Mọi sự sống đều là Tâm Linh (P1)
Một trong những tính chất đặc thù của cuộc sống hiện đại là sự bất đồng về niềm tin tôn giáo của con người đến độ thành bạo lực, và sau đó đã dẫn đến những bất đồng tương tự trong đời sống. Nietzsche, một triết gia nổi tiếng đã nhận xét rằng, Thượng đế đã chết cho nên chúng ta có thể thay thế Thượng đế bằng những sự lựa chọn theo sở thích của chúng ta. Nếu chúng ta có thẩm quyền giám sát liên tục ngày đêm những người cảm thấy họ cần phải tuân giữ giới răn của Thiên chúa, cùng với những người chưa hề bao giờ biết đến cuốn thánh kinh cũng như giới răn là gì, thì tổng số những người có đức hạnh hay xấu ác, yêu thương hay thù hận, hòa bình hay bạo lực, so với sự hình dung của tôi sẽ không khác biệt nhau lắm. Nếu có khác chăng, cán cân của sự bất khoan dung và lòng thù hận có thể sẽ nghiêng về phía những người lớn tiếng nhất về tôn giáo của họ trong bất kỳ xã hội nào.
Tôi không muốn đề cập vấn đề này để gây ra tranh cãi. Mặt khác, dường như vũ trụ cũng có tính hài hước thì phải, bởi vì ở một mức cao siêu, vũ trụ biết cuối cùng con người không thể nào không hướng đến tâm linh. Bạn và tôi là những người liên quan mật thiết đến việc việc kiến tạo thế giới thành một thế giới của các vị thánh. Bạn không thể nào bị sa thải khỏi công việc sáng tạo thế giới, mà sáng tạo là cốt lõi của tâm linh. Bạn không thể nào chối bỏ công việc sáng tạo, cho dù bạn công khai từ chối điều đó. Vì rằng, mọi thời khắc vũ trụ đang sống thông qua bạn. Cho dù bạn có tin Thượng đế hay không, thì một chuỗi những dữ kiện được chỉ đạo từ trong nhận thức tĩnh lặng để đi đến thực tại vật chất vẫn không đổi. Hệ thống điều hành vũ trụ được áp dụng để điều hành từng con người chúng ta, và vũ trụ tuân theo những nguyên lý của nó, bất chấp sự hợp tác của chúng ta.
Tuy nhiên, nếu bạn quyết định một cách có ý thức để hướng mình đến một đời sống tâm linh, thì sẽ có một sự chuyển đổi xảy ra. Những nguyên lý của hệ thống điều hành vũ trụ, tức là những nguyên lý của sự sáng tạo sẽ trở thành những nguyên lý riêng cho cá nhân của bạn. Chúng ta đã đề cập về những nguyên lý sáng tạo này rồi, bây giờ chúng ta lần lượt xem cách thức tiếp nhận của chúng ta về những nguyên lý này từ vũ trụ, để chúng có thể đi vào đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta.
1- Vũ trụ: Vũ trụ là tấm gương phản ánh ý thức.
– Cá nhân: Những biến cố cá nhân trong đời sống của bạn phản ánh con người bạn.
Không có bất kỳ tuyên bố nào mang màu sắc tôn giáo, hay một từ ngữ tâm linh nào có liên quan đến nguyên lý này. Tuy nhiên, đó là nguyên lý nền tảng phổ quát đầu tiên để có thể nói rằng, tôn giáo (gốc tiếng La tinh có nghĩa là ‘cột buộc’) thống nhất Đấng sáng tạo với sự sáng tạo của Ngài. Thế giới vật chất một tấm gương phản ánh tâm thức, nó mang ý chí và trí tuệ bên trong mỗi nguyên tử của vũ trụ.
2- Vũ trụ: nhận thức là một sự tập hợp. Tất cả ý thức của chúng ta đều được trích ra từ nguồn nhận thức chung này.
– Cá nhân: Con người trong kiếp người của bạn là sự phản ánh những khía cạnh của chính bạn.
Trong nguyên lý này, chúng ta nhìn thấy được nguồn gốc của mọi câu chuyện thần thoại lẫn nguyên mẫu của nó, mọi nhân vật anh hùng lẫn sứ mạng của họ. Nhận thức chung chia sẻ một mức độ nhận thức vượt qua khả năng nhận thức của cá nhân. Khi bạn thấy được người khác cũng có những khía khạnh giống như mình, thì thực ra bạn đã thấy được những khuôn mặt của mọi loại hình thần thoại. Như thế, chúng ta là một sinh mệnh con người mang vô số những chiếc mặt nạ khác nhau. Khi tước bỏ tất cả những chiếc mặt nạ này đi, thì những gì còn lại với chúng ta thuần tuý chỉ là linh hồn, là ánh sáng thiêng liêng.
3- Vũ trụ: Nhận thức mở rộng bên trong bản thân nó.
– Cá nhân: Mọi thứ sẽ phát triển một khi bạn chú tâm.
Trong thực tại duy nhất, ý thức tạo ra chính nó, không khác gì cách nói Thượng đế đang ở trong sự sáng tạo của Ngài, nghĩa là Thượng đế không thể tồn tại nơi nào bên ngoài sáng tạo. Thượng đế hiện diện ở khắp mọi nơi có nghĩa là, nếu đã một có nơi nào đó, thì chắc chắn nơi đó có sự hiện diện của Ngài. Nhưng trong khi Thượng đế có thể chú tâm một lúc vào hằng hà sa số thế giới khác nhau, thì loài người lại chỉ sử dụng sự chú tâm của mình một cách có chọn lọc. Nghĩa là, khi chúng ta chú tâm vào nơi này, thì chúng ta không thể chú tâm được nơi khác. Bằng cách tập trung sự chú ý, chúng ta góp phần vào ngọn lửa sáng tạo, cho dù những trải nghiệm của chúng ta là tích cực hay tiêu cực, chúng đều có tác dụng. Sáng tạo bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, sáng tạo tình yêu sẽ sinh ra tình yêu.
Deepak Chopra – Every Life Is Spiritual.
Ô-Hay.Vn –