NGHIỆP QUẢ CỦA SÁT SINH LÀ GÌ?
⛔️ 1. Thế nào là sát sinh?
Sát sinh có nghĩa là cố ý làm bất cứ điều gì để kết thúc sinh mạng của một chúng sinh khác, dù là người, súc vật hoặc bất kỳ sinh linh nào khác.
Có ba trường hợp sát sinh dẫn đến sự tái sinh ngay lập tức trong Địa Ngục Đau Khổ Tột Cùng (Địa Ngục Vô Gián) mà không kinh qua trạng thái trung ấm, đó là: giết cha, giết mẹ, và giết một vị A La Hán.
Một số người trong chúng ta nghĩ rằng chỉ phạm tội sát sinh khi có hành vi giết hại cụ thể bằng chính đôi bàn tay của mình. Nhưng không một ai trong chúng ta chưa từng phạm lỗi đạp chết vô số côn trùng dưới chân khi dạo bước.
Trẻ con cũng vậy, chúng gây ra vô số cái chết cho sinh vật trong lúc chơi đùa, dù chúng có biết điều đó hay không. Như vậy trong thực tế, tất cả loài người chúng ta dùng toàn bộ thời gian của mình để sát sinh, chẳng khác nào loài yêu quái.
⛏Hành vi cướp đi mạng sống được hoàn tất khi bao gồm đầy đủ bốn yếu tố của một hành vi tiêu cực.
Hãy lấy ví dụ về một người thợ săn giết một con dã thú.
- 1. Trước hết, ông ta thấy một con nai thực sự, hay một con hươu xạ, hoặc bất kể con vật nào, và nhận rõ chúng không chút nghi ngờ: việc nhận biết nó là một sinh vật chính là căn bản cho hành động.
- 2. Kế đó, ước muốn giết con thú phát khởi: ý tưởng giết con thú là động cơ để thực hiện hành vi giết hại.
- 3. Sau đó, ông ta bắn vào chỗ nhược của con vật bằng một khẩu súng, bằng cung tên, hay bất kỳ vũ khí nào khác: hành động giết hại của thân là việc thực hiện hành vi ấy.
- 4. Do đó, những chức năng sinh tồn của con vật ngừng lại, sự nối kết giữa thân và tâm của nó bị tách lìa: đó là sự hoàn tất cuối cùng của hành vi sát sinh.
Giả sử hôm nay bạn có ý định giết một con vật, hoặc bạn nói rằng sẽ giết, nhưng không thực sự làm điều đó. Như thế là đã có sự hiểu biết rằng đó là một chúng sinh, và có ý định hay ý tưởng giết hại con vật. Hai trong số các yếu tố của hành động tiêu cực đã được thực hiện, và mặc dù sự tác hại ít nặng nề hơn so với việc bạn hoàn thành hành vi sát sinh trong thực tế, nhưng dấu vết của một hành động tiêu cực vẫn tồn tại.
⚖️ Một số người tưởng rằng chỉ có những ai sử dụng thân thể để thực hiện việc sát sinh mới tạo ra hậu quả của ác nghiệp, còn người chỉ ra lệnh thì không – hay nếu có tạo thì cũng chỉ tạo một ít hậu quả mà thôi. Nhưng bạn nên biết rằng nghiệp quả xảy đến với mọi người có liên quan đến hành vi xấu ác đều đồng đều như nhau, ngay cả với những người chỉ cảm thấy vui thích về điều đó. Mỗi người nhận toàn bộ nghiệp quả của việc giết một con vật. Không thể có việc một hành động sát sinh lại có thể được chia ra cho nhiều người.
⛔️ 2. Nhân quả của sát sinh
Sát sinh sinh ra bốn loại nghiệp quả: kết quả hoàn toàn chín mùi, kết quả tương tự với nguyên nhân, kết quả được quy định, kết quả phát sinh nhanh chóng.
⏰ 2.1. Kết quả hoàn toàn chín mùi
Nếu sát sinh bằng lòng sân hận thúc đẩy thì điều này sẽ dẫn đến sự tái sinh trong các cõi địa ngục. Sát sinh bởi lòng tham dục sẽ bị đọa vào cõi ngạ quỷ; sát sinh do vô minh thì sẽ phải đọa vào cõi súc sinh.
