoác lác vớ vẩn, và bởi rõ ràng là mi có sự kiên nhẫn phi thường nên khi mi áp dụng những giáo huấn của ta vào thực hành, chúng ta sẽ chờ xem mi có đạt được Phật Quả chỉ trong một đời hay không.”
Sau khi khuyến khích nhiều hơn nữa theo cách thức tương tự, Ngài bảo Mila tuần tự xây ba căn nhà: một căn hình tròn ở chân ngọn đồi phía đông, một căn hình bán nguyệt ở phía tây và một căn hình tam giác ở hướng bắc. Nhưng mỗi khi căn nhà xây được phân nửa thì Marpa lại nhiếc móc Mila dữ dội, bắt ông phá hủy những gì đã xây và đem đất đá mà ông đã sử dụng trở lại nơi ông tìm thấy chúng.
Một vết thương vỡ toác trên lưng Mila, nhưng ông nghĩ: “Nếu đưa cho Thầy xem, Ngài sẽ chỉ quở mắng ta một lần nữa. Ta có thể cho sư mẫu thấy, nhưng điều đó chỉ gây thêm ồn ào rắc rối.” Thế nên, không đưa cho sư mẫu xem vết thương, ông khóc lóc và van xin bà giúp ông thỉnh cầu giáo lý.
Bà yêu cầu Marpa dạy Mila, và Marpa trả lời: “Hãy cho nó một bữa ăn ngon và đem nó tới đây!” Ngài ban cho Mila khẩu truyền và những giới nguyện quy y.
Ngài nói: “Tất cả những điều này được gọi là Giáo Pháp nền tảng. Nếu mi muốn những giáo huấn phi thường của Mật Thừa thì những loại việc mà mi sẽ phải trải qua là như thế này…” và Ngài đọc một bài kệ tóm tắt về cuộc đời và những thử thách của Naropa. “Mi khó có thể làm được như vậy,” Ngài kết luận.
Nghe những lời này, Mila cảm thấy lòng sùng kính mãnh liệt đến nỗi nước mắt ông tuôn chảy mãi không thôi, và với một quyết tâm mạnh mẽ, ông nguyện làm bất cứ những gì Thầy ông yêu cầu.
Vài ngày sau, Marpa đi dạo và đem Mila theo như thị giả của Ngài. Marpa đi về hướng đông-nam và tới một miếng đất có vị trí thuận lợi. Ngài nói: “Hãy làm cho ta một tháp màu xám, có góc vuông và cao chín tầng ở đây, thêm một đỉnh nhọn nữa thì thành mười tầng. Mi không được hạ thấp tháp xuống, và khi hoàn tất ta sẽ ban cho mi các giáo huấn. Ta cũng sẽ cho mi lương thực khi nhập thất thực hành.”
Mila đã đào xong phần móng và bắt đầu xây thì có ba đệ tử cao cấp của Thầy đi ngang qua. Để đùa giỡn, họ lăn tới cho ông một tảng đá lớn và Mila dùng nó làm móng nhà. Khi ông hoàn tất hai tầng dưới cùng, Marpa tới thăm và hỏi tảng đá ở đâu ra. Mila kể với Ngài sự việc xảy ra.
“Những đệ tử của ta đang thực hành pháp du già trong hai giai đoạn, họ không phải là những người hầu của mi!” Marpa la hét: “Hãy lấy tảng đá đó ra khỏi đây ngay và trả nó về chỗ cũ!”
Mila phá bỏ toàn bộ cái tháp, bắt đầu từ đỉnh. Ông vần tảng đá làm móng ra và đem đặt lại chỗ cũ.
Sau đó Marpa bảo ông: “Bây giờ đem nó tới đây và đặt nó trở lại vào đây.”
Vì thế Mila lại phải lăn tảng đá trở lại và đặt đúng vào chỗ trước đó. Ông tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn tất tầng thứ bảy, vào lúc này ông bị một vết thương ở bên hông.
Marpa nói: “Bây giờ hãy bỏ việc xây tháp, thay vào đó hãy xây cho ta một ngôi đền với một đại sảnh mười hai cột và một điện thờ đắp nổi.”
Thế là Mila xây ngôi đền, và khi hoàn thành thì một vết thương phía dưới lưng ông bị vỡ ra.
Vào lúc đó, Meton Tsonpo xứ Tsangrong thỉnh cầu Marpa ban quán đảnh “Người Chặn Đứng Bánh Xe Luân Hồi” (Samvara hay Chakrasamvara), và Tsurton Wangé xứ Dol thỉnh cầu ban quán đảnh “Bí Mật Tập Hội” (Guhyasamaja). Trong cả hai dịp này, Mila hy vọng rằng nhờ công việc xây cất ông sẽ được thọ nhận quán đảnh, có được một chỗ ngồi trong hội chúng, nhưng những gì ông nhận được từ Marpa chỉ là những cú đánh và những lời mắng nhiếc, và cả hai lần ông đều bị Thầy ném ra ngoài. Lưng ông giờ đây là một vết thương khổng lồ với máu và mủ chảy ra từ ba chỗ. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục làm việc, thay vì đeo giỏ đất ở lưng thì ông đeo ở phía trước ngực.
Khi Ngokton Chodor xứ Shung tới thỉnh cầu ban quán đảnh “Hô Kim Cương” (Hevajra), vợ Ngài Marpa đưa cho Mila một viên lam ngọc lớn là vật thừa kế của riêng bà. Mila dùng nó như món cúng dường cho lễ quán đảnh, ông ngồi vào hàng những người dự lễ, nhưng như lần trước, Thầy ông đã trách mắng và đánh đập ông một trận, và ông lại không được ban cho quán đảnh.
Lần này ông cảm thấy rằng không còn hoài nghi gì nữa: ông sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ giáo lý nào. Ông đi lang thang không định hướng. Một gia đình ở Lhodrak Khok thuê ông đọc quyển Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Ông đọc đến truyện của Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita), và câu chuyện này làm ông phải suy nghĩ. Ông nhận ra rằng để nhận được lợi lạc của Giáo Pháp, ông phải chấp nhận mọi gian khổ và làm hài lòng Thầy bằng cách làm bất cứ những gì Ngài ra lệnh.
Vì thế ông quay trở lại, nhưng một lần nữa Marpa chỉ đón chào ông bằng sự thóa mạ và những cú đánh. Mila tuyệt vọng đến nỗi vợ Ngài Marpa phải gửi ông tới Lạt ma Ngokpa, vị này ban cho ông một số giáo huấn. Nhưng vì Mila không được Thầy cho phép nên khi ông thiền định thì chẳng có điều gì xảy ra. Marpa ra lệnh ông đi về cùng với Lạt ma Ngokpa.
Một ngày nọ, trong một tiệc cúng dường, Marpa khiển trách Lạt ma Ngokpa và những đệ tử khác thậm tệ và sắp sửa đánh họ.
Mila tự nghĩ: “Với ác nghiệp của ta, không chỉ mình ta đau khổ vì những lỗi lầm trầm trọng và những che chướng sâu dày, mà giờ đây ta còn gây những khó khăn cho Lạt ma Ngokpa và phối ngẫu của Đạo sư. Bởi ta chỉ đang chồng chất càng lúc càng nhiều ác hạnh mà chẳng được nhận bất kỳ giáo lý nào, cách tốt nhất là ta nên chết đi cho rảnh.”
Mila chuẩn bị tự tử. Khi Lạt ma Ngokpa đang cố ngăn cản ông thì Ngài Marpa dịu xuống và gọi cả hai tới. Ngài chấp nhận Mila làm đệ tử, ban cho ông nhiều lời chỉ dạy quý báu và đặt danh hiệu cho ông là Mila Dorje Gyaltsen, “Mila Kim Cương Ngọn Cờ Chiến Thắng.” Khi Ngài ban quán đảnh Samvara cho ông, Ngài cho thị hiện một mạn đà la với sáu mươi hai Bổn Tôn xuất hiện thật rõ ràng. Rồi Mila nhận danh hiệu bí mật là Shepa Dorje, “Kim Cương Hỷ,” và Ngài Marpa ban mọi quán đảnh và giáo huấn cho ông giống như rót từ bình này sang chiếc bình khác. Sau đó, Mila thực hành trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, và đạt được mọi thành tựu thông thường và siêu việt.105
Giống như thế, đó chính là cách mà tất cả những học giả, thành tựu giả và Trì minh vương (vidyadhara) trong quá khứ của Ấn Độ lẫn Tây Tạng đã đi theo một vị Thầy tâm linh đích thực, và bằng cách làm bất cứ những gì vị Thầy dạy bảo, các Ngài đã đạt được sự chứng ngộ bất khả phân với chứng ngộ của vị Thầy.
Trái lại, là một lỗi lầm hết sức trầm trọng nếu không theo chân vị Thầy với một tâm thức hoàn toàn chân thật, không chút giả dối. Đừng bao giờ cho rằng bất kỳ hành động nào của Ngài là hành động tiêu cực. Chớ bao giờ nói dối Ngài dù chỉ một điều nhỏ bé nhất.
Một lần kia, có đệ tử của một đại thành tựu giả đang giảng Pháp cho một nhóm đệ tử. Khi ấy, Vị Thầy của ông ta đi tới, ăn mặc như một người ăn mày. Người đệ tử quá bối rối nếu phải quỳ lạy Ngài trước đám đông nên giả vờ như không thấy Ngài. Chiều hôm đó, khi đám đông đã giải tán, ông đi gặp Thầy mình và đảnh lễ.
“Tại sao trước đây ngươi không đảnh lễ?” vị Thầy hỏi.
“Con không thấy Ngài,” ông ta nói dối.
Lập tức, hai mắt ông rơi xuống đất. Ông cầu xin được tha thứ và nói ra sự thật, và với sự ban phước, vị Thầy đã phục hồi lại đôi mắt cho ông.
Có một câu chuyện tương tự như vậy về đại thành tựu giả Ấn Độ Krsnacarya. Một ngày kia, khi đang đi tàu biển với nhiều đệ tử, tâm ông khởi niệm: “Thầy của ta thực sự là một thành tựu giả, nhưng theo quan điểm thế gian thì ta xuất sắc hơn Ngài vì ta giàu có và có nhiều thị giả hơn.”
Ngay lập tức chiếc tàu chìm xuống biển. Ngụp lặn vô vọng trong nước, ông khẩn nguyện Thầy mình, Ngài xuất hiện trong thân người phàm và cứu ông khỏi chết chìm.
“Đó là phần thưởng cho sự kiêu ngạo vĩ đại của ngươi,” vị Thầy nói. “Nếu ta ráng tích lũy của cải và thị giả thì ta cũng sẽ có được những thứ đó. Nhưng ta đã quyết định không làm như vậy.”
Vô lượng chư Phật không thể nghĩ bàn đã thị hiện, nhưng lòng đại bi của các Ngài không đủ để cứu chúng ta: chúng ta vẫn còn ở trong đại dương đau khổ của luân hồi sinh tử. Vô số không thể nghĩ bàn những bậc Thầy vĩ đại đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng chúng ta không đủ may mắn để được thọ hưởng sự chăm sóc đầy bi mẫn của các Ngài, hay ngay cả được gặp mặt các Ngài. Ngày nay, giáo lý của Đức Phật sắp kết thúc. Năm tình trạng suy đồi càng ngày càng hiển nhiên, và mặc dù có một đời người hiếm quý, chúng ta vẫn hoàn toàn nằm trong móng vuốt của những ác hạnh của mình, và mê lầm không biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh. Khi chúng ta lang thang như một kẻ mù lòa lẻ loi trong cánh đồng hoang thì những thiện tri thức của ta, những vị Thầy siêu việt nghĩ tưởng tới chúng ta với lòng bi mẫn vô biên, và tùy theo căn cơ (nhu cầu) của mỗi người trong chúng ta mà các Ngài xuất hiện trong thân tướng con người. Mặc dù trong sự chứng ngộ thì các Ngài là những vị Phật, nhưng trong hành động thì các Ngài lại hòa hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Bằng những phương tiện thiện xảo, các Ngài nhận chúng ta làm đệ tử, giới thiệu cho ta Giáo Pháp đích thực tối thượng, khai thị cho ta về những gì nên làm và không nên làm, và chỉ bày chính xác con đường tối hảo dẫn tới giải thoát và giác ngộ. Quả thật, các Ngài không khác biệt với chính Đức Phật; nhưng khi so sánh với Đức Phật thì thiện tâm của các Ngài trong việc quan tâm tới chúng ta thậm chí còn vĩ đại hơn. Vì thế, hãy luôn cố gắng đi theo vị Thầy của bạn một cách đúng đắn, với ba loại niềm tin.
Con đã được gặp một vị Thầy cao cả,
nhưng lại để mình sa sút bởi cách hành xử tiêu cực của con.
Con đã tìm được con đường tốt nhất,
nhưng lại lang thang khắp nẻo chông gai.
Xin từ bi gia hộ cho con và tất cả những ai có tính khí xấu xa như con
Khiến tâm chúng con có thể được thuần hóa nhờ Giáo Pháp.
Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)
Một trong những Hóa Thân của Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Ngài đã tu học với một trăm hai mươi vị Thầy và trải toàn bộ hai mươi năm trong thiền thất. Ngài thường ban các Giáo lý, kể cả Giáo pháp Đại Viên Mãn, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV. Nhiều hậu thế các Lạt ma Tây Tạng coi Ngài như vị Thầy gốc của họ. Ngài cũng giảng dạy rộng rãi ở Âu Châu và Bắc Mỹ.
Chú Thích
Những chữ viết tắt:
DKR Dilgo Khyentse Rinpoche
ZR Zenkar Rinpoche
PWR Pema Wangyal Rinpoche
NT Những Chú thích về Những Lời Vàng của Vị Thầy của tôi
HIST Trường phái Nyingma Phật Giáo Tây Tạng:
Những Nguyên tắc Căn bản và Lịch Sử của Dudjom Rinpoche
DICT Đại Tự điển Tây Tạng – Trung Quốc
AT Cách phiên dịch khác
NỘI DUNG CHÚ THÍCH TẬP I
- Với những người sơ cơ, điều này có nghĩa là tránh một thái độ duy vật hay tham vọng khi thực hành. Trong thực tế, chỉ những hành giả chứng ngộ mới có thể thực hành hoàn toàn thoát khỏi những khái niệm, mà khi thực hành của họ thuần thục, sự giải thoát khỏi bám chấp sẽ tăng dần lên.
- Năng lực tích cực của sự thực hành cũng có thể bị chuyển từ sự giác ngộ vào những sự vật khác. NT đề cập tới bốn hoàn cảnh phá hủy những cội nguồn công đức của ta. (dge rtsa): 1) Không hồi hướng hành vi nhắm tới sự thành tựu Phật Quả viên mãn vì lợi ích của người khác. 2) Sân hận: người ta nói rằng một chốc lát sân hận có thể hủy hoại những hành vi tích cực trong nhiều kiếp. 3) Hối tiếc: hối tiếc những hành vi lợi ích mà ta đã làm, dù chỉ một phần nào. 4) Khoe khoang những hành vi tích cực đã làm cho người khác.
- NT giải thích rằng cũng như khi một giọt nước trở thành một phần của đại dương, nó sẽ tiếp tục hiện hữu chừng nào đại dương còn hiện hữu, khi công đức của các hành vi của ta hoàn toàn được hồi hướng cho “quả, đại dương của sự Toàn Giác,” nó sẽ không bị mất đi cho tới khi ta thành tựu Phật Quả viên mãn.
- “Đối tượng của cái thấy (lta yul) của các Kinh điển (sutra) va Mật Điển (Tantra) đều như nhau, tức là Pháp giới tuyệt đối (chos kyi dbyinsg, Phạn: dharmadhatu – Pháp Giới). Nhưng đối với bản thân cái thấy, một sự phân biệt có thể được thiết lập như khi người ta nói nhìn thấy một hình tướng ‘rõ ràng’ hay thấy ‘lờ mờ.’ Thừa của Những Tính chất (các sutra) thiết lập sự hỗ trợ, sự tinh túy, chân lý tuyệt đối, tánh Không vĩ đại vượt lên tám thái cực thuộc về khái niệm (spros mtha’), nhưng nó không thể nhận ra rằng bản tánh của nó là sự hợp nhất bất khả phân của Pháp giới và trí tuệ nguyên sơ (dbying ye zung ‘jug). Đối với cái được hỗ trợ, là các hiện tượng của thực tại tương đối, Thừa của Những Tính chất thiết lập chúng như cái gì tương thuộc (duyên sinh) và giống như một tuồng huyễn hóa. Nhưng nó không đi xa hơn sự phô bày huyền diệu bất tịnh này, để thiết lập các thân (kaya) và các trí tuệ. Trái lại, Mật Chú Thừa thiết lập một Pháp Thân (dharmakaya) vĩ đại cao cả hơn, mạng lưới của các kaya và các trí tuệ thì luôn luôn không thể phân cách, là hai chân lý tuyệt đối.” NT
- “Trong Thừa của Những Tính chất không dạy rằng ta có thể đạt được Giác ngộ mà không cần từ bỏ năm đối tượng của tham dục (‘dod pai yon tan lnga). Nhưng ở đây (trong Thừa Kết Quả) ta xử sự với tâm một cách mau lẹ và dễ dàng, đưa nó vào những con đường ở đó ta không từ bỏ năm đối tượng này, và ta có thể đạt được cấp độ của sự Hợp Nhất, cấp độ của Đức Kim Cương Trì (Vajradhara), trong một đời và trong một thân duy nhất.”
- Những người có căn cơ nhạy bén là người: “đủ thông tuệ để có thể chứng ngộ cái thấy sâu xa của Kim Cương Mật Chú Thừa và là những người có đủ tín tâm không e sợ những hành vi mạnh mẽ và lớn lao.”
- Theo Mật Chú Thừa ta không tạo tác hay phát triển bất kỳ điều gì bằng cách đi theo con đường. Ta chỉ đơn giản làm hiển lộ điều đã sẵn có – đó là Phật tánh của riêng ta.
- Ta không nên coi các Ngài như chúng sinh bình thường (rags pa) mà là những hiện thể vi diệu (phraba) hoặc cực kỳ vi tế (shin tu phra ba).‛ DKR “Tất cả đều trong một tập hội, cho dù họ có nhận ra điều đó hay không, bị Phật tánh thâm nhập giống như những hạt mè bị dầu tràn ngập. Vì thế tất cả chúng sinh đều là những vị Phật, bản tánh thanh tịnh tuyệt đối của họ là bản tánh của Phật Quả, tinh túy nguyên sơ của họ là tinh tuý nguyên sơ của Phật Quả, và những phẩm tính hiện diện tự nhiên của họ là những phẩm tính của Phật Quả.. họ là những vị Phật thực sự, được quán tưởng như những Daka và Dakini thuộc gia đình (bộ) thích hợp. Nếu cả vị Thầy lẫn các quyến thuộc là những vị Phật, thì cõi Phật của các Ngài cũng thanh tịnh và phải được quán tưởng như cõi Akanistha hay cõi Tịnh độ khác.” NT
- gsal btab pa có nghĩa là quán tưởng, nhưng cũng có nghĩa làm cho lưu tâm, nhận biết một cách trong sáng trong tâm thức ta, làm tươi mới ký ức của ta. “Quán tưởng theo cách này không có nghĩa là tự nhủ rằng con lừa là con ngựa, hay một cục than là cục vàng; nó có nghĩa là nhận biết thật sinh động trong tâm ta những gì luôn luôn hiện hữu như thế từ lúc khởi đầu (từ vô thuỷ), đó là những hình tướng và hiện thể xuất hiện từ nền tảng nguyên sơ, nó là trạng thái Phật Quả.” NT
- “Trong kiếp này có một ngàn vị Phật xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta không gặp được những vị Phật đã xuất hiện – hay nếu như ta đã gặp các Ngài nhưng các Ngài không thành công trong việc đưa chúng ta đến giải thoát. Đối với chư Phật trong tương lai thì việc chúng ta gặp các Ngài vẫn còn quá sớm. Vì thế, nếu không có những vị Thầy tâm linh thì sẽ chẳng có một ai cứu giúp ta.” DKR
- Ba niềm tin đầu tiên được giải thích trong Phần Hai, Chương Một. Niềm tin thứ tư, niềm tin bất thối chuyển, thì đôi khi được thêm vào để biểu thị sự tột đỉnh của niềm tin, khi nó đã trở thành một bộ phận trọn vẹn của đời sống của ta.
- NT nói: “Dù ta có nhận lãnh Giáo Pháp hay không, nếu ta không quan tâm tới Pháp thì ta sẽ giống như một con ngựa được ban cho một cục xương, hay một con chó được cho một nắm cỏ.” don gnyner,
“sự quan tâm,” cũng có nghĩa là “sự nỗ lực,” tức là không chỉ quan tâm trong tâm thức mà còn tham gia tích cực.
- Những ví dụ này lấy ra từ những câu chuyện về các tiền kiếp của Đức Phật dùng để minh họa mức độ thệ nguyện của Ngài, và không nên coi đó như sự giới thiệu phái tu khổ hạnh cực đoan.
- Giác quan thứ sáu là tâm (ý) thức, vì những phản ứng tâm lý tương tự được tạo ra bởi những đối tượng là những gì chỉ xuất hiện trong tư tưởng, giống như những đối tượng được tri giác bởi năm giác quan vật lý.
- Điều này ám chỉ những người Tây Tạng bình thường, là những người có niềm tin thật đặc trưng nơi Giáo Pháp và việc tụng niệm thần chú nổi tiếng: Om mani padme hum, nhưng họ có thể không có chút hiểu biết cặn kẽ nào về giáo lý của Đức Phật. Ở đây, Gyalse Rinpoche đang sử dụng thuật ngữ theo một cách thức hơi xúc phạm để khích động thính giả của Ngài.
- grims kyis sgrim la lhod kyis glod. “Điều này có nghĩa là không có sự xao lãng, nhưng đồng thời hết sức thư thái.” DKR. Ngoài ra, trước tiên phải kiểm soát những niệm tưởng lộn xộn để đạt được sự an định (zhi gnas), sau đó ta thư lỏng tâm để phát triển sự nội quán sâu xa (lhag mthong).
- “Bởi cách giáo lý được biểu lộ hoàn toàn là những ngôn từ và vì thế những gì mà người ta nói – là những người nghĩ rằng mình là những thiền giả Nyingma vĩ đại – thì không cần thiết. Họ nghĩ rằng họ có thể nắm bắt ý nghĩa cốt tủy hiển nhiên mà không bận tâm về ngôn từ. Khi chỉ thẳng vào trái tim, chắc hẳn họ nói rằng sự giải thích này chỉ là những ngôn từ không có thực chất, và chỉ cần thấu hiểu bản chất của tâm.”
- Ý nghĩa chân thực (thực nghĩa) diễn tả chân lý từ quan điểm của những bậc giác ngộ. Ý nghĩa thích hợp ám chỉ các giáo lý có ý định dẫn dắt những người chưa giác ngộ hướng đến chân lý đó, là những người không thể chấp nhận hay thấu hiểu giáo lý nếu nó được nói một cách trực tiếp. Ý nghĩa gián tiếp ám chỉ những giáo lý được ban cho chúng sinh nhằm giới thiệu với họ một cách gián tiếp một ý nghĩa không được trực tiếp nói ra.
- “Đó là sự ngộ nhận về ý nghĩa, chẳng hạn như tưởng tượng rằng từ khi ta thọ nhận giáo lý của Mật Chú Thừa thì ta có thể hưởng thụ rượu và tình dục, và thực hiện những thực hành về sự hợp nhất và giải thoát. Để tránh lỗi lầm này, hành vi (công hạnh) của ta phải hợp thời (có nghĩa là phù hợp với mức độ của sự phát triển tâm linh mà chúng ta đã thực sự đạt được trong giây phút hiện tại).”
