NĂM MƯƠI (50) BÀI KỆ VỀ BẬC ĐẠO SƯ
(GURUPANCHASHIKA)
Nguyên tác: Tổ sư Ashvaghosha (Mã Minh)
Còn được biết dưới bút hiệu là : Aryashura
Dịch ra Anh Ngữ: Geshe Ngawang Dhargyey
Việt dịch: Nguyễn Pram.
(Pháp danh: Thiện Thọ, Pháp hiệu: Pháp Định)
Namah Bhagavan Vajrasattva
(Con xin quy mạng về đức Kim-Cang Tát-Đỏa Thế Tôn)
NHƠN:
“Trong tu tập bậc đạo sư đóng vai trò rất quan trọng, là đấng tái sinh chúng ta, là cầu nối giữa chúng ta và chư Phật Thế Tôn. Chúng ta thà chết cũng không được quên Bồ Đề Tâm, Bổn Nguyện (nếu quên sẽ rơi vào Nhị Thừa) và nhất là bậc Đạo Sư, vì chỉ có đạo sư mới biết được khúc mắc trong lúc tu tập của chúng ta mà chỉ dẫn cũng như cách hóa giải.”, Sunshine Nguyen, viết.
Tuy Người truyền giáo cho chúng ta, bậc Du già hành giả Long Nhựt, hay được biết là Cư Sĩ Pram Nguyen, khẳng định không nhận đệ tử, tuyên bố: Tự tánh thanh tịnh là Đạo Sư của mọi người, Lấy A tự môn làm Bổn Tôn, A-xà-lê là Địa Tạng Tôn và Diệu Minh Chân Tâm.
Tuy vậy nhưng không thể phế bỏ những nghi thức cần thiết khi thỉnh Pháp, và những nguyên tắc giữa những người thọ và truyền giáo.
Trích:
Chớ làm mất thời giờ của bậc Đạo sư bằng cách tìm đến ngài chỉ để tán ngẫu, nói chuyện vu vơ.
Đáng ra, người đệ tử phải có cử chỉ như người con gái mới xuất giá, rụt rè, e ngại và rất dịu dàng.
Tất cả những ví dụ nầy dùng để chỉ cho những hành vi không đúng đắn và bị ngăn cấm. Không phải những hành vi nầy có thể khiến cho bậc Đạo sư nổi giận, vì như chư Phật không thể bị những hành vi xấc xược, hổn láo làm ảnh hưởng.
Nhưng vì muốn đạt đến cảnh giới viên mãn như bậc Đạo sư, và cũng để tỏ ra sự tôn kính tột bực đối với sự thành tựu nầy, mình chẳng nên có hành vi thô bỉ, xấc xược, hoặc thái độ bất khiếm, bất nhã không phù hợp với mối liên hệ thầy trò trong Đạo Phật.
Nay được sự cho pháp của bậc Truyền Giáo pháp Nhứt-Thừa Đốn Giáo, du già hành giả Long Nhựt, con xin khai mở Tôn sách 50 Bài Kệ Về Bậc Đạo Sư, ngõ hầu cho chúng hữu học biết được:
1/ Cách phụng thờ bậc Đạo Sư đúng pháp.
2/ Biết được phẩm chất, cảnh giới của một bậc Đạo Sư đúng nghĩa.
3/ Nhận diện được Tà Sư, Ác Tri Thức.
Một phen nhận lầm Tà Sư làm thầy thì coi như đã giết chết Giới-thân, Huệ-mạng của chính mình rồi vậy.
TÔN:
Mục đích duy nhất của đức Bổn Sư là đưa chúng sanh đến cảnh giới Giác Ngộ và Giải Thoát Viên Mãn.
Kinh PHÁP HOA ( Saddarma-pundarika Sutra) gọi là “ Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”.
Kinh Đại Nhựt viết:
Bồ Đề Tâm làm nhân.
