Huyền thoại cụ Nguyễn Đức Cần
Nhà văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Cần lúc sống là một nhân vật được người đời xem là kỳ lạ.
Ông có khả năng chữa bệnh không dùng thuốc. Bí ẩn là thế, nhưng đó không phải là cách chữa bệnh mê tín mà có hàng ngàn người đã xem ông là vị ân nhân vì chữa khỏi bệnh cho họ. Và hơn 30 năm sau, những điều kỳ lạ về ông vẫn thu hút nhiều nghiên cứu xoay quanh ngôi mộ của ông.
Chữa bệnh như… phù thủy
Nguyễn Đức Cần là cái tên quá nổi tiếng trong những năm thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước. Ông không chỉ là một vị lương y chữa bệnh tài tình, thương người nghèo mà còn là một nhân vật gây chú ý trong giới nghiên cứu lĩnh vực tâm linh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã từng được ở cạnh cụ Nguyễn Đức Cần 24 năm để nghiên cứu những điều kỳ lạ xung quanh con người này. Theo ông Hải, ông được gặp cụ trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là qua sự giới thiệu của một người bạn làm giáo viên. Khi gặp ông Hải, người đó có kể cho ông nghe về một con người đặc biệt, một người chữa bệnh không dùng thuốc và anh coi đó là một sự kỳ bí. “Lúc đầu tôi nói là nếu tôi chưa được nhìn tận mắt thì tôi không tin chuyện như vậy. Anh nói nếu tôi không tin thì có thể gặp trực tiếp một người ở số 10 hay 11 phố Lãn Ông – Hà Nội, đó là Trung tá bác sỹ Vũ Hữu Hiếu”, ông Hải kể lại.
Ông Hiếu cho biết, ông bị bệnh nhũn não và đã được cụ Cần chữa khỏi mà không hề dùng thuốc. “Sau đó, qua ông Hiếu, tôi biết nhà cụ ở 86 làng Đại Yên – Hà Nội, lên nhà cụ thì thấy biển ghi là không tiếp khách nhưng tôi cứ vào. Tôi lên cụ vào ngày mùng 6 Tết năm Giáp Dần. Tôi còn nhớ rõ buổi sáng hôm ấy cụ cùng một số bệnh nhân vừa đi thăm đền Và (Sơn Tây) về và người bệnh đến đang ngồi chờ cụ chữa bệnh cho họ.
Thấy tôi ngồi mãi mà không nói câu gì, không xin chữa bệnh như mọi người, cụ có quay sang tôi, nói: “Thưa ông, ông cần gì đấy ạ”. Tôi trả lời: “Thưa cụ, tôi không đến để xin chữa bệnh. Tôi là một cán bộ nghiên cứu của Viện khoa học Việt Nam. Tôi có nghe người ta nói về việc chữa bệnh đặc biệt của cụ. Tôi muốn lên gặp cụ để tìm hiểu về vấn đề này. Nếu đây là một sự thực chúng tôi sẽ tìm cách giới thiệu dưới ánh sáng của khoa học”.
Nghe vậy cụ tiếp tôi với một trạng thái khác và cụ trả lời: “Vâng thưa ông, tôi chữa bệnh bằng cái đầu của tôi, nhưng người ta cứ bảo tôi là phù thủy”, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải kể về chuyện mà người ta đồn đại cụ Nguyễn Đức Cần giống như một nhà phù thủy bởi tài chữa bệnh “không giống ai”.

Sau khi cụ mất, những điều bí ẩn vẫn chưa thể lý giải bởi các nhà nghiên cứu và khoa học. Để một lần “mục sở thị”, chúng tôi tìm đến ngôi mộ của cụ Nguyễn Đức Cần ven quốc lộ 21B đoạn chạy qua cánh đồng thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Người ta đồn rằng, ngôi mộ ấy có một nguồn năng lượng đặc biệt, có thể chữa bách bệnh mà không cần đến thuốc thang gì…
Từ sáng sớm, ánh sáng còn nhạt nhòa, bảng lảng trong sương giá, con đường 21B thưa thớt người qua lại. Nhưng quanh ngôi mộ giữa cánh đồng thuộc xã Thanh Mai đã có hàng chục người từ khắp nơi tề tựu. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều tự giác xếp hàng theo thứ tự, nhẹ nhàng, thành kính khấn vái rồi tĩnh tâm ngồi thiền mà không cần bất kỳ ai hướng dẫn.

Theo quan sát của chúng tôi, khu mộ được xây trên nền đất cao, rộng khoảng gần 1.000m2 nằm giữa cánh đồng với những hàng cau thẳng tăm tắp, xanh mướt. Chính giữa là ngôi mộ xây với di ảnh và tấm bia khắc rõ tên húy cụ Nguyễn Đức Cần (Trưởng Cần).