- AT “một sự hứng khởi tốt hay xấu vĩnh viễn.” Ở đây chúng ta theo giải thích của DKR.
- Điều này ám chỉ một thực hành tịnh hóa cho người chết trong đó người chết được tượng trưng bằng một tấm bìa ghi tên họ.
- Thành ngữ thod pa bor chog ma nghĩa đen là “tống khứ một cái sọ,” có nghĩa là loại bỏ thân xác ta, trong ý nghĩa giải thoát chính mình khỏi những tái sinh trong tương lai. DKR
- ‘du shes med pa. AT “không có tri giác, vô tri.” Chúng ta theo giải thích của DKR: “Chư Thiên vô tri đã tạo ra một sự trống không trong tâm thức họ và không nhận thức được điều gì, như trong trạng thái ngủ sâu không mộng.”
- klo kha khra ám chỉ vùng rộng lớn mà những cư dân bộ lạc cư trú nằm ở miền Nam của trung tâm và miền Đông Tây Tạng. Ngày nay nó bao gồm Arunachal Pradesh, Nagaland và những phần của Assam ở Đông-bắc Ấn Độ, cũng như những phần của Tây-bắc Miến Điện.
- Những người Tây Tạng quen gọi Bodh Gaya rdo rje ldan, Tòa Kim Cương, ám chỉ nơi Đức Phật an tọa khi Ngài đạt được Giác ngộ. Nó cũng được coi là trung tâm của thế giới.
- Xem chú thích 295.
- Những ngôi chùa này được xây dựng tại những điểm chính xác để khuất phục các thế lực tiêu cực ở Tây Tạng. Ở giữa quần thể này là Rasarulnang, tên ban đầu của Jokhang. Xem Phần II, Chương Sáu, mục IV và chú thích 294.
- Theo NT, Đức Liên Hoa Sanh muốn nói rằng Kim Cương Thừa chỉ được khám phá trong phạm vi rộng lớn trong ba thời kỳ này.
- Nghĩa đen: “những năm,” nhưng điều này không ám chỉ những đơn vị thời gian chính xác mà muốn nói tới những thời kỳ phát triển hay suy tàn bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân khác nhau chẳng hạn như sự xuất hiện của một thánh nhân hay, ngược lại, ảnh hưởng có hại của những tinh linh xấu ác. DKR
- Trong thời kỳ lập tức theo sau sự truyền bá giáo lý, những người thực hành Pháp hầu như đạt được kết quả tức thì.
31.Trong thời kỳ thành tựu thì có những người thực hành Giáo Pháp, nhưng ít người hơn, và kết quả thành tựu của họ tới chậm hơn.
- NT giải thích rằng những hoàn cảnh này có thể nảy sinh bất ngờ giữa một thời thực hành và thời khóa kế tiếp, hay trong một thời khóa, và hủy hoại một hay vài yếu tố trong mười tám tự do và thuận lợi, giống như một con sói đi vào bãi nhốt cừu và tha đi một hoặc hai con trong số mười tám con cừu.
- “Những điều này tách rời tâm thức ta với sự giải thoát và giác ngộ. Khi một trong những điều này xảy ra, nó làm khô héo chồi giác ngộ và cắt lìa ta khỏi gia đình giải thoát.” NT
- Một cái lọng nghi lễ được mang đi trước một Lạt ma cao cấp như một biểu tượng của sự tôn kính.
- “Đại dương tượng trưng cho đáy sâu và sự bao la của ba cõi tái sinh thấp và những nỗi khổ vô biên của chúng. Con rùa mù tượng trưng cho chúng sinh trong ba cõi này, họ không có đôi mắt để tuân theo những gì ích lợi và từ bỏ điều có hại. Việc con rùa mù chỉ nổi lên mặt biển một trăm năm một lần tượng trưng cho sự khó có thể thoát khỏi những trạng thái trên. Một cái lỗ trong cái ách tượng trưng cho sự hi hữu của việc được sinh làm người và trời. Gió xô dạt cái ách theo cách này và điều đó tượng trưng cho sự phụ thuộc vào những hoàn cảnh thuận lợi.”
- Chúng ta đã chọn ‘Surabhibhadra’ như một sự tái tạo có thể chấp nhận được từ Phạn ngữ của tiếng Tây Tạng bde spyod bzang po, danh hiệu của vị vua mà Ngài Long Thọ viết tặng bản văn này. Thực ra, mặc dù đa số những bài tường thuật đều đồng ý Ngài là bạn thân và là người bảo trợ của Ngài Long Thọ, nhân dạng của vị vua trong phạm vi lịch sử vẫn còn mù mờ. Có thể Ngài là dòng dõi Satavahana của các vị vua ở Andhra, và trong khi một số học giả đồng nhất Ngài với Gautamiputra Satakarni, người trị vì vào đầu thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên; những người khác gọi Ngài là Udayana hay Udayi, hoặc coi Ngài là các vua Yajnasri hay Vikramaditya.
- Điều này ám chỉ một thứ bia Tây Tạng được chuẩn bị bằng cách đổ nước nóng lên những loại hạt đã lên men. Theo cách này thì thùng chứa vật liệu này sẽ đầy ngập hạt.
- “Một nửa” ám chỉ triều đại của vua Mune Tsenpo, ông mất sau khi mới trị vì một năm chín tháng.
- Ông ta có thể kiểm soát tâm mình trong ý nghĩa của việc phát triển sự tập trung (thiền định) nhưng không có nghĩa là điều phục được các cảm xúc tiêu cực hay chứng ngộ bản tánh của tâm. Từ quan điểm của Pháp, thiền định mà không có định hướng đúng đắn thì vô ích.
- lam du ’khyer ba: nghĩa đen là đưa vào con đường. Điều này có nghĩa là sử dụng mọi tình huống trong đời sống hàng ngày như bộ phận của thực hành. Nếu Gelong Thangpa đưa những tư tưởng tiêu cực của ông vào con đường, ví dụ dùng lòng từ như pháp đối trị thái độ thù nghịch, hoặc bằng cách nhận ra bản tánh trống không của niệm tưởng ngay khi nó sinh khởi, thì điều ấy không dẫn tới bất kỳ tai hại nào.
- rkyen: các hoàn cảnh. Trợ nhân cho phép nguyên nhân sâu xa (rgyu) sinh ra kết quả của nó. Ví dụ, nếu người nào đó chết trong một tai nạn, thì bản thân tai nạn, hoàn cảnh của cái chết đó, là rkyen, và nguyên nhân sâu xa (rgyu) là hành động tiêu cực đã thực hiện trong quá khứ, và cái chết là nghiệp quả của nó.
- gyur dug: trong y khoa Tây Tạng, thành ngữ này ám chỉ các lương thực có bản chất tốt lành, nhưng nó trở nên độc hại hay khó tiêu khi được dùng chung với những thực phẩm nào đó.
- sha sgren có nghĩa là thịt quá ôi thiu nhưng không hẳn là bị thối rữa. Ở Tây Tạng, thực phẩm có thể được tích trữ trong thời gian dài nhờ điều kiện khí hậu hết sức đặc biệt.
- Nếu như trong giấc ngủ, người ta vẫn có thể chú tâm vào tịnh quang là sự hiển lộ tự nhiên của giác tánh nguyên sơ, thì mọi kinh nghiệm tâm linh của người ấy sẽ hòa trộn với giác tánh và sẽ không bị tri giác bằng một cách thế mê lầm.
- Một sự tái sinh bình thường và tự động sẽ không tiếp theo sau cái chết do những hành động trong quá khứ gây ra.
- Đây là ba loại tinh tấn đã được giải thích chi tiết ở Phần Hai, Chương Hai. PWR viết thêm: Khi bạn có sự tinh tấn như-áo giáp thì không gì có thể ngăn cản bạn bắt đầu. Khi bạn tinh tấn trong hành động, không gì có thể làm gián đoạn điều bạn đang làm. Khi bạn có sự tinh tấn không thể bị ngừng dứt, không gì có thể ngăn trở bạn đạt được mục đích.
- Thuật ngữ Tây Tạng là chos dred, nghĩa đen là “Con gấu Pháp”. DICT: “người không bị điều phục bởi Pháp. Anh ta hiểu Pháp nhưng không thực hành nó, tâm anh ta trở nên khô cứng..” Nếu tiếp cận Pháp với thái độ sai lạc, ta có thể có một sự nguỵ tín, nó khiến ta không nhạy cảm đối với vị Thầy và giáo lý.
- Theo truyền thống thì những thân tướng thuộc thiên giới này được xem là nơi an trú của những hiện thể thuộc các cõi trời nào đó mà người thường không thể thấy được.
- dkor za ba thường có nghĩa là sử dụng nguồn tài chính được hiến cúng bởi niềm tin, với ý nghĩa đặc biệt là sử dụng chúng không đúng đắn. Đôi khi nó ám chỉ việc những người đang ở một địa vị quyền thế lạm dụng của cải của chung như tài sản của một quốc gia.
- Ở đây ngữ (ngag) ám chỉ năng lực vi tế của ngữ. Nó là phương tiện để biểu lộ âm thanh của các thần chú và có thể có năng lực chữa lành, làm an bình (tức tai), hàng phục… khi được thực hiện bởi một người có sự tu tập tâm linh nào đó hoặc một loại nghiệp đặc biệt.
- Pháp sư ném mạnh những vật tượng trưng khác nhau vào họ, chẳng hạn như những torma, hạt mù tạt, hay bột, là những thứ mà các ngạ quỷ nhận thức là các vũ khí tiêu diệt thân thể họ.
- Các naga là một loại chúng sinh sống dưới mặt đất và có năng lực phi thường. Mặc dù giống như những tinh linh, chúng vẫn được xếp loại cùng các súc sinh vì thân chúng giống như rắn. Xin xem Thuật ngữ: “garuda”
- Thành ngữ ‘du byed kyi sdug sngal mà chúng tôi đã dịch là “nỗi khổ của mọi sự phức hợp” được giải thích như sau: rgyu rkyen ‘du byed nas sdug sngal ‘byung, “khi nguyên nhân và những hoàn cảnh cùng tụ hội thì sự đau khổ xuất hiện.” Nó được coi là nguồn gốc của hai loại đau khổ căn bản khác và được mô tả là khyab pa, có mặt khắp nơi hay toàn khắp, trong vòng sinh tử luân hồi.
- Những kiểu sinh ra chính yếu khác xảy ra một cách khác biệt trong sáu cõi là sinh ra từ trứng (noãn sanh), sinh ra từ hơi nóng và sự ẩm ướt (thấp sanh), và sự sanh ra kỳ diệu (hóa sanh).
- Đây là những cách dịch gần đúng những thuật ngữ kỹ thuật được dùng trong y khoa Tây Tạng đối với những giai đoạn trong năm tuần đầu của sự phát triển bào thai thời kỳ trứng nước.
- las kyi rlung: sức mạnh của những hành vi trước đây, chúng thúc đẩy toàn bộ tiến trình của luân hồi.
- Một tấm kim loại có đục một lỗ qua đó kim loại được kéo thành dây.
- Ở Tây Tạng, bơ được xoa trên đỉnh đầu trẻ sơ sinh để làm cái thóp mau đóng lại. Mặc dù việc này được coi như có lợi cho sức khỏe của nó, nhưng trẻ sơ sinh nhạy cảm tới nỗi những năng lực vi tế của thân nó bị kích động.
- Giống như trong những nền văn hóa đông phương khác, đối với người Tây Tạng thì việc bước qua đầu (hay thân) một người nào là điều hết sức sỉ nhục và là một nguồn nhiễm ô. Đối với những hành giả Kim Cương thừa thì đó là sự thiếu tôn kính mạn đà la của thân, là cái gì thiêng liêng. Tuy nhiên, với một yogi đã chứng ngộ sự thanh tịnh tối hậu của mọi hiện tượng trong lẽ tuyệt đối thì tất cả những loại kinh nghiệm có cùng mùi vị của tánh Không.
- las kyi sa ba, một nơi mà sức mạnh của nghiệp mãnh liệt hơn và những hậu quả của nó được cảm nhận mạnh mẽ hơn, và trong một vài trường hợp, sẽ xảy ra sớm hơn. Trong bốn châu lục trong thế giới thuộc vũ trụ học truyền thống, thì đặc biệt là trong châu Nam Thiện Bộ Chu, Diêm Phù Đề (Jambudvipa), các hành vi sinh ra những hậu quả mạnh mẽ, và trong đó những kinh nghiệm cá nhân có thể thay đổi nhiều hơn. Cư dân của những châu lục khác thường kinh nghiệm kết quả của những hành vi trong quá khứ hơn là tạo ra những nguyên nhân mới. Những kinh nghiệm và thọ mạng của họ thì cố định hơn.
- Nếu chúng ta không bị những thuận cảnh đánh lừa, mà nhận ra rằng chúng chỉ có tính xác thực theo mức độ ta chấp nhận chúng, những hoàn cảnh này có thể trở thành một trợ lực giúp cho việc thiền định của ta tiến bộ thay vì tạo nên những tham luyến sẽ gây chướng ngại cho ta.
- Chính nhờ quan sát những vị Thầy cả tốt lẫn xấu mà ta có thể nhận chân được những vị Thầy tốt. Việc quan sát những hành giả tốt và xấu giúp ta học được cách thức tự mình hành xử.
- Cũng như cách các hiện tượng bên ngoài xuất hiện và biến mất vào không gian, những hiện tượng của tâm khởi lên từ bản tánh tâm (sems nyid ) và tan hòa lại trong nó. Chúng không có thực tại độc lập.
- Cõi Thiên được mô tả một phần bởi các đặc tính là không có sự giận dữ và thù ghét. Vì thế ở đây, để có thể chiến đấu, chư Thiên trong cõi Trời Ba Mươi Ba đi đến một khu rừng huyền bí, ở đó họ trở nên hung hăng, thích gây hấn.
- Cõi sắc và vô sắc. Xem thuật ngữ: “tam giới.”
- Nghĩa đen: “năm cõi:” một cách phân loại khác của sáu cõi với chư thiên và a tu la nhập làm một.
- las su ‘char ba. Chúng tôi nhận được nhiều giải thích khác nhau của thành ngữ này. Chúng tôi đã dịch nó theo cách giải thích của Ngài DKR là tương đương với las su rung ba, thích hợp hay có thể thực hiện được.
- Giống như một tháp canh giữ một vai trò hết sức trọng yếu trong một trận chiến để quan sát kẻ địch và dành chiến thắng, samaya (xem Thuật ngữ) là điều cốt yếu trong Mật Chú Thừa để tránh các chướng ngại và đạt được Phật Quả.
- Đi theo sự tiến bộ của các Thừa (Phạn: yana) có nghĩa là bên ngoài ta theo giới luật của Tiểu Thừa trong khi bên trong thực hành Đại Thừa, và một cách bí mật, ta thực hành Kim Cương Thừa. Ở đây Ngài Patrul Rinpoche ngụ ý rằng Thầy của Ngài dù tâm đã hoàn toàn vượt khỏi luân hồi, nhưng vẫn là một gương mẫu hoàn hảo cho đệ tử về cách đi theo con đường tiến bộ.
- Hai hành động khác với quả báo lập tức là tội gây chia rẽ trong Tăng Đoàn, và làm thân Phật chảy máu.
- Trong hầu hết xã hội Tây Tạng lúc đó, việc dùng thịt trong mỗi bữa ăn được coi là dấu hiệu của sự giàu có và vì vậy thuộc địa vị cao. Người khách đang khoe khoang để người khác có cảm tưởng rằng ở nhà cô, ngoài món thịt ra cô không quen ăn bất kỳ món gì khác.
- Ở đây Ngài Patrul Rinpoche phân biệt giữa hiện tượng tâm lý không liên quan đến trí tuệ và tính siêu việt chân thực của không gian và thời gian của những bậc giác ngộ, là những người đã đạt được ba cấp độ Bồ Tát cao nhất. Cái trước được mô tả là bị zag bcas, “nhiễm ô” (bởi những khái niệm), và cái sau là zag med, “vô nhiễm.”
- “Nghi lễ của những người Bà la môn” ám chỉ những nghi lễ thực hiện không vì động cơ đạt được giác ngộ cho tất cả chúng sinh. Mặc dù là những nghi lễ tôn giáo, chúng không được coi là dẫn đến giải thoát rốt ráo.
- dkor nag po: Bởi tính chất hết sức linh thiêng của Phật, Pháp, Tăng nên việc lạm dụng các vật cúng dường gây nên cho họ nghiệp quả hết sức nặng nề. Ở đây đặc biệt nói đến những sự cúng dường của tín đồ trong các nghi lễ được thực hiện cho người chết, người bệnh, v.v..
- thar pa dang grol ba: chúng tôi đã dịch hai thuật ngữ ở đây là sự giải thoát và tự do, gần như đồng nghĩa trong Anh Ngữ. PWR giải thích sự khác nhau trong văn cảnh này là: sự giải thoát (thar pa) là thoát khỏi sinh tử luân hồi, đặc biệt là những cõi thấp, trong khi sự tự do (grol ba) là thoát khỏi mọi chướng ngại cho sự toàn giác, hay giác ngộ. Trong những văn cảnh khác, thar pa có thể bao hàm cả hai nghĩa này, như trong Chương Sáu.
- Quan điểm này được coi là không đúng, không phải vì nó phủ nhận một tác nhân, mà bởi nó phủ nhận tiến trình nhân quả.
- Điều này không có nghĩa là ta không nên tra vấn hay phân tích giáo lý. Thực ra Đức Phật khuyến khích những tra vấn như vậy. Dù thế nào đi nữa, việc để cho quan điểm của ta khép chặt lại đối với Phật Pháp, là cái gì thường không chấp nhận những ý niệm tầm thường, có thể thực sự ngăn trở ta không tuân thủ con đường dẫn đến giải thoát.
- Bởi những bậc dẫn dắt tâm linh xuất hiện tùy theo những hành vi trong quá khứ của chúng sinh nên vị Thầy và đệ tử được nối kết không thể chia cách. Do đó, nếu đệ tử cư xử không phù hợp thì những hậu quả sẽ phản nghịch lại vị Thầy (trong lãnh vực tương đối), làm suy giảm thời gian hóa thân của ngài và gây chướng ngại cho những hoạt động làm lợi ích cho người khác của vị Thầy.
- Tà kiến sẽ làm cho quan điểm của ta trở nên chật hẹp. Ngay cả kết quả của những hành động tích cực của ta cũng sẽ bị giới hạn bởi ta thực hiện chúng mà không có động cơ thành tựu giác ngộ viên mãn vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Ngoài ra, nếu không tin vào những bậc truyền dạy Giáo Pháp, ta sẽ không có sự hỗ trợ cho việc sám hối đã được mô tả trong Phần Hai, Chương Ba.
- Điều này ám chỉ lúc nghiệp lực được tạo nên bởi một hành động sinh ra kết quả tối đa của nó, nó có thể được thúc đẩy nhanh hơn hay làm chậm lại do kết quả của những hành động khác.
- Một bản dịch hơi khác biệt của trích dẫn này được đưa ra trong ấn bản của Zenkar Rinpoche của bản văn Tây Tạng: “Muốn biết nơi bạn sinh ra trước kia, hãy nhìn xem bây giờ bạn là gì. Muốn biết nơi bạn sắp tái sinh, hãy nhìn xem hiện bạn đang làm gì.”
- Bố thí bất tịnh là cho với thái độ quy-ngã, trong kiểu cách bủn xỉn hay miễn cưỡng, hoặc cho rồi sau đó lại hối tiếc. Kết quả của việc bố thí theo cách này là ta sẽ được giàu có nhưng sẽ không hưởng được lợi ích từ nó.
- Những phẩm tính của một vị Phật: ba mươi hai tướng chính, tám mươi tướng phụ, mười năng lực v.v..
- seng ldeng là một loại cây thân mộc, tức cây cao su Acacia catechu, được tìm thấy khắp miền Bắc Ấn Độ, Nepal và những thung lũng ở Tây Tạng.
- Xem chú thích 36.
- Chúng tôi không thể giảng nghĩa rõ ràng nhóm từ này. srog có nghĩa là sinh lực, nó hỗ trợ cho hơi ấm (nhiệt) và ý thức hoặc hơi thở. Dường như Surabhibhadra (xem chú thích 36) là vị bảo trợ của Nagarjuna, người cung cấp thuốc trường sinh cho Surabhibhadra. Nếu đúng như thế thì có lẽ người con muốn giết cha nên đã quyết định giết Nagarjuna để ngăn trở việc Ngài đưa thuốc trường sinh cho cha mình.
- Theo truyền thuyết, đầu và thân Ngài Nagarjuna có hình dạng hai tảng đá lớn bị tách rời (tại Nagarjunakonda miền Nam Ấn Độ) mà trải qua nhiều thế kỷ dần dần xích lại gần nhau hơn. Khi chúng hợp nhất, Ngài Nagarjuna sẽ hồi sinh.
- Thêm vào những hành vi tiêu cực nói chung, có những hành động mà Đức Phật ngăn cấm những người đã thọ những giới đặc biệt. Ở đây, vị tu sĩ đang vi phạm một giới luật ngăn cấm tu sĩ đã thọ cụ túc giới chặt phá cây cối.
- Đế tròn trên đó những nhúm gạo, v.. được đặt lên trong pháp cúng dường mạn đà la. Cúng dường mạn đà la là một phần của tiến trình tịnh hóa. Việc cúng dường mạn đà la đã được giải thích chi tiết trong Phần Hai, Chương Bốn.
- Việc dùng ngôn ngữ của Giáo Pháp về những quan kiến tối thượng để xem thường luật nhân quả có nghĩa là dùng giáo lý của chân lý tuyệt đối như một cái cớ để làm bất kỳ điều gì mình mong muốn, nói rằng không có khác biệt giữa thiện và ác, luân hồi và Niết Bàn, chư Phật và chúng sinh bình thường, v.v..
- Điều này có nghĩa là bất kỳ ai được nối kết với một người theo bất cứ cách nào, tích cực, tiêu cực, hay hoàn toàn ngẫu nhiên. Ngay cả một quan hệ tối thiểu với một Bồ Tát, qua việc thấy, nghe, xúc chạm, v.v.. cũng có thể đem lại lợi ích to lớn và dẫn đến giải thoát.
- Xem Dẫn nhập về một mô tả tóm tắt của thực hành chính. “Mặc dù mọi thực hành của phần chính của con đường không được mô tả chính thức trong quyển sách này, nhưng chúng hiện diện ở đó trong cốt tuỷ. Quyển sách đầy đủ bởi nó chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của con đường.”
- Trong chương này, Ngài Patrul Rinpoche đưa ra một bài kệ tóm tắt về từng vấn đề mà không trích dẫn từ bất kỳ nguồn gốc đặc biệt nào. Những bài kệ này là để giúp người đọc hay người nghe nhớ lại chúng. Sự khẩu truyền trực tiếp luôn luôn có một vị trí quan trọng trong Đạo Phật, và người Tây Tạng ghi nhớ một cách đều đặn toàn bộ những pho kinh điển vào ký ức. Sự tu tập này có thể giúp họ ghi nhớ từng chi tiết những giáo lý khẩu truyền. Chẳng hạn, hệ thống cấu trúc của bản văn này phần nào làm cho các hành giả có được những giáo huấn thường xuyên sẵn sàng để dùng trong tâm thức họ.
- Họ hành động trái với thông lệ, bất chấp những phép tắc cư xử theo tục lệ, như thể hành vi của họ được đặt nền trên trí tuệ vô niệm chân thực. Thật ra, họ chỉ đang tự lừa gạt chính mình.