Đại Bi làm gốc rễ
Phương tiện làm cứu cánh.
Như thật tri tự tâm!
Nếu không có một bậc Đạo sư thì phương tiện không thể hiển bày. Không phương tiện thì sẽ bị đắm chìm trong ưu hoạn, như kẻ sang sông mà không cần cầu đò,v.v.. mà bản thân mình cũng không biết bơi lội, thì thử hỏi bao giờ kẻ ấy có thể sang sông?
NĂM MƯƠI BÀI KỆ VỀ BẬC ĐẠO SƯ (GURUPANCHASHIKA) là một kiệt tác phẩm, là tinh hoa được rút kết từ các Mật điển để tóm thâu tiêu đề là: “Làm thế nào để phụng sự bậc Đạo Sư”, đây là quyển sách gối đầu nằm cho những ai thực sự muốn Giác Ngộ và đạt đến cảnh giới Giải Thoát Viên Mãn.
YÊU CẦU:
Quyển sách NĂM MƯƠI BÀI KỆ VỀ BẬC ĐẠO SƯ (GURUPANCHASHIKA) được ban cho các môn hạ trước khi Đạo sư ban cho họ các pháp Quán Đảnh. Trong khoảng giữa nầy thì các vị đệ tử phải:
1/ Thiết lập mối tương quan thầy trò, giữa mình và bậc Đạo Sư.
2/ Học tập các Pháp Hiển Giáo
3/ Phát Bồ Đề Tâm
4/ Có chánh kiến về Tánh Không (Sunyata)
Sau đó, nếu xét thấy đệ tử đã có chuẩn bị chu đáo, bậc Đạo sư sẽ ban các pháp Quán Đảnh, hoặc ngài sẽ hướng dẫn môn đệ tu tập lần hồi theo các giai đoạn mà kinh điển Mật Tông đã chỉ định tùy thuộc vào sự dâng hiến trọn vẹn hay không. Dâng hiến những gì?
1/ Tuyệt đối phục vụ bậc Đạo Sư, tôn kính ngài như Phật, như đấng Vajrasattva, hoặc như đấng Vajradhara, không khởi nhị tâm, không lòng phân biệt.
2/ Chí cầu Giác Ngộ và Giải Thoát hoàn toàn để có thể cứu độ tất cả chúng sanh tận bờ mé vị lai
3/ Hoằng dương Chánh Pháp chẳng tiếc thân mạng.
Những ai muốn thành tựu cảnh giới của Phật Trí Thân (Buddhajna-kaya) nên dâng hiến lên bậc Đạo Sư những gì có thể khiến cho ngài vừa lòng đẹp ý nhứt.
Sự tu tập hạnh xả như vậy, có thể đem đến quả vị Phật viên mãn cho người đệ tử tinh tấn dũng mãnh ấy trong đời hiện tại; trái lại (nếu còn có tâm chấp trước nơi ngã, pháp, chúng sanh, thọ mạng), có thể trong vô lượng kiếp tu tập cũng khó thành tựu Phật quả viên mãn được. Chớ có tìm kiếm những tham dục của thế gian, chẳng hạn như sự hãnh diện của Đạo sư về mình, hoặc chấp nhận mình như một đứa con của ngài.
Phần người đệ tử muốn thờ vị nào làm bậc Đạo sư thì cũng phải thử thách vị ấy:
1/ Xem coi ngài có khả năng để chỉ dạy mình không.
2/ Không phải nghe người ta khen hay thì tin theo, để rồi chuốc hận về sau, đời này khổ đời sau càng khổ hơn, khổ khổ triền miên vì mất đi chánh kiến, vì rơi vào Tà Đạo.