Ngoài ra, khi có một sự thôi thúc rất mạnh mẽ – lòng tham, sân, hay si cực kỳ dữ dội – thì sự thôi thúc này sẽ là động cơ dẫn đến việc liên tục tích tụ những ác hạnh trong một thời gian dài, và điều này sẽ đưa đến việc tái sinh trong các cõi địa ngục. Nếu sự thôi thúc bớt mạnh và các ác hạnh giảm thiểu đi, thì sẽ đưa đến việc tái sinh làm ngạ quỷ; nếu ít hơn nữa thì sẽ tái sinh làm súc vật.
Ngoại trừ chúng sinh trong các địa ngục, không ai không chùn bước trước cái chết hay không ai không coi trọng cuộc đời mình hơn bất kỳ điều gì khác. Thế nên, hủy diệt một cuộc đời là một hành động cực kỳ bất thiện. Kinh Giáo Pháp Tối Thượng của Hồi Ức Trong Sáng (Tịnh Ức Diệu Pháp Kinh) nói rằng ta sẽ phải trả lại bất kỳ mạng sống nào ta đã cướp đi bằng năm trăm đời của riêng ta, và nếu ta giết chết dù chỉ một chúng sinh thì ta sẽ phải trải qua một đại kiếp trong thân trung ấm ở các cõi địa ngục.
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đi giữa đường thấy một chúng sinh lấy cái lưới đồng hoặc sắt tự quấn vào thân mình, lửa thường cháy đỏ trở lại đốt thân người đó, đau đớn tận xương tủy, đi giữa hư không. Tôn giả liền đến bạch Phật và hỏi nguyên nhân vì sao. Phật bảo các Tỳ-kheo:
Chúng sinh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm người bắt cá. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ. Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.
⏰ 2.2. Kết quả tương tự với nguyên nhân
Khi chúng ta đã thoát được ra khỏi cõi thấp – là nơi mà kết quả hoàn toàn chín mùi đã khiến cho chúng ta bị đọa sinh vào đó – và nay ta đã có được một thân người, nhưng dù như thế thì chúng ta sẽ vẫn phải tiếp tục trải qua những kết quả tương tự với những nguyên nhân.
????Những hành vi tương tự với nguyên nhân
Kết quả này là một xu hướng giống như là nguyên nhân lúc ban đầu. Nếu trước đó chúng ta từng sát sinh thì chúng ta vẫn còn thích giết hại. Điều này giải thích lý do tại sao, có những người ngay từ lúc còn rất nhỏ đã giết tất cả mọi côn trùng và ruồi muỗi mà họ nhìn thấy.
???? Những kinh nghiệm tương tự với nguyên nhân
Việc sát sinh ở một kiếp trước không chỉ làm cho cuộc đời hiện tại của chúng ta ngắn đi mà còn thường xuyên bị bệnh tật. Đôi khi có những đứa bé mới sinh ra đã chết như một hậu quả tương tự với nguyên nhân của việc chúng đã từng sát sinh trong một đời quá khứ; trong nhiều kiếp, chúng có thể tiếp tục chết ngay lập tức khi vừa sinh ra đời và cứ lặp đi lặp lại như vậy.
Cũng có những người sống tới tuổi trưởng thành nhưng từ thủa ấu thơ đã bị bệnh tật hành hạ, hết bệnh này tới bệnh kia không ngưng nghỉ cho tới khi chết.
Đối mặt với những tình huống như vậy, điều quan trọng là phải sám hối với lòng ân hận về những hành động đã làm trong quá khứ, hơn là tìm cách làm dịu đi những khó khăn trước mắt. Chúng ta nên sám hối với lòng hối hận và phát nguyện từ bỏ những hành vi như vậy. Hãy nỗ lực làm các thiện hạnh và từ bỏ những ác hạnh.
⏰ 2.3. Kết quả được quy định
Kết quả được quy định tác động trên môi trường sống của chúng ta. Việc sát sinh gây nên sự tái sinh trong những nơi hiểm trở, tăm tối, gồm toàn những khe núi và vách đá đầy sự nguy hiểm rình rập.
