Mật Tông-Tại sao phải thọ pháp quán đỉnh?
Phật đã tuyên bố cả thảy các pháp chính là Phật pháp, vậy để tu tập chúng ta có thể nương theo bất cứ pháp nào mà chúng ta thích. Riêng Mật tông nhất thiết phải được quán đỉnh, nếu chưa quán đỉnh mà bạn niệm chú thì bạn chưa phải là người tu mật.
Nhiều bạn có tư tưởng cứ phải sang Tây Tạng, Ấn độ, Trung Hoa, Nhật bản… quán đỉnh mới linh. Thực tế không phải như vậy, thế gian tạm chia ra Phật giáo Ấn độ, Phật giáo Tây Tạng, Phật Giáo Việt Nam… nhưng căn bản vẫn là Phật Giáo. Phật đã nói tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh mà Phật có pháp phù hợp cho chúng sinh đó. Mật tông cũng vậy, hơn nữa tu mật đòi hỏi phải có Thầy luôn kiểm soát, trao đổi, tháo gỡ… cho học trò suốt quá trình tu tập. Khi tu tập mật tông hành giả luôn gặp những bế tắc nếu không giải tỏa kịp thời sẽ dẫn đến nghi pháp và giãi đãi chuyện tu tập.
Phật đã tuyên bố Như Lai xuống đây không nằm ngoài mục đích “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” cho tất cả chúng sanh. Vậy bước đầu tiên để tu tập là khai mở cho chúng ta. Các pháp môn như Thiền Tông, Tịnh độ Tông.. chỉ cần khai mở Tâm pháp là đủ, riêng Mật Tông phải khai mở cả về THÂN lẫn TÂM PHÁP và quán đỉnh là để làm nhiệm vụ này. Hành giả đã được quán đỉnh sẽ lần lần tương ưng với THÂN KHẨU Ý của mười phương chư Phật, thể nhập với TRÍ HẠNH LỰC của mười phương chư Phật, chư Đại Bồ tát hay còn gọi là NGỘ NHẬP Phật tri kiến vậy.
Bản chất của việc Quán đỉnh chính là khai mở cho người bắt đầu tu tập, khai mở về Thân và Tâm pháp. Hành giả có nhiều căn cơ khác nhau do đã tu qua nhiều đời nhiều kiếp trước rồi, hai nữa ở ngay trong kiếp này hành giả sẽ tu tập qua nhiều pháp, nhiều tầng bậc tu chứng nên sẽ nhiều lần được quán đỉnh /thọ pháp/ khai mở để phù hợp với pháp mình đang/ sẽ tu tập, và thực tế là như vậy.
Xét về lý nếu chỉ quán đỉnh 1 lần rồi tu cả đời thì hành giả sẽ không có sự tinh tấn qua nhiều tầng bậc tu chứng, đâm ra chấp pháp, chấp Thầy, bị chấp, bị ràng buộc mà không biết bởi không vượt qua được cái chướng ấy. Không dung thông, không tận biết các pháp thì sự chấp pháp đâu có gì lạ phải không thưa các bạn.
Mật tông là phải dung thông và tận biết tất cả các pháp, là vô ngại với tất cả các pháp, cả thuận lẫn nghịch pháp, quán đỉnh chỉ đơn giản là đề-pa cho hành giả, còn tu chứng, phá chấp được hay không là do chính hành giả quyết định mà thôi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy duyên sự sẽ đưa đẩy hành giả được quán đỉnh nhiều lần, nhiều Thầy, nhiều Pháp nếu hành giả đó có đầy đủ phước duyên, hạnh lành.
Và đương nhiên người đứng ra làm lễ quán đỉnh cho người khác phải là người đã có một sự tu chứng nhất định và bắt buộc phải được sự cho phép của bề trên, bề trên đây là Minh Sư và các chư Thiên Long Thần Bát Bộ Hộ Pháp, hữu hình có, vô hình có.
Tất cả các Thầy mật tông sở dĩ ít ra mặt vì có quá nhiều bạn đến với Mật tông vì tò mò hơn là tu tập thực sự, hai nữa khi vị Thầy quán đỉnh cho học trò thì vị Thầy đó đương nhiên phải gánh phần lớn nghiệp của học trò nên đủ thứ rắc rối ầm ầm kéo tới, nếu Thầy đó không đủ lực tự tại thì cũng rớt như chơi. Một nguyên nhân nữa là cũng có nhiều bạn đến với Mật tông nhằm mục đích tăng thêm đạo lực, ham muốn thần thông để hành nghề và thế là rơi vào ma sự, tự ràng buộc chứ không giải thoát.
Mật tông lấy Như Lai Thần lực làm Thể, lấy Thân Khẩu Ý làm Tướng, lấy Thần thông biến hóa làm Dụng với mục đích tối hậu là VÔ TRỤ với Thể Tướng Dụng ấy, tức VÔ TRỤ VỚI CÁC PHÁP, tức Ngộ Nhập Phật tri kiến vậy.
Bây giờ các bạn ngẫm xem, mình tu để làm gì?
Như Thị