Nghề luật sư cần có Lương tri và Trí tuệ
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt (Hà Nội, 04/2018)
Bạn Quyết: Em kính chào thầy Thắng cùng toàn thể mọi người. Hôm nay lần đầu tiên em tham dự Trà đàm, dù đã được nghe rất nhiều bài trước đó và cũng đã được gặp thầy Thắng rồi.
Hôm nay, sau khi mọi người đặt câu hỏi thì em thấy rất hài lòng về những câu trả lời của Thầy.
Duy nhất với câu hỏi của bạn trẻ hỏi về làm người tốt trong kinh doanh thì em mong Thầy giải đáp một số cái trọng tâm hơn. Bởi vì em cũng là người khởi nghiệp và em cũng đã từng thất bại. Hiện em là luật sư.
Em nghĩ rằng câu hỏi của bạn ấy có 2 vấn đề:
- Thứ nhất là, bạn ấy muốn trở thành một doanh nhân mà Thầy nói là điều kiện đầu tiên phải có doanh nghiệp và cái doanh nghiệp ấy phải an toàn.
- Thứ hai là, khi trở thành một doanh nhân rồi thì bạn ấy được đánh giá là một doanh nhân tốt. Có nghĩa là cái tốt ở đây không phải chỉ đơn thuần là không gây ảnh hưởng cho người khác, mà có thể là bạn ấy không vi phạm pháp luật, không mang tiếng với mọi người, vì bạn ấy đã bênh cho người này mà lại làm hại người kia; hoặc là có những nguồn thu thế này, thế kia… Tức là có rất nhiều vấn đề liên quan đến chữ “tốt”.
Cũng giống như em làm luật sư thì không chỉ bảo vệ cho những người đúng, mà có lúc em vẫn bảo vệ cho cả những người sai. Em lấy ví dụ:
Một người phạm tội trộm cắp, theo khung luật thì có thể bị kết án 7 năm. Nhưng họ nói rằng, họ có nhân thân tốt, và cũng vì những hoàn cảnh mà… động cơ của họ ban đầu không phải muốn trộm cắp, mà vì người khác cố tình làm cho họ trộm cắp, dẫn đến sơ hở, tạo cơ sở cho họ ăn trộm. Thì nếu bị án 7 năm, họ không có cơ hội quay trở lại làm những việc mang tính chất hoàn lương. Họ hỏi kiểu “Anh… làm sao giúp đỡ chúng tôi giảm bớt, tầm 3 đến 4 năm đi”.
Rõ ràng họ là người phạm tội, nếu xét trên quan điểm của Phật Pháp, thì họ phải chịu cái nhân quả của họ. Nhưng nếu một luật sư mà chỉ biết bảo vệ cho những người đúng toàn diện thì rất khó để làm được nhiều việc, hoặc có một nguồn thu nhất định. Mặc dù cái việc mình làm không hề sai, không trái với lương tâm.
Thì em muốn Thầy nói thêm về điều này. Vì ai cũng có những mưu cầu về hạnh phúc, như em có vợ con thì vẫn phải kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con, lo những cái thiết yếu nhất. Xin lỗi mọi người đã nhắc lại câu hỏi của bạn này. Chắc chắc khi hỏi như thế thì bạn ấy chưa phải là một doanh nhân và cũng chưa thất bại, nên là mong thầy làm rõ điều này một chút. Em xin cảm ơn.
Thầy Trong Suốt: Đây là câu hỏi của em, chứ không phải là của bạn ấy, đúng không? Bạn ấy có thất bại đâu? Câu hỏi của em là trường hợp cá nhân. Em tên là gì ấy nhỉ?
Bạn Quyết: À, dạ vâng. Em là Quyết, luật sư và…
Thầy Trong Suốt: Quyết! Câu hỏi của bạn Quyết, đúng không? Chứ không phải là bạn kia. Rồi, bây giờ tôi làm nghề luật sư. Luật sư là bảo vệ… có những người không phải là người tốt 100%, họ là những đã người gây chuyện. Nhưng mà mức phạt đấy, đối với bạn ấy, đúng là hơi quá, vì thế mình sẽ tìm cách giảm án cho họ, đúng không? Ngay cả tòa án của nhà nước ấy, không phải lúc nào xử đúng, mọi người có đồng ý không? Toà án không phải của Việt Nam, của Mỹ, của thế giới… của bất kỳ nước nào cũng thế thôi, không phải lúc nào cũng đúng. Mỹ sai đầy, đúng không? Nên là mới có luật sư chứ! Nếu tòa đúng thì cần gì luật sư, cứ thế tòa quyết định xong là xong.