- NT chỉ rõ rằng để thấy vị Thầy tâm linh của ta như một vị Phật, ta cần cảm thấy: 1) Ngài là một vị Phật trong thân người trong cả hai ý nghĩa tương đối và tuyệt đối, 2) mọi hoạt động của Ngài dù thuộc tâm linh hay thế gian đều là những hoạt động của một vị Phật, 3) lòng tốt của Ngài đối với ta thì vượt trội lòng tốt của chư Phật, 4) Ngài hiện thân là bậc vĩ đại nhất trong mọi đối tượng nương tựa (quy y), và 5) nếu hiểu được điều này, ta cầu nguyện Ngài mà không dựa vào bất kỳ sự trợ giúp nào khác trên con đường, ta sẽ phát triển được trí tuệ của sự chứng ngộ.
- srid pa: nghĩa gốc của nó là “sự có thể,” bất cứ những gì có thể chuyển hóa thành điều gì khác. Vì thế nó tượng trưng tất cả những khái niệm mà chúng ta phóng chiếu vào thực tại và là cái gì trở thành thế giới huyễn hóa mà chúng ta tri giác. Vì thế nó có thể được dịch là: sự trở thành, sự hiện hữu, sinh tử luân hồi, thế giới.
- Ngựa hoàn hảo (ngựa báu) là một trong những vật sở hữu của Chuyển Luân Thánh Vương. Nó biết được những ước muốn của Ngài trước khi Ngài biểu lộ. Ở đây người đệ tử lý tưởng nhận biết được ý định của vị Thầy và do đó hành động thích hợp.
- “Học hỏi những tư tưởng và hành động của vị Thầy có nghĩa là đạt được mọi phẩm tính của thân, ngữ và tâm của Thầy mình.’ DKR. “Nếu trước tiên ta không đạt được sự chứng ngộ của vị Thầy, việc ganh đua với hành động của vị Thầy là đạo đức giả.’ NT
- nor rdzas: nghĩa đen: “của cải vật chất.” Chúng ta thường dịch thuật ngữ này là “tiền bạc,” mặc dù nó cũng có thể có nghĩa là bất kỳ những gì quý báu và giá trị, không phải một vài hình thức tiền bạc đặc biệt.
- Một trong ba đại học tu viện lớn của Phật Giáo Ấn Độ, hai đại học kia là Nalanda và Odantapuri. Nhiệm vụ “học giả-giữ cổng” của các “cổng,” hay các bộ phận tại mỗi phương chính được giao cho các học giả có khả năng nhất để bảo vệ quan điểm triết học Phật Giáo chống lại những thách thức tranh luận của những tư tưởng gia phi-Phật Giáo. Việc tranh luận mãnh liệt và được đề ra giữa những người đề xướng của những học phái tư tưởng khác nhau là đặc tính của thời kỳ văn minh cao cấp này ở miền Bắc Ấn Độ.
- gyang rim gsum: ba lớp tường đất sét,‛ khoảng ba mét. Trong nhiều vùng của Tây Tạng, tường nhà được xây bằng đất sét (gyang) được kết chặt khi còn ẩm giữa những khuôn gỗ song song được đặt dọc theo tường và để cho khô. Cái khuôn này sau đó được di chuyển lên trên để giữ những lớp (rim) đất sét kế tiếp. Các bảng gỗ được sử dụng như những cái khuôn thường rộng khoảng một mét. Thuật ngữ gyang hoặc gyang rim thường được sử dụng như một cách đo phỏng chừng chiều sâu của tuyết.
- Có thể giải thích về ba câu này như sau: “Gốc của nó là sự chinh phục lúc khởi đầu,” có nghĩa là Phật tánh là bản tánh nguyên thủy của chúng ta không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nguyên nhân hay hoàn cảnh nào. “Ngọn của nó là sự chinh phục của thành tựu” có nghĩa là ta có thể đạt được kết quả tối thượng. ‘Quả của nó là sự chinh phục của pháp du già” có nghĩa là không có phương pháp du già (yoga) nào có thể đem lại một kết quả tốt đẹp hơn.
- Truyền thống dựa trên những giáo lý ban đầu được đưa từ Ấn Độ vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ 8 được gọi là Truyền Thống Cũ hay Nyingmapa. Truyền thống được đặt nền trên làn sóng giáo lý mới được mở đầu từ thế kỉ 11 trở về sau gọi là Truyền Thống Mới, hay Sarma. Vị Thầy đầu tiên của Milarepa, Ngài Rongton Lhaga, thuộc về phái Nyingma, trong lúc Marpa là một dịch giả và hành giả thành tựu của giáo lý Truyền Thống Mới.
- Jetsun Mila muốn cúng dường bình đầy lúa mạch. Cúng dường một bình rỗng được coi là điều chẳng lành.
- Những thử thách mà Milarepa đã trải qua trước khi nhận giáo lý từ Marpa cũng là một cách tịnh hóa nghiệp quá khứ, tích tập công đức và chuẩn bị có tính chất tâm lý. Chúng cũng có một mối liên hệ với tương lai của dòng truyền thừa của Ngài, mỗi chi tiết có một ý nghĩa biểu tượng mà theo nguyên lý tương thuộc (duyên sinh) (rten ‘bral) sẽ ảnh hưởng tới tương lai của chính Milarepa và những đệ tử của Ngài.
THUẬT NGỮ
A La Hán – dgra bcom pa. Trở thành một A La Hán là mục đích cuối cùng của Thanh Văn Thừa. Nó là một loại Niết Bàn, vượt lên sự tái sinh, nhưng không đạt được Phật Quả. Nghĩa đen của từ Tây Tạng muốn nói tới bậc đã chế ngự được những kẻ thù, tức là những cảm xúc tiêu cực.
Abhidharma – mngon pa, Luận Tạng, một trong Tam Tạng. Nền tảng của khoa tâm lý và luận lý học Phật Giáo. Nó mô tả vũ trụ, những loại chúng sinh dị biệt, những bước trên con đường đi tới giác ngộ, sự bác bỏ những niềm tin sai lầm, v.v..
Acarya – slod dpon, 1) vị Thầy. 2) tương đương với Đạo sư tâm linh hay Lạt ma. Xem Đạo sư Kim Cương.
Acarya Padma – slod dpon padma, Đạo sư Padma, xem Padmasambhava.
Adhicitta – sems lhag can, hóa thân trước của Garab Dorje trong các cõi trời.
Akanistha – ‘og min, nghĩa đen “tối thượng.” Cõi trời hay cõi Phật tối cao. Có sáu nơi khác nhau mang tên này, từ cõi trời thứ tám của các vị thiên của Sự Thiền Định thứ Tư lên tới Cõi Akanistha tuyệt đối, một cõi Phật siêu vượt mọi sự nghĩ bàn.
Aksobhya – mi bskyod pa, Đức Phật Bất Động, Đức Phật thuộc Kim Cương Bộ. Xem Năm Bộ.
Ambrosia – bdud rtsi, Phạn. amrita, nghĩa đen: sự bất tử. Chất cam lồ (rtsi) chiến thắng quỷ ma (bdud) của sự chết. Nó là một biểu tượng của trí tuệ.
Amitabha – ‘od dpag med, nghĩa đen: vô số ánh sáng. Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà) thuộc Liên Hoa Bộ. Xem Năm Bộ.
Amitayus – tshe dpag med, nghĩa đen: vô lượng cuộc đời. Đức Phật của sự trường thọ (Vô Lượng Thọ).
Amoghasiddhi – don yod grub pa, nghĩa đen: đấng thành tựu điều có ý nghĩa. Đức Phật Bất Không Thành Tựu thuộc Nghiệp Bộ. Xem Năm Bộ.
Ananda – kun dga’ bo, một người em họ của Đức Phật, sau trở thành thị giả của Ngài. Ananda có công trong việc giữ gìn Giáo lý sau khi Đức Phật tịch diệt, bởi ông có thể nhớ lại mọi sự ông đã được nghe Đức Phật giảng dạy.
Anandagarbha – bde mchog snying po, danh hiệu khác của Adhicitta.
An định (chỉ) – zhi gnas, Phạn: samatha, căn bản của mọi thiền định. “Sự sao lãng tâm thức bởi những đối tượng khác được làm an định (zhi), tâm an trụ (gnas) không xao động trong thiền định.” DICT
Angulimala – sor mo threng ba, một trong những đệ tử của Đức Phật, mặc dù đã từng giết hại chín trăm chín mươi chín người, nhưng nhờ tịnh hóa các hành vi bất thiện của mình, Ngài đã đạt cấp độ A La Hán. Danh hiệu của Ngài có nghĩa là “Tràng hoa các Ngón tay.”
Anuyoga – cái thứ hai trong ba yoga nội và thứ tám trong chín thừa, theo cách phân loại của phái Nyingmapa. Trong yoga này điểm nhấn chính được đặt trên giai đoạn toàn thiện (thành tựu), đặc biệt là sự thiền định về các kinh mạch và năng lực.
Arura và kyurura – Terminalia chebula và Emblica officinalis, các cây thuốc. Arura là biểu tượng của Đức Phật Dược Sư.
Thánh Thiên (Aryadeva) – ‘phags pa lha (thế kỷ thứ 2), đệ tử nổi tiếng nhất của Nagarjuna. Ngài đã bình giảng giáo lý của
vị Thầy trong vài luận thuyết về triết học Madhyamika. Xem Trung Đạo.
Vô Trước (Asanga) – thogs med (thế kỷ thứ 4), một trong Sáu Vật Trang sức, vị sáng lập phái Du già tông (Yogachara) và tác giả của nhiều sastra quan trọng, đặc biệt là năm giáo lý mà Ngài nhận từ Đức Di Lặc (Maitreya).
Atisa – (982-1054), cũng được gọi là Dipamkara hay Jowo Atisa (jo bo a ti sha). Đạo sư và học giả Ấn Độ vĩ đại này, một trong những vị Thầy chính ở tu viện nổi tiếng Vikramasila, là một môn đồ trì giữ nghiêm cẩn giới luật tu viện. Ngài thọ nhận các giáo lý Bồ Đề tâm từ nhiều bậc Đạo sư quan trọng, và đặc biệt là từ Pháp Vương Suvarnadvipa (Dharmakirti), và học tập dưới chân vị Thầy này ở Indonesia. Ngài trải qua mười năm ở Tây Tạng, giảng dạy và tham gia phiên dịch các bản văn Phật Giáo. Các đệ tử của Ngài lập nên phái Kadampa.
Atiyoga – yoga cao nhất trong ba yoga nội, tột đỉnh của Chín Thừa theo cách phân loại của phái Nyingmapa. Xem Đại Viên Mãn.
Đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara)– spyan ras gzigs (Chenrezi), một trong Tám Nam tử Thân thiết Vĩ đại. Tinh tuý của ngữ của tất cả chư Phật, Hóa Thân của lòng bi mẫn của các Ngài.
Ấn phẫn nộ (đe dọa) – sdigs mdzubs, Phạn: tarjani mudra, cử chỉ đe dọa, chỉ tay bằng ngón trỏ và ngón út.
Ba Anh em – sku mched gsum, ba đệ tử chính của Drom Tonpa: Potowa, Chengawa và Puchungwa.
Ba cấp độ thanh tịnh – dag pa sa gsum, các cấp độ (địa) Bồ Tát thứ tám, thứ chín và thứ mười, gọi như thế là vì các Bồ Tát ở các cấp độ này hoàn toàn thoát khỏi che chướng của các cảm xúc tiêu cực (nyon sgrib).
Ba giới nguyện – sdom pa gsum, Phạn: trisamvara, các giới nguyện Biệt Giải Thoát, các giới luật Bồ Tát và các samaya của Mật Chú Thừa.
Ba Gốc – rtsa gsum, Lạt Ma, cội gốc hay suối nguồn của các ân phước; Bổn Tôn, suối nguồn của các sự thành tựu; và các vị Bảo Trợ (Dakini), suối nguồn của các hoạt động.
Ba mạn đà la – dkyil ‘khor gsum, các mạn đà la của thân, ngữ và tâm là những hiển lộ của bản tánh nguyên sơ: các sắc tướng là Bổn Tôn, các âm thanh là thần chú và các tư tưởng là trí tuệ.
Ba mươi ba – gsum cu rtsa gsum, Phạn: Trayastrimsa, một cõi trời trong Dục Giới, trụ xứ của Indra và ba mươi hai thừa tướng của ông. Xem tam giới.
Ba mươi lăm vị Phật – sangs rgyas so lnga hoặc bde gshegs so lnga, Ba mươi lăm vị Phật Sám hối, tượng trưng cho sự hiện diện khắp nơi của chư Phật, sẵn sàng tịnh hóa chúng sinh thoát khỏi những lỗi lầm của họ trong tất cả ba mươi lăm hướng trong không gian (bốn hướng chính, bốn hướng trung gian, tám và mười sáu hướng phụ, trung ương, điểm thấp nhất và điểm cao nhất).
Ba độc – dug gsum, ba loại cảm xúc tiêu cực gồm tham, sân và si. Xem năm độc.
Ba phương pháp siêu việt – dam pa gsum. Xem chuẩn bị, phần chính và kết thúc.
Ba thân (kaya) – sku gsum, Phạn: trikaya, nghĩa đen: Ba Thân: ba phương diện của Phật Quả: Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân.
Ba thực phẩm ngọt – mngar gsum, đường, mật đường và mật ong.
Ba thực phẩm trắng – dkar gsum, sữa, bơ và sữa đông, theo truyền thống là những món được coi là những thực phẩm rất thanh tịnh.
Ba thời – dus gsum, Phạn: trikala, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ba ý niệm – ‘khor gsum, chủ thể, đối tượng và hành động, được tri giác như có một sự hiện hữu chân thực và độc lập.
Bậc khám phá kho tàng (Khai Mật Tạng), xem kho tàng tâm linh.
Bậc siêu phàm – skyes bu dam pa, “bậc chứng ngộ có khả năng hành động vì sự lợi lạc của những người khác ở một phạm vi rộng lớn.” DICT.
Bẩm sinh (trí tuệ, hỉ lạc..) – lhan skyes, Phạn: sahaja, nghĩa đen: đồng sinh ra, có nghĩa là trí tuệ, sự hỉ lạc, và Niết Bàn nói chung hiện diện tiềm tàng ngay cả khi ta kinh nghiệm sự vô minh, đau khổ và luân hồi sinh tử. Hai phương diện của một bản tánh và cùng một bản tánh thì “đồng sanh”, nhưng được tri giác như những gì đối nghịch bởi những tâm thức không giác ngộ.
Bất nhiễm (hành động) – zag med, Phạn: anasrava, được làm không có các ý niệm về chủ thể, đối tượng và hành động.
Bằng hữu tâm linh – chos grogs, các đệ tử của cùng một vị Thầy, hay với những vị mà ta đã nhận giáo lý. Có những mối liên hệ hài hòa với những người như thế được coi là điều trọng yếu, đặc biệt là trong Kim Cương thừa.
Bám chấp – ‘dzin pa, nghĩa đen; nắm giữ, cũng có nghĩa là có một sự tin tưởng. Vì thế “chấp ngã” cũng có thể được hiểu là “sự tin vào một cái Tôi.”
Bà la môn – bram ze, một trong bốn đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ thời xa xưa, đẳng cấp tăng lữ.
Bà Mẹ Đen Phẫn nộ Đích thực – ma cig khros ma nag mo, Phạn: Krodhakali, nghĩa đen: bà mẹ sắc đen và phẫn nộ. Một hiển lộ của Samantabhadri trong thân tướng Báo Thân phẫn nộ, một phương diện của Vajravarahi (rdo rje phag mo).
Bài ca kim cương – rdo rje mgur, bài ca (mgur) diễn tả những kinh nghiệm nội tại của một yogi, sự chứng ngộ của Ngài về bản tánh bất hoại (kim cương) tối hậu.
Bản tánh cốt tủy, biểu lộ tự nhiên và lòng bi mẫn – ngo bo, rang bzhin, thugs rje. Cái thấy của Đại Viên Mãn: bản tánh cốt tủy của tâm và tất cả các hiện tượng là tánh Không; sự biểu lộ bản tánh đó là sự trong sáng; lòng bi mẫn của nó thì rộng-khắp.
Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava) – rin chen ‘byung gnas, Đức Phật thuộc Bảo Sanh Bộ. Xem năm bộ.
Báo Thân (Sambhogakaya) – longs spyod rdzogs pa’i sku, Thân ỷ lạc Hoàn hảo, phương diện chói sáng tự nhiên của Phật Quả, chỉ được nhận biết đối với các bậc chứng ngộ cao cấp.
Bảy sự giàu có cao quý – ‘phags pa’i nor bdun, Phạn: saptadhanam, niềm tin, giới luật, rộng lượng (bố thí), kiến thức, tận tâm, khiêm tốn và trí tuệ.
Bảy nhánh – yan lag bdun, Phạn: satanga, một hình thức cầu nguyện gồm bảy phần: lễ lạy, cúng dường, sám hối, hoan hỉ, cầu thỉnh các vị Thầy chuyển Pháp luân, khẩn cầu các Ngài không nhập Niết Bàn, và hồi hướng công đức.
Bảy thuộc tính của vương quyền – rgyal srid sna bdun, Phạn: ptaratna, bảy tài sản của một Hoàng Đế của thế giới, mỗi tài sản có một ý nghĩa tượng trưng. Đó là bánh xe vàng quý báu, viên ngọc như ý, nữ hoàng tôn quý, thượng thư tôn quý, voi quý, ngựa quý và vật quý nói chung.
Thế Tôn (Bhagavan) – bcom ldan ‘das, một tính ngữ của Đức Phật. Ngài từng chế ngự bốn quỷ ma, sở hữu (ldan) mọi phẩm tính của sự chứng ngộ, và siêu vượt (‘das) sinh tử và Niết Bàn.
Phạm Thiên (Brahma) – tshangs pa. Trong Phật Giáo Brahma không được coi là một Bổn Tôn vĩnh cửu mà như vị cai quản các vị trời của Sắc Giới.
Bhrikuti – jo mo khro gnyer can, một trong những thân tướng của Tara, nữ Bồ Tát của lòng bi mẫn. Danh hiệu này có nghĩa là “Bà có một vẻ mặt trang nghiêm phẫn nộ.”
Biệt Giải thoát giới (Ba la đề mộc xoa) – so sor thar pa, nghĩa đen: giải thoát cá nhân. Các giới nguyện của giải thoát cá nhân là tám loại giới nguyện được dạy trong Luật Tạng (Vinaya), từ giới nguyện đơn giản trong một ngày cho tới các giới nguyện đầy đủ của các tu sĩ thọ cụ túc giới. Xem ba giới nguyện.
Bindu – thig le, nghĩa đen: một vòng tròn, quả cầu, điểm hay giọt, nhưng cũng cùng một loại với những ý nghĩa trừu tượng hơn. Chúng tôi đã dùng thuật ngữ Phạn này trong chương chuyển di tâm thức để nhấn mạnh sự kiện là các cấp độ ý nghĩa thì đa tạp; trong những tình huống khác chúng tôi dịch cũng thuật ngữ đó là tinh túy.
Bình đẳng – mnyam pa nyid, Phạn: samata. Mọi sự cùng có bản tánh của tánh Không.
Bình kho tàng vĩ đại – gter chen po’i bum pa, một trong tám dấu hiệu tốt lành. Nó tương ứng với cổ họng của Đức Phật và tượng trưng các giáo lý đáp ứng mọi điều mong muốn.
bảo tháp (Bodhnath)– bya rung kha shor, được phát âm là “Jarungkashor”, một trong hai đại tháp trong thung lũng Kathmandu. Lịch sử của việc xây dựng nó gắn liền với sự du nhập của Phật Giáo ở Tây Tạng và được mô tả trong Lịch sử Tháp Jarungkhashor, một terma được Sakya Zangpo khám phá (Keith Dowman phiên dịch là Truyền thuyết của Đại Tháp, Berkeley, Nhà Xuất bản Dharma, 1973).
Bonpo – bon po, các tín đồ của Bon, truyền thống tôn giáo thịnh hành ở Tây Tạng trước khi Phật Giáo du nhập vào xứ này.
Bồ Đề Tâm – byang chub kyi sems, nghĩa đen: tâm giác ngộ. Trên bình diện tương đối, nó là ước muốn đạt được Phật Quả vì sự lợi ích của tất cả chúng sinh, cũng như sự thực hành con đường của lòng từ, bi, sáu toàn thiện siêu việt, v.v.. cần thiết để đạt được mục đích đó. Trên bình diện tuyệt đối, nó là sự nội quán trực tiếp vào bản tánh tối hậu.
Bồ Tát – byang chub sems dpa’, 1) một hiện thể quyết định đưa tất cả chúng sinh tới giác ngộ và đang thực hành con đường Bồ Tát. 2) một Bồ Tát siêu phàm là bậc đã đạt được một trong mười cấp độ của Bồ Tát.
Bồ Tát Tu viện trưởng – danh hiệu đôi khi được biết tới của ntaraksita.
Bốn ẩn dụ – ‘du shes bzhi, nghĩ tưởng về bản thân như người bị bệnh, thiện tri thức như thầy thuốc, Pháp như phương thuốc, và sự thực hành giáo huấn của Ngài như phương pháp để hồi phục.
Bốn cách để thu hút chúng sinh – bsdu ba’i ngos po bzhi, Phạn: catuhsamgrahavastu, bốn cách trong đó một vị Bồ Tát thu hút các đệ tử: 1) rộng lượng (sbyin pa, Phạn: dana), 2) nói trong một cách thế vui vẻ (snyan par smra ba, priyavadita), 3) giảng dạy phù hợp với nhu cầu của các cá nhân (don mthun pa, samanarthata), 4) hành xử phù hợp với những gì Ngài giảng dạy (don spyod pa, arthacarya).
Bốn che chướng – sgrib bzhi, các che chướng của 1) các cảm xúc tiêu cực (phiền não chướng), 2) các che chướng bởi nghiệp (nghiệp chướng), 3) các che chướng bởi ý niệm (sở tri chướng) và 4) các che chướng bởi các tập khí. Xem các che chướng.
Bốn dòng đau khổ vĩ đại – sdug sngal gyi chu bo chen po bzhi, sinh, bệnh, lão và tử.
Bốn hỉ lạc – dga’ ba bzhi, Phạn: caturananda, bốn kinh nghiệm vi tế tăng trưởng của lạc vượt lên các cảm xúc bình phàm, được nối kết với thực hành quán đảnh thứ ba, hay quán đảnh trí tuệ.
Bốn hay sáu phần tantra – rgyud sde bzhi hay drug, cách phân loại các tantra thành bốn nhóm: Kriya, Carya, (hay Upa), Yoga và Anuttarayoga (sự phân loại này thường được dùng trong các phái Tân Dịch); hay thành sáu nhóm: Kriya, Upayoga, Yoga, Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga (thường dùng trong Truyền thống Cũ).
Bốn hoạt động – phrin las bzhi, bốn loại hoạt dộng được các bậc chứng ngộ thực hiện để giúp đỡ những người khác và tẩy trừ những hoàn cảnh bất lợi: làm an bình (tức tai, zhi ba), tăng trưởng (tăng ích, sgyas pa), kiểm soát (kính ái, dbang) và phẫn nộ (hàng phục, drag po).
Bốn Đại Đế – rgyal chen rigs bzhi, Phạn: caturmaharajakayika, bốn vị trời mà theo truyền thống là những vị bảo trợ của bốn phương. Cõi giới của họ là cõi thứ nhất trong sáu cõi trời trong Dục Giới. Xem ba cõi.
Bốn phẩm tính vô lượng – tshad med bzhi, Phạn: caturaprameya, từ (byams pa, Phạn: maitri), bi (snying rje, karuna), hỉ (dga’ba, mudita), và xả (btang snyoms, upeksa) vô hạn.
