Một ông chủ trẻ tuổi
Cuối tuần vừa rồi Martin đi thăm hai farm lớn nhất vùng. Đó là farm Ziman và Itzik Levi. Farm Ziman có tới hơn 300 người làm việc, còn farm Itzik thì hơn 100 người. Mình ăn tối và ngủ lại farm Itzik và dành thời gian tâm sự với một người bạn ở đó. Mình làm bài phỏng vấn anh ấy đủ điều về ông chủ farm cũng như cách họ vận hành công việc như thế nào.
Vận hành một doanh nghiệp hơn 100 nhân công không hề dễ dàng. Đó là chưa kể farm này hoàn toàn sở hữu và quản lý bởi chỉ một gia đình. Cả nhà Levi gồm ông bố là Itzik, cậu con cả Shai, và hai người con khác nữa ít xuất hiện. Những lời kể của anh bạn mình về gia đình này rất thú vị, nhất là về cậu con cả Shai Levi.
Shai Levi dáng người cao to, ánh mắt đầy năng lượng và đôi bàn tay rắn chắc. Mấy anh Thái kể Shai từng phục vụ trong quân đội và trực tiếp giao chiến với khủng bố. Anh nói được tiếng Anh, Thái và Tây Ban Nha. Mặc dù gia đình 4 người, nhưng Shai là quản lý chính. Bố anh là cụ Itzik thì đã lớn tuổi, ông rất giỏi nhưng giờ đã nhường lại sân khấu cho anh.
Mỗi ngày Shai phải lên lịch sản xuất cho 10 cái nhà kính, điều động 6 đội công nhân, và tiếp nhận báo cáo từ các parabay Thái Lan. Với cái uy của mình, tất cả công việc đều hoàn thành đúng hạn và đúng như anh yêu cầu, không ai dám lười biếng hay gian dối trong công việc. Anh dùng tiếng Anh để giao tiếp với sinh viên Việt Nam và Myanmar, tiếng Thái với các parabay (đội trưởng Thái Lan), và Tây Ban Nha với sinh viên các nước Trung Mỹ như Honduras.
Tuy có uy nhưng Shai không phải là một ông chủ lạm quyền. Khi một sinh viên Trung Mỹ khiếu nại với bên tư pháp về điều kiện ăn ở chưa làm cậu ta hài lòng, Shai lập tức cho cải thiện lại toàn bộ hệ thống sinh hoạt của công nhân. Lương ở Itzik Levi hiện nay được xếp vào hàng cao nhất vùng, cao hơn cả của Ziman.
Shai ít khi gặp mặt và nói chuyện với thực tập sinh. Nhưng nếu cần thì mọi người đều có thể gọi điện trực tiếp cho anh. Có lần bạn mình mới hỏi Shai là bí quyết nào giúp anh làm chủ được một farm lớn như vậy. Shai chỉ cười nhưng không nói gì, mãi đến hôm sau mới kêu bạn mình ra một bên để nói chuyện riêng. Ban đầu anh ta chỉ sắm vai người đặt câu hỏi, hỏi rất kỹ về bạn mình, lớn lên trong gia đình như thế nào, học ngành gì, ra trường làm gì… Chỉ khi đã hiểu rõ về bạn mình anh ấy mới bắt đầu nói, tóm tắt lại thì có ba ý chính.
Thứ nhất, phải hiểu rõ mình muốn gì.
Shai nói hệ thống giáo dục mọi nước trên thế giới, ngay cả ở Israel, đều chú trọng vào cung cấp giải pháp, nhưng không khuyến khích đặt câu hỏi. Hậu quả là mọi người tốt nghiệp với một đống giải pháp nhưng các vấn đề trong cuộc sống lại không cần những giải pháp đó. Theo anh thì nên làm ngược lại, đó là nhìn thấy trong thực tế doanh nghiệp mình phát sinh vấn đề gì, rồi mới nghiên cứu giải pháp cho vấn đề đó. Anh ví dụ như thế này, tiếng Anh của Shai không tốt bằng anh bạn mình, nhưng Shai lại nói được khá sõi tiếng Thái và Tây Ban Nha, đó là vì anh cần giao tiếp với công nhân Thái Lan và Honduras. Ngay cả sách, anh cũng chỉ đọc đầu mục, thấy mục nào giải đáp được thắc mắc của mình thì đọc, còn mục nào không phù hợp với nhu cầu thì bỏ qua. Trừ phi mình chọn mục tiêu cuộc đời là trở thành một học giả, tức một người học rộng hiểu sâu nhiều lĩnh vực, nhưng không có tham vọng thực tiễn nào cả, thì lúc đó mới khác.
Thứ hai, động lực và tâm trí chưa được đánh giá đúng mức.