Hơn 11h trưa, khách đã vãn, chúng tôi mới có dịp tiếp cận vợ chồng ông Nguyễn Văn Ảnh và bà Nguyễn Thị Sinh (bà Sinh là con gái thứ hai của cụ Nguyễn Đức Cần), người chăm lo và hương khói cho khu mộ này. Với vẻ chân chất, thật thà, hai vợ chồng ông Ảnh chia sẻ, từ năm 1983, khi cụ Cần vừa mất, ngày nào cũng có người tìm đến. Đặc biệt, vào ngày mồng Một, ngày Rằm, ngày lễ và ngày giỗ thì lượng người kéo đến đây đông lắm. Sở dĩ có chuyện này là do nhiều nguyên nhân, người thì đến để tưởng nhớ ân nhân của mình, người thì đến để “hấp thụ” nguồn năng lượng từ ngôi mộ để giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật…
Theo câu chuyện mà chúng tôi tìm hiểu được, cụ Nguyễn Đức Cần là một lang y chữa bệnh bằng phương pháp lạ như chữa bệnh từ xa mà không cần dùng đến thuốc có tiếng ở Hà Nội vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Nhờ phương pháp chữa bệnh này đã có hàng nghìn người khỏi bệnh mà không tốn bất kỳ một đồng nào. Cuộc đời và thân thế của cụ cũng chứa nhiều điều bí ẩn.
Cụ Nguyễn Đức Cần sinh nhằm đúng vào đêm 30 Tết năm 1909 tại làng Đại Yên (nay thuộc Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước. Cụ cưới vợ nhưng chỉ mấy ngày sau người vợ đã quay về nhà ngoại ở.
Công việc làm ăn của gia đình bắt đầu thua lỗ, rơi vào kiện cáo, bố cụ đổ bệnh, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Sau này, gia đình cụ mời được một thầy lang về chữa. Chẳng biết thầy lang đó chữa bằng cách nào, nhưng chỉ vài ngày thì bố của cụ khỏi bệnh. Không những thế, thầy lang đó bảo chỉ chữa bệnh làm phúc, không nhận tiền bạc của gia đình. Và cũng từ đó, cụ Nguyễn Đức Cần đã theo thầy lang kia bôn ba khắp nơi chữa bệnh làm phúc. Đến một ngày, thầy lang dẫn cụ Cần lên đỉnh Mẫu (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) để tu luyện. Theo thầy lang kia thì đây là nơi “linh khí Việt Nam hội tụ”, rất tốt cho việc tu luyện thần nhãn, hấp thụ dương quang và truyền dạy Tuệ quang…
Đến khoảng những năm 1940, cụ Cần bắt đầu chữa bệnh. Đầu tiên là những người trong họ tộc thân quen, sau mở rộng ra cho những ai có nhu cầu. Cách chữa bệnh của cụ rất đặc biệt: Không dùng thuốc và có thể chữa từ xa nhưng có tác dụng tốt với nhiều loại bệnh như thần kinh, dạ dày, xơ gan, thấp khớp, liệt, câm, điếc, hen suyễn… Nhưng trên hết, cụ chữa bệnh mà không hề lấy tiền hay quà cáp của bất cứ ai. Ngoài ra, vừa chữa bệnh, cụ vừa dạy mọi người phải sống có đức, nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa sai, hướng thiện, khiến các bệnh nhân yêu mến cụ lắm. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến khả năng, tâm đức của cụ mà tìm đến mong được giúp đỡ.
Ngày 30/4/1974 có thể coi là ngày đánh dấu của khoa học ngoại cảm ở Việt Nam khi các cơ quan chức năng đã tiến hành quay phim hai ca chữa bệnh của cụ với sự phản biện của các bác sỹ công nhận việc chữa bệnh của cụ đã cho kết quả ban đầu. Đến ngày 4/6/1983, sau khi chữa bệnh cho hai bệnh nhân xong, cụ qua đời một cách nhẹ nhàng.
Kỳ lạ đến hư vô
Nhiều nhà nghiên cứu cảm xạ học đều cho rằng, con người là một tổng thể, sống trong môi trường phức tạp mà chỉ cần một sự mất cân đối nhỏ từ bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể phát sinh bệnh tật. Sóng địa từ trường hiện diện khắp nơi trong vũ trụ và nó có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe chúng ta. Năng lượng cảm xạ địa sinh học sẽ mang lại cho chúng ta một sự hòa hợp tốt đẹp giữa con người với môi trường xung quanh.
Chính vì thế việc hấp thụ năng lượng địa sinh ở một môi trường tốt sẽ có tác dụng với sức khỏe của người bệnh nói riêng và mọi người nói chung. Tuy nhiên, nếu nói xung quanh ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần có “năng lượng” chữa bệnh thì vẫn chưa có kết luận chính thức.
Ông Nguyễn Văn Ảnh cho biết, trước khi qua đời, cụ đã đi nhiều nơi để tìm chỗ an nghỉ của mình. Sau một thời gian thì tìm được khu đất giữa đồng thuộc xã Thanh Mai này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều người kéo đến ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần để mong có sức khỏe, bệnh tật thuyên giảm là do ông Nguyễn Tiến Huy, trú tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai công bố “công trình nghiên cứu” của mình. Theo đó, khi ông đo năng lượng của ông lúc đến mộ cụ Cần để thiền thì những ngày đầu, mỗi hôm chỉ tăng thêm từ 2 -3BE, nhưng một thời gian sau đã tăng đột biến từ 115 – 200BE. Đặc biệt, khi ông đặt tay vào ngôi mộ thì thấy năng lượng truyền vào mình rất nhiều (!?)… Tuy nhiên, theo các nhà khoa học cảm xạ thì “công trình nghiên cứu” của ông Huy không đủ sức thuyết phục.