Bốn quán đảnh – dbang bzhi, quán đảnh cái bình, quán đảnh bí mật, quán đảnh trí tuệ và quán đảnh ngôn từ quý báu.
Bốn quỷ ma – bdud bzhi, xem chú thích 230. Cũng xem quỷ ma.
Bốn thiền định – bsam gtan bzhi, Phạn: caturdhyana, bốn cấp độ thiền định, kết quả của các thực hành này là được tái sinh trong bốn loại cõi trời trong Sắc Giới. Tuy nhiên chúng cũng có thể được dùng trên con đường dẫn tới giác ngộ.
Bốn thân – ba thân cộng thêm svabhavikakaya, ngo bo nyid kyi sku, Thân Tự Tánh, tượng trưng tính chất bất khả phân của ba thân đầu tiên.
Bốn Thị kiến – snang ba bzhi, bốn giai đoạn liên tiếp trong thực hành thogal trong Đại Viên Mãn: 1) dharmata (Pháp tánh) thực sự xuất hiện (chos nyid mngon sum), 2) sự phát triển của kinh nghiệm và các hình tướng (nyams snang gong ‘phel), 3) phạm vi tối hậu của giác tánh (rig pa tshad phebs), 4) sự cạn kiệt của các hiện tượng siêu việt tâm thức (chos zad blo ‘das).
Bổn Tôn Tài Bảo – nor lha, một Bổn Tôn mà ta làm nguôi dịu để tăng trưởng tài bảo.
Bốn trạng thái vô sắc – gzugs med bzhi, bốn sự thiền định được gọi là không vô biên xứ (nam mkha’ mtha’ yas), Phạn: akasanantya), thức vô biên xứ (nam shes mtha’yas, vijnanasanantya), vô sở hữu xứ (ci yang med pa, akimcanya), và phi tưởng phi phi tưởng xứ (‘du shes med ‘du shes med min, naivasamjnasamjna); bốn cõi trời tương ứng với những thiền định này.
Ca Diếp – xem Kasyapa.
Camaradvipa – rnga yab gling, một trong tám tiểu-lục địa trong vũ trụ học Ấn Độ thời xa xưa, phía tây của Nam Thiệm Bộ Châu, cõi Diêm Phù Đề (Jambudvipa). Đây là lục địa tây nam được ám chỉ là cõi Phật Núi Huy Hoàng Màu Đồng-Đỏ.
Cam lồ – xem ambrosia.
Các cấp độ – xem các cấp độ Bồ Tát.
Các Cấp độ Bồ Tát (các địa) – ‘phags pa’i sa, nghĩa đen: các cấp độ siêu phàm, Phạn: bhumi. Mười cấp độ (thập địa) của sự chứng ngộ được các vị Bồ Tát đạt tới trên các con đường của cái thấy (kiến), thiền định (thiền) và siêu vượt sự học. Một vài cách phân loại đã thêm vào những cấp độ phụ. “Những cấp độ này siêu phàm bởi chúng vượt xa chúng sinh bình thường.” DICT.
Các cảm xúc – xem các cảm xúc tiêu cực.
Các che chướng – sgrib pa, Phạn: avarana, các yếu tố ngăn che Phật tánh của ta. Cũng xem: hai che chướng, bốn che chướng.
Các che chướng của các cảm xúc tiêu cực – nyon mongs kyi sgrib pa Phạn: klesavarana, “các niệm tưởng (thù ghét, tham luyến v.v..); chúng ngăn trở ta không đạt được sự giải thoát.” DICT. Xem các che chướng.
Các che chướng của những tập khí – bag chags kyi sgrib pa, Phạn: vasanavarana, các tập khí được in dấu trên nền-tảng-của tất cả (tạng thức). Xem các che chướng.
Các che chướng thuộc ý niệm – shes bya’i sgrib pa, Phạn: jneyavarana “Đây là những ý niệm về chủ thể, đối tượng và hành động, chúng ngăn trở ta không đạt được sự Toàn Giác.” DICT.
Các cõi thấp – ngan song, các địa ngục, các cõi của ngạ quỷ và súc sinh.
Các Đại dương bên ngoài – phyi’i rgya mtsho chen po, những đại dương bao quanh Núi Tu Di và bốn lục địa trong vũ trụ học Ấn Độ thời xa xưa.
Các giáo huấn cốt tủy – man ngag, Phạn. upadesa, các giáo huấn giảng dạy các chủ đề giáo lý sâu xa nhất trong một phương pháp cô đọng và trực tiếp vì các mục đích của sự thực hành.
Các Kinh Mạch và Năng lực (các bài tập về) – rtsa rlung gi ‘phrul ‘khor, các bài tập kết hợp sự quán tưởng, thiền định và các chuyển động của thân, trong đó dòng chảy của các năng lực vi tế được kiểm soát và hướng dẫn. Các thực hành này chỉ nên được nỗ lực thực hiện với sự truyền dạy và hướng dẫn đúng đắn, sau khi đã hoàn tất các chuẩn bị và đạt được một vài sự vững chắc trong giai đoạn phát triển.
Các kinh nghiệm (thiền định) – nyams, các kinh nghiệm về lạc, quang minh, và vô niệm. Ta không nên dính mắc vào những kinh nghiệm như thế hay lầm chúng là mục tiêu cuối cùng.
Các phương – xem mười phương.
Các Chuẩn bị – sngon ‘dro. Xem năm trăm ngàn chuẩn bị.
Các xuất hiện (hình tướng) – snang ba, xem các tri giác.
Các tướng chính và phụ – mtshan dang dpe byad, ba mươi hai tướng chính (mtshan bzang, Phạn: mahapurusa laksana) và tám mươi tướng phụ (dpe byad, anuvyanjana) của một vị Phật.
Các tri giác – snang ba, những gì xuất hiện trong mắt của mỗi cá nhân tùy theo các khuynh hướng hay sự phát triển tâm linh của họ. NT, trích dẫn Patrul Rinpoche, nói về ba loại tri giác: 1) những tri giác sai lầm xuất hiện trong tâm thức của chúng sinh trong sáu cõi do sự hiểu biết sai lạc; chúng được gọi là các tri giác mê lầm bất tịnh của thế giới và chúng sinh. 2) các tri giác về sự tương thuộc (rten ‘brel), các ảo giác thần bí (sgyu ma), tương ứng với tám cách so sánh về sự ảo giác là điều ta không nhận thức như cái gì thật có (xem Phần Một, Chương Hai, Mục III, tiết 2.6.3); đây là những tri giác của các Bồ Tát thuộc mười địa trong trạng thái hậu-thiền định của các Ngài (rjes thob). 3) các tri giác xác thực, toàn thiện của trí tuệ; khi ta chứng ngộ trạng thái tự nhiên của mọi sự, chúng sinh và thế giới xuất hiện như sự phô diễn của các thân (kaya) và các trí tuệ.
Các vị Bảo trợ – xem Hộ Pháp.
Các vị Bảo trợ của Ba Gia đình – rigs gsum mgon po, các Bồ Tát Văn Thù (Manjusri), Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và Kim Cương Thu (Vajrapani). Ba gia đình là những vị được tôn kính thuộc về thân, ngữ và tâm của Đức Phật.
Các vị Trời không tri giác – ‘du shes med pa’i lha, các vị trời trong Cõi Vô Sắc.
Các vị Trời và quỷ ma – lha ‘dre, nói chung ám chỉ mọi loại tinh linh khác nhau, có ích (lha) hay tai hại (‘dre).
Cái thấy (kiến) – lta ba, Phạn: dristi, 1) quan điểm, lòng tin. 2) quan điểm chân xác, sự thấu suốt chân chính về trạng thái tự nhiên của tất cả các hiện tượng.
Cấp độ hợp nhất – zung ‘jug gi go ‘phang, cấp độ của Vajradhara. Sự hợp nhất Pháp Thân và Sắc Thân.
Cây Bồ Đề (Giác ngộ) – byang chub kyi shing, cội cây ở nơi đó Đức Phật đạt được Giác ngộ.
Cây như ý – dpag bsam gyi shing, loại cây kỳ diệu có gốc rễ ở cõi bán-thần nhưng kết trái trong cõi trời thứ Ba mươi ba.
Cạn kiệt của các hiện tượng trong chân tánh – chos nyid zad pa, một trong bốn thị kiến hay kinh nghiệm trên con đường Thogal. “Mọi hiện tượng được tịnh hóa trong mạn đà la của tinh túy vĩ đại duy nhất, mọi sự được tạo tác bởi tâm thức đều bị cạn kiệt trong chân tánh. Thậm chí cũng không bám chấp vào chân tánh.” DICT.
Chagme Rinpoche – xem Karma Chagme.
Chakshingwa, (Geshe) – lcags shing ba, một geshe Kadampa, đệ tử của Langri Thangpa.
Chân lý tương đối – kun rdzob bden pa, Phạn. samvriti satya, chân lý hiển lộ bề ngoài được nhận thức và coi như thực có bởi những tâm thức mê lầm.
Chân lý tuyệt đối – don dam bden pa, Phạn. paramartha satya, chân lý thực sự được nhận thức bằng trí tuệ, không có những sự tạo tác của tâm thức. Tính chất của nó thì “siêu vượt tâm thức, không thể suy lường, không thể diễn bày” (Patrul Rinpoche). Cũng xem chân lý tương đối.
Chấp ngã – xem bám chấp.
Chekawa Yeshe Dorje – ‘chad kha ba ye shes rdo rje (1101-1175), một geshe Kadampa nổi tiếng. Ngài đã hệ thống hóa các giáo lý của sự Tu tập Tâm thức thành bảy điểm, và làm cho chúng dễ sử dụng hơn. Xem Đại Lộ của sự Tỉnh thức, Jamgon Kongtrul, Shambhala, 1987, và Lòng Dũng cảm Giác ngộ, Dilgo Khyentse, Nhà Xuất bản Padmakara, 1992 và Snow Lion, 1993.
Chengawa, (Geshe) – spyan snga ba (1038-1103), đệ tử của Drom Tonpa, bắt đầu truyền dạy các giáo huấn khẩu truyền Kadampa.
Chenrezi – spyan ras gzigs, danh hiệu Tây Tạng của Đức Avalokitesvara.
Chén sọ người – thod phor, Phạn: kapala. Đỉnh của một cái sọ được một vài yogi dùng làm một cái chén trong một số nghi lễ. Nó tượng trưng cho sự vô ngã.
Chín Phạm Vi – klong dgu, chín phân bộ của Mục Phạm Vi (klong sde) trong giáo lý Đại Viên Mãn.
Cho – gcod, nghĩa đen: sự cắt đứt, tiêu diệt. Phương pháp thiền định trong đó ta cúng dường thân thể chính mình để cắt đứt bốn quỷ ma trong đó. Machik Labdron đã nhận các giáo lý Cho từ vị Thầy Ấn Độ Padampa Sangye và từ Lạt ma Kyoton Sonam, và truyền bá chúng trong xứ Tây Tạng.
Chogyal Pakpa – chos rgyal ‘phags pa (1235-1280), một trong tám đại học giả của phái Sakya được gọi là Sakya Gongma. Ngài trở thành giáo thọ của Hoàng Đế Mông Cổ Kublai Khan và quan Nhiếp Chính của Tây Tạng.
Chuông – dril bu, Phạn: ghanta. Xem vajra (kim cương).
Chủ nghĩa hư vô – chad par lta ba, Phạn: vibhava drsti, thuyết duy vật, quan điểm phủ nhận sự hiện hữu của những đời trong quá khứ hay tương lai, nguyên lý nhân quả, và v.v..
Chủ nghĩa vĩnh cửu – rtag par lta ba, Phạn: atmadrsti, satkayadrsti, niềm tin nơi một thực thể hiện hữu bất diệt, ví dụ như một linh hồn. Được coi như một khuynh hướng triết học cực đoan. Xem chủ nghĩa hư vô.
Chủ nhân mặt đất – sa bdag, Phạn: bhumipati, một tinh linh chiếm cứ một địa điểm.
Chuẩn bị, phần chính và kết thúc – sbyor dngos rjes gsum, ba phương pháp siêu việt cho bất kỳ thực hành nào: 1) bắt đầu bằng cách kiểm soát xem ta có động lực bi mẫn hay không, 2) thực hành mà không có các ý niệm duy vật, và 3) chấm dứt bằng cách hồi hướng công đức cho sự giác ngộ của tất cả chúng sinh.
Chuyển di – ‘pho ba, 1) di chuyển từ nơi này sang nơi khác, sự di chuyển tâm thức (sau khi chết). 2) thực hành để hướng dẫn sự chuyển di tâm thức vào lúc chết.
Chuyển Luân Thánh Vương – ‘khor lo sgyur ba’i rgyal po, Phạn: cakravartin, 1) một vị vua cai quản một hệ thống thế giới. 2) một hoàng đế.
Con đường của cái thấy – mthong lam, Phạn: darsanamarga, con đường thứ ba trong năm con đường. Nó được gọi như vậy là bởi trên con đường đó ta thực sự nhận ra hai loại vắng mặt của cái “ngã” (có nghĩa là vắng mặt sự hiện hữu chân thực, độc lập), ngã của cá nhân và ngã của các hiện tượng.
Con đường hợp nhất – sbyor lam, Phạn: prayogamarga, con đường thứ hai trong năm con đường. Trên con đường này ta tự nối kết hay tự chuẩn bị để nhận ra hai loại vắng mặt bản ngã.
Con đường tích tập – tshogs lam, Phạn: sambharamarga, con đường thứ nhất trong năm con đường hướng tới giác ngộ, theo
Bồ Tát Thừa. Trên con đường này ta tích tập những nguyên nhân khiến có thể tiến triển hướng tới giác ngộ.
Cờ Toàn Thắng – phyogs las rnam par rgyal ba’i rgyal mtshan, một trong tám biểu hiện tốt lành. Nó tương ứng với thân Phật và tượng trưng cho tính chất không thể hủy diệt của Giáo lý của Ngài.
Cõi – xem sáu cõi.
Phạm Thiên (Cõi Brahma) – tshang pa’i ‘jig rten, Phạn: brahmaloka, nói chung, tất cả các cõi sắc và vô sắc.
Cõi Cực Lạc (Tịnh Độ) – bde ba can, Phạn: Sukhavati, cõi Phật ở phương Tây của Đức Phật A Di Đà (Amitabh).
Cõi Ỷ Lạc – dga’ ldan, xem Trời Đâu Suất.
Cõi Tịnh Độ Cực Lạc – bde ba can, Phạn: Sukhavati, cõi Phật của Đức A Di Đà (Amitabha).
Có điều kiện – ‘dus byas, Phạn: samskrita, được tạo nên (byas) bởi một sự kết hợp (‘dus) của những nguyên nhân và các điều kiện (duyên). “Những hành vi tích cực có điều kiện là tất cả những gì được thực hiện mà không có sự chứng ngộ tánh Không,” DKR.
Công đức – bsod nams, Phạn: punya, thiện nghiệp, năng lực được phát sinh bởi các hành vi tích cực của thân, ngữ và tâm.
Cung điện Liên Hoa Quang – padma ‘od kyi pho brang, cung điện của Đức Padmasambhava trong cõi Phật Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ.
Cung điện Toàn Thắng – rnam rgyal pho brang, cung điện của Trời Indra.
Cuộc vận động (phong trào) thống nhất – ris med, nghĩa đen: không phân biệt. Cuộc vận động tâm linh được tạo nên bởi đại Lạt ma lừng danh Jamyang Khyentse Wangpo cũng như Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, Lạt ma Mipham, Chogyur Lingpa và Patrul Rinpoche. Đặc điểm của nó là tôn trọng mọi giáo lý và trường phái Phật Giáo.
Cuộn giấy vàng – shog ser, miếng giấy (không nhất thiết phải là màu vàng) trên đó các bản văn của các kho tàng tâm linh được ghi chép.
Cúng dường lửa – gsur, một vật cúng dường được làm bằng cách đốt thực phẩm trên than đá. Nó được cúng dường cho chư Phật, các vị bảo trợ, tất cả chúng sinh nói chung và đặc biệt là những tinh linh lang thang và những kẻ mà với họ ta có những món nợ nghiệp. gsur trắng thông thường được chuẩn bị với ba thực phẩm trắng và ba thực phẩm ngọt. gsur đỏ được chuẩn bị với thịt.
Cựu Dịch – snga ‘gyur, danh hiệu được ban cho các giáo lý đầu tiên được dịch từ Phạn ngữ và truyền bá ở Tây Tạng, là giáo lý của Cổ Phái, hay truyền thống Nyingmapa, tương phản với giáo lý được dịch và truyền bá từ thế kỷ thứ mười trở đi và là giáo lý sinh ra Truyền thống Mới (Tân Phái) của Phật Giáo Tây Tạng.
Dagpo Rinpoche – dwags po rin po che (1079-1153), cũng được gọi là Gampopa, đệ tử nổi tiếng nhất của Milarepa và là vị sáng lập dòng tu Kagyupa.
Daka – mkha ‘gro, nghĩa đen: du hành trong Pháp Giới, hay dpa’ bo, vị anh hùng. Trong Kim Cương Thừa thì Daka tương đương với Bồ Tát. Từ tương đương chỉ giống đực của Dakini.
Dakini – mkha’ ‘gro ma, nghĩa đen: du hành trong Pháp Giới. Nguyên lý nữ được kết hợp với trí tuệ. Thuật ngữ này có vài cấp độ ý nghĩa. Có những Dakini thông thường là những hiện thể với một mức độ năng lực tâm linh nào đó, và các Dakini trí tuệ là những bậc hoàn toàn chứng ngộ. Xem ba gốc.
Damchen – dam chen (rdo rje legs pa), một vị Hộ Pháp, bị Đức Padmasambhava buộc phải tuyên thệ.
Darsaka – mthong ldan, danh hiệu khác của Ajatasatru (A Xà Thế), nam tử của Vua Bimbisara (Bình Sa), vua xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) và là vị bảo trợ quan trọng nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mặc dù ông đã giết hại thân phụ mình, về sau ông ăn năn và tịnh hóa các hành vi tiêu cực của mình tới mức đạt được cấp độ của một Bồ Tát.
Dharmakaya – chos sku, nghĩa đen: Pháp Thân. Phương diện tánh Không của Phật Quả. Nó có thể được dịch là thân tướng của chân lý, chiều kích tuyệt đối.
Dharmata (Pháp tánh) – chos nyid, “bản tánh trống không.” DICT.
Dharmodgata – chos ‘phags, “Pháp Siêu phàm,” vị Bồ Tát mà Sadaprarudita thọ nhận giáo lý về trí tuệ siêu việt.
Diêm Phù Đề (Jambudvipa) – ‘dzam bu gling, lục địa phía nam, một trong bốn “lục địa” chính trong vũ trụ học của Ấn Độ thời xa xưa, là nơi chúng ta sinh sống. Trong một vài tình huống danh hiệu này ám chỉ miền Nam Á, và trong các tình huống khác nó ám chỉ thế giới trong một ý nghĩa thông thường.
Dipamkara – Pháp danh của Atisa.
Doha – một bài ca trong đó một thành tựu giả (ví dụ như Ngài Saraha hay Virupa) diễn tả sự chứng ngộ của Ngài.
Dòng biểu tượng của các Vidyadhara – rig ‘dzin brda yi brgyud, dòng truyền dạy các giáo lý bằng phương tiện là những cử chỉ hay biểu tượng.
Dòng lắng nghe của chúng sinh bình thường – gang zag snyan brgyud, dòng truyền dạy mà vị Thầy cần phải sử dụng ngôn từ và đệ tử lắng nghe những lời lẽ ấy, hơn là sự truyền dạy giáo lý bằng cách tâm-truyền-tâm hay dùng các biểu tượng.
Dòng Tâm truyền của các Đấng Chiến Thắng – rgyal ba dgongs brgyud, dòng truyền dạy giáo lý tâm truyền tâm.
Drikung Kyobpa – ‘bri gung skyob pa (1143-1217), vị sáng lập Tu viện Drikung và phái Drikung Kagyu.
Drom Tonpa – ‘brom ston pa, được gọi là ‘brom ston rgyal ba’i ‘byung gnas (1005-1064), đệ tử Tây Tạng chính của Atisa, một trong những vị Thầy đầu tiên của phái Kadampa và là vị sáng lập Tu viện Radreng (rva sgreng) (thường được phiên âm là “Reting”).
Druk Pema Karpo – ‘brug padma dkar po (thế kỷ thứ 16), Drukchen Rinpoche thứ 3, Đạo sư và tác gia vĩ đại của phái Drukpa Kagyu và là vị sáng lập Tu viện Sangak Choling.
Đà ra ni – gzungs, thần chú được gia hộ bởi một vị Phật hay Bồ Tát, nó có năng lực cứu giúp chúng sinh. Có nhiều trong các Kinh (sutra), thường khá dài.
Đại Ca Diếp – ‘od srung chen po, một trong những đệ tử Thanh Văn xuất sắc nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và là vị lãnh đạo trong số những người đầu tiên biên soạn Abhidharma. Sau khi Đức Phật tịch diệt, Ngài trở thành Giáo Chủ đầu tiên của Giáo Pháp, được giao phó trọng trách hộ trì Giáo lý và Tăng Đoàn.
Đại Thành tựu giả – grub chen, một yogi đã đạt tới sự thành tựu siêu việt.
Đại Thừa – theg pa chen po, Phạn: mahayana, thừa (cỗ xe) của các Bồ Tát, đại là bởi nó nhắm tới Phật Quả viên mãn vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh.
Đại Viên Mãn – dzogs pa chen po, tên khác của Atiyoga, tột đỉnh của chín thừa. Viên Mãn có nghĩa là tâm thức, trong bản tánh của nó, bao gồm một cách tự nhiên mọi phẩm tính của ba thân: bản tánh của nó là tánh Không, Pháp Thân; biểu lộ tự nhiên của nó là sự trong sáng, Báo Thân, và lòng bi mẫn của nó thì trùm khắp, Hóa Thân. Đại có nghĩa là sự viên mãn này
là điều kiện tự nhiên của mọi sự. AT: sự đại toàn thiện. Giáo lý của Đại Viên Mãn được phân loại trong ba phần: phần tâm (sems sde), phần Pháp Giới (klong sde), và phần giáo huấn cốt tủy (man ngag gi sde). Cũng xem Dẫn nhập.
Đàm – bad kan, một trong ba thể dịch theo y khoa Tây Tạng. Cũng xem gió, mật.
Đạo sư Kim Cương – rdo rje slod spon, Phạn. vajracarya, ‘Đạo sư tâm linh, bậc giới thiệu ta với một mạn đà la của Mật chú thừa và ban những giáo huấn giải thoát.” DICT.
Đạo Sư Quý báu xứ Oddiyana – o rgyan rin po che, một trong những danh hiệu của Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava).
Đấng Bi Mẫn – thugs rje chen po, tính ngữ của Đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara).
Đấng Bi Mẫn Siêu Phàm – ‘phags pa thugs rje chen po, một trong những danh hiệu được tặng cho Đức Avalokitesvara (Chenrezi), Bồ Tát của lòng bi mẫn.
Đấng Chiến Thắng – rgyal ba, Phạn: jina, một vị Phật.
Đấng Toàn Giác – kun mkhyen chen po, danh hiệu được nhiều người biết của Ngài Longchenpa.
Đấng Tuyên Thuyết Giáo Pháp bằng Giọng Nói Du Dương Vô Tận – sgra dbyangs mi zad pa sgrogs pa, danh hiệu của một vị Phật.
Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) – lhas byin, một anh em họ của Đức Phật mà sự ganh tị của ông đã ngăn cản ông không rút ra được bất kỳ lợi ích nào từ các giáo lý.