⏰ 2.4. Hậu quả phát sinh nhanh chóng
Hậu quả phát sinh nhanh chóng là chúng ta sẽ có khuynh hướng lặp đi lặp lại nhiều lần bất kỳ hành động nào ta đã làm trước đó trong đời trước. Điều này đem lại một chuỗi đau khổ vô tận trong suốt tất cả những đời sau này của chúng ta. Khi đó, những hành vi bất thiện của chúng ta sinh sôi nẩy nở nhiều hơn nữa và khiến chúng ta phải lang thang vô tận trong luân hồi.
Hậu quả ác nghiệp của việc sát sinh xảy tới với cả người cho lẫn người nhận. Bất kỳ kết quả tốt lành nào cũng đều sẽ bị hậu quả tiêu cực lấn át.
⛔️ Kết quả của những hành vi thiện và bất thiện của chúng ta có thể không biểu hiện ra ngay lập tức và không dễ dàng nhận thấy được; nhưng chúng cũng không hoàn toàn biến mất. Chúng ta sẽ kinh nghiệm quả báo của từng hành vi một khi hội đủ những nhân duyên thích hợp.
Khi một con chim cất cánh và bay cao lên bầu trời, cái bóng của nó dường như biến mất. Nhưng điều này không có nghĩa là cái bóng không còn hiện hữu. Sau cùng, dù con chim đáp xuống nơi đâu thì ở đó cái bóng của nó lại xuất hiện, hoàn toàn sẫm màu và rõ ràng như trước.
Tương tự như vậy, cho dù trong chốc lát không thể thấy được những hành vi thiện hay ác của ta trong quá khứ nhưng những hành nghiệp ấy chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ quay trở lại với ta vào lúc kết thúc.
Bằng mọi giá, chúng ta hãy tránh làm những hành động xấu xa nhỏ bé nhất dù chỉ trong phút giây, và chuyên chú làm bất kỳ điều gì tốt lành mà chúng ta có thể làm, cho dù những điều tốt lành ấy có vẻ tầm thường và vô nghĩa.
Chừng nào chúng ta còn chưa nỗ lực tinh tấn, thì mỗi một khoảnh khắc của ác hạnh sẽ tiếp dẫn dắt chúng ta đọa xuống những cõi thấp trong nhiều kiếp. Đừng bao giờ xem thường những hành động xấu ác dù nhỏ nhặt nhất, và cho rằng chúng không thể gây tổn hại lớn lao.
Như Bồ Tát Tịch Thiên (Santideva) có nói:
“Ác hạnh, dù chỉ trong khoảnh khắc
Cũng đủ dẫn tới một kiếp trong địa ngục A – Tì,
Bao ác hạnh tôi đã từng tạo từ vô thủy
Chẳng cần nói cũng biết, chúng ngăn cản không cho tôi đến được các cõi cao.”
– Nguồn: Tổng hợp từ sách Lời Vàng Của Thầy Tôi –
Vay – Mượn – Trả
Mọi thứ chúng ta đang có đều là sự vay mượn
Mượn từ cái xe, cái nhà, cái cơ thể và cả cái tính cách
Có mượn thì sẽ có trả. Chỉ khác nhau ở thời gian mượn.
Mượn cơ thể thì mượn đến suốt đời, mượn đồ ăn nước uống thì mượn mỗi ngày, mượn hơi thở thì mượn mỗi giây phút,…
Mượn mà không trả (buông bỏ) thì khổ
Trả mà không cam tâm cũng khổ
Mượn mà không biết mình mượn, lại cố tìm mọi cách để mượn nhiều hơn cũng khổ
Mượn mà bị mất cũng khổ
Trả sớm thì lãi ít, trả chậm thì lãi nhiều
Mượn là Nghiệp. Mượn Nghiệp thì trả Nghiệp
Khi hiểu rằng chúng ta đang mượn và biết ơn vì đang được mượn rồi vui vẻ trả lại khi đến lúc cần trả thì bình an, hạnh phúc.
Ô-Hay.Vn St.