Vì hai lẽ nầy, trước khi thiết lập mối quan hệ thầy trò thì mình có được sự tự do lựa chọn, không phải tin tưởng một cách mù quáng, rồi làm theo như một kẻ nô lệ, không ai có thể khiến mình đọa Địa Ngục, cũng không ai có thể đem mình lên Thiên Đàng, chính sự lựa chọn sáng suốt hay không sáng suốt sẽ dẫn dắt mình vào ngưỡng cửa giải thoát, hay ngục tù sanh tử mà thôi.
PHẨM CHẤT CỦA MỘT BỰC A-XÀ-LÊ:
Tôn Kinh nói:
1. Vị ấy phải có Bồ Đề Tâm.
2. Diệu Huệ Từ Bi.
3. Kiêm hợp các nghề
4. Tu hành phương tiện Ba-la-mật.
5. Thông đạt Tam Thừa.
6. Khéo giải nghĩa Chân Ngôn.
7. Biết tâm của chúng sanh.
8. Trọn tin chư Phật, Bồ Tát, được pháp quán đảnh (abhiseka), khéo giải hình vẽ, hoạ tượng của Mạn-đà-la”.
9. Tánh người điều nhu, lìa bỏ chấp ngã.
10. Đối với chân ngôn hạnh, tâm được quyết định.
11. Được quyết định đối với Du già, có làm việc gì cũng tương ưng với Tam muội (samadhi).
12. Khéo tu Du Già
13. Trụ tâm Bồ Đề dũng kiện
Bây giờ, trở lại phần chú giải của Hòa Thượng Ngawang Dhargyey (người Tibet (Tây Tạng))
Điều quan trọng nhứt là bậc Đạo Sư phải là người rất trầm tỉnh, an hòa, và là bậc đã có khả năng làm chủ được thân, khẩu, ý của mình, chỉ cần nhìn thấy tôn nhan của ngài cũng làm cho thân tâm mình được an vui, ngài là bậc có tâm Đại Từ Bi, thà mất mạng chớ không làm cái nhân (hetu) để chúng hữu tình khác bị sa đọa, thà tự thân rơi vào Địa Ngục, bàng sanh, chớ không có hành vi, cử chỉ, lời nói, hay tâm nghĩ khiến cho chúng sanh chịu khổ, thường hay ca ngợi hạnh ly dục.
KẾT RẮN:
Một khi đã thiếp lập quan hệ thầy trò theo tiêu chuẩn trên thì người làm đệ tử phải hết lòng phục vụ bậc Đạo Sư.
Tuy nhiên, trong đời Mạt Pháp hiện nay, chúng ta, phần đông, vì nghiệp lực sâu dầy ngăn che, hoặc phước đức kém mỏng, hoặc trí tuệ không có, chấp trước hình tướng, tà kiến, kiêu mạn, che lấp trong tâm, chẳng được chánh kiến, nên chỉ thấy việc xấu của bậc Đạo sư. Cái thân tuy lạy Ngài làm Thầy mà lòng nghi hoặc đã nhiều, nữa tin nữa ngờ, dường như quy y mà chẳng y theo, cái tâm mình chẳng ngộ lại quay trở lại trách Đạo sư chẳng chịu chỉ dạy.
Nếu không trọng bậc Đạo sư thì không trọng pháp, hễ khinh dễ thầy thì lòng cũng khinh dễ pháp.
Hễ trọng bậc Đạo sư thì trọng pháp của ngài chỉ dạy, lòng không điên đảo, tâm không nghi hoặc thì mới mau thành tựu.
Bằng trái lại, nếu như khinh dễ bậc Đạo sư, chê pháp của ngài chỉ dạy tức rơi vào lỗi tăng thượng mạn. Tuy đồng đi với bậc Đạo sư mà lòng cách xa muôn dặm, đến chừng mạng chung vào trong Địa Ngục A Tỳ, ngàn muôn Phật ra đời, cứu độ cũng chẳng được, vì hể mất thân người ắt muôn kiếp khó trở lại được.
Nếu không đồng ý với bậc Đạo sư thì phải cầu thỉnh Ngài giải thích cho mình thông suốt, chớ có ôm lòng ngờ vực, bất kính, hoặc bề ngoài tỏ ra những hành vi chống báng, bất tuân bất phục, đối với ngài. Tội lỗi lắm thay!
Đây cũng là chỗ khó cho những người Âu Mỹ học Đạo, cũng như những đám con lũ cháu của chúng ta được sanh ra, được nuôi dạy ở những môi trường mà phần đông người ta cho là văn minh, tiến bộ. Ở đây, người ta chỉ biết lấy đồng tiền làm thước đo giá trị con người, chỉ biết thõa mãn những dục vọng thấp hèn, và cùng nhau hô hào việc dâm dục hóa nên văn học, nghệ thuật cho đó là bước tiến của nhân loại, là sự tự do thật sự của con người! Những người Âu Mỹ tuy có thế trí biện thông, nhưng lòng của họ thì đầy cống cao ngã mạn như núi Chúa Diệu Cao (Sumeru), tà kiến dẫy đầy, trí huệ lại non nớt như con chim con mà muốn bay vút tận trời cao, lại ham thích các pháp môn tu tập cao sâu như Thiền Tông (họ cho rằng Thiền không ràng buộc vào lễ bái, tụng niệm, rất tự do), Mật Tông (họ mong cầu vào các pháp thần biến để chóng giàu sang, khống chế được kẻ khác, lại không bị bó buộc vào việc ăn chay, không cần giữ giới nghiêm nhặt, không cần phải xa lánh việc dâm dục), mong muốn được làm đệ tử của các bậc thầy danh tiếng nổi như cồn, chẳng cần biết mình có mối liên hệ gì với các vị ấy trong những kiếp trước hay không, cũng chẳng cần biết giá trị chân thật của các vị “danh sư” đó ra sao! Họ tu tập theo phong trào, theo xu hướng của xã hội, chớ không phải để cứu mình cứu người ra khỏi biển vọng sông mê… Nhưng, nếu có ai trong đám người nói trên thật sự muốn tu tập, mà có thể quên thân, bỏ kiến chấp của mình tự nguyện đặt mình vào khuôn phép của bậc Đạo sư ấn định, biết phát Bồ Đề Tâm, biết phát ra những thệ nguyện rộng lớn, và biết y pháp phụng hành thì Mạt nhân xin hết lời tán thán: họ như đóa hoa sen vừa mới ló nụ trong chốn bùn dơ, họ như viên ngọc quí mới ra khỏi cát đá, họ như con phượng trong đám gà, họ như kỳ lân trong đám dã thú…
Nếu chưa có cơ duyên hội ngộ cùng bậc Đạo sư thì nguyện cho họ khi bỏ thân nầy được sanh về thế giới an lành, và chóng gặp bậc Đạo sư có khả năng dìu dắt họ trên con đường Vô Thượng Bồ Đề.
———–
[ Tất cả những giáo nghĩa đã viết được trích từ Tôn sách.
Muốn biết thêm về Ngài Mã Minh, vui lòng tìm hiểu ở Tôn sách.
Chư vị nào muốn thỉnh tôn sách nầy, vui lòng inbox trang Karma Vo.
Sau 3 ngày sẽ đăng đàn công khai.]
Xem thêm:
- Tầm quan trọng của Vị Thầy Tâm Linh
- Ai sẽ là Vị Thầy hướng dẫn cho bạn?
- Cách tôi đi tìm 1 vị Thầy tâm linh
- Làm sao để kết duyên lành với một vị thầy đáng kính?
- Người mãi là Vị Thầy Cao Quý Nhất của con – thưa Thầy!
- Lời dạy của chư Đạo sư
- Câu chuyện: Tâm thức giác ngộ của vị Thầy
- 5 lần thử thách trong mộng- Đức Diêu Trì Kim Mẫu thử thách 1 vị Thầy tâm linh