LUÂN HỒI
Trong một số bài viết tôi có đề cập đến “Luân Hồi”, và nhiều vị đã hỏi tôi :
Luân hồi là gì?
Thế thì hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về Luân Hồi vậy.
Luân hồi hay nói đầy đủ là Kiếp Luân Hồi của các chúng sinh hữu tình.
Chúng sinh ở đây là từ chỉ chung cho tất cả các dạng sống.
Hữu tình là loài có tình cảm.
Một số tôn giáo thì họ bác bỏ luân hồi, họ cho rằng luân hồi không có tồn tại.
Nhưng chân lý vẫn mãi là chân lý, dù anh có tin hay không, có chấp nhận nó hay không, nhưng sự thật thì đâu cần anh phải tin, anh tin thì nó cũng có, mà không tin thì nó cũng vậy.
Nên chân lý nó nằm ngoài niềm tin chủ quan của con người.
Ví dụ :
Nếu sống ở trong trái đất, Quý vị sẽ bị một cái lực đó là lực hút của trái đất.
Tức là con người sẽ bị kéo xuống theo phương thẳng đứng từ trên xuống dưới.
Vậy nếu có một người ngu si, anh ta cho rằng trong trái đất không có lực hút, thế là anh leo lên mái nhà cao, và nhảy xuống, vì anh nghĩ rằng :
Trong trái đất không có lực hút.
Vậy điều gì sẽ xảy ra đây?
Thì anh ta sẽ bị thương tật, hoặc thiệt mạng thôi.
Qua nhiều năm tu tập, trải nghiệm thực tế trong giáo pháp Phật dạy, tôi biết luân hồi là có thật đấy quý vị ạ.
Một sự thật không thể nào phủ nhận được.
Do đó các vị cần phải tin, chứ bác bỏ là khốn khổ đấy.
Vậy Luân Hồi là gì?
- Luân có nghĩa là bánh xe, hay vòng (dạng hình tròn).
- Hồi có nghĩa là trở lại, hay quay.
Luân hồi có nghĩa là bánh xe quay tròn, hay sự đi vòng mà không có điểm dừng.
Ví dụ :
Quý vị có bao giờ thấy con chuột ở trong lồng mà người ta nuôi làm cảnh chưa?
Hôm trước tôi có thấy một con, chuột bạch, họ nuôi trong chiếc lồng. Và trong cái lồng, có một cái bánh xe tròn quay được, lúc đó tôi thấy chú chuột bước lên cái bánh xe ấy, và chú chạy như điên, chạy hoài chạy hoài mong cho tới đích, nhưng đích chẳng bao giờ tới, nhìn thấy chú mà tôi thấy thật đáng thương.
Lúc đó tâm tôi liền nghĩ đến tất cả các chúng sinh trên thế gian này cũng vậy, họ cũng đang chạy như con chuột bạch bị kẹt trong chiếc vòng tròn, mà họ chẳng hề hay biết.
Nghĩ mà thật thấy thương.
Lục đạo 6 cõi luân hồi
Sự luân hồi của các chúng sinh, quý vị có thể hiểu như sau :
Nghĩa là các chúng sinh được sinh ra và sống ở trong cảnh giới của họ, sau đó chết đi, thần thức tiếp tục đi tái sinh về những cảnh giới tương ứng, tạo thành một chuỗi các kiếp sống bất tận.
Nhưng sự lưu chuyển này, đều không nằm ngoài ba cõi sáu đường.
Ba cõi đó là
- Cõi Dục Giới
- Cõi Sắc Giới
- Cõi Vô Sắc Giới
Sáu đường gồm :
- Trời (Chư Thiên)
- Người
- A Tu La (Thần)
- Súc sinh (các loài vật)
- Ngạ quỷ (Ma đói)
- Địa ngục (các chúng sinh khi tái sinh về đó phải chịu hình phạt đau khổ).
Sự sai khác về các cảnh giới tồn tại của các chúng sinh, đều do Phước Nghiệp của chúng sinh ấy quy định.
- Phước ở đây chính là những điều tốt đẹp mà chúng sinh ấy đã từng làm trong quá khứ.
- Nghiệp ở đây có thể là thiện nghiệp hay ác nghiệp, tức là các thói quen sống hiền lành hay sống ác độc mà chúng sinh ấy đã tạo.
Hai yếu tố này kết hợp, tạo thành quả cho tương lai, để các chúng sinh sau đó phải sinh về những cảnh giới tương ứng.
Và có lúc họ được sinh về những cảnh giới cao, như cảnh giới Trời, Người, Thần (do phước nghiệp thiện đã tạo).
Nhưng khi ở trong cảnh giới cao, họ bắt đầu sinh tâm hưởng thụ và tạo nghiệp xấu ác.
Thế là họ đã bị tổn hao phước báu, kết hợp với nghiệp ác thói quen ác đã làm.
Họ bị chiêu cảm, rơi xuống ba con đường thấp, đó là : Súc sinh, Ngạ quỷ và Địa ngục.