Đệ tử cư sĩ – dge bsnyen, Phạn: upasaka, người trì giữ các giới nguyện quy y và năm giới nguyện khác (hay chỉ một vài giới nguyện trong số đó): không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, và không dùng chất gây say. Nó là một trong tám loại giới nguyện Biệt Giải Thoát (Pratimoksa).
Đi nhiễu – skor ba, hành vi tôn kính trong việc đi bộ theo chiều kim đồng hồ với sự tập trung và tỉnh giác xung quanh một linh vật, ví dụ như một điện thờ, bảo tháp, núi thiêng, hay ngôi nhà, và thậm chí con người, của một vị Thầy tâm linh.
Địa ngục – dmyal ba, Phạn: naraka, một trong sáu cõi, trong đó ta kinh nghiệm nỗi khổ mãnh liệt. Trong cõi địa ngục ta thường kinh nghiệm những hậu quả của các hành vi hơn là tạo nên những nguyên nhân mới.
Đối tượng hay chất thể samaya – dam tshig gi rdzas, đối tượng hay thành phần thiết yếu đối với hay để nâng cấp những thực hành Kim Cương Thừa.
Đức Phật Thứ Hai – sangs rgyas gnyis pa, một tính ngữ của Padmasambhava.
Gampopa – sgam po pa, xem Dagpo Rinpoche.
Gandharva – dri za, nghĩa đen: người ăn mùi hương. Tinh linh sống bằng các mùi hương. Cũng được dùng cho chúng sinh trong trạng thái trung gian.
Garab Dorje – dga’ rab rdo rje, danh hiệu Tây Tạng nổi tiếng hơn các danh hiệu bằng Phạn ngữ của Ngài là Pramudavajra, Prahevajra, Surativajra hay Prajnabhava. Bậc Thầy đầu tiên mang thân tướng con người trong dòng truyền thừa Đại Viên Mãn.
Garuda – khyung, một con chim thần thoại có kích thước rất lớn có thể bay ngay khi trứng nở, tượng trưng cho trí tuệ nguyên sơ. Năm màu trong thân nó đôi khi được tượng trưng cho năm trí tuệ. Nó là địch thủ của các rồng ( naga), và được miêu tả với một con rắn trong mỏ của nó, tượng trưng cho việc tiêu diệt các cảm xúc tiêu cực.
Gelugpa – dge lugs pa, một trong các trường phái chính của Truyền thống Mới, được Ngài Je Tsongkhapa (1357-1419)
sáng lập và lúc đầu được gọi là Gandenpa theo tên trụ xứ của Ngài, tu viện Ganden.
Geshe – dge bshes, thiện tri thức. Thuật ngữ thường dùng cho một vị Thầy Kadampa. Về sau nó được dùng để chỉ một tiến sĩ triết học trong phái Gelugpa.
Ghost – ‘dre, tinh hồn của người chết hay tổng quát hơn nữa, tinh linh họa hại.
Giai đoạn phát triển –bskyed rim, Phạn. utpattikrama “yoga thiền định qua đó ta tịnh hóa bản thân về các dính mắc quen thuộc của ta với bốn loại của sự sinh ra và trong đó ta thiền định về các sắc tướng, âm thanh và tư tưởng có bản tánh của các Bổn Tôn, thần chú và trí tuệ.” DICT.
Giai đoạn toàn thiện (thành tựu) – rdzogs rim, Phạn. sampannakrama. 1. “với các đặc điểm” (mtshan bcas), đó là thiền định về các kinh mạch và năng lực của thân được quán tưởng là một thân kim cương.
- “không có các đặc điểm” (mtshan med), đó là giai đoạn thiền định trong đó các sắc tướng được quán tưởng trong giai đoạn phát triển được tan hòa và ta an trụ trong kinh nghiệm về tánh Không.
Giác ngộ – byang chub, Phạn: bodhi, sự tịnh hóa (byang) mọi che chướng và chứng ngộ (chub) tất cả các phẩm tính.
Giác tánh – rig pa, Phạn: vidya, trạng thái nguyên sơ của tâm, tươi mới, bao la, chói ngời, và siêu vượt niệm tưởng.
Giải thoát – thar pa, Phạn: moksa, 1) sự tự do thoát khỏi samsara (luân hồi sinh tử), là một vị A La Hán hay một vị Phật. 2) đôi khi, bsgral las byed pa, sự thực hiện hành động giải thoát, một thực hành để giải thoát tâm thức của chúng sinh hiểm ác vào một cõi Phật. Cũng xem chú thích 75.
Gió 1) xem năng lực. 2) một trong ba thể dịch theo y khoa Tây Tạng. Cũng xem mật, đàm.
Gọi Thầy từ xa – bla ma rgyang ‘bod, một loại cầu nguyện khao khát vị Thầy tâm linh của ta.
Gotsangpa (Gonpa Dorje) – rgod tshang pa mgon po rdo rje (1189-1258), Đạo sư Kagyupa, đệ tử của Tsangpa Gyare, vị sáng lập một nhánh của phái Drukpa Kagyu và của nhiều tu viện.
Guru Rinpoche – guru rin po che, danh hiệu phổ thông nhất của Đức Padmasambhava ở Tây Tạng.
Guru yoga – bla ma’i rnal ‘byor, thực hành hòa trộn tâm ta với tâm vị Thầy.
Gyalse Rinpoche – rgyal sras rin po che, nghĩa đen: Nam tử Quý báu của các Đấng Chiến Thắng. Một danh hiệu được ban cho Thogme Zangpo (1295-1369), một Đạo sư vĩ đại của các truyền thống Nyingma và Sakya và tác giả của Ba mươi bảy Yếu tố của một Thực hành Bồ Tát (rgyal sras lag len).
Gyelgong – rgyal ‘gong. Một loại tinh linh hiểm ác.
Hai Bậc Siêu Việt – mchog gnyis, Gunaprabha (yon tan ‘od) và Sakyaprabha (sha kya ‘od).
Hai chân lý – bden pa gnyis, chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối.
Hai che chướng – sgrib gnyis, các che chướng của những cảm xúc tiêu cực (phiền não chướng) và các che chướng thuộc ý niệm (sở tri chướng). Cũng xem các che chướng và bốn che chướng.
Hai mươi lăm đệ tử – rje ‘bang nyer lnga, các đệ tử Tây Tạng vĩ đại nhất của Đức Padmasambhava. Tất cả các Ngài đã đạt được sự thành tựu siêu việt. Những vị nổi tiếng nhất là Vua Trisong Detsen, Yeshe Tsogyal, và Vairotsana. Nhiều Đạo sư vĩ đại của Phật Giáo Tây Tạng là hiện thân của hai mươi lăm đệ tử này.
Hai mươi mốt Genyen – dge bsnyen nyer gcig, một nhóm tinh linh bị Đức Padmasambhava khuất phục và trở thành các vị Hộ Pháp.
Hai mục đích – don gnyis, mục đích, lợi ích hay hạnh phúc (rang don) của riêng ta và mục đích, lợi ích hay hạnh phúc của những người khác (gzhan don). Thường được hiểu trong ý nghĩa tối hậu của mục đích cho bản thân đạt được nhờ sự chứng ngộ tánh Không, Pháp Thân, và mục đích cho những người khác nhờ lòng bi mẫn hiển lộ như Sắc Thân.
Hai tích tập – tshogs gnyis, Phạn: sambharadvaya, tích tập công đức (bsod nams, Phạn: punya) và tích tập trí tuệ (ye shes, jnana).
Hành giả chai lì – chos dred, nghĩa đen: “con gấu Pháp. Người không bị Giáo Pháp điều phục, người hiểu biết Pháp nhưng không thực hành nó, khiến tâm thức họ trở nên chai cứng..” DICT. Người chỉ có sự hiểu biết trí thức mà không có chút kinh nghiệm nào, nhưng cho rằng mình thấu suốt toàn bộ Giáo Pháp.
Hành vi tích cực – dge ba, Phạn: kusala. “ Những gì tạo nên hạnh phúc” (Dudjom Rinpoche). AT: hành vi lợi lạc, đức hạnh.
Hành vi tiêu cực – sdig pa hoặc mi dge ba, Phạn: asubha. “Những gì tạo nên đau kho”‛ (Dudjom Rinpoche). AT: hành vi ác hại, việc làm không lành mạnh, điều xấu.
Hỷ Lạc Hiển Lộ – mngon par dga’ ba, Phạn: Abhirati, tên của một kiếp và là tên một cõi của Đức Phật Bất Động (Aksobhya).
Hiền Kiếp – bskal pa bzang po, Phạn: bhadrakalpa, kiếp hiện tại, được gọi là hiền (tốt lành) bởi nó là một kiếp trong đó một ngàn vị Phật xuất hiện.
Hộ Pháp – chos skyong, Phạn: dharmapala. Các vị Hộ Pháp bảo vệ giáo lý không bị suy vi và sự truyền dạy nó không bị quấy nhiễu, xuyên tạc. Đôi khi các Hộ Pháp là các hiện thân của chư Phật và Bồ Tát, và đôi khi là những tinh linh, các vị trời hay quỷ ma đã bị điều phục bởi một Đạo sư tâm linh vĩ đại và bị buộc phải tuyên thệ.
Hóa Thân (nirmanakaya) – sprul sku, thân tướng của sự hiển lộ, phương diện của Phật Quả hiển lộ bằng lòng bi mẫn để cứu giúp chúng sinh bình thường.
Hơi ấm (dấu hiệu) – drod rtags, một dấu hiệu cho thấy sự thực hành đang bắt đầu tiến triển. (Khi một ngọn lửa tạo nên nhiệt thì có nghĩa là nó đã bắt đầu cháy tốt.) Thành ngữ này không đặc biệt nói tới một kinh nghiệm về thân nhiệt.
Huynh đệ và tỉ muội kim cương – rdo rje spun, các hành giả cùng một Thầy, hoặc cùng với những vị ta từng nhận lãnh các giáo lý Kim Cương Thừa. Xem các bằng hữu tâm linh.
Đế Thích (Indra) – brgya byin, vua cõi trời thứ Ba mươi ba.
Vĩ đại (Jamgon Kongtrul ), Lodro Thaye – ‘jam mgon kong sprul blo gros mtha’yas (1813-1899) là một vị Thầy vĩ đại của phong trào không-bộ phái và cùng với Jamyang Khyentse Wangpo, chịu trách nhiệm sưu tập vài tuyển tập vĩ đại gồm các giáo lý và thực hành từ mọi truyền thống, kể cả Kho tàng các Giáo lý được Phát hiện lại (rin chen gter mdzod).
Jetsun Mila – re brtsun mi la (1040-1123), yogi và thi sĩ vĩ đại của Tây Tạng mà tiểu sử và các bài ca tâm linh của Ngài nằm trong số những tác phẩm được yêu quý nhất trong Phật Giáo Tây Tạng. Một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Marpa, Ngài ở trong số các Đạo sư vĩ đại nhất vào lúc khởi nguyên của phái Kagyupa.
Jigme Lingpa – ‘jigs med gling pa (1729-1798), xem dẫn nhập của sách này. Ngài được coi là một hiện thân hợp nhất của
Vimalamitra, Vua Trisong Detsen và Gyalse Lharje. Patrul Rinpoche thường được coi là hiện thân về ngữ của Jigme Lingpa.
Jowo và Sakya – jo shag rnam gnyis, Jowo Mikyo Dorje và Jowo Sakyamuni, hai pho tượng của Đức Phật được đưa sang Tây Tạng thật trang trọng bởi các công chúa xứ Nepal và Trung Quốc mà Vua Songtsen Gampo kết hôn vào thế kỷ thứ 7.
Jowo – jo bo, nghĩa đen: chúa công (Pháp Vương). Một danh hiệu thường được người Tây Tạng sử dụng đối với học giả Ấn Độ Atisa.
Jowo Rinpoche – jo wo rin po che, một pho tượng tượng trưng cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc 12 tuổi, trong điện Jokhang ở Lhasa.
Jungpo – ‘byung po, một loại tinh linh hiểm ác.
Kadampa – bka’ gdams pa, phái thứ nhất trong các trường phái thuộc Truyền thống Mới, tuân theo các giáo lý của Ngài Atisa. Phái này nhấn mạnh vào lòng bi mẫn, học tập và giới luật thanh tịnh. Giáo lý của nó được tiếp nối bởi tất cả các trường phái khác, đặc biệt là phái Gelugpa. Phái Gelugpa cũng được gọi là phái Tân Kadampa.
Kagyupa – bka’ brgyud pa, một trong những trường phái của Truyền thống Mới, nó tuân theo giáo lý được Dịch giả Marpa đem từ Ấn Độ sang Tây Tạng và được truyền dạy tới Ngài Milarepa. Phái này có vài nhánh.
Kapala – ka pa la, một cái chén được làm bằng đỉnh sọ người.
Karma Chagme – karma chags med (thế kỷ 16), Lạt ma nổi tiếng của phái Kagyupa, người hợp nhất giáo lý của phái Ngài với giáo lý phái Nyingmapa và là giáo thọ của vị khám phá kho tàng Namcho Mingyur Dorje.
Karmapa – kar ma pa, danh hiệu của những đại Lạt ma thuộc phái Kagyupa mà dòng truyền thừa Hóa Thân của các Ngài bắt đầu từ Dusum Khyenpa (1110-1193). Các vị Karmapa là những tulku đầu tiên được thừa nhận ở Tây Tạng.
Ca Diếp (Kasyapa)– ‘od srung, vị thứ ba trong một ngàn vị Phật trong kiếp hiện tại, vị Phật xuất hiện trước Đức Thích Ca Mâu Ni. Kasyapa cũng là tên của một trong những đệ tử Thanh Văn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Katyayana– Vị A La Hán Ấn Độ là một đệ tử của Đức Phật và ghi chép lại một phần của A tì đàm (Abhidharma).
Thân (Kaya) – sku, xem ba thân, bốn thân, năm thân.
Kết quả của các hành vi – las rgyu ‘bras, Phạn: phala. Xem nghiệp (karma).
Kết quả quy định – dbang gi ‘bras bu, tác dụng của các hành vi lên hoàn cảnh trong đó ta sống trong một đời tương lai.
Kết quả viên mãn – rnam smin gyi ‘bras bu, Phạn: vipakaphala, thời điểm một hành động có kết quả cực đại, ví dụ như một sự tái sinh trong địa ngục.
Khampa Lungpa – khams pa lung pa (sgang sha’kya yon tan) (1025-1115), một Lạt ma Kadampa, một trong những đệ tử chính của Drom Tonpa.
Kharak Gomchung, (Geshe) – kha rag sgom chung, một Lạt ma Kadampa sống vào thế kỷ thứ 11, đệ tử của Geshe Potowa. Danh hiệu của Ngài có nghĩa là “Tiểu Thiền giả xứ Kharak,” và Ngài nổi tiếng bởi tánh kiên trì và sự áp dụng nghiêm cẩn giáo lý. Ta được biết rằng Ngài đã thọ nhận giáo lý Đại Viên Mãn và thành tựu thân cầu vồng.
Khatvanga – một chĩa ba với nhiều vật trang sức có tính chất tượng trưng.
Kho tàng – xem kho tàng tâm linh.
Kho tàng tâm linh – gter ma, các giáo lý, cùng những pho tượng và những đồ vật khác đã được Đức Padmasambhava, Yeshe Tsogyal và những vị khác cất giấu trong đất, đá, các hồ và cây cối, hoặc ngay cả trong những địa điểm vi tế hơn chẳng hạn như không gian hay tâm vì lợi ích của các thế hệ tương lai, và sau đó được phát hiện lại bằng những cách thế phi thường bởi những Hóa Thân của các đệ tử của Đức Padmasambhava, là những bậc khám phá kho tàng (những vị Khai Mật Tạng).
Không chỉnh sửa – ma bcos pa, Phạn: naisargika, để trong trạng thái nguyên sơ của nó, không có những vận dụng hay tạo tác.
Không Chiến đấu – ‘thab bral, Phạn: Yama, tên của một cõi trời trong Dục Giới, được gọi như thế là bởi nó cao tới mức các vị trời ở đó không phải chiến đấu với các bán-thần. Xem ba cõi.
Khu, Ngok và Drom – ba đệ tử chính của Atisa. Danh hiệu đầy đủ của các Ngài là Khuton Tsondru Yungdrung, Ngok Lekpai Sherab, và Drom Gyalwai Jungne (Drom Tonpa).
Khuynh hướng – xem những khuynh hướng quen thuộc.
Kiếp (Kalpa) – bskal pa. Một đại kiếp, tương ứng với một chu kỳ hình thành và hoại diệt của một thế giới, được phân ra thành tám mươi kiếp trung gian. Một kiếp trung gian bao gồm một kiếp nhỏ trong đó thọ mạng v.v.. tăng trưởng và một kiếp nhỏ trong đó thọ mạng suy giảm.
Kila – phur ba, Bổn Tôn phẫn nộ, phương diện hoạt động của tất cả chư Phật, một hiển lộ của Vajrasattva. Thực hành liên quan tới Bổn Tôn này được đặt nền trên bốn phương diện của Kila, đó là các phương diện vật thể nghi lễ, lòng bi mẫn, Bồ Đề tâm và trí tuệ-tỉnh giác.
Kim cương – có các phẩm tính của kim cương (vajra).
Kim Cương Hỉ – bzhad pa rdo rje, danh hiệu khác của Garab Dorje.
Kim Cương Hoan Hỉ – dgyes pa rdo rje, một danh hiệu của Garab Dorje.
Kinh (Sutra) – mdo, một bản văn súc tích do Đức Phật thuyết; một trong Ba Pitaka. Xem Tam Tạng (Tripitaka).
Kinh mạch – rtsa, Phạn. nadi, các kinh mạch vi tế trong đó năng lực vi tế (rlung, Phạn. prana) lưu thông. Các kinh mạch chính bên trái và phải chạy từ các lỗ mũi tới dưới rốn, ở đó chúng hợp thành kinh mạch trung ương.
Kinh mạch trung ương – rtsa dbu ma, Phạn. avadhuti, trục giữa của thân vi tế. Sự mô tả chính xác của nó thay đổi tùy theo thực hành đặc biệt. Nó tượng trưng cho trí tuệ bất-nhị.
Krisnacarya – nag po spyod pa, một trong tám mươi tư Đại Thành tựu giả của Ấn Độ.
Krisnacarya – nag po spyod pa, một trong tám mươi tư Đại Thành tựu giả của Ấn Độ.
Kriya (yoga) – bya ba, cái thứ nhất trong ba tantra ngoại, cái thứ tư trong chín thừa. Trong loại thực hành này điểm nhấn chủ yếu được đặt trên cách hành xử và sự tinh sạch đúng đắn bên ngoài.
Ksatriya – rgyal rigs, một trong bốn giai cấp của hệ thống xã hội Ấn Độ thời xa xưa, giai cấp của các vua chúa và chiến sĩ.
Kusa – ku sha, một loại cỏ được coi là tốt lành, bởi Đức Phật đã an tọa trên một tấm nệm làm bằng loại cỏ này khi Ngài thành tựu Giác ngộ.
La Sát – srin po, một loại tinh linh hiểm độc ăn thịt người.
Lạc (kinh nghiệm) – bde nyams, một trong ba loại kinh nghiệm trong việc thiền định. Xem các kinh nghiệm.
Lạc và tánh Không – bde stong, đại lạc được kinh nghiệm mà không có sự bám luyến, như trống không.
Lạt ma – bla ma, Phạn: guru, 1) vị Thầy tâm linh, được giải nghĩa là sự trái ngược của bla na med pa, “không có gì siêu việt.” 2) thường được dùng rộng rãi để chỉ các tu sĩ hay yogi Phật Giáo nói chung.
Lakhe – gla khe, loại cây có vỏ ngọt.
Langri Thangpa, (Geshe) – glang ri thang pa (1054-1123), Geshe phái Kadampa, đệ tử của Geshe Potowa, tác giả của Tu Tập Tâm thức trong Tám Bài Kệ và là vị sáng lập Tu viện Langthang.
Lễ lạy – phyag ‘tshal ba, cử chỉ tôn kính, trong đó trán, hai bàn tay và hai đầu gối chạm đất.
Lingje Repa – gling rje ras pa (1128-1188), vị sáng lập phái Drukpa Kagyu.
Lỗ mở Brahma – tshang pa’i bu ga, Phạn. brahmarandra, điểm ở trên đỉnh đầu nơi kinh mạch trung ương chấm dứt.
Longchenpa – klong chen rab ‘byams pa (1308-1363), cũng được gọi là Bậc Toàn Giác hay Pháp Vương, một trong những Đạo Sư tâm linh và học giả phi thường nhất của phái Nyingmapa. Ngài đã biên soạn hơn 250 luận thuyết hầu như bao trùm mọi lý thuyết và thực hành Phật Giáo cho tới Đại Viên Mãn, Ngài ở trong số những Đạo Sư vĩ đại nhất diễn giảng nó. Trong số những luận thuyết vẫn còn lưu truyền là các tác phẩm nổi tiếng: Bảy Kho Tàng (mdzod bdun), Nyingtk Yabzhi (snying tig ya bzhi), Bộ ba Sự Nghỉ Ngơi (ngal gso skor gsum), Giải Thoát Tự Nhiên (rang grol skor gsum), Bộ ba Sự Xua Tan Bóng Tối (mun sel skor gsum) và Các Tác Phẩm Đa Tạp (gsung thor bu).
Luân xa – ‘khor lo, Phạn: cakra, một trong những trung tâm năng lượng ở những điểm khác nhau trên kinh mạch trung ương, từ đó tỏa ra những kinh mạch nhỏ vi tế đi tới mọi phần trong thân thể.
Luật (Vinaya) – ‘dul ba, một trong Tam Tạng (Ba Pitaka), gồm những giáo lý về giới luật và đạo đức học của tu viện nói chung.
Lúc khởi đầu – Chúng tôi đã dùng từ này để dịch ye trong các thành ngữ như ye nas, “ngay từ lúc bắt đầu” hay ye dag “thanh tịnh từ lúc khởi đầu.” Tuy nhiên phải hiểu rằng từ này không nói tới một giây phút đầu tiên của sự khởi nguồn hay sáng tạo trong quá khứ xa xôi, mà đúng hơn nó nói tới sự kiện là bản tánh thanh tịnh đã luôn luôn hiện diện một cách nội tại (vô thủy).
Machik Labdron – ma cig lab sgron (1031-1129), một đệ tử của Padampa Sangye, Bà trở thành bậc trì giữ các giáo huấn về thực hành Cho của vị Thầy.
Madhyamika – dbu ma’i lam, xem Trung Đạo.
Maha (yoga) – cái đầu tiên trong ba yoga cao cấp theo cách phân loại Giáo Pháp thành chín thừa. Trong yoga này, sự nhấn mạnh chủ yếu được đặt trên giai đoạn phát triển (bskyed rim).
Mahamudra – phyag rgya chen po, nghĩa đen: Đại Ấn. Đại Ấn có nghĩa là dấu ấn của bản tánh tuyệt đối trên mọi sự, và mọi hiện tượng thuộc về mạn đà la trí tuệ. Thuật ngữ này có thể được dùng để chỉ rõ giáo lý, thực hành thiền định hay sự thành tựu siêu việt.
Mahayana – theg pa chen po, xem Đại Thừa.
Mạn đà la – dkyil ‘khor, nghĩa đen: trung tâm và chu vi. 1) Thế giới với cung điện của Bổn Tôn ở trung tâm, như được quán tưởng trong thực hành của giai đoạn phát triển. 2) Thế giới lý tưởng được quán tưởng như một vật cúng dường.
Mạn đà la bảy điểm – mandal so bdun ma, mạn đà la gồm có Núi Tu Di, bốn lục địa, mặt trời và mặt trăng.