Luật sư là người phải cân nhắc giữa đúng và sai ở góc độ của những người mình bảo vệ, chứ không chỉ có một tòa án, đúng không? Góc độ của người kết tội hoặc của người bị kết tội – thế nó mới tạo ra sự cân bằng cho xã hội. Nên thầy nghĩ là không có vấn đề gì với nghề luật sư. Nếu người luật sư ấy tạo ra sự cân bằng cho xã hội thì là điều tốt, đúng không? Ví dụ, phạt 7 năm nhiều quá, 4 năm là vừa phải, như thế thì tốt. Nếu như không có ông luật sư đấy thì ông kia sẽ bị phạt 7 năm và ông ấy sẽ không làm cuộc đời một lần nữa. Đấy! Và không có gì đảm bảo là tòa cứ ra quyết định là đúng. Thì sự cân bằng đấy là tốt, nhưng nó chỉ tốt trong góc độ là gì? Nếu việc mình làm tạo ra một điều tốt, củng cố điều tốt, xây dựng điều tốt, tránh được điều xấu. Ngược lại, nếu nó gây ra điều xấu thì cái ấy mới có vấn đề.
Ví dụ nhé, ông này thực chất phải phạt 10 năm, đúng không? Thôi, mình cố gắng bảo vệ cho ông ấy xuống 7 năm. Nhưng mà ông ấy lại bảo “Em muốn 3 năm để em ra quậy nhanh hơn”, 3 năm xong quậy sướng hơn chứ. Như vậy cái việc mình làm cho ông ấy 3 năm ấy mới thực sự gây điều xấu cho xã hội, thì không tốt nữa. Tưởng là tốt cho ông ấy, nhưng mà lại hại cho xã hội – tốt 1 người, hại nhiều người – thì đâu phải là tốt! Vì thế nên mình là luật sư, mình luôn luôn phải hỏi một câu hỏi rất quan trọng: “Nếu mình làm điều này, điều này cho ông này này, thì cuối cùng có hại hay có lợi cho xã hội?”. Câu hỏi đấy chỉ có mình mới trả lời được.
Chỉ có lương tâm mình hoặc trí tuệ mình – hai thứ đấy: Lương tâm là một, trí tuệ là hai – mới cho mình biết được rằng, cuối cùng cái việc này tốt cho xã hội hay là hại cho xã hội. Nếu như mình cảm thấy rằng, việc mình cho người ta ra tù sớm, người ta làm điều xấu nhiều thì mình phải dũng cảm từ chối. Nhưng nhắc lại này, nghề luật sư rất tốt, không có vấn đề gì, cân bằng xã hội, nó giúp cân bằng đúng – sai. Nhưng nếu mình làm mà không cân nhắc thì mình sẽ cổ vũ cho điều xấu mà mình đang tưởng làm điều tốt. Vì vậy nên nghề luật sư theo thầy là một nghề rất khó, khó nhưng có thể làm được. Mà mình muốn làm được thì mình phải có trí tuệ, mình phải có lương tri của mình, lương tâm ấy, có trí tuệ. Nếu đánh mất 1 trong 2 thứ thì cái đấy sẽ hại.
Đánh mất lương tâm thì đương nhiên là bị hại rồi đúng không? Tự nhiên mình bảo vệ cho cái xấu, mà nhân quả của nó, quả của việc gây cái xấu thì sớm muộn gì cái xấu cũng quay trở lại, với ai? Quay lại với ai? Với chính mình! Đấy là đánh mất lương tâm, nhưng mà chưa đủ. Nếu mà chỉ có lương tâm mà không có trí tuệ thì không được! Vì mình không biết phân biệt thế nào là phù hợp. Nên là cụ thể từng trường hợp mà mình phân tích thôi.
Nên thầy khuyên em là bắt đầu thực hành Phật Pháp đi, vì Phật Pháp dạy cho mình hai điều:
- Thứ nhất, làm cho mình giải quyết được lòng tham. Đánh mất lương tâm vì lòng tham, đúng không? Khi mình thực hành Phật Pháp thì mình bắt đầu bớt dần tham lam đi, đấy! Mình sẵn sàng từ chối những thứ mà lòng tham xui khiến mình làm. Nhưng mình đã tu hành rồi thì mình biết cách, học được các phương pháp rồi, nên mình bớt tham. Như vậy là gì? Nếu em tu hành thì lòng tham của em giảm dần và như vậy lương tâm của em sẽ ngày càng có tiếng nói quan trọng.
- Một cái quan trọng nữa tu hành mang lại cho em là gì? Là tăng thêm Trí tuệ. Khi nhìn nhận một chuyện ấy, em không nhìn nhận từ một góc độ, em nhìn từ tất cả các nhân duyên xung quanh góc độ đấy.
- Ví dụ: Tôi cho ông này 3 năm thì ông ta sẽ rất hạnh phúc, nhưng liệu những người nào sẽ đau khổ vì cái hạnh phúc này của anh ấy? Nếu mình thấy một seri những người đau khổ hơn cả cái hạnh phúc của anh này, thì mình thôi không giúp anh này nữa, vì mình có Trí tuệ rồi. Như vậy Trí tuệ làm mình nhìn ở góc độ rộng hơn nhiều.