Dư luận lại một phen “bán tín bán nghi” về tác dụng của việc thiền tại khu mộ cụ Cần khi một số nhà nghiên cứu về cảm xạ học (năng lượng địa sinh học) đo đếm rồi đưa ra kết luận rằng chỉ số năng lượng địa sinh tại đây rất cao, với chỉ số Bovis lên tới 16.000 đơn vị. Bởi, theo một số nghiên cứu gần đây thì đa số những người mắc bệnh hiểm nghèo là do họ sống tại một địa điểm có chỉ số Bovis dưới 3.000 đơn vị trong một thời gian dài.
Việc sử dụng năng lượng địa sinh học vào chữa bệnh có trên thế giới từ lâu và được gọi là Y học bổ sung. Trên thực tế, cho đến nay mọi người chưa lý giải được vì sao nhiều bệnh y học tiên tiến không thể chuẩn đoán và chữa khỏi, nhưng khi sử dụng phương pháp này lại cho kết quả (?).
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Hiện tượng người dân tụ tập đến ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần là có thật. Tuy nhiên, khi chính quyền cử cán bộ xuống nắm tình hình thì thấy không có vấn đề gì ảnh hưởng đến an ninh, những người đến thăm viếng, ngồi thiền đều từ tấm lòng thiện tâm, không có sự vụ lợi hay truyền bá mê tín dị đoan…
Cho đến nay chưa thể khẳng định đây là hiện tượng mê tín dị đoan hay dựa trên cơ sở khoa học. Nhưng, có một thực tế rằng, ngày càng nhiều người đến với ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần, chính vì vậy thiết nghĩ chính quyền địa phương nên giám sát kỹ, tránh được những biến tướng, cũng như ảnh hưởng đến danh tiếng của một nhà văn hóa tâm linh của đất nước.
Phùng Bình/Giadinh.net
Phù thủy chữa bệnh – nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Cần
Cụ Nguyễn Đức Cần sinh năm 1909 và mất năm 1983, địa chỉ số 86 làng Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Cụ sống trong căn nhà rộng, có vườn cây, nhiều hoa quả, mang nhiều dáng dấp thôn quê Việt Nam quen thuộc. Làng Đại Yên là một ngôi làng truyền thống nghề thuốc lâu đời của Hà Nội.
Cụ Nguyễn Đức Cần kể rằng cách chữa bệnh của tôi không học một trường nào cả. Từ khi còn ít tuổi, tôi đã phải bỏ nhà ra đi, mặc dù nhà rất giàu có. Tôi phải chịu khổ lên rừng Thái Nguyên mà học mới có thầy dạy, phải học khó nhọc lắm.
Cụ có khả năng chữa bệnh kỳ lạ, không trực tiếp gặp người bệnh, hoặc không chạm vào người bệnh. Cách chữa bệnh có tính chất thần bí ấy khiến nhiều người không hiểu và xem cụ như một Phù Thủy.
Phương pháp chữa bệnh ngoại cảm
Cụ Nguyễn Đức Cần có thể chữa bệnh cho người khác không cần dùng thuốc và thậm chí không cần tiếp xúc với bệnh nhân. Người bệnh có thể trực tiếp gặp cụ trình bày bệnh tật của mình. Sau đó, nếu cụ nhận lời chữa bệnh, bệnh nhân về nhà sẽ tự khỏi bệnh mà không cần uống thuốc và cụ không động chạm vào người bệnh. Có trường hợp cụ cho bệnh nhân một miếng giấy (gọi là Đạo), đặt vào chỗ đau, bệnh cũng sẽ khỏi. Nếu người bệnh đang ở nhà hoặc đang nằm bệnh viện, chỉ cần nhờ người thân đến gặp cụ, nếu cụ nhận lời hoặc cho miếng giấy chữa bệnh, người bệnh được chữa qua người trung gian đó cũng khỏi bệnh.
Cụ Nguyễn Đức Cần còn có thể chữa bệnh từ xa, không giới hạn khoảng cách. Cụ đã từng chữa bệnh cho người đang ở Canada, Tiệp Khắc, Đức… Người bệnh liên lạc với cụ thông qua thư từ. Ví dụ trường hợp bệnh nhân ở Canada viết thư về cho cụ trình bày mắc bệnh đau đầu, cụ trả lời: ”Sẽ khỏi”. Thế là bên đó người bệnh tự khỏi.