Shai nói trong môi trường quân đội, hai yếu tố động lực và tâm trí (the heart and the mind) được đặt lên hàng đầu. Mỗi người lính, mỗi sĩ quan, đều được bồi dưỡng tình cảm, tinh thần trước nhất, phải yêu, tin, dũng cảm với mục tiêu của mình trước đã, rồi sau này mới đến học chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp. Nhưng trong môi trường học thuật dân sự, động lực và tham vọng bị đánh đồng với cái gì đó nguy hiểm và sai trái. Các trường chủ trương sinh viên chỉ nên học kiến thức thật tốt, một thái độ thân thiện thảo mai đừng mích lòng ai. Hậu quả là những người có động lực lớn thường bị cô lập, ngày xưa đi học Shai nằm trong nhóm những người có tham vọng kinh doanh, nên anh chỉ có thể tụ tập với một nhóm rất ít bạn bè cùng chí hướng, nhóm của anh ngoài giờ học còn tự lên thư viện đọc thêm sách theo nhu cầu của mình, hoặc bỏ những môn anh không thấy cần thiết. Anh cũng vẫn ngưỡng mộ các bạn đam mê học thuật đúng nghĩa, đó là các bạn học vượt ngưỡng yêu cầu trong một số môn lý thuyết chỉ để thoả đam mê nghiên cứu, vì những bạn này có đam mê lớn với khoa học. Lựa chọn nào cũng đều chính đáng, nhưng quan trọng là đừng hời hợt, làm đối phó.
Thứ ba, chú tâm vào công việc của mình (mind your own business).
Shai thấy nhiều khiếm khuyết của hệ thống giáo dục Israel, nhưng anh không dành nhiều thời gian chỉ trích nó, bởi vì anh không muốn theo sự nghiệp bình luận xã hội hay diễn giả sự kiện. Đối với anh, việc ai đó theo đuổi sự nghiệp bình luận xã hội hoàn toàn chính đáng, chỉ cần người đó thực sự đặt hết tâm trí và sự tập trung vào đó thì họ vẫn sẽ thành công. Nhưng nếu mình chọn theo đuổi một sự nghiệp nào đó khác, thì tốt nhất là đừng nên tốn thời gian bình luận lung tung. Như anh, chỉ muốn làm kinh doanh, thích triển khai sản xuất và buôn bán, tạo công ăn việc làm, nên anh chỉ quan tâm làm sao làm tốt nhất công việc của mình.
Shai dặn bạn mình thêm một điểm nữa mà mình cảm thấy có thể nâng lên thành ý thứ tư, đó là luôn làm người đầu tiên lắng nghe, và người sau cùng phát biểu (be the first to listen, and the last to speak). Đơn giản vì không ai trong chúng ta biết rõ mình muốn gì, đam mê gì, hoặc cần quan tâm tới mục tiêu nào ngay từ khi sinh ra hoặc khi mới bước ra đời. Chỉ qua quá trình thắc mắc, hoang mang, đặt câu hỏi, lắng nghe và quan sát, dần dần mình mới biết điểm day dứt nhất mà mình muốn giải quyết là việc gì. Lúc đó mới cần phát biểu, và đã phát biểu thì phải là lời phát biểu có trọng lượng, nó phải ngắn gọn nhưng chứa đựng cả một quá trình suy tư nghiêm túc, đã nói ra rồi thì phải giữ lời.
Cũng nhờ lắng nghe và đặt câu hỏi mà Shai mới đánh giá đúng anh bạn của mình là người nghiêm túc muốn phát triển thật sự. Shai nói, thật ra trong danh sách ưu tiên của anh luôn có một mục là tạo điều kiện cho thực tập sinh phát triển. Nhưng anh muốn chắc chắn rằng người đó phải là người muốn học hỏi thật sự, chứ mấy đứa chỉ bắt chuyện cho có thì làm tốn thời gian của anh lắm, anh còn nhiều việc phải làm.
Sau lần trò chuyện đó, anh bạn của mình cứ ấn tượng mãi, khi kể lại cho mình nghe thì chính mình cũng cảm thấy rất thú vị. Mình nghĩ từ đây mình cần điều chỉnh lại cách tiếp cận cuộc sống. Nên chủ động săn đuổi mục tiêu của riêng mình bằng các câu hỏi, có thái độ hân hoan hơn với các sự cố, và bớt tích luỹ thông tin không cần thiết, vì mình đã chọn theo hệ làm, chứ không phải hệ nghiên cứu lý thuyết nữa.
P/S: đây là bài phóng sự cuối cùng của mình ở Israel rồi, khi về Việt Nam mình sẽ tiếp tục các bài viết mới về chủ đề khởi nghiệp, kinh doanh, các dự án mà mình trực tiếp xắn tay áo vào thực hiện.
Các bạn có thích những câu chuyện mà Martin ghi lại được trên hành trình của mình không? Nếu thích các bạn nhớ hãy like, share public, và bật chế độ theo dõi ưu tiên facebook mình nhé.
Trong hình: Sếp Shai Levi của farm lớn thứ nhì vùng Negev đó, vẫn còn rất trẻ nhé