- Ví dụ, nghề của ông này là nghề chuyên sát sinh, thả ông ấy ra thì mỗi ngày ông giết hàng nghìn con chó, hàng trăm con chó, chủ của một lò mổ chó chẳng hạn. Thầy chắc chắn sẽ từ chối những vụ như thế! Đấy. Nhưng ông ấy là thầy thuốc, ngược lại nếu thả ông ấy ra thì ông cứu được rất nhiều người, đấy! Trí tuệ làm cho em nhìn rất nhiều góc độ và nhìn rất xa, không nhìn ngắn nữa, nhìn xa lên.
Như vậy cái em cần là gì?
Một là phải kiềm chế lòng tham và hai là phải tăng sự hiểu biết lên.
Có cái gì trên đời tuyệt vời hơn tu hành để làm điều đấy?
Đạt được cả hai thứ cho em một lúc, đúng chưa?
Cái gì mà diệt được lòng tham và tăng được trí tuệ?
Tu hành thôi! Còn tất cả thứ khác không làm nổi. Còn trong lúc em đang chưa biết thế nào là tu hành đúng đắn, em bớt làm đi, vừa thôi! Vụ nào mình thấy ngại ngại, vì mình vẫn đủ sống mà đúng không? Thiếu gì vụ đâu! Mình cảm thấy có mùi gì đó mình không thể nào biết được, để sang một bên. Tạm để dành cái thời gian đấy mà tu.
Thế còn hôm nay về, em không tu gì hết thì một năm sau nữa em gặp thầy lại hỏi đúng câu này cho mà xem. Đấy, nên đây là quyết định của cá nhân em. Em có định chọn một con đường đem cho em giảm lòng tham, tăng trí tuệ hay không? Còn nếu không cái nghề của em nó mãi mãi đứng giữa lựa chọn đấy và không có chìa khóa để giải. Đấy!
Thầy hi vọng rằng 1 năm nữa, em quay lại đây rất rạng rỡ và bảo là “Em biết rồi. Bây giờ em đã nghèo đi 50% rồi, nhưng đời em hạnh phúc thêm 500%” – thế là ngon rồi, tốt rồi. Đôi khi vợ mình bỏ, mình phải chấp nhận thôi. Vợ mình muốn một người chồng tham lam, mình không làm nổi. Đôi khi thật đấy, có những người vợ muốn ông chồng tham lam cơ “Tôi cưới ông chồng tham lam để tôi có nhiều tiền”, thì mình phải chấp nhận bị vợ bỏ thôi. Tại vì mình không làm nổi cái việc tham lam ấy để thỏa mãn họ được.
Nhưng nếu người vợ biết thông cảm, người vợ hiểu biết thì tùy em có may mắn hay không? Có khi người vợ của em lại ủng hộ em hơn bây giờ nhiều. Tự nhiên vợ ủng hộ em hơn nhiều. Tại vì cái lòng tham ấy, khi nó trỗi dậy, nó không chỉ làm hại mình mà phá tan cả những thứ xung quanh mình, sẽ làm em mất cả hạnh phúc gia đình luôn. Nên người vợ của em có lương tri, có hiểu biết, đôi khi lại còn ủng hộ “Anh bớt làm, thôi em ngày ăn 3 bữa rau cũng được”. Đấy, ở đây tu hành đạt được chính quả sẽ sướng như thế đấy. (Thầy và mọi người cười)
Tùy vào em chấp nhận thôi, không phải ai làm cũng giữ được mọi thứ trên đời này, không phải ông nào cũng giữ được cả vợ, cả công việc và cả lòng tham. Mình phải chấp nhận thôi, còn quyết định như thế nào, thì đấy em có hai thứ: Có lương tri và có trí tuệ!
(Mọi người vỗ tay)
Thầy Trong Suốt: Làm doanh nhân đối diện với lòng tham suốt ngày ấy mà. Làm doanh nhân ấy, không phải chỉ có nghề luật sư đâu. Làm doanh nhân lúc nào cũng đối diện với lòng tham. Nếu không tu hành thì sẽ rất khó làm một cách đúng đắn. Cái đấy thì thầy thông cảm với em. Ở đây ai có doanh nghiệp thì sẽ hiểu thôi. Đối diện từ sáng đến tối. Nên cuối cùng, những người không tham mới là những người thành công bền vững. Những người tham thì thành công một cách nhanh chóng và phá sản; hoặc là đau khổ một cách nhanh chóng, mục rữa một cách nhanh chóng.
Còn những người không bị lòng tham chi phối thì có thể rất chậm, nhưng mà chắc. Còn cái thành công mình có được rất là bền vững. Em phải chọn thôi, giữa nhanh chóng và mục rữa; hay là bền vững và chậm chạp?