Tìm hiểu những người bệnh và bệnh án
1. Vũ Như Lộc, số nhà 33 Trương Hán Siêu, Hà Nội kể:
Gia đình tôi là những bệnh nhân lâu năm của cụ, chữa bệnh chỗ cụ hơn 10 năm nay rồi. Tôi bị thấp khớp, sưng tay, được cụ chữa cho, tôi hoàn toàn bỏ thuốc. Khi tôi bị viêm bàng quang, mỗi khi đi tiểu là buốt vô cùng và chỉ dám mặc quần đùi thôi. Tôi lên cụ, cụ hẹn 7giờ tối mai sẽ khỏi thì đúng 7giờ tối hôm sau tôi đi tiểu, một viên sỏi to như hạt ngô bắn ra ngoài và tôi khỏi luôn bệnh viêm bàng quang. Con dâu của tôi khi sinh nở bị sót nhau, ra máu nhiều và sốt cao. Tôi đến cụ, cụ cho mảnh giấy, hôm sau về nhà cháu hết sốt. Cháu nội tôi bị chàm, cụ cho miếng giấy đặt lên trán, thế là khỏi. Đúng là một sự kỳ lạ.
Vợ tôi bị tâm thần từ ngày xưa, đã được bác sỹ Đặng Văn Chung chữa trị không khỏi, phải bán cả nhà đi mua thuốc chữa bệnh nhưng được một thời gian bệnh lại tái phát. Lên cụ, chỉ một thời gian ngắn vợ tôi ổn định. Năm 1974 được tin con hy sinh ở miền nam thì lại bị bệnh, tôi đưa vợ lên cụ chữa tiếp, hiện nay đã hoàn toàn bình thường.
2. Chị Sâm, vợ anh Nguyễn Tiến Thông, đại sứ Việt Nam ở Tiệp Khắc, chị bị mất ngủ liền 9 tháng. Chị Sâm đến gặp cụ trình bày: ”9 tháng nay con không biết giấc ngủ là gì, hoàn toàn ngủ nhờ thuốc. Cụ bảo: ” À, nếu vậy tôi sẽ chữa cho bà biết là Việt Nam còn giỏi hơn cả Tiệp Khắc. Tối nay tôi sẽ cho bà ngủ ”. Đến 7giờ tối hôm đó, chị ngáp lên ngáp xuống rồi ngủ thẳng một giấc tới sáng. Chị nói ba năm nay tôi không có một giấc ngủ ngon như vậy. Thư cảm ơn của gia đình chị Sâm vẫn còn lưu tại nhà cụ Cần.
3. Trung tướng Phạm Kiệt, bị ung thư ruột đã được mổ ở Đức, bác sĩ cho biết là không sống quá tháng 5/1974. Anh Phạm Kiệt được đưa đến gặp cụ Cần. Cụ bảo không chữa được nữa, nhưng mỗi lần đến gặp cụ về nhà anh cảm thấy khoẻ và vết thương không ra mủ. Anh được kéo dài thời gian đến cuối năm anh mới mất, tức là kéo dài thêm được 7 tháng.
Công trình nghiên cứu của Nguyễn Phúc Giác Hải
Như đã giới thiệu trước đây, “lão phù thuỷ“ mà Nguyễn Phúc Giác Hải nghiên cứu chính là cụ Nguyễn Đức Cần. Vì công trình nghiên cứu này mà cuộc đời của Nguyễn Phúc Giác Hải ba nổi bảy chìm. Câu chuyện được chính Nguyễn Phúc Giác Hải kể như sau:
Tôi có người bạn là anh Vũ Cường, giáo viên sinh vật và quen biết cụ Cần. Anh Cường kể tôi nghe nhiều về con người đặc biệt, chữa bệnh không dùng thuốc và coi đó là một sự kỳ bí. Anh Cường còn giới thiệu cho tôi một nhân chứng là trung tá quân y, bác sỹ Vũ Hữu Hiếu ở số 10 phố Lãn Ông, Hà Nội. Tôi đến tìm gặp ông Hiếu, ông có cho biết bị bệnh nhũn não (ramolissement cé rébra) và có đến chữa khỏi bệnh chỗ cụ Cần. Anh Cường đề nghị nên tìm hiểu cơ chế về trường sinh học trong cách chữa bệnh của cụ.
Tôi lên cụ lần đầu vào ngày mùng 6 Tết Giáp Dần (1974). Nhà cụ có tấm biển ghi không tiếp khách nhưng tôi cứ vào và thấy một số người bệnh đang ngồi chờ ở đấy. Tôi ngồi quan sát cụ tiếp khách, chữa bệnh. Lúc ấy có một phụ nữ xin cụ chữa bệnh tâm thần. Thấy tôi ngồi mãi mà không nói gì, không chữa bệnh như mọi người, cụ hỏi tôi: ”Thưa ông cần gì đấy ạ?”. Tôi trả lời: “Thưa cụ, tôi không đến để chữa bệnh. Tôi muốn đến để tìm hiểu về việc chữa bệnh đặc biệt của cụ. Nếu đây là sự thực chúng tôi sẽ giới thiệu dưới ánh sáng của khoa học”. Nghe vậy cụ trả lời: ”Vâng thưa ông, tôi chữa bệnh bằng cái đầu của tôi, nhưng người ta cứ bảo tôi là phù thủy”.