Và khi ở trong cảnh giới khổ, họ có duyên may gặp được Bậc Thiện Tri Thức chỉ dẫn, khuyên họ nên tu thiện.
Thế là nhờ sám hối và tu thiện, các chúng sinh trong ba đường ác, khi họ đã trả quả xấu ác xong, đủ phước duyên, họ sinh về ba cảnh giới cao trở lại.
Tuy nhiên, từ ba cảnh giới thấp, mà tiến lên được ba cảnh giới cao thì vô cùng khó khăn.
Còn từ ba cảnh giới cao, mà để rơi rớt xuống ba cảnh giới thấp thì rất là dễ.
Nếu đã ở trong ba cảnh giới cao, mà các chúng sinh ấy vẫn tiếp tục tiến tu, thì có thể đắc đạo thành Phật, thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, vượt ngoài tam giới.
Còn nếu họ không biết đạo, chẳng biết cách tu hành, và ở trong cảnh giới cao mà hưởng thụ, tạo nghiệp, thì sẽ lại rơi rớt xuống ba con đường thấp.
Đi lòng vòng luẩn quẩn trong ấy, như chú chuột bạch chạy trong chiếc bánh xe, mà không biết khi nào mới dừng hay kết thúc.
Đây gọi là kiếp Luân Hồi của các chúng sinh.
Phải biết sợ luân hồi mà ráng tu
Khi tôi biết được vấn đề này, tôi thấy sợ kiếp luân hồi, cảm thấy lo cho tương lai sau này của mình.
Tôi thường nghĩ :
- Không biết rồi sau này mình sẽ tái sinh về đâu nữa? Nếu mãn kiếp người này.
- Chẳng lẽ phải sinh về làm loài cá, rồi sống sâu thẳm bơi lội ở dưới lòng đại dương hay sao?
- Hay phải sinh làm loài chim đại bàng, cứ mãi bay lượn đi tìm mồi săn bắt như thế ?
- Hay phải sinh ra làm người con gái đẹp trong vùng chiến tranh có nhiều sự hãm hiếp?
- ……..
Nghĩ như thế. Tôi bắt đầu thấy lo sợ. Và không……
Tôi không muốn sẽ phải tái sinh trở lại như thế, nay tôi đã biết đạo, đã biết cách tu tập.
Tôi phải đi theo con đường của Phật và của Chư Thánh đã đi qua.
Đó là cố gắng tu cho đắc đạo thoát khỏi kiếp luân hồi, chấm dứt sự tái sinh, trở thành một Bậc Thánh tự tại, đạt được quả an lạc, niết bàn, giải thoát.
Đó là mục tiêu tối hậu để phấn đấu.
Còn không biết các vị sẽ như thế nào đây?
Các vị có muốn tái sinh trở lại nữa không?
Hay cũng muốn tu tập để đạt quả giải thoát?
Cái này thì tùy quý vị chọn lựa mà thôi.
Trồng nhân giải thoát luân hồi
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu ta hiểu đạo, ta sẽ tự uốn nắn cuộc đời mình như ý muốn.
Bằng cách ta gieo nhân.
* Vậy trồng nhân gì để giải thoát khỏi sự tái sinh luân hồi?
Giải thoát chính là sự tự tại, là sự thoát khỏi mọi sự buộc ràng, tự do tuyệt đối, hạnh phúc bất khả tư nghì.
Một số nhân bạn nên gieo trồng để làm hạt giống, khi chúng nảy nở, lớn dần, cho quả và chín là bạn sẽ đắc đạo, giải thoát :
- Chán, nhàm tham ái, yểm ly tham ái : Các tình yêu nam nữ, gái trai, ái luyến gia đình, nuối tiếc tài sản, sự ủy mỵ ..v.v..
- Từ bỏ sân giận, nóng nảy, hận thù.
- Thấy được các niệm khởi, làm chủ dòng nghiệp.
- Phát triển tâm đại từ đại bi đến rốt ráo.
- Tu tập tâm khiêm hạ, khiêm tốn, tôn kính đảnh lễ, tán dương công hạnh của các Bậc Thánh như Phật, các Bậc đại Bồ Tát.
- Thực tập tâm buông bỏ, sống đời tự tại.
- Làm chủ và kiểm soát sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân và ý.
- Siêng năng học pháp, suy tư pháp, thân cận, gần các Bậc Thiện Tri Thức.
- Phát triển trí tuệ, luôn sống với trí tuệ.
- Luôn thấy tất cả các pháp trên thế gian là vô thường, khổ và vô ngã, không có tự tính.
Trên đây là mười cách để bạn trồng các nhân giải thoát .
* Trồng nhân gì để bị lưu chuyển hay đọa lạc trong sáu nẻo luân hồi?
Ngược lại với mười cách gieo nhân giải thoát vừa nêu trên là bạn đang trồng nhân luân hồi.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
- Xem thêm: