NÊN NGHE BAO NHIÊU THẦY GIẢNG PHÁP?
Mấy ngày nay tôi thử nghe pháp thêm vài Vị giảng Sư mà trước đây tôi chưa nghe, để xem thế nào.
Và Quý Vị biết điều gì xảy ra không ạ ?
Nghe mới vài ngày mà tôi thấy đầu óc mình bị rối loạn, cảm thấy không an lạc.
Từ đây, tôi mới nhớ lại câu hỏi của một Phật tử từng hỏi tôi trước đây là :
Nên nghe bao nhiêu Thầy giảng pháp khi mới bước vào con đường tu tập ?
Tôi nghĩ tốt nhất là nghe chỉ một Thầy là đủ.
Nhưng với điều kiện phải là Bậc Chân Tu, có trí tuệ, có thực hành giáo pháp Phật dạy, và có tâm có chứng ngộ rốt ráo luôn là điều cực kì tốt.
Vì sao khi tôi thử nghe nhiều Vị giảng, thì tâm trở nên bị rối loạn ?
Theo tôi có nhiều lý do, trong đó có lý do là giáo pháp được giảng từ những Vị chỉ có giỏi về sở học mà ít hành, thì việc hiểu giáo lý sẽ có sự sai khác nhau, không có sự nhất quán trong giáo pháp, cũng như đường lối tu tập.
Thậm chí nhiều khi còn bị mâu thuẫn lẫn nhau trong cùng một vấn đề.
Nên điều này sẽ rất khó cho những Phật tử mới tu, khi còn mới chập chững bước chân vào đạo, chưa biết gì nhiều về giáo pháp, sẽ rất dễ đi lầm đường lạc lối.
Giống như hôm trước tôi cũng gặp một cô gái, cô này nhìn như bị mắc nợ Vị Pháp Sư mà cô đang theo.
Vị này cũng có đăng rất nhiều bài giảng trên Youtube, nhưng đang nằm trong danh sách các Tà Sư mà giáo hội nước ta xếp vào, mà Phật tử không nên theo, coi chừng tu sẽ bị đoạ.
Qua đây, Quý Vị thấy, nghe một Vị mà nhầm Tà Sư thì cũng cực kì nguy hiểm, nhưng nếu nghe nhiều Vị mà giảng không nhất quán trong giáo pháp thì cũng không tốt.
Do đó, với mỗi Phật tử cần phải tự trang bị cho mình các kiến thức Phật học cơ bản.
Như đi mua sách Phật Pháp Cơ Bản, giáo hội nước ta ấn hành, để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất.
Sau đó, cũng cần chọn lựa rất kĩ ra một hoặc hai Vị tu có trí tuệ, có thuyết pháp để nghe mỗi ngày, để bổ xung thêm kiến thức, cũng như ôn luyện các đạo lý, nhắc nhở, sách tấn tu hành mỗi ngày.
Và luôn theo dõi chính mình, xem mình tu như vậy, học như vậy là có đúng hay chưa, đang có an lạc hay đang gặp phiền não, và nguyên nhân bắt nguồn từ đâu,….để ta có thể điều chỉnh kịp thời, nếu con đường tu bị sai, hay bị lệch.
Trước đây, tôi nhớ Sư Phụ tôi Ngài hay cầu nguyện câu là :
” Xin Phật gia hộ cho con tu đúng đường, hiểu không sai ý Phật, luôn gặp Thầy lành bạn tốt để tu học “.
Và tôi nghĩ Quý Vị cũng thế, nên thêm lời cầu nguyện này vào các thời khoá tu, lỡ có bị đi lạc, thì sẽ được Phật gia hộ và kéo về trở lại.
THẾ NÀO GỌI LÀ TÀ SƯ ?
Để hiểu được những vấn đề này, trước tiên Quý Vị cần hiểu :
Tà là gì ?
Tà nghĩa là xấu ác, bất chính, kì dị, quái đản.
Cũng còn có nghĩa là không ngay, gian, lệch, cong.
Còn Sư nghĩa là tiếng tôn xưng dành cho nhà tu hành, hay cho các đạo sĩ.
Sư cũng còn có nghĩa là thầy, thầy giáo.
Vậy nếu gộp lại, thì Tà Sư có nghĩa là người tu hành xấu ác, hiểu và hành sai giáo pháp, không đúng với đạo lý, cũng như không đúng với nhân quả, đi ngược lại với chữ đạo chân chính.
Và vì hiểu sai, hành sai nên mục đích cuối cùng nhắm đến sẽ đi không tới, đi lòng vòng, nhiều khi đi lạc luôn.
Như hướng về thiên đường, thì đi hồi là trở vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh….
Và không những họ đã sai rồi, mà truyền giáo sai, dẫn dắt những người theo họ cũng từ từ đi vào địa ngục, quỷ đói và súc sinh luôn,….
Do đó, có thể nói ai mà gặp Tà Sư rồi đi theo, tu theo, là một điều rất đáng thương, rất tội cho họ.
Vì bỏ cả một đời tu hành, cuối cùng lại vào địa ngục, bị đoạ lạc.
Do đó, mong cho Quý Vị luôn có chánh kiến, để tìm được Sư tốt, Sư trí tuệ, để đời tu về với nẻo sáng.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
Xem thêm: Phân biệt Tà đạo và Chánh đạo – TS