Tôi thấy cụ chữa bệnh không cần khám bệnh nhân, nên liên hệ khả năng thần giao cách cảm. Cụ có thể chữa bệnh cho người khác từ xa, thì tôi liên hệ đến thôi miên từ xa, có thể tạm hiểu là như thế. Tôi bắt tay vào thực hiện một số công việc.
Việc thứ nhất, tôi tìm những lá thư cảm ơn của bệnh nhân gởi cho cụ, đến gặp những người bệnh đặc biệt. Họ cho tôi xem hồ sơ bệnh án đã chữa ở bệnh viện nhưng không khỏi hoặc khó chữa trị. Sau khi đến gặp thì cụ chữa khỏi bệnh, đấy là một bằng chứng có căn cứ để khẳng định khả năng chữa bệnh của cụ Cần.
Thứ hai là tôi đến quan sát trực tiếp việc chữa bệnh của cụ, tôi chụp ảnh bệnh nhân trước và sau khi chữa bệnh. Ví dụ trường hợp ca bệnh vẩy nến, một loại bệnh toàn thân mọc mụn khô thành vẩy. Tôi chụp ảnh người bệnh ấy đầy những vẩy nến trên cơ thể. Cụ lấy một miếng giấy, bảo người bệnh đốt bên trên chậu nước rồi lấy nước ấy rửa chỗ đau của cơ thể. Sau khi rửa bằng nước đó hai tuần lễ đã bớt rất nhiều.
Thứ ba là tôi tìm hiểu bản chất việc chữa bệnh của cụ. Cụ chữa bệnh bằng việc nhận lời hoặc cho người bệnh một miếng giấy (đạo). Cụ nhận lời có nghĩa là cụ có thể điều khiển từ xa. Thế nhưng miếng giấy là cái gì? Nhiều tài liệu của thế giới có nói những nhà chữa bệnh bằng trường sinh học có thể tích năng lượng vào các vật dụng, như một cốc nước, một miếng giấy, một chiếc khăn, một quả cam… Bệnh nhân thông qua đó được nhận năng lượng và có thể khỏi bệnh.
Thứ tư là giai đoạn thực nghiệm. Tôi không uống được rượu, hôm ấy cụ mời tôi uống rượu thì mọi người bảo tôi cứ uống rồi cụ sẽ giải rượu cho. Tôi uống một chén rượu ngây ngất, mặt nóng bừng. Cụ cầm một miếng giấy tích năng lượng rồi bảo đốt trên cốc nước và cho tôi uống. Khi uống vào tôi cảm giác như có một cái mành mành chạy lách tách từ trên đỉnh đầu thả xuống, một trạng thái rất lạ, nhìn thấy ánh sáng chói. Tôi có tỉnh hơn nhưng không hết hẳn say. Tôi lặp lại thí nghiệm này cho anh Hoàng Phương, là một phó tiến sĩ toán lý. Tôi không nói cảm giác cho anh biết trước, Sau khi anh Hoàng Phương uống xong cốc nước thì anh tả lại cảm giác giống hệt như tôi đã cảm nhận.
Ngày 30 tháng 4 năm 1974 chúng tôi đề xuất với các cơ quan nhà nước quay phim để ghi nhận sự kiện làm tư liệu khoa học. Buổi quay phim tổ chức ngay tại nhà cụ Nguyễn Đức Cần, ba đoàn quay phim đến quay là xưởng phim Tư liệu khoa học, xưởng phim Quân Đội, xưởng phim Đài truyền hình, có hiện diện ông Lê Khắc, phó chủ nhiệm UB Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, đại diện y tế, khoa học, Bộ Công an, Quân đội như thiếu tướng Kinh Chi, Đặng Quốc Bảo, và Công an Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ. Hai bác sĩ tham gia phản biện: bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (giám định ca bệnh tóc kết), bác sĩ Bệnh viện Việt Xô (giám định ca bại liệt).
Hôm ấy đã ghi hình được hai trường hợp được cụ Cần chữa bệnh. Một ca bệnh tóc kết dính kèm theo chứng đau đầu. Cụ Cần đứng bên cạnh truyền năng lượng, một chị trợ lý dùng lược chải tóc người bệnh cho xuôi ra, chải một lúc lại bị tắc rối, chị ấy nói: ”Thưa cụ, xin cụ cho mở thêm ra, không thể chải được”. Cụ giơ tay điều khiển thì chải được tóc, một lúc thì tóc mượt. Chúng tôi tìm lại người bệnh ấy sau 15 ngày thì tóc vẫn mượt, và không bị đau đầu nữa.
Người thứ hai bị bệnh bại liệt, chân đã teo. Cụ nói ngay: ”Cái chân này không thể chữa khỏi ngay được đâu, nhưng tôi sẽ làm cho nó cử động”. Cụ điều khiển thì chân bại liệt cử động được, trước đó bác sĩ bệnh viện Việt Xô lấy kim châm nhưng chân không cảm giác, không cử động.
Sau khi quay phim, các bác sỹ phản biện phải công nhận buổi chữa bệnh của cụ Nguyễn Đức Cần đã đạt kết quả. Ngày ấy đánh dấu quan trọng trên chặng đường nghiên cứu ngoại cảm của chúng ta.
Cụ Lang Cần: Thần y hay dị nhân?