Di Lặc (Maitreya) – byams pa, Đức Phật sắp xuất hiện, vị thứ năm trong kiếp hiện tại. Ngài cũng là một trong Tám Nam Tử Thân Thiết Vĩ Đại.
Maitriyogi – byams pa’i rnal ‘byor pa, một trong ba vị Thầy chính của Atisa.
Mamo – mamo, Phạn: matrika, một loại Dakini.
Mandarava – một Dakini, con gái của Vua xứ Zahor ở Ấn Độ. Một trong năm đệ tử và phối ngẫu chính của Padmasambhava và một trong những vị trì giữ chính yếu giáo lý của Ngài.
Mandhatri – nga las nu, một Hóa Thân trước của Đức Phật, vị đã trở nên đầy uy lực nhờ năng lực của công đức trong quá khứ, nhưng do một vài tư tưởng xấu ác nên đã bị mất năng lực.
Mani – thần chú của Đức Avalokitesvara (Chenrezi), om mani padme hum.
Manjusrimitra – ‘jam dpal bshes gnyen, Đạo sư thứ hai trong nhân loại thuộc dòng truyền thừa Đại Viên Mãn, một đại học giả của Nalanda và đệ tử của Garab Dorje.
Màn trướng quý báu – rin po che’i gdugs, một trong tám biểu hiện tốt lành, nó tương ứng với đầu của Đức Phật và tượng trưng cho sự che chở khỏi các hành vi tiêu cực.
Mara – bdud, quỷ ma, xem chú thích 230; kẻ quyến rũ nói chung, những gì gây chướng ngại cho thực hành tâm linh và sự giác ngộ.
Marpa – lho brag mar pa (1012-1097), Đạo sư và dịch giả vĩ đại Tây Tạng, đệ tử của Drogmi, Naropa, Maitripa và các đại thành tựu giả khác. Ngài mang nhiều tantra từ Ấn Độ về Tây Tạng và phiên dịch chúng. Các giáo lý này được truyền xuống Milarepa và các đệ tử khác của Ngài, và là nền tảng của giáo lý dòng Kagyu.
Mật – mkhris pa, một trong ba chất dịch của thân thể, sự mất quân bình của nó tạo nên những loại bệnh tật khác nhau. Cũng xem gió, đàm.
Mật Chú Thừa – gsang ngags kyi theg pa, một nhánh của Đại Thừa, thừa này sử dụng các kỹ thuật đặc biệt của các tantra để việc đeo đuổi con đường giác ngộ vì tất cả chúng sinh được nhanh chóng hơn.
Mâu Ni (Muni) – thub pa, nghĩa đen: Đấng Vĩ Đại. Một tính ngữ của một vị Phật.
Melong Dorje – me long rdo rje (1243-1303), đại thành tựu giả Tây Tạng, vị Thầy của Kumaradza, thầy của Longchenpa.
Milarepa – xem Jetsun Mila.
Một Trăm Âm – yig brgya, thần chú của Đức Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), tượng trưng cho tinh tuý của Một Trăm Gia đình.
Một Trăm Gia đình – rigs brgya, bốn mươi hai Bổn Tôn hòa bình và năm mươi tám Bổn Tôn phẫn nộ.
Mười hai loại giảng dạy trong Tam Tạng – sde snod bcu gnyis, nghĩa đen: mười hai Tam Tạng, cũng gọi là Mười hai Nhánh Ngữ Tuyệt Hảo (gsung rab yan lag bcu gnyis). Mười hai loại giảng dạy do Đức Phật ban giảng tương ứng với mười hai loại Kinh: khế kinh (mdo sde, Phạn: sutra), trùng tụng (dbyangs bsnyan, geya), thọ ký (lung bstan, vyakarana), phúng tụng (tshigs bcad, gatha), tự thuyết (ched brjod, udana), nhân duyên (gleng gzhi, nidana), bản sanh (skyes rab, jataka), vị tằng hữu (rmad byung, adbhutadharma), luận nghĩa (gtan babs, upadesa), thí dụ (rtogs brjod, avadana), bản sự (de ltar byung, itivrittaka), và phương quảng (shin tu rgyas pa, vaipulya).
Mười hai phẩm tính của việc tu tập viên mãn (hạnh đầu đà) – sbyangs pa’i yon tan bcu gnyis, Phạn: dvadasadhutaguna, mười
hai thực hành khổ hạnh của các Thanh Văn và Phật Độc Giác, chẳng hạn như ngày ăn một bữa, sống ở nơi cô tịch, chỉ sở hữu ba y, v.v…
Mười Hai Tiếng Cười Kim Cương – rdo rje gad mo bcu gnyis, một giáo lý của Đại Viên Mãn.
Mười phương – phyogs bcu, bốn phương chính, bốn phương trung gian, điểm cao nhất, điểm thấp nhất.
Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) – mo’u ‘gal gyi bu, một trong hai đệ tử Thanh Văn nổi tiếng nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài được cho là bậc có các năng lực thần thông vĩ đại nhất.
Nada – được định nghĩa là chos nyid kyi rang sgra, âm thanh tự nhiên của Pháp Tánh (dharmata). Trong âm hum nó được tượng trưng bởi một ngọn lửa nhỏ trên vòng tròn ở đỉnh, biểu tượng cho trạng thái giác ngộ, tinh tuý duy nhất, giác tánh tỉnh thức.
Long, Rồng (Naga) – klu, một sinh loài giống như rắn sống ở sâu trong nước hay dưới mặt đất. Mặc dù có các năng lực kỳ diệu, họ được xếp vào loài súc sinh. Xem ba cõi.
Long Thọ (Nagarjuna) – klu sgrub (thế kỷ thứ 1-2), Đạo sư Ấn Độ, một trong Sáu Vật Trang Hoàng. Ngài giảng dạy giáo lý Trung Đạo và biên soạn nhiều luận thuyết triết học và y học.
Nalanda – nơi sinh trưởng gần Rajagriha của đệ tử Đức Phật là Ngài Xá Lợi Phất, nơi về sau trong thời của các vị vua Gupta (thế kỷ thứ 5) trở thành một trong những trung tâm tu học vĩ đại nhất của Phật Giáo Ấn Độ. Nó bị phá huỷ khoảng năm 1200.
Namcho Mingyur Dorje – gnam chos mi ‘gyur rdo rje, một vị khám phá kho tàng (khai mật tạng) ở thế kỷ 16.
Nanda – dga’bo, một người em họ của Đức Phật, về sau trở thành một trong những đệ tử xuất sắc của Ngài.
Naropa – na ro pa (1016-1100), học giả và thành tựu giả Ấn Độ, đệ tử của Tilopa và Đạo sư của Dịch giả Marpa
Năm Bộ – rigs lnga , Phạn. pancakula, Phật, Kim Cương, Bảo Sanh, Liên Hoa và Nghiệp Bộ. Năm Bộ Phật tượng trưng cho thực tánh của mọi sự. Ví dụ như, Năm Đấng Chiến Thắng là thực tánh của năm uẩn, Năm Phối Ngẫu của các ngài là thực tánh của năm yếu tố (năm đại), và năm trí tuệ là thực tánh của năm độc, và v..v..
Năm con đường – lam lnga, Phạn: pancamarga, năm giai đoạn liên tiếp trong con đường đi tới giác ngộ: các con đường tích tập, hợp nhất, thấy (kiến), thiền định, và con đường siêu việt sự học.
Năm khoa học (Ngũ minh) – rig gnas lnga, Phạn: pancavidya, năm nhánh của sự học tập mà một pandita phải thông suốt: 1) chế tạo các đồ vật (gzo rig gnas, silpavidya), 2) tu sửa các sự vật (bao gồm y khoa; gso ba’i rig gnas, cikitsavidya), 3) ngữ văn (sgra’ rigs gnas, Sabdavidya), 4) luận lý học (gtan tshigs kyi rig gnas, hetuvidya) và 5) triết học (nang don rig gnas, adhyatmavidya).
Năm năng lực – xem năng lực.
Năm độc – dug lnga, năm cảm xúc tiêu cực: 1) si, gti mug, Phạn. moha (AT: sự vô minh, lầm lạc), 2) tham, ‘dod chags, raga (AT: dục vọng), 3) sân, zhee sdang, dvesa (bao gồm sự thù ghét, giận dữ, v.v..), 4) ganh tị, phra dog, irsya, và 5) kiêu ngạo, nga rgyal, mana.
Năm samaya thưởng thức – dang du slang ba’i dam tshig lnga, năm samaya phụ thuộc trong Đại Viên Mãn. Chúng đề cập tới sự vui hưởng năm loại thịt và năm chất cam lồ, những chất thể được các hành giả Mật Thừa sử dụng mà thông thường được coi là bất tịnh hay bị cấm kỵ.
Năm suy hoại (ngũ trược) – snyigs ma lnga, đó là suy hoại của 1) thọ mạng 2) các cảm xúc tiêu cực (năm độc tăng trưởng) 3) chúng sinh (khó có thể cứu giúp họ) 4) thời đại (chiến tranh và nạn đói kém phát triển) 5) quan niệm (các niềm tin sai lạc lan tràn).
Năm thân (kaya) – sku lnga, Phạn: pancakaya, ba thân được thêm vào Thân Kim Cương Bất Biến (mi ‘gyur rdo rje’i sku, Phạn: vajrakaya) và Thân Toàn Giác (mngon par byang chub pa’i sku, Phạn: abhisambodhikaya) Thành ngữ cũng có thể ám chỉ năm Bộ Phật: thân, ngữ, tâm, các phẩm tính và hoạt động.
Năm toàn thiện (viên mãn) – phun sum tshogs pa lnga, vị Thầy, giáo lý, nơi chốn, các đệ tử và thời gian toàn thiện.
Năm tội có quả báo tức thời – mtshams med lnga, Phạn: pancanantariya, 1) giết cha hay 2) giết mẹ hay 3) giết một vị A La Hán; 4) gây chia rẽ trong Tăng Đoàn; 5) làm một vị Phật chảy máu với sự ác ý. Những người mắc phạm một trong năm hành vi này bị tái sinh lập tức trong địa ngục Đau khổ Tột cùng sau khi chết, mà không kinh qua trạng thái trung gian.
Năm tội lỗi gần như trọng tội (như năm tội bị quả báo tức thời) – nye ba’i mtshams med lnga, 1) hành xử bất tịnh với một nữ A La Hán; 2) giết hại một vị Bồ Tát; 3) giết hành giả đang tu tập hướng tới cấp độ siêu việt; 4) trộm cắp tài sản của Tăng Đoàn; 4) phá hủy một bảo tháp (stupa).
Năm trăm ngàn chuẩn bị – ‘bum lnga, năm thực hành chuẩn bị theo truyền thống: quy y, Bồ Đề Tâm, Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), mạn đà la và Guru yoga, mỗi thực hành được thực hiện một trăm ngàn lần.
Năm trí tuệ – ye shes lnga, năm phương diện trí tuệ của Phật Quả: trí tuệ của Pháp Giới tuyệt đối (Pháp Giới Thể Tánh Trí, chos dbyings kyi ye shes, Phạn: dharmadhatujnana), trí tuệ như tấm gương (Đại Viên Cảnh Trí, mee long gi ye shes, adarsajnana), trí tuệ bình đẳng (Bình Đẳng Tánh Trí, mnyam nyid kyi ye shes, samatajnana), trí tuệ phân biệt (Diệu Quan Sát Trí, so sor rtog pa’i ye shes, pratyaveksanajnana), và trí tuệ hoàn toàn thành tựu (Thành Sở Tác Trí, bya ba grub pa’i ye shes, rityanusthanajnana). Xem năm bộ.
Năng lực – rlung, Phạn: prana, vayu, nghĩa đen: gió. Đặc tính của nó là “nhẹ và chuyển động.” Tâm được mô tả như cưỡi trên rlung giống như một kỵ sĩ trên lưng ngựa. Năm loại rlung khác nhau điều chỉnh các chức năng của thân: 1) năng lực đi lên (gyen rgyu), 2) năng lực triệt thoái (thur sel), 3) năng lực nồng nhiệt (me mnyam), 4) năng lực toàn-khắp (khyab byed) và 4) năng lực duy trì sự sống (srog ‘dzin).
Nền tảng – của – tất cả – kun gzhi, Phạn: alaya, hình thức ngắn gọn của kun gzhi mam par shes pa, tạng thức, tâm thức nền tảng trong đó những khuynh hướng quen thuộc được tàng trữ. Nó là nền tảng cho những thức khác. Đôi khi, trong một vài giáo lý, kun gzhi được dùng cho bản tánh nguyên thủy, thuần tịnh nguyên sơ (ka dag).
Nghiên cứu – thos pa, nghĩa đen: sự lắng nghe. Theo truyền thống, lắng nghe giáo lý là cách thức chính yếu để học tập ở Tây Tạng. Trước khi nghiên cứu một bản văn, điều quan trọng là nhận lãnh sự truyền dạy qua tai bằng cách thực sự nghe Pháp ngữ của vị Thầy. Như thế, “nghiên cứu” không chỉ là việc đọc một bản văn.
Nghiệp (Karma) – las. Chúng ta thường thích nói “kết quả của các hành động,” “những hành động và kết quả của chúng” hay ‘nguyên lý nhân quả.’ Theo nghĩa đen nghiệp có nghĩa là
‘hành động,” nhưng thường được dùng rộng rãi để chỉ kết quả do các hành vi trong quá khứ tạo nên (las kyi ‘bras bu, Phạn: karmaphala).
Nghiệp chướng (các che chướng do các hành vi trong quá khứ) – las kyi sgrib pa, Phạn: karmavarana, các che chướng được gây nên bởi các hành vi tiêu cực. Xem các che chướng.
Nghiệp lực – las kyi rlung, năng lực được quyết định bởi nghiệp của ta, đối nghịch với ye shes kyi rlung, năng lực kết hợp với trí tuệ.
Nguồn mạch của điều tốt lành – dge ba’i rtsa ba, Phạn: kusalamula, những hành vi tích cực giống như các gốc rễ (rtsa ba) của công đức hay điều tốt lành (dge ba).
Nguyên lý nhân quả – las rgyu ‘bras, nghĩa đen: hành vi, nhân và quả. Tiến trình bằng cách đó mỗi hành vi tạo ra một kết quả tương ứng. Xem nghiệp.
Nguyện Ước Vô Biên – mos pa mtha yas, một vị Phật vị lai, vị cuối cùng trong một ngàn vị Phật sẽ xuất hiện trong Hiền Kiếp hiện tại này.
Nhị nguyên – gnyis ‘dzin, nghĩa đen: sự bám chấp vào hay thấy có hai, Quan niệm về “ta” và “người.”
Như Lai – xem Tathagata.
Như thị – de bzhin nyid, Phạn: tathata, “bản tánh của mọi sự, tánh Không.” DKR.
Những Cấp độ Siêu phàm – xem Các Cấp độ Bồ Tát.
Những cảm xúc tiêu cực – nyon mongs pa, Phạn. klesa, “các hiện tượng trong tâm tấn công thân và tâm và đưa dẫn tới các hành vi ác hại, gây nên một trạng thái đau khổ trong tâm thức.” DICT. AT: các cảm xúc đau buồn, những đam mê, những phiền não. Từ đồng nghĩa với độc (dug). Xem năm độc.
Những Hồ Tràn Đầy Vĩ Đại – rol pa’i mtsho chen, “bảy hồ bao quanh Núi Tu Di, trong đó các Long Vương sinh sống và nô đùa.” DICT.
Những khuynh hướng quen thuộc – bag chags, Phạn: vasana, những kiểu thức quen thuộc của tư tưởng, ngôn ngữ hay hành vi được tạo nên bởi những gì ta từng làm trong những đời quá khứ. AT: những tập quán, thiên hướng, những sự tiêm nhiễm.
Những thiền định thế tục – những sự thiền định tập trung không đưa tới giác ngộ mà chỉ dẫn tới sự tái sinh trong các cõi trời. Xem bốn thiền định.
Nhục kế – gtsug tor, Phạn: usnisa, chỗ nhô lên trên đầu một vị Phật, một trong ba mươi hai tướng chính.
Niết bàn (Nirvana) – mya ngan las ‘das pa, trạng thái siêu vượt đau khổ. Ý niệm về Niết Bàn không giống nhau trong Thanh Văn Thừa, Đại Thừa và Kim Cương Thừa.
Nội quán sâu xa – lhag mthong, Phạn: vipasyana, “nhìn với con mắt trí tuệ bản tánh riêng biệt của các sự việc.” DICT.
Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ – zangs mdod dpal ri, một cõi Phật do Đức Padmasambhava hiển lộ, Ngài tới đó khi rời Tây Tạng và hiện vẫn an trụ ở đó.
Núi Tu Di (Meru) – ri rgyal po ri rab, ngọn núi vĩ đại, đỉnh rộng lớn hơn chân núi, bốn lục địa của thế giới được bố trí quanh núi, phù hợp với khoa vũ trụ học của Ấn Độ thời xa xưa.
Nyingmapa – xem Truyền thống Cũ.
Oddiyana – o rgyan, một xứ sở Dakini là nơi sinh của Đức Padmasambhava. Theo một vài tài liệu thì nó được xác định ở giữa Afghanistan và Kashmir ngày nay. Nó cũng là nơi sinh của Garab Dorje. Việc dùng từ “Oddiyana” gắn liền với các danh hiệu chẳng hạn như “Đấng Vĩ Đại,’ “Đức Phật Thứ Hai,” ‘Đạo Sư Vĩ Đại,” và v.v.. luôn luôn ám chỉ Đức Padmasambhava.
Orgyenpa (Rinchen Pal) – o rgyan pa rin chen dpal (1230-1309), một đại thành tựu giả của truyền thống Drukpa Kagyu, đệ tử của Gotsangpa. Ngài du hành khắp nơi, thăm viếng Oddiyana, Bodhgaya và Trung Hoa. Trong số các đệ tử của Ngài có Karmapa Rangjung Dorje, Kharchupa và Dawa Senge.
Ô nhiễm (hành vi) – zag bcas, Phạn: sasrava, được làm với ba ý niệm về chủ thể, đối tượng và hành động.
Padampa Sangye – pha dam pa sangs rgyas (thế ky1-12), Thành tựu giả Ấn Độ lập nên giáo lý của phái Shijepa (zhi byed pa). Ngài là Đạo sư của Machik Labdron, Ngài đã trao truyền cho Bà giáo lý Cho. Ngài đã du hành tới Tây Tạng vài lần.
Padma – danh hiệu mà Đức Padmasambhava ám chỉ chính mình. Danh hiệu có nghĩa là “hoa sen.”
Padma Thotreng – padma thod phreng rtsal, nghĩa đen: Padma đeo vòng hoa sọ người. Một trong những danh hiệu của Đức Padmasambhava.
Padmasambhava xứ Oddiyana – o rgyan padma ‘byung gnas, Đạo Sư – sanh – tư – Hoa Sen xứ Oddiyana, Đức Liên Hoa Sanh, thường được gọi là Guru Rinpoche. Trong triều đại của Vua Trisong Detsen, Đạo Sư vĩ đại đã điều phục các thế lực xấu ác chống lại việc truyền bá Phật Giáo ở Tây Tạng, phổ biến giáo lý Phật Giáo Kim Cương Thừa ở đất nước đó và cất dấu vô số kho tàng tâm linh vì lợi lạc của những thế hệ tương lai. Ngài được tôn kính như Đức Phật thứ hai mà sự xuất hiện của Ngài đã được vị thứ nhất là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tiên đoán, để ban dạy các giáo lý đặc biệt của Kim Cương Thừa.
ni cô (Palmo) – dge slong ma dpal mo, ni cô Ấn Độ nổi tiếng đã truyền bá thực hành ăn chay – một ngày và giữ giới im lặng (Nyung – ne) và đạt được thành tựu siêu việt nhờ thực hành của Đức Avalokitesvara.
tu viện (Palyul) – dpal yul, một trong sáu đại tu viện của phái Nyingmapa.
Pandita – một học giả, bậc uyên bác trong năm khoa học truyền thống (xem: năm khoa học). Đặc biệt được dùng để ám chỉ các học giả Ấn Độ.
Phật – sangs rgyas, “ Đấng đã tẩy trừ (sangs) bóng tối của hai che chướng và phát triển (rgyas) hai loại toàn trí (sự thấu suốt bản tánh của các hiện tượng và sự thấu suốt vô số các hiện tượng.)” DICT.
Phật Độc Giác – rang sangs rgyas, “bậc đạt được sự chấm dứt luân hồi mà không cần sự trợ giúp của một vị Thầy tâm linh. Bằng cách nghiên cứu bản tánh của căn nguyên tương thuộc, Ngài chứng ngộ sự vắng mặt của hiện hữu thực sự của cái ngã và bán-chứng ngộ sự vắng mặt sự hiện hữu thực sự của các hiện tượng.” DICT.
Phật Tánh – de gshegs snying po, Phạn: tathagatagarbha, tiềm năng của Phật Quả hiện diện trong mỗi chúng sinh. AT: cốt tủy của Phật Quả.
Pháp – chos. Thuật ngữ này có một số ý nghĩa khác nhau. Trong ý nghĩa rộng lớn nhất thì nó có nghĩa là tất cả những gì có thể được thấu suốt. Trong bản văn này thuật ngữ Pháp được dành riêng để chỉ giáo lý của Đức Phật. Nó có hai phương diện: Pháp của sự truyền dạy (lung gi chos), đó là những giáo lý thực sự được ban truyền, và Giáo Pháp của sự chứng ngộ (rtogs pa’i chos), hay các trạng thái trí tuệ, v.v.. là những gì đạt được nhờ việc áp dụng giáo lý. Nó thường được ám chỉ là “Pháp Siêu Việt” bởi nó giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ.
Pháp (Dharma) hay chos cũng có thể chỉ đơn giản có nghĩa là ‘các hiện tượng.” Khi có ý nghĩa này thì nó được dịch theo nghĩa hẹp.
Pháp Giới – chos dbyings, Phạn. dharmadhatu, AT: sự phát triển của thực tại. Từ quan điểm của cái thấy chứng ngộ, mọi hiện tượng xuất hiện như sự phát triển của tánh Không.
Pháp Luân – chos kyi ‘khor lo, Phạn: dharmacakra, biểu tượng của Phật Pháp. Chuyển Pháp Luân có nghĩa là giảng dạy Giáo Pháp. Trong đời Ngài, Đức Phật đã ban ba loạt giáo lý chính yếu, chúng được nhắc tới là các cuộc chuyển Pháp Luân lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba.
Pháp Vương của những điều Ẩn Mật – gsang ba’i bdag po, một tính ngữ của Kim Cương Thủ (Vajrapani).
Pháp-Vương Toàn Giác – tính ngữ của Longchenpa.
Phối ngẫu – 1) yum, nữ Bổn Tôn được miêu tả trong sự hợp nhất với một nam Bổn Tôn (yab). Bà tượng trưng cho trí tuệ bất khả phân với phương tiện thiện xảo, được tượng trưng bởi nam Bổn Tôn. Các Ngài cũng tượng trưng cho Pháp Giới của tánh Không thì bất khả phân với giác tánh. 2) gsang yum, nghĩa đen: bà mẹ bí mật. Vợ của một đại Lạt ma.
Phương tiện – thabs, xem phương tiện thiện xảo.
Phương tiện thiện xảo – thabs, Phạn: upaya, hoạt động tự nhiên, vị tha phát sinh từ trí tuệ.
Pitaka – xem Tam Tạng (Tripitaka).
Pitaka, (thứ tư) – sde snod bzhi pa, pitaka của Mật Chú Thừa.
Potowa, (Geshe) – po to ba (1031-1105), một trong Ba Anh em, ba đệ tử nổi tiếng của Drom Tonpa (vị sáng lập phái Kadampa).