Hàng trăm cử tọa nhiệt liệt vỗ tay đồng tình với đề xuất tôn danh Nhà văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Cần là Thần y, là Dị nhân trong cuộc Tọa đàm khoa học lần thứ Hai về cụ, tại Hội trường Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27-8-2011…
Cuộc tọa đàm lần thứ nhất tổ chức ngày 22-11-2009 tại Hội trường Học viện Hành chính Quốc gia nhân kỉ niệm 100 năm sinh của cụ. Cuộc họp mặt lần đầu chủ yếu là con cháu của các ông bà, cha mẹ mang ơn cụ trong, ngoài nước và các nhà nghiên cứu còn ít thông tin nên nội dung bàn thảo chỉ xoay quanh tài danh chữa bệnh của cụ.
Lần này, 2 năm sau, có nhiều kiến giải, như Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu nhận định: Cụ Nguyễn Đức Cần không chỉ để lại những ân tình sâu sắc trong lòng đông đảo người bệnh được cụ cứu sống mà quan trọng hơn là cụ đã để lại cho dân tộc ta sự nhận thức về sức mạnh kì lạ của tâm linh. Thành công của cụ, nếu được đi sâu tìm hiểu, có thể khẳng định tiềm năng vô tận của con người Việt Nam trước mọi thử thách của thiên tai địch họa, trước mọi sự khủng hoảng và rối ren của cả xã hội và thiên nhiên trong thời đại ngày nay.
Các dẫn liệu
Lão tướng Chu Phác (người ban đầu không tin cách chữa bệnh của cụ, cho là mê tín, sau khi nghiên cứu về cụ, càng ngày càng bị chinh phục, cuốn hút, đến nỗi có lần ông đã bị GS Vũ Khiêu phê bình dùng quá nhiều thời gian vào chuyện “mê tín”. Trong hội thảo này, dưới anh linh cụ Nguyễn Đức Cần, một lần nữa ông đã xin rút những nhận xét vội vàng ngày xưa, dẫn ra nhiều chuyện thật sự là những bài học nóng bỏng cho hôm nay. Đó là, chuyện quả báo. Một “cậu ấm” con “quan cách mạng” chơi bời nghiện hút, xin tiền mãi, bố mẹ không cho, vác dao dọa chém. Công an đến, “máu con quan” càng hung. Anh công an rút súng dọa, chẳng may cướp cò… Tay chân quan xúi kiện. Em quan lên hỏi, cụ bảo: – “Gia đình bị quả báo nặng lắm, đáng lẽ phải đi mấy mạng người. Nay nó gánh cho rồi. Thôi…”. Cả nhà nghe theo.
Chuyện nữa, bà vợ trẻ ốm liệt giường, chồng ngày đêm bên vợ chăm sóc. Nhờ cụ chữa khỏi bệnh. Đến lượt chồng ốm, vợ kêu bẩn, khó tính, bỏ mặc và còn muốn chồng “đi” cho nhẹ gánh. Cụ biết, gọi lên nói: – Nghĩ, mong thế là tội ác, quả báo đấy! Quả nhiên sau đó, chồng khỏe, vợ lại ốm, không dám lên xin cụ chữa. Cụ bảo: – Không biết sám hối, chết thôi…
Ông Nguyễn Quang Chiểu – Giám đốc Nhà máy cơ khí nông nghiệp nằm Bệnh viện Bạch Mai cắt 3/4 dạ dày, mổ mật, u ác di căn lên não, xin về lo hậu sự. Có người mách: còn nước còn tát, lên nhờ cửa cụ. Bệnh khỏi. Ông Giám đốc chở lên nhà biếu cụ chiếc máy phát điện. Cụ dứt khoát từ chối, cảm ơn, rồi nói với mọi người: – Mình ngồi quạt mát mà dân chịu nóng thì cứu được ai? Một bà bị ung thư lưỡi được cụ chữa khỏi, biếu cụ máy bơm, cụ bảo: – Cả làng gánh nước, tôi dùng máy bơm sao đành. Có khổ mới biết thương người khổ, dân nghèo…
Giáo sư Tiến sĩ y khoa Đoàn Xuân Mượu từng đi nhiều nước nghiên cứu về các hiện tượng lạ chữa bệnh không dùng thuốc. Theo GS, “sự tồn tại trên đời này một số những nhà ngoại cảm chữa bệnh không dùng thuốc là ý của Trời”. Giáo sư mượn tứ thơ của một Ẩn sĩ muốn cùng mọi người tưởng thưởng công đức cụ:
Bốn phương độ thế âm vô lượng
Ngàn dặm thành tâm khách hữu duyên
San sẻ cho đời khang phúc thọ
Trời Nam lưu mãi tiếng Chân Tiên.
Thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương dùng đủ lời cao đẹp để kính trọng tri ân vị ân nhân đã cứu nạn con gái yêu 4 tuổi của mình mà điều rất lạ là ân nhân không hề tiếp cận cháu, chỉ bảo: – Dăm hôm nữa cháu sẽ khỏi cái u thôi. Cứ về đi!…
Nhà văn “vẽ” chân dung cụ: Một lão nông hiền hậu. Vị Thiền sư cao minh. Một con người cởi mở và mến khách. Một nhà ngoại cảm tài cao, đức lớn. Một nhà đạo đức đáng quý. Một Dị nhân ân đức…
Nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải trung thực, đầy dũng khí thà chịu kỉ luật (15 năm ra khỏi biên chế) chứ không chịu thừa nhận ý kiến cấp trên cho việc chữa bệnh của cụ Lang Cần là “mê tín dị đoan” hoặc dùng phép thôi miên phù thủy mà cơ quan y tế ngày ấy ấu trĩ ra lệnh cấm. Cả hội trường nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh “đáp nghĩa” ông. Sau ông Giác Hải, là Thiếu tướng Chu Phác, người nhiều năm dày công sức nghiên cứu, tôn vinh nhà ngoại cảm siêu phàm Nguyễn Đức Cần cũng được nhiệt liệt hoan nghênh.
Các phim, ảnh được nhà nghiên cứu Giác Hải sưu tập trình chiếu và thuyết minh là những tư liệu quý hiếm rất có sức thuyết phục. Đặc biệt, như có sự phù trợ của ân nhân, ông được một “quý nhân” trao tặng tập sấm “Trung Quốc nhị thiên niên di dự ngôn”. Trong đó, “Sấm” đã tiên tri nhiều sự kiện xảy ra, nào Khải du thần khí chung vô dụng, tức là chiếc B52 rơi, trong bụng còn đầy bom, chưa có tên lửa, đạn pháo nào chạm đến máy bay mà tên giặc lái đã bật dù nhảy ra vì khi đến tọa độ Ba Đình thì đầu óc bị rối loạn. Hắn bị bắt đã khai vậy, nhà văn Hữu Mai có mặt ghi được, sau viết truyện. Cả Thủy biên hữu nữ… tức cô gái Ngọc Hà tưới hoa bên bờ hồ Hữu Tiệp, cạnh xác pháo đài bay B52. Nào Tam thập niên trung tử tôn kết, nghĩa là 30 năm sau con cháu trung kiên sẽ tôn vinh thành tựu: – Là bây giờ đây (1983-2011) con cháu chúng ta tôn danh Người. Nào Bất tín kì tài sản Ngô Việt… Rằng khó tin ở đất Ngô đất Việt lại sản sinh được người kì tài?
Kì tài dùng vũ khí tâm linh như cụ Trưởng Cần hạ pháo đài bay Mỹ. “Hạ” thế nào, ông Hải bối rối hỏi cụ. Cụ nở nụ cười thông cảm: – Ông Hải, tôi có thể chữa cái đầu đang điên thành lành thì tôi càng dễ hơn làm cái đầu đang lành hóa điên chứ?
Cái thứ vũ khí lợi hại này Viện sĩ Liên Xô Kaznatchep đã nói tới trong cuộc chiến tranh tương lai và giới khoa học Âu Mỹ thì gọi là “siêu vũ khí” – Super Weapon. Bộ óc quân sự thiên tài – Đại danh tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu đã từng nói với Thiếu tướng Chu Phác rằng “biết đâu lĩnh vực ngoại cảm sẽ là khoa học tương lai, ai nắm được thì sẽ có sức mạnh đó sao”?
Thần y hay dị nhân?
Chúng tôi đã mấy chục năm học hỏi, tập luyện, thực hành, có dăm bảy năm đi hướng dẫn dưỡng sinh chữa bệnh và viết bài về các môn pháp khí công, yoga, năng lượng sinh học, cảm xạ học… mới ngộ ra một điều, các sư phụ chỉ nêu rõ, rằng khả năng mở thiên nhãn, thiên nhĩ… cần một trong 4 điều kiện: bẩm sinh, tai nạn, tọa thiền và tập luyện. Không, như thế giỏi lắm mới đạt công năng có thể phóng chưởng công, chỉ công, miêu công, thần công, linh công, chứ chưa đạt quyền năng, là điều kiện “đủ” phải được yếu tố “thần linh” hỗ trợ. Trong thiên cổ kì thư “Thái Ất Kim Hoa Tông chỉ” của tác giả thuộc “Bát tiên quá hải” ngay ở Chương Một đã viết: con người trong “Tam tài” Thiên Địa Nhân, ai cũng có “Thiên tâm”. Song do “lục căn”, “lục trần” tham dục, tâm không thanh thì Thiên tâm không khai mở, có chút thiên huệ chăng cũng chỉ nhất thời, đơn năng.
Cụ Nguyễn Đức Cần 13 năm tầm sư học đạo, khổ luyện nơi núi cao rừng thẳm, giữ trọn đời tâm nguyện cứu nhân độ thế, không tơ hào của ai một cái kim sợi chỉ mà nên “thần” như Phật. Nhưng cụ cười bảo với ông Hải: – Tôi không phải thánh hay chúa gì – sợ “câu rút” lắm… Chúng ta chỉ có một Đại đạo là Tổ quốc Việt Nam”. Thật là một siêu nhân đất Việt! Chỉ có điều nhân chưa hòa vì thời thế khi ấy, chúng ta không biết được: Cụ Lang Cần là ai trong tâm linh?