Preta – yi dvags, AT: tinh linh đói khát, tinh linh, quỷ đói.
Puchungwa, (Geshe) – phu chung ba, một trong Ba Anh em.
Purnakasyapa – od srung rdzogs byed, một Đạo sư thủ lãnh tirthika vào thời Đức Phật.
Quán đảnh – dbang bskur, Phạn: abhiseka, nghĩa đen: trao truyền năng lực. Sự cho phép nghe, nghiên cứu và thực hành giáo lý Kim Cương Thừa. Việc này xảy ra trong một buổi lễ có thể hết sức phức tạp hoặc hoàn toàn đơn giản. Xem bốn quán đảnh.
Quán đảnh bí mật – gsang dbang. Quán đảnh thứ hai, “quán đảnh tịnh hóa những ô nhiễm của ngữ, khiến ta có thể thiền định về các kinh mạch và năng lực, có thể trì tụng các thần chú, và gieo trồng hạt giống để đạt được ngữ kim cương và Báo Thân.” DICT.
Quán đảnh Cái Bình – bum dbang, quán đảnh thứ nhất “tịnh hóa các ô nhiễm của thân, khiến ta có thể thiền định về giai đoạn phát triển và gieo trồng hạt giống để đạt được thân kim cương và Hóa Thân.”
Quán đảnh kết quả – ‘bras bu’i dbang, quán đảnh xảy ra vào lúc đạt được giác ngộ viên mãn.
Quán đảnh ngôn từ quý báu – tshig dbang rin po che, quán đảnh thứ tư “quán đảnh tiệt trừ những ô nhiễm của thân, ngữ, tâm và các tập khí, khiến ta thiền định về Đại Viên Mãn tự nhiên và gieo trồng hạt giống để đạt được trí tuệ kim cương và Thân Tự Tánh.” DICT.
Quán đảnh trí tuệ – shes rab kyi dbang, quán đảnh thứ ba “tịnh hóa các ô nhiễm của tâm, làm cho ta có khả năng thiền định về giai đoạn toàn thiện và gieo trồng hạt giống để đạt được tâm kim cương và Pháp Thân.” DICT.
Quy y – 1) skyabs yul, đối tượng ở đó ta quy y. 2) skyabs ‘gro, thực hành quy y.
Repa Shiwa O – ras pa zhi ba ‘od, một trong những đệ tử chính của Milarepa.
Rinchen Zangpo – rin chen bzang po (958-1055), dịch giả nổi tiếng nhất trong cuộc truyền bá Phật Giáo lần thứ hai ở Tây Tạng, khi Truyền thống Mới bắt đầu.
Risi – drang srong, 1) nhà hiền triết, ẩn sĩ, thánh nhân, đặc biệt là những hiền triết nổi tiếng của thần thoại Ấn Độ, là những vị có sự trường thọ và những năng lực thần thông vĩ đại. 2) tên của một chòm sao.
Rộng lượng – sbyin pa, Phạn: dana, nghĩa đen: bố thí.
Ruộng công đức – tshogs zhing, tiêu điểm, hay đối tượng của việc cúng dường, sùng mộ, cầu nguyện, lễ lạy, v..v.. của ta, qua đó ta có thể thực hiện các tích tập công đức và trí tuệ cần thiết. Thuật ngữ thường hàm ý một tiêu điểm được quán tưởng của sự thực hành chẳng hạn như các Bổn Tôn quy y, vị Thầy trong Guru Yoga, v.v.. Việc thực hành và các hành vi tích cực của ta được hướng tới một hiện thân như thế của Phật, Pháp và Tăng đem lại cho chúng một năng lực to lớn hơn nữa.
Sa di – dge tshul, Phạn: sramanera. Một sa di giữ giới ít hơn một vị sư thọ cụ túc giới (dge slong, Phạn: bhiksu, Tỳ kheo).
Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) – rtag tu ngu, một vị Bồ Tát mà danh hiệu có nghĩa là “Hay Khóc,” vì lý do Ngài rơi lệ khi tìm cầu giáo lý trí tuệ siêu việt.
Sắc Thân (Rupakaya) – gzugs sku, Thân của Sắc tướng, nó bao gồm đồng thời Báo Thân và Hóa Thân.
Sakyapa – sa skya pa, một trong các trường phái của Truyền Thống Mới do Ngài Khon Konchok Gyalpo sáng lập (1034-1102).
Phổ Hiền (Samantabhadra) – kun tu bzang po, 1) Đức Phật nguyên thủy (Adibuddha), Đấng không bao giờ rơi vào mê
lầm, Đức Phật Pháp Thân hiện thân là một nhân vật trần trụi, sắc xanh dương đậm như bầu trời, trong sự hợp nhất với Samantabhadri, như một biểu tượng của giác tánh-tánh Không, bản tánh thuần tịnh, tuyệt đối luôn luôn hiện diện và không bị ngăn che. Suối nguồn của dòng truyền dạy tantra của phái Nyingma. 2) Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra), một trong Tám Nam Tử Thân Thiết Vĩ Đại, mà qua năng lực của sự thiền định, Ngài nổi danh về phương thức trong đó Ngài làm gia tăng bội phần một cách kỳ diệu những vật cúng dường mà Ngài thực hiện.
Samaya – dam tshig, nghĩa đen: hứa nguyện. Mối liên kết thiêng liêng giữa vị Thầy và đệ tử, và giữa các đệ tử với nhau trong Kim Cương Thừa. Từ Phạn ngữ samaya có thể có nghĩa là: thỏa thuận, cam kết, quy ước, giới luật, ranh giới, v.v.. Mặc dù có nhiều sự bắt buộc chi tiết, samaya cốt yếu nhất là coi thân, ngữ và tâm của vị Thầy là cái gì thanh tịnh.
Samsara – ‘khor ba, vòng luân hồi trong đó ta không ngừng bị xô đẩy bởi những cảm xúc tiêu cực và nghiệp lực của những hành vi của ta từ một trạng thái tái sinh tới trạng thái khác.
Samvarasara – bde mchog snying po, một trong những danh hiệu của Văn Thù (Manjusri).
Samye – bsam yas, tu viện đầu tiên ở Tây Tạng, trong thung lũng Tsangpo miền đông nam Lhasa, được xây dựng trong thời Vua Trisong Detsen. Tên này có nghĩa là “không thể nghĩ bàn.”
Samye Chimpu – bsam yas mchims phu, tên của một quần thể tu viện ở sườn núi trên Tu viện Samye, nơi nhiều Đại Đạo sư Phật Giáo đã đạt được thành tựu.
Sang Rinpoche – bla ma zhang rin po che (brtson ‘grus grags pa) (1121-1193), một đại Lạt ma Kagyupa, vị sáng lập phân phái Tsalpa Kagyu.
Sanh từ Hoa Sen (Liên Hoa Sanh), xem Padmasambhava.
Sankara – bde byed, ví dụ về một người mà dục vọng và sự thù ghét của ông ta mạnh tới nỗi giết chết mẹ mình. Ông hối hận và sau khi tịnh hóa những hành vi tiêu cực của mình, ông đã được tái sinh ở một cõi trời.
Santaraksita – zhi ba mtsho, cũng được gọi là Bồ Tát Tu viện trưởng. Vị học giả( pandita) Ấn Độ vĩ đại của Đại Thừa này là tu viện trưởng của Đại Học Phật Giáo Nalanda và là tác giả của một số các luận giảng triết học, chẳng hạn như Vật Trang hoàng của Trung Đạo (dbu ma rgyan, Phạn: Madhyamakalmkara-karika). Ngài được Vua Trisong Detsen mời tới Tây Tạng để hiến cúng địa điểm của tu viện Tây Tạng đầu tiên ở Samye và cho thọ giới những tu sĩ Tây Tạng đầu tiên.
Santideva – zhi ba lha (thế kỷ thứ 7), thi sĩ vĩ đại và đại thành tựu giả Ấn Độ, bậc đã làm kinh ngạc các tu sĩ của tu viện Nalanda của Ngài bằng bài kệ nổi tiếng về sự thực hành Bồ Đề tâm, Bodhicaryavatara (spyod ‘jug), hay Bồ Tát Đạo.
Saraha – sa ra ha, đại thành tựu giả Ấn Độ, tác giả của ba giáo khóa doha.
Trừ Cái Chướng (Sarvanivaranaviskambhin) – sgrib pa rnam sel, một trong Tám Nam Tử Thân Thiết Vĩ Đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Sastra – bstan bcos, một bình giảng về giáo lý của Đức Phật.
Sattvavajra – sems dpa’ rdo rje, một danh hiệu được ban cho Vajrapani.
Sáu cõi hiện hữu – ‘gro drug, Phạn: sadgati, sáu cách thế hiện hữu được tạo nên và bị thống trị bởi một độc tố đặc biệt trong tâm: các cõi địa ngục (sân), cõi ngạ quỷ (bủn xỉn), cõi súc sinh (si mê), cõi người (tham muốn), cõi bán thần hay A tu la (ganh tị), và cõi trời (kiêu ngạo). Chúng tương ứng với các tri giác mê lầm được tạo nên bởi nghiệp (karma) của chúng sinh và được nhận thức như thật có. Người ta cũng nói năm cõi, tính chung chư thiên và bán thần vào một cõi.
Sáu loại chúng sinh – ‘gro drug, xem sáu cõi hiện hữu.
Sáu thức – rnam shes tshogs drug, Phạn: sadvijnanakaya, nghĩa đen: sáu sự tập hợp của thức, nghĩa là sự tập hợp của một đối tượng giác quan, của một giác quan và của một thức. Chúng là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, xúc thức và ý thức.
Sáu toàn thiện siêu việt (sáu ba la mật) – pha rol tu phyin pa drug, Phạn: sad paramita: bố thí siêu việt (dana-paramita), trì giới siêu việt (Sila-paramita), nhẫn nhục siêu việt (ksanti-paramita), tinh tấn siêu việt (virya-paramita), thiền định siêu việt (dhyana-paramita) và trí tuệ siêu việt (prajna-paramita). Cũng xem toàn thiện siêu việt.
Sáu Vật Trang Hoàng – rgyan drug, sáu luận sư vĩ đại của Phật Giáo: Long Thọ (Nagarjuna), Thánh Thiên (Aryadeva), Vơ Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), Trần Na (Dignaga) và Dharmakirti (Pháp Xứng).
Savaripa – sha ba ri pa hoặc ri khrod dbang phyug, một trong tám mươi tư đại thành tựu giả của Ấn Độ. Ngài là thợ săn ở một bộ tộc vùng đồi núi xứ Bengal, và đã cùng hai người vợ trở thành các đệ tử của Nagarjuna.
Shapkyu – zhabs kyu, nghĩa đen: chân móc. Một dấu hiệu có dáng của một cái móc được đặt dưới một phụ âm để tượng trưng cho âm u.
Sharawa – shara ba (yon tan grags) (1070-1141), danh hiệu của một geshe Kadampa, đệ tử của Geshe Potowa.
Shubu Palgyi Senge – shud bu dpal gyi seng ge, một trong hai mươi lăm đệ tử của Padmasambhava.
thành tựu (Siddhi) – dngos grub, xem thành tựu.
Smrtijnana – (thế kỷ 10-11), Đạo sư và học giả( pandita) Ấn Độ nổi tiếng, người góp phần vào việc phiên dịch sang tiếng Tây Tạng và sửa chữa một vài tantra và luận giảng. Ở Tây Tạng, cái chết của Ngài đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn Cựu Dịch.
So, Zur và Nub – so zur gnubs, họ của ba Đạo sư vĩ đại là những bậc trì giữ lúc ban đầu của dòng truyền thừa Nyingma Kahma (sự truyền dạy dài từ Đạo sư sang đệ tử của giáo lý Nyingma, tương phản với Terma, hay những kho tàng tâm linh ẩn dấu, về sau được khám phá, đôi khi sau một thời gian rất dài). Tên họ của các Ngài là So Yeshe Wangchuk, Zur Shakya Jungne và Nub Chen Sangye Yeshe.
Songtsen Gampo – srong btsan sgam po (617-698), Vua Tây Tạng thứ 33 và một trong ba Vua Đạo (Pháp Vương) vĩ đại. Chính trong thời của Ngài mà những ngôi chùa Phật Giáo đầu tiên được xây dựng.
Sri Simha – dpal gyi seng ge (thế kỷ thứ 4), vị Thầy nhân loại thứ ba trong dòng truyền dạy Đại Viên Mãn, đệ tử của Manjusrimitra.
Srona (Sronajat) – gro byin skyes, một người chơi đàn vina sau trở thành đệ tử của Đức Phật và đạt được khả năng viếng thăm các cõi khác, đặc biệt là các cõi ngạ quỷ.
bảo tháp (Stupa)- mchod rten, nghĩa đen: sự hỗ trợ cho việc cúng dường, tượng trưng cho tâm Phật. Đài kỷ niệm tiêu biểu nhất, thường có một đáy vuông rộng lớn, phần giữa tròn, và một phần trên lớn hình nón mà tận cùng là một mặt trời và mặt trăng. Stupa thường chứa xá lợi của những bậc chứng ngộ. Kích thước của chúng biến đổi từ những mô hình đất sét nhỏ xíu tới những stupa rộng mênh mông tại Borobodur ở Indonesia và Bodha ở Nepal.
Sugata – bde bar gshegs pa, nghĩa đen: đạt được hạnh phúc: một vị Phật, Đấng Thiện Thệ. “Đấng sử dụng con đường hạnh phúc của Bồ Tát Thừa, đạt được kết quả hạnh phúc: Phật Quả viên mãn.” DICT.
Sunaksatra – legs pa’i skar ma, anh em họ của Đức Phật, là người mặc dù trải qua hai mươi lăm năm làm thị giả của Đức Phật và thấu hiểu tất cả giáo lý của Ngài, nhưng vẫn không thể thấy được bất kỳ phẩm tính tốt nào nơi Ngài. Ông chết không lâu sau khi rời Đức Phật và bị tái sinh làm một ngạ quỷ.
Pháp Vương (Suvarnadvipa) – gser gling pa, một Đạo sư Phật Giáo, Dharmakirti, sống ở Sumatra vào thế kỷ thứ 10. Atisa coi Ngài như bậc quan trọng nhất trong các vị Thầy. Từ Ngài, Atisa thọ nhận giáo lý Bồ Đề tâm.
Tam Bảo – dkon mchog gsum, Phạn: triratna, Phật, Pháp và Tăng đoàn.
Tam Giới – 1) khams gsum, Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Thế giới thứ nhất bao gồm chúng sinh ở các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người và bán thần, cùng một vài cõi trời. Hai thế giới kế tiếp là các cõi trời với một kinh nghiệm tinh tế là kết quả của một vài loại thiền định mãnh liệt (xem những thiền định thế tục), 2) Đôi khi được dùng để dịch sa gsum, Phạn: tribhvana, nghĩa đen là ba cấp độ: phía trên mặt đất (sa bla), trên mặt đất (sa steng) và bên dưới mặt đất ( sa ‘og); được gọi là cõi trời, cõi người và cõi rồng.
Tam Tạng (Tripitaka) – sde snod gsum, Ba tuyển tập (tạng) Giáo lý của Đức Phật, Kinh (Sutra), Luật (Vinaya), Luận (Abhidharma). Đôi khi giáo lý Kim Cương Thừa được coi la tạng (pitaka) thứ tư. Tripitaka có nghĩa là ‘ba cái giỏ,” được gọi như thế là vì trước tiên Kinh điển được chép lại trên những trang sách bằng lá cây cọ, được tập hợp lại và chứa trong những cái giỏ (rổ).
Tangka – thang ka, tranh cuộn Tây Tạng.
Tangtong Gyalpo – thang stong rgyal po (1385-1509), thành tựu giả Tây Tạng nổi tiếng, đã du hành khắp Trung Hoa, Tây Tạng và các quốc gia miền đông khác, xây dựng nhiều chùa chiền và các cây cầu kim loại và sáng lập các tu viện tại Derge và những nơi khác.
Tantra – rgyud, bản văn được đặt nền trên sự thuần tịnh nguyên thuỷ của bản tánh tâm, kết quả của nó là sự chúng ngộ bản tánh đó. Các bản văn gốc của giáo ly Kim Cương Thừa (Vajrayana).
Tantric – có liên quan tới các tantra, liên quan tới Vajrayana.
Tara – sgrol ma, nữ Bồ Tát sanh ra từ một giọt nước mắt của Đức Avalokitesvara; sự hiển lộ nữ tánh của lòng đại bi.
Như Lai (Tathagata) – bde bzhin gshegs pa, đấng đã đạt được chân tánh, một vị Phật.
Tám biểu hiện tốt lành – bkra shis rtags brgyad, tám biểu tượng (tương ứng với các bộ phận khác biệt của thân Phật): nút vĩnh cửu, hoa sen, màn trướng, ốc xà cừ, bánh xe, cờ, bình, và cá vàng.
Tám hành vi sai lầm – log pa rgyad, 1) chỉ trích điều tốt, 2) khen ngợi điều xấu, 3) làm ngưng trệ sự tích tập công đức của một người đức hạnh, 4) làm náo động tâm thức của người có lòng sùng mộ, 5) từ bỏ vị Thầy tâm linh, 6) từ bỏ Bổn Tôn, 7) từ bỏ các huynh đệ và tỉ muội kim cương, 8) phỉ báng một mạn đà la.
Tám mối quan tâm thế tục – ‘jig rten chos brgyad, Phạn: astalokadharmah, những bận tâm bình thường của những người không chứng ngộ không có một nhãn kiến tâm linh trong sáng. Đó là: được và mất, vui thú và đau khổ, khen và chê, vinh và nhục.
Tám Mộ-địa Vĩ đại – dur khrod chen po brgyad, những địa điểm khủng khiếp mà các daka và dakini tụ hôi. Trong ý nghĩa sâu xa thì chúng tương ứng với tám thức (rnam shes brgyad).
Tám mươi Thành tựu giả – 1. tám mươi (hay tám mươi tư) đại thành tựu giả của Ấn Độ cổ xưa mà cuộc đời các Ngài được Abhayadatta thuật lại (xem Các Sư tử của Đức Phật, Emeryville, Nhà Xuất bản Dharma, 1979). 2) tám mươi thành tựu giả xứ Yerpa ở Tây Tạng, các đệ tử đạt được những thành tựu siêu việt của Đức Padmasambhava.
Tám Nam Tử Thân Thiết Vĩ Đại – nye ba’i sras chen brgyad, các vị Bồ Tát chính yếu trong đoàn tùy tùng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Văn Thù (Manjusri), Quán Tự Tại (Avalokitesvara), Kim Cương Thủ (Vajrapani), Di Lặc (Maitreya), Địa Tạng (Ksitigarbha), Trừ Cái Chướng (Sarvanivaranaviskambhin), Hư Không Tạng (Akasagarbha) và Phổ Hiền (Samantabhadra). Mỗi vị thực hiện một vai trò đặc biệt để cứu giúp chúng sinh. Các Ngài tượng trưng cho trạng thái thuần tịnh của tám thức.
Tám thiên nữ cúng dường – mchod pa’i lha mo brgyad: Nữ Thần Sắc Đẹp (sgeg mo ma, Phạn: Lasya), Nữ Thần các Tràng Hoa (phreng ba ma, Mala), Nữ Thần Bài Ca (glu ma, Gita), Nữ Thần Nhảy múa (gar ma, Nrtya), Nữ Thần Các Bông Hoa (me tog ma, Puspa), Nữ Thần Trầm Hương (bdug spos ma, Dhupa), Nữ Thần Nhiệt Đăng (snang gsal ma, Aloka) và Nữ Thần Hương Thơm (dri chab ma, Gandha). Trong mạn đà la của các Bổn Tôn Báo Thân hòa bình, tám thiên nữ cũng là những phối ngẫu của tám Bồ Tát (xem Tám Nam Tử Thân Thiết Vĩ Đại), và tượng trưng một cách tôn kính cho trạng thái thuần tịnh của bốn đối tượng của các giác quan (sắc tướng, âm thanh, mùi hương, và mùi vị) và của bốn phương diện của tư tưởng (thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai và thời gian không xác định).
Tánh Không – stong pa nyid, Phạn: sunyata, sự vắng mặt của hiện hữu thực sự trong mọi hiện tượng.
Tà kiến – log lta, Phạn: mithyadristi, AT: niềm tin sai lạc, đặc biệt là một quan điểm sẽ dẫn ta tới những tiến trình hành động gây nên đau khổ hơn nữa.
Tân Dịch – xem Truyền thống Mới.
Tập khí – xem Những Khuynh hướng quen thuộc.
Tăng đoàn – dge ‘dun. Theo nghĩa rộng nó ám chỉ tất cả những hành giả của Phật Giáo. Nó có thể có một ý nghĩa giới hạn hơn phù hợp với văn cảnh, ám chỉ những Tu sĩ, A La hán, Bồ Tát, v.v..
Tenma – rten ma bcu gnyis, mười hai nữ Bổn Tôn địa phương phát nguyện bảo vệ Giáo Pháp trước sự hiện diện của Đức Padmasambhava.
Thanh Văn (Sravaka) – nyan thos, một môn đồ của Thừa nguyên thủy của Phật Giáo có mục đích giải thoát khỏi đau khổ của luân hồi sinh tử như một A La Hán. Không giống như các môn đồ của Đại Thừa, các vị Thanh Văn không khao khát sự Toàn Giác vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Thanh Văn Thừa (Sravakayana) – nyan thos kyi theg pa, Thừa của các Thanh Văn.
Thành tựu – 1) dngos grub, Phạn: siddhi. “Kết quả mong muốn và đạt được nhờ thực hành các giáo huấn.” DICT. Những thành tựu thông thường có thể chỉ là những năng lực siêu nhiên, nhưng trong quyển sách này thuật ngữ ‘thành tựu” luôn luôn ám chỉ thành tựu siêu việt, là sự Giác ngộ. 2) sgrub pa. Trong bối cảnh của sự trì tụng các thần chú, xem tiếp cận và thành tựu.
Thành tựu giả – grub thob, nghĩa đen: bậc đã đạt được thành tựu. Một số đã đạt được kết quả của thực hành Mật Thừa.
Thành tựu siêu việt – mchog gi dngos grub, xem sự thành tựu.
Thành tựu thông thường – thun mong gi dngos grub, các năng lực siêu nhiên phát sinh từ sự thiền định, không dành riêng cho Phật Giáo mà cũng phổ biến đối với những con đường khác. Xem thành tựu.
Thân Tự Tánh (Svabhavikakaya) – ngo bo nyid kyi sku, Thân của Bản tánh Cốt tủy; thân (kaya) thứ tư, phương diện của sự bất khả phân của Pháp Thân, Báo Thân và Hoá Thân.
Thân, ngữ, tâm, các phẩm tính và hoạt động – sku, gsung, thugs, yon tan, phrin las, năm phương diện của Phật Quả. Đôi khi được ám chỉ như năm thân (kaya). Cũng xem năm gia đình.
Thần chú (Mantra) – sngags, sự hiển lộ của giác ngộ siêu việt trong hình thức các âm thanh. Các âm tiết trong các sadhana của Mật Chú Thừa bảo vệ tâm thức hành giả thoát khỏi những tri giác phàm tục và khẩn cầu các Bổn Tôn trí tuệ.
Thần diệu Ỷ Lạc – ‘phrul dga’, Phạn: Nirmanarata, một cõi trời trong Dục Giới (ở cấp độ thứ năm của các vị Trời Dục Giới) trong đó các vị trời có thể tạo nên một cách thần diệu bất cứ những gì họ cần. Xem ba cõi.
Thế giới Bất khả phân – mi ‘byed ‘jig rten, thế giới của chúng ta, phạm vi hoạt động của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Theurang – the’u rang, một loại tinh linh xuất hiện giống như một người lùn nhỏ bé chỉ có một chân.
Thích Ca Mâu Ni – sha kya thub pa, Đức Phật của thời đại chúng ta, Ngài sống vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.
Thiền định – bsam gtan, Phạn: dhyana, sự thâm nhập thiền định, một trạng thái của tâm không có bất kỳ xao lãng nào. Mặc dù nó quan trọng đối với các thực hành thiền định của Phật đạo trong mọi cấp độ, nhưng tự nó không đầy đủ mà phải được kết hợp với động cơ và cái thấy đúng đắn. Cũng xem bốn thiền định.
Thiền định – sgom pa, để tâm nghỉ ngơi trên một đối tượng của sự suy niệm hay quán chiếu, hoặc duy trì sự trôi chảy của cái thấy xác thực.
Thiện tri thức – dge ba’i gshes gnyen, Phạn: kalyanamitra, một từ đồng nghĩa của vị Thầy tâm linh.
Thuần tịnh nguyên sơ – ka dag, bản tánh của Phật Quả, hiện diện trong tất cả chúng sinh, sự thuần tịnh của bản tánh đó không bao giờ bị hư hoại.
Thừa (Cỗ xe) – theg pa, Phạn: yana, phương tiện để du hành trên con đường đi tới Giác ngộ.
Thực nghĩa – nges don, Phạn: nitartha, cách diễn tả trực tiếp chân lý từ quan điểm của những bậc chứng ngộ. Cũng xem ý nghĩa thích hợp.
Tiệc cúng dường – tshogs kyi ‘khor lo, Phạn: ganacakra, một nghi lễ trong đó ta ban phước, cúng dường và dùng thức ăn và nước uống như chất cam lồ trí tuệ.
Tiến trình Suy hoại – thim rim, một chuỗi hiện tượng xảy ra lúc chết: sự suy hoại của các đại, và ba kinh nghiệm được gọi là sự trong sáng, tăng trưởng và thành tựu.
Tiếp cận và thành tựu – bsnyen sgrub, hai bước trong các thực hành liên quan tới sự trì tụng một thần chú (mantra). Trong bước thứ nhất, các hành giả tiếp cận Bổn Tôn mà họ đang quán tưởng bằng cách trì tụng thần chú của Bổn Tôn. Trong bước thứ hai, họ đủ quen thuộc để tự đồng nhất với Bổn Tôn.
Tilopa – ti lo pa, một trong tám mươi tư đại thành tựu giả của Ấn Độ. Vị Thầy của Naropa.
Tingdzin Zangpo (Nyang) – myang ting ‘dzin bzang po (thế kỷ thứ 9), đại thành tựu giả Tây Tạng, đệ tử của Vimalamitra (từ vị này Ngài nhận toàn bộ giáo lý Tâm – yếu) và của Đức Padmasambhava. Ngài được coi là người Tây Tạng đầu tiên đạt được thân cầu vồng của sự chuyển di siêu việt (‘ja’ lus ‘pho ba chen po), thành tựu vĩ đại nhất của Đại Viên Mãn.
Tình nhân của những Vì Sao – skar ma la dga’ ba, danh hiệu của một Bồ Tát. Ngài là một điển hình của người mà sự khao khát ích kỷ của mình đã khiến Ngài tích tập công đức mặc dù Ngài mắc phạm điều mà thường được coi là một hành vi tiêu cực.
Tính sáng tạo của giác tánh – rig pa’i rtsal, năng lực bẩm sinh và tự nhiên của giác tánh để hiển lộ các hiện tượng.
Tinh túy – thig le, Phạn: nghĩa đen: giọt. “Tinh túy hay chủng tử của đại lạc; trong các kinh mạch có nhiều loại, thanh tịnh hay suy hoại.” DICT. Thuật ngữ thig le có một số ý nghĩa khác nhau phù hợp với tình huống và loại thực hành.
Tirthika – mu stegs pa, một người đề xướng những quan điểm triết học cực đoan chẳng hạn như thuyết hư vô và thuyết vĩnh cửu. Thường được dùng cho các trường phái tư tưởng triết học và tôn giáo ở Ấn Độ đối lập với Phật Giáo.
Tịnh Độ – dag pa’i zhing, một nơi hay thế giới được hiển lộ bởi một vị Phật hay Đại Bồ Tát nhờ các phẩm tính tự nhiên của sự chứng ngộ của Ngài. Ở đó chúng sinh có thể tiến bộ trên con đường đi tới Giác ngộ mà không rơi vào những cõi thấp.
Tịnh Độ Cực Lạc – bde ba can, Phạn: Sukhavati, cõi Phật của Đức A Di Đà (Amitabha).
Tịnh hóa hai nhánh – dag pa gnyis, sự thuần tịnh nguyên thủy (rang bzhin ye dag), là Phật tánh trong mọi chúng sinh, và sự
thuần tịnh từ mọi sự ô nhiễm ngẫu nhiên (blo bur phral dag). Chỉ duy một vị Phật là cũng có loại thuần tịnh thứ hai này.
Tịnh Quang – ‘od gsal, Phạn: prabhasvara, phương diện tự nhiên, chói ngời (hay thấu suốt) của bản tánh tâm – hay giác tánh.
Tịnh Quang của giây phút nền tảng – gzhi dus kyi ‘od gsal, “bản tánh của tâm thức tất cả chúng sinh, thanh tịnh từ vô thủy và chói ngời tự nhiên; sự tương tục nền tảng (của giác tánh), tiềm năng của Phật Quả.” DICT. Nó có thể được một vị Đạo sư chứng ngộ “giới thiệu” cho một đệ tử, là người sau đó củng cố và phát triển kinh nghiệm đó bằng những thực hành sâu xa của Đại Viên Mãn. Chúng sinh bình thường chỉ tri giác nó trong một tia chớp vào lúc chết.
Tòa Kim Cương – rdo rje gdan, Phạn: Vajrasana, địa điểm ở Ấn Độ (tên hiện nay là Bodh Gaya) nơi tất cả chư Phật trong kiếp này sẽ đạt được Giác ngộ.
Toàn Giác – rdzogs pa’i byang chub, Phạn: sambodhi, Phật Quả viên mãn.
Toàn thiện siêu việt – pha rol tu phyin pa, Phạn: paramita. Sáu phương pháp tu tập trong Bồ Đề tâm thực hành. Chúng siêu việt bởi được đi kèm bởi trí tuệ của tánh Không. Cũng xem sáu toàn thiện siêu việt.
Tonpa (Geshe) (1005-1064), danh hiệu khác của Drom Tonpa.
Torma – gtor ma, một lễ vật, thường được nặn từ bột mì và bơ, nó có thể là biểu tượng của một vị Bổn Tôn, một mạn đà la, một vật cúng dường, hay đôi khi một vũ khí để chiến đấu với các thế lực tiêu cực.
Torma nước – chu gtor, một vật cúng dường làm bằng nước, sữa và các loại hạt.
Tối Thượng – ‘og min, Phạn: Akanistha, xem Akanistha.
Trạng thái tự nhiên – gnas lugs, Phạn: prakriti, nghĩa đen: cách thức an trụ. “Bản tánh hay điều kiện của mọi sự.” DICT.
Trạng thái trung gian – bar do, Phạn: antarabhava, thuật ngữ được dùng cho những giai đoạn kinh nghiệm khác nhau giữa cái chết và sự tái sinh kế tiếp, với một sự giải thích rộng lớn hơn bao gồm các trạng thái tâm thức khác nhau trong cuộc đời. Bốn trạng thái trung gian được phân biệt là: 1) trạng thái trung gian tự nhiên của đời này (rang bzhin skyes gnas bar do), 2) trạng thái trung gian của lúc chết (‘chi kha’i bar do), 3) trạng thái trung gian của thực tại tuyệt đối (chos nyid bar do), và 4) trạng thái trung gian của sự trở thành (srid pa’i bar do); hay để tạo thành sáu trạng thái trung gian, hai trạng thái đặc biệt nữa được thêm vào trạng thái thứ nhất: 5) trạng thái trung gian của giấc mộng ( rmi lam bar do) và 6) trạng thái trung gian của sự tập trung thiền định (bsam gtan bar do).
Trạng thái trung gian của sự trở thành – srid pa’i bar do, trạng thái trung gian trong đó nghiệp lực xô đẩy ta tới sự tái sinh kế tiếp trong luân hồi sinh tử. AT: trạng thái trung gian của những sự có thể, trạng thái trung gian của sự hiện hữu.
Trạng thái trung gian của thực tại tuyệt đối – chos nyid bar do, trạng thái trung gian trong thực tại tuyệt đối hiển lộ như những sắc tướng thuần tịnh của phương diện hòa bình và phẫn nộ, phù hợp với các khuynh hướng cá nhân của riêng ta.
Trakpa Gyaltsen – grags pa rgyal mtshan (1147-1216), một trong năm đại học giả của phái Sakya, bậc được gọi là Sakya Gongma.
Tri giác thanh tịnh – dag snang, “tri giác về toàn thể thế giới và những gì được chứa đựng trong đó như một cõi Phật thuần tịnh, như sự phô diễn của các thân (kaya) và các trí tuệ.” DICT
Tripitaka – xem Tam Tạng.
Trisong Detsen – khri srong sde’u btsan (790-844), vị vua thứ 38 của Tây Tạng, vị thứ hai trong ba vị Vua Đạo (Pháp Vương) vĩ đại. Nhờ nỗ lực của Ngài mà các Đại Đạo sư từ Ấn Độ tới và thiết lập Phật Giáo thật vững chắc tại Tây Tạng.
Trí tuệ – shes rab, Phạn: prajna, khả năng thấu hiểu đúng đắn, thường là với cảm thức đặc biệt của sự thấu suốt tánh Không. AT: trí tuệ phân biệt. Cũng xem trí tuệ nguyên sơ.
Trí tuệ minh họa – dpe’i ye shes, trí tuệ đạt được nhờ thực hành tâm linh là thứ được dùng như một que chỉ giới thiệu trí tuệ nguyên sơ.
Trí tuệ nguyên sơ – ye she, Phạn: jnana, “sự thấu suốt (shes pa) luôn luôn hiện diện từ vô thuỷ (ye nas), giác tánh, sự quang minh-tánh Không, an trụ tự nhiên trong dòng tâm thức của tất cả chúng sinh.” DICT.
Trì tụng kim cương – rdo rje bzlas pa, sự trì tụng các thần chú trong sự phối hợp với việc hít vào, nín hơi và thở ra.
Trích xuất các chất tinh túy – bcud len, một phương pháp khiến ta có thể chỉ dùng những chất thể hay yếu tố nào đó với một lượng ít ỏi, mà không phải dùng thực phẩm thông thường.
Trong sáng (kinh nghiệm) – gsal nyams, một trong ba loại kinh nghiệm trong việc thiền định. Xem kinh nghiệm.
Trong sáng, tăng trưởng và thành tựu – snang mched thob, ba kinh nghiệm xảy ra liên tục vào lúc chết.
Trống sọ người nhỏ – thod pa’i da ma ru, trống nhỏ có hai mặt làm bằng hai đỉnh sọ người.
Trở thành – srid pa, tiến trình của luân hồi sinh tử. Từ Tây Tạng thường được dùng trong ý nghĩa của “sự có thể,” và là kết quả của tất cả những ý niệm là những gì ta phóng chiếu lên thực tại và những gì trở thành thế giới huyễn hóa mà chúng ta tri giác.
Thường được dùng như từ đồng nghĩa với luân hồi sinh tử (samsara), đối nghịch với zhi ba, sự an bình của Niết Bàn.
Trời – lha, chúng sinh ở một trong sáu cõi, bị chế ngự bởi tánh kiêu ngạo. Để tránh sự lầm lẫn chúng tôi đã dịch lha là “Bổn Tôn” khi nó có nghĩa là một vị Phật hay Bổn Tôn Trí Tuệ.
Trời Đâu Suất – dga’ ldan, cõi (cấp độ thứ tư) của các vị trời thuộc Dục Giới, trong đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhận một tái sinh cuối cùng trước khi xuất hiện trong thế giới này. Hiện tại Đức Di Lặc (Maitreya), Đức Phật tương lai, đang an trụ trong Trời Đâu Suất giảng dạy Đại Thừa. Xem ba cõi.
Trời Tịnh Quang – ‘od gsal gyi lha, Phạn: Abhasvara, cấp độ cao nhất của các vị trời thuộc Thiền định Thứ Hai (trong Sắc Giới).
Trung Đạo – dbu ma’i lam, Phạn: madhyamika, giáo lý về tánh Không được Nagarjuna giảng trước tiên và được coi như nền tảng của Mật Thừa. “Trung” có nghĩa là vượt lên các quan điểm cực đoan của chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa vĩnh cửu.
Truyền thống Cũ – rning ma pa, Cổ Phái, những môn đồ của các giáo lý đầu tiên của Mật Chú Thừa được truyền bá ở Tây Tạng bởi Đạo sư vĩ đại Padmasambhava vào thế kỷ thứ tám. Patrul Rinpoche thuộc trường phái này.
Truyền thống Mới – gsar ma pa, các môn đồ của các tantra được phiên dịch và truyền bá từ thời đại của dịch giả Rinchen Zangpo (958-1055) trở đi. Nó chỉ tất cả các trường phái của Phật Giáo Tây Tạng ngoại trừ phái Nyingmapa, hay Truyền thống Cũ.
Tsampa – tsam pa, bột mì làm bằng lúa mạch nướng hay các loại hạt khác. Một loại thực phẩm chính ở Tây Tạng.
Tu tập ba nhánh – bslab pa gsum, Phạn: trisiksa, giới (tshul khrims, sila), định (ting nges ‘dzin, citta) và trí tuệ (shes rab, prajna).
Tu viện trưởng – mkhan po, nói chung có nghĩa là những vị ban các giới nguyện tu viện. Danh hiệu này cũng được ban cho một người đã đạt một cấp độ cao trong sự thấu suốt Giáo Pháp và đảm trách việc giảng dạy nó. Nó cũng có thể chỉ là danh hiệu đuợc ban cho tu sĩ cao tuổi nhất trong một kỳ nhập hạ truyền thống.
Tulku – sprul sku, từ Tây Tạng được dịch từ Hóa Thân (nirmanakaya) trong Phạn ngữ, cũng được dùng như một danh hiệu tôn kính và thuật ngữ thông thường đối với những Hóa Thân được công nhận của các Lạt ma, là những vị thường được tìm ra khi còn thơ ấu và được dạy dỗ để kế tục dòng truyền thừa và trong nhiều trường hợp, kế thừa tu viện của các vị tiền nhiệm.
Tư thế kim cương – rdo rje dkyil krung, Phạn: vajrasana, tư thế thiền định với chân xếp chéo và bàn chân đặt trên đùi.
Tư thế đang bước – mnyam pa’i ‘dor stabs, thế đứng với cả hai chân nhưng bàn chân phải hơi nhóm tới (tượng trưng cho nhiệt tâm cứu giúp chúng sinh).
Tư thế vương giả – rgyal po’i rol stabs, thế ngồi với chân phải duỗi nửa chừng và chân trái kéo vào.
Tư tưởng – rnam rtog, Phạn: vikalpana, nói chung bất kỳ điều gì phát khởi trong tâm theo một cách thế nhị nguyên.
Tử Thần – ‘chi bdag, Yama.
Tỳ Lô Giá Na – xem Vairocana.
Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) – rnam par snang mdzad, Đức Phật thuộc Phật Bộ. Xem năm bộ.
Vairotsana – bai ro tsa na, dịch giả vĩ đại nhất của Tây Tạng và là một trong bảy tu sĩ đầu tiên được thọ giới ở Tây Tạng. Ngài là một trong những đệ tử chính của Đức Padmasambhava và Sri Simha.
Vaisakha – sa ga zla ba, tháng tư trong âm lịch Tây Tạng. Đức Phật đản sanh, đạt được Giác ngộ và nhập Niết Bàn vào ngày mười lăm trong tháng đó.
Vaisravana – rnam thos sras, một trong Bốn Đại Đế (cõi trời của Ngài là cõi thứ nhất trong Dục Giới), vị bảo vệ của phương Bắc và vị trời tài bảo.
Chày Kim Cương (Vajra) – rdo rje, AT: kim cương, sét kim cương. Biểu tượng của trí tuệ bất biến và bất hoại có thể xuyên thấu mọi sự. Pháp khí tượng trưng cho lòng bi mẫn, phương tiện thiện xảo, giác tánh. Luôn luôn được kết hợp với chuông, dril bu, Phạn: ghanta, biểu tượng của trí tuệ, tánh Không. Đối với hình tướng của chày kim cương xin xem hình minh họa Vajrasattva cầm chày kim cương trong tay phải và chuông trong tay trái.
Vajra Yogini – rdo rje ‘ rnal ‘byor ma, một hình thức Báo Thân nữ của Đức Phật.
Kim Cương Trì (Vajradhara) – rdo rje ‘chang, nghĩa đen: bậc trì giữ kim cương. Trong Truyền thống Mới, Ngài là Đức Phật nguyên thủy, nguồn mạch của mọi tantra. Trong Truyền thống Cũ, Vajradhara tượng trưng cho nguyên lý của vị Thầy như bậc trì giữ giác ngộ của giáo lý Kim Cương Thừa.
Vajradhatvisvari – rdo rje dbyings ‘phugs ma, một trong những vị Phối ngẫu của chư Phật trong Năm Bộ.
Kim Cương Thủ (Vajrapani) – phyag na rdo rje, một trong Tám Nam Tử Thân Thiết Vĩ Đại.
Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva) – rdo rje sems dpa’, vị Phật hiện thân Một Trăm Gia đình. Thực hành Vajrasattva và việc trì tụng thần chú của Ngài thì đặc biệt hữu hiệu để tịnh
hóa các hành vi tiêu cực. Trong dòng truyền thừa Đại Viên Mãn, Ngài là Báo Thân Phật.
Kim Cương Thừa (Vajrayana) – rdo rje theg pa, xem Mật Chú Thừa.
Văn Thù (Manjusri) – ‘jam dpal dbyangs, một vị Bồ Tát thập địa. Ngài hiện thân cho sự thấu suốt và trí tuệ của tất cả chư Phật.
Trì Minh Vương (Vidyadhara) – rig ‘dzin, bậc trì giữ sự thấu suốt. “Bậc trì giữ các Bổn Tôn, thần chú, và trí tuệ đại lạc bằng những phương tiện sâu xa “ DICT. Trong truyền thống Nyingmapa có bốn cấp độ vidyadhara: 1) hoàn toàn thuần thục (rnam smin), 2) làm chủ thọ mạng của đời mình (tshe dbang), 3) mahamudra (Đại Ấn, phyag chen), và 4) thành tựu tự nhiên (lhun grub).
Viên ngọc như ý – yid bzhin nor bu, Phạn: cintamani, một viên ngọc tuyệt diệu được tìm thấy trong các cõi trời hay rồng đáp ứng mọi ước muốn của ta.
Vikramasila – một trong những Đại Học Phật Giáo nổi tiếng nhất ở Ấn Độ, bị phá hủy vào thế kỷ thứ 12.
Vimalamitra – dri med bshes bnyen, một trong những Đạo sư Phật Giáo Ấn Độ uyên bác nhất. Ngài tới Tây Tạng vào thế kỷ thứ 9, ở đó Ngài giảng dạy rộng rãi, biên soạn và phiên dịch nhiều bản văn Phạn ngữ. Tinh hoa của giáo lý của Ngài được gọi là Vima Nyingtig, một trong các giáo lý Tâm-yếu của Đại Viên mãn.
Vina – một nhạc cụ Ấn Độ có dây.
Vipasyin – rnam par gzigs, vị thứ nhất trong sáu vị Phật xuất hiện trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Virupa – một trong tám mươi tư đại thành tựu giả của Ấn Độ. Một nguồn mạch giáo lý quan trọng của truyền thống Sakyapa.
Vị Thầy gốc – rtsa ba’i bla ma, 1) vị Thầy tâm linh chính yếu, hay đầu tiên mà từ Ngài ta nhận các quán đảnh, các bình giảng và giáo huấn cốt tủy. 2) vị Thầy đã giới thiệu với ta bản tánh của tâm.
Vô ngã – bdag med, Phạn: anatman, nairatmya, sự vắng mặt của sự hiện hữu độc lập hay nội tại của bản thân ta hay của các hiện tượng bên ngoài (chos kyi bdag med).
Vô-hành – hành động mà không có sự khái niệm hóa, xuất phát từ trạng thái chứng ngộ mà người hành động (tác nhân), hành động, và đối tượng được hành động hoàn toàn không có thực chất.
Vô-niệm (kinh nghiệm) – mi rtog pa’i nyams, Phạn: avikalpa, nirvikalpa, một trong ba loại kinh nghiệm thiền định. Một trạng thái an tĩnh trong đó không có các niệm tưởng. Xem các kinh nghiệm.
Vô- trụ Niết Bàn – mi gnas pa’i myang ‘das, sự Toàn Giác, siêu vượt cả sinh tử lẫn Niết Bàn, không “trụ” trong cái nào trong hai trạng thái trên.
Vua, Thần dân và Bằng hữu – rje ‘bangs grogs gsum, Vua Trisong Detsen, đại dịch giả Vairotsana và Dakini Yeshe Tsogyal.
Vui hưởng những hiện thân của Người Khác – gzhan ‘phrul dbang byed, Phạn: Paranirmitavasavartin, cấp độ thứ sáu và là cấp độ cao nhất của các vị trời trong Dục Giới, trong đó các vị trời vui hưởng các sự việc được tạo nên thật phi thường bởi những vị trời khác. Xem ba cõi.
Vũ trụ gồm một tỉ thế giới – stong gsum, Phạn: trisahasra, một vũ trụ gồm có một tỉ thế giới giống như thế giới của chúng ta và tương ứng với phạm vi hoạt động của một vị Phật.
Xá Lợi Phất (Sariputra) – sha ri’i bu, một trong hai đệ tử Thanh Văn nổi tiếng nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Xứ biên địa – mtha’ ‘khob, một miền nơi giáo lý không được biết tới.
Dạ xoa (Yaksa) – gnod sbyin, một loại tinh linh.
Yama – gshin rje, Tử Thần.
Yamantaka – gshin rje bshed, thân tướng phẫn nộ của Văn th (Manjusri).
Yeshe Tsogyal – ye shes mtsho rgyal, phối ngẫu huyền nhiệm và đệ tử vĩ đại nhất của Đức Padmasambhava. Bà phụng sự Ngài thật hoàn hảo, và trợ giúp Ngài truyền bá giáo lý, đặc biệt là cất giấu những kho tàng tâm linh để sau này khám phá lại vì sự lợi lạc của các đệ tử tương lai.
Yidam – yidam, Phạn: devata, istadevata, một Bổn Tôn tượng trưng cho sự giác ngộ, trong hình tướng nam hay nữ, hòa bình hay phẫn nộ tương ứng với bản tánh riêng biệt của ta. Yidam là cội nguồn của những thành tựu. Xem ba gốc.
Yoga – rnal ‘byor, sự thực hành, nghĩa đen: một phương pháp để hợp nhất (‘byor) với trạng thái tự nhiên (rnal ma).
Yogi hay yogini – rnal ‘byor pa hoặc rnal ‘byor ma, những người thực hành yoga, một hành giả tâm linh.
Ý nghĩa thích hợp – drang don, Phạn: neyartha. Ý nghĩa thích hợp ám chỉ các giáo lý có ý định dẫn dắt chúng sinh không chứng ngộ tới chân lý của thực nghĩa.
Ý niệm hay quan hệ thuộc ý niệm – dmigs pa, bất kỳ khi niệm nói về một chủ thể, đối tượng và một hành động.