Chúng tôi đối chiếu, thường các “dị nhân” hay “thần y” cổ kim Đông Tây chỉ được “thần” giúp có mức độ, có thời gian và quyền năng về một mặt nào đó. Cụ Lang Cần khác hẳn: y đạo, y đức, y thuật xưa nay chưa có thần y nào tài đức thiên thần, thánh thiện như cụ.
Năm 2004, chúng tôi được mời lên Chùa Đồng Yên Tử (ông Nguyễn Mạnh Can trưởng đoàn) làm lễ triệt tiêu tác động ác xạ từ xa thì nhà ngoại cảm (xin giấu tên) cho hay, chỉ có Nhị Tổ Huyền Quang và nhà văn hóa Ngô Thì Nhậm biết rõ Vua Phật Trần Nhân Tông lui về Yên Tử để lo việc đời, vì Ngài nắm rõ bọn bành trướng Nguyên Mông rất sợ hồn thiêng sông núi và anh linh Tổ quốc Việt Nam. Điều này cụ Lang Cần đã nói rõ: bọn ngoại bang đe nẹt thôi, không dám đánh Hà Nội đâu (năm 1979).
Do vậy, cử tọa cuộc tọa đàm đều nhiệt liệt vỗ tay khi chúng tôi đề nghị tôn danh cụ Nguyễn Đức Cần là Thần y – Nhà tâm linh tinh thông việc Đất- Trời. (Sự vinh danh này thuộc tín ngưỡng dân gian, nhiều dân tộc có thần y riêng của mình). Mọi người tham gia tọa đàm nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương sẽ tôn tạo mở rộng Lăng mộ cụ có biển đề:
Thần y – nhà tâm linh Nguyễn Đức Cần mãi mãi ở bên cạnh chúng ta (1909 – 1983)
Ngoài ra, cuộc hội thảo còn vạch ra thực trạng vàng thau lẫn lộn giữa những người thực sự có khả năng công tâm chân chính với một số cá nhân, tổ chức tâm linh, ngoại cảm giả danh, biến chất; thậm chí, cả những tên tay sai quá khích phục vụ nhu cầu chính trị cản trở công việc vì lợi ích chung…
Trịnh Tố Long/Người Cao Tuổi
Bạn đọc comment:
Liên Hương (27/05/2022 )
Pháp sư Trưởng Cần là bậc kỳ tài cõi nhân gian, là ân nhân lớn của gia đình tôi, kể cả sau khi cụ qua đời. Khi cụ trấn yểm các phòng cho gia đình tôi ở số nhà 11A Tông Đản thì tôi còn bé xíu, mẹ tôi kể lại rằng, chừng nào còn người mang gen của tổ tiên sống ở đây thì chừng đó lực yểm vẫn hoạt động, tà lực không xâm nhập.
Năm 1995, thày Nguyễn Văn Chiều, người sáng lập môn Tâm năng dưỡng sinh, đã tổ chức vài buổi thiền tại nhà tôi để phổ biến Tâm năng tới một số vị lão thành CM trong Câu lạc bộ Thăng Long và Ban Tài chính quản trị Trung ương, sau khi tôi tiếp khách, thày hỏi tôi ấm tách vật dụng này ai dùng, tôi trả lời là gia đình dùng từ rất lâu rồi, từ khi chuyển nhà bên 18 Tông Đản về đây, thày Chiều nói rằng những vật này phát ra ánh sáng, vừa vào nhà đã thấy ngay, nó được gia trì.
Gần đây, một người có khả năng ngoại cảm đã viết cho tôi rằng, họ thấy kim tự tháp sáng chói ở nhà tôi, “… năng lượng rất sạch và mạnh, có phong ấn phòng tà, người xấu vào đó đều bị tai ách, bệnh tật…”
Nhà tôi may mắn, hai lần được cụ Trưởng Cần tới tận nơi để xử lý cuộc đất “đối phần trung giới” rất phức tạp, cuộc đất này khá rộng, bao trùm Thành uỷ, toà nhà VCB [nhà máy nước đá cũ], UB Kiểm tra đảng, KS HH, cả dãy 11B-13-15, số 17 Thai Square tới tận Lê Phụng Hiểu…
Hôm qua, vì khoá và xích ở cửa kho bị mất tích do văn phòng thương mại của Đỗ Bá Thắng gây ra, tôi báo công an, trong khi chờ họ đền bù, tôi có dịp nói chuyện rất lâu với CA phường, khi nói chuyện về tà, một trong số họ quen người học trò của cụ Trưởng Cần, người này được cụ trao chiếc roi trừ tà, CA phường nói rằng họ tin việc tâm linh, cả khu vực này không có gia đình nào thịnh vượng, nhà nào cũng bị hãm: án tù nhiều lần, trọng bệnh, bất đắc kỳ tử, con cái điên dại, chết trẻ, tự tử, chết đuối, vô sinh, phá sản, hãm quan lộc, thương tật, gia đình lục đục… CA đi tuần khu này cảm thấy âm khí, nặng đầu, có lúc thấy luồng gió lạnh…